Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 21 tháng 3 năm 2021

    Biển Đông: Manila báo động vụ 220 tàu dân quân Trung Quốc tập trung ở Trường Sa
    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 21 tháng 3 năm 2021

    Philippines vào hôm qua, 20/03/2021 đã bày tỏ thái độ quan ngại về vụ hơn 200 tàu dân quân biển Trung Quốc bị phát hiện neo đậu ở một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn vùng quần đảo Trường Sa, trong một khu vực mà Philippines coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

    Theo hãng tin Anh Reuters, trong một thông cáo công bố khuya hôm qua, lực lượng đặc nhiệm liên ngành của chính quyền Philippines cho biết là tuần duyên nước này đã phát hiện khoảng 220 chiếc tàu được cho là của lực lượng dân quân biển Trung Quốc neo đậu thành hàng ngũ vào hôm 07/03 vừa qua tại một bãi đá ngầm ở vùng quần đảo Trường Sa. Nhiều ảnh chụp cũng đồng thời được công bố.

    Thông cáo cho biết địa điểm cụ thể là Đá Ba Đầu - tức Whitsun Reef theo tên quốc tế và Juan Felipe theo cách gọi của Philippines - rạn san hộ lớn nhất thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, đồng thời khẳng định nơi đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đá Ba Đầu hiện là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan.

    Lực lượng đặc nhiệm Philippines tố cáo: “Bất chấp thời tiết thuận lợi vào thời điểm đó, tàu Trung Quốc tập trung ở rạn san hô không có bất kỳ hoạt động đánh bắt nào và đã bật đèn sáng trắng suốt đêm”.

    Lực lượng này cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường, cũng như các đe dọa đối với tự do hàng hải.

    Khi được hỏi là liệu Manila có gởi công hàm phản đối sự hiện diện của tàu Trung Quốc hay không, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết ông sẽ làm như vậy “nếu giới tướng lĩnh yêu cầu”.

    Theo hãng tin Anh Reuters, vụ tàu dân quân biển Trung Quốc tràn ngập Đá Ba Đầu là ví dụ mới nhất phản ánh tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

    Reuters nhắc lại rằng Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên khoảng 90% Biển Đông, một phán quyết đã bị Bắc Kinh phủ nhận.

    Hoa Kỳ đã nhiều lần lên án các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có các hành vi “bắt nạt” các láng giềng Đông Nam Á.

    Các nhà lập pháp Mỹ gốc Việt lên án vụ tấn công kỳ thị người gốc Á


    Các nhà lập pháp Mỹ gốc Việt vừa đồng loạt lên án vụ tấn công nhắm vào người gốc Á ở Atlanta và kêu gọi chính quyền Mỹ có các biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng kỳ thị người gốc Á vốn đã tồn tại nhiều năm qua.

    “Chúng ta cần quy trách nhiệm cho tất cả người Mỹ về những tội ác có động cơ thù hận”, Dân biểu Hạ viện Trâm Nguyễn của bang Massachusetts nói. Theo bà, những vụ án có động cơ thù hận liên quan đến người gốc Á ít được truyền thông chú ý hơn trong những năm qua, và có một ngưỡng giới hạn trong việc tạo ra cảm xúc buộc những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm.

    “Đó là lý do vì sao tôi đệ trình dự luật về tội ác mang tính thù hận với Tổng chưởng lý Healey và Thượng nghị sĩ Hinds nhằm cung cấp cho các luật sư, cơ quan công luật và các thành viên cơ quan tư pháp nhiều công cụ hơn để áp dụng luật một cách công bằng và chính xác nhằm buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm”, bà Trâm Nguyễn cho biết trên trang Facebook.

    Tại Atlanta, nơi xảy ra các vụ xả súng khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người gốc Á hôm 16/3, Dân biểu gốc Việt Bee Nguyễn lên án vụ tấn công. Bà nói: “Người gốc Á thường được dạy tránh gây chú ý vì cha mẹ chúng tôi tin rằng làm như vậy sẽ giữ cho chúng tôi an toàn hơn”. Tuy nhiên, việc cố gắng trở nên “vô hình”, không lên tiếng nói, đã không giúp ích gì mà đến hôm nay đã xảy ra bi kịch này.

    Bà Bee Nguyễn kêu gọi Quốc hội bang Atlanta hãy hành động để hỗ trợ và bảo đảm an toàn hơn cho người gốc Á cũng như các sắc dân khác giữa bối cảnh sợ hãi đang ngày càng tăng cao trong các cộng đồng này.

