Thái Lan: Biểu tình đòi cải tổ chế độ quân chủ bùng lên trở lại
Tại Thái Lan, phong trào thanh niên ủng hộ cải tổ chế độ quân chủ và Hiến Pháp đã bùng lên trở lại trong những ngày gần đây. Tối hôm qua, 13/02/20201, hàng trăm người biểu tình đã tập hợp tại khu Tượng Đài Dân Chủ Bangkok gần Hoàng Cung để yêu cầu chính quyền thả 4 nhà lãnh đạo của họ đang bị giam giữ vì tội khi quân.
Những người biểu tình đã phủ lên tượng đài một tấm vải màu đỏ rực và kêu gọi hủy bỏ luật khi quân. Xô xát đã nổ ra với cảnh sát, và báo chí Thái Lan đưa tin là lực lượng an ninh đã bắn đạn thật.
Thông tín viên RFI, Carole Isoux, tường thuật từ Bangkok
“Tiếng súng nổ, tiếng gạch đá rơi, và mùi xăng nồng nặc... Tình hình rất hỗn loạn ở khu vực gần Hoàng Cung tại Bangkok, xung quanh Tượng Đài Dân Chủ đầy tính biểu tượng.
Người biểu tình đã tập hợp tại đây để đòi chính quyền trả tự do cho 4 lãnh đạo của họ bị bỏ tù vì đã công khai đề cập đến chế độ quân chủ trong các cuộc biểu tình trước đó.
Vào khoảng 8 giờ tối, cảnh sát ra lệnh cho đám đông giải tán, nhưng vài trăm người biểu tình kiên quyết không chịu rời đi nếu không được yên tâm về số phận của đồng đội. Và xô xát đã nổ ra với lực lượng an ninh.
Miến Điện: Tập đoàn quân sự sẽ điều tàu qua Malaysia nhận lại 1.200 người tị nạn
Vào lúc tình hình trong nước vẫn căng thẳng, theo hãng tin Anh Reuters 12/02/2021 vừa qua, có tin là 1.200 người Miến Điện cư ngụ bất hợp pháp tại Malaysia sẽ bị trục xuất về nước. Thông tin này đã gây ngạc nhiên vì chính quyền Kuala Lumpur từng bày tỏ quan ngại về tình trạng an ninh nội bộ của Miến Điện ngay ngày quân đội đảo chính. Cộng đồng người tị nạn tại Malaysia vô cùng lo lắng, nhất là khi chính quyền quân sự Miến Điện loan báo cử tàu qua tiếp nhận người tị nạn.
Thông tín viên Gabrielle Maréchaux tại Kuala Lumpur tường trình.
“Chính quyền quân sự chỉ mới lên nắm quyền chưa được mười ngày đã đề nghị điều ba chiếc tàu qua Malaysia để hồi hương 1.200 người Miến Điện cư ngụ bất hợp pháp tại nước này. Hành động sốt sắng hoàn toàn mới lạ từ phía Miến Điện đã gây lo lắng nơi ông James Bawi Thang Bik, một trong những nhà lãnh đạo của cộng đồng người tị nạn Miến Điện ở Malaysia.
Ông nói: “Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra các con tàu này sau cuộc đảo chính. Việc trục xuất người dân ở Miến Điện ngày nay rất nguy hiểm, đặc biệt nếu họ là người tị nạn. Quân Đội Miến Điện coi họ là những kẻ phản bội, bởi vì khi nộp đơn, một người xin tị nạn, phải kể về những gì họ trải tại đất nước của họ. Đó cũng là những người đến Malaysia không có hộ chiếu và có thể bị bắt về tội phản quốc, vượt biên trái phép.”
LHQ đã kêu gọi Malaysia không trục xuất người tị nạn nhưng chắc chắn sẽ rất khó để kiểm soát : Từ hơn một năm rưỡi nay, các đại diện của LHQ đã không được phép vào thăm các trung tâm giam giữ tại Malaysia.”
Quân đội Myanmar truy nã người ủng hộ biểu tình
Reuters đưa tin, quân đội Myanmar đang truy tìm 7 nhân vật nổi tiếng của phong trào biểu tình chống đảo chính, với cáo buộc họ đe dọa an ninh quốc gia.
Quân đội Myanmar hôm thứ Bảy (13/2) cho biết một trong 7 người mà họ đang truy tìm là Min Ko Naing, người dẫn dắt những cuộc biểu tình nổi tiếng vào năm 1988, và cũng là người đã kêu gọi ủng hộ phong trào biểu tình chống đảo chính và chiến dịch bất tuân dân sự hiện tại ở quốc gia này.
