Header Ads

  • Breaking News

    Helmut P Müller - Địa Ngục Xanh Việt Nam . Phần 2

    (Gồm 3 phần)

    Người Việt nghĩ gì

    Ý tưởng này xuất phát – từ người Mỹ. Giữa năm 1966, Robert Chandler, trong một cuộc họp thường kỳ của công ty truyền thông và truyền hình Mỹ CBS, đề nghị: “Chúng ta nên tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến độc lập ở Việt Nam để có được một cái nhìn bao quát về việc người Việt thật sự nghĩ gì về cuộc chiến này.”

    Đề nghị của Chandler được tán thành ngay lập tức. Chỉ còn câu hỏi: Nói chung là người ta có thể tiến hành được một cuộc thăm dò mang tính tượng trưng như vậy hay không trong một đất nước còn yếu kém về giáo dục đào tạo như Việt Nam, thêm vào đó còn phải chịu đựng những rối loạn của một cuộc chiến nữa?

    Đầu tiên, CBS quay sang nhờ “Opinion Research Corporation of Princeton” ở New Jersey. Các chuyên gia của công ty này và của Đại học Columbia sang Việt Nam làm việc cùng với các đại diện của “Center for Vietnam Studies”, trung tâm mà đã hoạt động trên lãnh vực nghiên cứu ý kiến từ 1958. Kết quả: “Từ những lý do về an ninh, một cuộc thăm dò ý kiến trong những vùng do Việt Cộng kiểm soát là không thể. Ngược lại, trong những vùng do chính phủ kiểm soát thì không có khó khăn gì.” Qua đó, người ta có thể hỏi ý kiến đại diện cho hơn 9 triệu trong số 14 triệu rưỡi người Nam Việt Nam.

    Tranh cử ở Sài Gòn trong lần bầu tổng thống và Quốc Hội năm 1967.

    Theo những kinh nghiệm từ điều tra dân số và những cuộc thăm dò ý kiến tương tự trong các nước khác, người ta chọn 1500 người Việt có nguồn gốc, nghề nghiệp, học thức khác nhau cũng như từ mọi lứa tuổi và tình trạng gia đình – từ điểm cực bắc của đất nước cho tới đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc thăm dò ý kiến bao gồm năm thành phố lớn nhất của đất nước (Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và Đà Lạt) cũng như 55 làng mạc và thôn ấp trong 11 tỉnh. Dưới chủ đề: “Người dân Việt Nam nghĩ gì về cuộc chiến”, người ta đưa ra 52 câu hỏi cho người dân trên khắp miền của đất nước này. Các nhà thăm dò ý kiến đã đi hai tháng trời – một phần trong đó gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Đến mùa Xuân 1967, người ta có kết quả của 1413 người được hỏi ý kiến. 304 người trong số họ không được đi học, 618 người đi học từ một đến năm năm và 491 người đi học hơn sáu năm.

    “Đây là cuộc thăm dò ý kiến độc lập đầu tiên ở người Nam Việt Nam về quan điểm của họ đối với cuộc chiến”, Charles Collingwood của CBS nói. “Qua đó, lần đầu tiên chúng ta có được một cái nhìn mang tính hiện thực vào trong con tim và suy nghĩ của người dân Nam Việt Nam. Nếu như muốn đúc kết trước kết quả thì người ta được phép nói rằng: Trên nhiều phương diện, quan điểm của nhân dân Việt Nam về cuộc chiến này tương tự như quan điểm của thế giới còn lại – họ muốn chiến tranh kết thúc sớm nhưng không thống nhất về con đường đạt tới mục đích đó”.

    Nhân dân Việt Nam nghĩ gì, những gì lay động tâm trí của những con người phải sống chung với chiến tranh từ gần 20 năm nay? Để nhận được trả lời cho câu hỏi này, những điểm quan trọng nhất của cuộc thăm dò ý kiến được ghi lại dưới đây.

    Hỏi: “Anh chị cho rằng cuộc sống tốt hơn hay xấu hơn cho anh chị khi so với một năm trước đây?”

    Trả lời: Tốt hơn – 25%; xấu hơn – 48%; như một năm trước đây – 27%.

    Hỏi: “Anh chị nghĩ một năm nữa cuộc sống của anh chị sẽ tốt hơn hay xấu hơn ngày nay?”

    Trả lời: Tốt hơn 26%; xấu hơn – 14%; như ngày nay – 18%; không có ý kiến – 42%.

    Hỏi: “Nếu như anh chị có thể bày tỏ ba điều ước mong cho bản thân và gia đình anh chị – anh chị sẽ mong ước gì?”

    Trả lời: Công việc làm và thu nhập – 54%; sức khỏe – 9%. (Phần còn lại của những câu trả lời bao gồm những mong ước cá nhân khác.)

    Hỏi: “Nếu như anh chị có thể bày tỏ ba điều ước mong cho đất nước của chúng ta – anh chị sẽ ước mong điều gì?”

    Trả lời: Hòa bình – 81%; an ninh và thịnh vượng – 3%; thống nhất – 2%, chiến thắng chủ nghĩa cộng sản – 4%; độc lập – 4%.

    Hỏi: “Anh chị nghĩ bên nào sẽ chiến thắng?”

    Trả lời: Nam Việt Nam và đồng minh – 62%; Bắc Việt và Việt Cộng – 1%; không bên nào sẽ chiến thắng – 5%; không có ý kiến – 30%.

    Hỏi: “Theo ý anh chị thì khi nào sẽ hết chiến tranh?”

    Trả lời: Trong vòng một năm – 1%; hơn một năm nữa – 11%; hơn hai năm nữa – 7%; hơn ba năm nữa – 6%; hơn năm năm nữa – 9%; không bao giờ – 2%; không có ý kiến – 64%.

    Hỏi: “Cứ cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc trong thời gian sắp tới đây. Theo anh chị thì ai sẽ là người chiến thắng?”

    Trả lời: Nam Việt Nam và đồng minh – 62%; Bắc Việt Nam và Việt Cộng – 0%; không ai sẽ là người chiến thắng – 4%; không có ý kiến – 34%.

    Hỏi: “Khi chiến tranh chấm dứt, theo ý anh chị thì người dân có thích nhìn thấy Việt Cộng trong chánh phủ không?”

    Trả lời: Có – 6%; không 73%; không có ý kiến – 21%.

    Hỏi: “Theo ý anh chị, người dân không thích gì ở Việt Cộng?

