Header Ads

  • Breaking News

    Đảo chính Myanmar: Giới trẻ âm thầm tẩy chay quân đội


    Nguồn hình ảnh, OTHERS

    Chụp lại hình ảnh,

    Hình ảnh bà Aung San Suu Kyi được chọn làm ảnh đại diện của nhiều người sau cuộc chính biến

    Trong khi bà Aung San Suu Kyi và hàng trăm nghị sĩ Myanmar vẫn bị giam sau cuộc đảo chính hôm 1/2, giới trẻ nước này hưởng ứng chiến dịch 'bất tuân dân sự' sáng tạo bằng cách tẩy các sản phẩm của phe quân đội.

    Trả lời BBC News Tiếng Việt một ngày sau cuộc đảo chính, một người dân sống tại Yangon chia sẻ:

    "Khi nghe tin tôi thực sự rất sốc. Hầu hết mọi người xung quanh đều nghe râm ran tin đồn về cuộc đảo chính. Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ thực sự xảy ra. Và khi nó đến thực sự thì chúng tôi chẳng thể làm được gì. Mọi người chìm trong giận dữ và tuyệt vọng".

    Chiến dịch 'bất tuân dân sự'

    Sau cuộc chính biến hôm thứ Hai, trên mạng xã hội, nhiều người, đa phần là người trẻ Myanmar treo ảnh đại diện màu đen. Theo họ, đó là cách thức để tang cho nền dân chủ như cách giới trẻ Thái Lan hay Hong Kong thực hiện khi nền dân chủ bị đe dọa.

    Tuy nhiên, nhiều người đã khởi xướng treo ảnh đại diện màu đỏ hoặc hình bà Aung San Suu Kyi. Bên cạnh đó, các phong trào tẩy chay các dịch vụ, sản phẩm của quân đội cũng được hưởng ứng rầm rộ. Nhiều người đăng trên trang cá nhân kèm hashtag #JusticeforMyanmar #SaveMyanmar trên Facebook, Twitter và các mạng xã hội phổ biến khác.

    Cập nhật tình hình cho BBC vào đêm 2/2, người trên cho biết:

    "Hiện chúng tôi ở trong nhà vì quân đội và không biểu tình gì cả. Nhưng xin nhớ rằng, không biểu tình không đồng nghĩa rằng công chúng ủng hộ hay đồng thuận với quân đội. Nhiều người dân, có cả những người nổi tiếng đã thay hình ảnh đại diện trên Facebook của họ sang màu đỏ (màu của đảng NLD) để bày tỏ sự ủng hộ. Một vài người khác tuyên bố dứt khoát họ sẽ không làm việc với những doanh nghiệp mà được quân đội hậu thuẫn".

    "Bây giờ, mọi người đập nồi niêu xoong chảo và bóp còi xe trong nhà để thể hiện sự phản kháng với quân đội. Nó giống việc dùng âm thanh để xua đuổi vận xui. Thời xa xưa khi hổ hay phù thủy đến làng, người dân thường đập như thế này để xua đuổi nên giờ họ cũng làm như vậy với quân đội".

    Trên Facebook, nhiều người chụp hình họ bẻ sim Mytel, một số cửa hàng thông báo ngưng sử dụng mạng internet của Mytel, không mua bán các loại bia của quân đội.

    Một bài viết với hơn 50.000 lượt tương tác viết: "Chúng tôi sẽ dừng dịch vụ Mytel Pay tại cửa hàng của mình. Nếu có ý kiến khác biệt, bạn hãy lướt qua. Đừng sủa vào tôi nhé."

    "Những người ủng hộ quân đội thường được gọi là 'phường chó săn' nên mọi người mong họ sẽ không sủa nếu chúng tôi có ý kiến bất đồng, không ủng hộ quân đội cầm quyền' - một người lý giải với BBC.

    Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

    Chụp lại hình ảnh,

    Bài viết tuyên bố ngưng cung cấp dịch vụ Mytel được hưởng ứng

    Hôm 2/2, một trang Facebook có tên Civil Disobedience Movement (tạm dịch: Phòng trào bất tuân dân sự) được thành lập. Chỉ trong vòng 1 ngày, trang này đã có gần 160.000 người theo dõi.

    "Tăng khoảng 100.000 người theo dõi mỗi lần cập nhật", một tài khoản Facebook chia sẻ.

    Theo đó, trang này cập nhật thông tin về các hành động 'bất tuân dân sự'. Cụ thể, đưa thông tin liên tục về đội ngũ y bác sĩ của các bệnh viện chính phủ như Now Yagon, Mandalay, Nay Pya Daw, Pyay, Sagaing... đồng loạt đình công. Viện phó của Bệnh viện Đa khoa Yangon cũng hưởng ứng phong trào này.

    Nhiều nhân viên y tế đeo ruy băng đen để thể hiện sự phản đối một cách ôn hòa.

    Một số nền tảng mua thẻ cào cũng loại bỏ Mytel khỏi hệ thống thanh toán của mình. Một số nhà hàng lớn với hơn 21.000 lượt theo dõi như trang Grill and Chill cũng tuyên bố:

    "Dựa trên tình trạng hiện thời của đất nước và Grill and Chill cũng là một công dân, do đó, chúng tôi sẽ không cung cấp beer Myanmar của quân đội trong suốt thời gian quân đội trị vì. Mong khách hàng đã ủng hộ quán sẽ hiểu cho".

