Header Ads

  • Breaking News

    Helmut P. Müller - Địa Ngục Xanh Việt Nam . Phần 1

    (Gồm 3 phần)

    Phan Ba dịch

    Sự lạc quan thống trị vào ban ngày. Lúc đó, đất nước mơ về hòa bình, về tái thiết, về an ninh và thịnh vượng. Nhưng màn đêm thuộc về Việt Cộng. Vì màn đêm là trợ thủ mạnh mẽ của du kích quân. Đêm đêm, đội quân ma của những phiến quân đỏ kẹp chặt lấy đất nước sợ hãi, bị hành hạ này. Rồi thì hàng triệu con người sống với cơn sợ hãi chết người, vì khủng bố ở khắp nơi. Pháo, mìn và dao để lại một dấu vết đẫm máu. Đó là một cuộc chiến không ranh giới, không chiến tuyến, không thương xót. Và bên này cũng như bên kia, họ chết vì tự do. Nhưng cho mỗi một người thì tự do này có một màu sắc khác. Vì trong thế giới này không còn có tự do chung nữa. Còn không có đến một tiêu chuẩn chung cho lý trí. Ai cũng muốn mình đúng. Và không ai muốn mất thể diện. Vì vậy mà hàng trăn ngàn người phải chết ở Việt Nam – mảnh đất hẹp đấy giữa đỏ và trắng. Từ nhiều năm nay rồi và có lẽ còn nhiều năm nữa. Vì không nhìn thấy hồi kết trong chết chóc cho Việt Nam.

    Bối cảnh của cuộc chiến

    Ông Helmut P. Müller là phóng viên trưởng (Chefreporter) của báo Westfälische Nachrichten (“Tin tức Westfalen”) ở Đức. Ông đã có mặt tại nhiều nơi ở Việt Nam, từ đồng bằng sông Cửu Long, biên giới với Campuchia cho tới các tỉnh miền Trung Việt Nam. Bức ảnh chụp ông trong một chuyến bay trên chiếc máy bay trực thăng ở Việt Nam.

    Cuộc chiến này ở Việt Nam – cuộc chiến mà không được bất cứ bên nào tuyên bố chính thức – có hàng ngàn gương mặt: những khía cạnh quân sự, chính trị, xã hội, tâm lý và những khía cạnh khác trộn lẫn với nhau thành một tính phức tạp loại trừ mọi sự đơn giản hóa. Tính rắc rối phức tạp của nó rộng lớn cho tới mức cả hai bên đều vướng vào trong đó: Câu hỏi “Tại sao chết cho Việt Nam” được cả hai bên trả lời bằng câu khẳng định “Cho tự do”. Đơn giản như thế đấy – và tuy vậy rất phức tạp.

    Cuộc chiến này đã hoành hành từ mười ba năm nay – không khoan nhượng, tàn nhẫn kiểu Á châu và đầy ắp sự căm thù với oán giận. Làm sao mà người ta có thể tìm được một lối đi khi còn chưa có thống nhất về điểm xuất phát của cuộc chiến. Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng nói về việc này: “Đây là một cuộc chiến tranh giải phóng. Chúng tôi tiến hành nó để chống lại những tên cướp Mỹ và những tên đế quốc đã chiếm giữ Việt Nam bằng sự xâm lược hèn hạ. 

    Chính phủ bù nhìn ở Sài Gòn luôn là một công cụ của những tên đế quốc Mỹ. Nó hoàn toàn không phải là một chính phủ hợp pháp. Chính nó đã bán đứng đất nước của chúng tôi. Ai đã mời quân đội Mỹ đến Nam Việt Nam? Ai đã cho phép Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự ở đó? Ai đã yêu cầu Hoa Kỳ sử dụng những loại vũ khí và phương pháp chiến tranh tàn ác? Chính các hiệp định giữa những tên xâm lược và những kẻ phản bội là những cái mà dân tộc Việt Nam cương quyết từ chối.”

    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Dean Rusk – khi được hỏi về nguyên nhân của cuộc xung đột – giải thích: “Tại sao chúng tôi lại ở Việt Nam? Chắc chắn không phải vì chúng tôi có quyền lực và thích sử dụng nó. Chúng tôi không nhìn mình như những người cảnh sát của thế giới. Chúng tôi không đi lại khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm một cuộc xung đột mà chúng tôi có thể can thiệp vào. Hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi không phải là kẻ kiến lập thế giới cũng như không phải là tên sen đầm thế giới – chúng tôi tự biết điều đó.

    Chúng tôi ở đây dựa trên sự cam kết đa phương trong Hiệp ước SEATO và dựa trên một loạt những cam kết song phương  và bảo đảm trực tiếp đối với chính phủ Nam Việt Nam. Chúng tôi đã gửi quân đội Mỹ đến chiến đấu trong rừng rậm của đất nước bị chiến tranh tàn phá đó, vì Nam Việt Nam theo lời của Hiệp ước SEATO đã trở thành ‘nạn nhân của một cuộc xâm lược dưới hình thức tấn công vũ trang’. Cuộc chiến ở Nam Việt Nam là một hành động xâm lược từ bên ngoài, cũng hệt như khi chính quyền Hà Nội gửi một đạo quân vượt qua vĩ tuyến 17, thay vì đưa lực lượng vũ trang lén lút thâm nhập vào – điều đang xảy ra không ngưng nghỉ. Điểm này là quan trọng, vì nó chạm đến cốt lõi của cam kết chúng tôi. Một phần lớn của sự bối rối đang thống trị chính là kết quả của việc không có khả năng hiểu được bản chất của cuộc xung đột.

    Vì nếu như cuộc chiến ở Nam Việt Nam chỉ là một cuộc nổi dậy nội bộ – như người cộng sản hay cố gắng diễn đạt, thì Hoa Kỳ đã không có quân đội đóng ở Nam Việt Nam. Nhưng ở đây rõ ràng là nổ lực của một chế độ cộng sản, đang tồn tại ở nửa phần của một đất nước bị chia đôi, cố dùng vũ lực để đặt sự thống trị của nó lên người dân của nửa kia đất nước, đi ngược lại với ý muốn của họ.”

    Dù hai bên có đưa ra bất cứ điều gì – nhân chứng không thể mua chuộc được vẫn là thống kê. Những con số của nó cho thấy một bối cảnh của cuộc chiến mà cho tới nay vẫn còn chưa được biết đến trên thế giới: từ 1954 cho tới 1961, du kích Việt Cộng đã giết chết tổng cộng 13.700 thường dân ở Nam Việt Nam – phần lớn là các nhân vật lãnh đạo của đất nước. Trong cùng khoảng thời gian này, hàng ngàn người Nam Việt Nam khác đã bị bắt cóc và kể từ lúc đó được cho là mất tích. Việc tiêu diệt có hệ thống tầng lớp trí thức này đã đẩy đất nước đến bờ vực thẳm – hoàn toàn không phải là “sự can thiệp rộng lớn của Mỹ”, như Hà Nội và Bắc Kinh luôn quả quyết.

    Bởi vì từ 1954 cho tới 1961, người Mỹ hầu như không có quân đội đồn trú ở Nam Việt Nam. Sự tham chiến của họ được giới hạn ở mức từ 1954 cho tới ngày 1 tháng 1 năm 1961, họ chỉ có hai người chết ở Nam Việt Nam!

    Sự tham chiến của người Mỹ ở Nam Việt Nam không phải mạnh mà ít như thế.

    Vì vậy mà người cộng sản chắc hẳn tin rằng với “cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” cuối cùng thì họ cũng đã tìm ra được một phương án để giành lấy quyền lực trong một đất nước khác. Vì có thể thấy rằng hệ thống chặt chẽ của các cán bộ cộng sản, mà các “đội quân giải phóng” nửa xã hội, nửa chính trị của họ đã thâm nhập vào 2561 làng mạc của Nam Việt Nam theo một kế hoạch tổ chức chính xác, đã thắng thế đối với quân đội Nam Việt Nam đã được kiến lập quá nhanh chóng, cũng chỉ vì đội quân như bóng ma này có mọi ưu thế của chiến tranh du kích ở phía họ: Họ chủ động – những người kia phải phản ứng. Việt Cộng là những người quyết định chiến đấu khi nào, ở đâu và như thế nào.

    Cách tiến hành cuộc chiến như thế dựa trên ba khả năng chiến lược: Chiến lược ba bậc của Mao Trạch Đông, phương án tổng khởi nghĩa cũng như khả năng thuần túy chính trị của một chính phủ liên minh. Khả năng cuối cùng đó đã bị loại bỏ ra khỏi Nam Việt Nam ngay từ đầu – người cộng sản là một thiểu số quá yếu ớt, cơ hội chính trị của họ bằng con số không. Vì vậy mà người ta hoạt động theo hai thuyết hứa hẹn chiến thắng bằng vũ lực:

    Khởi Nghĩa – Phương án tổng khởi nghĩa. Ở đây, tiền đề cho thành công là đánh thức dậy một nhận thức cách mạng ở người dân nông thôn qua khủng bố và hoạt động của các đoàn cán bộ cộng sản, và tăng cường nó cho tới mức “cơn thịnh nộ nhân dân” bùng phát ra thành một cuộc tổng khởi nghĩa dẫn tới việc chiếm lấy quyền lực. Chiến tranh tâm lý, các biện pháp xã hội cũng như khủng bố được kiểm soát một cách tinh vi – được hỗ trợ bằng những chiến dịch du kích nhỏ – phải được tiến hành đồng thời với nhau.

    Chiến lược ba cấp của Mao Trạch Đông. Một phương án thuần túy quân sự, hứa hẹn chiến thắng qua ba giai đoạn: Thứ nhất – hoạt động du kích cách mạng, để đẩy tính bất ổn định lên cao – dần dần chuyển tiếp sang một cuộc nội chiến được tiến hành với những tập đoàn quân – bao vây các thành phố lớn và các cuộc phản công quân sự như đã được áp dụng trong cuộc Chiến tranh Đông Dương.

    Các phương án này dường như là không thể sai lầm: người Việt – đã kiệt quệ qua sự thống trị thực dân kéo dài một trăm năm và một cuộc chiến chín năm chống người Pháp – trước sau thì cũng đã không có khả năng nói chung là hiểu được những khái niệm như “dân chủ, chủ nghĩa cộng sản” v.v. Ao ước của những con người hoàn toàn phi chính trị và phần lớn là ít học này giới hạn ở một cuộc sống không có chiến tranh và không có áp bức. Câu khẩu hiệu là: trồng lúa, ăn no, có thể sống.

    Thêm vào đó, đất nước này bị chia rẽ về nhiều mặt, không chỉ bởi biên giới nhân tạo ở vĩ tuyến 17: thổ dân, người Thượng, người Khmer, người Hoa và người Việt tuy sống chung với nhau, nhưng đặc thù ngôn ngữ, những tập tục khác nhau và tính cách khác nhau đã cản trở một sự đoàn kết dân tộc. Cũng không thể nói về một cộng đồng tôn giáo: các đức tin khác nhau trong đạo Phật (Đại Thừa và Nguyên Thủy), các giáo phái Hòa Hảo, Ấn Quang và Cao Đài, người Ki-tô giáo, tín đồ Vật Linh cũng như những hình thức tín ngưỡng đa dạng của người Hoa – tất cả chúng là vật chứng của một hình thức liên bang nhà nước và tôn giáo chỉ có ở Việt Nam.

    Đó không phải là vùng đất lý tưởng để nuôi dưỡng cho thuyết Tổng Khởi nghĩa hay sao? Đó không phải là con đường trực tiếp khiến cho chính phủ ở miền Nam không có khả năng hoạt động và loại trừ mọi ảnh hưởng phi cộng sản hay sao? Thể theo câu “con người là một quả bom nguyên tử tinh thần”, người cộng sản sử dụng các cán bộ đã được đào tạo lâu năm của họ để chiếm đoạt miền Nam. Trong một quyển hướng dẫn cho Việt Cộng có viết rằng: “Không phải sắt thép và vũ khí, mà là lòng dũng cảm của con người sẽ quyết định cuộc chiến. Chiến tranh nhân dân là một vũ khí nhiều công hiệu. Chỉ có quân đội cách mạng sử dụng vũ khí này mới phát huy được hoàn toàn lòng dũng cảm và sức chiến đấu của con người. Hãy sống dũng cảm và chết vinh quang.”

    Và tất nhiên là phải gây thiệt hại lớn cho “quân đội bù nhìn” của Diệm. Vì nhóm nhỏ người Mỹ thì không thể kể đến trong những năm này…

    Thành công dường như cho thấy rằng người cộng sản đã đúng: “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” – được hỗ trợ bởi Đảng Cộng sản Nam Việt Nam, đảng mà tự nói về mình rằng: “Chúng tôi là động lực của cuộc cách mạng, đạo quân tiên phong và linh hồn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” – dời tổng hành dinh vào trong khu rừng rậm phía tây bắc của Tây Ninh cạnh biên giới với Campuchia và qua đó nối kết trực tiếp với Đường mòn Hồ Chí Minh. Số 6000 người của quân đội nhân dân cộng sản ở lại miền Nam bất hợp pháp sau hiệp định ngưng chiến năm 1954 đã tạo thành đội ngũ cán bộ cơ bản để tiến hành “cuộc chiến tranh du kích cách mạng” đang bắt đầu, cái mà chỉ khác với phương pháp nội chiến cộng sản thông thường ở tính phức tạp của nó: Thay vì tác động tâm lý số đông, song hành cùng với các hoạt động bán quân sự là một sự khủng bố khác mà dân làng – 80 phần trăm dân số sống trong đó – không có gì để chống đỡ lại.