    Trả lời: Khủng bố và phá hoại – 58%; bóc lột người dân và thu thuế quá cao – 36%; thiếu tự do – 10%; thích chiến tranh – 7%; tuyên truyền dối trá – 6%; không có điều gì hết – 2%; không có ý kiến – 17%. (Một số người được hỏi đưa ra nhiều điểm.)

    Hỏi: “Theo ý anh chị, người dân đánh giá cao điều gì ở Việt Cộng?”

    Trả lời: Tuyên truyền khéo léo – 10%; tổ chức và lãnh đạo tốt – 4%; không có đấu tranh giai cấp – 3%; hoạt động bền bỉ dưới những điều kiện khó khăn – 2%; lo lắng cho người nghèo – 3%; tôi không thích điểm gì ở Việt Cộng hết – 49%; không có ý kiến – 34%.

    Hỏi: “Theo ý anh chị, ai chịu trách nhiệm chính trong việc chiến tranh kéo dài?”

    Trả lời: Chính phủ Nam Việt Nam – 2%; Việt Cộng – 31%; chính phủ Bắc Việt – 12%; Trung Cộng – 19%; Hoa Kỳ – 3%; không có ý kiến 33%.

    Hỏi: “Cho tới nay, nước nào đã cố gắng lập lại hòa bình ở Việt Nam?”

    Trả lời: Hoa Kỳ – 27%; Tòa Thánh Vatican – 17%; Liên hiệp Anh – 16%; Liên Hiệp Quốc – 11%: chính phủ Nam Việt Nam – 1%; các nước cộng sản – 1% (phần còn lại rơi vào các nước khác.)

    Hỏi: “Theo ý kiến của anh chị, tại sao người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam?”

    Trả lời: Để chống cộng sản – 39%; để tái lập hòa bình – 8%; để “giữ thể diện” – 7%; vì những lợi ích thực dân – 7%; để xây dựng một căn cứ chiến lược – 6%; theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam – 3%; không có ý kiến 34%.

    Hỏi: “Anh chị muốn nước Mỹ chú ý đến khả năng thương lượng với Bắc Việt Nam nhiều hơn, hay người Mỹ cần phải tăng cường các nỗ lực quân sự chống Bắc Việt của họ?”

    Trả lời: Thương lượng – 63%; tăng cường hoạt động quân sự – 15%; không có ý kiến – 22%.

    Hỏi: “Theo ý anh chị, quân đội Mỹ cần phải làm gì ở Nam Việt Nam – họ nên tiếp tục chiến đấu, họ nên ngưng chiến đấu nhưng vẫn ở lại làm cố vấn cho quân đội Nam Việt Nam, hay họ nên ngưng chiến và trở về Mỹ?”

    Trả lời: Tiếp tục chiến đấu – 39%; ngưng chiến đấu và ở lại làm cố vấn – 21%; ngưng chiến đấu và trở về Mỹ – 10%; không có ý kiến – 30%.

    Hỏi: “Như anh chị biết, người Mỹ thỉnh thoảng có ném bom những ngôi làng mà họ nghi ngờ là có Việt Cộng ở trong đó. Theo ý anh chị, người Mỹ cần nên tiếp tục làm điều đó khi họ rằng nó cần thiết, hay họ không nên làm điều đó?”

    Trả lời: Tiếp tục ném bom – 37%; ngưng ném bom – 46%; không có ý kiến – 17%;

    Hỏi: “Anh chị có tin rằng anh chị có một cuộc sống nhẹ nhàng hơn khi Việt Cộng kiểm soát vùng đất của anh chị hay nhẹ nhàng hơn dưới sự kiểm soát của chính phủ?”

    Trả lời: Tốt hơn dưới sự kiểm soát của Việt Cộng – 0%; tốt hơn dưới dự kiểm soát của chính phủ – 90%; không khác nhau giữa hai bên – 3%; không có ý kiến – 7%.

    Hỏi: “Sau khi chiến tranh chấm dứt, anh chị muốn Việt Nam thống nhất ngay lập tức, thống nhất sau đó hay thế nào cũng được?”

    Trả lời: Thống nhất ngay lập tức – 83%; thống nhất muộn hơn – 1%; chống lại một cuộc thống nhất – 5%; thế nào cũng được – 2%; không có ý kiến – 9%.

    Hỏi: “Anh chị hài lòng với việc làm của chính phủ Kỳ hiện nay hay anh chị muốn có thay đổi?”

    Trả lời: Hài lòng – 53%; muốn có thay đổi – 11%; không có ý kiến – 36%.

    Hỏi: “Anh chị thích gì ở người Mỹ?”

    Trả lời: Các chương trình an sinh xã hội, các chương trình trợ giúp của họ – 28%; sự giúp đỡ về mặt quân sự của họ – 22%; phẩm chất cá nhân – 20%; trợ giúp Việt Nam nói chung – 15%. (Phần còn lại cho những câu trả lời khác.)

    Hỏi: “Khi chiến tranh chấm dứt, anh chị thích nhất là khả năng nào sau đây?”

    Trả lời: Khi chính phủ được người cộng sản lãnh đạo – 0%; khi chính phủ được những người quốc gia lãnh đạo – 83%; ai lãnh đạo chính phủ cũng được – 10%; không có ý kiến – 7%.

    Hỏi: “Tại sao anh chị có ý kiến đó?”

    Trả lời: Vì rồi sẽ có tự do và dân chủ – 39%; vì sẽ có khả năng làm việc tốt hơn – 24%; vì ý muốn của nhân dân được tôn trọng nhiều hơn – 19%. (Phần còn lại cho những câu trả lời khác.)

    Hỏi: “Anh tự lựa chọn một người vợ hay cha mẹ anh làm điều đó cho anh?”

    Trả lời: tự mình – 30%, cha mẹ quyết định nàng dâu – 56%, họ hàng làm điều đó – 2%, không nhớ – 1%.

