Đầu tiên, xin được điểm qua một vài những nhân vật lịch sử lừng lẫy của dân tộc Việt Nam, mà năm sinh của các ngài còn được ghi rõ trong những nguồn tư liệu “chính thống”, để mà qua đó nêu ra một số nghi vấn, theo thiển ý của người viết, là thú vị, là đáng để suy ngẫm. Chỉ xin điểm qua thôi.
Một là các ngài – anh linh thần võ dân tộc Việt Nam – trải suốt chiều dài lịch sử của đất nước đã hiện thế với một số lượng khó có thể đếm xuể, mà nếu tính cả huyền sử vào đấy thì thực sự sẽ tạo thành một danh sách rất dài. Thứ hai là vì, hành trạng và uy đức của các ngài, từng người một mỗi người phải mất ít nhất một bộ tiểu thuyết, không dày thì mong mỏng cỡ “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” thì may ra mới đủ kể hết. Vả lại, đối với sự nghiệp của các ngài thì nhiều người không có lạ lẫm gì. Chỉ là ở đây, người viết muốn nhấn mạnh một điểm chung thực sự rất đáng kinh ngạc, mà ít khi những người kể chuyện về các ngài phải thốt lên ở đâu đó rằng, tại sao trên đời lại có những bậc kì tài này khi hiển lập uy danh ở nhân gian thông qua những kì tích đến mức chí bỏ mình vì Nước khi tuổi đời của họ còn trẻ đến vậy?
Xin được bắt đầu không theo một thứ tự thời gian nào cả, bắt đầu từ thời Trần …
*Triều Trần
Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng sinh năm 1259. Năm 1285 khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, mới 26 tuổi, “Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và Lưỡng cung giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc – Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết” (Wikipedia). Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (ĐVSKTT [1]) chép rằng, “Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: “Có muốn làm vương đất bắc không?”. Vương thét to: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc”, rồi bị giết”. Sự kiện bi hùng này người Việt có lẽ ai ai cũng biết. Nhưng ít ai nhấn mạnh rằng, ông thực hiện công trạng vĩ đại đời đời lưu truyền này khi ông mới 26 tuổi! Quả thực, ngày nay, cứ thử gõ Trần Bình Trọng vào Google mà xem, sẽ hiện ra hình một ông lão tầm 50 tuổi gầy gò hom hem.
Trần Quốc Toản sinh năm 1267. Năm 1282, ông mới 15 tuổi, không được tham dự hội nghị Bình Than để tỏ rõ quan điểm chủ chiến, ông đã bóp nát quả cam trong tay lúc nào không rõ. Trần Quốc Toản là bậc kì tài. Ba năm sau ở tuổi 18 tuổi ông đã lập nhiều đại công. ĐVSKTT ít nhất biên tên ông vào hai trận lớn, ngang hàng với những Nguyễn Khoái, Trần Quang Khải. Đặc biệt, “theo sách Việt sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh, khi Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn để cướp lại lương thực thì quân của Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư chống đỡ kịch liệt. Quốc Toản đánh thắng, bắt được Ô Mã Nhi” (Wikipedia).
Trần Quốc Toản mới 18 tuổi đã lập đại công, thậm chí là công đầu đó là bắt sống Ô Mã Nhi, có phần lấn lướt cả Trần Khánh Dư. Mà Ô Mã Nhi là ai? Danh tướng bậc nhất Nguyên Mông, con trai tổng đốc Vân Nam, hậu duệ đời 28 của nhà tiên tri Mohammad (Wikipedia). Và Trần Khánh Dư là ai? Là vị danh tướng thời Trần, đã thành danh (Phiêu kị đại tướng quân, tước Nhân Huệ Vương) từ lần chống Nguyên trước (1258), là người lập đại công đốt hơn 17 vạn thạch lương của đại quân Nguyên Mông tại Vân Đồn, là người sau này thống lĩnh quân đội phò vua Trần Anh Tông vào tận đất Chiêm Thành bắt sống vua Chiêm, khi đã 72 tuổi.
Hãy xem ĐVSKTT biên lại như thế nào về công trạng của Trần Quốc Toản giai đoạn 1282-1285, dù chỉ vài dòng rất ngắn, rằng ông TỰ MÌNH “huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ 6 chữ :”Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không giám đối địch”. Ông làm được tất cả những điều trên chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 15 tới 18 tuổi. Bởi vậy phải nói Trần Quốc Toản là bậc kì tài.
Trần Nhật Duật sinh năm 1255. Năm 1280, khi mới 25 tuổi, ông đã được giao trọng nhiệm bình định Bắc cương. Khỏi phải nói vùng núi Tây Bắc có ý nghĩa trọng yếu như thế nào nhất là trong các cuộc kháng chiến của Việt tộc. Nhà Lý đã chẳng phải gả nhiều công chúa của mình để giữ yên biên cương phía Bắc đó sao [2] ?!