Cả 7 người bị truy tìm được cho là những người ủng hộ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar bị quân đội bắt giữ sau cuộc đảo chính 1/2.
Thông báo trên của chính quyền quân sự Myanmar đưa ra sau khi phong trào biểu tình chống đảo chính diễn ra khắp đất nước đã bước sang ngày thứ tám.
Theo một bài đăng trên Facebook hôm 14/2, trang tin True News của quân đội Myanmar nói người dân nên báo cáo với cảnh sát nếu phát hiện 7 người đang bị truy nã và sẽ bị trừng phạt nếu che giấu họ. Trong khi đó, quân đội Myanmar cho hay, những người bị truy nã này có thể đối mặt tới hai năm tù theo bộ luật hình sự.
Mỹ : Giới chủ và nghiệp đoàn bất mãn khi Keystone XL bị hủy
L’Express số ra tuần này chú ý đến sự kiện ông Joe Biden trong ngày đầu tiên nhậm chức đã kết thúc 12 năm tranh cãi về việc mở rộng đường ống dẫn dầu Keystone XL. Chỉ bằng một chữ ký với sắc lệnh hành pháp, tân tổng thống đã sổ toẹt dự án khổng lồ này.
« Con rắn đen » dài đến 1.500 kilomet lẽ ra sẽ chạy từ tỉnh Alberta thuộc miền tây Canada, đi qua Dakota và Montana rồi đến Nebraska, tại đây sẽ nối với một hệ thống ống dẫn dầu đã có theo trục bắc nam. Ngoài việc hủy bỏ Keystone XL, nước Mỹ của ông Joe Biden lại tham gia hiệp ước khí hậu Paris, hạn chế việc khoan dầu tại những vùng đất thuộc Nhà nước liên bang, đội xe 645.000 chiếc của chính phủ sẽ phải « hoàn toàn là xe điện » trong những năm tới…
Mới cách đây một năm, có rất ít nhà hoạt động sinh thái tin tưởng vào chính khách sinh ở Scranton, thủ phủ than đá của Pennsylvania. Nhưng Biden chịu áp lực của cánh tả trong đảng Dân Chủ, đặc biệt là phong trào Sunrise, một nhóm trẻ đầy tham vọng đấu tranh cho « Green New Deal ». Nhà quan sát Max Friedman, thuộc American University ở Washington nhận xét : « Đảng Dân Chủ đã ngã sang tả dưới tác động của giới trẻ, và nay Biden biết rằng phải tỏ ra cấp tiến về vấn đề này hơn cả Obama ».
Ông chủ mới của Nhà Trắng còn phải trấn an cử tri cánh trung của mình, chẳng hạn giới chủ và nghiệp đoàn đang tỏ ra bất mãn. Mark McManus, chủ tịch United Association, nghiệp đoàn công nhân có 340.000 thành viên hối hận đã bầu cho Joe Biden. Dự án Keyston XL bị hủy, có nghĩa là 11.000 việc làm tan thành mây khói.
Giáo sư Barry Rabe, đại học Michigan lưu ý rằng cho đến nay, tất cả các quyết định của Joe Biden đều bằng sắc lệnh hành pháp, có thể bị hủy bỏ trước tòa án hoặc một người kế nhiệm Cộng Hòa. Nếu muốn bền vững, cần phải thành luật, có nghĩa là đưa ra bỏ phiếu tại Quốc Hội.
Nhưng khẩu hiệu « Build Back Better » của ông Biden có thể bị chận lại ở Thượng Viện, nơi Dân Chủ và Cộng Hòa đều giữ 50 ghế. Phải cần đến 60 phiếu để thông qua, trong khi một số thượng nghị sĩ ở các bang giàu nguồn nhiên liệu hóa thạch như Wyoming có thể phản đối. Ngay cả thượng nghị sĩ Dân Chủ Joe Manchin của West Virginia cũng vừa khẳng định ông Biden đã sai lầm khi giết chết dự án Keystone XL.
Nối tiếp Anh, Đức cắt sóng kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc
Đức đã thu hồi giấy phép phát sóng của kênh truyền thông Trung Quốc CGTN, vài ngày sau khi Anh thực hiện điều tương tự, theo DW.
Cơ quan quản lý truyền thông bang North Rhine-Westphalia của Đức thông báo CGTN không còn được phát sóng ở Đức vì kênh này được phân phối theo giấy phép của Cơ quan quản lý truyền thông Anh (Ofcom).
