Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hoài vân – Nói chuyện với Cụ Trần văn Ân mùa xuân 1993

    Nhân ngày giỗ "ông già". Khơi lại ngọn lửa từ tro tàn dĩ vãng ...

    §§§§§§§§§§ 

    Nguyễn Hoài Vân: Mùa xuân 1993 bác có chuyện gì muốn nói ? 

    Cụ Trần Văn Ân: Chuyện “hoà hợp hoà giải” càng lúc càng làm người không Cộng Sản lún sâu trong bất hoà, chia rẽ, chuyện Tổng Thống Pháp Mitterrand mới viếng thăm VN, chuyện bầu cử Quốc Hội tại Pháp, chuyện trưng cầu dân ý tại Ý Đại Lợi và tại Nga, chuyện CSVN gian dối trong vấn đề tù binh Mỹ tại cuộc hoà đàm Paris… 

    NHV: Sẵn năm nay đánh dấu 20 năm ký kết hiệp định Paris, với 2 quy định chính là chấm dứt chiến tranh Việt Nam và bảo đảm quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN… 

    Cụ TVÂ: Ta thấy là câu chuyện vẫn chưa kết thúc. 

    NHV: Tại sao lại phải nói đến cuộc bầu cử tới đây tại Pháp, và cuộc trưng cầu dân ý tại Ý Đại Lợi? 

    Cụ TVÂ: Vì đó là những bài học dân chủ. Nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm dân chủ kiểu Tây Phương, nên phải học, phải chú ý đến từng diễn biến dân chủ tại các nước này, đặc biệt là tại nơi chúng ta sinh sống, để thu thập kinh nghiệm cho nền dân chủ của ta mai hậu. Bác muốn tránh nói chuyện chính trị Pháp với người Pháp, hay chính trị Mỹ với người Mỹ, vì chắc chắn là họ không cần tới ý kiến của mình. Bác chỉ muốn nói cho bà con mình nghe mà thôi. 

    NHV: Nghe nói đã có lúc một bạn thân thuộc phe hữu đề nghị bác làm cố vấn cho hữu phái Pháp khi họ bị ông Mitterrand làm điên đảo? 

    Cụ TVÂ: Bác đã từ chối, vì không thích cái nghề cố vấn. Nếu vì việc nước mình thì cực chẳng đã phải làm, chứ vì việc nước người, thì không. Bác thích nhìn đời với cặp mắt trắng (bạch nhãn khán tha thế thượng nhân) để vui với mình trong tĩnh lặng, hơn là thị phi. 

    NHV: Vậy, những giai đoạn làm cố vấn là những giai đoạn khổ tâm của cuộc đời bác? 

    Cụ TVÂ: Nói khổ tâm sợ không đúng lắm, nói bó buộc đúng hơn. Bó buộc vì cô thế. Cô thế mà lại không muốn thúc thủ ngồi không. Vì vậy, muốn làm gì cho nước, muốn đem chút kiến thức hay sáng kiến gì của mình ra áp dụng, đều phải chịu dựa thế chỗ này hay chỗ nọ, mượn lực của người mà cố gắng thực hiện việc mà mình mong muốn cho đất nước. 

    NHV: Những chỗ dựa ấy có khi không được tốt lắm? 

    Cụ TVÂ: Bác không muốn có ý kiến công khai về vấn đề này. Bác chỉ cảm ơn tất cả mọi người vì những gì họ đã giúp để thực hiện những ý kiến của bác, và im lặng trước những chuyện khác…Còn về việc tốt xấu của riêng bác thì bác vẫn luôn nghĩ rằng cứ lo ngồi thủ cái “tiết tháo” của riêng mình, mặc cho nước nhà nghiêng ngửa, chưa chắc đã tốt. Mà hễ đã lao vô trường chính trị, nhứt là trong thời loạn, thì không khác gì nhảy xuống ruộng mà xới, đắp, cày, cấy và đương nhiên là phải chịu mình mẩy chân tay dính đầy bùn nhơ. 

    NHV: Ta trở lại cuộc bầu cử quốc hội Pháp gần đây… 

    Cụ TVÂ: Bài học đầu tiên là người dân dễ nghe, dễ tin mà cũng dễ giận, dễ bỏ. Đảng Xã Hội Pháp đã thắng lớn trong cuộc bầu cử trước, cũng như vào năm 1981, vì họ được dân tin là những người trong sạch, không bị lệ thuộc các thế lực tiền bạc, biết lo cho dân nghèo. Nhưng khi đã có quyền, họ lại dần dần bị lôi cuốn vào các vụ lem nhem tiền bạc, các vụ hối lộ, biển thủ công quỹ, và trở nên xa rời những ước vọng của người bình dân. Họ cũng đã có những thái độ bè cánh, đưa phe đảng vào các chức vụ trọng yếu của quốc gia, kể cả lúc gần bầu cử. Tất cả những điều ấy, cộng với nạn thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế suy thoái, đã là những lý do chính khiến người dân giận họ, và tẩy chay họ một cách nặng nề. 

    NHV: Bác từng có nhiều liên hệ với tiền thân của đảng Xã Hội hiện tại? 

    Cụ TVÂ: Khi bác làm Tổng Trưởng Thông Tin trong Chính Phủ Lâm Thời Nam Phần VN do tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng, có bị tướng Pháp De la Tour doạ giết sau khi nhiều lần cố làm cho Tướng Xuân xa bác. Khi đó bác nghĩ ra một cách là lấy danh nghĩa Bộ Trưởng đi công vụ bên Pháp, để tránh khỏi bị hại. 

    NHV: Điều đặc biệt là bị Pháp hăm giết mà lại đi Pháp lánh nạn… 

    Cụ TVÂ: Chỉ có cách đó. Người Pháp không xấu, chế độ thực dân mới xấu. Nếu lúc đó bác không đi Pháp, thì sẽ bắt buộc phải vào bưng. Nhiều bạn Dân Xã đã giận bác biết bao nhiêu vì đòi bác phải vào bưng. Bạn nói: “vào bưng vừa đánh Pháp, vừa đánh Cộng Sản”. Bác trả lời: “lấy gì đánh Pháp, lấy gì đánh Cộng Sản ?” Và, vì bưng biền mà bạn muốn nói là do Tướng Lê Văn Viễn chỉ huy, nên bác nói thêm: “anh Viễn kia còn khốn đốn, mình theo vô đó, không chết trong tay Pháp, cũng chết trong tay Cộng Sản”. Bạn giận, còn bác đi Tây. 

    NHV: Sau đó, quả nhiên ông Viễn thất thế phải bỏ chiến khu “về thành”… 

    Cụ TVÂ: Và bạn Lâm Ngọc Đường chết thảm trong tay Cộng Sản Đệ Tam… 

    NHV: Xin bác kể rõ hơn? 

    Cụ TVÂ: Lâm Ngọc Đường là Uỷ Viên Trung Ương Dân Xã Đảng, do bác đưa vô chánh phủ Nguyễn Văn Xuân để nắm Công An Cảnh Sát. Cũng phải nói là lúc đầu thực dân Pháp cũng nhất định không chịu giao ngành công an cảnh sát cho Chánh Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam của Tướng Xuân. Khi bác lâm nguy, lánh sang Pháp, trước khi đi có dặn Lâm Ngọc Đường ráng ở lại theo ông Xuân, nhờ ông mà giữ cái thế của mình, để tranh thủ được gì cho nước nhà thì tranh thủ, đừng bỏ đi sẽ nguy to vì Pháp không giết, CS Đệ Tam cũng sẽ giết. Đường không nghe bác, khi bác vừa đi thì Đường bỏ vào bưng với tướng Viễn. Khi Tướng Viễn về thành, Cộng Sản Đệ Tam vây đánh, bắt được Đường, chúng đóng nọc vào mắt, tai, mũi, miệng, hậu môn của bạn rồi hành hạ đến chết. Hàng năm bác đều có giỗ Lâm Ngọc Đường. 

    NHV: Chuyện thật đau lòng… Mình có thể trở lại Đảng Xã Hội Pháp? 