    Chiến thắng dường như chỉ còn là một câu hỏi của thời gian.

    Người cộng sản có thể đắc thắng. Hiệp định Geneve quy định rằng “một giới tuyến quân sự tạm thời được ấn định tại vĩ tuyến 17 mà lực lượng của hai bên phải tụ hợp về phía của mình sau khi rút quân – lực lượng của quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc và lực lượng của Liên hiệp Pháp ở phía Nam của giới tuyến này.” Đồng thời người ta cũng quy định rằng “giới tuyến quân sự này là tạm thời và hoàn toàn không được cho rằng nó thể hiện một ranh giới về chính trị hay lãnh thổ”. Thêm vào đó còn ấn định rằng hai năm sau khi Hiệp định được ký kết – tháng 7 năm 1956 – tổng tuyển cử với mục đích thống nhất Việt Nam sẽ được tiến hành.

    Nhưng cuộc bầu cử này là điều không tưởng ngay từ trước khi nó nói chung là được bắt đầu: Chính phủ Diệm không chấp nhận cả việc chia đôi đất nước lẫn thời điểm bầu cử cho Nam Việt Nam. Ông Diệm tuyên bố: “Những thỏa thuận giữa các bên Pháp và Việt Minh đã được đưa ra mà không có sự chấp thuận của đại diện Nam Việt Nam và vì vậy mà không có tính ràng buộc.”

    Và Diệm là người của Mỹ – “một tên nịnh hót và tay sai của đế quốc, người muốn bán đất nước của chúng ta cho những tên cướp Mỹ”, như người cộng sản quả quyết.

    Vì Diệm là người đã gọi người Mỹ. Lật đổ ông ấy là mục tiêu số một. Đuổi người Mỹ ra khỏi nước, mục tiêu số hai. “Thế mạnh của kẻ địch nằm trong khả năng tiến hành chiến tranh và nguồn lực vô cùng to lớn của nó”, như Đài phát thanh Hà Nội giải thích. “Nhưng cả sức mạnh của nó cũng có giới hạn. Vì người Mỹ không thể vượt qua được một cuộc chiến tranh du kích dài lâu và khó khăn trong một đất nước miền nhiệt đới – cách xa quê hương. Thế yếu cơ bản của họ nằm ở đó.”

    Người cộng sản tin như vậy – và họ phải tin như vậy. Vì sự tham chiến của người Mỹ thật là nhỏ trong so sánh với mối nguy hiểm đang đe dọa. Cường quốc Hoa Kỳ không thể quyết định một cách cương quyết – môn chẳng ra môn khoai chẳng ra khoai. Và đó là một trong nhiều sai lầm…

    Có những sai lầm mà người ta nhận ra ngay – và có những sai lầm mà người ta nhìn nhận muộn màng – thỉnh thoảng là quá muộn. Rồi thường thì người ta phải trả một cái giá cao. Có những chính trị gia nào đó quá hiểu điều này. Người Mỹ thì chắc chắn hiểu…

    Hãy nhìn đến cuộc Chiến tranh Đông Dương – cuộc chiến bẩn thỉu và tàn bạo diễn ra trước sự tiến thoái lưỡng nan hiện nay ở Việt Nam, mà trong thời gian vừa qua người ta hay tìm ra những điều tương đồng với nó. Thật là vô lý hết sức: Chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh thực dân của người Pháp, một cuộc chiến hủy diệt làng mạc, tra tấn tù nhân – chỉ để thực thi yêu sách thực dân. Nhưng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ chỉ thực hiện một lời hứa bảo vệ mà họ cảm thấy có trách nhiệm từ Hiệp ước SEATO.

    Và tuy vậy, có lẽ người Mỹ đã không vướng vào cuộc chiến kinh khủng này nếu như họ đã phản ứng khác đi vào thời đó trong cuộc Chiến tranh Đông Dương. Chỉ cần một nửa sự trợ giúp được rót vào Nam Việt Nam hiện nay – và lẽ ra là đã không có Điện Biên Phủ với tất cả những hậu quả của nó. Tuy là người Mỹ đã chi tổng cộng một tỉ dollar cho Đông Dương – nhưng đó có là bao nhiêu kia chứ: đối với nước Pháp thì sự việc đó là được tất cả hay mất hết thảy. Nước Pháp không chỉ cần dollar – nước Pháp cần nhiều hơn nữa. Nhưng ở đây thì người Mỹ không muốn nghe – mặc dù vào thời gian này người Pháp đã đi trên con đường từ “chủ nghĩa thực dân” sang Communauté Français [Cộng đồng Pháp]. Và có không ít Việt Minh, những người hủy diệt vinh quang của Pháp ở Đông Dương, bắn với những khẩu súng made in USA.

    Ngày nay, người Mỹ ngạc nhiên, khi Tướng de Gaulle chỉ trích họ, nghi ngờ họ và “đâm dao sau lưng chúng ta”. Nhưng trong lúc đó thì họ quên rằng tuy nước Mỹ lúc đó đã trả một tỉ dollar vào trong quỹ tiền của thực dân Pháp – nhưng cũng không tiết kiệm những nghi ngờ và chỉ trích đối với đồng minh Pháp.

    Hay như trường hợp ông Ngô Đình Diệm. Năm 1963, nhà “độc tài Công giáo” không tranh cãi của Nam Việt Nam – từng được đưa lên chiếc ghế tổng thống với sự hỗ trợ của Mỹ – trong khoảnh khắc quyết định đã nhìn thấy mình bị những người bạn Mỹ của ông bỏ rơi một các ô nhục: Người Mỹ đứng yên khi những người đảo chánh lật đổ Diệm và người em trai Nhu, bắn chết cả hai và qua đó đã mở đường cho một thời kỳ hỗn loạn của những cuộc đảo chánh quân đội, những cuộc tranh giành quyền lực của Phật giáo, những cuộc đảo chánh ngược, những cuộc nổi loạn trên đường phố và nổi loạn của sinh viên.

    Đó thật là một trớ trêu của số phận, khi các nhà báo người Mỹ lại chính là những người đã chuẩn bị cho cuộc lật đổ Diệm thời đó! Những bài phóng sự giật gân rẻ tiền của họ về “đàn áp Phật giáo” đã lan truyền đi khắp thế giới – một truyện cổ tích có sức tác động mạnh đã được sinh ra đời. Lúc ấy thì ai có thể nghĩ rằng những cuộc tự thiêu của các nhà sư không gì khác hơn là một vũ khí đấu tranh chính trị của lãnh tụ Phật giáo cực đoan Thích Trí Quang, người không ngần ngại bơi trong luồng nước của cộng sản để chiếm lấy quyền lực?

    Nhà sư lãnh đạo cuộc nổi dậy của Phật giáo, Thích Trí Quang, dẫn đầu một cuộc mít tinh tại Đà Nẵng, Việt Nam, tháng 1 năm 1965 — Hình © Christian Simonpietri / Sygma / CORBIS

    Người Mỹ ở Sài Gòn biết rõ nguyên nhân thật sự – nhưng không hành động. Họ thậm chí phải chịu để cho Liên Hiệp Quốc trong phiên họp lần thứ 1280 vào ngày 13 tháng 12 năm 1963 xác nhận điều mà bất cứ quan chức người Mỹ nào ở Sài Gòn cũng biết trước nay: Một sự đàn áp người theo đạo Phật bởi Tổng thống Diệm chưa từng bao giờ xảy ra. Người ta có thể đọc điều này trong bản báo cáo dầy 254 trang mà một ủy ban hỗn hợp được gửi tới Việt Nam riêng cho việc này đã đưa ra. Tài liệu xác thực rõ ràng cho tới mức Liên Hiệp Quốc từ bỏ không theo dõi đề tài này nữa. Liên Hiệp Quốc mà còn như thế!

    Người ta có thể nghĩ về Diệm như người ta muốn (và ông ấy mãi mãi sẽ vẫn là một nhân vật gây tranh cãi), nhưng có một điều chắc chắn: Chương trình Ấp Chiến lược của Diệm đã được thiết kế thật tuyệt vời và về lâu dài đưa ra một hy vọng cho an ninh, hòa bình và trật tự trong đất nước Việt Nam. Chương trình này không phát huy được hết tác dụng, điều này có nguyên nhân từ việc tiến hành không đạt yêu cầu, xuất phát từ những thiếu sót mà lẽ ra là phải được xóa bỏ. Ít ra thì Diệm, khi ông ngã xuống dưới làn đạn của những người đảo chánh, cũng có được 25 phần trăm đất nước đứng sau ông – một con số phần trăm đáng kể đối với Việt Nam!

    Nhưng như đã nói – Diệm đã chết. Và nước Mỹ cứ ngần ngừ đứng cạnh chiếc giường liệm của ông ấy và trước di sản của ông ấy. Và di sản này là một sự hỗn loạn chính trị chưa từng có. Nó bắt buộc người Mỹ phải làm việc mà họ luôn chùn bước vì hậu quả của nó: leo thang quân sự trong một quy mô phá vỡ mọi sự tưởng tượng.

    Hay – nước Mỹ phải rút lui. Vào thời điểm đó thì còn có thể được – ý kiến về điều này khác nhau rất nhiều. Nhưng cái chuỗi đảo chánh và những cuộc rối loạn chính trị ở Sài Gòn đã lấy đi mọi sức sống khỏi chính phủ của Nam Việt Nam, và cả các lực lượng dự bị quân sự cũng đã kiệt quệ. Một cuộc rút lui của người Mỹ trong tình huống đó đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn của đất nước này và sẽ mở cửa cho bạo lực vào trong châu Á. Nó sẽ là kết cuộc của “chính sách Thái Bình Dương” của Mỹ.

    Vì vậy mà nước Mỹ quyết định leo thang chiến tranh. Và qua đó, đất nước này đã quyết định đi trên một con đường dài, gian khổ, đẫm máu. “Nhưng đối với chúng tôi thì Viễn Đông thực ra là Viễn Tây”, một chính trị gia cao cấp của Hoa Kỳ ở Sài Gòn giải thích. “Chúng tôi không thể nghĩ đến việc đứng nhìn hàng triệu người của các dân tộc châu Á bị kích động chống lại chúng tôi. Việt Nam có liên quan đến lợi ích sống còn của chúng tôi và an ninh của chính chúng tôi. Chúng tôi không hy sinh hàng ngàn người Mỹ chỉ để thân thiện với người Việt.”

    Lần lật đổ Diệm là bước ngoặt đầu tiên đi đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn, ác liệt. Và lần leo thang này là cái giá đắt mà nước Mỹ phải trả cho những sai lầm nào đó trước đây.

    Chỉ vài tháng sau đảo chánh 1-11-1963, tướng Nguyễn Khánh đã “lật đổ” tướng Dương Văn Minh để lên nắm quyền

    Một trong những văn kiện quan trọng nhất của cuộc Chiến tranh Việt Nam nằm trong một chiếc két sắt của Tòa Nhà Trắng – bản sao của bức thư mà Tổng thống Eisenhower ngay sau Hội nghị Geneve năm 1954 đã gửi cho Tổng thống Diệm. Trong lá thư này, Hoa Kỳ cam kết giúp Nam Việt Nam, “trong hy vọng, rằng sự giúp đỡ này – cùng với những nỗ lực của Ngài (của Diệm) – có thể góp phần tác động để tạo nên một nước Việt Nam độc lập, vững chắc với một chính phủ mạnh mẽ.”

    Eisenhower giữ lời hứa: Ông ấy gửi 685 cố vấn quân sự sang Việt Nam. Nhưng 685 người lính có nghĩa lý gì tại một đất nước mà trong đó hàng ngàn người lính đỏ – những người ngược với các thỏa thuận Geneve đã không rút lui ra miền Bắc – tiến hành một cuộc chiến tranh du kích kiểu Mao Trạch Đông? Diệm thúc giục Eisenhower. Nhưng khi người này trao chức vụ tổng thống lại cho John F. Kennedy năm 1960, thì “lực lượng quân sự” của Mỹ ở Việt Nam bao gồm đúng 785 người. Gần bảy năm liền, Hoa Kỳ đã không vượt quá con số cố vấn quân sự ở Việt Nam đã được ấn định tại Geneve, mặc dù Bắc Việt Nam vi phạm hiệp định liên tục!

    Tuy nhiên – Kennedy tiếp nhận một cam kết trên giấy trắng mực đen mà Eisenhower đã còn đưa ra năm 1959: tăng cường con số cố vấn quân sự. Thế là ông ta đã thực hiện những gì người tiền nhiệm đã hứa – con số cố vấn Mỹ được tăng lên 2000 người. Vào thời gian này, có 151.000 người thuộc quân đội Nam Việt Nam, 48.000 người thuộc lực lượng bảo an tỉnh và 40.000 thuộc về lực lượng dân quân làng.

    Con số này hoàn toàn không đủ. Nếu như chương trình Ấp Chiến lược muốn hoạt động được, nếu như người ta muốn bảo đảm an ninh cho nông dân, cho kinh tế và cả công nghiệp thì quân số phải được tăng lên. Vì cả Việt Cộng cũng mạnh hơn trước: 15.000 người lính chính quy và tròn 40.000 du kích. Với quân đội đó, họ kiểm soát nhiều phần rộng lớn của đất nước, vì có một quy tắc ước chừng cho cuộc chiến tranh du kích: “Ai muốn chiến thắng du kích thì phải có quân lính nhiều hơn gấp mười lần.” Và Nam Việt Nam không có số quân đó.