    Trong khi đó, Dân biểu Janet Nguyễn của bang California, nói rằng gia đình bà và tất cả các gia đình người Mỹ gốc Á hay bất kỳ gia đình nào đều “không đáng phải sống trong sợ hãi”.

    “Không ai đáng phải sống trong sợ hãi. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ mọi cá nhân khỏi những tội ác thù hận”, bà Janet Nguyễn nói, đồng thời cho biết bà ủng hộ việc phân bổ 1,4 triệu đô la để hỗ trợ cho trang web Stop Asian American Pacific Islander Hate (Ngăn chặn thù ghét đối với người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương) và để phân tích, nghiên cứu giải quyết gốc rễ các vụ việc mang tính thù hận đang xảy ra đối với người Mỹ gốc Á.

    Dân biểu bang California cho biết các cuộc tấn công chống lại người Mỹ gốc Á đã tăng đột biến ở bang này trong năm qua, với 1.691 vụ tấn công được ghi nhận.

    Truyền thông Mỹ cho hay cuộc tấn công vào các tiệm spa ở Atlanta hôm 16/3 đã làm rúng động và tạo ra nỗi sợ hãi trong các cộng đồng gốc Á trên khắp nước Mỹ, giữa bối cảnh suốt hơn một năm qua xảy ra đại dịch, họ đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công và kỳ thị sau khi Trung Quốc bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra đại dịch.

    Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào mùa hè năm ngoái cho thấy khoảng 3 trong số 10 người Mỹ gốc Á trên toàn quốc (31%) cho biết họ bị mỉa mai về chủng tộc hoặc trải qua những trò đùa phân biệt chủng tộc kể từ khi đại dịch bắt đầu.

    Một báo cáo trong tuần này của trung tâm “Stop Asian American Pacific Islander Hate” tại Đại học bang San Francisco cũng cho thấy gần 3.800 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á xảy ra kể từ tháng 3 năm 2020. Hầu hết là quấy rối bằng lời nói hoặc tâm lý, nhưng có khoảng 11% các vụ tấn công là hành hung thể lý.

    Thẩm phán liên bang gọi 2 hãng tin lớn là ‘báo của đảng Dân chủ’

    Trong một bản kháng cáo đối với một vụ kiện về tội phỉ báng hôm thứ Sáu (19/3), thẩm phán liên bang Laurence Silberman đã cáo buộc New York Times và Washington Post là “tờ báo của đảng Dân chủ”.

    Breitbart đưa tin, trong một bản kháng cáo, thẩm phán liên bang Laurence Silberman đã cáo buộc mức độ chống đảng Cộng hòa của báo chí hiện nay là “khá sốc”. Đặc biệt là tờ New York Times và Washington Post đã trở thành “tờ báo của đảng Dân chủ”. Mục tin tức của The Wall Street Journal cũng đi theo hướng thiên tả.

    Ông cho biết: “Định hướng của ba tờ báo này theo sau Associated Press và hầu hết các tờ báo lớn trên toàn quốc (ví dụ như Los Angeles Times, Miami Herald và Boston Globe). Gần như tất cả các kênh và cáp truyền hình đều là loa phát thanh của đảng Dân chủ. Ngay cả Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (National Public Radio) do chính phủ tài trợ cũng vậy”.

    Hơn nữa, Thẩm phán Silberman cho biết Thung lũng Silicon “cũng có ảnh hưởng to lớn trong việc truyền tải tin tức,” như việc lọc tin hiển thị theo cách có lợi cho đảng Dân chủ.

    Ông gọi Fox News, The New York Post và trang xã luận của Wall Street Journal là “những trường hợp ngoại lệ đáng chú ý” trong việc đảng Dân chủ kiểm soát ý thức. Luật sư thừa nhận “một số nhà bình luận của Fox thiên về cánh hữu trong khi các nhà bình luận và phóng viên các hãng tin dòng chính nghiêng về cánh tả”.

    Ông Silberman cho biết: “Mọi người đều biết rằng phân biệt đối xử về quan điểm [sẽ] ‘làm tăng ám ảnh rằng chính phủ có thể thúc đẩy một số ý tưởng hoặc quan điểm nhất định ra khỏi công chúng một cách hiệu quả’. Tuy nhiên, sự đồng nhất về ý thức hệ trong giới truyền thông – hoặc trong các kênh phân phối thông tin – tạo ra nguy cơ kìm hãm một số ý tưởng nhất định từ ý thức cộng đồng, [cũng] chắc chắn giống như việc chính phủ hạn chế quyền tiếp cận [những quan điểm này]”.