    Cụ TVÂ: Khi đó, bác ở Pháp, diễn thuyết về những bất công, tệ hại của chế độ thực dân, rồi vận động chính giới Pháp, làm bạn với nhiều nhà văn, nhà báo, dân biểu, nghị sĩ v.v…phải nói là phần đông thuộc phe tả, tiền thân của Đảng Xã Hội bây giờ. Cho đến khi tình hình Việt Nam đòi hỏi bác phải trở về quê hương, cũng là nhờ bạn SFIO vận động, nhờ tiền thân của Đảng Xã Hội ngày nay can thiệp, bác mới về được Việt Nam. Nghĩ lại, phải cảm ơn các ông Xã Hội, SFIO, bác kêu là “sách dép dô”, này. 

    NHV: Sau này bác có liên lạc với họ không? 

    Cụ TVÂ: Bác giao tình thân thiết với đám già, của thời Léon Blum thủa trước. Sau này họ chống lại ông Mitterrand, lập riêng ra một tổ chức nằm ngoài đảng của ông Mitterrand. Có lần họ mời bác đóng một vai trò lãnh đạo, nhưng bác từ chối, vì già quá rồi. 

    NHV: Bác thường nói TT Mitterrand là người Marxiste? 

    Cụ TVÂ: Ông ta đã viết ra như vậy trong sách “Ici et maintenant” của ông, và có phát triển lập trường Marxiste trong hội nghị Epinay, lúc ông làm đảo chánh nội bộ, chiếm quyền lãnh đạo đảng. Sự dính líu với Marxiste cũng là một lý do khiến đảng Xã Hội thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử mới đây, đưa đến việc đảng này gần như tan rã. 

    NHV: Bác cũng xa các người Xã Hội bây giờ vì thái độ của họ trong thời chiến tranh Việt Nam ? 

    Cụ TVÂ: Đám tả phái Tây Phương đã làm hại mình rất nhiều. Họ chính là lực lượng xung kích của CS ngay trong hàng ngũ các quốc gia tự do đáng lẽ phải là đồng minh giúp mình chống Cộng. Bọn họ kiêu ngạo tự cho là họ đã thông hiểu hết các quy luật của lịch sử và chủ thuyết Marx mới là “chân trời không thể vượt qua được của trí tuệ”, rồi miệt thị chúng ta cũng như tất cả những người chống Cộng là “đồ chó” (lời của JP Sartre). Khi Soljenitsine đưa ra các sự thật về Goulag bên Nga, họ đã hùa nhau bôi bẩn ông ta, cũng như khi Kravchenko bỏ Liên Xô sang thế giới tự do, và đưa những chứng cớ về sự tàn ác của chế độ CS, bọn này súm lại phỉ báng ông khiến ông uất ức phải tự vẫn chết. Nhẹ lắm cũng phải coi đám này là những kẻ đồng loã của tội ác. 

    NHV: Còn ở VN, ở miền Nam VN ? 

    Cụ TVÂ: Đại đa số đều theo tả phái và thân cộng ! Ngày nay, không biết trong thâm tâm họ nghĩ gì? 

    NHV: Trở lại cuộc bầu cử tại Pháp vừa qua, với tính cách cựu Chủ Tịch Uỷ Ban Soạn Thảo sắc Luận Bầu Cử Quốc Hội Lập Hiến của Đệ Nhị Cộng Hoà VN, bác nghĩ sao về lối bầu quá bán hai vòng của cuộc bầu cử này ? Con xin nói thêm là lối bầu này đã cho phép liên minh hữu phái chiếm được 85% số ghế trong Quốc Hội, trong khi họ chỉ đại diện cho có khoảng 40% số cử tri có đi bầu, tức chỉ 40% của cỡ hai phần ba số công dân có ghi tên vào danh sách cử tri, chưa kể những công dân có quyền bầu nhưng đã không làm thủ tục ghi tên vào danh sách này. Nói cách khác, liên minh hữu phái chỉ đại diện cho có khoảng một phần tư công dân ở tuổi đi bầu, nhưng lại nắm trọn quyền hành của quốc gia, trong khi đó, các khuynh hướng thiểu số như “bảo vệ môi sinh”, cực hữu, mỗi khuynh hướng đại diện cho cỡ 10% cử tri, nhưng lại không có được một dân biểu nào trong Quốc Hội. Theo bác, như thế có thật sự là công bằng và dân chủ không ? 

    Cụ TVÂ: Đây là một thí dụ để bà con mình nhớ là nói lý tưởng dân chủ thì dễ, nhưng thực hành dân chủ không đơn giản. Bầu theo tỷ lệ là cho các khuynh hướng, các luồng tư tưởng trong xã hội, dù là thiểu số, có tiếng nói trong quốc hội. Rất công bằng, rất dân chủ trên lý thuyết, nhưng trong thực tế lại rất khó cai trị, vì không có một đa số rõ rệt để ủng hộ chánh phủ trong quốc hội, nên chánh phủ không vững, nay lên mai đổ, làm gì cũng phải lo mua chuộc đầu này, thoả hiệp đầu kia, rất phức tạp, không lợi cho điều hành quốc gia. Bầu quá bán hai vòng kiểu Pháp cho ra một đa số rõ rệt trong quốc hội, một chánh phủ mạnh, nhưng lại có một số khuynh hướng, chủ trương trong dân gian không được đại diện trong quốc hội. Cũng nhớ bầu tỷ lệ là bầu đảng, chứ không bầu người. 

    NHV: Đó là chưa kể trong mô thức này, không còn phân quyền lập pháp và hành pháp nữa, vì chính phủ với đa số trong quốc hội đều thuộc cùng một phe… 

    Cụ TVÂ: Và quyền tư pháp lại thường quá yếu so với hành pháp…Mặc dầu vậy, bác vẫn chủ trương bầu Quốc Hội Lập Pháp theo kiểu quá bán. Ngược lại, khi làm Chủ Tịch Uỷ Ban Soạn Thảo sắc luật bầu cử, bác đã đề nghị bầu Quốc Hội Lập Hiến theo lối bầu tỷ lệ. Lý do vì Quốc Hội Lập Hiến không có trách nhiệm cai trị, vì thế bầu QH Lập Hiến theo tỷ lệ sẽ không hại gì cho việc quản trị quốc gia, mà lại có cái lợi là đưa được vào trong đó nhiều khuynh hướng, nhiều chủ trương, nhiều tư tưởng trong xã hội, để đóng góp cho việc soạn thảo hiến pháp. Lúc ấy, bác nhờ các ông Nguyễn Văn Lộc, sau làm Thủ Tướng, Vương Văn Bắc, sau làm Ngoại Trưởng, và Trần Văn Liêm, sau làm Chánh Án Tối Cao Pháp Viện, bênh vực cho luật này… 

    NHV: Bầu tỷ lệ với danh sách toàn quốc cũng có ý nghĩa rất khác với bầu tỷ lệ với danh sách tranh cử theo từng địa phương, xin bác cho thêm ý kiến. 

    Cụ TVÂ: Cần nhớ là dân biểu quốc hội lập hiến có thể đại diện cho những khuynh hướng, chủ trương, tư tưởng, trên bình diện quốc gia, nhưng ngược lại, dân biểu quốc hội lập pháp chỉ là đại diện của một địa phương, chứ không phải là đại diện của toàn quốc. Tất cả các dân biểu quốc hội lập pháp hợp lại mới là đoàn đại biểu của toàn dân. 

    NHV: Như thế, bác có nghĩ bầu cử với những danh sách tranh cử toàn quốc làm các người dân cử xa rời quần chúng ? 

    Cụ TVÂ: Tính đại diện của họ trở thành mơ hồ, trong khi tại một định chế như quốc hội lập pháp, rất cần có một tính cách đại diện rõ rệt, cụ thể, đại diện cho ai ? ở quận nào ? tỉnh nào ? v.v… 

    NHV: Trong kỳ bầu vừa qua, Đảng Xã Hội Pháp có thể thua nhẹ hơn nếu họ đổi luật bầu cử, cho bầu theo tỷ lệ. Dù có thể làm được như thế, họ cũng đã không làm. Đó là một sai lầm, hay một thái độ cao cả đáng khen ? 

    Cụ TVÂ: Họ đã trách cứ lẫn nhau là đã không đổi luật bầu cử để bầu cử theo tỷ lệ. Nhưng, bác nghĩ, một nền dân chủ mà cứ đổi luật bầu cử mỗi lần bầu tùy nhu cầu giai đoạn của phe cầm quyền, thì quả là không lành mạnh. Nhớ là luật bầu quốc hội Pháp đã được đổi hai lần trong thập niên qua. 

    NHV: Việc đòi đổi nhiệm kỳ hiến định của Quốc Hội cũng vậy ? Người ta nói Thủ Tướng Thatcher nắm quyền được suốt 12 năm là nhờ khéo giải tán quốc hội cho bầu lại vào đúng những lúc thuận lợi nhất cho bà. 

    Cụ TVÂ: Cũng có thể họ nói hơi quá, dù sao, nên nhìn Hoa Kỳ, từ hồi nào tới giờ, các cuộc bầu cử đều được tổ chức đúng kỳ hạn hiến định, đó là một dấu hiệu lành mạnh và kiên cố của một nền dân chủ. 

    NHV: Còn cuộc trưng cầu dân ý mới đây tại Ý Đại Lợi ? 

    Cụ TVÂ: Nước Ý bầu dân biểu theo tỷ lệ, lại dành nhiều quyền cho quốc hội, trên lý thuyết là rất dân chủ, nhưng trong thực tế lại ngược lại. Lối bầu tỷ lệ khiến không có phe nào có đủ đa số để cai trị, nên phải cấu kết, thoả hiệp, trao đổi luôn luôn với các phe khác. Riết rồi chính trường trở thành một cái chợ trao bán quyền thế, chức vụ, lợi lộc v.v…Các chánh trị gia, dân cử, bộ trưởng…dần dần xa rời người dân, trở thành một lớp người sống trên đầu dân, thoả hiệp với nhau làm ăn, hối lộ, tham nhũng, còn cấu kết với các tổ chức tài phiệt, Mafia, thật là tệ hại. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý mới đây cho thấy người dân đã quá ngán đời sống chánh trị ở xứ này. Bác muốn nhắc lại : nói dân chủ khơi khơi trên lý tưởng rất dễ, thực hiện dân chủ khó hơn nhiều. 

    NHV: Năm 1947 bác đã viết một quyển sách tựa đề “Dân chủ”… 

    Cụ NVÂ: Cũng không ngoài mục đích làm cho quốc dân quen với tư tưởng dân chủ, để nhận định và hành động trong tinh thần dân chủ. 

    NHV: Chúng ta có thể bàn sang cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần qua tại Liên Bang Nga ? 

    Cụ NVÂ: Cũng như Ý, chánh trường Nga thời gian qua đã trở thành một hý trường, một trò hề to lớn. Không tức cười sao được khi các chức sắc cũ của chế độ Cộng Sản ngày nay tụ tập trong quốc hội lại tự sắc phong cho mình là những kẻ bảo vệ dân chủ, chống độc tài…Họ lăng xăng chống phá Tổng Thống Eltsine, một cách trẻ con và khôi hài, lên án ông ta là độc tài, phản dân chủ, trong khi ông này chính là một người đã được dân chọn chứ không phải đảng chọn như họ. Trò hề ấy tương phản với sự suy sụp của nền kinh tế, sự xuống dốc bi thảm của đời sống người dân, vì thế bác đã nghĩ, như nhiều người, và dường như sự thể cũng đã diễn ra như vậy, là dân Nga sẽ ủng hộ TT Eltsine và cho bọn dân biểu CS đội lốt dân chủ kia về vườn. 

    NHV: Phải chăng đây cũng là lành mạnh hoá các định chế quốc gia, một công việc mà TT Nga đáng lẽ đã phải làm từ lâu, vì đó chính là giai đoạn cơ bản trong công trình xây dựng một nền dân chủ ? 

    Cụ TVÂ: Có lẽ ông ta tưởng dễ trị bọn dân biểu này, vì bọn họ không có tính dân cử rõ rệt như ông. 

    NHV: Chúng ta có thể rút tỉa bài học nào cho nước nhà ? 

    Cụ TVÂ: Là phải có những định chế lành mạnh, và phải đề phòng những kẻ lớn tiếng hô hào “đa nguyên”, đòi bảo vệ dân chủ, nhưng thực ra chỉ bảo vệ quyền lợi bè phái của họ. Cộng Sản khi yếu thế đương nhiên là sẽ hô hào “đa nguyên”, đòi tôn trọng thiểu số, đòi bầu theo tỷ lệ v.v…và tận dụng vào trò chơi dân chủ để phá đám, làm cho chính quyền phải thất bại, nếu chính quyền không nằm trong tay phe phái họ. 

    NHV : Tổng Thống Mitterrand mới viếng thăm VN cũng có “ giảng đạo” cho chính quyền Hà nội về dân chủ nhân quyền… 

    Cụ TVÂ: Nếu lời nói của TTMitterrand là một đòi hỏi, thì nó phải kèm theo một sự ham doạ, một sự chế tài nào đó nếu đòi hỏi kia không được tôn trọng, đàng này, vừa nói vậy , lại vừa đem tiền tới cho Hà nội, vừa kêu gọi các nước giàu có đầu tư giúp đỡ Hà nội, vậy thì lời nói đó là gì? Là nói chơi cho vui, là màu mè hình thức để lấy tiếng, hay là dối gạt dư luận? 

    NHV: Có lẽ chúng ta cũng không thể trách người ngoại quốc lo cho quyền lợi của họ trước. 

    Cụ TVÂ: Họ phải biết quyền lợi của họ là đứng về phía người dân Việt Nam, chứ không phải về phía chính quyền áp bức người dân. Tuy vậy, họ không thể làm gì khác hơn là giao thiệp với chính quyền Hà Nội nếu trong nội bộ người Việt không có một sự chống đối nào thực sự có tầm vóc, có khả năng thay thế tránh quyền Hà Nội. Mình cứ chờ ai đâu đó bật đèn xanh ủng hộ mình, trong khi chính họ đang mỏi mắt chờ mình làm một cái gì cụ thể để họ ủng hộ. Chính mình phải bật đèn xanh cho họ, chứ không phải họ bật đèn xanh cho mình. 

    NHV: Người mình ở Hải Ngoại thường cho là muốn làm được chuyện cụ thể như bác nói, thì phải đoàn kết, phải kết hợp rộng lớn… 

    Cụ TVÂ: Một tổ chức đơn lẻ nào đó mà cố gắng làm cho được việc, thì sẽ kết hợp được các tổ chức khác. Làm trước kết hợp sau, đừng chờ kết hợp rồi mới làm, sẽ không bao giờ làm! 

    NHV: Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ đã được sự chú ý của bác ? 

    Cụ TVÂ: Cũng như mọi tổ chức đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam. Trong tình thế hiện tại mình phải biết ủng hộ một mục tiêu, mà vẫn giữ vững lập trường cố hữu của mình. Không phải vì mình ủng hộ mục tiêu của một tổ chức nào đó mà mình phải thay đổi lập trường của mình cho hoàn toàn phù hợp với lập trường của tổ chức này. Đây là một nguyên tắc quá đương nhiên trong chính trị, thuộc loại cơ bản. 

    NHV: Như thế có phải bác chỉ tán thành mục tiêu xây dựng dân chủ, nhưng không đồng ý với phương tiện để đạt đến mục tiêu trên của phong trào vừa nói ? 

    Cụ TVÂ: Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là phong trào này có làm được việc gì cụ thể hay không ? Có thực sự hiện diện được trên cuộc cờ VN hay không ? Có quần chúng trong nước ủng hộ hay không ? Nếu họ không có quần chúng trong nước ủng hộ, thì họ không có mặt trên cuộc cờ VN, và dù Trần Văn Ân hay ai đó có ủng hộ hoặc chống đối họ thì cũng như không, không ăn nhằm gì tới thời cuộc VN hết ! Một con số không dù cho có nhân lên cho một trăm hay một trăm ngàn, cũng vẫn chỉ là con số không, mà chia cho một trăm hay một trăm ngàn cũng vậy. Đừng tưởng sự ủng hộ hay chống đối của mình ở ngoài này là ghê gớm, là quan trọng lắm… Ngược lại nếu một phong trào, tổ chức nào đó quy tụ được một con số đáng kể quần chúng ủng hộ họ, thì, khi đó, họ hiện hữu thực sự trên cuộc cờ, và mới thực sự là một đối tượng để mình phân tích, khen hay chê vào chi tiết đường lối tranh thủ mục tiêu của họ. Khi chưa ai có gì hết, khi tất cả chỉ toàn là con số không, thì phải làm mọi cách để cho có được một cái gì, và nếu có một con số không nào đó có vẻ muốn chuyển động để cho có được một cái gì, thì phải tìm cách mà ủng hộ nó, ít là trên mục tiêu, và nếu không thích ủng hộ, thì cũng nên im lặng. Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo, đừng đòi hỏi có liền một triệu, trong khi tất cả chúng ta đều là con số không, vì chưa làm được gì trong nước. 

    NHV: Sở dĩ phong trào này bị nhiều chống đối là vì đã bị gán cho nhãn hiệu “ hoà hợp hoà giải”. Bác đã đụng đầu với vấn đề hợp tác CS hồi thập niên 40, vậy, với kinh nghiệm đó, bác nhìn cái “chuyện dài hoà hợp hoà giải” hiện nay như thế nào ? 

    Cụ TVÂ: Lúc bắt đầu kháng chiến, Đảng VN Quốc Gia Độc Lập chưa tan rã, bác và các bạn Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà v.v…có phải đặt vấn đề phối hợp với CS Đệ Tam để đấu tranh chống Pháp. Bác chủ trương đánh chung đi riêng, đã được các bạn thoả thuận, giao cho Nguyễn Bảo Toàn đại diện đi nói chuyện với Đệ Tam. Sở dĩ giao cho Toàn đi nói là vì nghĩ Toàn đã từng ở tù chung với đám Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng v.v…lúc trước. “Đánh chung đi riêng” là từ chối không tham gia vô cùng một mặt trận với Đệ Tam. Toàn đi họp về, nói với anh em: “nghe lời anh Ân đi riêng thì sẽ mất độc lập, ai lãnh đạo cũng được, miễn là thắng Pháp dành lại được độc lập”. Đa số thành viên Đảng QG Độc Lập nghe lọt tai, còn cho là để CS đệ tam lãnh đạo sẽ có lợi, vì họ là người của Liên Xô, mà Liên Xô là đồng minh của Hoa Kỳ, như vậy thế nào CS đệ tam cũng sẽ được đồng minh Anh, Mỹ, ủng hộ. Bác đã giận dữ tranh cãi kịch liệt với các bạn, nói rằng: “CS đệ tam dành quyền thống trị cho Đệ Tam Quốc Tế chứ nào có nghĩ gì đến độc lập nước nhà đâu ! Còn nói họ sẽ có thế lực của Đồng Minh Anh, Mỹ, thì phải tự hỏi Pháp kia cũng là đồng minh của Anh, Mỹ, chắc gì Anh, Mỹ sẽ giúp mình chống lại Pháp ?” Bác còn nhấn mạnh: “độc lập chắc chắn sẽ đạt được, vì đó là trào lưu tự nhiên, cái lo của tôi cho mai hậu là nạn Cộng Sản phi dân tộc, các anh theo họ sẽ hoặc bị họ giết, hoặc làm con bù nhìn gật gù cho họ lợi dụng”. Binh vực bác có Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Lâm Ngọc Đường, Trần Quang Vinh, thua xa phe của Nguyễn Bảo Toàn (trong phe Toàn có Kha Vạn Cân, sau đổi ý ở lại với bác trong Uỷ Ban Phong Toả Sài Gòn, Chợ Lớn, mà không đi liền vào bưng). Thế là Đảng QG Độc Lập theo Mặt Trận của CS Đệ Tam. Khỏi nói là chỉ ít lâu sau, không còn ai. Tai hại nhứt là khi Trần Quang Vinh, vì bị bọn Trần Văn Giàu tố là tội phạm chiến tranh nên quyết định lánh mặt, giao trọn bộ đội cho Nguyễn Văn Thành. Thành trẻ tuổi, nghe theo khẩu hiệu “đánh Pháp giành độc lập”, kéo quân theo CS tuốt. Lúc đó mất quân đội là mất một phương tiện đấu tranh chính yếu, nên từ đó Đảng QG Độc Lập tan rã.(1) 

    NHV: Một số lớn những người đi theo CS đệ tam lúc đó đã bị họ giết ? 

    Cụ TVÂ: Và giết thảm thiết. Tội nghiệp nhứt là đám anh em Đệ Tứ, họp lại nhứt định chịu để bị Đệ Tam bắt, chứ không chịu lánh về thành, hay gần Giáo Phái (2). Cả nhóm 64 người đều bị giết ở Phan Thiết. Người ái quốc, được lòng dân, có thành tích tranh đấu, là điều mà phe Đệ Tam không thể chấp nhận được. Vì thế, giữa vô bưng để chết trong tay đệ tam, với ở lại thành chịu tiếng Việt Gian, bác đã quyết định ở lại thành, chịu tiếng Việt Gian, để còn sống mà làm “Việt Ngay”. 

    NHV: Ở một thời điểm khác, bác đã đề ra chủ trương “tiêu bình hoà giải”… 

    Cụ NVÂ: Đó là lúc bác tham chánh trong chính phủ Lâm Thời Nam Phần VN, năm 1947, sau khi phá được Chính Phủ Nam Kỳ Tự Trị. Bác có họp báo nói rõ là sẽ tranh thủ với Pháp về chủ quyền nội bộ, và đối với CS bác chủ trương “tiêu bình hoà giải”. 

    NHV: Tiêu bình hoà giải là gì ? 

    Cụ TVÂ: Là giải quyết một cách công bằng và hợp lý những bất bình, trên mọi phương diện, rồi khi đó mới có thể hoà giải. Chưa giải quyết bất bình, không thể hoà giải thực tình, chỉ là hoà giải giả dối, trên những tính toán giai đoạn và không thể lâu bền. 

    NHV: Con thấy người ta hay phê phán “hoà hợp hoà giải” như một trương trình chính trị, trong khi trong điều kiện hiện tại, điều đó chỉ có thể coi như một lý tưởng trừu tượng, một ước vọng. Thật ra, chúng ta không có nhu cầu phê phán một lý tưởng trừu tượng hay một ước vọng. Chúng ta chỉ phê phán một chương trình chính trị cụ thể. Mà điều này lại ít thấy những người nói đến “hoà hợp hoà giải” đưa ra, mà dù cho có đưa ra cũng thường là thiếu thực tế. Có lẽ vì vậy mà bác chưa từng có lần nào lên tiếng về “hoà hợp hoà giải”, từ khi vấn đề này tái phát ở quốc ngoại ? 

    Cụ TVÂ: CS Hà Nội cầm quyền độc tài toàn diện, chánh quyền, quân đội, công an, chi chi cũng đều nằm trong tay họ, nên giả sử họ có kêu mình lại « hoà hợp hoà giải » với họ, thì cũng chỉ là một trò lừa bịp dư luận, và nếu mình chịu chạy lại, cũng chỉ là để hầu hạ, quạt mát cho họ, làm thân phận tôi đòi. Bác thấy không cần lên tiếng về việc này vì trước sau gì thì những người đó sẽ đụng đầu với thực tại, như bao lớp người đã đi vô con đường này trong quá khứ. Lên tiếng để làm nhục người ta, gây oán hờn chia rẽ, là điều không nên. Họ cũng là những người không CS, và không thể quả quyết là trong tương lai nước nhà sẽ không bao giờ cần đến họ. Thời trước cũng có nhiều bạn bỏ vô bưng đi một vòng rồi hốt hoảng chui trở ra, mừng cho mình còn nguyên tánh mạng ! Không cần gì phải phỉ báng họ. Ngày nay bác có lên tiếng là cực chẳng đã mà thôi. Mình cứ cố công trét bùn dơ lên mặt nhau miết, thì tới lúc cần người làm việc, lấy đâu ra một bộ mặt sạch sẽ ? Và mỗi khi có chỗ nào tụ lại được ít người, là liền bị chụp mũ, bôi lọ, chửi bới, như vậy lợi cho ai ? 

    NHV: Bây giờ con xin được đề nghị vài nhận xét: 

             Thứ nhất: Một viên sỏi nằm cạnh trái núi, đòi “hoà hợp hoà giải” với núi thì người ta sẽ chỉ thấy trái núi chứ nào thấy viên sỏi bao giờ ? Vì thế trong câu chuyện “hoà hợp hoà giải”, những “viên sỏi” thường bị đồng hoá với Cộng Sản. 

             Thứ hai: Là một nhận xét về tâm lý. Vụ “hoà hợp hoà giải” có thể do một kế hoạch của nhà cầm quyền CS hiện tại, nhưng cũng đáp ứng với một tâm lý đặc biệt của người Việt không CS, vào thời điểm mà chế độ CS mới vừa sụp đổ tại Đông Âu. Khi đó, người Việt không CS tự do cho mình là đã thắng, CSVN sẽ “giải thể” trong ngắn hạn, và, với tâm lý cao thượng của kẻ tưởng mình đã thắng, họ đề ra chính sách “hoà hợp hoà giải”, nghĩ rằng như vậy, CSVN sẽ buông chính quyền một cách êm thấm, gọn gàng, người dân sẽ không phải chịu những cảnh xáo trộn… 

             Thứ ba: Bên cạnh những phản ứng tâm lý loại này, cũng có thể có những tính toán kiểu như: “CSVN gặp tình trạng khó khăn sẽ phải cởi mở về phía người không CS. Vậy, mình phải làm sao cho trong số người Việt không CS, mình trở thành nổi bật như những người ôn hoà nhất, cởi mở nhất. Như thế, đương nhiên là CS sẽ phải chọn mình để thực hiện chính sách cởi mở của họ, và mình sẽ vào được chính quyền một cách dễ dàng, hay ít ra cũng sẽ đóng được một vai trò then chốt”. 

    Cụ TVÂ: Bác đã nói “hoà hợp hoà giải” kiểu đó chỉ là những tính toán giai đoạn, không có gì tốt cả. 

    NHV: Cần nói là những tính toán ấy, nếu có, đã không đem lại được thành quả mong muốn, vì, cho tới nay, vẫn không thấy chính quyền Hà Nội đếm xỉa gì đến các vị đã có thể có những tính toán như trên. Và con người nghĩ dù cho Hà Nội có muốn cởi mở cách mấy đi chăng nữa, họ cũng sẽ không dùng tới các vị này, vì các vị ấy đã bị dư luận dán cho nhãn hiệu “theo CS”, mà cởi mở thì phải cởi mở với người chống CS thì mới có chút giá trị, chứ cởi mở giữa người với CS với người “theo CS” thì đâu còn chút gì “cởi mở” nữa ? 

    Cụ TVÂ: Nếu mình vẫn là con số không như bác nói hồi nãy, thì cởi mở hay không cở mở cũng đều do Hà Nội chủ động, theo nhu cầu của họ, để củng cố cho vị thế của họ. Mình phải thực sự có mặt trên bàn cờ, phải có phương tiện đấu tranh làm áp lực với đối phương, lúc đó mới nói được tới giải pháp này hay giải pháp nọ. Mình không có gì hết, không hiện hữu trên bàn cờ, chỉ bàn miệng chơi cho vui, mà cứ đề ra những giải pháp, những chương trình với đối phương, thì chỉ tổ làm trò cười cho họ mà thôi! Một chương trình hay giải pháp dù trong lý tưởng hoà hợp hoà giải hay gì đi nữa, cũng phải đi kèm với những phương tiện đấu tranh hữu hiệu, có thể gây nguy hại cho đối phương. Điều đó thật là cơ bản, như đã nói hồi nãy… 

    Trong mọi cuộc tranh chấp, lúc sắp hoà đàm là lúc mà người ta đánh mạnh nhứt. Mình thì ngược lại, cởi giáp xuống ngựa, rồi đi mình không tới trại địch xin hoà đàm! Nếu không có khả năng làm áp lực với đối phương, thì mọi giải pháp sẽ đều do đối phương sắp đặt, mở hay đóng, đều là để thích ứng với thực tế, cho sự tồn tại của họ. Khi đó, đừng nói tới một giải pháp do mình đề ra cho thêm mệt. 

    NHV: Vậy, mọi lỗ lực đều phải dồn vào việc tạo áp lực trong nước. Bác nghĩ người Việt Hải Ngoại có đủ phương tiện và ý chí làm việc đó hay không ? 

    Cụ TVÂ: Có đủ phương tiện. Ý chí là chuyện khác. Phương tiện nhỏ thì làm nhỏ. Có những chuyện nhỏ có thể phá hư chuyện lớn. 

    NHV: Như hột sạn có thể làm hư bộ máy lớn ? 

    Cụ TVÂ: Nếu biết liệng cục sạn vô nằm đúng chỗ. Phải cố gắng làm thật, làm cụ thể, trong phạm vi nhỏ hẹp của mình. Khi đã có thành quả cụ thể, sự kết hợp rộng lớn sẽ đương nhiên xảy ra. Đó là một quy luật. 

    NHV: Bác còn muốn thêm gì về “hoà hợp hoà giải” trước khi sang đề tài khác ? 

    Cụ TVÂ: Bác muốn tóm tắt như vầy:

             KHI CHƯA CÓ CHÁNH QUYỀN THÌ CHỈ CÓ ĐẤU TRANH, ĐẤU TRANH, VÀ ĐẤU TRANH. KHI CÓ CHÁNH QUYỀN MỚI HOÀ HỢP HOÀ GIẢI. 

    NHV: Người ta sẽ nói là điều kiện đó quá ngặt nghèo ? 

    Cụ TVÂ: Cách mạng là xây dựng tất cả từ chỗ không có gì hết. Có bao giờ là chuyện dễ đâu ? CS làm chủ tất cả. Quốc dân sẽ phải xây dựng lại tất cả. Đó là làm cách mạng. Đừng bao giờ quên điều đó (3). 

    NHV: Gần đây có một người viết hoàn toàn sai lạc là bác đã từng tham gia chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị của ông Nguyễn Văn Thinh năm 1946. Có lẽ ta cũng nên nhân dịp này nói thêm một chút về giai đoạn tham chánh của bác vào năm 1947 ? 

    Cụ TVÂ: Đương nhiên là bác không hề có mặt trong chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị của ông Nguyễn Văn Thinh. Ông này tự vẫn, được thay thế bởi ông Lê Văn Hoạch. Làm không được việc, Tướng Nguyễn Văn Xuân lên thay, mời bác tham chánh. Lúc đó, bác là Uỷ Viên Chính Trị của Đảng Dân Xã, và là chủ bút báo « Quần Chúng » của Đảng. Bác đã từ chối lời mời của Tướng Xuân, đề nghị Dương Tấn Trương, ký giả, sau làm luật sư. Trung Ương Đảng Dân Xã không đồng ý, nhứt định hậu thuẫn bác ra tham chánh, để phá bế tắc chánh trị và phá cái thế phân ly Nam-Bắc do thực dân bày ra qua chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị. Sau khi cùng bạn thu xếp việc Đảng và việc báo, bác chấp nhận tham chánh. Việc đầu tiên của bác là đặt cho tướng Xuân một số điều kiện, trong đó có hai điều kiện quan trọng: 

    -         Điều thứ nhứt là đổi tên chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị thành chánh phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam. Đó là để phá âm mưu phân chia đất nước của thực dân. Chánh phủ Lâm Thời Nam Phần VN là một chánh phủ tạm thời của miền Nam, trong khi chờ đợi thống nhất. Tức là tự trong cái danh xưng của chánh phủ, đã bày tỏ một cách rõ ràng lập trường thống nhứt đất nước, chống lại chủ trương phân chia Việt Nam của thực dân. Chánh phủ của Tướng Xuân đã phá tan cái chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị năm 46 của ông Thinh . Và sau đó đã đưa đến chánh phủ Trung Ương Lâm Thời VN (toàn quốc) cũng do Tướng Xuân làm Thủ Tướng, rồi chánh phủ Quốc Gia, năm 49, do Quốc Trưởng Bảo Đại làm Thủ Tướng. 

    -         Điều kiện thứ hai bác đặt ra cho Tướng Xuân lúc vào tham chánh là để yên cho các lực lượng kháng chiến không CS giữ tư thế độc lập của họ, tránh cho họ cái tiếng “theo Pháp”. Họ phải là nghĩa quân ái quốc tranh thủ độc lập. Có như thế họ mới giữ được chánh nghĩa, để còn đánh lại Cộng Sản Đệ Tam. Đó cũng là bước đầu của sự hình thành “quân đội quốc gia” sau này, trong sách lược đi tới một “giải pháp quốc gia”. 

    NHV: Các người viết về giai đoạn lịch sử này thường ít nhấn mạnh tới các điều đó, hay hoàn toàn không nói tới… 

    Cụ TVÂ: Những việc này làm cả Pháp lẫn Cộng Sản Đệ Tam căm giận. Báo chí thời đó phần nhiều không thân Pháp cũng thiên Cộng, nên đều ém nhẹm đi. Tài liệu lịch sử của thời điểm này phần đông là thiên lệch. Sau này còn thêm nạn học giả “nội hoá” của mình viết ra cái gì cũng phải tham khảo sách vở của mấy ông Tây ông Mỹ, mà đám trí thức Tây Phương thì phần nhiều thiên tả, viết về giai đoạn kháng chiến chống thực dân chỉ toàn tung hô Cộng Sản. Chuyện của người chống Cộng, hoặc là không thèm nói tới, hoặc là chỉ nói qua loa, phiến diện, hoặc nói sai lạc, có khi còn phỉ báng mình. Người mình, kể cả người Quốc Gia, viết sách viết báo thường theo mấy ông trí thức “Học Đại” đó, nên có nhiều lầm lẫn tai hại, làm bóp méo sự thật lịch sử. Bác nghĩ lại rất đau lòng. Mà không đau lòng sao được khi những kẻ ngồi bàn giấy đầy đủ tiện nghi, với vài nét bút vô trách nhiệm, gạch bỏ những gì bao nhiêu người ái quốc đã cố công thực hiện, phụ bạc vong linh các bạn đã chết vì những công việc làm được trong giai đoạn đó… Nguyễn Văn Sâm đã cùng bác quậy cà phê viết suốt đêm cho rồi diễn văn của Tướng Xuân ra mắt Chánh Phủ Lâm Thời Nam Phần VN với Hội Đồng Nam Kỳ. Chỉ mấy ngày sau, Sâm bị ám sát chết. Ngày 10 tháng 10 năm 1947, Nguyễn Văn Sâm đi với bác dự lễ Song Thập tại Toà Tống Lãnh Sự Trung Hoa, rồi cùng về làm việc ở báo quán Quần Chúng. Việc xong, Sâm rủ bác về nhà bà bạn, có món cá kho đặc biệt mà hai anh em đều ưa thích. Bác từ chối, ngủ lại báo quán. Sâm đi xe bus, trên đường Cây Mai, tới gần đường Tổng Đốc Phương thì bị hai tên CS Đệ Tam bắn chết. Hai tên này đáng lẽ đang bị Pháp giam giữ, không biết vì sao biến mất. Lần tham chánh đó của bác còn làm cho nhiều bạn khác thiệt mạng, bi thảm nhứt là Lâm Ngọc Đường đã nói hồi nãy. Vong linh những người ái quốc này bên kia thế giới nghĩ gì khi đọc những điều bóp méo lịch sử của những kẻ ngồi mát ăn bát vàng ? Hàng năm khi làm giỗ Sâm, Ngà, Đường, Thâu, Thạch, Hùm, Chánh, bác không khỏi nhỏ lệ… 

    NHV: Một trong những lý do khiến lịch sử bị nhiều sai lạc có thể cũng là vì các nhân chứng quan trọng của thời đó đại đa số đều đã bị giết chết ? 

    Cụ TVÂ: Bọn Cộng sản Đệ Tam giết sạch người ái quốc. Họ cố làm sao cho chỉ còn mình họ “độc quyền yêu nước”. Thật mai mỉa, vì trong thực chất họ là những con người quốc tế, có thiết tha gì với tổ quốc, dân tộc đâu ? Chủ thuyết của họ luôn phủ nhận dân tộc. Họ giết một cách máy móc. Ai dính líu đến những việc làm bất lợi cho họ, những công việc có thể tranh giành quần chúng với họ, dù chỉ là dính líu xa xa, họ đều giết. Như Hội Đồng Nhiều, chỉ cho Đức Thày Huỳnh Phú Sổ mượn căn gác để hội họp thành lập Đảng Dân Xã, cũng bị họ chặt làm ba khúc, liệng xuống đường mương ! Khi ông Lê Văn Viễn cộng tác với CS đệ tam Trần Văn Giàu, Giàu đưa ông ta một danh sách mấy trăm người trí thức ra lịnh giết sạch. May mà cái trực giác “anh hùng hảo hớn” của ông Viễn đã khiến ông chửi thề mà không thi hành lệnh này, cho là “độc lập rồi phải giữ trí thức lại sài chứ giết làm chi cho uổng ?” 

    NHV: Bác cũng hay kể chuyện cha vợ BS Trần Lữ Y được ông Viễn cứu thoát chết… 

    Cụ TVÂ: Đó là Lê Văn Ngọ, đang bị trói giữa sân, ông Viễn đi qua hỏi: “thằng này làm gì bị trói ở đây ?” Cán bộ Cộng Sản trả lời : “Trói tạm đó để lát nữa sẽ mổ bụng dồn trấu”. Ông Viễn hỏi lại: “Nó làm gì mà mổ bụng nó ?” Cán bộ CS trả lời: “Nó có vợ đầm”. Ông Viễn nạt nộ bảo thả Ngọ ra, cho rằng: “Nó có vợ đầm kệ mẹ nó chứ, bây giờ độc lập rồi phải đem nó ra sài !” 

    NHV: Bác muốn nói gì với những người viết sai lầm về bác, như trường hợp vừa kể ? 

    Cụ TVÂ: Sai lầm mà không cố ý bóp méo sự thật lịch sử, là điều đáng thương hơn đáng giận. Bác hy vọng các bạn cầm bút muốn viết về những gì bác đã từng liên hệ, đừng ngại nhấc điện thoại, hay viết thư hỏi thẳng bác. Bác đã 92 tuổi rồi, không còn sống được bao lâu để mà trực tiếp thuật chuyện, và trả lời những thắc mắc của các văn hữu nữa. Vì vậy rất mong các vị đừng tự coi mình là xa lạ với ông già này, mà cứ đặt vấn đề một cách thoải mái ! 

    NHV: Bác nghĩ sao về chuyện Hà Nội dối trá trong vấn đề tù binh Mỹ tại VN ? 

    Cụ TVÂ: Bác nghe H.Kissinger nói mới đây rằng “đó là một lý do để tiếp tục chiến tranh” nghĩ thật là ngán ngẩm. Người ta khai tử một quốc gia như bán một con gà, không cần nghĩ gì tới người dân của quốc gia đó. Tới ngày nay mới biết là ngay tới số phận của chính các tù binh của họ còn ở lại, họ cũng đã không coi sóc tường tận, để mười mấy năm sau phải thốt lên những lời như H.Kissinger đã nói, thì xá gì cái số phận của đám dân Việt mình ? Bác cũng rất hổ thẹn khi thấy tập đoàn lãnh đạo Hà Nội đã tạo ra một hình ảnh vô cùng xấu xa, tệ hại, cho nước VN trên trường quốc tế, đặc biệt là trong cách cư xử của họ đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khi thì kiêu căng, phách lối, khinh miệt người ta, khi khác lại quỵ luỵ van xin, và lúc nào cũng gian dối, cũng lừa đảo. Người dân các nước có nhiều liên hệ với chúng ta, và người dân toàn thế giới, sẽ nghĩ gì về người Việt mình, khi cái chính thể tự nhận là đại diện cho nước VN chỉ biết hành xử một cách bất xứng, dùng sự lật lọng như một chánh sách ngoại giao ? 

    NHV: Người ta còn nhớ một ông quyền Thủ Tướng của CSVN đã viết về Trung Quốc: 

                      Bên ni biên giới là mình

                      Bên kia biên giới cũng tình quê hương

                                (…)

                      Thành ngọn lửa hôm nay: Trung Quốc !

                      Soi sáng Phương Đông, Châu Phi, Châu Úc… 

    trước khi hung hăng tuyên bố vào năm 1979: “Nếu nói rằng năm 1975 ta đã thắng Mỹ là nói sai. Đúng là năm 1975 ta đã thắng Mỹ và Trung Quốc !” Rồi cả đám hè nhau chửi bới “bọn bá quyền phương Bắc” một cách thậm tệ, cho đến khi lại khòm lưng cúi đầu như dạo nào. 

    Cụ TVÂ: Cũng như chửi Mỹ, khinh miệt Mỹ làm chi để rồi phải quỳ xuống lạy Mỹ? Đuổi Đại Sứ Pháp như đuổi chó năm 1975 để ngày nay quỵ luỵ Pháp một cách lố bịch ? Bộ họ tưởng người ta ngu nên tin vào sự quỵ luỵ ấy, và mủi lòng trước thái độ cầu khẩn van ơn của họ ? Bộ người ta không biết nhớ lại bài học lừa đảo lật lọng của bọn này trong quá khứ hay sao ? 

    NHV: Họ cũng đã từng chửi người Việt Hải Ngoại là “đám tàn dư Nguỵ”, đám “ma cô đĩ điếm bám theo lính Mỹ bỏ chạy để ăn mày cơm thừa canh cặn”. Ngày nay họ lại không hết lời nịnh bợ Cộng Đồng VN Hải Ngoại, và nhất là không ngần ngại chút nào khi ngửa tay nhận mỗi năm hàng tỷ Mỹ Kim “cơm thừa canh cặn” mà đám “ma cô đĩ điếm” đã ăn mày được, nay gửi về nuôi sống họ. Cần nói là Cộng Đồng VN Hải Ngoại là nguồn viện trợ lớn nhứt, vượt xa những nguồn viện trợ khác, cho nước VN… 

    Cụ TVÂ: Điều cần kíp trong lãnh vực ngoại giao sau khi không còn Cộng Sản, là phục hồi lại danh dự của nước VN trên trường quốc tế. Phải có một hình ảnh đứng đắn, biết tôn trọng những lời cam kết, biết tôn trọng danh dự của mình và của người, biết bảo vệ quyền lợi của mình cũng như ý thức quyền lợi của người, biết thận trọng, chừng mực trong lời nói, lịch sự trong cách cư xử… 

    NHV: Như chữ Chính mà bác đề tặng chư hữu trong dịp Tết năm nay ? 

    Cụ TVÂ: Đúng vậy, nhưng CHÍNH cũng là chừng mực, vừa vừa phải phải. “Chính” có ba nét ngang, hai nét dọc, làm thành tỷ lệ 3/2 là tỷ lệ “tham thiên lưỡng địa” của Dịch Lý, diễn tả thế Trung Dung, thế Quân Bình Động, luôn chuyển biến tuỳ hoàn cảnh, khi thiên bên này một chút, khi thiên bên kia một chút. Trong thế giới hiện tưởng, không có cái “đúng” cố định, nên “chính” cũng là linh động ứng biến. Cũng có thể nhận xét chữ “chính” có 5 nét, mà năm là số của hành Thổ, nằm giữa Ngũ Hành, với vai trò điều hoà nuôi dưỡng… 

    NHV: Còn vai trò chữ “Chính” trong chính trị ? 

    Cụ TVÂ: Khi Quý Khang Tử hỏi Đức Khổng Tử về chính trị (Quý Khang Tử vấn chính), ngài trả lời: “Chính giả, chính đã”, nghĩa là: “chính trị là chính vậy”. Nói cách khác, điều quan trọng nhứt trong chính trị là phải “Chính”, tư cách minh chính, làm sáng tỏ cái “chính” để mọi người xung quanh mình được chiếu rọi bởi ánh sáng đó mà cũng đều cư xử theo chữ “chính”. Sách Luận Ngữ còn nói: “Kỳ thân chính, bất lịnh nhi hành, kỳ thân bất chính, lịnh nhi bất hành”, nghĩa là “bản thân mình chính thì dù không ra lịnh người ta cũng theo, bản thân mình không chính thì dù ra lịnh người ta cũng không theo”. Trần Đào, người viết Tam Quốc Chí (khác với La Quán Trung, viết Tam Quốc Chí diễn nghĩa), dùng câu này để ca ngợi Thừa Tướng Gia Cát Lượng. Cũng nên biết là thân phụ Trần Đào làm quan cao đã bị Gia Cát Lượng giáng chức, thế mà Trần Đào không giận còn khen ngợi người đã giáng chức cha mình, thật quả là một người cầm bút “tư vô tà” đáng cho mọi người cầm bút noi gương. 

    NHV: Trong thiệp chúc tết năm nay, bác cũng có đề câu: “Cùng tắc biến chính lộ khai”… 

    Cụ TVÂ: “Cùng tắc biến” là một nguyên tắc của Dịch Lý, áp dụng được cho tình hình Việt nam hiện tại, vì chánh quyền Hà Nội hoàn toàn không giải quyết nổi bất cứ vấn đề gì trong xã hội. Các vấn đề không giải quyết, cứ để cho ung thối, và đẩy xã hội tới chỗ “cùng”, rồi “cùng tắc biến”. 

    NHV: Và “cùng tắc biến” sẽ đưa đến “chính lộ khai” như thiệp tết của bác ? 

    Cụ TVÂ: Vì nếu chưa tìm ra được con đường trung chính, gọi là chính lộ, thì còn bế tắc, còn chưa ra khỏi cái thế “cùng”. “Chính lộ” là sinh lộ, còn lại là “tuyệt lộ”. 

    NHV: Để kết thúc con xin mạn phép hỏi bác hiện nay có đang làm lãnh tụ một đoàn thể đảng phái nào hay không ? 

    Cụ TVÂ: Từ khi bác đi vào chính trị cuối thập niên 20, nay đã gần 70 năm, bác chỉ luôn cố gắng làm một cán bộ, đấu tranh cho lập trường dân tộc. Bác ý thức rằng lập trường dân tộc chưa thể bỏ được như nhiều trí thức mơ tưởng, nên phải lấy đó làm căn bản. 

    NHV: Con nghĩ đàng sau “dân tộc” vẫn phải có “con người”, có lập trường Nhân Bản… 

    Cụ TVÂ: Đúng vậy, Nhưng không phải con người ích kỷ, tự cho mình mọi quyền hạn trên Thiên Nhiên, mà là con người biết ý thức bổn phận của mình đối với Thiên Nhiên, sống hoà hợp với Trời Đất, làm một cùng vạn vật, nảy nở với muôn loài vạn hữu. 

    NHV: Bác tự định nghĩa mình như một cán bộ, nhưng lại không nằm trong một đảng phái nào cả ? 

    Cụ TVÂ: Không, bác hiện chỉ là một cán bộ trong hàng trăm ngàn cán bộ quân sự cũng như dân sự của guồng máy quốc gia VN Cộng Hoà, đã cố công chống đỡ cho giải đất Nam Việt khỏi rơi vào tay CS trong suốt mấy chục năm dài, tạo cơ hội cho những thế hệ trẻ được lớn lên bên ngoài lao tù Cộng Sản. Ngày nay, trong nghịch cảnh, bác vẫn sống như một cán bộ, học tập, suy nghĩ, làm việc, như một cán bộ, để cho mỗi giây phút mình sống đều hữu ích cho đại cuộc nước nhà… 

    NHV: Từ khi con được biết bác, có lẽ gần 18 năm, có lẽ càng ngày bác càng chú trọng nhiều hơn đến Văn Hoá và việc Đạo ? 