    Tức là người ta cần thêm ít nhất hai trăm ngàn quân lính – và tất nhiên là nhiều cố vấn quân sự hơn nữa. Cuối năm 1962 đã có 11.000 người Mỹ đóng quân ở Nam Việt Nam.

    Năm 1963 mang lại thất vọng tồi tệ nhất. 16.500 người lính Mỹ đóng quân tại Việt Nam khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara táo bạo đưa ra dự đoán: “Tình hình đã bình thường trở lại. Sự can thiệp mạnh mẽ của chúng ta đã mang lại kết quả. Từ bây giờ trở đi, chúng ta sẽ giảm quân số. Trước Giáng Sinh 1965, phần lớn các chàng trai của chúng ta sẽ lại có mặt ở nhà.”

    Nhưng ông Bộ trưởng đã không tính đến người cộng sản: trong đồng bằng sông Cửu Long khó đi lại – trước nay là vùng đất được du kích quân ưa chuộng – cũng như trên cao nguyên vắng vẻ ở miền Trung Việt Nam, họ đã bắt đầu thành lập có hệ thống một quân đội du kích.

    Mối đe dọa Nam Việt Nam đã trở nên nguy hiểm chết người. Và sự thách thức người Mỹ cũng đã rõ ràng. “Chúng ta đã chiến thắng người Pháp – chúng ta cũng sẽ chiến thắng những tên cướp từ Hoa Kỳ”, Đài Phát thanh Hà Nội tuyên bố. Sự lạc quan này dường như không phải là vô căn cứ: Lực lượng của người Mỹ không bảo đảm được an toàn. Chỉ cố gắng lắm mới giữ được các thành phố – nông thôn thuộc về phiến quân.

    Vì quân đội Nam Việt Nam không qua được thử thách: được xây dựng quá nhanh, quá vội, họ không đủ khả năng tạo cho mình sự kính nể. Còn ngược lại nữa: hàng chục ngàn người đào ngũ, đơn giản đi về nhà, vì họ đã chán ngán việc phải chết cho nước Việt Nam. Sự cam chịu đã âm thầm lan đi trên khắp đất nước bị hành hạ này. Không phải Việt Cộng là những người nắm toàn bộ quyền lực hay sao? Tất nhiên – họ thống trị bằng đe dọa, khủng bố và tống tiền. Họ dường như có mặt ở khắp nơi. Quân đội chính phủ thì ngược lại – họ xuất hiện vào ban ngày, nhưng đêm đêm thì họ lại ngồi trong căn cứ của họ và bỏ mặc hàng triệu nông dân lại cho số phận của họ.

    Chỉ có thể là một câu hỏi về thời gian, cho tới khi Việt Cộng công khai nắm lấy quyền lực…

    Trong tình huống đó, nước Mỹ phải quyết định. Và bắt buộc phải là quyết định của một người – Lydon B. Johnson, giờ đây là tổng thống Hoa Kỳ.

    Johnson từ Texas quyết định tăng quân: cho tới cuối 1964, quân đội Mỹ được tăng lên đến 23.000 người, 1965 có thêm 67.000 người nữa. Đó là năm mà quân đội Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử của cuộc chiến này từ vị trí phòng thủ đã chuyển sang thế tấn công.

    Giữa tháng 7 năm 1967 – lúc này lực lượng quân đội Mỹ đã tăng lên đến 466.000 người – tổng thống Johnson tuyên bố: “Thêm 80.000 quân nhân sẽ được gửi sang Việt Nam. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là tăng cường cho quân đội chiến đấu.” “Ở đó có từ ngữ leo thang”, Dean Rusk nói, “nhưng nó dường như chỉ được dành riêng cho Hoa Kỳ và đồng minh của họ. Bắc Việt đã đưa bảy sư đoàn thâm nhập vào miền Nam – nhưng ở đây thì không ai nói về một sự leo thang nào cả. Từ một năm nay, phía bên kia đặt mìn tại Cảng Sài Gòn. Nhưng nếu như chúng tôi làm cùng điều đó với Cảng Hải Phòng – thì tôi có thể tưởng tượng được rằng khắp nơi người ta sẽ đổ tội leo thang cho chúng tôi.”

    Dường như là hòa bình không còn có cơ hội nào nữa ở Việt Nam. Vì miền Bắc không muốn biết gì về đàm phán và miền Nam thúc giục Mỹ tăng quân số lên 800.000 người.

    Vì vậy mà Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho thời kỳ rối rắm, bất lực của chúng ta. Việt Nam là sự leo thang của tình thế tiến thoái lưỡng nan và của sự tuyệt vọng…

    Mỗi một phút của cuộc chiến tốn 164.000 Mark

    “Leslie! Flareship 7 gọi Leslie!” Tiếng gọi đi qua không trung lần thứ ba trong đêm nay. Ở đâu đó trên vùng rừng rậm tây nam Đà Nẵng, một đơn vị này tìm đơn vị kia – Flareship tìm Leslie. Vì Flareship là một chiếc máy bay trực thăng của người Mỹ, cái chiếu sáng màn đêm bằng những mặt trời nhỏ, sáng rực, đong đưa dưới những cái dù lụa. Và bây giờ thì khu rừng sáng lên dưới ánh sáng vàng rực rỡ và hé lộ bí mật của nó – những hình bóng đen tối, đang chạy. Việt Cộng đang chạy trốn vì mạng sống của họ…

    Nhưng cơ hội bằng không. Vì tiếng gọi của Flareship 7 đã đến được với Leslie. Và Leslie là một cặp đôi chết người: hai chiếc Skyraider gắn đầy bom, đủ cho cả một thành phố, cũng như một chiếc Dacota “mở”, mà ba khẩu “súng tí hon” của nó bắn 18.000 phát trong vòng một phút – một cơn mưa chì và chết chóc, trong tiếng lóng của lính bộ binh được gọi là “Puff, con rồng ma” [“Puff, the Magic Dragon”]. Bây giờ thì cả ba đang bay đến – được gọi dưới mã Leslie.

    Chiếc Douglas AC-47 Spooky – Puff the Magic Dragon – đang bắn.

    “Này, Leslie, nghe đây”, tiếng nói rè rè từ tai nghe. “Anh đến từ hướng mười giờ. Pháo sáng đã có. Ba bom khói đúng ngay mục tiêu. Anh chỉ cần trúng đích nữa thôi.”

    Rồi tiếng ồn vang khắp khu rừng – một cơn bão chết chóc. Kéo dài bảy phút. Goliath săn lùng David. 28 Việt Cộng chết trong đêm đó cách Đà Nẵng 35 ki-lô-mét về phía tây nam. Con số này là “body–counted” – đếm xác chết, như đại úy Jim Graham khẳng định khi lính cổ da Mỹ đến được khu vực đó trong rừng rậm, nơi đã là chiến trường trong bảy phút. Và chỉ cách đó ba ki-lô-mét, những người lính cổ da gặp thêm 12 xác chết nữa – cũng “body–counted”. 12 nông dân – bị trói và bịt miệng – đã chết dưới dao của Việt Cộng vì họ không chịu giao ra gạo của họ. Bây giờ thì họ nằm cách nhau chỉ ba ki-lô-mét – những người nông dân đã chết và Việt Cộng đã chết.

    “Trong khi ấy thì chắc chắn là họ sẽ đưa gạo ra cho chúng”, viên đại úy nói, “nếu như họ còn gạo. Họ không chịu đưa ra vì không còn dự trữ nữa. Họ phải chết vì họ không còn gì cả. Thật là một cuộc chiến khốn nạn, ghê tởm…”

    Tại Trung tâm Báo chí ở Đà Nẵng, những người chết của đêm đó không tạo nên một cái tít báo nào. Người ta đã quen thuộc với chuyện ấy – trong vùng của Quân đoàn I này lúc nào cũng có tiếng súng. Người ta đánh mất mối tương quan. 28 Việt Cộng chết có là gì, 12 nông dân chết có là gì? “Thật ra thì những tên Việt Cộng chết không quan trọng”, một hạ sĩ quan ghi nhận những báo cáo mới nhất ở đây nói. “Quan trọng là súng tịch thu được, đạn dược, gạo. Mấy thứ đó mới gây đau. Đối với Charlies (ở đây họ gọi Việt Cộng là vậy) thì một khẩu súng máy vẫn có giá trị nhiều hơn là một trăm người lính. Ngày mai thì những người lính này sẽ được thay thế. Nhưng mà vũ khí – ở đây thì họ phải cần nhiều tháng, cho tới khi nhận được thay thế…”

    Cửa ra vào được mở ra trong lúc câu nói chưa chấm dứt. Hai nhà báo. “Có chuyện gì, các anh?” viên hạ sĩ quan hỏi. Nếu như người ta không biết rằng đó là đồng nghiệp thì có lẽ người ta đã cho đó là hai người lính – bộ quân phục dơ bẩn, những gương mặt đầy mồ hôi… “Có thứ hay ho trong hộp này đấy”, một người nói và đập vào chiếc máy quay phim của mình. “Ác liệt đấy”, người kia lầm bầm. “Rồi còn chuyến bay về nữa chứ….”

    Họ đã ở Quảng Trị. “Chiến dịch Hickory” là tên của hoạt động này của Sư đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến. Mục đích là tiêu diệt hai trung đoàn Bắc Việt đã bám rể trong rừng rậm dưới khu vực phi quân sự. “Hết sức khó khăn – lính Thủy Quân Lục Chiến đã đi vào đúng giữa một cái bẫy.”

    Trong khi đó thì lúc đầu chỉ có vài ba phát súng nổ. “Chạm địch phía trước”, viên trung đội trưởng báo cáo về qua vô tuyến. Nhưng chỉ vài phút sau đó, người ta thấy rằng quân địch đang tháo chạy. “Chúng tôi đang bám theo”, cuộc đàm thoại vô tuyến cuối cùng từ phía trước báo cáo. Rồi súng nổ vang – khắp chung quanh. Mãi tới lúc đó, lính Thủy Quân Lục Chiến mới nhận ra mình đã đụng phải trận địa của một trung đoàn địch. “Trận đánh kéo dài mười ngày”, ông bạn đồng nghiệp nói. “Người Bắc Việt có 403 người chết. Nếu như kể cả những người chết đã được mang đi khỏi trong lúc còn giao tranh thì ước chừng ít nhất là 650.”

    “Còn tổn thất của chúng ta là bao nhiêu?” ai đó hỏi từ phía sau. Một trong hai người lôi quyển sổ ghi chú ra. “Cao, mẹ kiếp, cao đấy”, anh ta lầm bầm. “Sáng nay họ mới cộng hết lại – 119 Thủy Quân Lục Chiến chết, 817 bị thương. Và còn một vài người mất tích.”

    “Có thể ghi họ vào danh sách người chết rồi”, viên hạ sĩ quan nói. “Tôi còn chưa nhìn thấy ai trở về từ bên đó…”

    Chiến dịch Hickory: Lính của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 TQLC Mỹ đang đứng trước lô cốt của quân đội Bắc Việt. Ngày 18 tháng 5 năm 1967.

    Tối tối, người ta ngồi trong một quán rượu nhỏ, hay cái mà người ta gọi là quán rượu – một góc ốp gỗ ở cuối gian nhà. Người ta nhìn trừng trừng vào màn hình hay vào ly Whisky. Cái chính là – người ta có không khí trong lành. Vì trong những gian sảnh ngủ – sáu giường, một cái vòi hoa sen tắm nhỏ nước từng giọt một, một cái nhà vệ sinh – người ta sẽ chết ngạt dưới cái vòm bởi sự nóng nực và khó chịu: 35 độ, 93 phần trăm độ ẩm, muỗi vô giới hạn. Tức là người ta thích đi vào quán rượu hơn, có máy điều hòa. Ở đó thậm chí còn có thuốc viên ngừa sốt rét không mất tiền nữa. Và tất nhiên là tin tức mới nhất…

    “Chuyến bay trở về ra sao?” có ai đó muốn biết. Hai người từ Quảng Trị nhìn nhau. “Kể đi”, một người nói và gật đầu về phía đồng nghiệp của anh ta. “Không có gì để kể đâu – tôi chỉ có thể nói: chúng tôi buồn nôn.”