    “Cần lưu ý rằng bước đầu tiên mà bất kỳ chế độ độc đoán hoặc độc tài tiềm tàng nào thực hiện là giành quyền kiểm soát thông tin liên lạc, đặc biệt là việc đưa tin”, thẩm phán nói thêm, “do đó, thật công bằng khi kết luận việc một đảng kiểm soát báo chí và truyền thông là mối đe dọa đối với sự tồn tại [của] nền dân chủ. Nó thậm chí có thể làm phát sinh chủ nghĩa cực đoan đối kháng”.

    Thẩm phán Silberman kết luận: “Tu chính án thứ nhất đảm bảo báo chí tự do thúc đẩy việc trao đổi sôi động các ý tưởng. Nhưng báo chí thiên vị có thể bóp méo thị trường. Và khi giới truyền thông đã chứng minh họ sẵn sàng… bóp méo [tin tức] ở mức cao, thì sẽ là một sai lầm sâu sắc khi bảo vệ các quy tắc pháp lý phi lý chỉ để nâng cao sức mạnh của báo chí”.

    Đây là vụ Tah kiện Global Witness Publishing, Inc., số 19-7132 tại Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ cho Quận Columbia Circuit.

    Li Ping: ĐCSTQ bị coi thường trước cuộc gặp Mỹ-Trung tại Alaska


    Cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao “2 + 2” Mỹ-Trung tại Alaska là cuộc gặp đầu tiên của các quan chức cấp cao hai nước sau 9 tháng, nó thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Theo cây viết Li Ping, thời gian và địa điểm của các cuộc đàm phán cho thấy Mỹ đang gây sức ép đối với Trung Quốc.

    DKN xin gửi tới quý độc giả phần chuyển ngữ nội dung chính bài viết của nhà báo Li Ping bình luận về cuộc đàm phán đáng chú ý này trên tờ Vision Times.

    Trước cuộc gặp quan trọng hai bên đã nói xấu nhau thay vì tạo không khí tốt và điều đó làm cho thế giới mất đi hy vọng phá tan tảng băng trong quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên điều đó đối với Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có vẻ không quan trọng lắm, bởi vì kết quả cuối cùng có như thế nào nó vẫn được coi là một thắng lợi cho chính sách ngoại giao của Tập Cận Bình đối với Mỹ.

    ĐCSTQ bị coi thường trước cuộc gặp


    Khi Tòa Bạch Ốc thông báo về cuộc gặp “2 + 2” của phái đoàn Trung-Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa về địa điểm và thời gian của cuộc gặp. Địa điểm được tổ chức trên lãnh thổ của Mỹ, nghĩa là sân nhà và sự chủ động thuộc về Mỹ, thời điểm là “sau khi chúng tôi đã gặp gỡ và tiến hành tham vấn chặt chẽ với các đối tác và bạn bè của chúng tôi ở châu Á và châu Âu”, tức là Trung Quốc chỉ được coi là quan hệ ngoại giao “hạng hai” và không phải là bạn của Mỹ. Điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất là mất mặt, giờ đây nó đã xảy ra.

    Điều đáng chú ý là hai hành động của Mỹ trước cuộc họp “2 + 2” đã khiến ĐCSTQ không khỏi “bẽ bàng”. Đầu tiên, các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ-Nhật đã ban hành một tuyên bố chung sau cuộc họp “2 + 2”, chỉ trích sự bành trướng của ĐCSTQ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và các vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương. Thứ hai là Mỹ đã đưa ra danh sách trừng phạt các quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông, nêu tên 24 quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông đang phá hoại quyền tự chủ của Hồng Kông.

    Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố chung Mỹ-Nhật và danh sách trừng phạt của Mỹ là oanh tạc các công ty Trung Quốc, chỉ trích “Mỹ là đế chế nghe lén, đế chế ăn cắp và tin tặc”. Tuy nhiên hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất của ĐCSTQ là Dương Khiết Trì và Vương Nghị, vẫn tham dự cuộc họp như đã định, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.