Theo như ĐVSKTT thì vào năm 1280: “Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản. Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến. Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành: “Mật không giám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng”. Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5, 6 tiểu đồng cùng đi. Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang”.
Chuyện này ngày nay rất nhiều người biết đến. Nhưng ít ai nhấn mạnh rằng Trần Nhật Duật lập được kì tích này một cách dễ như trở bàn tay ở tuổi rất trẻ, 25!!!
Nếu kể tên các vị anh hùng thời Trần thuở đầu giữ nước – những vị mà danh tiếng đã lẫy lừng từ khi tuổi đời còn rất trẻ – mà tính thêm cả những nguồn sử liệu khác ngoài các nguồn tư liệu chính thống thì chắc là một bài viết không thể đủ. Và vượt quá hiểu biết của người viết. Tiếc là các nguồn chính sử kiểu như ĐVSKTT ghi chép rất sơ sài. Nhất là về cuộc bình Nguyên lần đầu. Thực sự là quá sơ sài đối với bối cảnh của một triều đại còn non trẻ, mà đã gặp phải cường địch [3].
Cho cuộc chiến bình Mông lần thứ nhất, ĐVSKTT ghi rằng [năm 1257]: “tháng 9, [nhà vua] xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”. Hưng Đạo Vương khi đó mới 29 tuổi, mà đã là Tiết chế của toàn bộ quân đội Đại Việt. Các vị đại tướng nổi bật khác, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải mới 17 tuổi; Nhân Huệ Vương Trần Khách Dư mới 18 tuổi mà đã được coi là người có tài dụng binh chỉ sau Hưng Đạo Vương. Rất tiếc, chính sử chép rất ít về công trạng của hai ông vào giai đoạn này. Ít đến bất thường. Ngay cả trận Đông Bộ Đầu, trận chiến có yếu tố quyết định nhất trong cuộc bình Mông lần đầu cũng chỉ có được một câu trong ĐVSKTT!
Đó là thời kì đầu, còn về cuối thời Trần thì sao? Có một nhân vật hiệt kiệt nữa xuất hiện, là Trần Khát Chân, dòng dõi Trần Bình Trọng. Ông sinh năm 1370. Năm 1389, lúc mà quân Chiêm xâm phạm nghiêm trọng đến mức đánh bại cả Hồ Quí Ly, vua Trần chỉ còn một người duy nhất để trông cậy, khi đó mới 19 tuổi, Trần Khát Trân. Theo ĐVSKTT, giữa lúc Hồ Quí Ly từ chối nắm binh quyền chống giặc sau hàng loạt thất bại, “tháng 11, Thượng hoàng sai Trần Khát Chân chỉ huy quân Long Tiệp ra quân đánh giặc. Khát Chân vâng mệnh, khảng khái nhỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Thượng hoàng cũng khóc, lấy mắt tiễn đưa”.
Một năm sau, 1290, Chế Bồng Nga, người được coi là vị vua vĩ đại bậc nhất Chiêm Thành từng 12 lần Bắc phạt Đại Việt, khi đó thống lĩnh quân Chiêm, đánh đâu thắng đó, thế như chẻ tre, tiến thẳng ra tận Bắc Hà. Nước Việt không ai chống đỡ nổi. Theo ĐVSKTT, “Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được chúa nó là Chế Bồng Nga ». Nhà vua, để khen thưởng, đã phong “Trần Khát Chân làm Long Tiệp phụng thần nội vệ thượng tướng quân, phong tước Vũ Tiết Quan nội hầu”. Khi đó, Trần Khát Chân chỉ mới 20 tuổi!!!
Năm 1399, Trần Khát Chân chưa đầy 30 tuổi, đã là Thượng Tướng quân, ảnh hưởng cực kì to lớn, lôi kéo được gần 400 quý tộc mưu phản Hồ Quý Ly. Nhưng bất thành. Toàn thư chép : “Khát Chân người Hà Lãng, huyện Vĩnh Linh [Vĩnh Lộc, Thanh Hóa] , ba đời làm thượng tướng quân. Người đời truyền Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét 3 tiếng, chết qua 3 ngày sắc mặt vẫn như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau có hạn hán, cầu mưa thì ứng nghiệm ngay”.
