Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Thông - Trẻ con làm gì những ngày cận Tết xưa?

    Tết (nguyên đán) đã tới gần. Bây giờ nhiều người vẫn thích Tết dài nhưng cũng không ít người mong Tết qua mau. Chỉ có trẻ con, Tết bao giờ cũng là Tết, sự khác nhau chẳng qua do thời thế.

    Ngày “xưa”, khi đất nước còn chiến tranh, nghèo khó thiếu thốn, Tết cổ truyền dân tộc như một thứ sinh khí làm thay đổi hẳn cuộc sống thường nhật. Cả người nhớn lẫn trẻ con bỗng chốc quên đi những sợ hãi, vất vả, lo lắng, buồn phiền. Dẹp chiến tranh sang một bên, dẹp nghèo đói sang một bên, người ta dồn thời gian, sức lực, tình cảm cho “ba ngày tết”. Chơi xuân cho hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì đến nơi.

    Miền Bắc thập niên 50 - 70. Cuộc sống nông thôn về tinh thần vốn khá tẻ nhạt bỗng bừng lên khi năm cũ trôi nhanh vào tháng chạp. Đám trẻ con được bố mẹ, anh chị giao cho khối việc, mà đứa nào cũng háo hức, hào hứng. Cứ nghĩ tới cái tết đang cận kề, dáng xuân đã thập thò trước ngõ là cuống lên, thấy mình quan trọng hẳn. Cứ như nếu không có mình thò tay vào, Tết sẽ kém đẹp kém vui.

    Mà thật như vậy. Việc đầu tiên, quan trọng nhất, nặng nhất, tốn nhiều thời gian nhất là dọn dẹp nhà cửa. Nông thôn nghèo, hầu hết gia đình nông dân đều nhà tường đất mái rơm rạ, chỉ tới cuối năm mới được tổng vệ sinh. Đám mạng nhện giăng đầy mái, những rui mè, xà ngang cột dọc. Đứa lớn buộc cái chổi vào cây sào tre, dạng chân chèo lướt qua lướt lại, mạng nhện bám đầy chổi, lũ nhện hốt hoảng nhảy dù rơi lả tả xuống nền nhà. Đứa bé cầm sẵn cây que hoặc chiếc dép dí luôn bọn phi công ấy. Không thi hành án ngay, chúng lại bò lên, chả bao lâu mạng sẽ giăng đầy. Có đứa còn bắt con nhện to đem nướng ăn cho khỏi đái dầm. Nhện nướng chả biết có hiệu nghiệm, chữa trị được căn “bệnh” phổ thông đó không, nhưng mái nhà sạch sẽ quang quẻ là sự thực, khiến căn nhà nghèo nàn bỗng chốc đẹp hẳn.

    Xong mái tới tường. Tường nhà nông thôn được trình bằng đất, rất ít nhà xây gạch hoặc đá núi. Số tranh ảnh cũ dán từ năm ngoái đã rách, bợt bạt, cũ kỹ được bóc ra. Thay vào đó là những tranh ảnh, câu đối in sẵn bán ở hiệu sách nhân dân. Gian giữa nhà thế nào cũng phải trịnh trọng câu “Năm mới thắng lợi mới” chữ màu vàng trên nền giấy đỏ, hoa văn trang trí bốn xung quanh. Rồi giăng dán lên tường câu đối, cuốn thư, tranh tứ bình, tranh mai sen cúc trúc, tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ vẽ con cá chép, đứa trẻ ôm gà, đám cưới chuột, chơi đu đón xuân… được nhà xuất bản nhà nước in sẵn, giá bình dân. Nhà đứa nào nghèo hơn thì xin đâu quyển họa báo Liên Xô, Trung Quốc cũ chọn những trang ảnh đẹp. Trông căn nhà trước Tết cứ như cái phòng tranh ảnh thập cẩm.

    Xong khâu dọn dẹp trang trí, lũ trẻ bắt tay vào công đoạn nghệ thuật hơn: làm hoa giả. Trên chợ huyện nhiều quầy bán hoa giả nhưng không có tiền mua, vả lại đứa nào cũng muốn trổ tài khéo tay, nhất là bọn con gái. Giấy pơ luya mỏng (để viết thư) được tích trữ sẵn, thường là xin của các chú bộ đội ngoài trận địa tên lửa chứ loại này hiếm lắm, quệt lên đó đủ sắc màu; cành hoa bằng tre hoặc dây điện. Những đứa có hoa tay làm được đủ cả hoa đào, thược dược, cúc, sen, không đẹp như hoa chợ nhưng cũng đủ lôi không khí tết xuân vào nhà. Sự nghèo khó về mặt nào đó đã tạo nên những niềm vui nho nhỏ, và nhất là để lại những ấn tượng thơ ấu khó phai.