    Tìm cách tuyên truyền chiến thắng ngoại giao


    Vào 4/2017, sau khi Tập Cận Bình đến Sea Lake Estate ở Florida để có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Cựu Tổng Thống Trump, ông còn đi thăm Alaska rồi mới trở về Trung Quốc. Không ngờ, 4 năm sau, Alaska lại trở thành điểm khởi đầu cho các cuộc tiếp xúc cấp cao Trung- Mỹ dưới thời chính quyền Biden.

    Được biết trong cuộc họp lần này, phía Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và những hạn chế mà chính quyền của cựu Tổng Thống Trump đã áp đặt đối với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh video vào tháng tới với Mỹ. Con bài thương lượng mà ĐCSTQ đưa ra là hỗ trợ Mỹ chống lại bệnh viêm phổi Vũ Hán, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân và giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

    Trên thực tế, ĐCSTQ biết rằng những con bài mặc cả này không thể ngăn cản việc Mỹ bao vây ĐCSTQ về các vấn đề kinh tế, thương mại, quân sự và nhân quyền. Dù là hội đàm ngoại giao “2 + 2” hay hội nghị thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Biden vào tháng tới, đều sẽ không có kết quả thực chất.

    Tuy nhiên, ĐCSTQ rất cần những “cuộc đối thoại chiến lược” và “các hội nghị thượng đỉnh”, để thúc đẩy thắng lợi ngoại giao của Tập Cận Bình. Đối thoại trong các hội nghị thượng đỉnh là thắng lợi trong tư duy ngoại giao của Tập Cận Bình, nó “vượt qua lý thuyết quan hệ quốc tế của phương Tây trong hơn 300 năm” qua.

    Tập Cận Bình đã tuyên bố về chiến thắng vang dội trong cuộc chiến chống tham nhũng, chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh và chiến thắng chung cuộc trong cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn quốc. Về nội chính ông đã tự mở đường cho việc được bổ nhiệm lại làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch ĐCSTQ trong những năm tới.

    Nhà Trắng nói TT Biden vẫn ổn sau khi vấp ngã khi lên Air Force One


    Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn ổn sau khi vấp ngã trên các bậc thang trong khi ông leo lên chuyên cơ Air Force One ngày thứ Sáu, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên.

    Bà gợi ý rằng gió lớn tại Căn cứ Liên hợp Andrews gần Washington có thể là một yếu tố.

    “Bên ngoài gió rất mạnh,” bà Jean-Pierre nói khi được hỏi về việc ông bị vấp ngã. “Ông ấy ổn 100%.”

    Bà không nói liệu ông Biden đã được bác sĩ tháp tùng kiểm tra hay chưa sau vụ việc.

    Trong khi lên máy bay đi đến Atlanta, nơi ông sẽ nói chuyện với cộng đồng người Mỹ gốc Á về một vụ xả súng ở đó trong tuần này, ông Biden hơi loạng choạng khi bước lên tới khoảng phân nửa chiều dài cầu thang cao chừng 25 bậc, lấy lại thăng bằng, sau đó lại vấp ngã nữa và khuỵu gối trong một thời gian ngắn, theo những hình ảnh do video ghi lại.

    Tổng thống dường như xoa đầu gối trái của mình trước khi đứng dậy, sau đó đi lên hết cầu thang với tốc độ chậm hơn. Ông dừng lại ở đầu cầu thang, quay lại và giơ tay chào một cách dứt khoát.

    Vào cuối tháng 11, ông Biden bị nứt xương chân phải khi đang chơi với một trong những con chó của mình.

    Ở tuổi 78, ông Biden là người lớn tuổi nhất từng đảm nhận chức vụ tổng thống khi ông bước vào Nhà Trắng vào ngày 20 tháng 1.

    Khán giả quốc tế sẽ không được đến Nhật Bản xem Thế vận hội


    Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đã bị hoãn lại vào năm ngoái do đại dịch COVID-19. Theo lịch trình sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm nay.

    Khán giả quốc tế sẽ không được phép nhập cảnh Nhật Bản để xem Thế vận hội Olympic mùa hè này giữa những lo ngại của công chúng về virus corona, ban tổ chức cho biết vào ngày thứ Bảy.

    Khoảng 600.000 vé tham dự Olympic do cư dân nước ngoài mua sẽ được hoàn lại, cũng như 300.000 vé Thế vận hội Paralympic khác, Toshiro Muto, giám đốc điều hành của ủy ban tổ chức Tokyo 2020, cho biết trong một cuộc họp báo, theo Reuters.

    Ông từ chối cho biết số tiền hoàn lại sẽ là bao nhiêu.

