Header Ads

  • Breaking News

    Vẫn còn hy vọng cho Mekong

    Vẫn còn hy vọng cho Mekong

    (There's still hope for the Mekong)

    Richard Cronin – Bình Yên Đông lược dịch

    Bangkok Post – 11 January 2021

    Cho đến lúc bắt đầu xây cất đập quan trọng trong các vùng cao của lưu vực Mekong, các nhánh rộng và thấp hơn của nó là nền thủy sản nước ngọt nội địa lớn nhất thế giới và chỗ dựa chánh cho công ăn việc làm, an ninh lương thực và chất dinh dưỡng cho trên 60 triệu người.  Thảm thương thay, trong cả 2 mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 vừa qua, dòng chánh đã có dòng chảy thấp.  Trong 2 năm đó, “nhịp lũ” rất tin cây đã không đủ để đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap vào Biển Hồ ở Cambodia, “nhịp tim” của thủy sản mà số lượng đánh được hàng năm tỉ lệ trực tiếp với khối lượng trong mùa lũ.

    Trung Hoa đã trở thành một trọng tâm chánh của lo ngại về hạn hán cực đoan trong ½ phần dưới của sông vì việc xây cất chuỗi 11 đập lớn đến khổng lồ trên thượng lưu mà họ gọi là Lancang Jiang (“sông cuồn cuộn”), và gần như không minh bạch về việc điều hành đập.

    Hồ chứa của đập lớn nhất trên Lancang, đập Nuozhadu (Nọa Trát Độ) cao 261,5 m, có thể chứa 22 km3 nước – nhiều bằng 10 đập khác gộp lại.  Nuozhadu hoạt động như một bình chứa khổng lồ với một “vòi nước” có thể kiểm soát dòng chảy đến đập Jinghong (Cảnh Hồng), đập sau cùng của chuỗi đập, là “cái khóa”, kiểm soát dòng chảy xuống ½ phần dưới của sông.

    Hạ lưu vực nay cũng có hàng chục đập lớn từ các đập có sức chứa đáng kể đến “dòng chảy (run of the river)” với các hồ chứa tương đối nhỏ ở Lào, Cambodia, Thái Lan và Việt Nam.  Các đập nầy cũng có ảnh hưởng đáng kể đến mực nước trong dòng chánh, nhưng trong mùa khô, Trung Hoa đóng góp nhiều nhất cho dòng chảy.  Không thể tránh khỏi, khi các nhánh sông của họ thấp bất thường, các quốc gia ở hạ lưu có khuynh hướng chú trọng đến Trung Hoa ở thượng lưu thay vì ảnh hưởng của chính các đập của họ và của thay đổi khí hậu không thể chối cãi.

    Trong tháng 7 năm 2019, phần lớn do nước xả thấp từ các đập của Trung Hoa, nhiều nơi của dòng chánh và Biển Hồ đã xuống đến mức thấp nhất trong ít nhất 100 năm.  Ẩm thực Cambodia, dựa vào cá để có 75% chất đạm, đã tụt giảm 70% số cá đánh được trong 9 tháng đầu của 2020.  Nếu chiều hướng nầy tiếp diễn, nó sẽ là một thảm họa môi trường và kinh tế xã hội có tầm vóc lịch sử.

    Có một cách thực tế nhưng khó về mặt chánh trị để giảm nhẹ đáng kể ảnh hưởng gây thiệt hại nhiều nhất của các đập lớn đối với dòng chánh và các phụ lưu.  Vấn đề nầy chỉ được đề cập cho dòng chánh trong Thỏa ước Mekong 1995 được phê chuẩn bởi Thái Lan, Việt Nam, Cambodia và Lào, cam kết để “phát triển khả chấp, sử dụng, bảo tồn và quản lý nước trong lưu vực sông Mekong” vì lợi ích hỗ tương và công bằng.

