Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 27 tháng 02 năm 2021

    Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự
    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 27 tháng 02 năm 2021

    Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun giơ ba ngón tay lên chào theo kiểu phong trào phản kháng ở Miến Điện, ngày 27/02/2021 ngay tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ). AP

    Hôm qua, 26/02/2021, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, Kyaw Moe Tun, đã gây bất ngờ ngoạn mục khi ông thẳng thừng lên án tập đoàn quân sự, yêu cầu chấm dứt ngay cuộc đảo chính và kết thúc bài phát biểu với ba ngón tay đưa lên, biểu tượng cho phong trào phản kháng ở Miến Điện.

    Từ New York, thông tín viên RFI Carrie Nooten gởi về bài tường trình:

    « Hiện giờ tại Rangun, tập đoàn quân sự tìm đủ mọi cách để xóa sạch những dấu vết của cuộc đảo chính. Về phần đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, ông đã dùng diễn đàn ngoại giao lớn nhất để lên án những hành động của các tướng lãnh, đặc biệt là kể từ ngày 01/02 và nói chung là kể từ hàng mấy thập niên qua.

    Ông đã phát biểu ngay sau cuộc họp báo của của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện. Vị đặc sứ này vừa tuyên bố là đã đến lúc « gióng tiếng chuông báo động » về những hành động vi hiến ở nước này.

    Mở đầu bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, rất xúc động, đại sứ Kyaw Moe Tun nhắc lại rằng ông đại diện cho chính phủ được bầu lên một cách dân chủ và đại diện cho đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi. Ông trích tuyên bố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres rằng một cuộc đảo chính quân sự là không thể chấp nhận được trong thế giới hiện nay.

    Rồi, trong suốt 12 phút, ông Kyaw Moe Tun lên án những áp lực và những tội ác của quân đội đối với thường dân và đặc biệt là đối với các sắc tộc thiểu số. Đại sứ Miến Điện nói thẳng đó là những tội ác chống nhân loại.

    Có những lúc giọng nói của ông khản đặc, nhất là khi ông yêu cầu cộng đồng quốc tế có một hành động mạnh hơn để tái lập nền dân chủ. Ông kết thúc bài phát biểu bằng ngôn ngữ của ông để ngỏ lời với người dân Miến Điện, với ba ngón tay giơ lên, biểu tượng của phong trào phản kháng trong nước. »

    Về tình hình tại chổ, theo hãng tin AFP, hôm nay, cảnh sát đã bắn đạn cao su để giải tán những người biểu tình tập hợp tại Rangoon để đòi tái lập nền dân chủ.

    Hiện chưa biết đạn thật có đã được sử dụng hay không. Người ta chỉ thấy là từ một ngã tư, cảnh sát truy đuổi người biểu tình và các phóng viên chạy trốn vào các tòa nhà lân cận. Trong số những người bị bắt giữ hôm nay, có ba phóng viên.

    Trung Quốc: Đả hổ ‘Tết Nguyên Tiêu’, 5 quan chức ngã ngựa cùng ngày


    Vào ngày 26/2, ngày Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch) của Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Nội Mông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra 5 thông báo truất phế liên lúc 5 quan chức địa phương.

    Theo thông báo chính thức, 5 quan chức bị đình chỉ công việc để điều tra gồm: Nguyên phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Khu tự trị Nội Mông Võ Quốc Thụy (Wu Guorui), Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Vận tải Nội Mông Trịnh Tuấn (Zheng Jun), Thanh tra Văn phòng Ban Tổ chức Thành lập ĐCSTQ Khu tự trị Nội Mông Bạch Kế Vinh (Bai Jirong), nguyên phó Giám đốc Sở Đất đai và Tài nguyên Triệu Bảo Thắng (Zhao Baosheng) và Bí thư Ủy ban kỳ (huyện) Horqin Tả Dực Trung, Thông Liêu thị, Nội Mông Lưu Bách Điền (Liu Baitian).

    Thông báo không nêu rõ lý do cụ thể khiến các quan chức này ngã ngựa. Hiện, Nội Mông đang đặc biệt chấn chỉnh vấn nạn tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên than. Tính đến ngày 4/12/2020, quan trường Nội Mông Cổ đã có 41 quan chức ngã ngựa.

    Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương : Sự im lặng của tổng thống Pháp

    Tổng thống Pháp Macron bị chỉ trích không đề cập đến hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021. REUTERS - POOL

    Theo thông cáo chính thức của Paris và Bắc Kinh, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh đề cập đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

    Thông cáo chính thức của điện Elysée và bản tin của Tân Hoa Xã về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp và Trung Quốc đều không đề cập đến tình trạng của người Hồi Giáo ở Tân Cương. Hai bên chỉ thảo luận về quan hệ kinh tế song phương, về tình hình Miến Điện.

    Bản tin của AFP nhắc lại, vào năm 2020, sau thông tin tiết lộ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại tập trung, tổng thống Pháp từng mạnh mẽ xem đây là một « hành vi đàn áp không thể chấp nhận được ». Sự im lặng của ông Macron lần này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại.

    Tân Hoa Xã cho biết Paris và Bắc Kinh hài lòng về thỏa thuận bảo hộ đầu tư mà Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc đã đạt được vào cuối năm 2020. Ông Tập Cận Bình mong muốn văn bản này nhanh chóng có hiệu lực. Về phía Pháp, tổng thống Macron kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng phê chuẩn công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế chống cưỡng bức lao động như đã cam kết. Tuy nhiên, hãng tin AFP nhắc lại đến nay Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn văn bản này và Bắc Kinh bị cáo buộc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

    Pháp từ nhiều năm qua mong muốn đàm phán dứt điểm về hợp đồng xây dựng nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc, trị giá 10 tỷ euro. Paris cũng đang nuôi tham vọng thay thế Luân Đôn để trở thành thị trường tài chính lớn nhất châu Âu. Theo AFP, ông Tập Cận Bình có cam kết « sẽ hỗ trợ Paris » trong mục tiêu này.

    Một ngày trước cuộc điện đàm giữa nguyên thủ Pháp và Trung Quốc, ngoại trưởng Jean -Yves Le Drian phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án Bắc Kinh « đàn áp một cách có hệ thống » cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đại sứ Trung Quốc tại Paris ngay hôm 25/02/2021 đã đáp trả là Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ một « hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác ».

    Hà Lan lên án nạn « diệt chủng »


    Khác với thái độ dè dặt của Pháp, Quốc Hội Hà Lan ngày 25/02/2021 đã thông qua một văn bản không mang tính ràng buộc, tố cáo Trung Quốc tiến hành một cuộc « diệt chủng » nhắm vào cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ tại Tân Cương. Văn bản nói trên nêu rõ « những biện pháp nhằm triệt sản », « tra tấn », theo quy định của Nghị Quyết 260 Liên Hiệp Quốc được gọi là « Công ước về diệt chủng ».

    Hãng tin Anh Reuters lưu ý thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, đã bỏ phiếu chống lại văn bản lên án Trung Quốc vi phạm tội « diệt chủng ». Ngoại trưởng Stef Blok thì cho biết chính quyền nước này không muốn sử dụng cụm từ « diệt chủng » cho tới khi điều này được Liên Hiệp Quốc công nhận. Hiện cũng chưa có một phán quyết nào của một tòa án quốc tế về tội ác nói trên.

    Ông Tập Cận Bình thảo luận với TT Pháp, bày tỏ thiện chí hợp tác

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 25/2 để thảo luận về khả năng hợp tác trong nhiều vấn đề, từ nỗ lực phân phối vaccine viêm phổi Vũ Hán đến biến đổi khí hậu và các sáng kiến xóa nợ cho G20, theo SCMP.

    Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tổ chức “những cuộc thảo luận chủ động” với Pháp về hợp tác tại khu vực Trung và Đông Âu, nhằm thiết lập “không gian mới” cho hợp tác giữa Bắc Kinh với Liên minh châu Âu (EU). Theo Chủ tịch Trung Quốc, hai nước còn có thể phối hợp trên các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, nông nghiệp, thực phẩm.