    “Ở một dân tộc bị chiến tranh vây hãm và sống dưới một nền độc tài quân sự”, cuộc thăm dò ý kiến của CBS kết luận, “thì có vẻ như thật là liều lĩnh khi đạt được tới những con số phầm trăm gần với sự thật nhất qua một cuộc thăm dò ý kiến. Mặc dù vậy, cuộc thăm dò ý kiến này đã mang lại một cái nhìn sâu sắc vào trong suy nghĩ và tâm trạng của người dân Việt. Đặc biệt, cuộc thăm dò này cho thấy rằng – ngược với quan điểm ở bên ngoài Việt Nam – dân tộc Việt Nam cũng không kiệt quệ và bất động cho tới mức bây giờ họ mặc kệ việc ai sẽ thắng cuộc chiến này. Dân tộc này hoàn toàn không mặc kệ. Họ mong muốn hòa bình – nhưng không bằng mọi giá… Có thể có những người thất vọng với cuộc thăm dò ý kiến này, vì cuối cùng thì nó đã không mang lại một câu trả lời rõ ràng cho việc nước Mỹ bây giờ cần phải làm gì. Nhưng không cần phải như vậy – đối với người Việt, cuộc tìm kiếm một con đường có thể chấm dứt cuộc chiến này cũng rắc rối y hệt như vậy và những ý kiến cũng rất khác nhau, cũng giống như hầu hết mọi dân tộc khác…”

    Bẫy mìn và những mưu kế khác

    Cây cầu dài ba mươi mét. Nó được canh giữ ở hai đầu bởi tám người lính ngồi ở đằng sau những bao cát. Các khầu súng tiểu liên đã được mở khóa an toàn và lựu đạn lủng lẳng bên dây thắt lưng. “Đêm nào chúng tôi cũng ném vài chục quả xuống sông”, một viên thiếu úy trẻ tuổi người Việt nói. “Có cái gì đó khả nghi trôi nổi tới là cho nổ ngay tức thì.”

    “Tôi nhìn thấy rồi, Việt Cộng không có cơ hội nào ở các anh đâu”, một đại úy người Mỹ khẳng định, người đi thanh tra cây cầu, và gật đầu với viên thiếu úy trẻ tuồi. “Đúng vậy, thưa đại úy!” Viên thiếu úy đứng nghiêm. “Nếu chúng còn xuất hiện thêm lần nữa thì chúng tôi sẽ bắn chúng chết hết. Chúng sẽ không thành công thêm lần thứ nhì.”

    Nhưng viên thiếu úy hăng hái này với những người lính của anh ta đã không ngăn chận được lần thứ nhất: Năm ngày trước đây, cây cầu đã nổ tung vào lúc giữa đêm – Việt Cộng đã plastic hóa nó, nhưng người ta nói trong thuật ngữ chuyên môn. Kể từ lúc đó, cái nhịp cầu bằng sắt ấy chúc xuống dưới mặt nước…

    Một chiếc xe đò bị trúng mìn

    “Tại sao lại canh gác một cây cầu đã bị giật sập?”

    “Anh không biết đấy thôi” – viên đại úy dùng tay chỉ qua bên kia bờ sông –, “cây cầu này không thể thiếu được. Điều này đối với VC (Việt Cộng) có nghĩa là nó phải bị phá hủy hoàn toàn. Họ sẽ không hài lòng với một lần tấn công duy nhất đâu. Họ có rất nhiều mưu mẹo…”

    Ví dụ như: người ta để cho một sợi dây dài 2000 mét trôi theo sông ở dưới mặt nước, bằng cách cột một mảnh gỗ và một bao muối nhỏ vào một đầu. Như vậy chắc chắc là sợi dây, mảnh gỗ và bao muối sẽ trôi qua cầu ở dưới mặt nước mà không ai nhìn thấy. Sau một thời gian, muối tan hết và miếng gỗ nổi lên mặt nước với đầu dây. Một vài tên Việt Cộng can đảm bơi ra sông vào ban đêm và gắn chất nổ plastic vào đầu dây. Bây giờ thì những tên Việt Cộng khác, ở bên kia cầu, kéo chậm chậm sợi dây về – ngược dòng sông và dưới sự che chở của màn đêm. Phần còn lại chỉ là công việc của ngòi nổ…

    “Chúng tôi đã phải cần nhiều thời gian để thích ứng với những mưu kế và bẫy cá nhân của Việt Cộng”, viên đại úy thuật lại, “nhưng cho tới ngày nay thì chúng tôi cũng không thành công được hoàn toàn. Họ đơn giản là quá sáng tạo và có nhiều ý tưởng mà chúng tôi nói chung là không có. Đây này” – viên đại úy chỉ xuống cẳng tay trái của mình, nơi có hai vết thẹo còn mới mang màu nhợt nhạt – “hai dấu xăm này là tôi có từ một trong những cái bẫy đê tiện của họ.”

    Đó là trên một chuyến đi tuần tra, ở trong vùng phía nam của tỉnh Thừa Thiên. Một người lính phát hiện một loạt dấu hiệu kỳ lạ trong một làng. “Trông giống của Viẹt Cộng quá”, đại úy Collinghood lẩm bẩm sau khi quan sát kỹ những dấu hiệu được khắc vào nhiều thân cây khác nhau. “Đi vào lục soát xem sao…”

    Người dân trong làng bị thẩm vấn hai giờ đồng hồ – kết quả là con số không. Cũng không phát hiện được một hệ thống đường hầm nào. Cho tới khi một người lính báo cáo: “Thưa đại úy, tôi tìm thấy một lá cờ Việt Cộng.” Cờ Việt Cộng là một vật lưu niệm được những lính Mỹ rất ưa thích.

    Lá cờ được treo đường hoàng trên một bức tường của một ngôi nhà nằm ẩn chỗ kín đáo. Một viên hạ sĩ quan muốn giật nó xuống ngay. “Cẩn thận!”, đại úy Collinghood quát lớn. “Coi chừng xảy ra chuyện.” Viên đại úy xem xét lá cờ từ xa. Cả căn nhà cũng được lục soát cẩn thận. Nhưng không phát hiện ra điều gì đáng nghi ngờ. “Hạ sĩ ở lại – những người khác đi ra ngoài”, Collinghood ra lệnh và bước tới gần lá cờ. Ngay cả bây giờ ông cũng không phát hiện ra được dấu vết nào báo hiệu có một cái bẫy. “Nằm sấp xuống”, ông ra lệnh. Viên hạ sĩ quan tuân lệnh, mặc dù không nhịn được cười. Collinghood cầm lấy một đoạn dây thép, bẻ cong một đầu và bắt đầu dùng đoạn dây thép đó móc vào lá cờ trong lúc ông nằm ở tư thế hít đất. Sau một vài khoảnh khắc, sợi dây thép móc được vào lá cờ, và Collinghood vừa muốn giật mạnh…

    “Cứ giống như chúng tôi lao vào một khẩu súng máy vậy”, ông nhớ lại, “mười tám phát súng bắn từ hai bức tường hai bên – được kích động khi động vào lá cờ. Nếu như tôi đang đứng trong lúc đó thì tôi là người chết nhiều lần nhất của toàn quân đội rồi.”