    Trước đi nói tiếp, anh ấy rồi lên một chiếc ghế gỗ. “Chúng tôi đã ngồi trong chiếc trực thăng rồi và muốn bay về – lúc đó có một viên đại úy đến và nói to: ‘Này, chờ đã – còn có vài người bay cùng đấy!’ Và rồi mười phút sau, ông ấy mới quay trở lại với người của ông ấy. Tôi thật ra chẳng có gì để kể nhiều cả: những người muốn bay cùng, đó là các xác chết – 15 lính Thủy Quân Lục Chiến đã chết. Họ hy sinh trong chiến đấu như thế nào thì họ nằm đó y như thế. Viên đại úy nhìn chúng tôi và nói: ‘Xin lỗi – nhưng họ phải bay cùng. Hai giờ nữa có một chiếc Boeing bay về Mỹ. Và nó sẽ mang họ theo cùng đi về nhà. Các anh biết đấy – chúng ta không để ai trong số các chàng trai của chúng ta ở lại đây.’ Vâng, thế đấy. Ông ấy kéo đóng chiếc cửa trực thăng lại và chúng tôi khởi hành thật cẩn thận, vì người ta không thể thắt dây an toàn cho người chết. Nhưng đó có nghĩa là gì chứ: chúng tôi ngồi đó trong chiếc trực thăng chật chội, đóng kín và những người línhThủy Quân Lục Chiến đã chết cứ nhìn trừng trừng chúng tôi với nhửng con mắt mờ đục. Rồi còn không khí trong đó nữa – đơn giản là hết sức đáng sợ…”

    Trong khoảnh khắc, không ai nói từ nào. Vì ai trong số họ cũng đều có thể tưởng tượng được điếu ấy như thế nào, khi bay trong một chiếc trực thăng đầy người chết.  Và họ cũng quen thuộc những hình ảnh khác nữa – những chiếc Boeing ở rìa sân bay, bay qua lại liên tục giữa Việt Nam và Mỹ: những người lính chết, những người lính sống – bay về, bay đi…

    Không ai ngủ được ban đêm – vì căng thẳng, nóng nực và tiếng ồn. Súng cối và pháo binh bắn quanh Đà Nẵng, bom rơi, và những khẩu súng máy tạo thành nền nhạc nhỏ hay những tay súng thiện xạ ở Cửa Việt cạnh dòng sông chảy chậm chạp ngang qua các gian nhà của Trung tâm Báo chí ra biển Đông. “Mệnh lệnh nghiêm ngặt đấy, mấy vụ bắn súng ở bờ sông”, Frank Roberts nói, người viết cho “Tạp chí Cổ Da”. “Mấy tay súng thiện xạ bắn vào tất cả những gì trôi nổi trên sông – gỗ, giấy, bao thuốc lá, rác. Tất cả những gì chuyển động hay có thể nhìn thấy được trên mặt nước đều bị bắn. Chúng tôi đã phải trả một đống tiền học phí ở đây đấy.” Với bàn tay giơ thẳng ra, anh ấy chỉ đến cây cầu đôi lớn nối liền hai phần của Đà Nẵng lại với nhau. “Cái này đã nổ tung hai lần cho tới nay rồi. VC (Việt Cộng) đơn giản là để cho gỗ trôi xuôi theo giòng sông. Nhưng đó không phải là gỗ – ở dưới đó có treo mìn. Phân nửa Đà Nẵng đã giật mình rơi xuống giường khi cái trụ cầu nổ tung. Kể từ lúc đó là có vụ bắn chặn này. Mỗi đêm người ta bắn vài ngàn viên đạn ở đây…”

    Nhưng cả Việt Cộng cũng tham gia: những tay thiện xạ ngụy trang không bắn gỗ trôi trên sông mà vào những mục tiêu di động khác ở bên kia dòng sông lớn. Và vì vậy mà khi nghe tiếng súng, không ai biết được đó là một phát súng của Việt Cộng…

    Kể từ khi những người lính cổ da – tên chính thức là “Lực lượng Viễn chinh thứ Ba TQLC” – đổ bộ lên Vùng I Chiến thuật vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, vùng này đã thuộc vào những vùng đất bị giành giật ác liệt nhất tại Việt Nam. Có không ít người cho rằng cuộc chiến này không được quyết định ở Đồng bằng sông Cửu Long mà là ở đây – tại năm tỉnh phía Nam của vùng đệm cạnh vĩ tuyến 17.

    “Nếu như chúng tôi có thể mang lại an ninh cho phần đất này”, Thiếu tướng Donn J. Robertson, tư lệnh Sư đoàn 1 Lính Cổ da, nói, “thì Việt Cộng sẽ bị khóa dòng chảy tiếp tế từ Bắc Việt Nam và chúng tôi có thể tập trung vào những vùng khác. Cho tới chừng nào chưa đạt được điều đó, thì một phần đáng kể của lực lượng chúng tôi bị ràng buộc ở đây và Việt Cộng ở phía Nam luôn có thể thở lấy sức.”

    “Khả năng tiến đến thành công về mặt quân sự là thật sự có”, Frank Roberts bổ sung cho lời nói của người tướng của anh. “Có 2,6 triệu người sống ở đây trong Vùng I Chiến thuật. Trước khi lính cổ da đến thì đây là vùng của Việt Cộng. Ngày nay đã có 1,1 triệu người dân sống dưới những điều kiện mà người ta có thể gọi là an toàn.”

    Lính TQLC Mỹ đứng trên đồi 881 Bắc sau trận chiến ác liệt kéo dài 9 ngày gần Khe Sanh, Việt Nam, vào ngày 3 tháng 5 năm 1967. (Ảnh AP)

    74.000 lính cổ da và 76.000 lính của quân đội Nam Việt Nam có nhiệm vụ “quét sạch” Việt Cộng và các sư đoàn của Bắc Việt Cộng sản ra khỏi Vùng I chiến thuật theo chiến thuật “Tìm và Diệt”. Đặc biệt lính cổ da – có tỷ lệ tổn thất cao nhất trong Chiến tranh Việt Nam – đã tự chứng tỏ mình như là lính chữa cháy: Trong vòng hai năm đã thực hiện 200.000 lần đi tuần tra, 82.000 lần tập kích vào các vị trí của quân địch, 100.000 lần oanh kích, 734.000 chuyến bay trực thăng – thống kê chính thức là như vậy. Frank còn có thể bổ sung thêm: “Trong thời gian đó chúng tôi đã tịch thu được 3900 vũ khí, phá vỡ hàng trăm trại tiếp tế và kho đạn dược, bắt 2100 tù binh và giết chết 22.000 du kích quân.”

    Người ta không thể diễn đạt lòng can đảm qua những con số – người ta chỉ có thể bày tỏ sự kính trọng nó. Nhưng lợi thế về vật chất có thể  diễn tả được qua tính toán. Vì thế mà câu hỏi sau đây là hết sức tự nhiên: “Thế thì đã phải tốn kém bao nhiêu cho nổ lực khổng lồ về vật chất này?” Frank Roberts lật trang trong quyển sổ ghi chú đầy thống kê của anh. “Toàn bộ cuộc chiến cho tới nay đã khiến cho chúng tôi tốn tròn 52 tỉ dollar”, anh nói. “Máy tính của chúng tôi thậm chí đã tính toán cho từng phút một: Mỗi một phút của cuộc chiến này khiến nước Mỹ tốn 41.000 dollar – theo tiền của các anh thì là 164.000 Mark…”

    Ở bên kia – ở bờ bên kia – tiếng súng nổ vang qua màn đêm. Những chiếc pháo sáng mạ vàng bầu trời và rừng nguyên thủy chung quanh Đà Nẵng. Ở nơi bom nổ, ánh sáng lóe lên sáng như ban ngày trong một khoảnh khắc – cuộc chiến có mặt ở khắp nơi. Một câu nói chơi chữ đã thành hiện thực: Ở Việt Nam, không nơi nào súng bắn nhiều như khắp nơi ở Việt Nam…

    Tôi phải nghĩ đến Tướng Robertson – và về cuộc trao đổi với ông ấy. Đó là một khóa học ngắn hạn với câu kết luận gây kinh ngạc, rằng “việc này có thể kéo dài 20 năm nữa”. “Việt Nam có đáng cho nổ lực khổng lồ này, có đáng hoạt động này với cái giá phải trả là sinh mạng của người Mỹ hay không?” tôi đã hỏi vị tướng như thế. Ông ấy đã bước tới tấm bản đồ bọc nhựa hiển thị tình hình sư đoàn của ông mà con số lính cổ da tử trận trong những ngày vừa qua đã được viết trên đó bằng nét chữ đậm. “Có và không”, vị tướng trả lời. “Vấn đề ở đây không phải là Việt Nam. Chúng tôi chiến đấu ở đây vì chúng tôi chống lại bạo lực và xâm lược nhiều hơn. Người cộng sản Bắc Việt đã bí mật đưa vũ khí, đạn dược, cán bộ và quân đội vào miền Nam nhiều năm trời, để chiếm lấy quyền lực bằng khủng bố và bạo lực. Nếu như phương pháp này trở thành điển hình thì bất cứ sự xâm lược nào rồi đây cũng tự do tiến tới. Chúng tôi đã đưa ra lời hứa bảo vệ cho 40 nước trên Trái Đất này. Nam Việt Nam là một trong những nước đó. Đất nước này bị tấn công từ bên ngoài – tức là chúng tôi phải thực hiện lời hứa. Nếu như chúng tôi không làm điều đó – thì một lời hứa của Mỹ còn có nghĩa lý gì ở thế giới này?”

    “Chúng tôi tròng vào cổ sự việc này”, Frank Roberts nói, tháo giày ủng ra và đu đưa chân trần trong làn nước ấm của sông Cửa Việt. “Và có lẽ chúng tôi sẽ tròng nó vào cổ nhiều năm dài. Nhưng chúng tôi có thể làm khác đi không? Đây không phải là một cuộc nội chiến – đây rõ ràng là một cuộc xâm lược! Và tôi chỉ có thể hỏi những người cộng sản đang xuyên tạc mọi việc ở đây: Liên bang Xô viết sẽ làm gì nếu như bảy sư đoàn Tây Đức phát động một cuộc chiến ở giữa nước Đức? Họ sẽ ném người Tây Đức ra ngoài…”

    Có lẽ cuộc trao đổi về đêm này còn kéo dài nhiều giờ nữa, nếu như trong khoảnh khắc đó không xảy ra điều mà ở Việt Nam có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trong bất cứ giây phút nào – một viên đạn bay đến găm vào trong thân cây sát ngay trên đầu chúng tôi. “Một trong những tay thiện xạ”, Roberts làu bàu. “Bắn sát mặt nước tới mức viên đạn chạm xuống rồi bay loạn cả lên. Không thể là Việt Cộng được – bờ bên kia an toàn kia mà.”

    Nhưng đó là Việt Cộng. Vì chỉ vài giây sau đó là có phát súng kế tiếp. Không có tiếng đạn rít, không có tiếng réo – không có gì cả. Chỉ một tiếng “phập”, và vữa của bức tường cạnh bờ sông văng tung tóe quanh tai chúng tôi. “Cẩn thận!” Roberts hét to và kéo giật tôi xuống sàn xi măng. Một khẩu súng máy bắt đầu bắn ở bên phải chúng tôi.

    “Điều điên rồ của cuộc chiến này”, một đồng nghiệp nói sau lúc đó, “chính là việc chúng ta không biết ai là đối thủ và hắn ta ẩn nấp ở đâu. Trong số 15 triệu người ở đây có chưa tới 300.000 Việt Cộng. Nhưng họ giống như một con ma – họ ở khắp nơi và không ở nơi nào cả. Ở đây thì người nào cũng giống nhau – tất cả họ đều có nụ cười giống nhau và mặc quần áo giống nhau. Nhưng thống kê đã tính toán: Trong số 100 người Việt thì có hai người chắc chắn là Việt Cộng. Nhưng cho tới nay, trong tất cả những năm vừa rồi, thì chúng ta chỉ thất bại tại mỗi một điều: tìm ra ai là hai người đó trong số một trăm người…”

    “Hừm, anh đã có một bộ quân phục rồi”, hạ sĩ McLanny nói vào sáng ngày hôm sau trong trụ sở bộ chỉ huy sư đoàn. “Anh sẽ cần đến nó đấy. Trước đây, anh có biết không – nhà báo đến đây trong chiếc áo thể thao của họ. Họ vừa mới đi ra ngoài thì đã có tiếng súng bắn ‘peng’ – một tên Việt Cộng nào đó đã nhắm tới họ. Thì cũng đúng thôi: Chúng nhìn thấy mười người lính và bất chợt ngay ở giữa đó là một chàng trai thể thao. Tất nhiên là hắn nổi bật lên. Rồi có tiếng ‘peng’ – như đã nói, thế là chúng tôi phải tìm cách đưa anh chàng đó ra phía sau…”

    Bộ quân phục xuất phát từ COFAT. Đó là một trong những cửa hàng đó của Mỹ mà người ta có thể tự trang bị mình cho chiến tranh – nếu như có một giấy phép. Các nhà báo nhận được giấy phép này từ Commander Moorhead của Hải quân Hoa Kỳ. Theo giấy phép đó, người ta, “phù hợp với AR 700-8 400-1, phần 4, điều 26, và dựa trên công văn của MACJ 42-SU, được phép mua các vật dụng sau đây: hai chiếc áo dã chiến, hai chiếc quần lính, một đôi giày ủng đi trận, một chiếc nón dã chiến, bốn đôi tất có lớp lót.” Sự biến đổi từ nhà báo sang GI với tất mang lớp lót có giá là 28 dollar…”

    “Bộ quân phục thì được rồi đó”, McLanny nói, “còn nón sắt thì sao? Tất nhiên là người ta cũng có thể đi mà không có nó. Tùy theo anh muốn điều gì nhiều hơn: Không có nón sắt thì nghe tốt hơn, có nón thì an toàn hơn.”

    Nhưng an toàn có nghĩa là gì ở Việt Nam kia chứ? Người ta cũng cần phải ngủ với cái nón sắt à? Sáng sớm hôm nay trong lúc bình minh ở Huế thì sao? “Những tên Charlies đê tiện đó”, McLanny chửi rủa. “Đúng năm giờ là chúng thình lình nã súng cối vào chỗ chúng tôi ngủ. Tất nhiên là không ai đưa được cái mũi lên khỏi hố. Và thế là trong khi súng bắn che như thế, 20 tên Việt Cộng bơi qua sông bằng một cái bè – ngay giữa trong thành phố. Vài phút sau đó có một cái khách sạn nổ tung. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng có một vài người lính của chúng tôi trong số những người chết – mặc dù mấy anh chàng đó không được phép ngủ qua đêm trong khách sạn. Nếu như họ ít nhất là có một cái nón sắt thì chắc chắn là đã không bị những mảnh tường vụn ấy đập chết.”