Vào ngày 4/2, Ofcom đã thu hồi giấy phép phát sóng của CGTN tại Vương quốc Anh sau một cuộc điều tra phát hiện sai phạm trong sở hữu giấy phép và Bắc Kinh nắm quyền biên tập nội dung của kênh này.
Cơ quan truyền thông North Rhine-Westphalia cho hay: “Chúng tôi đang thông báo với các đài cáp rằng Ofcom đã rút giấy phép phát sóng tại Anh và CGTN không thể phát sóng ở Đức thêm nữa”.
Vodafone Đức tuyên bố đã ngừng phân phối nội dung CGTN vì kênh này không có giấy phép phát sóng hợp lệ và đang làm việc với các đại diện của kênh.
Ông Trump được phán vô tội, hứa sẽ trở lại với một tầm nhìn nước Mỹ tươi sáng không giới hạn
Ông Trump được phán vô tội, hứa sẽ trở lại với một tầm nhìn nước Mỹ tươi sáng không giới hạn
Cựu Tổng thống Trump được tuyên trắng án trong phiên tòa luận tội thứ hai chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ, khiến ông trở thành tổng thống đầu tiên và duy nhất bị luận tội và trắng án hai lần.
Đa số các thượng nghị sĩ cho rằng ông Trump có tội trong phiên luận tội ngày thứ Bảy (13/2) với tỷ lệ bỏ phiếu 57-43, nhưng con số này không đủ so với số đông cần thiết để kết tội tổng thống. Nếu ông Trump bị kết án, Thượng viện sẽ cấm tổng thống thứ 45 giữ chức vụ liên bang một lần nữa, theo Fox News.
Bảy thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã tham gia với tất cả các đảng viên Dân chủ trong việc kết luận ông Trump có tội là: Thượng nghị sĩ Richard Burr ở Bắc Carolina, Bill Cassidy ở Louisiana, Susan Collins ở Maine, Lisa Murkowski ở Alaska, Mitt Romney ở Utah, Ben Sasse ở Nebraska và Pat Toomey của Pennsylvania.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy của Đảng Dân chủ, người chủ trì phiên tòa đã tuyên bố cuộc bỏ phiếu không đáp ứng được yêu cầu phải có hai phần ba Thượng viện bỏ phiếu, do đó ông Trump được “trắng án”.
Việc này có nghĩa là hiện tại ông Trump có thể để ngỏ cánh cửa cho một cuộc chạy đua khác vào Tòa Bạch Ốc vào năm 2024, mặc dù các thượng nghị sĩ đã ám chỉ rằng họ vẫn có thể cố gắng cấm ông khỏi các chức vụ theo Tu chính án thứ 14.
Ông Trump đã ca ngợi chiến thắng, cảm ơn những người ủng hộ và hứa rằng ông sẽ sớm xuất hiện với “tầm nhìn về một tương lai Mỹ tươi sáng, rạng rỡ và không giới hạn”.
Cựu tổng thống hầu như giữ im lặng kể từ khi bị luận tội, đã nhắm vào các đối thủ của mình khi phát biểu:
“Đây lại là một giai đoạn khác của cuộc săn phù thủy vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta”, ông Trump nói. “Không có tổng thống nào từng trải qua bất cứ điều gì giống như vậy, và nó tiếp tục bởi vì các đối thủ của chúng tôi không thể quên gần 75 triệu người, con số cao nhất từng có đối với một tổng thống đương nhiệm, những người đã bầu cho chúng tôi chỉ vài tháng trước”.
Phiên tòa luận tội thứ hai của Trump chỉ kéo dài 5 ngày tranh luận, trở thành phiên tòa ngắn nhất trong lịch sử các đời tổng thống. Kỷ lục trước đó được ông Trump nắm giữ vào năm 2020 khi phiên tòa xét xử ông liên quan đến việc mời nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử kéo dài 21 ngày.
Người xin bảo hộ tị nạn sẽ được phép chờ đợi ở Mỹ theo chính sách mới
Chính phủ Mỹ tuần sau sẽ bắt đầu làm thủ tục dần dần cho hàng ngàn người xin bảo hộ tị nạn buộc phải chờ đợi ở Mexico theo một chương trình gây tranh cãi do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra, các quan chức cho biết.
Bước đi này là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm chấm dứt chương trình, được gọi là Thủ tục Bảo vệ Di dân (MPP). Nỗ lực này đã trở nên phức tạp hơn vì đại dịch virus corona đang diễn tiến và những lo ngại về nhập cư bất hợp pháp.
