Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Hải Vân - Nhân lạnh đột biến ở Mỹ và Châu Âu . Nói về sự bịp bợm của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu!


    Nhìn vào Hòn Gà Chọi trên Vịnh Hạ Long ta thấy : Hình chữ V nằm ngang phía trên là vết tích gặm mòn của đợt biển tiến đột biến. Hình chữ V nằm dưới là vết tích gặm mòn trước khi biển tiến đột biến và sau khi biển thoái nhanh cho đến ngày nay.

    Thế giới đang phải đối mặt với diễn biến đột biến của thời tiết. Nhiều nơi ở Mỹ và châu Âu đang sống trong băng giá như Bắc cực với một đợt lạnh kỷ lục. Một số nơi ở Texas rơi xuống mức thấp chưa từng thấy, âm 18 độ C. Thành phố Lincoln (bang Nebraska), nhiệt độ rơi xuống tới âm 35 độ C ngày 16-2, thấp xa so với mức kỷ lục âm 27 độ C của năm 1978. Những kẻ cổ xúy cho học thuyết “trái đất đang nóng lên” chưa biết sẽ lẻo mép thế nào.

    Khí hậu luôn biến đổi, nhưng nó hoàn toàn không diễn ra giống như sự diễn dịch của những người đề xướng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement). Gọi giảm phát khí thải nhà kính để hạn chế mức tăng của nhiệt độ toàn cầu, còn định ra các con số nữa chớ, là một thứ khoa học bịp bợm. Tôi không hiểu sao chính quyền của hơn 170 quốc gia lại có thể tin vào thứ khoa học bịp bợm này, trong khi với một tư duy thông thường nhất ta cũng có thể thấy được rằng những thứ đo được trong nhà kính hay trong phòng thí nghiệm không bao giờ giống những thứ diễn ra trong bầu khí quyền. Bởi vì các dữ liệu trong nhà kính hay trong những cuộc thí nghiệm là hữu hạn có thể đo đếm tính toán, còn các dữ liệu trong tự nhiên thì không có một bộ óc nào, không có một tập hợp các bộ óc nào có thể đo đếm được vì các dữ liệu cùng những tương tác của chúng là vô số, là vô cùng, đó là chưa kể những hiệu ứng cánh bướm cũng vô tận vô cùng, con người không thể biết. Khoa học chỉ có thể là khoa học chân chính khi có đủ dữ liệu và đo được sự tương tác của chúng, còn mang một thứ tri thức thu thập được trong cái hữu hạn áp dụng cho cái vô cùng chỉ là tri thức ngụy tạo, là khoa học bịp bợm.

    Triết gia tự do nổi tiếng thế giới F.A.Hayek từng nói, chủ nghĩa duy khoa học là tai họa lớn nhất của thế kỷ 20. Đỉnh cao của nó là kế hoạch hóa nền kinh tế với ảo tưởng là có những bộ óc có thể biết tuốt mọi thứ để lập kế hoạch nhằm cải tạo xã hội làm chủ thiên nhiên đưa con người vào cõi ấm no hạnh phúc thần tiên trên hạ giới. Lập kế hoạch thì phải biết được tất cả các dữ liệu, trong khi không chỉ trong thiên nhiên mà cả các dữ liệu trong xã hội cũng vô tận vô cùng không một bộ óc thiên tài nào có thể đo đếm thâu tóm hết. Những thứ mà khoa học có thể biết được chỉ là một hạt cát trên sa mạc. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nền kinh tế kế hoạch, ngày nay nhân loại đã đoạn tuyệt với kinh tế kế hoạch hóa. Nhưng ảo tưởng dùng khoa học để “quản lý” thiên nhiên thì vẫn còn mà điển hình nhất là Paris Agreement. Nhiều nhà khoa học chân chính của Mỹ và thế giới đã phản bác sự bịp bợm của chương trình này, nhưng họ là thiểu số không đương đầu nổi với giới học phiệt được Liên hiệp quốc bảo trợ. Chỉ có chính quyền Trump nghe được tiếng nói của lương tri. Chính quyền Trump đã dứt khoát rút khỏi Thỏa thuận này vì thấy rõ sự bịp bợm của cái gọi là chống biến đổi khí hậu, không thể mang tiền thuế của người dân lương thiện Mỹ để phục vụ cho lợi ích nhóm và tham nhũng quốc tế. Nhưng chính quyền Biden sẽ tái tham gia, vì tuyên bố Đảng Dân chủ là “đảng của khoa học”.

