Header Ads

  • Breaking News

    Tổng bí thư làm trái điều lệ đảng

    Việt Nam còn hy vọng nhà nước pháp quyền?

    Trong bài viết có tựa đề “Thượng tôn pháp luật” hay “Chính trị là thống soái”, tác giả là Luật sư (LS) Ngô Ngọc Trai kết luận: “Việt Nam đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật, thay vì như Trung Quốc coi chính trị là thống soái”.

    Quan điểm của LS Ngô Ngọc Trai được tác giả Nguyễn Hoàng Trường phản biện lại như sau:

    Không rõ “mô hình hệ thống” mà LS. Ngô Ngọc Trai đề cập ở trên là hệ thống gì: chính trị hay pháp luật, quản trị hay thể chế?

    Ở đây chỉ nêu bật một lỗ hổng chết người của hệ thống hiện nay là chúng ta không hề có cơ sở “nền” để xây dựng một “nhà nước pháp quyền” (NNPQ).

    “Xã hội thượng tôn pháp luật” (XHTTPL) lại càng không. Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vậy lấy đâu ra pháp quyền khi việc bầu Tổng bí thư (TBT) tại Đại hội 13 cùng lúc vừa vi phạm Điều lệ đảng, vừa vi phạm Quy định “trường hợp đặc biệt”, theo đánh giá của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

    Căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của đảng viên, ông Thuận đã chính thức kiến nghị với Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN phải có một văn bản chính thức trả lời công khai rằng tại sao lại tự cơ cấu rồi tuỳ tiện thông qua nhân sự cấp cao như thế!

    Mặt khác, về phát biểu của Tổng Bí thư ĐCSVN nói với truyền thông về việc xử lý “chiếc va-li có nhiều triệu đô-la”, Phó Chủ nhiệm Trần Quốc Thuận đã kiên quyết phê phán cách xử lý trái luật của những người có trách nhiệm.

    Không thể có chuyện xách cả đống tiền đến hối lộ Ban Kiểm tra Trung ương, mà lại chỉ đạo cho “đem gói lại, mang về” như thế.

    Rõ ràng đấy là một hành vi trái luật pháp, vì đã không tố giác tội phạm, nhìn từ góc độ NNPQ và XHTTPL.

    Tương tự, XHTTPL kiểu gì mà Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình – người ngang nhiên phủ nhận trước Quốc hội rằng ở Việt Nam không hề có án oan – lại giành được một vị trí trong Bộ Chính trị để nay mai chuẩn bị ngồi vào cái ghế Trưởng ban Nội chính Trung ương?

    Nhà báo Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng “Luật của đảng” đã bị chính người đứng đầu Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng vi phạm một cách tùy tiện.

    Cho nên sắp tới đây các phán quyết bất minh – bất chính về Hồ Duy Hải và dân làng Đồng Tâm chắc chắn sẽ lại y án và được đưa ra thực thi, còn ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Hòa Bình vẫn nghiễm nhiên ngồi trên danh vọng và bất chấp luật lệ.

    Vai trò “thế thiên hành đạo” của ông Trọng đã được công khai tố cáo rất cụ thể trong tác phẩm của nhà báo Phạm Thành.

    Vai trò của ứng cử viên Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vậy, ông Chính đã “tập sự” ở cấp tỉnh, với 3 dự án về “luật Đặc khu” phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc.

    Các “luật Đặc khu” ấy từng dấy thành cao trào phản đối trên khắp cả nước. Nếu có NNPQ hay XHTTPL ở Việt nam, thì chắc chắn những người như ông Trọng hay ông Chính sẽ bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.

    Sau Đại hội, có đánh giá cho rằng, sự chuyển giao “các chốt quyền lực” từ khoá 12 sang 13, trong đó có “Tứ trụ”, tiếp tục căng thẳng đến phút chót.

    Phương án nhân sự cao cấp và “các trường hợp đặc biệt”, trong đó có vị trí Tổng bí thư chỉ đạt được đồng thuận tại Hội nghị Trung ương 15 (Trước thềm Đại hội 13).

