Header Ads

  • Breaking News

    Công an Việt Nam sẽ bắn hay không bắn vào người dân biểu tình?

    Những người quan tâm vụ Đồng Tâm mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng việc toà phúc thẩm y án sơ thẩm hôm 8/3 là một chỉ dấu về chủ trương trấn áp của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đối với mọi chỉ trích, phản đối.
    Công an Việt Nam sẽ bắn hay không bắn vào người dân biểu tình?

    Rất nhiều người lên tiếng trên mạng xã hội rằng lực lượng chức năng từ nay về sau có thể bắn dân theo mệnh lệnh mà không cần biết pháp luật, lý lẽ đúng sai thế nào.

    Sự phản kháng của dân chúng trước những bất công xã hội cũng sẽ bị dập tắt vì ai cũng có thể giống như cụ Lê Đình Kình, người bị bắn chết vào rạng sáng ngày 9/1/2020 khi chính quyền Hà Nội điều động hàng ngàn công an tấn công vào xã Đồng Tâm vì những tranh chấp đất đai với người dân.

    Áp lực đối với quân đội Miến Điện gia tăng sau khi các tướng lật đổ chính quyền bà Aung San Suu Kyi và ra tay đàn áp các tiếng nói đòi dân chủ.

    Tính đến ngày 12 tháng 3, theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 70 người biểu tình đã thiệt mạng khi quân đội nổ súng vào người biểu tình và hơn 2.000 đã bị bắt từ sau đảo chính.

    Trước sự đàn áp khốc liệt của quân đội Myanmar, giới đấu tranh Miến Điện đã không lùi bước và vẫn tiếp tục kêu gọi người dân xuống đường.

    Trong cùng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, truyền thông quốc tế loan tải hình ảnh hai cảnh sát ở Myanmar đã quỳ xuống và lạy đáp trả một nữ tu, khi bà xuất hiện quỳ gối cầu xin họ đừng bắn vào trẻ em và người dân Miến Điện biểu tình.

    Bản tin của Reuters đánh đi vào ngày 10/3, chia sẻ câu chuyện của Tha Peng, một sỹ quan cảnh sát đào tẩu khỏi Myanmar đến Ấn Độ vì đã từ chối không thực hiện mệnh lệnh bắn vào người dân đi biểu tình.

    Sỹ quan cảnh sát Tha Peng cho biết thêm rằng có sáu đồng nghiệp của mình, trong cùng ngày 27/2, đã không tuân lệnh cấp trên khi được yêu cầu bắn vào dân.

    Một nữ cảnh sát Myanmar khác, 24 tuổi, tên Dal, trong cuộc trò chuyện với Reuters, chia sẻ rằng cô đã không thực hiện theo lệnh của cấp trên, yêu cầu phải bắt các phụ nữ tham gia biểu tình chống quân đội Myanmar đảo chính.

    Cô Dal nói rằng tại đồn cảnh sát ở thị trấn miền núi Falam nơi cô làm việc có đến 90% nhân viên ủng hộ người dân Miến Điện biểu tình.

    Và có những người vì chống lại mệnh lệnh của cấp trên mà buộc phải đào thoát đến Ấn Độ.


    Những hình ảnh và câu chuyện về cảnh sát cùng với người dân biểu tình ở đất nước Myanmar làm lay động lòng người và khiến cho cả thế giới hướng mắt theo dõi từng giây phút.

    Thế còn tại Việt Nam thì sao?

    Nhà hoạt động dân chủ-kỹ sư Trần Bang, vào tối ngày 11/3, nói với RFA về cảm nhận của ông đối với các lực lượng chức năng của Chính quyền Việt Nam trong những cuộc biểu tình mà ông đã từng tham gia trước đây.

    “Trong các cuộc biểu tình, những người thuộc lực lượng chức năng ra hiện trường thì có lẽ họ không làm chủ được bản thân. Tức là, họ được huấn luyện và nghe chỉ đạo từ cấp trên.

    Nếu mà cấp trên cho rằng cần phải cương quyết và cho rằng những người biểu tình là lực lượng phá hoại, lật đổ hay cho đó là những người xấu thì họ cần phải trấn áp.