    Nguồn hình ảnh, Grill and Chill

    Người dân giấu tên nói thêm với BBC News Tiếng Việt:

    "Về phần mình, tôi sẽ không mua hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm và cửa hàng có dính líu đến quân đội. Tôi cũng quyết định không nộp thuế thu nhập của mình cho chính phủ quân sự này. Tôi cũng đã hỏi về bạn bè của mình và họ cũng không muốn đóng thuế thu nhập. Chúng tôi hy vọng có thể bất tuân ở mức cao nhất có thể".

    Người dân hy vọng gì?

    Là người làm trong lĩnh vực giáo dục, một cư dân tại Yangon mô tả lại hôm diễn ra chính biến:

    "Sau khi nghe về cuộc đảo chính, đầu tiên tôi kiểm tra điện thoại của mình và thấy một số cuộc gọi từ Facebook. Tôi thường để chế độ máy bay vào ban đêm. Khi tôi tắt chế độ trên máy bay thì phát hiện không có bất kỳ tín hiệu nào, (tôi sử dụng hai SIM thuộc hai nhà mạng khác nhau). Trong khoảnh khắc đó tôi nhận thức được rằng cuộc đảo chính thực sự đang diễn ra."

    "May mắn là nhà tôi có mạng cáp quang nên tôi đã kiểm tra Facebook và nghe tin tức về cuộc đảo chính và việc mạng bị cắt".

    Nguồn hình ảnh, OTHERS

    Chụp lại hình ảnh,

    Nhiều người bẻ sim Mytel của quân đội để thể hiện sự phản kháng

    Khi được hỏi về việc Mỹ có thể sẽ chế tài Myanmar, người này nêu quan điểm:

    "Nhiều người trông đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Họ lên bình luận các trang Facebook và Twitter của đại sứ để kêu gọi giúp đỡ và phơi bày những gì đang xảy ra trong nước cho thế giới thấy. Tôi có thấy nhiều nước như Anh Quốc, Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng. Nhưng thực tình mà nói, tôi không nghĩ nó giúp ích được gì".

    "Chúng tôi đã trải qua khoảng thời gian dài từ năm 1990 - 2010 và những tướng lĩnh đó họ chả thèm quan tâm, bận lòng gì đến các tuyên bố. Tôi nghĩ những công ty quân đội giàu sụ sẽ dễ dàng né được các lệnh trừng phạt, vì vậy nó sẽ ảnh hưởng đến công chúng chung hơn. Nhiều người sẽ bị mất việc khi vốn dĩ họ đã rất nghèo khổ và cùng đường".


    Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

    Chụp lại hình ảnh,

    Nhiều người, có cả diễn viên nổi tiếng với gần 700.000 lượt theo dõi treo hình bà Aung San Suu Kyi để bày tỏ sự phản đối

    "Vì vậy, chúng tôi muốn sự giúp đã mà có thể gây tổn hại đến mỗi quân đội chính phủ, chứ không phải dạng chế tài mà người dân nói chung phải hứng chịu. Chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi, vì sao phải chịu đựng thêm nữa những lệnh trừng phạt".

    "Cả đất nước đã đặt rất nhiều hy vọng vào bà Aung San Suu Kyi và chúng tôi đồng lòng xây dựng đất nước cùng nhau dưới sự lãnh đạo của bà. Nhưng bây giờ, mọi thứ đều bay biến mất", người này nói.

    Quốc tế phản ứng gì?

    Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe dọa sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt lên Myanmar sau khi quân đội nước này lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính.

    Trong một tuyên bố, ông Biden nói "các thế lực không bao giờ được tìm cách gạt bỏ ý chí của người dân hoặc cố gắng xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy".

    Mỹ cũng lên án cuộc đảo chính, nói rằng Washington "phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar".

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự, đồng thời nói Mỹ "sát cánh với người dân Miến Điện trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức."

    Tại Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne nói "chúng tôi kêu gọi quân đội tôn trọng pháp quyền, giải quyết các tranh chấp qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người đã bị giam giữ trái pháp luật."


    Thủ tướng Anh, Boris Johnson cũng lên án cuộc đảo chính tại Mynamar.

    Viết trên Twitter sáng ngày 1/2 giờ London, ông Johson nói: "Tôi lên án vụ đảo chính và cầm giữ phi pháp những cá nhân dân sự, gồm cả bà Aung San Suu Kyi. Lá phiếu của cử tri Myanmar phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo dân sự phải được thả tự do."

    Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã có những lên án tương tự.

    Tổng thư ký LHQ António Guterres gọi động thái của quân đội là một "đòn giáng trầm trọng vào cải cách dân chủ", khi hội đồng bảo an chuẩn bị cho một cuộc họp khẩn cấp. LHQ yêu cầu trả tự do cho ít nhất 45 người mà họ nói đã bị giam giữ.

    Trung Quốc, quốc gia trước đây phản đối sự can thiệp của quốc tế vào Myanmar, kêu gọi tất cả các phe phái ở nước này "giải quyết những khác biệt". Một số quốc gia trong khu vực bao gồm Campuchia, Thái Lan và Philippines, nói rằng đây là "vấn đề nội bộ".

    https://www.bbc.com/vietnamese/world-55898605

    Không có nhận xét nào