    Chỉ nhờ vào sự cẩn trọng của mình mà viên đại úy đã thoát nạn, chỉ bị hai viên đạn bắt sượt qua cẳng tay trái đang giơ lên. “Đó là trường hợp đặc trưng cho một cái bẫy cá nhân”, viên đại úy nói và thêm vào: “Lá cờ đó bây giờ là của tôi. Mấy đứa trong chuyến tuần tra đó nói tôi xứng đáng có lá cờ đó…”

    Để chuẩn bị trước nhằm chống lại chiến thuật phục kích của Việt Cộng, thời gian vừa qua người Mỹ đã thiết lập nhiều “trường mìn” . Trong những khóa đào tạo cấp tốc, lính Mỹ làm quen với mọi loạt bẫy súng, bom trong nhà và hố sập. Được sử dụng làm vật liệu giảng dạy là mìn Việt Cộng và những cái bẫy cá nhân đã được vô hiệu hóa lúc nào đó, trước khi chúng có thể hoạt động. Một ngôi nhà nông dân được dựng lại là “vùng chiến đấu chính”: có 49 cái bẫy mìn được dấu trong mảnh đất nhỏ của ngôi nhà bằng tre đó…

    Một cách thức được đưa ra như là lời dẫn nhập: “Lấy một cái bẫy chuột”, trong phần mở đầu của khóa đào tạo có viết,  “thêm một sợi dây ngòi nổ và một quả đạn, cỡ 30. Người ta cộng thêm vào đó một tinh thần sáng tạo châu Á, thế là cái bẫy chuột ấy có thể dễ dàng giết chất một người.”

    “Chỉ khi giải thích các loại mìn bình thường thì mới đi theo sách giảng dạy”, một viên trung tá nói, chỉ huy trường mìn của Tiểu đoàn Công binh 3 ở Đà Nẵng. “Sau đó thì mọi thứ đều không theo sách vở nào cả. Việt Cộng cũng không làm theo một quyển sách giáo khoa…”

    Ở họ, những điều quan trọng là sự tinh xảo, ý tưởng và sự khéo léo thủ công. Trái dừa, lon đồ hộp cũ, rễ cây cũng như những bao thuốc lá bị vứt đi – tất cả đều có thể trở thành mìn. Ngay cả cái bẫy chuột cũng phục vụ cho việc nổ mìn: một sợi dây thật nhỏ mà nếu vướng vào sẽ để cho cái bẫy chuột sập lại. Đồng thời, chuyển động đó cũng đẩy một cây kim vào một ngòi nổ, cái sẽ bắn ra mười viên đạn giết chết con người đang nằm xuống đất đó. Ai vô tư cầm lấy một trái dừa vô hại thì sẽ được trái dừa ấy chào mừng bằng một phát nổ mạnh – và một cây nấm trên mặt đất trong rừng sẽ kích nổ một quả bom mảnh cách đó mười mét khi bị chạm nhẹ vào.

    “Tất cả những thứ đó đều thuộc vào chiến thuật của du kích quân”, ông trung tá nói, “vốn liếng đó của họ là kết quả hàng chục năm kinh nghiệm. Ở đây, kỹ thuật chiến đấu chống lại bẫy phục kích. Và điều đó có nghĩa là: Ai đi vào rừng đều phải có khả năng vượt qua hàng trăm cái bẫy, vì ở khắp nơi là chất nổ plastic, mảnh, chất độc và hầm hố…

    Chiến thuật phục kích của Việt Cộng là việc gây khó khăn nhiều nhất cho tất cả mọi người: cho người dân, cho quân đội chính phủ và cho người Mỹ. Nhưng trong khi những người lính được đào tạo để đối phó với “bẫy cá nhân” qua các khóa cấp tốc thì hàng triệu người dân thường không được che chở lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trước sự khủng bố và trả thù của Việt Cộng.

    “Từ khi tôi sống ở trong làng này – cho tới ngày nay là 39 năm – tôi đã trải qua hàng chục cuộc viếng thăm vào ban đêm của Việt Cộng”, ông nông dân Pham Dinh Ho của làng Cam Thanh nói. “Ông có thể tin tôi: Tôi đã biết sợ run cả người qua đó, và trước hết là tôi học được việc cùng sống với cả hai bên…”

    Lần đầu tiên, họ đến trong đêm vào lúc 2 giờ 15. “Không một tiếng động như những con cọp”, Pham Dinh Ho nhớ lại. “Tôi bất thình lình tỉnh dậy vì có ai đó chọc vào người tôi. Khi mở mắt ra, tôi nhìn vào họng của một khẩu súng ngắn. ‘Nếu không muốn chiến đấu cho Mặt Trận Giải Phóng thì ít nhất là phải trả tiền đây’, một người nói với tôi trong giọng thô lỗ. Rồi tôi phải mua sáu tờ giấy công phiếu của Việt Cộng – hắn đòi tôi sáu ngàn đồng. Đó gần như là toàn bộ số tiền tôi tiết kiệm được trong chín năm. ‘Mày bây giờ yên ổn được một năm’, hắn nói khi nhận tiền. Trước khi đi khỏi, hắn dùng dao khắc một dấu hiệu ở cửa vào nhà.”

     Nhưng chỉ ba tuần sau đó thì những tên Việt Cộng khác đã đến. “Tôi đã giao ra toàn bộ số tiền của tôi rồi”, Pham Dinh Ho than thở và chỉ vào cửa ra vào nhà, nơi có thể nhìn thấy rõ dấu hiệu của VC. “Này, câm miệng lại đi”, người trưởng nhóm du kích nói, “chúng tao không muốn tiền – chúng tao cần gạo.” Với bạo lực vũ khí, người dân làng bị đẩy ra nơi họp chợ bé tí.

    “Mấy người có thời gian là 35 phút”, viên trưởng nhóm ra lệnh, “sau đó thì phải có hai tấn gạo nằm ở đây. Nếu không” – trong lúc nói những lời này hắn xoay người sang một bên và chỉ tay vào mười đứa trẻ em bị du kích quân bao quanh – “thì nửa giờ nữa, làng này sẽ mất mười đứa trẻ em.”

    “Chúng tôi làm gì được bây giờ?” Pham Dinh Ho nói. “Chúng tôi đã mang gạo đến và đã khóc. Không phải vì tiếc số gạo – nhưng chúng tôi lo sợ cho mấy đứa bé.”

    Không lâu sau, cả làng đều căm ghét Việt Cộng. Nhưng khi các toán đi tuần tra của quân đội chính phủ xuất hiện vào ban ngày thì rồi không ai dám mở miệng ra.