    Sau khi Đại hội kết thúc, cuộc đấu tranh giành ghế vẫn còn tiếp tục. Bắt đầu từ việc tân UVBCT Trần Tuấn Anh không giành nổi cái ghế Ngoại trưởng của Phạm Bình Minh. Rồi đến ông Tô Lâm cũng không muốn rời ghế Bộ trưởng Công an để nhường cho Phan Đình Trạc như dự kiến ban đầu.

    Nhưng táo tợn nhất có lẽ là phán đoán râm ran mấy ngày nay trên các trang mạng: Giữa ba ông trong “Tứ trụ” (Chính – Phúc – Huệ) có thể có sự giao tranh mới.

    Phúc hoặc Huệ có thể “hất” Chính xuống ghế Quốc hội để một trong hai ông chiếm ghế Thủ tướng.

    Sau khi BCT có vẻ như đồng ý với phương án ông Tô Lâm “ngồi lại” ghế Bộ trưởng Công an, ông Tuấn Anh bị “đẩy sang” Trưởng Ban Kinh tế TW, thì bất ngờ ông Phúc cũng bày tỏ ý định không muốn “rời ghế” Thủ tướng đang giữ.

    Từ Bắc Kinh, lần này chẳng có đoàn đại biểu cấp cao nào của ĐCSTQ thăm Việt Nam như các Đại hội trước, nhưng mọi chuyện diễn ra hình như theo một kịch bản có sẵn.

    Giữ ông Trọng lại, gạt Phạm Bình Minh khỏi Bộ Ngoại giao, đẩy Phạm Minh Chính lên Thủ tướng… là những phương án được hoạch định từ đầu.

    Xem thế để thấy Trung Quốc là “bên thắng cuộc” tại Đại hội 13 vừa qua, cũng là kẻ đứng sau các chuyển động Đại hội. Bởi lẽ, Bắc Kinh nắm rất chặt hai vấn đề cốt tử của Hà Nội đó là: kinh tế và an ninh.

    Các biến động toàn cầu do đại dịch Covid-19 và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung rất có thể làm đứt gãy mọi kế hoạch của Việt Nam. Nền kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Sự phụ thuộc ngày càng lớn sẽ dẫn đến những thoả hiệp về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là vấn đề khai thác chung trong các vùng EEZ của Việt Nam.

    Tóm lại, xu hướng ngả theo Trung Quốc là chi phối và không hề có chuyện xây dựng nhà nước pháp quyền hay xã hội thượng tôn pháp luật ở Việt nam như LS Ngô Ngọc Trai đã nhận định.” Tác giả Nguyễn Hoàng Trường đưa ra kết luận.

    Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói:

    “Do Đảng Cộng Sản là chính đảng duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện đối với đất nước. Cho nên, công chúng đặt sự chú ý nhiều đến Điều lệ Đảng bao gồm các quy tắc (cứng) không được phép vi phạm.

    Điều 17 Điều lệ Đảng Cộng sản quy định một người không được giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp,”

    “Trong thực tế, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được đại hội bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, trong hoàn cảnh không hề có sửa đổi Điều lệ Đảng là điều khá lạ lùng và không nên khuyến khích.

    “Vì lẽ, một điều của Điều lệ Đảng có tính cưỡng hành bị vô hiệu hóa, thì liệu những điều khác còn lại có thể còn được bảo đảm thi hành hay không ?

    Rõ ràng, điều này sẽ hạ thấp vị thế của Điều lệ Đảng trong đảng viên và cả trong nhân dân. Đồng thời, tạo thành những tiền lệ không mong muốn về sau.”

    Tiến sỹ toán học Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân rằng cái quy định giới hạn nhiệm kỳ nhằm mục đích hạn chế tham nhũng quyền lực, một người nắm quyền 10 năm là quá đủ:

    “Hai nhiệm kỳ 10 năm là quá đủ thời gian để thi thố tài năng, vắt kiệt sáng tạo và sinh lực để cống hiến. Sau 2 nhiệm kỳ chỉ còn lại lối mòn và trì trệ…”

    “Đất nước 100 triệu dân trùng điệp những người tài mà không cần ngoại lệ. Ngay trong toàn đảng với hơn 5 triệu 100 ngàn đảng viên cũng có nhiều người tài mà không cần đến ngoại lệ. Ngay chính những trường hợp ngoại lệ cũng có thể không cần đến ngoại lệ. Miễn là tranh cử tự do.