Cương vực Đại Việt thời Trần trước và sau khi vua Chiêm Thành Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý
*Triều Lê
Lê Thái Tổ Lê Lợi bắt đầu xây dựng đế nghiệp bằng một sự kiện nổi tiếng: Hội thề Lũng Nhai. Trong số các khai quốc công thần tham gia hội thề Lũng Nhai, có hai vị mà các nguồn tư liệu chính thống còn ghi rõ năm sinh, mà nếu để ý tới tuổi của các ngài ta sẽ không khỏi giật mình, vì ở tuổi đó các ngài đã đường hoàng tham gia Hội thề cùng với những Lê Lợi, Lê Lai, và Nguyễn Trãi. Và liên tục lập chiến công hiển hách những năm sau đó. Một vị là Trịnh Khả, vị kia là Đinh Liệt.
Trịnh Khả sinh năm 1403, khi tham dự hội thề Lũng Nhai năm 1416, ông mới 13 tuổi! Trịnh Khả lập nhiều chiến tích lẫy lừng trong suốt 10 năm kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn. Ngay từ năm đầu của kháng chiến, 1418, khi mới 15 tuổi đã lập đại công. Quả vậy, theo tạp chí Xưa và Nay [3], “bấy giờ, trong Bộ chỉ huy Lam Sơn, Trịnh Khả là người vừa thông thạo tiếng nói lại vừa nắm vững đường đi lối lại sang Ai Lao, ông cũng là người có biệt tài ứng đối, do vậy, Lê Lợi quyết định cử ông làm sứ giả. Triều đình Ai Lao đồng ý giúp Lam Sơn một số quân và voi chiến, khí giới… cộng với năm tháng lương. Với thành công rất đáng kể trong chuyến đi sứ này, Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc phục hồi lực lượng của Lam Sơn”.
Năm 1426, ở tuổi 23, ông là người chỉ huy 2 trận đánh lớn là Ninh Kiều và Xa Lộc trên đường Bắc tiến của nghĩa quân Lam Sơn, vẫn theo Xưa và Nay, khiến cho “chủ tướng của chúng Trần Trí phải hốt hoảng tháo chạy về Đông Quan”. Ông cũng là người chỉ huy trận Tốt Động-Chúc Động, “trận quyết chiến chiến lược”, “để rồi cuối cùng đập tan hoàn toàn mưu đồ của Vương Thông », người « được lệnh mang năm vạn quân Minh sang cứu nguy”.
Đặc biệt, ông là một trong hai chỉ huy (cùng với Phạm Văn Xảo) đập tan đại quân đông tới 15 vạn của Mộc Thạnh tại ải Lê Hoa. Theo Wikipedia, “vào thế kỉ 18, sử gia Lê Quý Đôn đã tham khảo sử cổ, gia phả, sắc phong các công thần để viết bộ sử Đại Việt thông sử, ông đã biên soạn một phần riêng cho Trịnh Khả, trong đó có chép bài chế vua Lê Thái Tổ ban cho ông: Trận đánh ở Nhân Mục, Tam Giang, Vương Thông mất mật; trận đánh ở Lê Hoa, Lãnh Thủy, Mộc Thạnh hết hồn… Trận Lê Hoa diễn ra năm 1427, khi đó, Trịnh Khả mới chỉ 24 tuổi!
Đinh Liệt thì sao? Ông sinh năm 1400, tham gia Hội thề Lũng Nhai khi mới 16 tuổi. Trải qua nhiều chiến tích, thì chiến công lớn nhất của ông là cùng Lê Sát đánh bại hơn 10 vạn quân Minh ở mặt trận Chi Lăng, và giết được chỉ huy của giặc là Liễu Thăng. Khi đó là năm 1427, ông mới 27 tuổi.
Mà Liễu Thăng là người thế nào? Khi tử trận ở ải Chi Lăng đã là An viễn hầu, Chinh Lỗ tướng quân. Ông này từng phò giúp Chu Đệ lên ngôi hoàng đế nhà Minh sau khi trải qua 20 trận lớn nhỏ. Công trạng này giúp Liễu Thăng được phong là Tả quân Đô đốc thiêm sự. Về tuổi tác, Liễu Thăng ít ra nhiều tuổi gần gấp đôi Đinh Liệt, vì ông đã từng đến Việt Nam lần đầu cách đó 20 năm (1406) trong vai trò phụ giúp Trương Phụ sang bình định Đại Ngu nhà Hồ. Ở giữa hai lần đem quân xâm phạm đất Việt, Liễu Thăng còn lập được kì công là đánh bại lãnh tụ người Mông Cổ là A Lỗ Đài. Nhờ thế, ông được phong làm An viễn hầu, hàm gia thêm thành Thái tử thái phó. Uy tín của Liễu Thăng đối với vua quan nhà Minh lớn đến mức, để chấp nhận đề nghị hòa hiếu của Đại Việt, Minh Tuyên Tông “yêu sách nhà Lê mỗi khi sang sứ phải mang theo “người vàng Liễu Thăng” (tượng hình Liễu Thăng đúc bằng vàng) để đền mạng cho Liễu Thăng, kèm theo sản vật địa phương. Để giữ yên bờ cõi, chấm dứt chiến tranh, Lê Thái Tổ chấp nhận việc cống người vàng đó” (Wikipedia). Thế mới thấy, chiến công của Đinh Liệt ở tuổi 27 quả thực là hiển hách.