    “Ở làng kế cận, ông trưởng làng đã báo cáo lại sự việc”, Pham Dinh Ho nói, “thế rồi quân lính chính phủ đóng lại nhiều ngày đêm trong làng. Khi VC quay trở lại trong một đêm, họ bị bắn chết hết. Nhưng rồi quân lính chính phủ lại rút đi – và ba đêm sau đó Việt Cộng lại trở về. Không ai trong làng nhận biết. Mãi đến hừng sáng họ mới thấy đầu của ông trưởng làng bị cắm lên một cái cọc. Có một tờ giấy được găm trên lại ở đó, viết rằng: ‘Đây là một tên phản bội’. Lúc đó, khi tôi nhìn thấy, tôi đã tự nói với chính mình: Không chống cự gì nữa – khi quân lính chính phủ đến thì mình theo chính phù, và khi Việt Cộng xuất hiện thì mình theo cộng sản. Ông cũng có thể tưởng tượng được là tôi mừng cho tới đâu, khi chuyện này kết thúc.” Từ một năm nay, làng Cam Thanh được cho là đã được bình định, tức là người dân làng được trang bị vũ khí và có thể tự bảo vệ – cho tới chừng nào địch quân không quá mạnh. Cho tới ngày nay, Cam Thanh không phải vượt qua lần thử thách này. “Tôi cũng không tin rằng Việt Cộng sẽ về thêm một lần nữa”, Pham Dinh Ho nói. “Họ cũng không can đảm như người ta đánh giá họ đâu. Khi gặp phải phản kháng và không đông hơn thì họ rút đi. Huấn luyện của họ chỉ giới hạn ở chiến thuật phục kích, không phải cho chiến đấu công khai…”

    Chiến thuật này, mặc do ưu thế áp đảo về vũ khí của Mỹ, dường như có thể hứa hẹn thành công thêm nhiều năm nữa, nếu như người Mỹ không đưa thêm quân lính…

    “Thật ra thì mọi việc hết sức đơn giản”, một sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ tại Sài Gòn thú nhận. “Tổng thống nên gửi một triệu lính sang đây – rồi thì sẽ có yên ổn. Cho tới chừng nào mà chúng tôi chỉ có vài trăm ngàn thì không thể làm gì được. Chúng tôi không thể có mặt ở khắp mọi nơi – kẻ địch biết điều đó, và họ lợi dụng điều đó. Họ không xuất hiện trên một mặt trận liền nhau, họ giới hạn ở những vụ tập kích và khủng bố nhỏ. Vì vậy mà nói chung là luôn luôn không có an ninh…”

    Hoạt động khủng bố của Việt Cộng được công bố hằng tuần. Đó là một danh sách dài, tàn bạo – một tài liệu thương tâm cho sự tiến thoái lưỡng nan đẫm máu mà người dân phải sống ở trong đó. Mỗi tuần trung bình có 70 vụ ám sát, tập kích và khủng bố. Để hiểu được tính đáng sợ của nó, người ta chỉ cần đưa ra một ít vụ của danh sách hàng tuần:

    Vào ngày 10 tháng 5 vào lúc 7 giờ sáng, một chiếc xe Lambretta đã chạy trúng mìn Việt Cộng giữa My Chanh và Phu My. Chín người dân thường chết ngay tại chỗ, mười người khác bị thương nặng.

    Vào ngày 13 tháng 5, Việt Cộng, mặc quân phục giả quân lính chính phủ, đã bắt cóc bốn người của làng Phú Mỹ. Ít lâu sau đó, người ta tìm thấy bốn người dân thường này bị chặt đầu ở vùng núi Thị Vải.

    Vào ngày 15 tháng 5, một đơn vị Việt Cộng đã tập kích một cây cầu cách Quan Tri 18 ki-lô-mét về phía đông nam. Việt Cộng đã giết chết tám người lính dân vệ và làm bị thương chín người dân thường đang muốn đi qua cầu. Bảy nông dân khác cũng như hai người phụ nữ nông dân bị bắt đi.

    Vào ngày 12 tháng 5, Việt Cộng tập kích làng Cam Loc bằng lựu đạn. Mười người dân thường thiệt mạng, mười bốn người bị thương nặng.

    Hai đại đội Việt Cộng bắn súng cối vào một “tiền đồn” ở gần làng Tri Tra Con. Mười sáu trẻ em và tám phụ nữ bị giết chết.

    Mỗi một tuần có trên 70 thông báo như vậy – hàng trăm người chết và bị bắt cóc. Và hầu như lúc nào đó cũng là những người không có vũ khí sống giữa hai chiến tuyến – nông dân và người dân của nước Việt Nam. “Trong số 15 triệu người ở Nam Việt Nam”, theo một thống kê, “có 8,52 triệu người – tức 56,8% – sống trong những vùng nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. 2,72 triệu người – đó là 18,2% – trong trong những vùng đầm lầy và rừng rậm do Việt Cộng kiểm soát, trong khi 3,76 triệu người Nam Việt Nam – hay 25% dân số – sống trong những vùng được cho là đang bị tranh chấp. Những con số này chỉ thay đồi không đáng kể từ đầu năm 1966.”

    Điều đó có nghĩa là: Sự hiện diện và ưu thế về quân sự trong những vùng quan trọng của đất nước này tuy đã tước đi cơ hội có một chiến thắng mang tầm quyết định ra khỏi tay Việt Cộng – nhưng mối đe dọa vẫn còn đó. Nhận thức này đã góp phần cho thấy rằng chỉ riêng sức mạnh quân sự ở Việt Nam không thôi thì không mang tính quyết định. “Phải dùng mọi phương tiện để làm suy yếu kẻ địch”, như tướng Westmoreland nhấn mạnh. “Chúng ta phải chiến đấu đồng thời ở khắp mọi nơi – ở tiền tuyến và ở hậu phương. Công cuộc xây dựng một cuộc sống mới chỉ có thể thực hiện khi an ninh và công bằng xã hội thắng thế.”

    Với câu khẩu hiệu đó, một giai đoạn mới đã bắt đầu. Khẩu hiệu của nó là: chiến tranh tâm lý và RD…

    Chiến lược mới: “Chiến tranh tâm lý”

    “Okay, đại úy – anh biết nhiệm vụ của anh: cách Phú Bài 50 dặm về phía tây, anh sẽ đến vùng Nhái Bén. Tốt nhất là anh vào từ hướng bắc – hướng khoảng hai giờ. Như anh có thể thấy trên bản đồ” – viên thiếu tá bước tới bàn có trải một tấm bản đồ lên ở trên đó – “anh chỉ nhìn thấy rừng rậm. Trông giống như không có ai sống ở đó. Nhưng đừng vì vậy mà coi thường – đầy VC ở dưới đấy. Mấy tên dự báo thời tiết cho biết có gió từ cấp một cho tới hai – hướng bắc – tây bắc. Tức là anh có thể ném đúng mục tiêu. Sau khi xong rồi thì làm thêm mười phút tâm lý. Này – anh có gì trên băng đấy?”

