Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 3 tháng 2 năm 2021


    Võ Thái Hà tóm lược

    Phe thiên tả ‘há miệng mắc quai’ khi Biden ký liền lúc hơn 40 sắc lệnh

    Chỉ hơn một tuần TT Biden đã ban hành hơn 40 lệnh hành pháp, nhiều hơn so với bất kỳ số lệnh hành pháp nào mà những người tiền nhiệm của ông đưa ra trong khoảng thời gian tương tự. Hành động bất thường của Biden đang tạo ra hiệu ứng tiêu cực và nó đang khiến những người ủng hộ ông “câm lặng”.

    Thefederalist cho hay, nhiều lệnh mà ông Biden ký đã loại bỏ các chỉ thị của cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm việc ngay lập tức kết liễu dự án Đường ống Keystone XL, cho phép các trường học công thừa nhận nam sinh nhận mình là nữ sinh và ngược lại, buộc người Mỹ nộp thuế tài trợ cho việc phá thai ở nước ngoài.

    Một số người thuộc Đảng Cộng hòa như Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnel đã lên án việc ông Biden sử dụng quá nhiều lệnh hành pháp, trong khi đó truyền thông dòng chính và Đảng Dân chủ giữ im lặng về cách ông Biden thực thi quyền lực.

    Vậy là phe cánh tả không có phản ứng gì đối với việc ông Biden vội vã ký 40 sắc lệnh, mặc dù trước đó họ đã dành nhiều năm để lên án gay gắt ông Trump lạm dụng lệnh hành pháp. Ngay cả trước khi ông Trump lên nắm quyền, những người chỉ trích ông đã tuyên bố rằng nền dân chủ và Hoa Kỳ đang bị đe dọa bởi khả năng sẽ có quá nhiều lệnh hành pháp.

    Trên thực tế ông Trump chưa bao giờ ký số lệnh hành pháp với mật độ dày đặc như ông Biden đang làm.

    Thậm chí, một bài báo của tờ New York Times còn đặt ra câu hỏi rằng “Donald Trump có phải là một mối đe dọa đối với nền dân chủ?”. Những người thiên tả khác thì cho rằng các “lệnh hành pháp” của Trump là “độc tài” và lên án ông về việc ban hành các chỉ thị mạnh mẽ chỉ vài ngày khi bắt đầu chính quyền mới. Câu chuyện không chỉ giới hạn trong vài tuần đầu tiên ông nhậm chức, mà trong suốt nhiệm kỳ của ông ở Tòa Bạch Ốc, gần như mọi lệnh hành pháp mà vị cựu tổng thống đã ký đều bị cáo buộc là “độc đoán” hoặc “lạm dụng quyền lực”.

    Ông Biden trước đây đã lên án việc sử dụng quyền lực sâu rộng của nhánh hành pháp. Vào tháng 10/2019, trong một lần trả lời phỏng vấn với ABC News, ông nói với phóng viên: “Tôi có quan điểm rằng chúng ta là một nền dân chủ” và “nếu bạn không có sự đồng thuận đối với mệnh lệnh hành pháp để làm điều gì đó, thì bạn không thể làm theo lệnh hành pháp trừ khi bạn là một nhà độc tài. Chúng ta là một nền dân chủ, chúng ta cần sự đồng thuận”.

    Vào tuần trước, một phóng viên đã chất vấn Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, bà Jen Psaki, về bình luận “nhà độc tài” của ông Biden. Người phóng viên này hỏi rằng: “Bà đã nói trước đó về một số lệnh hành pháp này sẽ được sử dụng để đảo ngược một số điều trái đạo đức mà chính quyền tiền nhiệm đã làm”, và “nếu bà gọi những điều này là vô đạo đức, thì đó có phải là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận hay không? Và rồi cũng là để gợi ý rằng ông Biden có lẽ sẽ tự thấy bản thân ông ấy là một nhà độc tài nhân từ?”.

    Tuy nhiên, bà Psaki đã né tránh câu hỏi bằng việc nhấn mạnh rằng câu nói của ông Biden có liên quan tới vấn đề thuế.

    Cảnh sát Myanmar cáo buộc bà Aung San Suu Kyi nhập khẩu trái phép

    Cảnh sát Myanmar đã cáo buộc bà Aung San Suu Kyi nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày 15 tháng 2 để phục vụ cho việc điều tra, theo một tài liệu của cảnh sát.

    Động thái này diễn ra sau một cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, dẫn tới việc giam giữ người từng được trao giải Nobel Hòa bình và các chính trị gia dân sự khác.

    Hành động trên đã cắt ngắn quá trình chuyển đổi lâu dài của Myanmar sang nền dân chủ, và dẫn tới sự lên án từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.