*Thời Bắc thuộc
Nếu như Lý Bí (sinh năm 503) ở tuổi 38 (năm 541) đã khởi binh chiếm được Long Biên, và sau lật đổ ách thống trị nhà Lương lên ngôi Nam Việt Đế ở tuổi 41 (năm 544), thì người được ông giao trọng trách nắm giữ binh quyền toàn nước Vạn Xuân năm 546, Triệu Quang Phục sau đó đã lên ngôi vua, kế tục sự nghiệp chống quân Lương ở một độ tuổi trẻ đến mức kinh ngạc.
Quả vậy, ĐVSKTT chép, năm đó, Lý Nam Đế, “ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh [Trần] Bá Tiên”. Nhiều tài liệu đã viết về Triệu Quang Phục và công tích của ông. Nhưng ít khi thấy người ta nhấn mạnh rằng, ông được giao binh quyền Vạn Xuân khi mới 22 tuổi (ông sinh năm 424). Hai năm sau, ông lên ngôi Triệu Việt Vương ở tuổi 24 sau khi đã đánh đuổi quân Lương, trị vì Vạn Xuân trong 23 năm.
Cứ cho Vạn Xuân là nước nhỏ, nhưng điều đó không có nghĩa thành công của Triệu Việt Vương ở tuổi đôi mươi không phải là kì tích. Để hiểu Triệu Việt Vương giỏi thế nào, hãy thử xem đối thủ của ông là ai. Đó là Trần Bá Tiên, vị tướng tài giỏi bậc nhất thời Lương Vũ Đế, khi đó đã làm tới Tư mã Đại Lương. Trần Bá Tiên là người sau đó lập nên nước Trần, quốc gia kéo dài 32 năm, có những lúc đã lớn mạnh tới mức cùng với Bắc Tề và Bắc Chu chia ba Trung Quốc.
Nhưng nếu nói những Triệu Việt Vương, Trần Quốc Toản, hay Trần Khát Chân là những tấm gương tuổi trẻ mà đã là bậc kì tài, thì có lẽ phải gọi những gì mà một nữ nhân như Triệu Trinh Nương làm được ở tuổi mười tám đôi mươi là những công tích của một vị Thần. Đến giặc còn phải thốt lên “Hoành qua đương hổ dị/ Đối diện Bà Vương nan”.
Nếu đặt trong bối cảnh mà, kể từ khi Nhâm Diên, Tích Quang đưa Nho Giáo làm kim chỉ nam cho việc cai trị Giao Chỉ Cửu Chân nhất là trong giáo dục lẫn việc tìm kiếm người bản xứ tham gia chính quyền từ những năm 20-30, thì có vẻ như, nhất là sau thất bại của Trưng Vương và các vị Nữ tướng của Hai Bà, việc 200 năm sau đó, giữa một thế giới của đàn ông [4], bỗng nhiên có một người con gái mười chín đôi mươi thu phục được lòng người nước Nam đứng lên chống lại quân Ngô, quả thực rất khó giải thích.
Bà cùng anh dấy binh năm 19 tuổi. Sau khi anh bà Triệu Quốc Đạt tuẫn quốc, Bà được tôn làm thủ lĩnh, khi mới ngoài 20. Theo sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Bà nổi tiếng với câu nói : “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!” (wiki). Chỉ một câu nói, ý chí của Bà đã vượt xa hầu hết nam nhi khắp toàn cõi Việt.
*Thời Hai Bà Trưng
Chưa bao giờ chỉ trong một thời gian rất ngắn, ở đất Việt Nam lại nổi lên những nhân vật anh hùng cái thế mà tuổi trẻ tài cao đến như vậy. Quả vậy, khi khởi binh năm 39, nếu như những vị như là Hai Vua là Trưng Trắc (28 tuổi) và Trưng Nhị (25 tuổi), cùng quân sư Thánh Thiên công chúa (29 tuổi), hay Bát Nàn tướng quân Vũ Thục Nương (22 tuổi) đã được coi là trẻ, thì các vị danh tướng lừng lẫy thời đó là Lê Chân mới 19 tuổi và công chúa Phật Nguyệt chỉ hơn 16 tuổi. (Và xin được nhắc lại, rằng trên đây chỉ là những vị mà tuổi tác còn được công nhận bởi những dòng thông tin chính thống [5]).