    Không ai là ngoại lệ. Bậc cái thế càng không cần ngoại lệ. Quy luật của vũ trụ không có ngoại lệ.

    Điều mong đợi là sự sáng suốt và sự dũng cảm của các đại biểu Đại Hội XIII. Cờ đến tay ai người đấy phất.”

    Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giải pháp buộc thay đổi Điều lệ đảng để được ở lại cho thấy ông Trọng là một người có trình độ kém cỏi, thất bại trong giải pháp bố trí nhân sự:

    “Việc phải thay đổi, sửa đổi Điều lệ đảng để ông ấy ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa theo tôi đó là một giải pháp kém. Cách làm của ông ấy là chỉ muốn dùng quyền để bố trí người này người nọ, chứ không dùng phương pháp để tranh cử, chọn người tài.

    Vì thế ông Trọng chỉ loay hoay tìm những người xung quanh ông ấy như là Trần Quốc Vượng, Hoàng Minh Chính… Người mà ông Trọng thích thì Trung ương lại không vừa lòng. Như thế thì không được nên buộc lòng ông Trọng phải giở một thủ đoạn hèn kém là sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Mà muốn ở lại thì phải thay đổi Điều lệ đảng.

    Tôi cho là quá dở. Một người có trình độ, thông minh, một người tử tế, tôn trọng lẽ phải thì không nên làm như thế.”

    LS Đặng Đình Mạnh nói:

    “Hiện tại, Việt Nam vẫn là một quốc gia kém phát triển, cuộc sống người dân vẫn rất khó khăn, kể cả vật chất lẫn tinh thần, bao gồm thực thi các quyền tự do của công dân theo hiến pháp.

    “Do đó, tôi vẫn rất kỳ vọng có một sự thay đổi lớn về quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản.

    Vì lẽ, với vai trò lãnh đạo toàn diện, thì họ đang nắm giữ vận mệnh đất nước này.

    “Sự thay đổi theo hướng hòa hợp, hòa giải dân tộc, chấp nhận sự khác biệt quan điểm chính trị, vận dụng các giá trị vốn là thành quả của loài người về quản lý, điều hành đất nước… để có thể tập hợp, thống nhất mọi nguồn lực của người dân vào công cuộc chấn hưng và đối phó với các thách thức về chủ quyền đất nước.

    “Nhưng qua kỳ đại hội 13 vừa bế mạc, tôi biết rằng sự kỳ vọng của mình còn phải chờ đợi.”

    David Brown, một học giả Mỹ có kiến thức sâu rộng về vấn đề Việt Nam tóm lược lại kết quả Đại hội 13 bằng một câu nói: “Người tốt nhất đã không thắng.”

    Thứ nhất, vì không thể thuyết phục Ủy ban Trung ương chấp nhận người kế nhiệm mà mình chọn, nên ông Trọng đã phá bỏ các tiêu chuẩn về sức khỏe và tuổi tác để tiếp tục ở lại lãnh đạo đảng. Dường như ông Trọng đã cho rằng không ai có thể thay thế ông đưa đảng CSVN trở lại cội nguồn chủ nghĩa Mác-Lê-nin.

    Đặt ra câu hỏi là liệu học thuyết Mác-Lênin – tư tưởng Hồ Chí Minh có cung cấp khuôn khổ phù hợp với một quốc gia đã trải qua ba thập niên “kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội” hay không, đội ngũ lãnh đạo của đảng ngày càng già đi. Tuổi trung bình của 18 ủy viên Bộ Chính trị được bầu trong Đại hội 13 là 61 tuổi. Việc ông Trọng hai lần trở thành trường hợp đặc biệt khi quá tuổi sẽ là tiền lệ xấu cho Đảng hậu Đại hội 13.

    Tiếp theo, đó là vấn đề sức khỏe. Ông Trọng bị đột quỵ hồi tháng 4 năm 2019. Kể từ đó, ông đi đứng loạng choạng thấy rõ, mặc dù ông cố gắng phát biểu lâu tại đại hội trong ngày bế mạc. Một cú đột quỵ khác có thể kích hoạt một cuộc ẩu đả tự do giữa các phe nhóm trong đảng.

    Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

    https://thoibao.de/blog

    Không có nhận xét nào