    Thế thì, khi đó họ có những tâm lý khác nhau. Nếu bình tĩnh ra thì người biểu tình là đồng bào của họ.

    Nhưng khi trong các cuộc biểu tình thì tự nhiên do áp lực từ cấp trên mà biến họ thành kẻ thù của người dân.”

    Kỹ sư Trần Bang, từng bị đánh đập chảy máu đầu trong một cuộc biểu tình ở Sài Gòn, nhấn mạnh với RFA rằng trong thực tế qua các cuộc biểu tình thì ông ghi nhận những người đánh đập người dân không phải là những người khoác áo lực lượng chức năng, mà người biểu tình tại Việt Nam phải đối mặt với tình huống những người không mặc sắc phục sử dụng bạo lực để trấn áp.

    “Những kẻ đánh đập và trấn áp người biểu tình là những người không mặc sắc phục. Những người đó giống như ‘xã hội đen’. ‘Đen’ với ‘Đỏ’ cài với nhau.

    ức là không mang tính chính danh. Những người đứng đầu (chính quyền) muốn đàn áp, nhưng lại không muốn nói họ đàn áp.

    Đa số mặc thường phục cho nên chính quyền có thể chối tội. Ở Việt Nam là như vậy.”

    Nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến cũng từng bị một nhóm người được cho là an ninh và mật vụ giả danh côn đồ tấn công hồi trung tuần tháng 5/2015.

    Vào tối ngày 11/3, ông Đinh Quang Tuyến lên tiếng với RFA rằng lực lượng chức năng của Việt Nam hành xử đối với người biểu tình rất khác so với những quốc gia trong khu vực.

    “Theo tôi thấy thì công an, Cảnh sát 113 hay những người tham gia đàn áp người biểu tình ở Việt Nam, họ không giống như ở những nước khác đâu. Họ bị tẩy não.

    Chẳng hạn như ở Myanmar có chính quyền độc tài, đảo chính. Tuy nhiên lại không có hoạt động tuyên truyền tẩy não.

    Mặc dù Myanmar là nước độc tài, nhưng không phải là quốc gia Cộng sản.

    Còn những lực lượng trong công an, quân đội…đàn áp người biểu tình ở Việt Nam thì họ bị tẩy não, bị hoàn toàn phụ thuộc như là nô lệ, ăn bám chế độ và mất đi tình người.

    Cho nên không trông mong gì vào những cảm xúc của công an Việt Nam thay đổi.”

    Cựu Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Võ Minh Đức, trong cùng tối ngày 11/3, lý giải về sự ‘tẩy não’ mà nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến vừa đề cập.

    Ông Võ Minh Đức chia sẻ rằng ông tốt nghiệp và trở thành sỹ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam vào thời điểm diễn ra những phong trào dân chủ ở các nước Đông Âu và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu cũng lần lượt bị sụp đổ.

    Là một sỹ quan có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, ông Võ Minh Đức được đào tạo, huấn luyện và truyền tải chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam là Quân đội Việt Nam phải trung thành với Đảng.

    “Tôi là một trong những thành phần góp phần vào việc đó, nghĩa là bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ này trước, chứ nhân dân là sau. Họ tuyên truyền là như thế.

    Cho đến thời điểm hiện tại, sau khi tôi giải ngũ được 21 năm rồi, tôi vẫn phải tham gia lực lượng dự bị động viên hạng 1 của địa phương cả 20 năm trở về trước.

    Mỗi lần đi họp mặt và mỗi lần lãnh tiền trợ cấp hàng tháng, hàng quý thì họ vẫn tuyên truyền cho chúng tôi tình hình chính trị, thời sự trong nước cũng như quốc tế và họ vẫn nói phải bảo vệ chế độ và Đảng này trước hết.”

    RFA đặt vấn đề với cựu Đại úy Võ Minh Đức rằng trong tình huống ở Việt Nam sẽ có thể xảy ra những cuộc biểu tình, và sau vụ việc Đồng Tâm, liệu rằng ông sẽ chọn tuân phục mệnh lệnh, một khi được yêu cầu bảo vệ Đảng và chế độ bằng cách bắn vào dân như ở Myanmar hiện hay không.

