Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 17 tháng 2 năm 2021

    Võ Thái Hà tóm lược

    Hiểm họa Biển Hoa Đông: Căng thẳng bùng phát khi tàu Trung Quốc có vũ trang tiến vào vùng biển Nhật Bản

    Express đưa tin, Trung Quốc đã điều hai tàu tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng truyền bá các yêu sách lãnh thổ của mình.

    Quần đảo Senkaku từ lâu đã là vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản bởi cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo.

    Hoạt động này diễn ra khi Trung Quốc ban hành “Luật Hải cảnh” mới, cho phép lực lượng tuần duyên của Trung Quốc sử dụng vũ khí. Luật cũng cho phép các tàu chiến Trung Quốc được hành động nếu phía Bắc Kinh nhìn thấy bất kỳ tàu nào đi vào vùng lãnh hải của mình.

    Truyền thông Nhật Bản tuyên bố rằng những con tàu của Trung Quốc có trang bị một khẩu đại bác.

    Theo Nikkei Asia, hai tàu này cũng đã đe dọa một tàu cá Nhật Bản.

    Chính phủ Nhật Bản ngay sau đó đã gửi khiếu nại về các cuộc xâm nhập của Trung Quốc và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực ngay tức khắc.

    Các bộ trưởng của cả Anh Quốc và Nhật Bản trước đó đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở cả Biển Đông và Hoa Đông.

    Cuộc xâm nhập hôm 16/3 được cho là lần thứ bảy như vậy trong năm nay. Mặc dù hai tàu Trung Quốc đã rời đi sau khi bị chính phủ Nhật Bản cảnh báo, nhưng động thái tiến vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản được cho là màn phô trương lực lượng mới nhất của Tập Cận Bình.

    Về phía Mỹ, mặc dù ông Joe Biden chưa hoàn toàn vạch rõ quan điểm của mình về các vấn đề trong khu vực, nhưng ông đã bày tỏ mong muốn duy trì lập trường chống Bắc Kinh của cựu Tổng thống Donald Trump.

    Triều Tiên bị tố đánh cắp công nghệ vaccine Covid

    Tình báo Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên có thể đang cố gắng đánh cắp công nghệ vaccine viêm phổi Vũ Hán bằng cách xâm nhập hệ thống của hãng dược phẩm Pfizer, theo Reuters.

    Hãng tin Reuters dẫn lời nghị sĩ Hàn Quốc Ha Tae-keung trả lời báo chí ngày 16/2 cho biết:
    “Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) báo cáo với chúng tôi rằng Triều Tiên đã cố gắng thu thập công nghệ liên quan đến vaccine và cách điều trị viêm phổi Vũ Hán, bằng biện pháp tấn công mạng để xâm nhập hệ thống của Pfizer”.

    Tuy nhiên, chưa rõ cáo buộc tấn công mạng này diễn ra vào thời điểm nào hoặc có thành công hay không. Vaccine viêm phổi Vũ Hán của Pfizer, hợp tác phát triển cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, được giới chức các nước bắt đầu cấp phép từ cuối năm 2020.

    Ebola quay lại ở Guinea và Congo

    Cả Guinea và Cộng hòa Dân chủ Congo đều không xa lạ gì với Ebola. Đợt bùng dịch ebola tồi tệ nhất thế giới khởi đầu ở Guinea vào năm 2013 và giết chết 11.000 người ở Tây Phi trong vòng 3 năm. Chỉ hai năm sau, Congo trải qua vụ bùng dịch lớn thứ hai. Hiện virus này đã quay trở lại cả hai nước. Guinea tuyên bố dịch vào ngày 14 tháng 2, sau khi một y tá qua đời và 6 người đến dự đám tang của cô báo cáo các triệu chứng giống Ebola. Các loại vắc-xin đang được triển khai, song có những lo ngại về lây nhiễm — thị trấn nơi y tá này được chôn cất rất gần với biên giới Liberia và Bờ Biển Ngà.

    Ở Congo, bốn ca nhiễm đã được xác nhận trong tháng này. Các nhân viên y tế đang gấp rút cấp 8.000 liều vắc-xin còn sót lại sau đợt bùng dịch gần đây nhất hồi tháng 11 năm ngoái. Cả hai quốc gia đều có nhiều kinh nghiệm về căn bệnh này. Nếu may mắn, họ có thể tiến hành đủ nhanh để ngăn chặn virus.

