Header Ads

  • Breaking News

    Ts.Phạm Đình Bá - Góp ý cho đổi mới kinh tế qua chín điểm

    So với thực tế, có hàng triệu cái nghịch lý to nhỏ trong cách làm việc của đảng. Trong các nghịch lý nầy, có hai cái cực to. Trong hàng triệu cái nghịch lý mà đảng độc quyền, cái nghịch lý to thứ nhất là phát triển kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.(1) Năm 1985 khi cái nghịch lý nầy bắt đầu, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người tính theo tiền đô Mỹ năm 2019 của Việt Nam là 232 đô la và của Hàn Quốc là 2.482 đô la, cách biệt là 2.251 đô la. Năm 2019, con số của Việt Nam là 2.715 đô la và của Hàn Quốc là 31.846 đô la, cách biệt là 29.131 đô la. Sau 35 năm, mức tăng trưởng của Hàn Quốc là 13 lần (29.131/2.251) nhanh hơn phát triển kinh tế theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Trong hàng triệu cái nghịch lý mà đảng độc quyền, cái nghịch lý to thứ hai là để bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ, đảng chủ trương thì đại khái là “ta anh hùng ráng đi học lóm võ Thiếu Lâm để đánh thắng chùa Thiếu Lâm Tự”. Giải quyết cái nghịch thứ nhất là cấp thiết cho toàn vẹn lãnh thổ bởi vì nếu kinh tế của ta mạnh như kinh tế của Hàn Quốc, thì Tập đảng không dẫm qua dẫm lại lên đảng ta và đất nước ta như bây giờ.

    Đổi mới kinh tế cần được cấu trúc để làm lợi và khuyến khích năng suất của các hoạt động kinh doanh tư nhân (chẳng hạn như thành lập và mở rộng các công ty cung cấp hàng hóa và các dịch vụ mà mọi người muốn) đồng thời giới hạn các hoạt động kinh tế với chi phí không hiệu quả (ví dụ như nhiều doanh nghiệp nhà nước), và thậm chí các hoạt động kinh tế phá hoại. Các hoạt động kinh tế phá hoại xảy ra khi một nhóm hoạt động kinh tế tìm cách chiếm của cải hay tài nguyên mà không có bất kỳ đóng góp tương xứng nào về năng suất cho nền kinh tế - ví dụ như vụ cướp đất nông nghiệp ở Đồng Tâm bằng móc nối giữa lợi ích nhóm và cán bộ tham nhũng, dẫn đến một lực lượng dân oan không có thiết bị để sản xuất. Các hoạt động kinh tế phá hoại cũng bao gồm móc nối giữa lợi ích nhóm về kinh tế và cán bộ tham nhũng để lũng đoạn các nguyên tắc thương mại, dẫn đến các nhóm hoạt động kinh tế hữu hiệu bị thiệt hại - ví dụ như vụ việc xảy ra với công ty của anh Trần Huỳnh Duy Thức khi công ty của anh đã đang cạnh tranh hiệu quả với các công ty ở Singapore nhưng anh bị bắt giam bởi đảng, đứng thay cho lợi ích nhóm trong ngành doanh nghiệp nầy.

    Khi các thể chế chính trị và kinh tế được cấu trúc để làm lợi và khuyến khích năng suất của các hoạt động kinh doanh tư nhân, các nghiên cứu cho rằng sẽ có nhiều đổi mới và tăng trưởng kinh tế, ít nhất là về lâu dài. Bởi vậy tập trung vào các thể chế kinh tế thúc đẩy tinh thần kinh doanh là quan trọng cho phát triển kinh tế. Để tiếp tục phát triển kinh tế, cần chú trọng trong đổi mới trên chín lĩnh vực rộng lớn dưới đây.(2)

    Điều 1. Nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu – Trong nhà nước pháp quyền, nhà nước hoạt động dựa trên các nguyên tắc của luật pháp chứ không phải hoạt động theo lợi ích nhóm. Theo định nghĩa nầy, đảng là một lợi ích nhóm lớn. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối cao và trên hết mọi lợi ích nhóm và cá nhân, ví dụ như cán bộ, đảng viên và lãnh đạo. Quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của con người. Chủ sở hữu tài sản có nghĩa vụ cũng như có quyền. Ba dạng tài sản chính bao gồm: tài sản tư nhân, tài sản công và tài sản tập thể qua hợp tác (không phải cưỡng ép như cách đảng đang làm). Trong nhà nước pháp quyền, nhà nước không thể tịch thu tài sản tư nhân mà không đền bù thích đáng. Nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu là các quy tắc cơ bản của hệ thống kinh tế, và để phát triển kinh tế cần phải đảm bảo rằng các quy tắc cơ bản nầy ổn định và được bảo vệ và triển khai chặt chẽ. Về quyền sở hữu trí tuệ, một sự cân bằng quan trọng phải được thực hiện giữa các lợi ích của nhà đầu tư và nhu cầu phổ biến kiến ​​thức.