    “Tôi còn chưa lo đến vụ đấy”, Đại úy Haffield trả lời. “Tôi nghĩ là mười bốn và ba mươi sáu.”

    “Mười bốn tốt đấy”, viên thiếu tá nói, “đó là băng với đứa bé. Những người hồi chánh lúc nào cũng nhấn mạnh rằng giọng nói của những đứa trẻ con bao giờ cũng gây xúc động nhiều nhất. Nếu như có thêm những tờ rơi hợp lý nữa…”

    “Chúng tôi có 300.000 tấm ảnh chụp gia đình đang khóc”, Haiffield nói. “Ngoài ra còn có 200.000 từ xê-ri 938 và thêm vào đó là 400.000 tờ giấy thông hành. Tôi nghĩ là sẽ đủ.”

    Tổng cộng gần một triệu.” Viên thiếu tá hài lòng gật đầu. “Phải đủ cho vài trăm tên VC. Ừ – chúng ta sẽ xem xem…”

    Bảy phút sau đó, chiếc “máy bay ném bom tờ rơi” cất cánh từ đường bay được chiếu sáng ít ỏi của phi trường Đà Nẵng – một chiếc máy bay một động cơ loại U-10 Courier, “con chim dẽ giun chậm chạp nhất của Mỹ”, như các phi công thường hay quả quyết.

    Nhưng ở Việt Nam thì nó có nhiều thành công hơn là những chiếc máy bay ném bom Phantom hiện đại nào đó…

    Giấy thông hành của chương trình Chiêu Hồi

    Từ khi người Mỹ tái phát hiện ra giá trị của một cuộc chiến tranh tâm lý, rất muộn màng nhưng rõ ràng là chưa quá muộn, họ vực “cuộc chiến tranh không vũ khí” dậy với sự thành tâm của các nhà truyền giáo vì hy vọng qua đó sẽ đạt nhiều thành công hơn là với bom đạn: Ở khắp nơi trong nước, các xưởng in dã chiến hiện đại nhất in mỗi ngày hàng triệu truyền đơn, áp phích, sách mỏng, báo và thẻ hồi chánh từ những cái máy in quay. Cuộc “chiến tranh tâm lý” – được khởi động và điều khiển bởi các chuyên gia quân sự và dân sự trên các lãnh vực tâm lý học, kỹ thuật và tuyên truyền – bất thình lình trở thành “vũ khí” nguy hiểm nhất trong cuộc chiến chống du kích đỏ:

    Hằng tháng, trên 30 triệu tấm “giấy thông hành” được in ra ở Việt Nam và được ném xuống những vùng đất của Việt Cộng.

    Trên 10 triệu tờ báo được phát hành và phân phát không mất tiền cho người dân Việt Nam.

    Bốn triệu tấm áp phích với nhiều mô-típ khác nhau hướng đến người dân, tuyên truyền, khai sáng và có những lời khuyên thực tế.

    “Không có lĩnh vực nào chung quanh con người mà không được cuộc chiến tranh tâm lý quan tâm tới”, thiếu tá Tom McCaig, chỉ huy “Đại đội Hoạt động Tâm lý 244” ở Đà Nẵng nói. “Từ những lời khuyên y tế qua các chỉ dẫn cho nông dân, để họ có thể tưới nước cho ruộng của họ một cách rẻ tiền nhất và tốt nhất như thế nào – chúng tôi in ra tất cả. Nhưng trước hết là truyền đơn, để cho Việt Cộng thấy rằng tình hình của họ đã trở nên vô vọng ra sao. Bên cạnh đó, người dân được giải thích về từng vụ khủng bố một của Việt Cộng qua hình ảnh và từ ngữ. Chúng tôi có những toán đặc biệt cho những việc này. Họ chạy đi ngay khi có báo cáo về một vụ khủng bố của ở đâu đó. Mười giờ đồng hồ sau là đã có 200.000 truyền đơn in xong để rải. Anh có thể nghĩ Việt Cộng giận dữ cho tới đâu kể từ khi chúng tôi công bố những vụ khủng bố của họ khắp nơi trên đất nước này một cách sinh động như vậy!”

    Thiếu tá McCaig không phải là không có lý. Trong một tài liệu của Việt Cộng bị Sư đoàn 1 Bộ binh ở Bình Dương tịch thu có viết: “Chúng ta phải tăng cường kỷ luật ở bộ đội và cán bộ vì hiện nay và trong tương lai, chương trình rải truyền đơn là một trong những chương trình có hiệu quả nhất và nguy hiểm nhất. Biện pháp hết sức xảo quyệt của kẻ thù không được nắm bắt thấu đáo. Chúng ta phải thật nghiêm khắc để bảo đảm rằng tất cả các tờ giấy thông hành được giao ngay lập tức cho ban chỉ huy.”

    Vì cả ở bên phía Việt Cộng người ta cũng nói cho nhau biết rằng cho tới hiện nay đã có 66.500 du kích quân của họ đã chạy sang phía chánh phủ…

    “Nghe đây, Lincoln – đây là Libra ba. Libra ba gọi Lincoln – xin trả lời.” Tiếng gọi của Đại úy Haffield vừa mới phát vào bầu khí quyển thì câu trả lời đã đến. “Lincoln gọi Libra. Các anh gặp khó khăn à?” – “Không”, Đại úy Haffield nói vào cái mi-crô được gắn vào chiếc mũ phi công như một cánh tay có thể xoay được. “Chúng tôi hiện đang cách vùng Nhái Bén bốn dặm – sẽ xuống độ cao ném truyền đơn. Okay?”

    Trước khi câu trả lời của viên sĩ quan dẫn đường đến, chiếc U-10 đã hạ độ cao từ 2000 mét xuống 800 mét. “Sẵn sàng chưa?” viên đại úy hỏi người hạ sĩ quan trong thân chiếc máy bay qua vô tuyến. “Sẵn sàng rồi thưa đại úy – cửa đã mở. Truyền đơn rồi tới giấy thông hành có phải không?” – “Đúng rồi – tôi đếm đây.” Tiếng nói của viên đại úy bây giờ hầu như không còn có thể hiểu được nữa vì cửa đã được mở ra. “Năm, bốn, ba, hai, một – thả xuống!”