    Thế là hạ sĩ McLanny rút ra kết luận: “Trong đất nước này thì ngủ với nón sắt tốt hơn là ngủ với gái…”

    Bây giờ còn thiếu cái được gọi là “cantine-belt” – cái thắt lưng với hai bi đông nước. “Anh sẽ cần chúng đấy”, người hạ sĩ cảnh báo. “Trong rừng rậm người ta quý từng giọt nước một – ngay cả khi nó hâm hẩm.” Và cả đại tá Derryberry – người mà chỉ cần nói “yes” thôi là người ta đã ở trong rừng rồi – cũng lưu ý. “Không có ‘belt’ thì không được đâu. Và ngoài ra thì anh nên mặc một cái flak jacket – một cái áo chống đạn. Chúng tôi sẽ đưa cho anh một cái flak jacket. Nó tuy nặng 9 kílô nhưng đã cứu mạng cho nhiều người rồi đấy.” “Tổn thất có cao không đại tá?” tôi hỏi. “So với địch thì không”, ông ấy trả lời và nhìn nhanh vào tài liệu. “Nhưng chúng tôi tham chiến càng nhiều thì tất nhiên là nó sẽ càng tồi tệ hơn. Nhưng có một điều lý thú là: Thống kê của chúng tôi đã cho thấy người cộng sản nói dối. Họ luôn khẳng định rằng sự leo thang của người Mỹ chính là nguyên nhân của cuộc chiến, cuộc chiến mà chỉ là một cuộc đấu tranh chống lại “những tên cướp biển Mỹ, những tên xâm lược và đế quốc” – theo như họ nói. Nhưng thật sự thì chính sự khủng bố của những người cộng sản mới đưa đất nước này đến bờ của sự hỗn loạn, đặc biệt tồi tệ chính là trong những năm mà chúng tôi hầu như không tham chiến ở đây.”

    Viên đại tá giở thống kê trải ra trên bàn. Thống kê tính theo năm như sau: Từ 1954 đến 1961, người Mỹ có hai người chết ở Việt Nam. “Trong bảy năm đó, chúng tôi không bao giờ có hơn 700 cố vấn trong nước”, Derryberry giải thích, “nhưng điều kỳ lạ là – dường như không có ai trên thế giới biết đến điều đấy. Vì chính trong những năm đó, những người cộng sản với sự trợ giúp của Hà Nội đã sử dụng bạo lực mà tình trạng ngày nay đã phát sinh từ đó: Họ giết chết chỉ riêng dân thường thôi là 13.700 người – phần lớn là các nhân vật lãnh đạo.”

    Trong những năm tiếp theo sau đó, tỷ lệ tổn thất của người Mỹ vẫn thấp: 1961: 11, 1962: 31, 1963: 78 và 1964: 147. Mãi cho đến khi các đơn vị chiến đấu được đưa sang – “vào thời điểm mà người cộng sản đã tuyên bố chiến thắng cuối cùng của họ rồi” – thì con số người Mỹ tử trận mới tăng vọt: 1965: 1369; 1966: 5008 và cho tới 1.7.1967: 4356. “Cuộc chiến này đã trở nên ác liệt cho tới đâu”, Đại tá Derryberry nói, “việc đó có thể nhận thấy ở so sánh, rằng trong năm 1967 chúng tôi đã có nhiều tổn thất hơn là trong các năm 1954 đến 1966 cộng lại.”

    Những tổn thất khác còn ghê gớm hơn: Cho tới giữa năm 1967, quân đội Nam Việt Nam có 64.000 người tử trận – Việt Cộng cũng như Quân độiNhân dân Bắc Việt Nam, quân đội mà đã đưa bảy sư đoàn thâm nhập Nam Việt Nam, có 242.000 người tử trận!

    “Người ta có thể kể thêm vào đó hàng chục ngàn người”, viên đại tá kết thúc đề tài, “vì phần lớn người chết của Việt Cộng được họ chôn ngay trong thời gian của trận đánh cho nên chúng tôi không ghi nhận được. Thống kê này đây” – ông gấp tờ giấy lại – “chỉ đưa ra con số tổn thất body-counted – tức là đếm từng xác chết một. Có bao nhiều người chết sau đó vì những vết thương của họ – ai có thể nói được?”

    Và ai có thể nói được cuộc chiến sẽ tiếp tục ra sao? Mặt trận ở Việt Nam đã trở nên cứng rắn cho tới mức ngay cả người chết cũng không còn là lời cảnh tỉnh nữa. “Hòa bình có nghĩa là gì?” đài phát thanh Hà Nội tuyên bố. “Những lời nói của Mỹ về nỗ lực tìm kiếm hòa bình chỉ là một bước đi tội phạm tiếp theo để che đậy việc leo thang chiến tranh. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài năm mươi năm.” Đối lại với những lời nói này là một câu nói duy nhất của Mỹ. Dean Rusk đã đưa ra nó vào ngày 6 tháng 7 năm 1967: “Khi những người đến từ miền Bắc trở về nhà của họ – thì rồi quân đội của chúng tôi cũng rút lui.”

    Có thể đơn giản như vậy đấy. Nhưng Hà Nội không màng đến lô-gíc lẫn người chết. Ở đó chỉ có một điều là quan trọng: Người ta không được phép bị mất mặt. “Yêu cầu hai người cãi nhau hãy thống nhất”, một thành ngữ của đất nước này nói như thế, “cũng vô vọng như hỏi mượn lược từ hai người hói đầu…”

    Thảm kịch trong thung lũng Tieu Duc

    Thật ra thì họ đang trên đường đi tìm gạo. Thay vì vậy, họ tìm thấy những người lính. “Này, Sam – tôi có cảm giác trong rừng không ổn. Thế nào rồi?” Thượng sĩ O’Neil của Trung đoàn 7 TQLC báo cáo qua máy liên lạc vô tuyến đa kênh của anh ấy. Vài giây sau đó, một tiếng rè rè phát ra từ cái hộp nhỏ “Okay, hiểu rồi. Các anh đang ở đâu?” O’Neil cầm lấy tấm bản đồ. “Chúng tôi hiện đang ở khu BT 1129, nhắc lại: BT 1129.”

    Vài phút sau đó, nhóm người lính nghe được tiếng động ù ù trên đầu họ. “Này Sam – anh đang ở ngay trên đầu chúng tôi đấy”, O’Neil thì thầm vào mi-crô. “Có nhìn thấy gì không?” Chiếc máy bay nhỏ chậm chạp lượn vòng. “Dường như có nhiều người đang đi lại ở dưới đó”, viên phi công cho hay. “Tôi phải bay đi đây, nếu không thì chúng sẽ bắt đầu lo ngại đấy. Còn các anh thì tốt hơn cũng nên gài số lui đi.”

    Thượng sĩ O’Neil tập hợp hai trung đội của anh lại. “Nghe này, cẩn thận lùi về phía sau. Ở trước đang có nhiều người đi lại. Ngưng cuộc đi tuần.” Trước khi những người lính cổ da rút lui, O’Neil còn cầm lấy chiếc máy liên lạc vô tuyến thêm một lần nữa. “Nghe đây, knocker – Đội đi tuần chạm địch. Forward air controler báo có nhiều quân địch. Chúng tôi rút lui.” Báo động được đưa ra tại bộ chỉ huy trung đoàn – lan qua bên không quân, pháo binh quân đoàn và máy bay trực thăng.

    Bắt đầu từ giờ phút đó, họ không còn có cơ hội nào nữa – hai trung đoàn Bắc Việt mà đang hành quân cẩn thận và hầu như không gây ra tiếng động nào qua thung lũng Tieu Duc cách Đà Nẵng 60 ki-lô-mét về phía tây nam.

    “Chiến dịch “Union II” bắt đầu…

    TQLC Mỹ trong Chiến dịch Union II

    “Trước đây hai năm thì khác”, Đại úy Jim Graham nói, người mà vào ngày hôm qua đã tìm thấy các xác chết của Việt Cộng cách đây tới 25 ki-lô-mét và bây giờ thì đang dẫn đội tiền quân. “Lúc đó, chúng tôi còn cần tới nhiều ngày để dẫn đủ quân đến. Có đúng không?”

    Tôi không có thời gian để đưa ra những lời nói dông dài. Cái áo giáp đáng ghét này, bị làm nặng thêm bởi những bình nước của cái “cantine-belt – tôi mừng là nói chung tôi vẫn còn thở được. “Đúng rồi”, tôi trả lời, “lúc đó hoàn toàn khác.” Và tôi thầm nhớ lại: Lúc đấy, cho tới khi họ báo động các trung đoàn, cho tới khi họ chuẩn bị xong xuôi – những việc ấy kéo dài tưởng chừng như vô tận. Rồi họ đè bẹp khu rừng với cỗ máy chiến tranh của họ – và hầu như lúc nào cũng tiến quân vào chỗ không người. Quân địch đã biến mất…

    “Với chiến thuật mới thì Việt Cộng và người Bắc Việt không có cơ hội”, Graham nói. “Chúng tôi đã trả giá nhưng chúng tôi cũng rút ra được những bài học cho chúng tôi.”

    Người Mỹ đúng là đã rút ra được nhiều bài học. Phương thức rất đơn giản: chiến thuật và kỹ thuật. Nhờ vào máy liên lạc vô tuyến đa kênh mà hàng trăm tiền đồn và đội thám thính bất cứ lúc nào cũng có thể liên lạc được với máy bay thám thính, trực thăng, máy bay ném bom và trọng pháo. 1800 chiếc máy bay trực thăng ở Việt Nam – nhiều hơn số trực thăng toàn bộ khối Đông Âu có – có thể ném toàn bộ nhiều trung đoàn vào những điểm nóng trong vòng vài giờ. Ngay cả súng cối, xe tăng, pháo và hàng tiếp liệu nặng nhất vẫn được máy bay chở vào trận đánh trong thời gian ngắn nhất. Đồng minh mạnh nhất và quan trọng nhất của du kích qua đó đã bị vượt qua – không còn có rừng rậm là rào cản nữa.

    Điều đó cũng có thể thấy được ở chiến dịch Union II: chỉ cần vài giờ – thế rồi nhiều trung đoàn của Quân đội Nhân dân Bắc Việt đã bị bao vây. Tính cơ động bằng máy bay đã chiến thắng họ, trước khi họ có thể bắn một phát súng…

    Đại úy Graham đã ở Việt Nam từ chín tháng nay. Anh đã dự nhiều trận đánh, được xem là “lính cũ”. Anh ta quá quen những chiếc bẫy mìn và biết rằng trái dừa có thể nổ tung và mỗi một lon đồ hộp bị vứt đi chắc chắn sẽ được cải biến thành một quả bom. Ai muốn chỉ huy một đại đội cổ da ở Việt Nam thì phải là một anh chàng cứng rắn và từng trải. Và Grahan, 32 tuổi, là một người như vậy.

    “Bây giờ thì anh lui xuống sau một chút”, anh ta noói. “Chúng ta đang hành quân dần vào ngay giữa quân địch. Trông giống như muốn tự sát – nhưng chỉ là trông giống như thế thôi. Khi họ cắn câu và tấn công chúng tôi thì coi như đã thua rồi. Vì họ không biết rằng chúng tôi đang đi dưới một vòm hỏa lực. Chúng tôi luôn có liên lạc vô tuyến. Phát súng đầu tiên – rồi thì quanh đây là địa ngục.”

    Vì rình rập ở phía sau “con chim mồi” này là cả một giàn hỏa lực đang xác định vị trí nhóm tiền quân nhỏ bé đó từng phút một: súng cối, súng pháo, pháo dã chiến, trực thăng chiến đấu, máy bay cường kích, máy bay phản lực.

    Đó là một cuộc tấn công ma quái – tiến sâu về phía trước một cách dường như là bất cẩn. Đó là sự chờ đợi phát súng đầu tiên…

    Có ba người đi đầu tiên hết thảy: một người Việt, hai lính Cổ da. Họ phải thu hút hỏa lực về phía mình. “Truong” – đó là tên của con người Việt Nam nhỏ bé đó, mảnh khảnh, trông giống như một cậu thiếu niên nhưng đã 32 tuổi. “Truong có mũi như một cái máy dò”, một lính Mỹ thì thào nói, “hắn ngửi được địch trước khi có ai đó nhận ra được hắn.”

    Anh Truong này, mà bây giờ mọi hy vọng đều dựa lên người anh ta, chợt đứng lại. Những cây đước ở phía trước che chắn cho anh ta. Nhóm của Graham –  40 mét ở sau ba con chim mồi – đã tìm chỗ để chiến đấu. Các khẩu tiểu liên M-16 tạo thành một vòng tròn 360 độ – người ta không biết kẻ địch ẩn nấp ở đâu. Trong khoảnh khắc này, anh chàng Truong nhỏ bé xuất hiện. “Bị bao vây rồi”, anh ta thì thào nói, “chúng mình đang ở giữa người Bắc Việt. Phát báo động đi.”