    Cụ TVÂ: Đó có lẽ là do tuổ già. Văn hoá là cả cuộc sống của mình. Phan Văn Hùm khi gặp bác lần chót có nói: “Ân ơi ! Tụi mình mà có thể chỉ làm văn hoá thì hay biết mấy ?” Sau đó, Hùm bị Đệ Tam bắt ở Thủ Đức rồi bị giết ở sông Lòng Sông, Phan Thiết, cùng với đa số lãnh tụ Đệ Tứ, trừ Tạ Thu Thâu và Hồ Văn Ngà đã bị Đệ Tam giết trước đó (4). Hùm từng viết sách Phật Giáo rất sâu sắc, nếu còn sống chắc không khỏi thiên về Đạo như bác… 

    NHV: Lý tưởng Phục Việt mà bác đề ra, vừa là Đạo, vừa là văn hoá ? 

    Cụ TVÂ: Có thể nói được như vậy. Phục Việt là khôi phục lại Đạo sống của tiền nhân người Việt, bằng cách giảng giải lại cho dễ hiểu, và hiện đại hoá cho hợp với đời bây giờ. Cần một tụ điểm tư tưởng cho người Việt, một luồng sinh khí mới để đi vào một kỷ nguyên mới. 

    NHV: Xin cảm ơn bác, và kính chúc bác an khang trường thọ.

    CỤ TRẦN VĂN ÂN THÊM LỜI:

    (1): Đúng ra phải nói Trần Quang Vinh giao quyền bộ đội cho ông Thượng Sanh Cao Hoài Sang, rồi ông này giao lại cho tướng trẻ tuổi Nguyễn Văn Thành. Sau này, Thành có ở tù tử hình chung với bác, vì giữ lòng trung thành với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Thành là người trung trực, nghĩa khí. 

    (2): Vào tháng 10/1945, nhóm Đệ Tứ lúc ấy đã rời Sài Gòn đến lập bản doanh tại Thủ Đức, nhận được tin cho biết phe Đệ Tam sẽ huy động lực lượng vây bắt, liền triệu tập đại hội để lấy quyết định. Anh em Đệ Tứ không chấp nhận trở về Sài Gòn lánh nạn, vì cho như thế là theo địch. Cũng không chịu gần Giáo Phái, mặc dù trước đó các lãnh tụ Đệ Tứ Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm… đã cùng Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt. 64 trên 68 người có mặt hôm ấy bỏ thăm chịu ở lại tại chỗ cho Đệ Tam tới bắt. Các bạn nghĩ rằng “ người Đệ Tam là những người từng chung tranh đấu, ở tù, đi đày, đều cùng nhau lao khổ, nay nếu họ có bị bắt, chắc rồi cũng giữ tạm chờ khi nước nhà độc lập sẽ trả tự do”. Thế là 64 người, gồm những tinh hoa như Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Trần văn Sĩ, Phan Văn Hoa (em của Hùm), Nguyễn văn Sổ, Nguyễn Văn Tiên, Huỳnh Văn Soi, Nguyễn Văn Bạch, đều bị chở đi Biên Hòa nhốt một đêm, rồi đem đến Sông Lòng Sông , Phan Thiết, thủ tiêu. 

    (3): Bác muốn nhắc lại vấn đề phải làm, LÀM TRƯỚC, vì đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu không làm thật, thì không dễ gì ai theo, không có CHÍ HỮU. Cũng như đi buôn, kêu gọi hùn vốn, mà chính mình không có vốn thì không ai chịu bỏ vốn hùn với mình, kể cả người mình, kể cả người ngoại quốc. Làm trước, làm thật, là nói lên CHÍ KHÍ của mình, nói lên lòng thành và tài cán của mình, để quy tụ CHÍ HỮU. Vậy đứng đầu là phải có CHÍ KHÍ. Có CHÍ mà thiếu KHÍ cũng không được, vì KHÍ là “soái” của CHÍ, nói theo Mạnh Tử. Người xưa cũng có câu “Chúng Chí thành thành”, là góp đông cái Chí lại là có thành trì. Đó là khi giữ nước. Còn khi phải lấy lại nước, thì “Chúng Chí thành quân”, mà đây là quân thiện chiến, mạnh mẽ, vì có Chí Khí. 

             Cho nên nói đoàn kết cũng phải có Chí Khí. Có Chí Khí làm người quên bản ngã, để dung hợp và tha thứ, quyết liệt hướng tiền. Bản ngã là trở lực chánh của đoàn kết. Muốn đoàn kết phải đặt vấn đề Đại Ngã Dân Tộc. Mà dân tộc không phải là « dân tộc chủ nghĩa cực đoan », hiếu chiến, kỳ thị, bài ngoại, vì ta đã ý thức : Đại Đạo chi hành, Thiên hạ vi công …” Ta không “độc thân kỳ thân, độc tử kỳ tử” (chỉ thân với người thân của mình, chỉ thương yêu con mình ), mà coi “tứ hải giai quynh đệ (bốn biển là anh em ), cũng như Jaures nói : Ý thức đúng mức thuyết Quốc Tế dẫn về Tổ Quốc (beaucoup d’internationalisme ramène à la Patrie). Nói cách khác, biết yêu nước mình là biết yêu nước người. 

    Ngày xưa, đánh giặc Mông Cổ quân nhà Trần khắc vào tay hai chữ “Sát Đát”, thì nay ta phải mang hai chữ CHÍ KHÍ vào mình như linh phù để nhắc ta. 

    (4): Tạ Thu Thâu bị giết hại tại Quảng Ngãi năm 1945. Trần Văn Giàu là chánh phạm. Bác vốn thân với Thâu, và biết khi du học bên Pháp, Thâu rất thương Giàu, lúc đó ở Toulouse. Mỗi lần đi Toulouse, Thâu đều kiếm sách vở hay, mới, đem cho Giàu đọc, và tận tình nâng đỡ Giàu trên đường học vấn. Cộng Sản Đệ Tam quả thực đã làm mờ tình cảm và đạo đức thông thường nơi con người… Bây giờ, khi chủ thuyết phi nhân ấy đã sụp đổ, không biết những kẻ như Trần Văn Giàu trở thành như thế nào ?

    Hồ Văn Ngà cùng với bác, Nguyễn Văn Sâm và Kha Vạn Cân điều khiển Ủy Ban Phong Tỏa Sài Gòn Chọ Lớn lúc thực dân pháp trở lại tái chiếm đất nước. Đang đêm bị Đệ Tam ập tới bắt. Kha Vạn Cân vội báo tin cho bác và Sâm cùng chạy trốn. Ngà bị bắt. Sau Đệ Tam giam Ngà ở Kim Quy, Đá Bạc, tỉnh Rạch Giá, chung với Trần Quang Vinh, bị bắt trước đó tại Tân An. Một buổi nọ, có anh cán bộ giữ khám, trước là học trò của Hồ văn Ngà, mời thầy cũ về nhà dùng cơm. Rủi là hôm đó Nguyễn Thành Phương và Vũ Tam Anh kéo quân tới phá khám định cứu Vinh và Ngà. Ngà không có đó, chỉ cứu được Trần Quang Vinh. Hôm sau, CS đem Ngà ra giết, bằng cách đập chết bằng củi đòn, rồi liệng xác xuống sông. Trịnh Hưng Ngẫu từng ở trại tập trung Tà lài với Trần văn Giàu năm 41, có kể trong hồi ký chuyện gặp Giàu tại Bangkok lúc Giàu trốn sang đây, và có được nghe Giàu hãnh diện khoe mình đã thủ tiêu được gần 2500 người kháng chiến không CS Đệ Tam trong mấy tháng nắm quyền. Bác nhắc lại những chuyện này không phải để nói điều oán hận. Ở tuổi bác không còn củi bổi đâu nữa cho ngọn lửa oán thù, chỉ còn tình thương. Thương cho những nạn nhân, và thương cho những kẻ đã làm ác. “ Tội” đối với bác không còn là “tội lỗi” mà chỉ là “tội nghiệp”. Oán thù cũng chỉ đi vào chỗ “bất tư nghì”, cũng “tiêu dung đốn nhập bất tư nghì…”

    Nguyễn Hoài Vân ghi lại

    Ngày 27 tháng 4 năm 1993

     

    http://chinh-tri-lich-su.blogspot.com/2016/09/tran-van-xuan-1993.html

    Không có nhận xét nào