Chính quyền Trump khởi động chương trình này vào năm 2019 như một phần trong chính sách thắt chặt nghiêm ngặt khả năng xin bảo hộ tị nạn ở Mỹ, mà các quan chức chính quyền Trump mô tả là đầy rẫy gian lận và những đơn xin không có căn cứ.
Chính sách này đã buộc hơn 65.000 người xin bảo hộ tị nạn không phải là người Mexico phải quay lại biên giới để chờ đợi phiên tòa của họ ở Mỹ, mặc dù số người được cho là vẫn đang chờ đợi ở Mexico ít hơn nhiều.
Chính quyền Biden sẽ bắt đầu làm việc để làm thủ tục cho khoảng 25.000 di dân có đơn đang được cứu xét trong chương trình, các quan chức cho biết ngày thứ Năm. Các hướng dẫn mới sẽ yêu cầu di dân đăng kí trực tuyến hoặc qua điện thoại, xét nghiệm virus corona ở Mexico và sau đó đến một cửa khẩu nhập cảnh của Mỹ vào một ngày cụ thể.
Tổng thống Mỹ Joe Biden 'tạm dừng' lệnh cấm TikTok và WeChat
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm ngưng hành động pháp lý nhằm vào TikTok và WeChat, vốn có thể khiến các ứng dụng bị cấm ở Mỹ.
Trong khi tổng thống, Donald Trump đã tìm cách cấm cả hai ứng dụng, cho rằng chúng là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Cả hai công ty đã tiền hành những hành động pháp lý phản lại các lệnh cấm được trù định.
Chính quyền mới hiện đã yêu cầu "tạm thời không áp dụng" - hoặc đình chỉ - các thủ tục tố tụng trong khi xem xét lại liệu các ứng dụng có thực sự gây ra mối đe dọa hay không.
Sự trì hoãn đồng nghĩa với việc cả hai ứng dụng có thể tiếp tục hoạt động ở Mỹ trong khi nhân viên mới của các cơ quan chính phủ "đã quen với các vấn đề trong vụ này", văn bản pháp lý nêu rõ.
Bằng chứng trong phiên luận tội: Bà Pelosi đã từng nói chính xác những gì ông Trump nói
Một đoạn phim đã được đội ngũ luật sư của cựu Tổng thống Donald Trump trình chiếu vào thứ Sáu (12/2) tại phiên luận tội, cho thấy Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã từng nêu lên lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bỏ phiếu sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2004.
Những bình luận của bà trong cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn vào ngày 6/1/2005, tập trung vào những bất thường được thấy ở máy bỏ phiếu và lá phiếu – tức là những loại vấn đề mà ông Trump nêu ra sau cuộc bầu cử vào tháng 11.
Cố vấn pháp lý của Trump, David Schoen đã trình bày đoạn video bà Pelosi cho các thượng nghị sĩ đang ngồi trong phiên tòa, để bác bỏ lập luận của các nhà quản lý luận tội Hạ viện rằng ông Trump đã kích động cuộc tấn công vào Điện Capitol khi đặt câu hỏi về kết quả ở một số bang chiến trường.
“Khi các nhà quản lý Hạ viện nhận ra rằng những lời nói thực sự của tổng thống không thể kích động bạo loạn, như các vị đã cáo buộc trong bài báo luận tội của mình, các vị đã cố gắng thay đổi”, Schoen nói.
“Các vị nói rằng việc nâng cao vấn đề an ninh bầu cử và gây nghi ngờ về tính đúng đắn của cuộc bầu cử của chúng tôi là rất nguy hiểm”, ông nói thêm.
Để hiểu thêm phát biểu của bà Pelosi vào năm 2005, chúng ta hãy nhớ lại hoàn cảnh của cuộc chạy đua tổng thống năm 2004 giữa Tổng thống George W. Bush và Thượng nghị sĩ khi đó, ông John Kerry của Massachusetts.
Bush đã giành chiến thắng với tỷ lệ 286 – 251 phiếu Đại cử tri đoàn, và kết quả ở Ohio, với 20 phiếu đại cử tri, đóng một vai trò quyết định. Bush đã có được từ tiểu bang bang hơn 118.000 phiếu bầu.
CNN đưa tin vào thời điểm đó: “Lễ kiểm phiếu chiếu lệ và xác nhận các phiếu bầu của Cử tri đoàn đã bị trì hoãn trong khoảng 4 giờ vì các đảng viên Đảng Dân chủ không thành công khi phản đối số phiếu của Ohio cho Bush” .
