Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Vaccine có ngăn chận lây nhiễm covid-19?

    Một hiểu lầm phổ biến nhứt hiện nay là vaccine có hiệu quả ngăn chận lây nhiễm covid-19 từ người khác. Nhưng sự thật khoa học thì không hẳn vậy, vì không có vaccine hiện hành nào có thể ngăn chận sự lan lây của virus Vũ Hán. Trích một câu tiếng Anh để tóm tắt tình hình: "... none of the vaccine candidates in circulation can entirely prevent the virus from entering the body, nor stop its transmission" [1].

    Thử tưởng tượng một tình huống như sau: bạn đã được tiêm vaccine để phòng ngừa virus Vũ Hán, nhưng chính bạn có khi lại là người lây truyền virus cho người khác. Tình huống đó chưa xảy ra, nhưng về lí thuyết thì có thể xảy ra. Vaccine có hiệu quả ngăn chận không cho phát sanh triệu chứng, nhưng vaccine có thể không ngăn được sự lan truyền của virus. Ngay cả bạn được tiêm vaccine, nhưng người khác vẫn có thể lây truyền virus sang cơ thể bạn, vì vaccine cũng có thể không ngăn chận được sự xâm nhập của virus.

    Để hiểu vấn đề, tôi phải giải thích một chút. Khoảng 50% (có nghiên cứu báo cáo là 40%) các bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán không biểu hiện triệu chứng. Những bệnh nhân không có triệu chứng này có khả năng lây lan cho người khác. Đường lây lan thường qua mũi và miệng, bởi vì 'viral load' của virus Vũ Hán 'toạ lạc' ở mũi và miệng. Điều này có nghĩa là chúng dễ lây lan sang người khác qua các hình thức như hắt hơi và hỉ mũi chẳng hạn. Hai câu hỏi quan trọng đặt ra là:

    (a) nếu người bệnh (bị nhiễm) không có triệu chứng được tiêm vaccine thì vaccine có ngăn chận người bệnh lây cho người khác?

    (b) nếu người không bị bệnh được tiêm vaccine, và người này bị phơi nhiễm (như tiếp xúc với người bị nhiễm virus) thì vaccine có ngăn chận virus xâm nhập cơ thể?

    Câu trả lời cho 2 câu hỏi trên là: không. Bằng chứng khoa học hiện nay là vaccine hiện hành không ngăn chận được lây nhiễm, và có lẽ cũng không chận virus xâm nhập cơ thể.

    Điều cần phải ghi nhận là (cho đến nay) chưa có vaccine nào có thể ngăn ngừa virus xâm nhập cơ thể chúng ta, hay ngăn chận sự lây lan của virus. Có một nghiên cứu từ Do Thái cho rằng vaccine có thể ngăn chận virus, nhưng vì số lượng ít và thiết kế chưa tốt nên rất khó nói đó là do vaccine.

    Vậy hiệu quả của vaccine hiện hành (Pfizer, Moderna, Oxford) là gì? Tất cả 3 vaccine này chỉ có hiệu quả ngăn triệu chứng và bảo vệ (protection) chống lại tình trạng nhiễm virus nặng (severe Covid). Nhiễm nặng có nghĩa là phải nhập viện và thở máy. Các vaccine này có hiệu quả 100% chống lại nhiễm nặng.

    Tuy rằng vaccine không ngăn chận virus lây nhiễm cho người khác và không chận được virus, nhưng nó vẫn là giải pháp tốt nhứt hiện nay. Cho dù vaccine giảm thời gian bị nhiễm nửa ngày cho 25% số ca thì vẫn giúp ngừa 1.4 triệu ca nhiễm và 100 ngàn ca nhập viện [3]. Do đó, vaccine sẽ không làm cho dịch Covid-19 biến mất một sớm một chiều, nhưng nó có thể giúp giảm gánh nặng y tế và giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân bị nhiễm.

    Nguyen Tuan

    Nghĩ lại thấy nhiều biện pháp trong quá khứ đều có vấn đề. Vaccine thoạt đầu tưởng là giống như các vaccine truyền thống (tức ngăn ngừa lây lan cho người khác và chận sự xâm nhập của virus) nhưng hoá ra thì không hẳn như vậy.

    Vậy mà nhiều nơi đã bàn chuyện ra cái gọi là 'vaccine passport' (vì lúc đó họ nghĩ vaccine sẽ bảo vệ 100% chống lây nhiễm). Thành ra, mới đây khi được hỏi về vấn đề vaccine passport, hiệp hội y khoa Úc (AMA) tuyên bố rằng không ủng hộ ý tưởng vaccine passport. Lí do là cho đến nay chưa có chứng cứ nào cho thấy vaccine có hiệu quả ngăn chận lây nhiễm.

    Hi vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm chứng cớ tích cực. Tuy nhiên, nghiên cứu để có chứng cớ đó thì lại rất khó, rất lớn, và rất tốn tiền.

    ___

    [1] "Vaccines that do not prevent or cure COVID still beneficial: Study" trên racgp.org.au.

    [2] "Can COVID vaccines stop transmission? Scientists race to find answers". Nature 19/2/2021.

    [3] "The value of decreasing the duration of the infectious period of severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (SARS-CoV-2) infection." Công bố trên PLoS Comput Biol 2021.

    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1188179764962672

    Không có nhận xét nào