    Các truyền đơn rơi từng kiện một ra khỏi chiếc máy bay đang bay chậm chậm – từng 10000 tờ một. Viên hạ sĩ quan đá các kiện hàng ra khỏi cửa đã mở ở thân máy bay, nơi chúng – nhờ gió cuốn đi – nhanh chóng tỏa ra thành một tấm thảm rộng lớn bằng những tờ giấy đang bay lượn chập chờn. “Ngày mai chúng nó phải cật lực quét nhà ở dưới kia đấy”, viên hạ sĩ quan nói, rồi báo cáo qua mi-crô: “Xong rồi – Ném xong rồi!” – “Chúng ta chờ thêm vài phút”, đại úy Haffield nói, “rồi bật phát thanh tâm lý lên…”

    Nhưng bây giờ thì khu rừng vào ban đêm ấy chợt trở nên sống động – có tia lửa lóe sáng và tiếng súng bắn từ phía dưới tối tăm. “Vô hại”, viên hạ sĩ quan nói, “tất cả đều là súng cá nhân. Bọn nó lẽ ra nên tiết kiệm đạn dược cho các mục đích khác hơn là bắn để lấy can đảm. Rồi anh sẽ thấy – vài phút nữa họ sẽ chấm dứt. Rồi thì những tờ truyền đơn đó sẽ rơi xuống như mưa và họ phải đi thu thập…”

    Anh ấy nói đúng, người chiến binh tâm lý: tiếng súng đã dừng lại, chỉ có thể nghe thấy tiếng ồn của động cơ.  Một lần nữa, chiếc U-10 bay một vòng rộng trên khu rừng, rồi có một tiếng nói vang lên, dường như là từ trên thiên đàng…

    “Những người anh em”, tiếng nói vang ầm lên từ hai cái loa dưới máy bay. “Gia đình của các anh em và đồng bào chìa tay cho các anh em – hãy quay trở về với đại gia đình của quốc gia. Đừng chần chừ thêm giây phút nào nữa, vì những tay chỉ huy cộng sản khát máu chỉ dẫn các anh em đến một cái chết đáng sợ và vô nghĩa. Các anh em phải phá hủy và đốt cháy quê hương của mình, tổ quốc của mình. Nhưng chúng tôi biết rằng các anh em sẽ không bao giờ tự nguyện làm những việc tàn nhẫn như vậy nếu như không bị các cán bộ Việt Cộng ép buộc. Hãy nghĩ đến người thân của các anh em. Họ yêu mến và đang chờ đợi các anh em. Đừng để bị đẩy vào chỗ chết. Hãy trở về – quê hương sẽ giang tay chào đón các anh em. Các anh em – chúng tôi đang chờ các anh em!”

    Ở dưới kia, trong rừng rậm, không có gì chuyển động – không một tiếng động, không một phát súng. Chiếc máy bay bắt đầu lượn thêm một vòng nữa. “Bây giờ bấm số 14 đi”, ông đại úy nói. Viên hạ sĩ bấm nút. Một tiếng trẻ con…

    “Cha ơi”, tiếng  nói vang ra từ những cái loa, “cha thương nhớ ơi – cha ở đâu?” Im lặng, không câu nói nào tiếp theo. Chỉ có tiếng ồn của động cơ. Rồi tiếng nói của đứa bé vang lên thêm một lần nữa: “Cha – chúng con rất cô đơn khi không có cha. Mẹ thì bệnh, còn con” – giọng nói khóc nấc lên – “con không có cha. Nhưng con muốn gọi cha mỗi ngày, để cha nghe được tiếng con. Cha ơi – cha ở đâu?” Và rồi thêm một lần nữa: “Cha ơi – hãy trở vể đi – không có cha chúng con cô đơn lắm!”

    Giọng nói từ trên trời tựa như một sự hành hạ – nó khoan thật to như một sự hành hình vào khu rừng, vào những ngôi nhà, vào những hầm hố. Tất cả mọi người ở dưới đó sẽ nghe được giọng nói trẻ con này – tiếng gọi đáng sợ của một cô bé gái đang tìm người cha chiến đấu trong hàng ngũ du kích quân.

    “Đây là một cuộc chiến thật khốn nạn”, đại úy Haffield nói khi ông chậm chạp trèo ra khỏi chiếc máy bay. “Chính tôi cũng hết sức xúc động vì tiếng nói trẻ con này. Nhưng một khi muốn lôi Việt Cộng ra khỏi rừng rậm thì chúng ta phải đi tới ranh giới của khả năng chịu đựng. Ít nhất thì cũng tốt hơn là bắn chết họ.”

    Truyền đơn của chương trình Chiêu Hồi

    Tổng hành dinh của cuộc chiến tranh tâm lý này là  “Trung tâm Chiêu Hồi” – trung tâm cho những người bỏ ngũ – trên đường Ngô Thời Nhiệm ở Sài Gòn. Ở đây, những tờ truyền đơn, áp phích và băng ghi âm được phác thảo, những cái có nhiệm vụ dẫn cuộc “Chiến tranh không vũ khí” đi đến thành công. Chiêu Hồi – dựa trên kinh nghiệm của cuộc chiến nhiều năm trong rừng tại Malaysia: Ở đó, việc tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý đã góp phần quyết định khiến cho cuộc nổi dậy của du kích quân thất bại. Vì vậy mà đầu 1963, chính phủ Nam Việt Nam quyết định “hỗ trợ bằng mọi phương tiện hiện có cho chiến dịch Chiêu Hồi”.

    Nhưng ở Việt Nam là như thế: Sự hào hứng vào lúc ban đầu đã giảm xuống thật nhanh – cái chương trình được khởi động đầy sức mạnh ấy dường như đã nhẹ nhàng đi vào giấc ngàn thu trong mớ bòng bong văn phòng của Sài Gòn. Nếu như năm 1963 người ta còn có thể ghi nhận được 11.248 Việt Cộng rời bỏ hàng ngũ thì năm 1964, con số này đã giảm xuống còn 5417. Chương trình này thiếu một nền tảng rộng lớn cần thiết – và ngoài ra thì dường như Việt Cộng đang tiến đến một chiến thắng quân sự không thể ngăn cản được…

    Điều đó đã thay đổi khi Hoa Kỳ quyết định tham chiến ở Nam Việt Nam vào giữa 1965: Việt Cộng bị ngăn chận lại – và ở Sài Gòn người ta lại nhớ đến chương trình Chiêu Hồi. Các chuyên gia tâm lý Nam Việt Nam, từ Mỹ, Philippines và Malaysia cùng nhau cộng tác để phối hợp hàng trăm hoạt động riêng lẻ trên lĩnh vực này. Thành công thật là rực rỡ: 1965 đã có 11.124 người rời bỏ hàng ngũ được ghi nhận, trong khi con số này tăng lên đến 20.242 năm 1966. Cho năm 1967, người ta nhắm tới một mục tiêu mà trước đây một năm còn được cho là chuyện không tưởng: 45.000 Việt Cộng đổi chiến tuyến nhờ vào chiến tranh tâm lý và Chiêu Hồi. Mục tiêu này đã đến trong tầm tay: cho tới 15 tháng 6 năm 1967 đã có 18.565 Việt Cộng đào ngũ. Và theo những kinh nghiệm cho tới nay là con số Chiêu Hồi sẽ tăng cao vào nửa năm sau – mùa mưa làm tan rã tinh thần chiến đấu cho tới nay luôn là đồng minh trung thành nhất của chương trình Chiêu Hồi.