    Hồ sơ của cảnh sát gửi lên tòa án đề cập chi tiết các cáo buộc đối với bà Suu Kyi, 75 tuổi, trong đó có việc sáu bộ đàm đã được tìm thấy trong một cuộc khám xét nhà của bà ở thủ đô Naypyidaw. Cảnh sát nói rằng các thiết bị này được nhập khẩu bất hợp pháp và được sử dụng khi chưa được phép.

    Tài liệu hôm 3/2 yêu cầu giam giữ bà Suu Kyi “để thẩm vấn nhân chứng, yêu cầu bằng chứng và mưu tìm cố vấn về pháp lý sau khi thẩm vấn bị cáo”.

    Một tài liệu khác cho thấy cảnh sát đã cáo buộc Tổng thống bị lật đổ Win Myint vi phạm các quy định nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong quá trình vận động bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.

    Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử nhưng quân đội tuyên bố rằng có gian lận và sử dụng điều đó để biện minh cho việc tiếm quyền.

    Người dân Miến Điện phát động phong trào « Bất tuân dân sự » để phản đối quân đội đảo chính

    Sau hai ngày im ắng, người dân Miến Điện bắt đầu phong trào phản kháng ôn hòa. Không biểu tình rầm rộ trên đường phố, nhưng phong trào « Bất tuân dân sự », khởi động từ ngày 02/02/2021, được hưởng ứng rộng rãi trên các mạng xã hội. Giới y bác sĩ bắt đầu đình công trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại Miến Điện.

    Thông tín viên trong khu vực Carol Isoux tường trình từ Bangkok :

    « Một phong trào đã được giới bác sĩ, y tá trong lĩnh vực y tế công khởi xướng. Hôm qua (02/02), họ thông báo sẽ bắt đầu đình công từ hôm nay (03/02) để phản đối quân đội chiếm quyền. Hiện tại, nhân viên của khoảng 40 bệnh viện ở các thành phố lớn như Rangoon, Naypyidaw và Mandalay đã tuyên bố hưởng ứng phong trào.

    Phong trào được loan tải rộng rãi trên các mạng xã hội, kể cả trong giới sinh viên. Họ đăng những thông điệp kêu gọi giúp đỡ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, người cũng thấy nhiều điểm tương đồng với những phong trào xã hội gần đây ở Hồng Kông và Thái Lan, trong đó có việc sử dụng ứng dụng nhắn tin Signal và kiểu chào với 3 ngón tay giơ lên.

    Một thông điệp khác cũng được gửi tới toàn dân là gõ xoong nồi ngoài ban công và trước nhà vào 20 giờ mỗi tối. Tục lệ thường để đuổi tà ma giờ được dùng để phản đối sự hiện diện của quân đội.

    Vào đúng mùa dịch Covid-19, cuộc đình công của các bác sĩ có thể gây tác động, nhưng quân đội cũng có một mạng lưới bệnh viện quân y vững chắc. Vì thế, các nhà đại diện cho phong trào bất tuân dân sự hy vọng có nhiều lĩnh vực khác nhanh chóng tham gia ».

    Đến tối 02/02, trang Facebook « Bất tuân dân sự » đã có gần 150.000 theo dõi. Họ yêu cầu trả tự do cho các chính trị gia bị bắt, trong đó có nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và chính phủ dân sự trở lại nắm quyền.

    Tin dầu hỏa

    ExxonMobil báo cáo khoản lỗ theo năm 22,4 tỷ đô la trong năm 2020; trong khi BP, một gã khổng lồ dầu mỏ khác, báo cáo khoản lỗ cơ bản 5,7 tỷ USD, vì các hạn chế covid-19 làm giảm nhu cầu dầu thô toàn cầu. Hôm thứ Sáu, công ty dầu mỏ Chevron cũng công bố khoản lỗ hàng năm 5,5 tỷ USD. BP dự đoán một khởi đầu khó khăn trong năm 2021 khi các hạn chế đi lại tiếp tục làm giảm nhu cầu dầu trên toàn thế giới.

    Dân chủ suy yếu trên toàn thế giới trong năm 2020

    Đại dịch đã tạo ra mất mát không chỉ về cuộc sống và sinh kế, mà còn về tự do chính trị. Ấn bản mới nhất của Chỉ số Dân chủ, được xuất bản bởi The Economist Intelligence Unit, công ty chị em của The Economist, cho thấy sự sụt giảm quyền tự do dân chủ ở 116 trên 167 quốc gia. Hầu hết mọi người đều kết luận ngăn chặn thảm họa chết người xứng đáng hơn một số quyền tự do tạm thời.