Cả sử Hán lẫn sử Việt dù muốn hay không, dù chỉ vài dòng sơ sài cũng phải công nhận rằng Hai Bà cùng các nữ Đô Đốc Lĩnh Nam đã chiếm tới 65 thành, trên một lãnh thổ rộng khắp từ Tây Thục tới Giang Đông, trong một thời gian ngắn kỉ lục.
Trước khi xem lại những kì tích của công chúa Phật Nguyệt ở tuổi từ 16 đến 20 (!!!), hãy điểm xem đối thủ của các Bà là ai.
Đầu tiên là Hán Quang Vũ Đế. Công trạng của ông được người đời sau ở phương Bắc tán dương thế nào ? Theo wiki, “Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú thường được các sử gia Trung Quốc đánh giá rất cao về thành tựu, điểm sáng nhất là ông đã dựng lên nhà Đông Hán, khiến Trung nguyên tiếp tục thịnh vượng hơn 200 năm tiếp theo dưới triều Hán của họ Lưu. Về mặt quân sự, ông được ca ngợi là một thiên tài quân sự, một anh hùng kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc”.
Dưới Hán Quang Vũ Đế, chắc phải kể đến Phục Ba tướng quân Mã Viện. Khỏi phải dài dòng đi vào chi tiết công trạng của ông với nhà Đông Hán. Hẳn người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa còn nhớ khi đi bình Mạnh Hoạch, Gia Cát Khổng Minh đã thăm viếng miếu thờ của Mã Viện với một phong thái tôn trọng ra sao, và Gia Cát Thừa tướng nhà Thục là bậc thần tài như thế nào ?! Dưới trướng của Mã Viện còn nhiều vị tướng tài danh khác, đáng kể nhất là Lưu Long, một trong nhị thập bát tú khai quốc công thần nhà Đông Hán, sau này làm tới Phiêu kị tướng quân, hàm Đại tư mã, thống lãnh quân đội nhà Đông Hán.
Hẳn là, đến như Mã Viện cũng phải cảm thấy kì quái, tại sao cái mảnh đất phương Nam bé tí ấy lại sản sinh ra toàn những bậc kì tài, tuổi đời còn rất trẻ, lại hầu như đều thuộc giới nữ lưu. Nếu không vậy, thì không thể giải thích nổi hành động của ông khi đặt một cột đồng cùng với ý định nguyền rủa đến ngàn đời rằng “đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” [6].
Như đã nói, xin được trích lại những dòng mà ngày nay người ta còn lưu lại về chiến công của công chúa Phật Nguyệt, (đồng thời xin lưu ý hai điểm: một là khi đó, bà chưa đầy 20 tuổi, và hai, là ngày nay nếu nhìn vào google map, thì ước ra khoảng cách từ Hồ Động Đình đến nơi sinh của công chúa Phật Nguyệt (có cái tên rất thuần Việt làng Vũ Ẻn, Thanh Ba, Phú Thọ), cũng phải cả ngàn cây số, không biết với sức ngựa thời đó thì đi mất bao lâu bao xa ( ?!)): “Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Tô Định phải bỏ chạy thẳng về nước. Nữ tướng Phật Nguyệt nhận lệnh truy kích quân của Tô Định đến tận vùng biên giới là hồ Động Đình. Sau khi thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng là Trưng Nữ Vương. [Bà] được phong là Phật Nguyệt Công chúa, giữ chức Tổng trấn khu hồ Động Đình – Trường Sa, ngăn không cho quân Hán xâm phạm nơi biên giới phía bắc. Mã Viện đem quân đến biên giới thì đụng phải nữ tướng Phật Nguyệt, quân Hán bị thảm bại”.
Năm 1979, giáo sư Trần Đại Sỹ tìm thấy tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam (tỉnh thủ phủ phía Nam Động Đình Hồ, Trung Quốc) có ghi chép trận đánh Động Đình Hồ như sau: “Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng Đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường Giang, hồ Ðộng Đình, oán khí bốc lên tới trời”.
Đình làng Phương Lĩnh, ngày nay vẫn còn lưu lại công tích của Bà qua câu đối : “Tích trù Động Đình uy trấn Hán\\ Danh lưu thanh sử lực phù Trưng”.
*Một vài câu hỏi mở
Bài viết dài. Thực ra người viết đọc rất ít, khi viện dẫn cũng chỉ biết vài nguồn gọi là chính thống dễ dàng truy cập qua internet. Chủ yếu là danh sách các ngài dài quá. Chứ nội dung kì thực có thể tóm gọm trong vài chữ, thông qua dạng một câu hỏi mở, rằng sự xuất hiện của nhiều anh hùng kiệt xuất mà công trạng của họ được thiết lập nơi nhân gian ở tuổi đời rất trẻ xuyên suốt lịch sử nước Việt liệu có phải là một ngẫu nhiên hay không, hay là, do không giải thích được, người ta hay gọi là sự sắp xếp của lịch sử của tự nhiên?