    Điều 2. Thuế - Nhiều loại thuế ảnh hưởng đến các quyết định và hoạt động của tư nhân. Trong khi thuế nói chung phải thấp hoặc vừa phải, thuế cần phải đơn giản (thay vì có nhiều ngoại lệ) và mức thuế cao cần đồng đều giữa các danh mục chủ sở hữu, nguồn tài chính và các loại hoạt động kinh tế. Trong một bài trước,(3) tôi đã góp ý về dùng thuế thu nhập để tạo dựng một chương trình thu nhập cơ bản chung (universal basic income), trong đó mỗi người dân trưởng thành được nhận một khoản tiền nhất định một cách thường xuyên (ví dụ  như khoảng 4,6 triệu đồng mỗi tháng, hay khoảng $200 đô la Mỹ mỗi tháng). 

    Điều 3. Tiết kiệm, vốn và tài chính - Các hoạt động kinh tế xã hội liên hệ đến tiết kiệm, vốn và tài chánh nên được đổi mới để hỗ trợ tăng cường hình thành của cải và doanh nghiệp tư nhân và tạo ra một động lực cho đầu tư có rủi ro cao và phần thưởng cao. Loại đầu tư nầy là nguồn phát triển kinh tế rất quan trọng. Đặc biệt là cần tạo nên môi trường để các đầu tư rủi ro cao phần thưởng cao không chết quá sớm trong giai đoạn đầu của các dự án khởi nghiệp. Khi mà một phần lớn tiết kiệm từ xã hội đang chuyển vào quỹ hưu trí, các chính sách kinh tế cần khuyến khích một phần của vốn tiết kiệm này vào đầu tư cho các hoạt động kinh doanh của các công ty và không chỉ vào bất động sản, cổ phiếu đại chúng và trái phiếu.

    Điều 4. Thị trường lao động và an sinh xã hội - Các tổ chức nên tạo điều kiện cho tuyển dụng lao động có năng lực cần thiết. Đổi mới cần cố gắng loại bỏ các quy định khó khăn của thị trường lao động. Các quy định về làm việc quá nghiêm ngặt cũng có thể thúc đẩy doanh nhân tìm cách trốn tránh các hậu quả của các quy định nầy, cuối cùng dẫn đến sự xuất hiện của nền kinh tế ngầm. Hơn nữa, chương trình bảo hiểm thu nhập của chính phủ cần thiên về khuyến khích kích hoạt các hoạt động kinh tế tư nhân, tính di động trong lực lượng lao động và ưu đãi các doanh nghiệp tư nhân để theo đuổi các đầu tư có rủi ro cao và phần thưởng cao.

    Các chính sách và tổ chức về an ninh xã hội nên tạo điều kiện để các quyền hưởng dụng (tenure rights) và các kế hoạch lương hưu (pension plans) dễ dàng chuyển đổi giữa các tác nhân trong hoạt động kinh tế. Các chính sách và tổ chức cũng nên thiên về tách toàn bộ bảo hiểm y tế từ chủ lao động, để tránh trừng phạt người làm muốn bỏ việc làm tạm để theo đuổi các dự án khởi nghiệp có rủi ro cao nhưng có phần thưởng cao cho cá nhân và gia đình họ. Cần tránh các chính sách và tổ chức kinh tế có thiên vị về các công tư quốc doanh.

    Điều 5. Điều tiết thị trường hàng hoá và dịch vụ - Việc ngăn chặn các công ty quốc doanh hay bán quốc doanh khai thác quá mức vị trí thống lĩnh thị trường của họ là điều cần thiết. Hạ thấp những rào cản để tư nhân và doanh nghiệp mới gia nhập vào các thị trường là chìa khóa cho đổi mới trong các hoạt động sản xuất và dịch vụ. Cách làm nầy sẽ thúc đẩy việc mở cửa cho những bộ phận của nền kinh tế gần như luôn đóng cửa cho sản xuất tư nhân, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và trường học. Hệ thống tài chính công nên được thiết kế để khuyến khích sản xuất tư nhân quy mô lớn và khả năng cạnh tranh mạnh giữa các công ty hay cạnh tranh với các công ty quốc doanh hay bán quốc doanh.