    “Chạm địch ở ba mặt”, đại úy Grahman báo nhỏ vào máy vô tuyến. Nhiều giây trôi qua. Grahma đã ấn một cái khăn tay lên máy vô tuyến để làm giảm âm thanh. Rồi câu trả lời đến từ phía sau. “Nằm yên. Trực thăng đang khởi hành. Mười hai phút nữa tiền quân trung đoàn sẽ liên lạc với anh. Rồi bắn pháo sáng màu xanh để báo hiệu khai hỏa, hỏa lực sẽ ở bắn ở hướng chín giờ và ba giờ. Khoảng cách an toàn là 500 mét.”

    “Rõ”, Graham nói. Nhóm lính chung quanh nằm bất động trong những bụi cây rừng. Bây giờ là thời điểm quyết định xem phỏng đoán ấy có đúng không. “Hàng trăm người là ít nhất”, Truong nói. “Còn có tất cả là bao nhiêu người đang nằm chờ phục kích thì không ai biết được…”

    Họ đã chờ lệnh báo động này từ nhiều giờ qua. Người này thì chơi bài, người kia ngồi trong những chiếc ghế bành của phòng trực. Hầu như không ai nói gì. Chỉ có một lần, một phi công nói: “Đám Thủy Quân Lục Chiến lên tiếng được rồi đấy, trước khi súng ống rỉ sét mất.” Nhưng không có ai cười, vì tất cả họ đều biết rằng lực lượng Thủy Quân Lục Chiến cách đó 60 ki-lô-mét đang đối đầu với nhiều khó khăn…

    “Có ai biết lực lượng Bắc Việt gồm bao nhiêu người không?” ai đó muốn biết và nhìn quanh. “Trinh sát báo cáo có hai trung đoàn”, một Chief Master Sergeant [trung sĩ trưởng] nói, người chịu trách nhiệm bảo trì những chiếc Skyraider. “Nhưng điều không tiền phương [Forward Air Controller – FAC] tin rằng còn có thêm một trung đoàn nằm ở một căn cứ phía sau nữa. Nếu nắm được cả trung đoàn này thì tạm thời thung lũng Tieu Duc sẽ yên ổn.”

    “Yên ổn với an toàn, chỉ toàn nói vớ vẩn”, một phi công làu bàu, “cho tới khi nào chúng ta không trụ lại trong những vùng này thì sẽ không có an toàn. Chiến thuật tạo áp lực tối đa trong thời gian tối đa lên quân địch là vô nghĩa. Tất cả phải có hệ thống nhiều hơn nữa: Đầu tiên là phải tìm cho ra 90 căn cứ chính ấy mà hàng chục ngàn người chúng nó đang ở đó. Đồng thời thì ở khắp nơi trên nước phải bắt đầu tấn công vào các lực lượng chính của Việt Cộng và Bắc Việt – và khi hạ tầng cơ sở cũng còn bị phá hủy nữa thì tôi thật muốn biết chúng nó sẽ định làm gì nữa? Nhưng cứ như thế này thì chúng ta phân tán lực lượng ra cho vào chiến dịch và hàng ngàn cuộc tuần tra. Nếu gặp may thì diệt được một trung đoàn và rồi lại trở về. Rồi xảy ra điều gì? Sau hai tháng chúng lại lần mò qua vùng đấy và mọi việc sẽ lại như cũ…”

    Không có ai phản đối. Họ đã ở trong đất nước này quá lâu để mà không tự biết rằng cuộc chiến này phức tạp hơn tất cả những cuộc chiến trước đó. Chiến thuật “Tìm và Diệt” tuy đã lấy đi sinh mạng của trên hai trăm ngàn du kích quân – nhưng không vì vậy mà họ ít đi hơn trước. Trong “Trung tâm Đỏ” ở Do Xa – cách Sài Gòn 500 ki-lô-mét về phía Bắc – tổng hành dinh đỏ trước sau vẫn hoạt động mà không hề bị quấy nhiễu. Và ở đồng bằng sông Cửu Long – nơi một phần ba người dân Nam Việt Nam sinh sống – có ba sư đoàn Nam Việt Nam, Sư đoàn 7, 9 và 21, đóng quân và vật lộn với Việt Cộng vẫn còn chiếm giữ nhiều vùng rộng lớn của đồng bằng này.

    Nhưng vấn đề là ở đây: Vùng đồng bằng sình lầy, bị hàng ngàn sông rạch chia cắt, giống như một miến bọt biển khổng lồ – nó có thể hấp thu vào nhiều quân lính hơn là người Mỹ, kể cả người Nam Việt Nam, có thể đưa ra.

    “Phải thay đổi chiến lược”, một đại úy nói. “Việc tồn tại song song giữa ARVINS (quân đội Nam Việt Nam) và chúng tôi phải chấm dứt. Cần phải có một bộ tổng chỉ huy chung. Chúng tôi phải tấn công – ARVINS phải “quét và giữ”. Chỉ như thế thì chúng ta mới có một cơ hội thật sự. Rồi như thế thì dưới tấm khiên che chắn của quân đội, người ta mới có thể phát triển những chương trình hòa bình mà cho tới nay đã thất bại vì thiếu an ninh…”

    Trong khi các phi công trong phòng trực còn đang thảo luận, tiền quân của Trung đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến đã bắt liên lạc được với toán quân đi đầu. “Đã nối được liên lạc”, câu nói vọng ra một cách khô khan từ cái loa trong bộ chỉ huy sư đoàn. “Pháo sáng xanh thì thế nào?” viên tướng muốn biết, nhưng không nhận được câu trả lời – tín hiệu của đại úy Graham vẫn vắng bóng cho tới lúc đó. “Thế thì tấn công!” viên tướng quyết định sau khi suy nghĩ trong vài khoảnh khắc. “Chú ý – Chiến dịch Union”, viên sĩ quan ở cạnh máy vô tuyến sư đoàn nhắc lại nhiều lần, “Chiến dịch Union – time zero, time zero!”

    Trong cùng giây đồng  hồ đó, cú đấm hỏa lực đã được chuẩn bị trước nhiều giờ qua cuối cùng cũng dập xuống: Pháo binh của quân đoàn, súng cối, pháo dã chiến – họ bắn từ tất cả những gì họ có. Từ sân bay ở Đà Nẵng, các phi công lao lên buồng lái những chiếc Skyraider gắn đầy bom của họ và cả một vài chiếc phản lực Intruder cũng lao đi trên đường băng bay vào chiến trận trên khu rừng rậm. Những chiếc trực thăng “gunships” – đã khởi hành trước đó 30 phút – cẩn thận tiếp cận thung lũng Tieu Duc từ hai phía, để sau khi pháo binh bắn xong thì sẽ tham gia vào cuộc chiến trên mặt đất với vũ khí được trang bị, 24 rốc-két ở cả hai bên và mỗi bên một khẩu 4mm.

    Nhưng họ không thể ngăn chận được tấn thảm kịch trong thung lũng Tieu Duc…

    “Chúng đang siết dần chúng ta lại, thưa đại úy”, Truong thì thào nói với Graham nằm cạnh anh, “nếu trung đoàn không xuất hiện ngay thì chính chúng ta phải tấn công.” Graham không ngần ngừ giây phút nào: “Tỏa ra!” anh ra lệnh cho người của anh. “Chúng ta tạo một vòng tròn phòng thủ. Bắn khi nhìn thấy địch quân đầu tiên.”

    Truong là người bắn phát súng đó. “Tôi nhìn thấy một cái nón ở bên phải tôi, cách khoảng 20 mét”, anh tường thuật lại sau này. “Tôi nhắm thấp hơn một chút rồi bóp cò.” Sau đó, một cơn mưa đạn từ hơn một trăm khẩu súng của người Bắc Việt ập lên nhóm lính nhỏ này – đúng khoảnh khắc khi tiền quân của Trung đoàn tiến đến.

    Những người lính Cổ da không còn có thời gian để tỏa ra – hỏa lực phục kích buộc họ phải tìm chỗ nấp.

    Trong giây phút ấy, viên đạn trúng vào đại úy Graham. Điều đó xảy ra như thế nào, sau này không ai có thể nói được. “Tôi chỉ nhìn thấy đại úy bất thình lình ngã xuống đằng trước”, một hạ sĩ quan nhớ lại. “Rõ ràng là đại úy muốn tìm chỗ nấp an toàn hơn trong một cái hào nhỏ. Viên đạn hẳn phải trúng vào người đại úy trong lúc đó. Đại úy lảo đảo, nhưng còn chạy được khoảng chừng mười mét trước khi ngã xuống. Thật đáng sợ.”

    Mãi sáu giờ đồng hồ sau đó họ mới lấy được xác của viên đại úy – cuộc tập kích của người Bắc Việt, khôn khéo nằm giữa làn hỏa lực và những người lính Thủy Quân Lục Chiến xung phong lên, dữ dội tới mức đó. Tổn thất cao: vào ban đêm của ngày chiến đấu đầu tiên có 55 lính Cổ da hy sinh, 164 người bị thương. Tổn thất của địch quân không biết được cho tới khi họ ngưng chiến đấu. Đó là ba ngày sau cuộc tập kích. Mãi tới lúc đó, người ta mới biết được toàn bộ quy mô của trận đánh: 694 người Bắc Việt đã nằm lại trong thung lũng Tieu Duc…

    “Tổn thất của chúng tôi – vào cuối Chiến dịch Union là 99 người hy sinh và 222 bị thương – đáng lẽ ra đã cao hơn nhiều”, một trung tá của Thủy Quân Lục Chiến giải thích, “nếu như không phát huy được Chương trình Kit Carson mới của chúng tôi. Các Kit Carsons đó đã làm được những việc thật đáng khâm phục…”

    Kit Carson của rừng xanh

    Không có người Mỹ nào mà không biết những huyền thoại của Kit Carson – chàng trai Miền Tây biết hết mọi thủ đoạn của người da đỏ và đã lập nhiều công lao vô giá cho người da trắng trong cuộc đấu tranh chống người da đỏ.

    Đó là những người lính Cổ da, những người đã nhớ tới Kit Carson khi ở Việt Nam. Chiến thuật phục kích của đối phương và sự thông thạo địa phương hết sức chắc chắn của họ, sự thành thạo kỹ thuật du kích, hiểu biết về cách đặt bẫy mìn – đó là những gì luôn tạo ra tổn thất cao cho những người lính Cổ da. Ưu thế vật liệu và hỏa lực giúp ích được gì khi mà lực lượng chiến đấu rơi vào những cái bẫy chiến thuật của du kích quân? “Cho tới chừng nào mà chúng tôi không phát hiện được đủ sớm phương pháp của quân địch – thì chúng tôi sẽ luôn bị phục kích”, trung tướng Walt, viên chỉ huy của 74.000 lính Cổ da trong Quân đoàn I. “Chúng tôi phải đánh họ bằng chính phương pháp của họ.”

    Điều đó có nghĩa là: người ta phải chiêu dụ được người từ hàng ngũ của đối phương, những người sẵn sàng mang kinh nghiệm của mình ra để phục vụ. “Chương trình Kit Carson” ra đời như thế đó, một chiến thuật thuần túy của lực lượng Cổ da – gây tranh cãi, nhưng đạt nhiều thành công.

    Tròn 150 Kit Carson hiện giờ đang chiến đấu trong hàng ngũ của Thủy Quân Lục Chiến. Anh Truong 32 tuổi là một người trong số họ…

    Lính Thủy quân lục chiến Mỹ được một Kit Carson Việt Nam dẫn đầu trong Chiến dịch Oklahoma Hills, khoảng ngày 31 tháng 3 năm 1969.

    “Quê tôi là làng Xin Hoa”, Truong nói trong âm điệu như hát của người Việt. “Tôi có một mảnh đất nhỏ ở đó, nhờ nó mà tôi vừa đủ sống. Vào một ngày nào đó, chính phủ kêu gọi người Việt trẻ tuổi hãy tự nguyện tham gia một chương trình bình định nông thôn. Những người đi chiêu dụ cũng vào làng chúng tôi. “Truong”, họ nói, “anh yêu làng của anh, đất đai của anh, quê hương của anh. Nếu như anh muốn bảo tồn chúng thì anh phải làm điều gì đó cho chúng. Mọi người Việt đều phải hy sinh một ít trong những năm này. Thế nào – có gia nhập hay không?” Tôi không có sự chọn lựa lớn nào cả – thế là tôi đi với họ. Tôi được huấn luyện sáu tuần liền.”

    “Trong một trại lính, giống như huấn luyện quân sự à?”

    “Trại lính ư?” Truong mỉm cười. “Đó là một vài ngôi nhà xập xệ trống trải có kẽm gai bao quanh. Những người huấn luyện chúng tôi đến từ mọi tấng lớp nghề nghiệp. Người ta giải thích cho chúng tôi cách sử dụng một khẩu súng, nhắm bắn như thế nào. Nhưng người ta không cho chúng tôi đạn thật – trong khóa huấn luyện trước có đã có vài người ngắm bắn tệ cho tới mức họ đã bắn trúng nhiều người huấn luyện. Quan trọng nhất là một khóa đào tạo cấp tốc về cứu thương, xây cầu và về tưới tiêu – tất cả những gì quan trọng cho một cuộc sống mới trong làng. Vâng, thế rồi chúng tôi bắt đầu hoạt động.”