    Tuy nhiên, bất kể sự ủng hộ của công chúng, các quốc gia rút lại quyền tự do dân sự, né tránh giám sát quyền lực khẩn cấp, hoặc từ chối quyền tự do ngôn luận, đều bị giảm điểm, đẩy mức trung bình toàn cầu xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Nước Mỹ vẫn là một “nền dân chủ thiếu sót”, với điểm số trái ngược nhau ở các chỉ số con cốt lõi. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trở thành “các nền dân chủ đầy đủ”, trong khi Pháp và Bồ Đào Nha mất danh hiệu đó. Ở Đông Âu và Mỹ Latin, đại dịch làm tăng cường thêm những thiếu sót dân chủ hiện có. Nhưng châu Phi và Trung Đông có một năm tồi tệ nhất – đối với các nhà lãnh đạo chuyên quyền, đại dịch là một cái cớ tốt để củng cố quyền lực của họ và loại bỏ bất đồng quan điểm.

    Các cổ phiếu Thụy Sĩ quay lại sàn giao dịch Anh

    Thụy Sĩ từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng với người láng giềng bao quanh họ, Liên minh châu Âu. Để bảo vệ sự độc lập của mình, họ tham gia thị trường hàng hóa chung nhưng không tham gia thị trường dịch vụ. Giờ đây họ có thêm một người bạn đồng hành ở Anh, nơi mà thỏa thuận Brexit khiến mối quan hệ giữa khu vực tài chính khổng lồ của họ với EU bị treo lơ lửng. Tuần này, hai nước sẽ làm sâu sắc mối quan hệ của họ.

    Cổ phiếu của các công ty Thụy Sĩ sẽ sớm được giao dịch trên các sàn giao dịch Anh. Điều này đảo ngược một phần quyết định của Thụy Sĩ vào tháng 7 năm 2019 về việc rút khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của EU — vào thời điểm đó bao gồm cả London — sau khi Brussels rút cổ phiếu của họ khỏi Thụy Sĩ. Trước khi rút ra, cổ phiếu Thụy Sĩ chiếm 1,2 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) trong các giao dịch hàng ngày, do đó thỏa thuận sẽ giúp các sàn giao dịch London tăng khối lượng giao dịch của họ. Nhưng điều đó khó có thể bù đắp được cho 5,7 tỷ bảng Anh mỗi ngày giao dịch cổ phiếu châu Âu bị tuột khỏi tay các sàn giao dịch Anh kể từ khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc.

    Tòa án Tối cao Mỹ sắp ra nhiều phán quyết quan trọng

    Hôm nay, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ tạm ngưng kỳ nghỉ của họ – một điều bất thường – để ra một hoặc nhiều phán quyết về các vấn đề đang chờ xử lý. 25 vụ kiện đã được tranh luận và đang chờ phán quyết. Chúng bao gồm vụ Fulton v Thành phố Philadelphia, trong đó quyền tự do tôn giáo mâu thuẫn với quyền của giới LGBT. Khi Philadelphia ngừng giới thiệu trẻ em đến một cơ quan nuôi dưỡng Công giáo vì họ không muốn cho các cặp đồng tính nhận con nuôi (trái với quy tắc chống phân biệt đối xử của thành phố), tổ chức này nói các quyền của Tu chính án Thứ Nhất của họ đã bị vi phạm.

    Còn vụ California v Texas thách thức tính hợp hiến của Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Vừa túi tiền (ACA), một đạo luật dường như không thuyết phục được đa số các thẩm phán khi nghe tranh luận hồi tháng 11. Với việc Tổng thống Joe Biden mở lại đăng ký cho các gói ACA từ ngày 15 tháng 2, đây có thể là thời điểm thích hợp để làm rõ luật. Các thẩm phán cũng có thể muốn khép lại một tranh chấp khác dưới thời Trump — trát đòi kiểm tra hồ sơ tài chính tám năm của ông Trump từ công tố quận Manhattan.

    Qualcomm sắp công bố kết quả kinh doanh quý

    Hôm nay hãng sản xuất chip Qualcomm sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên. Thị trường có kỳ vọng cao cho họ, vì một số lý do. Nhìn chung, các công ty bán dẫn đã có một năm tốt đẹp, khi người tiêu dùng trong phong tỏa dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị do họ sản xuất. Qualcomm, bên sản xuất chip vô tuyến cho điện thoại thông minh, có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ doanh số tăng nhanh của các thiết bị cầm tay 5G.