    Thế vận hội Olympic đã bị hoãn lại vào năm ngoái do đại dịch COVID-19. Dù dịch bệnh bùng phát khiến dư luận không hào hứng về sự kiện này, cả ban tổ chức và Thủ tướng Yoshihide Suga đều tuyên bố sẽ xúc tiến tổ chức Thế vận hội.

    Quyết định không cho khán giả quốc tế nhập cảnh sẽ “bảo đảm Thế vận hội an toàn và an ninh cho tất cả những người tham gia và công chúng Nhật Bản,” ban tổ chức Tokyo 2020 nói trong một phát biểu sau cuộc đàm phán năm bên bao gồm chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, Thomas Bach, và đô trưởng Tokyo.

    “Những người tham gia Thế vận hội theo một cách nào đó có thể được phép nhập cảnh, trong khi những du khách thông thường sẽ không thể,” ông Muto của ban tổ chức Tokyo 2020 nói.

    Ông cho biết chi phí từ việc hủy bỏ đặt phòng khách sạn sẽ không được bao trả. Ban tổ chức cũng có thể xem xét cắt giảm số lượng nhân viên sẽ tham gia Thế vận hội.

    Thế vận hội theo lịch trình diễn ra từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 và Paralympic từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 5 tháng 9.

    Các cuộc khảo sát trên truyền thông cho thấy phần lớn công chúng Nhật Bản tỏ ra cảnh giác với việc cho khán giả quốc tế đến xem Thế vận hội trong khi đất nước đang chật vật ứng phó với giai đoạn cuối của đợt bùng phát dịch thứ ba, Reuters cho biết.

    Một Thế vận hội không có khán giả nghĩa là chính phủ sẽ không được hưởng lợi từ sự bùng nổ du lịch mà họ đã trông đợi từ lâu. Nhật Bản ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là từ Châu Á, để vực dậy nền kinh tế nội địa của mình.

    Giống như các quốc gia khác, ngành du lịch đã điêu đứng vì đại dịch và các khách sạn và nhà hàng của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề, theo Reuters.

    Hoa Kỳ có thể giải quyết khủng hoảng biên giới phía Nam bằng cách đưa người lên phía Bắc



    Theo Washington Post, chính quyền ông Biden dự định bắt đầu đưa một số người di cư từ biên giới phía Nam (giáp với Mexico) lên phía Bắc (giáp với Canada), rời xa biên giới này và tiến gần tới biên giới khác.

    Phóng viên của Washington Post, Nick Miroff đưa tin, một số người vượt biên trái phép sẽ sớm được bay miễn phí tới các tiểu bang phía Bắc:

    “Sự gia tăng đột biến mới về số lượng gia đình và trẻ em vượt sông Rio Grande vào Nam Texas trong vài giờ qua đang buộc Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ yêu cầu Chính quyền Biden cho phép các máy bay vận chuyển người di cư đến các tiểu bang gần biên giới Canada để xử lý”, Miroff cho biết.

    Tờ báo trích dẫn lời hai quan chức tại Bộ An ninh Nội địa trong bài viết, cũng như một email đã được cơ quan này xem xét.

    Mặc dù báo cáo không nêu rõ có bao nhiêu người nhập cư có thể được di dời khỏi phía Tây Nam, nhưng đối với những người Mỹ sống dọc biên giới Canada, cuộc khủng hoảng có thể sẽ sớm ở rất gần quê nhà. Và điều này đang làm dấy lên lo ngại về việc những người nhập cư này sau đó có thể tiếp tục tràn qua biên giới và vào Canada một lúc nào đó.

    Reuters đưa tin vào tháng Giêng rằng Canada đang tích cực trục xuất hàng nghìn người, bất chấp những lời chỉ trích không nên làm như vậy trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

    Đất nước này có thể sớm phải đối mặt với những người nhập cư từ Mexico và Trung Mỹ sẽ được Hoa Kỳ đưa thẳng tới dọc theo biên giới của mình. Làm sao tránh khỏi việc họ nhập cảnh bất hợp pháp vào quốc gia đó và tạo ra một cuộc khủng hoảng biên giới phía Bắc?

    Còn quá sớm để suy đoán về việc liệu việc xử lý nhập cư không hiệu quả của ông Biden có dẫn đến thảm họa nhập cư giữa hai quốc gia hay không. Tuy nhiên, ý tưởng này không quá xa vời. Ông Biden có thể là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên khiến cả 2 quốc gia láng giềng ở biên giới hai đầu đất nước phải đồng thời đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có.