    Nhóm của Truong vào một ngôi làng gần An Hòa trong vùng Đà Nẵng. Vài ngày trước đó, ngôi làng vừa mới được giành lại từ Việt Cộng – bây giờ là phải thực hiện chính sách xây dựng của chính phủ. “Chúng tôi đã có nhiều thành công tốt đẹp”, Truong nhớ lại. “Chúng tôi đã xây một trường học, một hệ thống thủy lợi – và trước hết là một hệ thống phòng thủ mang lại an toàn cho ngôi làng cả về ban đêm. Nếu như Việt Cộng muốn vào thêm lần nữa…”

    Tất nhiên là họ cố vào thêm một lần nữa. Trong một đêm không trăng, họ lén bò qua hàng dây kẽm gai. Nhưng hàng rào kẽm gai đã được gắn với những cái bẫy tạo tiếng động: Trước khi Việt Cộng qua được hàng rào cản đầu tiên, họ đã được chào đón bằng hỏa lực dữ dội của súng cá nhân. “Họ vướng trong hàng rào kẽm gai như những tấm bia bất lực”, Truong nói. “Người ta không thể bắn trật được. Chính tôi đã giết ba người trong số họ.”

    Truong được chính phủ khen thưởng vì việc đó và được phép trở về Xin Hoa với vợ con trước thời hạn…  

    “Xin Hoa là một làng không đỏ cũng không trắng”. Truong nói. “Chúng tôi không có Việt Cộng và họ cũng hiếm khi xuất hiện, Quân đội chính phủ cũng vậy.”

    Nhưng chỉ bốn ngày sau khi Truong trở về, Việt Cộng thâm nhập vào Xin Hoa sau nửa đêm. Đầu tiên, họ yên cầu gạo. Rồi người chỉ huy của họ hỏi: “Truong Kinh đâu?” Những người nông dân sợ hãi đã dẫn họ đến nhà của Truong. “Mày đã làm việc xuất sắc đấy”, người đàn ông trong bộ quần áo bà ba đen nói, cố ý nhỏ giọng. Rồi hắn ta móc khẩu súng ngắn ra khỏi bao và ra lệnh: “Đi trước đi, đi ra ngoài.”

    Họ dẫn anh đi qua làng, qua những cánh đồng, đi vào rừng. Ở đây có những Việt Cộng khác đang chờ. Họ cùng nhau đi bộ hai giờ đồng hồ. Không một ai nói từ nào với Truong. Mãi trong một ấp nhỏ – một ấp nông dân –  người ta mới dừng lại. “Đấy”, người chỉ huy Việt Cộng nói với Truong, “bây giờ thì mày nhìn kỹ cây cọc này đi.” Với khẩu súng ngắn, hắn đẩy Truong đang hoảng sợ đi ra phía sau một ngôi nhà. “Người đàn ông mà mày nhìn thấy ở kia”, người Việt Cộng nói, “đã có tên là Tran Van Dung. Nó cũng giống như mày – chiến đấu cho chính phủ và bắn chết vài người của chúng tao. Nhưng chúng tao đã giết được nó. Còn về phần của mày: bây giờ chúng tao cũng bắt được mày. Nhưng chúng tao cho mày một cơ hội: hoặc là ngay từ bây giờ mày chiến đấu trong hàng ngũ của chúng tao – hay là…” Trong lúc đó hắn dùng cây súng ngắn chỉ đến cái cọc. Cắm ở trên đầu cọc là cái đầu đã bị chặt ra của người đàn ông đã từng có tên là Tran Van Dung.

    “Nếu anh là tôi thì anh sẽ làm gì?” Truong hỏi, nhưng anh ấy không chờ câu trả lời.

    “Họ tịch thu thẻ căn cước của tôi – và qua đó tôi đã trở thành một tên Việt Cộng.

    Vì bất cứ ai không có thẻ căn cước ở Việt Nam đều bị xem như là Việt Cộng. Ít nhất thì bị nghi ngờ…

    Hai tháng trời, Việt Cộng huấn luyện anh về chiến tranh du kích trong một trại ở trong rừng rậm. Rồi Truong thành thạo kỹ thuật gài mìn, các dấu hiệu bí mật và nghệ thuật sống hàng tuần ở dưới mặt đất. Anh là một Việt Cộng toàn hảo. Toàn hảo cho tới mức sau nửa năm anh đã được thăng chức trưởng nhóm. Qua đó, anh chỉ huy 12 du kích quân tự tiến hành “chiến tranh nhỏ” – kiểm soát làng mạc, thu lương thực, tập kích những đơn vị nhỏ của quân đội chính phủ cũng như thu thuế đường lộ.

    “Chúng tôi cứ đơn giản ngăn một vài tỉnh lộ vắng và thu tiền”, Truong nhớ lại. “Chúng tôi lấy 700 đồng cho một chiếc xe chở củi, 10.000 đồng cho một chiếc xe chở gỗ xây dựng. (Thu nhập trung bình của một người Việt ở Sài Gòn hàng tháng là từ 3500 đến 5000 đồng.) Tiền phí cho một chiếc xe buýt là 2500 đồng – ngoài ra mỗi người thêm 10 đồng. Thỉnh thoảng, có những ngày chúng tôi thu được 50.000 đồng. Ai không chịu trả tiền sẽ bị bắn chết. Nhưng điều đó hầu như không bao giờ xảy ra…”

    Vấn đề chỉ xuất hiện khi họ hết đạn. “Lấy đạn từ quân đội chính phủ”, đó là chỉ thị từ sở chỉ huy. Truong và người của anh tuân lệnh. Họ thành công được hai lần, nhưng đến lần thứ ba thì họ rơi vào bẫy – nhóm này bị tiêu diệt. Chỉ còn Truong sống sót.

    “Lính của chính phủ vung dao trước mặt tôi”, Truong nói. “Nhưng rồi có một viên đại úy tới, lúc đó họ tha cho tôi. Người ta mang tôi vào trong một trại thẩm vấn. Từ đó sang một trại khác mà ở đó đã có hàng trăm Việt Cộng rồi. Một ngày nào đó, họ mang vợ tôi đến. Vợ tôi khóc khi nhìn thấy tôi. Và rồi vợ tôi nói rằng đứa con trai út của chúng tôi đã chết – bị một nhóm Việt Cộng giết chết. ‘Họ muốn có gạo’, vợ tôi kể, ‘nhưng mình còn không có đủ cho mình nữa. Thế là họ bắt Nguyen đi cùng. Sáng hôm sau, người ta phát hiện con mình nằm chết ở rìa làng.’ Trong khoảnh khắc đó, tôi quyết định phải trả thù…”

    Truong trải qua một trại cải tạo. Một ngày nào đó, người của Thủy Quân Lục Chiến đến. “Anh có phải là Truong Kinh không?” họ hỏi. “Đúng vậy”, con người 32 tuổi trả lời. “Chúng tôi biết câu chuyện của anh”, người của Thủy Quân Lục Chiến nói. “Chúng tôi tìm những người như anh.” Và rồi họ giải thích cho anh chương trình Kit Carson. “Anh không buộc phải tham gia nếu anh không muốn”, những người lính Cổ da nói – nhưng Truong muốn.

    Anh trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt ở Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến. Sau đó, Truong lại ra chiến trường. Lần này thì với lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.  “Anh ấy là một trong số những người tốt nhất của chúng tôi”, như viên chỉ huy Trung đoàn nói. “Lần ra trận đầu tiên, anh ta đã phát hiện ra những dấu vết bí mật của Việt Cộng trong một ngôi làng. Chúng tôi đi theo dấu vết đó và phát hiện ra 16 du kích quân cũng nhưng một kho gạo chứa 5 tấn gạo. Và trong chiến dịch Union thì Truong là một trong những người gan dạ nhất trong số hàng ngàn người – riêng anh đã diệt được 53 quân địch. Nếu không có sự dũng cảm của anh ấy và không có tài phát hiện của anh ấy thì tổn thất của chúng tôi chắc chắn đã cao hơn rất nhiều.”

    “Anh không sợ”, tôi hỏi Truong, “Việt Cộng bắt được anh vào một ngày nào đó sao?”

    “Có chứ”, Anh ấy trả lời, “tôi sợ chứ. Nhưng không có con đường nào khác cho tôi. Dẫu tôi có làm gì đi nữa – khi họ bắt được tôi thì họ sẽ chặt đầu tôi…”

    Câu hỏi không lời đáp: Làm sao thắng được cuộc chiến này?

    “Kit Carson” chỉ là một trong những chương trình quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý và xã hội đó, cùng với nhau, hỗ trợ cho nhau và bên cạnh nhau, những chương trình mà với chúng, người Mỹ cố gắng – như Tổng thống Johnson có lần diễn đạt – chấm dứt “tình trạng tiến thoái lưỡng nan đẫm máu ở Việt Nam”. Một nhóm chuyên gia ở bên kia Thái Bình Dương suy nghĩ điên đầu để tìm kiếm một con đường an toàn, nhanh chóng và danh dự cho tất cả các bên – và hàng trăm ngàn bộ não úng thủy trong chính phủ Mỹ, trong các trung tâm ở hậu phương và hậu cầu ở Việt Nam bận bịu làm việc với một sự hăng hái giống như của các nhà truyền đạo cho cái mục đích gần này, cái nằm ở thật xa.

    Vì Việt Nam không phải là Mỹ. Những ý tưởng thành công của một xã hội máy tính phát triển cao chắc chắn phải thất bại ở một đất nước mà người dân của nó từ hàng chục năm nay bị chia xé, bị hành hạ, bị đe dọa và bị rạn nứt về đạo đức, những người hoàn toàn không đáp ứng được những yêu cầu để thực hiện thậm chí là các chương trình “ngu ngốc đến đâu cũng làm được”. Ở Việt Nam, điều ấy được xác nhận thêm một lần nữa, điều mà những người hiểu biết châu Á đã biết được từ lâu rồi: Những ý tưởng tốt đẹp nhất của Phương Tây không thể thành công ở Viễn Đông.

    Một đoàn xe tiếp tế ở Pleiku

    Bởi vì vậy mà đầu tiên và trực tiếp thì chỉ có một bên hưởng lợi từ cái chương trình khổng lồ đó của các biện pháp giúp đỡ: kẻ địch. Qua nhiều kênh đen tối của cái đất nước bị bỏ bùa mê này, hắn ta là kẻ cùng dự phần trong bóng tối ở tại hầu hết mọi đầu tư của Mỹ. Qua tống tiền, trộm cướp, tham nhũng và mua bán chợ đen, Việt Cộng lấy từ người Mỹ những gì họ cần, từ tiền mặt cho tới đồ hộp, để ít nhất là có thể sống lây lất qua ngày. Đường mòn Hồ Chí Minh – quân lính và vũ khí thâm nhập vào miền Nam trên con đường này – khó có thể bị ngăn chận như thế nào nào thì những kênh bí mật đó cũng khó có thể bị chận lại như thế đó.

    Đó là một cái vòng luẩn quẩn: Tăng cường về vật chất cho miền Nam đồng thời cũng là một sự tăng cường cho Việt Cộng. Họ có thể tự cho phép mình – mặc dù về mặt quân sự hoàn toàn không có một cơ hội nào – nói rằng: “Thời gian làm việc cho chúng tôi.”

    Vì ở Việt Nam, những cú muỗi đốt của du kích quân là đủ để gây sự bất an. Việt Cộng biết điều đó – và đó là chiến thuật của họ. Ý nghĩ về cuộc cách mạng – bùng cháy từ “sự căm phẫn của nhân dân” – trước sau thì cũng đã bị mang đi chôn rồi. Và thậm chí đến Hà Nội cũng không dám mơ tới một chiến thắng ở một trận chiến trực diện. Câu khẩu hiệu bây giờ là phải sống còn.

    Việt Cộng vẫn là những người đi chân đất chống lại cỗ máy của một cường quốc thế giới…

    Để có thể hiểu được những vấn đề mà ngay cà một cường quốc thế giới cũng phải đối mặt với chúng trong một cuộc chiến tranh như vậy, người ta phải bắt đầu từ ở tuyến sau. Ở đây, con số gây mê hoặc đó phải được chuyển hóa thành hành động, cái con số mà thế giới bị nó mê hoặc: “Người Mỹ tốn mỗi ngày 60 triệu dollar cho cuộc chiến ở Việt Nam.”

    “Tổng số đó chỉ là một con số khô khan”,  thiếu tướng C. W. Eifler, chỉ huy “1st Logistical Command” – tổ chức hậu cầu khổng lồ của người Mỹ ở Việt Nam, nói. “Đứng ở phía sau đó là một cỗ máy cung cấp mà chúng tôi chưa từng biết tới trong lịch sử của chúng tôi. Ở chín cảng, hằng tháng chúng tôi dở 500.000 tấn hàng tiếp tế quân đội và phân phối chúng đi cho tới mảnh đất xa xôi nhất của đất nước này. Mỗi một ngày, sáu chiếc tàu biển rời Hoa Kỳ và bắt đầu cuộc hành trình ba tuần đến Việt Nam. Cứ mỗi phút người ta bốc hàng xuống ít nhất là từ 48 chiếc tàu ở Việt Nam. Phi đoàn vận tải của không quân cũng như 400 chiếc tàu ven biển tiếp nhận việc chuyển tiếp. Thêm vào đó, chúng tôi sử dụng 4000 chiếc xe tải của Lục Quân. Chỉ riêng chúng hằng tháng đã chạy trên 10 triệu ki-lô-mét  – và đó là trong một đất nước hầu như không có một mạng lưới đường sá.”