    Và vào ngày 14 tháng 11, họ được chính phủ Mỹ cho phép khởi động lại việc bán hàng cho Huawei, một hãng điện thoại thông minh Trung Quốc đang đối mặt các hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Gần đây, Qualcomm nhận được một loạt tin tốt. Năm 2019, họ công bố một thỏa thuận bất ngờ với Apple, chấm dứt cuộc chiến kéo dài về các điều khoản cấp phép cho chip radio của họ. Tiếp đó vào tháng 8, một tòa án Mỹ đã lật lại phán quyết trước đó rằng công ty có hành vi phản cạnh tranh. Nhưng công ty vẫn không được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngay sau khi giải quyết các vụ kiện, Apple đã mua mảng kinh doanh chip 5G của Intel với giá 1 tỷ USD. Công ty này khó có khả năng tiếp tục làm khách hàng lâu dài của Qualcomm.

    Cấp dưới Biden: Cảnh sát là mối đe dọa an ninh Mỹ

    Jalina Porter, người mới được bổ nhiệm làm phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Biden, từng tuyên bố rằng mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ có thể tới từ chính lực lượng bảo vệ an ninh, theo Fox News.

    Trong một bài đăng trên Facebook năm 2016, bà Porter loan đi mô tả tiêu cực về lực lượng cảnh sát Mỹ khi viết rằng họ là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất, còn hơn cả tin tặc Nga và ISIS, vì những vụ giết người Mỹ da đen.

    “Mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ là cảnh sát Hoa Kỳ”, Porter nói, theo báo cáo của The Washington Free Beacon. “Không phải ISIS, không phải tin tặc Nga, không phải bất kỳ ai hay bất cứ điều gì khác”.

    Bà Porter viết: “Nếu quý vị không thức tỉnh và hiểu ra sự thật này, thì nạn diệt chủng chống lại người Da đen ở Mỹ sẽ tiếp tục cho đến khi chúng ta gần như tuyệt chủng. Đó không phải là thế giới mà tôi mưu cầu để sống, hoặc kiến tạo ra cho bản thân và những người xung quanh mình”.

    Vào thời điểm Porter bày tỏ quan điểm về lực lượng cảnh sát, bà đang làm quan chức truyền thông cho Dự án An ninh Quốc gia Truman, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại thiên tả.

    Trong một tuyên bố hôm thứ Ba 2/2, sau khi đã trở thành một quan chức chính phủ, bà Porter cho biết: “Những bình luận mà tôi đưa ra cách đây 5 năm trên tài khoản Facebook cá nhân của mình với tư cách là một công dân là để đáp lại sự thật khó chịu – và vô cùng đau đớn – về bạo lực chủng tộc ở Mỹ vẫn tiếp diễn”.

    Thống đốc bang Florida khởi động cuộc tấn công chống lại Big Tech

    Thống đốc bang Florida Ron DeSantis (Đảng Cộng hòa) đã đề xuất các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế sự thiên vị chính trị và kiểm duyệt của các công ty công nghệ lớn (Big Tech), theo Breitbart.

    Trong bài phát biểu dài 45 phút, thống đốc đã xác định các công ty công nghệ lớn là mối đe dọa hàng đầu đối với nền dân chủ và tự do ngôn luận của Mỹ ngày nay, đồng thời, ông cam kết rằng Đảng Cộng hòa Florida sẽ hành động.

    Các quy định mới được ông DeSantis công bố bao gồm:

    Bắt buộc [quyền] chọn không tham gia các bộ lọc nội dung của các công ty công nghệ lớn

    Công dân Florida có quyền chống lại khi Big Tech vi phạm điều kiện này.

    Phạt tiền 100.000 USD/ngày đối với các công ty công nghệ nếu đình chỉ ứng cử viên cho các vị trí bầu cử ở Florida khỏi nền tảng của họ.

    Phạt tiền hàng ngày cho bất kỳ công ty công nghệ nào “sử dụng nội dung của họ và các thuật toán liên quan đến người dùng để ngăn chặn hoặc ưu tiên truy cập bất kỳ nội dung nào liên quan đến một ứng cử viên hoặc mục đích chính trị trên lá phiếu.”

    Yêu cầu minh bạch hơn.

    Các cơ quan bầu cử của Florida có quyền yêu cầu công khai thông tin đối với các nền tảng Big Tech thiên vị ứng viên này hơn ứng viên khác.

    Ủy quyền cho tổng chưởng lý Florida khởi kiện các công ty công nghệ vi phạm các điều này theo Đạo luật về Hành vi lừa đảo và Gian lận của bang.

    Cho đến nay, đây là đề xuất về quy định và lập pháp ở phạm vi rộng lớn và cứng rắn nhất nhằm giải quyết vấn đề kiểm duyệt công nghệ do một tiểu bang của Hoa Kỳ thực hiện, Breitbart nhận định.

    Không có nhận xét nào