Header Ads

  • Breaking News

    Derek Grossman - Tái thiết quan hệ với Trung Quốc thời Biden khó thành hiện thực

    Biden's China reset is already on the ropes

    Derek Grossman là chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại tập đoàn RAND - viện nghiên cứu phi lợi nhuận và phi đảng phái. Ông từng đảm nhiệm vị trí cố vấn tình báo tại Ngủ Giác Đài. Bài viết được đăng trên Nikkei Asia ngày 14 tháng 3 năm 2021.

     

    Joe Biden speaks about foreign policy at the State Department on Feb. 4: the President called China "our most serious competitor."   © AP

    Chính quyền mới của Mỹ quyết tâm theo đuổi chính sách đặc biệt cứng rắn đối với Trung Quốc.

    Dù Mỹ và Trung Quốc đều để ngỏ kênh đối thoại, hai bên khó có thể tái thiết hoàn toàn quan hệ song phương vào thời điểm này. Chính quyền Biden quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc trong khi Trung Quốc tiếp tục các động thái hung hăng, ảnh hưởng đến trật tự quốc tế trong mắt Mỹ.

    Ngày 18/3, quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp mặt tại Anchorage, Alaska để thảo luận về tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

    Quan hệ song phương liên tục leo thang căng thẳng trong suốt nhiệm kỳ Trump. Trước tình hình đó, nhiều nhà quan sát cho rằng Chính quyền Biden có khả năng đi theo hướng ngược lại với Trump: nhanh chóng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

    Tuy nhiên, triển vọng tái thiết quan hệ đang nhanh chóng lu mờ và, ở mức độ nào đó, trách nhiệm thuộc về cả hai bên. Ngay trong ngày đầu tiên, Chính quyền Biden đã mời đại diện của Đài Loan tại Mỹ (“Đại sứ” trên thực tế), bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), tham dự lễ nhậm chức. Đây là lần đầu Mỹ mời đối trọng của Trung Quốc dự lễ nhậm chức từ khi chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc năm 1979.

    Phản ứng một cách quá đà, Trung Quốc điều một loạt máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, bao gồm cùng một lúc 8 máy bay ném bom. Cho rằng Trung Quốc đang thách thức ranh giới đỏ, Chính quyền Biden cảnh cáo Bắc Kinh rằng hành vi của nước này “đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực” và khẳng định cam kết “vững chắc” của Washington với Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục xâm phạm không phận, dẫn đến việc Mỹ gửi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường qua eo biển Đài Loan – lần đầu trong ba lần Chính quyền Biden cử tàu chiến qua eo biển này cho đến nay.

    Tổng thống Biden sau đó gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất” trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại vào ngày 4/2. Ông nhấn mạnh thêm rằng, Mỹ sẽ “đối đầu” với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề nhưng vẫn sẵn sàng “hợp tác với Bắc Kinh khi có lợi”. Cách tiếp cận này khó lòng chứng tỏ Mỹ muốn tái thiết toàn bộ quan hệ với Trung Quốc.

    Biden cũng triển khai các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên nhằm thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong điện đàm với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định quan điểm cứng rắn đối với việc Trung Quốc hung hăng với Đài Loan, đàn áp người dân vùng  Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng. Blinken cũng chỉ trích Bắc Kinh “đe dọa đến trật tự thế giới dựa trên luật lệ”.

    Sau đó, trả lời phỏng vấn CBS trong chương trình Face the Nation ngày 7/2, Biden khẳng định Mỹ “không cần xung đột nhưng sẽ có cạnh tranh khốc liệt” với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Lầu Năm góc ngày 10/2, Biden tuyên bố bắt đầu rà soát chính sách với Trung Quốc trong nội bộ, hàm ý chính sách mới sẽ nặng về quân sự.

    Buổi tối cùng ngày, Biden điện đàm hai tiếng với với Chủ tịch Tập Cận Bình, thách thức ông Tập về các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, về Hồng Kông và các vấn đề khác. Chính quyền Biden cũng ban hành Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời, nhấn mạnh mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc. So với cạnh tranh trong văn bản, mặt hợp tác ít được nhấn mạnh hơn. Cuối cùng, vào ngày 12/3, Biden gặp mặt trực tuyến với lãnh đạo cấp cao Úc, Ấn Độ và Nhật Bản – các nước thành viên Bộ Tứ (Quad) – trong hội nghị thượng đỉnh Quad đầu tiên. Hội nghị bàn về nhiều vấn đề toàn cầu và phản đối hành vi cưỡng ép của Trung Quốc trên biển là một chủ đề xuyên suốt.