    Thỏa ước Mekong 1995 thiết lập 3 quy định căn bản để duy trì dòng chảy thiết yếu nhất cho các dự án phát triển nước vĩnh viễn: “Không thấp hơn lưu lượng trung bình hàng năm tối thiểu chấp nhận được trong mỗi tháng của mùa khô; để giúp cho sư đảo ngược dòng chảy tự nhiên chấp nhận được trong Tonle Sap xảy ra trong mùa mưa; và để tránh lưu lượng trung bình hàng ngày cao nhất lớn hơn lưu lượng trung bình trong mùa lũ.”

    Trung Hoa và Myanmar không tham gia vào thỏa ước 1995, nhưng tài liệu cho thấy 2 quốc gia có thể tham gia trong tương lai.

    Hai đập trên dòng chánh ở Lào được thiết kế để tuân theo các quy định nầy, cũng như cho 4 đập nữa đang được cứu xét.  Nếu Trung Hoa tuân theo các quy định nầy, việc phục hồi cốt lõi quan trọng của dòng chảy theo mùa tự nhiên của sông cũng là một đoạn đường dài ở phía trước.

    Dù có nhiều trở ngại chánh trị hiển nhiên, có thể làm cho Trung Hoa tuân theo các quy định của Thỏa ước Mekong về đập và chuyển nước.  Việc tuân thủ của Trung Hoa có thể thực hiện qua hợp tác bán chánh thức hay, hiệu quả hơn bằng một thỏa ước khu vực qua các cơ chế Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) hay Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) của Trung Hoa.

    Việc phát động Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor (MDM)), một trang mạng của Trung tâm Stimson ở Washington, DC hôm 15 tháng 12, có thể hỗ trợ cụ thể cho bất cứ giải pháp thay thế nào.  Diễn đàn MDM trên mạng dùng viễn thám, ảnh vệ tinh, và Hệ thống Tin tức Địa dư (Geographic Information System (GIS)) để cung cấp báo cáo gần nhất của một số chỉ dấu, gồm có tình trạng của hồ chứa để biết rõ hơn tác động qua lại của nhiều yếu tố góp phần vào sự sụp đổ của Mekong một thời hùng vĩ.

    Thành quả mốc ngoặc của Stimson sẽ được hoan nghênh bởi những người từ lâu đã thất vọng vì những câu hỏi không thể trả lời trước đây về nguyên nhân của dòng chảy không đảo ngược trong Tonle Sap trong 2 mùa mưa vừa qua.  Mục tiêu của MDM là giúp khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia duyên hà Mekong để tối ưu hóa việc điều hành các đập hiện có để phỏng đoán thời điểm và khối lượng tự nhiên của dòng chảy theo mùa, không bắt Trung Hoa phải chịu thiệt hại không cần thiết.

    Trong trường hợp của Trung Hoa, phối hợp việc điều hành các cửa xả và sản xuất điện để duy trì dòng chảy theo mùa tự nhiên phù hợp với các quy định nêu trên cần có quy tắc và có thể đoán trước hơn.  Nó không cần phải dung hòa việc sản xuất điện vì kích thước cực đoan của hồ chứa của đập Nuozhadu và Xiaowan (Tiểu Loan).

    Các vấn đề làm thối chí hơn là vấn đề chánh trị.  Một cách để làm giảm lo ngại về đặc quyền quốc gia có thể là một tiến trình từng bước.  Trước sự chỉ trích ở hạ lưu về việc điều hành đập, Trung Hoa bắt đầu cung cấp dữ kiện thường xuyên hơn về dòng chảy của sông.  Nhưng nó vẫn chưa đủ để biết những gì đang xảy ra đối với sông trên căn bản tổng thể và nhất thời hơn.

    Cuối cùng, nếu không có thay đổi trong việc điều hành tất cả các đập của chuỗi đập trong lưu vực, kể cả các đập trên các phụ lưu chánh, năng suất của sông sẽ tiếp tục sụp đổ cùng với thực phẩm, cuộc sống và ổn định xã hội.  Hậu quả sau là một đe dọa tiềm tàng mà Trung Hoa cần phải đối phó để thực hiện mục tiêu phát triển hợp tác toàn lưu vực của họ.

    https://mekong-cuulong.blogspot.com

    Không có nhận xét nào