    Fed và cuộc tranh luận sôi nổi về nền kinh tế Mỹ

    Biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ được công bố hôm nay trong bối cảnh tranh luận sôi nổi về nền kinh tế Mỹ. Nhiều nhà dự báo lạc quan rằng vắc-xin và kích thích tài khóa sẽ sớm tạo ra bùng nổ. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán GDP tăng trưởng ở mức 7,7% trong năm tính đến quý cuối cùng 2021. Dù vậy, một số nhà kinh tế nổi tiếng lại đang cảnh báo về tình trạng quá nóng. Fed đã thận trọng hơn.

    Tuần trước, chủ tịch Jerome Powell lưu ý rằng trong nhóm 25% số nhân công được trả lương thấp nhất, việc làm đã giảm 17% so với mức trước đại dịch. Fed từng hứa sẽ không tăng lãi suất cho đến khi thị trường lao động phục hồi hoàn toàn và lạm phát ít nhất đạt mục tiêu 2%, với một kỳ vọng hợp lý rằng nó sẽ ở mức vừa phải trên mục tiêu đó một lúc. Ý tưởng là để cho phép giá cả tăng bù đắp lại những gì đã mất. Nhưng người ta không thống nhất được về con số chính xác đó.

    Chính phủ mới của Ý đối mặt nhiều thách thức

    Hôm nay Mario Draghi lần đầu tiên bước vào đấu trường quốc hội Ý với tư cách một chiến binh. Thủ tướng mới của Ý đã mời gọi được tất cả trừ chỉ một trong các đảng chính tham gia chính phủ của ông, do đó không có nguy cơ ông bị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong các cuộc bỏ phiếu được dự kiến diễn ra tại Thượng viện vào hôm nay và hạ viện vào ngày mai. Người ta sẽ tập trung vào các chương trình mà ông đề ra trong các bài phát biểu trước lưỡng viện.

    Chúng dự kiến là rất dày đặc. Chính phủ ông phải đối phó với đại dịch và đệ trình một kế hoạch phục hồi nước Ý có thể chấp nhận được lên EU. Ông Draghi cũng đã báo hiệu rằng ông kỳ vọng khởi động các cải cách giúp chi tiêu hiệu quả phần 200 tỷ euro (242 tỷ đô la) của Ý trong quỹ phục hồi chung của khối. Câu hỏi lớn nhất luôn đeo bám vị cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu là liệu ông có thể giữ vững một liên minh đa dạng các đảng phái trái ngược nhau hay không.

    EU rà soát chính sách thương mại chung

    Các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là “quyền tự chủ chiến lược mở” – mặc kệ nó có nghĩa là gì. Nó chắc chắn chứa đựng tham vọng, nhưng không giải thích được EU sẽ làm gì khi sự cởi mở và sự tự chủ xung đột với nhau. Hôm nay Valdis Dombrovskis, ủy viên thương mại của EU, sẽ cố gắng làm rõ vấn đề này khi ông công bố kết quả rà soát chính sách thương mại của EU, được bắt đầu từ tháng 6. Về mặt cởi mở, EU gần đây đã thông qua một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc có bao gồm các cam kết mở cửa thị trường.

    Trong khi đó, việc thúc đẩy quyền tự chủ nhiều hơn của khối bao gồm các chính sách mới nhằm chống lại tác động của các khoản trợ cấp nước ngoài (như của Trung Quốc) và thực thi cứng rắn hơn đối với các chính sách hiện có. EU cũng sẽ phát triển các quy tắc để loại bỏ tình trạng vi phạm nhân quyền dọc theo chuỗi cung ứng quốc tế bằng cách yêu cầu trách nhiệm giải trình bắt buộc đối với các công ty. Một dự thảo của bản rà soát thậm chí còn đi xa hơn khi đề xuất cấm hàng nhập khẩu sản xuất bởi lao động cưỡng bức (người Duy Ngô Nhĩ).

    Mô hình chống dịch giá rẻ từng giúp VN thành công bị “toang”?

    Từ 0 giờ ngày 16-2-2021, Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước bị phong tỏa trở lại kể từ lần phong tỏa Đà Nẵng hồi tháng 8-2020, tiếp theo đó là Hà Nội cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa trường học, quán ăn... cho đến ngày 28-2.