    Ở Việt Nam, từ lâu cũng đã có nhà khoa học công bố những nghiên cứu về cổ địa chất đầy thuyết phục, tuy không phải nhằm mục đích phản bác Paris Agreement, nhưng là bằng chứng khoa học đanh thép gián tiếp sổ toẹt chương trình này. Đó là nghiên cứu của tiến sĩ địa chất học Hoàng Ngọc Kỷ mà tôi có dịp giới thiệu trong 2 loạt bài “Dựng nước sau đại hồng thủy” và “Hoàng thành Thăng Long, quá khứ và tương lai” đăng trên báo Thanh Niên 10 năm trước. Xin nhắc lại phần liên quan đến vấn đề nước biển dâng mà giới học phiệt quốc tế ngụy tạo lý do là vì con người làm cho trái đất nóng lên khiến cho băng tan.

    Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Kỷ, thời kỳ địa chất Đệ Tứ (khoảng 2 – 2,5 triệu năm trước đến ngày nay) Việt Nam có 4 lần biển thoái và 4 lần biển tiến, hình thành 8 tầng trầm tích nguồn gốc lục địa và biển đan xen chuyển tiếp với nhau. Những khảo sát cổ địa chất cho thấy, trong 4 lần biển tiến thì lần thứ 3 là biển tiến đột biến. Độ cao và niên đại của đợt biển tiến này có thể đo được.

    Thời điểm biển tiến đột biến có niên đại đo được là 4115 năm cách ngày nay (có sai số ± 50 năm). Nước biển dâng với biên độ 5,5 mét. Do mực nước giai đoạn cuối của thời kỳ biển thoái trước đó là – 2 mét (âm 2 mét) so với mặt nước biển hiện nay, nên mực nước do biển tiến đột biến thời kỳ này dâng lên 3,5 mét so với mặt nước biển hiện nay. Mực nước này duy trì ổn định kéo dài một khoảng thời gian là 1.015 năm (± 80 năm), đến cách đây 3100 năm biển mới bắt đầu thoái. Sau khi thoái đột biến rồi xuống dần đến cực tiểu vào thời gian cách đây 2.300 năm với mực nước âm 6 mét so với mặt biển hiện nay, sau đó là thời kỳ biển tiến, tiến mãi cho tới ngày nay. Điều này có nghĩa là biển bắt đầu tiến từ 2.300 năm trước và trong vòng 2.300 năm đã dâng thêm 6 mét, bình quân mỗi năm dâng thêm 2,6 mm và đang tiếp tục dâng, chứ không phải do tác động của con người làm cho trái đất nóng lên khiến băng tan nước biển dâng như “học thuyết” của đám học phiệt nói trên.

    Các nhà cổ địa chất có thể đo và xác định được những lần biển tiến và biển thoái qua dấu tích địa chất học. Dấu vết của biển tiến đột biến là vệt bào mòn của sóng biển trên vách đá tạo thành hình chữ V nằm ngang được ghi nhận, chẳng hạn như trên Hòn Gà Chọi của Vịnh Hạ Long, trên chân vách đá nằm trong đồng bằng ở Kim Sơn (Ninh Bình) cùng những nơi khác ở Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây, vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà… và ở nhiều nơi khác nữa ở miền trung, miền nam nước ta đều có độ cao trung bình 3,5 mét so với mặt nước biển hiện nay. Những vết bào mòn hình chữ V đó do sóng vỗ trong một thời gian rất dài mà thành.