“Vẫn còn những lo ngại chính đáng về tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng tôi và việc đảm bảo nguyên tắc một người, một phiếu bầu”, bà Pelosi nói trong đoạn clip do Schoen trình bày .
“Nhưng việc liên tục thay đổi các phiếu bầu cử ở Ohio và các máy điện tử bị trục trặc, có thể không có biên lai bằng giấy, đã khiến công chúng thêm mất niềm tin”.
“Đây là cơ hội duy nhất của họ để có cuộc tranh luận này trong khi đất nước đang lắng nghe, và việc làm như vậy là phù hợp”, bà Pelosi nói.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2005 không phải là lần duy nhất bà đặt câu hỏi về tính xác thực của kết quả bầu cử.
Vào tháng 5/2017, ngay sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, bà Pelosi đã tweet, “Cuộc bầu cử của chúng ta đã bị tấn công”.
Theo tiêu chuẩn riêng của người quản lý Hạ viện, đây là loại ngôn ngữ kích động bạo lực.
Nhiều cuộc thăm dò được công bố kể từ cuộc bầu cử năm 2020 cho thấy 70% hoặc nhiều hơn các đảng viên Cộng hòa nghi ngờ tính công bằng của kết quả bầu cử.
Với việc các tòa án làm ngơ, những người ủng hộ ông Trump muốn những vấn đề này được tranh luận tại Quốc hội, như Pelosi và các đảng viên Dân chủ đã làm vào năm 2005.
Ông Trump đã khuyến khích hàng trăm nghìn người có mặt vào ngày 6 tháng 1 “một cách hòa bình và yêu nước“. Một số tương đối nhỏ đã chọn tham gia vào bạo lực ngày hôm đó tại Điện Capitol đã có những kế hoạch khác nhau và phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của họ.
Tuy nhiên, những lời của ông Trump đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kết quả bầu cử lại là kích động bạo lực, trong khi bà Pelosi đã nói chính xác những điều đó vào năm 2005 và 2017, lại không được Đảng Dân chủ cho là kích động bạo lực.
TNS Ted Cruz đặt câu hỏi khó về Phó TT Kamala Harris trong phiên luận tội
Breitbart đưa tin, trong ngày thứ tư của phiên tòa luận tội cựu TT Trump, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã chất vấn rằng liệu ngôn từ mà Phó TT Kamala Harris sử dụng vào năm 2020 liên quan đến các cuộc biểu tình của Black Lives Matter (BLM) có được coi là sự kích động nổi loạn hay không.
“Trong khi bạo loạn đang hoành hành, Kamala Harris nói trên truyền hình quốc gia rằng ‘Họ [người biểu tình] sẽ không từ bỏ, và họ không nên từ bỏ’”, ông Cruz nói, đề cập đến bình luận của bà Harris, khi đó là TNS tiểu bang California, trong một chương trình vào tháng 6 năm ngoái liên quan đến các cuộc biểu tình BLM trên toàn quốc.
“Và bà ấy cũng quyên tiền để hỗ trợ những kẻ bạo loạn”, ông Cruz nói, nhắc đến Quỹ Tự do Minnesota Harris kêu gọi sự ủng hộ phong trào BLM từ những người theo dõi trên Facebook và Twitter của bà vào tháng 6 năm 2020.
Ông Cruz chất vấn: “Sử dụng tiêu chuẩn đề xuất của người quản lý vụ luận tội, liệu có hợp lý để nói rằng phát biểu của Donald Trump là kích động nổi loạn và phát biểu của Kamala Harris không phải là kích động không?”.
Người đứng đầu nhóm luận tội của Hạ viện – Dân biểu Jamie Raskin đáp rằng ông thấy phát biểu của bà Harris mà TNS Cruz trích dẫn “không quen thuộc”; tuy nhiên, luật sư Michael T. van der Veek của ông Trump đã bác bỏ quan điểm đó.
Luật sư Veek nói rằng nhóm của ông đã chiếu 3 lần video về phát biểu trên của bà Harris cho các nghị sĩ xem trong phiên tòa luận tội.
Trong một câu hỏi liên quan trong phiên tòa, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham hỏi các đồng nghiệp: “Có phải là một chính trị gia quyên góp tiền bảo lãnh cho những kẻ bạo loạn thì sẽ khuyến khích bạo loạn hơn không?”.
Phiên luận tội lần thứ hai đối với cựu TT Trump đã kết thúc vào tối thứ Bảy (13/2) với kết quả: ông Trump trắng án khi Thượng viện không có đủ 2/3 số phiếu kết tội ông.
Không có nhận xét nào