-Thời Trưng Nữ Vương, trong một thời gian ngắn, thực sự là chỉ trong một chớp mắt của lịch sử, rất nhiều những bậc kì tài được sinh ra đời gần như cùng một địa điểm. Tuổi đời sàn sàn như nhau. Phần lớn là nữ lưu, lại cùng tuẫn quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Công trạng đều rất hiển hách, được ghi trong những đền thờ dải khắp Bắc Việt và cả ở Lưỡng Quảng.
Trước khi ra trận thì phải có quân đội. Trước khi có một đội quân có thể chiến đấu thì phải có tập hợp lực lượng, phải có huấn luyện. Trong chiến tranh trên một vùng lãnh thổ rộng lớn thì phải có hệ thống hậu cần, có vận chuyển quân lương, có phối hợp, có tác chiến. Khi ra chiến trận thì phải biết điều binh khiển tướng, phải biết bày binh bố trận, nghĩa là phải có binh pháp, có võ công. Tất cả những điều đó, dẫu có là nam nhi đại trượng phu, mất cả đời người cũng chưa chắc làm nổi. Có phải thế không?
-Trong khi Mã Viện Lưu Long Đoàn Chí là hậu duệ của những Tôn Tẫn Ngô Khởi. Trung Quốc là cái nôi của không chỉ văn hóa mà còn của võ công binh pháp, lịch sử trải qua đến thời những Mã Lưu Đoàn kia là đã qua những cái “lò luyện đan” thời Phong Thần Chu Ân, thời Xuân Thu Chiến Quốc, thời Tần lập Đại Trung quốc, thời Hán Sở tranh hùng. Quân đội Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện Lưu Long hẳn không chỉ biết đến chiến thuật trứ danh mang tên « biển người » của quân đội trung cộng thời Đặng Tiểu Bình – có phải thế không?
Đối đầu với một đội quân như vậy thì lòng yêu nước và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ là không đủ. Bởi lòng yêu nước và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ cùng lắm chỉ có thể tạo ra các cảm tử quân đeo bom vào người, mà ngày nay người ta gọi là “khủng bố”, có phải vậy không?
Vậy, để những người con gái tuổi đôi mươi kia, có thể có võ công, biết điều binh khiển tướng, biết bày binh bố trận thì những ai là Thầy của họ? Bao nhiêu người Thầy cho đủ, trong khi các Bà nhiều như thế? Trong khi gần như không hẹn mà các Bà đều khởi binh tại những vùng đất nơi mình sinh sống trước khi tụ họp dưới cờ Nghĩa cuả Hai Bà Trưng, ở cái thời đi lại rất là khó khăn không điện thoại không internet? Nếu có những người Thầy giỏi như thế, tại sao họ không chịu lãnh trách nhiệm nặng nề ấy, lại đùn đẩy cho tương lai, để nó trên những đôi vai mỏng manh của những người con gái nước Việt tuổi mới đôi mươi?
Ngày nay, thông tin đầy đủ, chỉ nháy mắt là có thể truy cập vào tất cả. Nhưng mất bao lâu mới đào tạo được một người tài? Người tài đó, liệu có thể sáng ngang với công chúa Phật Nguyệt 18 tuổi chỉ huy hàng nghìn người lẫy lừng cả một vùng Trường Sa đối đầu với những người chinh chiến hàng chục năm tự nam tới bắc của cả một Trung Quốc rộng lớn?
Sự xuất hiện của rất nhiều bậc kì tài trong cùng một thời điểm của lịch sử, cùng là nữ giới, có thể lĩnh hội một lượng lớn những kiến thức bậc nhất về võ công theo nghĩa rộng thời bấy giờ là một điều thực sự hi hữu. Điều này không thể giải thích được bằng thuyết tiến hóa. Đúng không nhỉ? Bởi theo thuyết này, những hạt giống ưu tú sẽ chỉ xuất hiện sau một thời gian dài gọi là “chọn lọc tự nhiên”. Bố mẹ các Bà “không làm gì” thực sự nổi trội mà sao sinh ra các Bà tài thế? Mà trước các Bà không có một ai, mà sau các Bà cũng không có một ai có thể sánh ngang với tầm vóc của các Bà? Những người có thể sánh ngang với tầm vóc của các Bà thời đó, họa chăng, lại chính là đối thủ của các Bà, những Hán Quang Vũ Đế và Nhị thập bát tú dưới cờ của ông.