    Những khu rừng thực vật bị chôn vùi dưới lớp sét biển với những thân cây chết thẳng đứng rễ còn bám đất đã được tìm thấy tại nhiều nơi ở độ sâu 3 mét, dùng C14 để xác định tuổi, người ta đã xác định niên đại của biển tiến đột biến. Những rừng cây vẫn còn nguyên chết thẳng đứng chứng tỏ chúng đã bị chôn vùi trong môi trường yếm khí nước sâu, do biển tiến đột ngột bao trùm trên diện rộng, biên độ biến đổi lớn với tốc độ nhanh, riêng những cây có đường kính lớn thì nằm ngang do chúng cao hơn mực nước biển nên khi chết đã ngã xuống, quá trình trầm tích đã chôn vùi chúng dưới lớp sét dày. Những đống vỏ hàu lớn được các nhà khảo cổ học phát hiện ở nhiều nơi có niên đại lớn hơn lớp thực vật và chôn vùi như lớp thực vật đó, chứng tỏ đống vỏ hàu này không phải được tạo thành ở môi trường tự nhiên mà chỉ có thể do con người từng sống ở đây bắt chúng làm thức ăn để lại vỏ. Lớp sét xanh dẻo mịn và đồng nhất phủ trên lớp thực vật và bãi hàu có độ dày 2-3 mét được phân bố trên diện rộng nằm trên độ cao của lớp thực vật bị chôn vùi và nằm dưới những vết tích hình chữ V có mối liên quan với nhau. Vết tích mài mòn trên vách đá và chiều dày trầm tích bên dưới là bằng chứng không chỉ của hiện tượng biển tiến đột biến mà còn là bằng chứng của việc mực nước biển đã “nằm lỳ” ở đây trong một thời gian dài trước khi biển thoái.

    Hàu bé hóa thạch có niên đại 3.100 năm trên vách đá cách cửa chùa Hang (Kiên Giang) 10 mét ở độ cao 2 – 3 mét bằng độ cao vách dưới hình chữ V nằm ngang do mực nước biển mài mòn. Đây là niên đại đánh dấu thời kỳ biển bắt đầu thoái.

    Làm sao biết được mực nước biển nằm lỳ ở đó trong bao lâu ? Những khảo sát về lớp hàu bé bám trên vách đá dưới vết tích hình chữ V nằm ngang cho biết điều đó. Trên vách đá dưới mực nước biển có một lớp hàu bám vào sinh sống, khi nước biển rút xuống lớp hàu vẫn bám trên vách đá và chết đi. Người ta dùng C14 để đo độ tuổi của lớp hàu này và xác định được niên đại là 3.100 năm. Lớp hàu chết đánh dấu thời điểm mực nước rút xuống, lấy thời điểm nước lên cách đây 4.115 năm trừ đi thời điểm nước rút cách đây 3.100 năm thành thời gian “nằm lỳ” của nó là 1.015 năm.

    Những bằng chứng về sự tiến thoái của mực nước biển mà các nhà cổ địa chất chỉ ra hoàn toàn không liên quan đến tác động của con người. Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, đó là do “tai biến địa cầu”, con người không thể giải thích được. (Về diện mạo nước ta sau các lần biển thoái và biển tiến cũng rất khác biệt, nhưng không đề cập ở đây vì sẽ lạc đề).

    Tóm lại, con người cần và có thể bảo vệ môi trường sống của mình bằng việc giữ rừng, giữ sạch biển, không làm ô nhiễm không khí, không tàn phá thiên nhiên, còn tham vọng “thay trời hành đạo” như cái chương trình kia chỉ là ảo tưởng và là mưu đồ làm phình to nhà nước trong phạm vi toàn cầu nhằm tăng thuế để tước đoạt tài sản của người dân phục vụ cho tham nhũng và lợi ích của các tập đoàn tài phiệt quốc tế.

    HOÀNG HẢI VÂN

    https://www.facebook.com/hksanh/posts/3874290302630001

    Không có nhận xét nào