    Lược sử ngắn gọn trên không phải điều quá ngạc nhiên. Mâu thuẫn Mỹ - Trung ngày một tăng khiến việc tái thiết quan hệ lúc nào cũng khó khăn. Tuy nhiên, khả năng tái thiết không phải là không có.

    Bắc Kinh luôn nhất quán khẳng định mong muốn tái thiết quan hệ với Washington. Vào ngày 7/3, bên lề kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ hy vọng rằng, thông qua việc nối lại hợp tác về biến đổi khí hậu, Trung Quốc và Mỹ cũng có thể “đem đến thay đổi tích cực trong quan hệ song phương.”

    Biden đặc biệt coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu. Để ứng phó với thách thức này, Mỹ sẽ cần Trung Quốc trợ giúp. Tuy nhiên, hy vọng sử dụng con bài giảm thiểu khí các-bon để đổi lấy nhượng bộ của Mỹ trong các lĩnh vực khác của Trung Quốc nhanh chóng tiêu tan. Đặc phái viên về khí hậu của chính quyền Biden, John Kerry, khẳng định rằng lợi ích của Mỹ “sẽ không bao giờ bị đánh đổi lấy bất cứ điều gì” liên quan đến lĩnh vực khí hậu.

    Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn kiên định với lập trường của mình. Sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị hối thúc hai nước xây dựng lại lòng tin trong giai đoạn tiếp theo vào đầu tháng 12, Bắc Kinh vào tháng 1 công bố trên truyền thông nhà nước lộ trình chi tiết để cải tổ quan hệ song phương. “Trung Quốc vẫn luôn hoan nghênh đối thoại. Trung Quốc luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với Mỹ và tham gia vào đối thoại nhằm giải quyết trở ngại trong quan hệ,” Vương Nghị tuyên bố tháng trước.

    Nhưng đâu vẫn hoàn đó, chủ yếu do Bắc Kinh vẫn tiếp tục các động thái hung hăng. Đáng báo động cho Bắc Kinh, các dấu hiệu đến thời điểm này đều cho thấy chính quyền Biden sẽ theo đuổi chính sách đặc biệt cứng rắn với Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ đang đẩy mạnh dân chủ thay vì chủ nghĩa độc tài. Biden tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nền dân chủ trong năm đầu nhiệm kỳ nhằm “hồi sinh tinh thần và mục tiêu chung của các quốc gia trong thế giới tự do”.

    Trung Quốc trở thành mối đe dọa ngày một lớn đối với Lầu Năm góc. Tất cả các cơ quan trong Hội đồng An ninh quốc gia chính quyền Biden, dù về lĩnh vực công nghệ, y tế hay khí hậu, đều đang theo dõi sát sao các hệ lụy an ninh xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cạnh tranh rõ ràng sẽ là chủ đề chi phối chính.

    Việc tái thiết quan hệ Mỹ - Trung khó có thể xảy ra. Trong vấn đề Đài Loan, không bên nào chịu nhún nhường. Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực về ngoại giao, kinh tế và quân sự lên Đài Loan trong khi Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ với đối tác này. Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh còn nhiều bất đồng sâu sắc từ lâu, khiến khả năng hai bên đạt được thỏa thuận làm lật ngược thế cờ gần như bằng không.

    Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể hợp tác hạn chế để giải quyết một số thách thức chung thay vì theo đuổi mục tiêu tái thiết hoàn toàn quan hệ. Có lẽ, do nhận thấy chiều hướng này, bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời cũng lưu ý rằng “Mỹ hoan nghênh hợp tác với chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, kiểm soát vũ trang và phi hạt nhân hóa - những lĩnh vực mà vận mệnh hai nước đan xen”.

    Hy vọng rằng, khả năng này sẽ không quá xa vời. Tuy nhiên, dù có hợp tác được hay không, việc tái thiết hoàn toàn quan hệ Mỹ - Trung là không khả thi vào thời điểm này.


    http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/7692-tai-thiet-quan-he-voi-trung-quoc-thoi-biden-kho-thanh-hien-thuc

    Không có nhận xét nào