    Điều 6. Luật phá sản (bankruptcy law) và quy định về mất khả năng thanh toán (insolvency regulation) - Sự thất bại trong kinh doanh cung cấp thông tin có giá trị cho các tác nhân kinh tế khác. Các công ty thất bại hay thiếu hiệu quả phải bị phá sản đúng thời điểm để các nguồn lực có thể được chuyển hướng đến các công ty có hiệu quả hơn. Do đó, luật phá sản và quy định về mất khả năng thanh toán nên tương đối rộng rãi và cho phép doanh nghiệp có “cơ hội thứ hai”. Tuy nhiên, việc nộp đơn phá sản không nên quá dễ dàng, vì điều đó khuyến khích lạm dụng quá mức và phá hoại tinh thần kinh doanh, gây hại cho các chủ nợ và phần còn lại của cộng đồng.

    Điều 7. Nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa và lan tỏa kiến ​​thức - Nghiên cứu và phát triển chỉ là đầu vào; để chuyển nghiên cứu và phát triển thành tăng trưởng kinh tế, các doanh nhân phải khai thác các phát minh và kiến ​​thức được tạo ra bằng cách giới thiệu các phương pháp sản xuất mới hoặc các sản phẩm và dịch vụ mới vào thị trường. Do đó, thay vì tập trung vào các mục tiêu chi tiêu định lượng và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển có mục tiêu, chính sách tổng thể về nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa và lan tỏa kiến ​​thức nên làm cho việc khởi sự và phát triển doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, nhất là các tư doanh mới mà doanh nhân chấp nhận đầu tư có rủi ro cao và phần thưởng cao. Những đầu tư nầy là thiết yếu để đổi mới trong kinh tế và tạo nên giá trị tăng trưởng cho kinh tế, xã hội, đổi mới với giá trị cao và giá trị đời sống cao.

    Điều 8. Ưu đãi đầu tư vốn con người - Chính sách đầu tư vốn con người cần cố gắng tạo ra các động lực tích cực để cá nhân có được kiến ​​thức và kỹ năng, cho dù thông qua giáo dục chính thức hay tại nơi làm việc. Các chính sách khuyến khích phát triển kỷ năng mỗi cá nhân cũng phải được phát triển bởi hệ thống giáo dục để cung cấp các cơ hội phát triển như vậy. Về mặt này, hệ thống đại học Hoa Kỳ có vẻ đáp ứng nhu cầu kinh tế của xã hội tốt. Hệ thống của Hoa Kỳ có thể là một hình mẫu quan trọng, miễn là có sự quan tâm đúng mức về khả năng tiếp cận và công bằng để mọi người có thể tiếp cận các cơ hội nầy. Theo ý kiến của cá nhân tôi, cần tuyệt đối phải trừ tận gốc cách dùng lý lịch thân đảng và ưu đãi cho cá nhân từ lợi ích nhóm, nhất là đảng độc quyền.

    Điều 9. Các tổ chức phi chính thức - Các tổ chức phi chính thức ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức chính thức nhưng cũng có thể quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và các khuynh hướng cá nhân để phiêu lưu trong các đầu tư có khả năng thất bại cao và hưởng lợi cao. Phải tăng cường cơ hội để hình thành các quy tắc và thói quen không điều động từ trung ương hay đảng nhưng hình thành trong xã hội. Các quy tắc và thói quen nầy tạo thuận lợi cho hợp tác và trao đổi cá nhân, đặc biệt là về lòng tin xã hội. Môi trường tin cậy cao nuôi dưỡng việc thâm nhập thị trường, tăng trưởng doanh nghiệp và tinh thần kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, mức độ mà chính sách có thể ảnh hưởng đến sự phát triển này hay không thì không chắc lắm.

    Nói chung lại, đổi mới nên xây dựng thể chế và chính sách căn bản là thiên về cá nhân (thay vì tập thể) và doanh nghiệp tư nhân (thay vì quốc doanh), chủ yếu bằng cách thực hiện tự do hóa chính sách kinh tế.

    Nguồn:

    Số 1. https://vietnamthoibao.org/vntb-nguyen-tac-nghi-khac-trong-doi-moi/

    Số 2. Niklas Elert and Magnus Henrekson and Mikael Stenkula. Institutional Reform for Innovation and Entrepreneurship: An Agenda for Europe. Entrepreneurship & Economics eJournal, 2017.

    Số 3. https://vietnamthoibao.org/vntb-to-chuc-xa-hoi-moi-khong-co-nhung-con-bo-nhai-lai-mac-le-cu-ky/

     

     

    Không có nhận xét nào