    “Tất nhiên, áp lực quân sự vẫn là động cơ chính cho những người đào ngũ”, tổng hành dinh ở Sài Gòn cho biết, “nhưng tính đa dạng của chương trình tâm lý này cũng góp một phần lớn cho thành công. Chỉ riêng con số người đào ngũ của năm 1966 không thôi đã chiếm một phần ba tổng số tổn thất của Việt Cộng, và dường như là trong năm 1967 Việt Cộng đã mất nhiều quân lính qua chương trình Chiêu Hồi nhiều hơn là qua chiến trận. Chi phí tổng cộng của chương trình này – trong tỷ lệ với con số đào ngũ – là 125 dollar cho một người đào ngũ. Cho tới nay thì đây là con đường rẻ tiền nhất để làm suy yếu kẻ địch một cách quyết định. Đặc biệt là khi người ta nghĩ đến việc hai phần ba số Việt Cộng đào ngũ đã mang vũ khí của họ đi theo cùng.”

    “Chúng tôi đang đi tuần”, Nguyen Thuong Mai nhớ lại, người chiến đấu bốn năm trời trong rừng rậm như là Việt Cộng trước khi anh đổi chiến tuyến. “Lúc đó có con chim sắt ấy bay đến với những tờ truyền đơn. Lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ ném bom xuống chúng tôi, nhưng rồi hàng ngàn tờ giấy rơi xuống chỗ chúng tôi. Hầu như ai trong số chúng tôi cũng giấu đi một tờ, trước khi giao nộp những tờ kia lại theo lệnh. Rồi tôi đọc thật kỹ tờ giấy thông hành đó – và đặc biệt là tờ truyền đơn với những giá cả. Lúc đó, tôi quyết định: đem theo một vài vũ kkhí, bỏ ngũ – thế thì người ta không chỉ cứu được mạng sống của chính mình mà thậm chí còn kiếm tiền được nữa.

    Vì sự cám dỗ thì thật là lớn. Mỗi một người bỏ ngũ được bảo đảm những khoản tiền khá lớn nếu như anh ta mang theo vũ khí.

    800 đồng cho một khẩu súng lục, 1000 đồng cho một khẩu súng Anh hay Nhật (120 đồng = 4 Mark).

    3500 đồng cho một khẩu súng máy loại nhẹ kiểu Bar 24/29.

    6300 đồng cho một khẩu súng máy hạng nặng, cỡ 13,2.

    10.000 đồng cho một cây súng cối và 12.000 đồng cho một khẩu bazooka.

    Ngoài ra, mỗi một người bỏ ngũ sẽ nhận được một khoản tiền sinh hoạt là 24 đồng mỗi ngày (80 Pfennig), 24 đồng nữa cho người vợ cũng như 12 đồng  cho mỗi một đứa con. “Sức thu hút tài chính đóng một vai trò quan trọng”, người ta nói trong Trung tâm Chiêu Hồi ở Sài Gòn, “nhưng đối với chúng tôi thì tiền bạc không thành vấn đề. Vì không có chương trình nào của chúng tôi mà lại cứu sống nhiều người lính ở phía miền Nam như chương trình Chiêu Hồi: Khi người ta mang tỷ lệ tổn thất của hai bên ra so sánh, thì chúng tôi – nếu như chúng tôi tiêu diệt 55.000 người bỏ ngũ cho tới nay – ‘mất’ ít nhất là 7.000 người lính của ‘quân đội Thế giới Tự do’.”

    Nhưng mặc dù vậy, ở Sài Gòn người ta vẫn biết: Chiêu Hồi chỉ là một giọt nước nhỏ lên một hòn đá nóng bỏng. Người ta không thể thắng cuộc chiến với những người đào ngũ. Đầu tiên thì phải có trật tự trong ngôi nhà của riêng mình đã, và kinh tế phải phát triển. Việt Nam vẫn còn cách xa cả hai điều ấy. Chỉ có thể nhìn thấy những cố gắng đầu tiên…

    An ninh cho làng mạc – ai tin vào điều đó?

    Thị trấn đó có tên là Vũng Tàu. Ai nói về Vũng Tàu thì có thể quên cuộc chiến – bãi cát dài hàng kilômét, không có Việt Cộng, vui tắm biển, chơi trượt nước. Khung cảnh đó có một sức hấp dẫn đến nỗi sự khốn cùng ở chung quanh đó mờ nhạt đi – sự pha trộn đặc trưng luôn có ở Việt Nam từ thứ nước lợ thối, rác rưởi hôi, những ngôi nhà tồi tàn, những đống rác và bệnh tật. Phong cảnh có thể thay đổi, nhưng bức tranh ấy lúc nào cũng vậy – một vệt màu khổng lồ từ hàng ngàn hạt bụi bẩn được dán lại với nhau…

    Từ Sài Gòn người ta bay trực thăng ra Vũng Tàu trong vòng 40 phút – những chuyến bay đã trở thành việc bình thường. Chỉ có hàng chữ trên mặt sau chiếc ghế phi công là điều đặc biệt: “Chuyến bay này khiến cho Chú Sam tốn mất 253,88 dollar một giờ. Hãy dùng nó một cách hợp lý!” Cùng với người Mỹ, không chỉ có đồ hộp tràn vào Việt Nam – cả những câu nói Mỹ cũng đã trở thành thứ hàng hóa không thiếu. “Làm sao có thể hạnh phúc khi biết Sài Gòn có thể nổ tung vào bất cứ lúc nào. Với tất cả những quán rượu tuyệt vời ấy…” là một câu nói có trong nhiều văn phòng. Hay những chỉ dẫn đầy yêu thương trong những dãy nhà của phi trường, nơi những người lính Mỹ mang đầy hành trang, đang toát mồ hôi, ngồi chờ chuyến bay: “Trong trường hợp bị tập kích bằng súng cối – xin hãy nằm xuống ngay!”

     

    Không có nhận xét nào