    Bộ Chỉ huy Tiếp vận Mỹ – với những căn cứ chính ở Sài Gòn, Cam Ranh và Qui Nhơn – đến Việt Nam trong tháng 4 năm 1965. Vào thời điểm đó, có 35 sĩ quan và người lính thuộc Bộ Chỉ huy – ngày nay là 58.000 người! “Người lính thì chiến đấu, chúng tôi thì giữ cho anh ấy khỏe”, viên tướng nói, “từ chúng tôi, anh ấy nhận đủ ‘beans, bullets and black oil, to do his job’ [đậu, đạn và dầu đen, để làm công việc của anh ấy]. Và người lính chiến đấu chưa từng bao giờ được ăn ngon như thế trong một cuộc chiến như ở Việt Nam.”

    “Chiến dịch Attlebor” – 90 ki-lô-mét Tây Bắc Sài Gòn – cho thấy việc đó hoạt động trong trường hợp khẩn cấp như thế nào. “Chúng tôi cần khẩn cấp nhiên liệu cho xe tăng của chúng tôi, đạn dược và vũ khí hạng nặng”, tiếng kêu cứu qua vô tuyến của nhóm quân chiến đấu, “bất ngờ đụng độ với quân địch mạnh.” Sau đó, những chiếc máy bay vận tải Hercules của Không Quân cất cánh từ nhiều phi trường. Trong vòng hai giờ, họ chở 60.000 lít nhiên liệu cũng như 1000 tấn đạn dược và vũ khí vào trong khu rừng rậm Tây Bắc Sài Gòn!

    “Từ nước uống qua lựu đạn cho tới tiểu thuyết trinh thám – chúng tôi chịu trách nhiệm cung cấp đúng thời hạn cho mọi thứ ở Việt Nam”, thiếu tướng Eifler nói. “Chiến tranh trong một đất nước nhiệt đới đã đưa ra một tiêu chuẩn hoàn toàn mới cho tiếp vận.” Ngoài những thứ khác, Bộ Chỉ huy cung cấp hằng tháng cho “lực lượng vũ trang của thế giới tự do”:

    250 triệu lít nhiên liệu – một lượng đủ để cho 30 chiếc xe ô tô Mỹ chạy 4000 năm, mỗi năm 20.000 ki-lô-mét;

    45.000 tấn đạn dược, từ cỡ nhỏ nhất cho tới bom 1000 kg;

    15 triệu khẩu phần ăn cũng như 2,5 triệu bánh mì được làm từ 12 cơ sở làm bánh mì dã chiến;

    190.000 quyển sách, 182.000 tạp chí và tròn 8 triệu tờ báo.

    Bên cạnh phục vụ về y tế (Khẩu hiệu: “Bất cứ người bị thương nào cũng nằm trong tay của một chuyên viên trong vòng 25 phút”), “1st Logistical Command” còn lo tìm đất đai, xây nhà cũng như quản lý các dự án. Chỉ riêng cho tiền mướn nhà là đã phải chi 25 triệu dollar.  Để cho người lính đang chiến đấu không bị thiếu thốn vũ khí và trang bị, một “Hệ thống Bóng Đỏ” được thiết lập: Hằng ngày, phụ tùng thay thế được máy bay chở thẳng về Mỹ và được sửa chữa hay thay thế trong vòng một tuần. Ngay cả những việc vụn vặt cũng không bị quên lãng: 36 “cơ sở giặt dã chiến” giặt và làm sạch mỗi tháng năm triệu cân Anh quân phục của các lực lượng chiến đấu, và 60 phòng tắm di động mang lại cho sự thoải mái cực độ cho những người lính Mỹ chiến đấu trong rừng rậm: mỗi tháng một triệu lần tắm bồn!

    “Thêm vào đó, chúng tôi chuyên chở bằng máy bay hằng ngày 35 tấn trái cây và rau tươi từ vùng cao ở Đà Lạt đi khắp nơi trên nước Việt Nam”, thiếu tướng Eifler kết thúc đề tài. “Những người lính của chúng tôi được cung cấp phần ăn tốt nhất có thể có mà một người lính trên thế giới từng có được. Chỉ riêng điều kiện khí hậu là đã buộc chúng tôi phải cung cấp cho trên 90 phần trăm lực lượng chiến đấu với “khẩu phần hạng A”: mỗi ngày gà rán hoặc thịt rán, khoai tây được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau, nước xốt, rau cải, xa lát tươi, trái cây và kem ăn. Không người lính Mỹ nào ở Việt Nam mà không được chúng tôi bảo đảm có ít nhất là một bữa ăn nóng trong ngày – và ngay cả khi anh ta đang ở trên chiến tuyến ngoài cùng.”

    Tiếp tế được tổ chức trong quy mô lớn cho tới mức con người một mình không còn có thể làm hết được. Trong Bộ Chỉ huy Hậu cần ở Sài Gòn có một trung tâm máy tính điện tử, cái đã nhận lấy nhiệm vụ này. Cho tới ngày nay, trong máy tính ở đây có 238.000 loại hàng tiếp tế khác nhau được ghi nhận. Chỉ cần ấn nút, và thế là hàng tiếp vận sẽ lăn đi…

    Sự khác nhau giữa siêu tổ chức của một cường quốc thế giới và những người lính đi bộ luôn phải ứng phó của quân đội du kích chính là nguyên nhân cho sự thảm bại về đạo đức của nước Mỹ ở Việt Nam: Thế giới e ngại theo dõi “sự phô trương quyền lực áp đảo” ở một bên cũng như rùng mình ngưỡng mộ “sự đối kháng đáng khâm phục của Việt Cộng bị săn lùng” ở phía bên kia. Cảm xúc đó cuối cùng đã phủ một tấm màn của xuyên tạc chính trị và nhầm lẫn lên Việt Nam: Không phải Hà Nội và Việt Cộng – những người cho tới ngày nay đã giết chết trên 100.000 thường dân Việt Nam – bị đóng dấu là kẻ xấu, mà lại là Mỹ. Cái cảm giác sâu sắc của thiện cảm giành cho người yếu thế hơn đã bao phủ lên trên mọi số liệu và hiện thực và lại gia tăng sức mạnh cho chính bên luôn luôn khước từ tìm kiếm hòa bình ở tại bàn tròn – Việt Cộng và những người đứng sau lưng họ. Cuộc chiến, nguyên do của nó và tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nó đã trượt ra khỏi mọi sự đánh giá khách quan…

    Ngay chính khách và giới quân sự Mỹ cũng không thống nhất với nhau lâu nay trong câu hỏi cốt lõi: Làm sao để thắng cuộc chiến này. “Nhiều quân lính hơn, và chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này trên phương diện quân sự”, tướng Westmoreland. “Không thể thắng cuộc chiến này về mặt quân sự được – mà phải chiến thắng nó ở phía sau tiền tuyến”, đó là ý kiến của Đại sứ Bunker. “Chỉ những chương trình dân sự của chúng ta mới có thể mang lại quyết định.” Và một đại tá trong Bộ Tổng Chỉ huy của Mỹ ở Sài Gòn, với một tờ giấy nằm dưới tấm lót bàn viết của ông ấy, đã đưa ra một biểu hiện cho sự chán chường thất vọng của không ít người Mỹ: “Nếu bày được mưu mẹo cho tôi, để tôi có thể lừa trả cái đất nước khốn nạn này về lại cho người Pháp – tôi sẽ trả cho anh 100 dollar.”

    “Người Mỹ đã quan tâm quá ít đến vấn đề Việt Nam trong một thời gian quá dài”, Lam Chau nói, một thương gia người Hoa khá giả ở trong khu Chợ Lớn thuộc Sài Gòn. “Họ mang đến đây tiền và lối sống Mỹ – nhưng Việt Nam không cần cả hai thứ đó. Con người ở đây tìm kiếm sự an toàn, trật tự và hòa bình – nhiều hòa bình. Và một cuộc sống Việt mới. Nhưng điều đó phải thức tỉnh dậy từ trong nước – không phải từ trên các bàn làm việc của Mỹ. Bởi vậy mà sức mạnh của Việt Cộng đã tăng lên với những sai lầm của người da trắng. Hoàn toàn không phản đối ý định tốt của người Mỹ – nhưng cuộc chiến thật ra chỉ kéo dài cuộc chiến mà thôi…”

    Kho hàng và container lạnh ở Sài Gòn của quân đội Mỹ

    “Tôi không biết điều gì tệ hại hơn – cuộc chiến hay Việt Cộng”, Tuan Nguyen nói, người làm thông dịch viên cho hội từ thiện Đức Malteser. “Nhưng tôi không thích cả hai, vì đối với tôi, bạo lực không phải là lý lẽ.”

    Tuan 25 tuổi, nói tiếng Đức và tiếng Anh trôi chảy và thật ra là một nhà vật lý học. Nhưng người đàn ông trẻ tuổi với gương mặt thẹo này cảm thấy chương trình trợ giúp của người Đức “là một nổ lực và sự trợ giúp thật sự cho Việt Nam – vì nó có ích cho tất cả mọi người.” Vì vậy mà anh đã rời phòng thí nghiệm của mình và tình nguyện trình diện khi người của Hội Malteser tìm một thông dịch viên.

    “Thỉnh thoảng tôi nghĩ rằng tốt hơn là người Mỹ nên bỏ rơi chúng tôi – dù ý định của họ có tốt cho tới đâu. Vì vấn đề này cuối cùng thì chỉ có thể được giải quyết bởi người Việt. Miền Bắc và miền Nam phải cùng nhau ngồi vào một bàn – không có Trung Quốc và không có Mỹ ở phía sau. Chiến tranh không thể mang lại sự quyết định. Nó chỉ có thể nhân lên sự chết chóc lớn ở Việt Nam. Và đối với tôi như là một người Việt thì ai chết cũng không khác nhau – tất cả họ đều là đồng bào…”

    Tuan không chống người Mỹ. “Tôi chỉ chống lại những sai lầm của họ thôi”, anh nói. “Ví dụ như bao nhiêu chương trình mới được dựng lên đó. Chúng có những cái tên nghe rất hay ho và đứng ở sau chúng là đồng dollar – nhưng ai phải thực hiện những chương trình đó kia chứ? Biết bao nhiêu người nông dân ở đây không biết đọc và không biết viết! Ngay từ đầu là họ đã rơi ra khỏi mọi chương trình đó rồi. Và phần lớn những người này còn không biết chủ nghĩa cộng sản hay công bằng xã hội là gì nữa. Đối với họ, thế giới là một mảnh ruộng mà họ muốn cảy bừa trên đó để có thể sinh sống. Còn những gì khác xảy ra nữa thì họ không quan tâm đến.”

    Tuan là một trong số những người Việt Nam mà cảm xúc của họ tựa như một con lắc – nửa ở miền Bắc, nửa ở miền Nam. “Ông phải hiểu rằng”, anh ấy nói, “anh của tôi tham gia Quân đội Nhân dân của Bắc Việt Nam. Anh ấy là thiếu tá Không quân và lái một chiếc MiG 19. Anh ấy hầu như bay không nghỉ để bắn hạ những chiếc máy bay bỏ bom của Mỹ trên Bắc Việt Nam. Trên thực tế, ở bất cứ chuyến bay nào, anh ấy cũng nhắm bắn vào những người bảo vệ tôi – và những người bảo vệ tôi lại bắn vào anh tôi. Thật gần như tâm thần phân liệt vậy…”

    Thỉnh thoảng, Tuan nhận được thư của người anh, qua những con đường vòng vo và chậm hàng tuần. “Em Tuan của anh”, trong lá thư cuối cùng có viết, “em ở miền Nam và anh ở miền Bắc. Nhưng cả hai chúng ta đều chiến đấu cho một Việt Nam duy nhất. Nhưng ai đang đứng ở bên sai. Ai hả Tuan?”

    “Chiến tranh đứng ở bên sai”, người thông dịch viên 25 tuổi nói. “Cuộc chiến mà không thể giải quyết được những gì chỉ để cho hòa bình giải quyết…”

    “Mọi vấn đề đều dựa trên cuộc chiến hiện nay”, Trần Văn Hương giải thích, cựu đô trưởng Sài Gòn, sau Diệm là thủ tướng của đất nước này trong ba tháng và từ ít lâu nay là ứng cử viên dân sự hàng đầu cho chức vụ tổng thống nước Việt Nam. “Đó là một cuộc chiến mà phải được chấm dứt – và phải được chấm dứt qua thương lượng. Nhưng lần này thì không đạt được hòa bình từ thương lượng giữa Bắc Việt Nam và Mỹ – như 1954 giữa Việt Minh và người Pháp – lần này thì chỉ có thể có hòa bình trực tiếp giữa Bắc và Nam Việt Nam. Hai bên phải bỏ súng xuống trong danh dự, để dân tộc có thể sống được trong tự do và thịnh vượng. Có thể năm hay mười năm nữa thì rồi hai bên sẽ cùng nhau quyết định về câu hỏi thống nhất.”

    Người dân Nam Việt Nam nghĩ gì về đề tài này, điều đó thì người ta biết: trong chương trình thăm dò ý kiến lớn nhất từng được tiến hành ở Việt Nam, dựa trên cơ sở của cuộc khảo sát mang tính đại diện trong mùa Xuân 1967, người ta đã nhận được một câu trả lời gây ngạc nhiên trong nhiều điểm…

    Còn tiếp Phần 2 và 3.

    https://www.tvvn.org/dia-nguc-xanh-viet-nam-helmut-p-muller/

    Không có nhận xét nào