    Nhân viên giấu tên ở một quán ăn tại Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội vào chiều ngày 16 tháng 2 nói với RFA về tin đóng cửa như vừa nêu:

    “Bọn em chưa biết thế nào, theo chỉ định thành phố. Em vẫn duy trì thôi. Cũng cắt giảm nhân viên, nhưng nói chung là khá là mệt. Lượng khách sụt giảm tầm 70-80%. Nhân sự của em cũng giảm, nói chung là không thể giảm bấy nhiêu người được, nói chung là giảm 50% thôi. Nhân viên bên em trước COVID tầm 300 người, bây giờ mấy chục thôi. Vẫn mở duy trì, nhưng không có khách”.

    Thành phố Hồ Chí Minh sắp tới cũng có thể sẽ cho áp dụng các biện pháp tương tự khi trong cuộc họp ngày 15-2, ông Phúc đồng ý cho 2 thành phố lớn nhất nước có thể "giãn cách xã hội" (phong tỏa trên thực tế) tại một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao.

    Từ 28-1 đến nay đã có gần 700 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận.

    Việt Nam là nước duy nhất trong ba nước Đông Dương đến nay chưa được tiêm liều vắc xin nào, Lào và Campuchia đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 7 và 8-2 với hàng trăm ngàn liều vắc xin từ Trung Quốc.

    Các nước Đông Nam Á tin tưởng Mỹ hơn Trung Quốc

    Theo một báo cáo của Viện ISEAS-Yusof Ishak, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á đang lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của Bắc Kinh và nói rằng họ tin tưởng Hoa Kỳ hơn Trung Quốc, theo Just The News.

    ISEAS-Yusof Ishak đã thực hiện một cuộc khảo sát vào cuối năm ngoái đối với các quan chức chính phủ, học giả và các bên liên quan khác từ 10 quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

    “Nếu buộc phải hòa mình vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra, đa số người được hỏi chọn Mỹ (61,5%)”, báo cáo viết. “Sự lựa chọn của Trung Quốc đã giảm từ 46,4% vào năm 2020 xuống còn 38,5% vào năm 2021, ngay cả khi đã thấy rõ về ngoại giao COVID-19 trong khu vực”.

    “Sự lo lắng của khu vực về ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Bắc Kinh không giảm bớt, mà còn tăng lên 88,6% từ 85,4% của năm ngoái”, báo cáo cho biết thêm. “Trung Quốc vẫn là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng không thể tranh cãi trong khu vực theo 76,3% số người được hỏi”. Ngoài ra, những người được hỏi cũng bày tỏ lo ngại đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

    Các tác giả báo cáo viết: “Ảnh hưởng kinh tế và chính trị nổi trội của Trung Quốc trong khu vực đã tạo ra nhiều kinh ngạc hơn là tình cảm. Các bên liên quan của ASEAN lo ngại ‘sức mạnh kinh tế như vậy, kết hợp với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, có thể được sử dụng để đe dọa lợi ích và chủ quyền của đất nước họ’”.

    Cộng hòa Séc loại công ty Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân

    Sau khi cấm các công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia vào mạng viễn thông 5G vào năm 2019, Cộng hoà Séc gần đây đã loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi dự án nhà máy điện hạt nhân mới, viện dẫn lo ngại về an ninh quốc gia, theo The Epoch Times.

    Cộng hòa Séc có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Nhà máy điện hạt nhân Dukovany để thay thế nhà máy hiện tại, vào khoảng giữa năm 2035 và 2037.

    Nhà máy điện hạt nhân mới sẽ có giá ít nhất 7,2 tỷ USD và sẽ có công suất 1.200 MW sau khi đi vào hoạt động. Đây là dự án lớn nhất ở Cộng hòa Séc trong nhiều thập kỷ.

    Vào tháng Một, 5 công ty đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án: Westinghouse từ Hoa Kỳ, EDF từ Pháp, KHNP từ Hàn Quốc, Rosatom từ Nga và China General Nuclear Power (CGN) một công ty quốc doanh của Trung Quốc.

    Vào ngày 27 tháng 1, các đảng phái chính trị của Séc đồng ý rằng CGN và các nhà khai thác điện hạt nhân khác của Trung Quốc không nên tham gia vào dự án Dukovany với quan ngại về an ninh quốc gia. Séc cũng đang cân nhắc có loại trừ các công ty Nga hay không.

    Thủ tướng Anh: Thế giới cần ‘hiệp ước đại dịch’, chỉ ra COVID-19 đến từ Trung Quốc

    Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm thứ Hai (15/2) rằng các cường quốc trên thế giới nên chung tay ký kết một hiệp ước toàn cầu về các đại dịch nhằm đảm bảo tính minh bạch sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát từ Trung Quốc, theo Channel News Asia.