Hiện tượng hi hữu này, phải hơn một ngàn năm sau, mới xuất hiện, ở trong một bối cảnh rất khác …
Tuy rằng, cũng như vậy, việc rất nhiều con người kiệt xuất được sinh ra cùng một giai đoạn lịch sử, thuộc cùng một gia tộc, Tộc Trần, như là một chuẩn bị của lịch sử nước Nam trước một nỗ lực xâm lược gần như không mệt mỏi của Nguyên – Mông là một hiện tượng hi hữu khác rất khó giải thích.
-Hưng Đạo Vương trước khi nắm quyền thống lĩnh quân đội ở tuổi 29 chưa từng có một trận thực chiến nào để người Mông Cổ biết đến ông. Tương truyền, khi đó, ông đã là tác giả của hai cuốn Binh thư yêu lược và Vạn Kiếp bí tông truyền thư. Những Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư đánh trận khi chưa đầy 18. Trần Quốc Toản tự mình thành lập huấn luyện quân đội ở tuổi 15, đích thân xông pha hòn tên mũi đạn ở tuổi 18. Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng hiển hách ở tuổi 25, 26, v.v.
Nhà Trần rút kinh nghiệm của nạn ngoại thích hoành hành cuối thời Lý, ban đầu chỉ tin dùng người trong tộc. Đến hôn nhân, cũng khuyến khích rất mạnh hôn nhân nội tộc. Để thấy được việc một người ngoại tộc chiếm được lòng tin của người nhà Trần khó đến thế nào, có thể lấy ví dụ của Phạm Ngũ Lão: thời trai trẻ, tài trí nổi danh một vùng, thế mà Phạm Ngũ Lão đã phải dùng đến cách ngồi chắn đường đi lại của Hưng Đạo Vương, thản nhiên như không chịu một giáo đâm vào đùi của mình, mới có thể thu hút sự chú ý của vị bố vợ tương lai.
Qua sự kiện Phạm Ngũ Lão ra mắt Hưng Đạo Vương, có thể nói, không sinh ra làm người tộc Trần thời đó, gần như không thể cầm quân ở tuổi đôi mươi.
Vậy thì, lịch sử đã sắp xếp kiểu gì mà khéo vậy, để ngần nấy người tài cùng sinh vào một gia tộc, vượt qua trở ngại này, để có thể “dễ dàng” (hơn người khác) tiếp cận tới những vị trí quan trọng chủ chốt trong quân đội kháng chiến Đại Việt, lại vừa khéo đúng lúc quân đội vĩ đại Nguyên Mông kéo đến?
Tài năng của họ là không thể bàn cãi. (Vì đối thủ của họ là những người giỏi chiến trận nhất thời bấy giờ. “Biển người” cũng chưa bao giờ là chiến thuật của kị binh Mông Cổ. Nhất là hai lần bình Mông sau đó, Hốt Tất Liệt không phải là Mông Ca. Ý chí chinh phục thế giới của ông là không gì có thể lay chuyển. Nếu ông không qua đời, Đại Việt sẽ phải bình Mông lần thứ tư, và có thể là thứ 5. Bởi, đối với Hốt Tất Liệt, Đại Việt nhỏ bé thực đấy, nhưng lấy được nó là điều ông sẽ làm bằng được, đến chết mới thôi. Không phải là người có nguyên tắc quyết liệt như thế, làm sao Hốt Tất Liệt có thể trở thành vị Đại Hãn cổ kim chưa từng có, phải không?
Nếu tài năng của những người mang họ Trần kể trên là không thể bàn cãi, vậy nếu những người họ Trần đó lại không phải mang họ Trần, thì phải mất bao lâu để họ trở thành những người được cầm đại quân đối đầu với quân đội Nguyên Mông? Tại sao những người mang họ Trần đó lại ngẫu nhiên cùng mang họ Trần vào cùng một khoảng chớp chớp nhoáng của lịch sử?
Để kết, xin hỏi, tất cả những điều này có phải thực sự là ngẫu nhiên hay không? Những nghi vấn này không phải là thú vị là đáng suy ngẫm hay sao?
CHÚ THÍCH:
[1] Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1985-1992)
[2] Độc giả có thể tìm xem thêm bài trên Xưa vày Nay với từ khóa giải mã vấn đề Thân Thiệu Thái”.