    Chuyên gia: Sự hung hăng của Dương Khiết Trì sẽ giúp chính quyền Biden ‘tỉnh ngộ’ về ĐCSTQ


    Trong cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao đầu tiên Mỹ-Trung ở Alaska, phái đoàn Hoa Kỳ bất ngờ gặp phải kiểu ngoại giao chiến lang từ đối phương. Chuyên gia nói rằng những ngôn luận hung hăng của Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Dương Khiết Trì sẽ giúp Biden thấy rõ rằng ông ta không cách nào có thể hợp tác với ĐCSTQ, theo Epoch Times.

    Hôm thứ Năm (18/3), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã có cuộc gặp tại Alaska với Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

    Brinken và Dương Khiết Trì đối đầu công khai bằng những lời lẽ gay gắt. Theo thỏa thuận, mỗi bài phát biểu của quan chức mỗi bên chỉ dài tối đa hai phút, nhưng mỗi bài phát biểu của Dương Khiết Trì kéo dài tới 17 phút; khiến phái đoàn ngoại giao Mỹ không khỏi bị sốc. Các quan chức Mỹ sau đó tuyên bố rằng các đại diện Trung Quốc đang chiếm sân khấu để biểu diễn cho quần chúng ở Trung Quốc đại lục xem.

    James Jay Carafano, phó chủ tịch nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nói với The Epoch Times rằng tư thế hung hăng của ĐCSTQ trước các cuộc đàm phán chính thức khẳng định rằng, họ vẫn quán triệt chính sách ngoại giao “chiến lang” đã nổi lên trong năm qua.

    Calafano nói rằng trong vài tháng qua, nhiều hành động của ĐCSTQ – bao gồm cả việc che đậy đại dịch, đàn áp nền dân chủ của Hồng Kông và các mối đe dọa do các công nghệ Trung Quốc như Huawei gây ra – đã gây ra phản ứng toàn cầu.

    “Phản ứng của họ [ĐCSTQ] là cố gắng củng cố quyền lực của mình theo cách này”, ông Calafano nói. “Nếu chính phủ Mỹ muốn họ tuân theo các quy tắc của mình khi họ đến đây, tôi nghĩ điều đó thật là ngây thơ”.

    Carafano nói rằng ông tin rằng hành vi “sói chiến” của các nhà ngoại giao ĐCS Trung Quốc sẽ giúp chính quyền Biden nhận ra rằng không có chỗ cho sự hợp tác với ĐCSTQ.

    Brinken trước đây đã từng tuyên bố rằng mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc sẽ là “cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu khi cần thiết”.

    Calafano nói: “Hiện thực tồn tại trên tất cả các vấn đề then chốt, là hai nước Trung – Mỹ đang tồn tại những quan điểm phi thường bất đồng. Điều lành mạnh nhất và mang tính xây dựng nhất là thừa nhận điểm này”.

    Gordon Chang, một chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả cuốn “Trung Quốc sắp sụp đổ”, nói rằng các quan chức ĐCSTQ đến Alaska không phải để đối thoại với chính quyền Biden, mà là để chế định điều kiện.

    Gordon Chang nói với Epoch Times trong một e-mail: “Hiện tại, chế độ [ĐCSTQ] vẫn rất kiêu ngạo”. Ông nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang tuyên truyền câu chuyện rằng “phương Đông đang trỗi dậy, và phương Tây đang suy vong”, nhằm mục đích mở rộng quyền lực trong và ngoài nước của mình trong thế giới hậu COVID.

    Gordon Chang nói: “Nếu [ĐCSTQ] nhượng bộ lớn đối với Hoa Kỳ sẽ làm tổn hại sức mạnh quốc gia của họ và đe dọa chế độ của Tập Cận Bình”.

    Ông cũng chỉ trích chính quyền Biden bày tỏ thiện chí hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí hạt nhân. “Thật không may, Biden vẫn chưa nhận ra rằng Trung Quốc Cộng sản và nước Mỹ dân chủ sẽ không có cách nào cùng tồn tại lâu dài”, ông Chang nói. “Đúng như chúng tôi nghĩ, được thúc đẩy bởi một ý thức hệ yêu cầu tất cả mọi người đều phải tuân thủ nó, [ĐCS] Trung Quốc – một tập đoàn thống trị bất an và quân phiệt, vốn dĩ không tương dung với sự ổn định”.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào