Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Phú Khải - Kevin Rudd và truyền thông Murdoch

    Rupert Murdoch, ông trùm truyền thông thế giới.

    Truyền thông, đệ tứ quyền của nền dân chủ. Truyền thông và dân chủ liên hệ mật thiết với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng êm ấm.

    Trong cuộc điều trần tại quốc hội Úc vào thứ Sáu 19 tháng Hai vừa qua, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd xác nhận rằng, lúc ông còn tại chức, ông và hầu như mọi chính trị gia đều lo sợ Murdoch/News Corp. Nỗi sợ của ông chỉ gia giảm khi ông rời nhiệm sở. Rudd nói: “Sự thật trong tòa nhà này là ai cũng sợ Murdoch”. Có lẽ Rudd muốn nhắc nhở các thượng nghị sĩ, những người từng làm việc sát cánh bên ông, hay đối lập ông, rằng ông, và họ, không ai ngoại lệ cả, và tất cả đều chịu áp lực nặng nề từ Murdoch và các kênh truyền thông của ông.

    Rudd quả quyết rằng truyền thông của Murdoch đã nghiêng hẳn về một bên chính trị, phía cực hữu, phủ nhận biến đổi khí hậu, và ai nấy đều lo sợ chiến dịch một cách hệ thống của Murdoch để “ám sát nhân cách” (character assassination).

    Rudd cho rằng, không ai nên sợ Murdoch cả, nhưng Murdoch là gã đáng sợ vì có quá nhiều quyền lực trong tay khi sử dụng. Rudd khẳng định, văn hóa sợ hãi về độc quyền truyền thông của Murdoch là “một sai lầm chết người cho bất cứ nền dân chủ nào”.

    Cuộc điều trần về đa dạng truyền thông (media diversity) này xảy ra do công sức vận động của ông Rudd trong những tháng qua. Ông Rudd muốn vận động để quốc hội Úc tán thành việc thành lập một ủy ban hoàng gia (royal commission) để điều tra về hành vi can thiệp của truyền thông Murdoch vào nền chính trị Úc. Murdoch được ví như là người sắp xếp vương quyền (kingmaker), dùng ảnh hưởng của mình để làm ra hay phá hoại các thủ tướng Úc. Kiến nghị thư do chính ông Rudd làm tác giả đã thu hút gần 500 ngàn chữ ký, một kỷ lục đứng thứ ba từ trước đến nay. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ mà nó đã thu hút được 38 ngàn chữ ký vào ngày 11 tháng 10 năm 2020. Khi hết thời hạn, bản kiến nghị đã có hơn 500 ngàn chữ ký. Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, từng là đối thủ trọng yếu lúc Kevin Rudd còn làm Thủ tướng, cũng ủng hộ nỗ lực của Rudd và đã ký vào thỉnh nguyện thư này. Gần đây, quan điểm của hai cựu thủ tướng khá giống nhau về nhiều vấn đề khác nhau, từ bầu cử Mỹ, đến truyền thông Murdoch, đến biến đổi khí hậu v.v…

    Rudd là một chính trị gia kinh nghiệm, một nhà ngoại giao lão luyện, nói rành tiếng Hán, từng nỗ lực vận động để được đề cử vào chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc; hiện đứng đầu một cơ quan nghiên cứu Asia Society Policy Institute; và là người dám nói thẳng và dám đối đầu với một cơ quan truyền thông khổng lồ News Corp, lớn thứ tư trên thế giới. Cho nên Rudd đã tạo được sự chú ý của nhiều người và nhiều giới truyền thông trên toàn cầu trong thời gian vừa qua. Ông viết bài, viết khá nhiều, trên nhiều cơ quan truyền thông và tạp chí nghiên cứu khác nhau, kể cả tạp chí ngoại giao hàng đầu như Foreign Affairs. Rudd được bao nhiêu đài truyền hình Anh, Mỹ, Úc v.v… phỏng vấn thường xuyên. Trên trang Twitter của Rudd, ông nói về nhiều vấn đề, nhưng đề tài ông chú tâm nhiều nhất là truyền thông Murdoch. Đúng hay sai ra sao thì độc giả tự nhận định. Điều thú vị ở đây, là Rudd không ngần ngại nêu đích danh, và vạch trần, bất cứ cơ quan truyền thông nào của Murdoch tấn công ông, hay đưa tin sai lệch, tin giả, hay các thuyết âm mưu v.v… Rudd biện luận rằng, truyền thông Murdoch là ung thư cho nền dân chủ. Cũng vì thái độ này mà Rudd liên tục bị họ đem ra hạch tội. Một mình Rudd phải đối đầu với bao nhiêu đài truyền hình, báo in, báo mạng v.v… xuyên nhiều quốc gia. Cái hay là Rudd không tỏ vẻ gì nao núng. Càng tấn công Rudd, ông càng đăng các cuộc tấn công này trên Twitter của mình để người khác hiểu vấn đề, để chứng minh bản chất của đối phương.

    Nhưng Rudd không chỉ phê bình truyền thông Murdoch. Ông cũng quan tâm đến ảnh hưởng ngày càng lớn của truyền thông xã hội, như Facebook, hay của các công ty như Google, lên nền chính trị Úc. Trong bản kiến nghị để yêu cầu ủy ban hoàng gia điều tra về truyền thông Murdoch, Rudd viết như sau:

    “Quyền lực này [Murdoch Media] thường được sử dụng để tấn công các đối thủ trong kinh doanh và chính trị bằng cách pha trộn ý kiến biên tập với báo cáo tin tức. Những người Úc có quan điểm trái chiều đã cảm thấy bị đe dọa nên phải im lặng. Những sự thật này làm tê tái tự do ngôn luận và phá hoại tranh luận công khai. Các công ty độc quyền mạnh mẽ cũng đang nổi lên trên mạng, bao gồm Facebook và Google.”

    Cuộc điều trần tại quốc hội này là để điều nghiên xem có nên thành lập một ủy ban hoàng gia để điều tra truyền thông Murdoch hay không. Đại diện truyền thông Murdoch cũng được mời đến điều trần. Tổng Giám đốc điều hành Michael Miller, và ông Campbell Reid, trách nhiệm về chính sách và doanh vụ của News Corp, đã bác bỏ các luận điệu của Rudd. Phản biện lại lập luận của Rudd cho rằng truyền thông Murdoch là ung thư cho dân chủ, Miller cho rằng “Đây không phải là dân chủ đang thất bại, mà là dân chủ đang hoạt động”. Reid biện luận thêm “Không thể cho là ám sát nhân cách khi kiểm tra chặt chẽ hành động của mọi người trong cuộc sống công cộng.”

    Rudd quan niệm rằng huyết mạch của các nền dân chủ phụ thuộc vào phương tiện truyền thông công bằng, cân bằng, độc lập, tự do, mà tách biệt hai điều: báo cáo sự kiện (tin tức) và bày tỏ quan điểm. Quả thật, khi nhập nhằng hai thứ lại với nhau, tin tức và quan điểm, thì là lập lờ đánh lận con đen.

    Quan hệ giữa dân chủ và truyền thông cũng lắm thú vị: Dân chủ không thể hiện hữu nếu không có truyền thông tự do. Bởi vì thông tin, kiến thức đóng vai trò chủ chốt trong các quyết định của người dân, kể cả lá phiếu. Nhưng dân chủ cũng không thể tồn tại nếu truyền thông tự do hoàn toàn. Nghĩa là không được quy định (regulated) để rồi nó tự do thao túng nền chính trị, hay có khả năng trở thành độc quyền trên thị trường truyền thông. Chẳng hạn, nếu mạng truyền thông xã hội như Facebook tiếp tục hoành hành để các tin giả lan tràn như đã thấy trong những năm qua, hay các cơ quan truyền thống hoàn toàn tự do đưa tin giả hay tuyên truyền, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ phá hoại nền dân chủ đó.

    Dù đồng ý hay không, với quan điểm chính trị của Kevin Rudd, phải công nhận Rudd là một người hiếm có. Gan dạ, khẳng khái, tài giỏi, nhạy bén và bản lãnh. Chỉ có một người như Rudd mới có thể và dám đương đầu với cả một tập đoàn không lồ như News Corp, và với một người uy quyền như Rupert Murdoch. Nếu biết dùng tài năng như thế cho chính nghĩa thì thật là hữu ích cho mọi xã hội, quốc gia.

    Chính trị quả đúng là “không phải cho những người yếu tim”, như Rudd viết trong hồi ký của mình năm 2017.

    https://www.voatiengviet.com/a/kevin-rudd-murdoch-truyen-thong-uc/5787959.html

    Không có nhận xét nào