    Ông Võ Minh Đức trả lời câu hỏi của chúng tôi:

    “Về mặt cá nhân thì ai tôi không biết, nhưng cho đến bây giờ tôi hơn 50 tuổi rồi, tôi tự biết tôi là quân nhân và tôi là con của dân mà ra.

    Và quân đội thì phải hiểu theo nguyên tắc cơ bản nhất là để bảo vệ đất nước và bảo vệ người dân, không nên bảo vệ một phe phái chính trị nào hết.

    Cho nên cá nhân tôi, tôi nói thật rằng nếu xảy ra biểu tình và biểu tôi đi ra càn quét dân và bắn vào dân thì không bao giờ có chuyện đó đâu.”

    Liên quan nhận xét về giới trẻ trong các lực lượng chức năng tại Việt Nam, cựu Đại úy Võ Minh Đức nêu lên quan điểm của ông:

    “Nếu nói về thế hệ trẻ thì tôi nghĩ thời nào cũng thế thôi.

    Họ nghe và họ bị nhồi nhét như thế thôi, nhưng tôi nghĩ kể cả thời đó cho đến bây giờ, các bạn có tham gia nhập ngủ chẳng qua là do pháp luật bắt buộc chứ họ không muốn cầm súng và bước vào hàng ngũ quân đội đâu.

    Thế còn để hỏi có giống mình hay không, có ý thức bảo vệ Đảng và chế độ hay không thì tôi nghĩ họ chắc là cũng giống như tôi ngày xưa thôi. Tôi bảo đảm không bao giờ họ làm điều đó cả.”

    Đồng quan điểm với cựu Đại úy Võ Minh Đức, nhà hoạt động dân chủ Trần Bang cho rằng các lực lượng chức năng của Việt Nam sẽ không bắn vào người biểu tình như đang xảy ra tại Myanmar.

    “Ví dụ như cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu ở Phan Rí, hồi năm 2018.

    Trong cuộc biểu tình đó, lực lượng chức năng mặc sắc phục đã không dám chống lại người dân tham gia biểu tình.

    Họ đã bỏ khiên, bỏ vũ khí và đã trèo tường, bỏ chạy và trốn vào doanh trại.

    Thế thì rõ ràng lực lượng chức năng Việt Nam, khi có biểu tình lớn, tôi tin rằng họ sẽ hành xử khác bên Miến Điện.”

    Tuy vậy, nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến lưu ý rằng:

    “Với áp lực như ở Myanmar hiện tại thì thế nào họ cũng bắn. Bắn chắc luôn!”

    Ông Đinh Quang Tuyến đưa ra lập luận rằng Chính quyền Việt Nam sẽ áp dụng chiến thuật bắn vào những thành viên chủ chốt của các cuộc biểu tình lớn.

    “Nếu mà tôi xông ra thì bị họ đâm chém và bắn tốt luôn. Không nói nhiều.

    Tại vì họ không bắn vu vơ. Họ bắn vào những người cốt lõi thôi. Bởi do Việt Nam dùng chính sách ‘chặn từ trong trứng nước’, chặn tại cửa nhà.

    Cho đến khi bị dồn vào tình huống áp lực quá thì họ sẽ bắn vào những người cốt lõi.”

    Thế nhưng, nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến cho rằng dù có những nỗi lo ngại và sợ hãi; tuy nhiên người dân Việt Nam không bao giờ bị khuất phục trước bạo quyền.

    Ông Đinh Quang Tuyến nhắc lại truyền thống hào hùng của dân tộc Việt là người dân có thể “đẩy thuyền” và cũng có thể “lật thuyền” xuyên suốt qua bao triều đại bốn nghìn năm qua.

    Vì thế, Nhà nước Việt Nam và Đảng Cộng sản lãnh đạo chọn lựa như thế nào là quyền tự do của họ.

    https://thoibao

    Không có nhận xét nào