    Thông tin được đưa ra giữa những hoài nghi về động cơ của Trung Quốc tại châu u. Nhiều quốc gia EU cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng chia rẽ liên minh thông qua nhóm 17+1, gồm Trung Quốc cùng các nước Trung và Đông Âu, được thành lập hồi năm 2012 sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và khu vực đồng euro.

    Brands: Philippines là tâm điểm trong chiến tranh lạnh Mỹ – Trung

    Bloomberg hôm 24/2 cho đăng bài bình luận của nhà báo Hal Brands bàn về vai trò của Philippines trong mối quan hệ Mỹ-Trung và câu chuyện Biển Đông. Từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống Philippines, mối quan hệ Mỹ-Phi đã trở nên xấu đi và Manila nghiêng về Bắc Kinh. Nhà báo Brands đề nghị những hành động Mỹ nên làm để thay đổi tình hình, nhất là trong bối cảnh chính quyền Biden bị cho là mềm yếu trước chính quyền Trung Quốc.

    Dưới đây chúng tôi trích đăng những điểm chính trong bài viết của nhà báo Hal Brands.

    Hoa Kỳ yêu cầu một liên minh vững chắc với châu Âu, và đặc biệt là Đức, để cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả của sự cạnh tranh đó về cơ bản cũng dựa vào sức mạnh của các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia láng giềng với Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á.

    Nếu các liên minh và quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ với các quốc gia từ Hàn Quốc cho đến Việt Nam được giữ vững, các quốc gia đó có thể chống lại sức ép từ Trung Quốc, và Washington sẽ giữ được chỗ đứng trong khu vực để chống lại sức mạnh của Bắc Kinh. Nếu những mối quan hệ đó rạn nứt, Hoa Kỳ sẽ bị đẩy ra rìa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không thể cưỡng lại sự lấn lướt của Bắc Kinh.

    Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ câu thần chú “Châu Á của người châu Á” của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giúp hình thành một khu vực mà trong đó Mỹ “bị ra rìa” và Bắc Kinh không có đối thủ. Và Philippines, một đồng minh quan trọng đã rời xa Washington trong nửa thập kỷ, là ưu tiên gây ảnh hưởng của họ.

    Philippines chiếm vị trí rất quan trọng vì quốc gia này nằm ở điểm giao nhau của nhiều tiểu vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là một quốc gia thuộc tuyến đầu ở Biển Đông, nơi đã phải gánh chịu sức ép của chính quyền Trung Quốc trong thập kỷ qua. Đảo quốc này neo vào sườn phía nam của một con đường chiến lược, con đường nối họ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, ảnh hưởng tới việc Trung Quốc tiếp cận với Thái Bình Dương rộng mở.

    Philippines cũng kết nối hệ thống liên minh của Hoa Kỳ với Đông Nam Á, một khu vực mà sự liên kết địa chính trị rất linh hoạt và cạnh tranh ảnh hưởng rất gay gắt. Tất cả những điều đó là lý do giải thích cho việc vì sao mối quan hệ Mỹ – Philippines xấu đi lại gây bất ổn cho việc cân bằng khu vực.

    Chiến lược “xoay trục châu Á” của chính quyền Obama thúc đẩy việc Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines nhưng lại “không nhằm khống chế Trung Quốc” trước những tuyên bố chủ quyền lố bịch về mặt pháp lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

    Việc ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống năm 2016 đã khiến mối quan hệ Mỹ-Phi đi xuống. Chính quyền của ông Duterte chống ma túy quyết liệt nhưng lại phản kháng yếu ở trước sự lần lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, không những thế còn nhiều lần dọa đuổi lực lượng Mỹ khỏi Philippines.

    Bắc Kinh đã nắm bắt cơ hội để lôi kéo chính phủ của ông Duterte bằng các khoản vay, đầu tư và thậm chí, theo các báo cáo, là các khoản tài chính tạo điều kiện cho tham nhũng. Và khi các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khu vực đã hạn chế sự phụ thuộc của họ vào công nghệ Trung Quốc, thì Philippines đã cho phép Huawei Technologies Co tham gia xây dựng mạng 5G. Ông Duterte tuyên bố rằng: “Mỹ đã thua” trong cuộc cạnh tranh ở châu Á – một tuyên bố mà giới chức Trung Quốc đang nỗ lực hiện thực hóa.

    Tuy nhiên, hầu hết người dân Philipines vẫn coi trọng mối quan hệ đồng minh với Mỹ, điều này khiến ông Duterte phải tìm phương án chơi với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Nhiều lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn với chính quyền Duterte vẫn chưa thành hiện thực, và lối cư xử thô thiển của Bắc Kinh đã làm tổn hại quan hệ Trung-Phi. Sự giận dữ của người dân Philippines đối với Bắc Kinh tăng lên sau khi một tàu Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Pihlippines vào năm 2019 và bỏ mặc những thuyền viên của con tàu này (sau đó họ được ngư dân Việt Nam cứu giúp).

    Sự việc này đã đặt ra một câu hỏi mở rằng chính phủ Philippines sẽ định vị mình như thế nào trong cuộc đấu tranh cho châu Á, tiếp tục là một đồng minh mạnh mẽ của Hoa Kỳ, một nhân tố ở tuyến đầu, hay là một quốc gia nghiêng về phía Bắc Kinh.

    Mỹ nên mở rộng và đồng bộ hóa tốt hơn các chương trình viện trợ và đầu tư của mình với các chương trình viện trợ và đầu tư của các nền dân chủ khác, đặc biệt là Nhật Bản và Úc, cam kết ngăn chặn Đông Nam Á rơi hoàn toàn vào quỹ đạo kinh tế và công nghệ của Bắc Kinh. Mỹ cũng phải củng cố vị trí quân sự của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và làm rõ rằng Mỹ sẽ ngăn chặn sự xâm phạm thêm nữa của Trung Quốc đối với chủ quyền Philippines.

    Về lâu dài Washington nên đầu tư vào các thể chế dân chủ và các nỗ lực chống tham nhũng như một cách chống lại các điều kiện chính trị mà Bắc Kinh có thể trục lợi.

    Một tiểu bang thông qua dự luật vô hiệu hóa lệnh hành pháp của TT Biden



    Hôm thứ Năm (25/2) Hạ viện Oklahoma đã thông qua một dự luật nhằm vô hiệu hóa của các lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden trong tiểu bang, theo Western Journal.

    Dự luật HB 1236 sẽ cho phép Cơ quan Lập pháp của tiểu bang này xem xét từng lệnh hành pháp do TT Biden ban hành. Và theo đó, nếu tổng chưởng lý Oklahoma quyết định không hành động theo lệnh, Cơ quan lập pháp tiểu bang có thể tuyên bố lệnh hành pháp đó là vi hiến với đa số phiếu.

    Dự luật nêu rõ các danh mục lệnh hành pháp mà các nhà lập pháp sẽ xem xét, bao gồm các vấn đề liên quan đến đại dịch và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe khác, các quy định về dầu và khí đốt tự nhiên, các quy định về nông nghiệp, sử dụng đất và các vấn đề giáo dục.

    Chủ tịch Hạ viện Oklahoma Charles McCall và dân biểu Mark McBride, cả hai đều thuộc đảng Cộng hòa, đã giới thiệu dự luật. Dự luật này đã được thông qua với số phiếu 79-18.

    Với cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện và đặc điểm chính trị Cộng hòa của tiểu bang Oklahoma, dự luật này có cơ hội được Thượng viện bang thông qua và được Thống đốc Cộng hòa Kevin Stitt ký thành luật chính thức.

    Ông Biden đã ký một số lượng lớn các lệnh hành pháp kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1. Theo Cơ quan Đăng ký Liên bang, tân tổng thống đã ký 32 lệnh hành pháp trong khoảng 5 tuần, so với tổng cộng 69 lệnh hành pháp mà cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành trong cả năm 2020.

    Các lệnh này bao gồm việc thu hồi giấy phép của Đường ống dẫn dầu Keystone XL, đảo ngược một số chính sách nhập cư từ thời cựu TT Trump và tái gia nhập Hiệp định Paris về khí hậu.

    Mối quan ngại lớn nhất của Cơ quan lập pháp Oklahoma với TT Biden liên quan đến việc ông thúc đẩy chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch – một ngành công nghiệp chủ chốt ở Oklahoma – sang năng lượng tái tạo.

    Dân biểu McBride đặc biệt chỉ trích các chính sách năng lượng của chính quyền ông Biden với tờ The Oklahoman: “Tôi nghĩ rằng vị tổng thống này vừa ra tay trực tiếp với tiểu bang Oklahoma”.

    Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà lập pháp Oklahoma đều ủng hộ dự luật. Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Emily Virgin (đảng Dân chủ) gọi dự luật này là “sự ngông cuồng.”

    Nền kinh tế của bang Oklahoma phần lớn phụ thuộc vào ngành công nghiệp năng lượng, vì vậy những động thái từ chính phủ liên bang sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với công nhân và doanh nghiệp tại tiểu bang này.

    TNS Mike Lee tại CPAC: ‘Các quyền tự do của đất nước đang bị tấn công’

    Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu (26/2) tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC 2021) ở Orlando, Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mike Lee cho biết các quyền tự do cơ bản của Hoa Kỳ đang bị tấn công ngày càng mạnh mẽ mỗi ngày, đặc biệt liên quan đến các hành động của đảng Dân chủ nhằm “giảm thiểu quyền tự do”.

    Ông nói: “Họ đang làm xói mòn các biện pháp bảo vệ tương tự trong Tuyên ngôn Nhân quyền vốn đặt nền tảng giúp chúng ta tự do”.

    “Những điều tồi tệ sẽ xảy ra khi có quá nhiều quyền lực được dồn vào tay một số ít người”.

    Thượng nghị sĩ nói thêm rằng khi có quyền lực mà không có sự kiểm soát, điều đó dẫn đến hạn chế ngôn luận và các vi phạm khác đối với các quyền được bảo đảm theo hiến pháp.

    Ông Lee cho biết: “Cần lưu ý rằng các biện pháp bảo vệ trong Tuyên ngôn Nhân quyền được liệt kê độc lập, riêng biệt, bởi vì mỗi quyền được liệt kê đều có ý nghĩa quan trọng và chúng phải được tồn tại độc lập và được tôn trọng. Nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua thực tế rằng mỗi biện pháp bảo vệ này cũng có thể phối hợp cùng nhau để bảo vệ quyền tự do”.

    “Vẻ đẹp của đất nước chúng ta, lịch sử của chúng ta và thiết kế hệ thống chính quyền của chúng ta, đó là sức mạnh của những công dân bình thườg sát cánh cùng nhau. Khi một người nhận ra rằng anh ta không đơn độc trong niềm tin của mình và tìm thấy người khác, rồi người khác, và sau đó là một số người khác, đó là cách chúng ta đến với nhau trong những cuộc gặp gỡ như thế này, đó là nơi điều kỳ diệu xảy ra”.

    Mỹ đính chính, nói ủng hộ Nhật ở quần đảo tranh chấp với Trung Quốc

    Người phát ngôn Ngũ Giác Đài John Kirby hôm thứ Sáu (26/2) đã đính chính một phát biểu của mình trước đó, khẳng định Mỹ ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, theo SCMP.

    “Không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với chủ quyền quần đảo Senkaku. Tôi lấy làm tiếc về sự sai sót của mình”, ông Kirby nói.

    Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Kirby trước đó nói rằng, Mỹ “không có quan điểm” đối với câu hỏi về chủ quyền của quần đảo Senkaku.

    Người phát ngôn Ngũ Giác Đài khẳng định, Tổng thống Joe Biden và các quan chức trong chính quyền Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản theo điều 5 hiệp ước an ninh giữa hai nước, bao gồm quần đảo Senkaku. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột.

    “Mỹ phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng (tại quần đảo Senkaku)”, ông Kirby nhấn mạnh.

    Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Nhật Bản vẫn đang kiểm soát quần đảo này và chính phủ Nhật Bản tuyên bố Senkaku là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản.


    Võ Thái Hà tóm ược

    Không có nhận xét nào