[3] Cường địch, bởi vì lực lượng của Mông Cổ thực rất tinh nhuệ, lại vừa mới cướp được Đại Lý, lương binh dồi dào, được lãnh đạo bởi một nhân vật lớn, đó là Ngột Lương Hợp Thai, tước phong lên đến Thái sư, con trai của đệ nhất khai quốc công thần thời Thành Cát Tư Hãn là Tốc Bất Đài. Hơn nữa việc chiếm được Đại Việt có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng trong cuộc bình Tống của người Mông Cổ khi đó, sau khi đã chinh phạt gần như cả thế giới được biết đến thời kì đó: tạo một mũi tấn công thứ tư tấn công vào Trung Hoa qua ngả Đại Việt. Không chỉ là ý nghĩa về mặt quân sự, mà nó còn là rất to lớn về mặt chính trị, trong cuộc tranh giành quyền lãnh đạo Mông Cổ giữa Mông Ca và em mình là Hốt Tất Liệt. Ý nghĩa này thực là to lớn, nếu ta để ý rằng, đích thân Mông Ca với kì vọng tự mình lập được chiến tích chinh phục lòng người Nguyên Mông để có thế so sánh với binh tài đã được thừa nhận khi đó của Hốt Tất Liệt, đã mặc giáp thân chinh nhiều trận chiến, để rồi bỏ mình nơi hòn tên mũi đạn trong cuộc xâm lược nhà Tống của Mông Cổ.
Những phân tích này không nằm ngoài những gì được truyền đạt từ hai cuốn « Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông » và « Anh hùng Đông A, gươm thiêng Hàm Tử » của Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ. Tuy chỉ là tiểu thuyết, nhưng nguồn sử liệu vừa giàu có vừa quí giá. Có nhiều ý kiến trên mạng nghi ngờ tính xác thực của nguồn sử liệu từ Yên tử cư sĩ. Tuy nhiên, người viết thấy rất may mắn, rằng có người như ông. Bởi nếu cứ đợi xác thực hết một cách thực là « khoa học », sau đó mới viết thì không biết đến bao giờ những nguồn tư liệu quí đó mới lưu truyền. Vả lại, lối viết sử theo kiểu kể truyện, thực là thu hút, khác hẳn với sự khô khan nghèo nàn của sách lịch sử thời hiện đại.
[4] Nhâm Diên, Tích Quang là những người mở đầu cho Nho học vào Việt Nam. Tuy nhiên, người có công lớn nhất trong việc truyền bá Nho học vào nước ta theo sách sử là Sĩ Vương Sĩ Nhiếp. Năm ông mất đi, 226, cũng chính là năm Lệ Hải Bà Vương Triệu Trinh Nương ra đời. Theo wiki, Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt sử ký toàn thư, viết: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi. Tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại đắp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ gọi là “Tiên Sĩ Vương”. Có lẽ là khí tinh anh không nát, cho nên thành thần vậy”.
[5] Theo các nghiên cứu của Viện sử học, danh sách các tướng dưới trướng Hai Bà Trưng còn rất dài (wiki): «Điều đáng chú ý là phần lớn các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa là phụ nữ được các thần tích, truyền thuyết ghi lại: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Man Thiện, Diệu Tiên, Bát Nàn, Đào Kỳ, Lê Hoa, Lê Chân, Phương Dung, Trinh Thục, Thánh Thiên, Thiện Hoa, Nàng Tía, Xuân Hương, Ả Di, Ả Tắc, Ả Lã, Nàng Đô… Số tướng lĩnh nam chiếm số lượng ít hơn: Đỗ Năng Tế, Hùng Nguyên (chồng Trưng Nhị), ông Đống, ông Cai, ông Nà, Đồng Bảng, Đô Chính, Đô Dương… ».
[6] Mã Viện lẫy lừng thế nào, mà vẫn còn phải đóng cột đồng (?!), thì về chuyện này, theo bản dịch của Đại Việt Sử lược: “Mã Viện: Người Mậu Lăng đời Đông Hán. Là một danh tướng lẫy lừng. Mã đã từng phá tướng Ngỗi Hiêu, đánh tan rợ Tiên Liêu Khương, dẹp yên Lũng Hữu… và được vua Hán Quang Vũ phong làm Phục Ba tướng quân, tước hầu. Vào năm Tân Sửu- năm 41 tây lịch vua Quang Vũ sai Mã Viện đem binh lực hùng hậu sang xâm lăng nước ta. Mã đánh với Trưng Trắc, Trưng Nhị là những bậc nữ lưu của nước ta. Đến ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão – 43 Mã mới đánh bại được Hai Bà. Tuy thắng trận nhưng Mã cũng phải kinh tâm bạt vía và trên đường về lấy làm hãnh diện vì chiến công “rực rỡ” đó. Mã cho dựng cột đồng tại biên giới Tượng Lâm giáp Tây Bồ Di để kỷ niệm. Trên cột đồng khắc sáu chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”.
Phạm Cao Tùng
(Tiến sĩ, hiện sống tại Paris, Pháp)
https://www.tvvn.org
Không có nhận xét nào