    Ông Johnson cho biết ông mong muốn ký kết một hiệp ước đại dịch mà trong đó các quốc gia nhất trí chia sẻ dữ liệu. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Anh và Mỹ quan ngại về khả năng tiếp cận dữ liệu của nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi đến Trung Quốc điều tra về nguồn gốc virus COVID-19.

    Khi được phóng viên hãng Reuters đặt câu hỏi về những động thái mà ông muốn thực hiện để cải thiện tính minh bạch trong đại dịch, nhà lãnh đạo Anh nói: “Tôi nghĩ điều thế giới cần là một thỏa thuận chung về cách thức chúng ta theo dõi dữ liệu xung quanh các đại dịch lây truyền qua động vật… Và chúng ta muốn một thỏa thuận chung về tính minh bạch”.

    Ông cho rằng đề xuất về hiệp định đại dịch toàn cầu là một trong những ý tưởng hấp dẫn được đưa ra trong vài tháng qua. Các quốc gia ký kết vào hiệp định sẽ đảm bảo họ đóng góp các dữ liệu mà họ có, giúp thế giới hiểu được tường tận những gì đã diễn ra, đồng thời ngăn đại dịch tái diễn.

    Campuchia áp dụng cầu nối internet kiểu TQ khi vẫn trấn áp đối lập

    Chính phủ Campuchia vừa ban hành nghị định thiết lập cầu nối internet kiểu Trung Quốc cho phép kiểm soát và giám sát lưu lượng truy cập trực tuyến, khiến nảy sinh những lo ngại ở trong nước rằng các quyền tự do dân chủ có thể bị đe dọa.

    Nghị định dài 11 trang được công bố hôm thứ Tư 17/2, có mục đích cấp phép và quản lý các kết nối internet để giúp thu ngân sách, bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì trật tự xã hội, văn hóa và truyền thống.

    Nhà điều hành cầu nối internet sẽ giúp các cơ quan chức năng với “các biện pháp ngăn chặn và ngắt tất cả các kết nối mạng nào gây ảnh hưởng đến nguồn thu của quốc gia, an ninh, trật tự xã hội, đạo đức, văn hóa, truyền thống và phong tục”.

    Nghị định được ban hành vào lúc chính phủ của Thủ tướng Hun Sen phải đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế về một cuộc trấn áp đã tàn phá xã hội dân sự và phe đối lập, dẫn đến việc đảng của ông được hưởng độc quyền về quyền lực, đồng thời làm cho nhiều đối thủ bị buộc tội hình sự và chịu các án tù giam.

    Hình thức cầu nối internet của Campuchia cũng tương tự như của Trung Quốc, một đồng minh kinh tế quan trọng của Campuchia. Đất nước Đông Nam Á này gần đây có quan hệ xấu đi với Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu.

    WHO : Số ca nhiễm Covid-19 mới trên thế giới đã giảm 16%

    Số ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận trên thế giới đã giảm 16% vào tuần trước, chỉ lên tới 2,7 triệu, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm qua, 16/02/2021. Theo WHO, dựa theo các số liệu tính đến hôm Chủ nhật 14/02, số ca tử vong mới trên toàn thế giới cũng đã giảm 10% so với tuần trước đó, chỉ lên tới 81.000 người.

    Hôm thứ Hai vừa qua, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết là số ca nhiễm mới đã giảm trong tuần thứ 5 liên tiếp, chỉ còn bằng phân nửa so với con số hơn 5 triệu ca trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 04/01. Theo lãnh đạo WHO, sự sụt giảm này cho thấy là « các biện pháp y tế công cộng đã mang lại hiệu quả, cho dù đang có những biến thể virus mới ». Nhưng ông Ghebreyesus nhấn mạnh : « Ngọn lửa chưa được dập tắt, mà chúng ta chỉ mới bớt đi thôi. Nếu chúng ta ngừng chống lại nó ở bất cứ mặt trận nào, nó sẽ bùng lên mạnh trở lại ».

    Theo các dữ liệu mới nhất, các ca nhiễm biến thể virus Anh Quốc đã được ghi nhận tại 94 quốc gia trong tuần qua, tức là tăng thêm 8 nước trong vòng một tuần. Còn biến thể virus Nam Phi thì đã có mặt ở 46 quốc gia và chỉ mới có 21 quốc gia phát hiện các ca nhiễm biến thể virus Brazil.

    Không có nhận xét nào