    Ngoài vườn có mấy gốc đào, nụ nhỏ xíu chúm chím trong gió đông. Mấy anh em tôi ngoài giờ đi học hoặc làm đồng lại tranh thủ phụ giúp thày (bố) vun đất thêm vào gốc, nhặt lá, tưới tắm, thúc cho đào mãn khai đúng vào mấy ngày tết. Hoa đào là hình ảnh biểu tượng của vườn xuân làng quê nên nhà ai dù vườn chật chội lắm cũng ráng trồng một đôi cây. Không mấy khi chặt cành đào đem vào trưng trong nhà, bởi thày tôi bảo cứ để ngoài đó cũng đẹp, vả lại tới hè còn có quả mà ăn. Cây nó đang tươi tốt thế kia, phang cho nó nhát dao, có điều chi không phải. Nhưng chú bộ đội trận địa tới xin về trang trí đón xuân thì ông cụ cho ngay, chọn cành đẹp nhất.

    Một việc không thể quên với tụi trẻ con là làm pháo. Pháo nổ mua theo bìa hàng tết (gọi là bìa hàng chứ không phải sổ bởi chỉ cấp duy nhất vào dịp này hằng năm) mỗi nhà chỉ có một phong, khoảng trăm viên nhỏ bằng đầu đũa, người nhớn nghiêm khắc quản lý, chỉ cho đốt vào lúc giao thừa hoặc sáng mùng một. Những đứa có tiền lên chợ mua pháo tép (đốt nổ lạch tạch), còn không thì mày mò tự làm. Nguyên liệu chính là diêm Hòa Bình, cạo hết thuốc đầu que diêm ra, tán nhỏ, gói lèn thật chặt trong giấy. Pháo này không đốt bởi đập thì mới nổ. Có đứa kiếm chiếc van xe đạp, bịt một đầu, nhồi thuốc diêm vào, cắm đoạn que sắt thọc giữa van, buộc thêm túm lông gà làm đuôi và cục chì cho nặng. Tung pháo vút lên cao, pháo rơi thẳng đứng, que sắt đập vào thuốc diêm nổ cái đoành, khói bay khét lẹt. Bọn con giai hầu như đứa nào cũng thạo món “vũ khí” này. Sân gạch hợp tác cứ sáng mùng một tết không khác gì hội thi pháo.

    Việc tiếp theo để làm đẹp chính mình là kỳ cọ cái cổ trâu. Không phải con trâu mà là cổ chân người. Suốt mùa đông lạnh giá, tụi trẻ con giúp cha mẹ làm việc đồng áng, lội bùn, ngâm trong nước buốt, bàn chân từ mắt cá trở xuống nứt nẻ toác ra, rỉ máu, quết bùn đất thành lớp vỏ xám xịt. Nó bám chặt cổ chân, gót chân, kẽ chân, rửa cũng không sạch. Trước Tết vài hôm, lấy một gáo dừa tro bếp sạch, trộn nước nóng, thêm tí vôi rồi đắp lên cổ trâu. Một lúc sau, đám hỗn hợp máu khô trộn bùn đất đó bở ra, dùng búi rơm kỳ cọ, đau rát như phải bỏng, máu tứa, da đỏ phồng rộp. Ráng chịu, muốn đẹp phải chấp nhận thương đau. Sau cuộc phẫu thuật thẩm mỹ ấy, hôm sau cổ chân lại đỏ da thắm thịt, ưa nhìn. Xong món chân, còn phải đi cắt tóc, gọt mái tóc bù xù chả khác tổ quạ, đun nồi nước nóng tắm rửa tẩy trần. Con người sạch sẽ thơm tho hẳn. Ăn tết, đón xuân cũng phải công phu, đau đớn phết.

    Chuyện trẻ con ngày “xưa” (một thời chưa xa) nhao nhác bận rộn những ngày cận Tết còn nhiều lắm, chẳng hạn mấy anh em hì hục tát ao, dọn bàn thờ, đánh bóng lư đồng, giúp thày bu giã giò, luộc bánh chưng… còn nhiều lắm, có dịp sẽ kể sau.

    Nguyễn Thông

    https://thongcao55.blogspot.com/2021/01/tre-con-lam-gi-nhung-ngay-can-tet-xua.html


    Không có nhận xét nào