Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 28 tháng 02 năm 2021

    Chính quyền Biden tiếp tục áp dụng quy định thời Trump nhắm vào công ty công nghệ TQ
    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 28 tháng 02 năm 2021

    Chính quyền Biden dự định cho phép áp dụng một quy định từ thời Trump nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ Trung Quốc bị coi là đề ra mối đe dọa đối với Mỹ bất chấp phản đối của các doanh nghiệp Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ cho biết ngày thứ Sáu.

    Bộ đã ban hành quy định cuối cùng tạm thời trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump nhằm giải quyết những lo ngại về chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và truyền thông và cho biết quy định này sẽ có hiệu lực sau khoảng thời gian 60 ngày lấy ý kiến công chúng.

    Ngày thứ Sáu, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại cho biết trong một phát biểu rằng bộ sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến của công chúng về quy định này cho đến ngày 22 tháng 3, khi nó đi vào hiệu lực.

    “Công nghệ và dịch vụ thông tin và truyền thông đáng tin cậy là thiết yếu đối với an ninh quốc gia và kinh tế của chúng ta và vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden Harris,” phát biểu nói.

    Phòng Thương mại Hoa Kỳ và các hội đoàn đại diện các ngành công nghiệp lớn đã nêu lo ngại trong một bức thư gửi Bộ Thương mại vào tháng Một rằng quy định tạm thời này cho bộ “thẩm quyền gần như vô hạn để can thiệp vào hầu như bất cứ giao dịch thương mại nào giữa các công ty Mỹ và các đối tác nước ngoài của họ liên quan đến công nghệ, với ít hoặc không có trình tự pháp lý, trách nhiệm giải trình, sự minh bạch hoặc sự phối hợp với các chương trình khác của chính phủ.”

    Business Roundtable, một tổ chức đại diện các giám đốc điều hành lớn của Mỹ, trước đó nói đề xuất này “ở hình thức hiện thời không khả thi đối với các doanh nghiệp Mỹ.”

    Báo The Wall Street Journal đưa tin đầu tiên về kế hoạch này của chính quyền Biden.

    Trong khi Bộ Thương mại vẫn đang tiếp nhận ý kiến của công chúng, bộ vẫn có thể sửa đổi quy định dựa trên những phản đối của các doanh nghiệp và những người khác.

    Miến Điện : Cảnh sát bắn vào biểu tình chống đảo chính, nhiều người bị chết

    Theo các nguồn tin y tế và chính trị tại chỗ, sáng Chủ Nhật 28/02/2020 cảnh sát Miến Điện đã nổ súng vào đoàn người biểu tình tại Rangoon và Dawei làm ít nhất 5 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

    Hãng tin Anh Reuters trích lời một quan chức tại thành phố Dawei ở miền nam Miến Điện, lực lượng an ninh đã nổ súng vào đoàn người tuần hành làm ít nhất ba người tử vọng. Báo chí địa phương và một số tổ chức phi chính phủ cho biết đã có ít nhất ba người chết tại các thành phố Bago và Mandalay ở miền trung Miến Điện.

    Riêng tại Rangoon, một bệnh nhân bị trúng ạn đã qua đời tại bệnh viện, nạn nhân thứ nhì thiệt mạng là một phụ nữ tham gia cuộc tuần hành của giới giáo chức. Cảnh sát ném lựu đạn vào người đoàn biểu tình.

    Thông tín viên đài RFI vào sáng sớm nay tường thuật về các diễn biến tại chỗ và không loại trừ khả năng tình hình xấu đi trong ngày :

    « Trong căn hộ nơi cô đang trú ẩn kể từ khi cảnh sát bắn vào đoàn tuần hành mà cô đã tham gia, Kaii chỉ vào chiếc áo đầm hoa đang mặc. Cô giải thích ăn mặc như thế này để đánh lừa cảnh sát rằng cô gái trẻ tuổi này là một bà nội trợ trong gia đình chứ không phải là một người đi biểu tình và như vậy không bị để ý tới.

    Vài phút trước đó đoàn tuần hành của các sinh viên ban ngôn ngữ học là mục tiêu tấn công của cảnh sát. Lựu đạn nổ inh tai, đinh óc. Cảnh sát dùng đạn cao su bắn vào người biểu tình. Toán sinh viên như ong vỡ tổ và một vài người như Kaii tìm được chỗ trú ẩn trong nhà của dân cư tại đây. Trên con đường ngay dưới chân chung cư Kaii đang trốn, người ta đã điều đình được với cảnh sát để trả tự do cho một người biểu tình.

    Bầu không khí có vẻ dịu xuống được một chút. Một giờ sau, một đoàn biểu tình khổng lồ bao gồm từ các thành phần luật sư đến kỹ sư, sinh viên… một cách ôn hòa đã len lỏi trên những con lộ còn ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát Miến Điện.

    Thế nhưng ở khu vực phía bắc thành phố Rangoon, tình hình căng thẳng hơn nhiều. Cảnh sát bắn vào cả trăm người biểu tình. Theo lời những người trong cuộc, đã có nhiều người bị thương và ít nhất một nạn nhân thiệt mạng. Ngày Chủ Nhật mới chỉ bắt đầu. Không biết là đoàn tuần hành sẽ có bị giải tán hay không ».

    Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc bị sa thải


    Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun bị sa thải với lý do “phản bội đất nước”. Quyết định này được chính quyền quân sự Myanmar đưa ra một ngày sau khi ông Tun phát biểu phản đối cuộc đảo chính tại quê nhà, theo Reuters.

    Đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV cho biết trong thông cáo sa thải đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun tại Liên Hợp Quốc ngày 27/2:

    “Ông ấy đã phản bội đất nước, phát biểu cho một tổ chức không chính thức và không đại diện cho đất nước, đồng thời lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ”.

    Đại sứ Kyaw Moe Tun hôm 26/2 phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế “hành động mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ”.

    Kyaw Moe Tun nhấn mạnh ông sẽ sát cánh cùng những người tiếp tục “đấu tranh cho chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, đồng thời kết thúc bài phát biểu bằng cách giơ ba ngón tay, một biểu tượng thường xuyên xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar. Bài phát biểu của ông được đại sứ từ các nước phương Tây và Hồi giáo vỗ tay tán thưởng.

    Reuters đưa tin, ngày 27/2, cảnh sát ở Myanmar đã phát động cuộc đàn áp quy mô nhất trong ba tuần biểu tình phản đối quân đội đảo chính trên toàn quốc, bắt giữ hàng trăm người và bắn bị thương ít nhất một người.

    Vĩnh biệt nhà nguyện dòng Franciscaines – hồi ức đẹp của Đà Lạt


    Nhà nguyện dòng Franciscaines hiện đang bị tháo dỡ đang khiến nhiều người tiếc nuối bởi kỷ niệm gắn bó tại nơi này.

    Đây cũng là ‘tu viện bỏ hoang’ tại Đà Lạt từng trở thành địa điểm ‘hot’ bởi kiến trúc mang hơi hướng Châu Âu đầy ma mị.

    Nhà Nguyện thuộc sự quản lý của trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM, số 20, đường Hùng Vương, phường 10, thành phố Đà Lạt.

    Hiện tại, công trình đã đi vào giai đoạn tháo dỡ những phần kết cấu bên ngoài, những đoạn bị hư hỏng nặng, san lấp mặt bằng…,

    Theo tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có đề cập trong bài Như một khúc linh ca (tập biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù, Phanbook & NXB Phụ nữ, 2019), công trình nhà nguyện và đan viện Benedict (Biển Đức) được hai kiến trúc sư Alexandre Leonard và Paul Veysseyre thiết kế vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, thời cha Romain Guilauma làm đan viện phụ. Công trình ghi dấu chân đầu tiên của dòng Benedict tại Việt Nam, một lịch sử thánh hiến đặc biệt.

    Alexandre Leonard và Paul Veysseyre là hai kiến trúc sư quan trọng, thiết kế đa số dinh thự, biệt thự Đà Lạt trong đầu thập niên 1940.

    Năm 1954, dòng Benedict chuyển ra Huế, công trình này được nhượng lại cho các nữ tu dòng Franciscaines. Do nhu cầu mở rộng cơ sở giáo dục, dạy nghề và nội trú, các soeur dòng Franciscaines đã xây thêm dãy phòng học phía sau. Bản thiết kế khu trường học Franciscaines Missionnaires de Marie do Kiến trúc sư Phạm Khánh Chù thực hiện năm 1961.

    Như vậy, quần thể kiến trúc này một lần nữa, gắn với một tên tuổi quan trọng của kiến trúc miền Nam.

    Tu viện có diện tích khoảng 7 ha, gồm nhà nguyện và khu nội viện được xây dựng theo kiến trúc Gothic. Ngoài việc truyền đạo, tu viện tham gia khám bệnh và chăm sóc cho trẻ em, dạy học cho trẻ từ mẫu giáo tới lớp 5.

    Từ năm 1966, tu viện bắt đầu thực hiện chuyên môn giáo dục, trở thành ngôi trường chuyên đào tạo kế toán, thư ký. Khoảng 3 năm sau, tu viện chính thức trở thành trường Thương mại Việt Nữ. Để đáp ứng nhu cầu học viên, tu viện xây dựng thêm hai khối nhà mới gồm nhà học và khu nội trú theo phong cách kiến trúc hiện đại bên cạnh các công trình cũ.

    Đến năm 1979, trường học cùng tu viện đóng cửa do các nữ tu ngoại quốc về nước và nữ tu người Việt chuyển đến cộng đoàn khác, toàn bộ tu viện được bàn giao cho nhà nước.

    Sau khi tu viện đóng cửa, hai khu nhà lớn được chuyển thành cơ sở cho trường Bổ túc Văn hóa rồi làm khách sạn Lâm Viên, thành trường THPT Trần Phú. Nhà nguyện cổ và khu nội viện được dùng làm nhà kho, phòng học thể dục. Khoảng năm 2000, trường học Trần Phú được xây dựng mới, các công trình nơi đây bị bỏ hoang.

    Malaysia không vội phê duyệt vaccine của Trung Quốc

    Theo Bloomberg, Malaysia nhận lô vaccine viê phổi Vũ Hán từ hãng Sinovac, Trung Quốc, vào ngày 27/2. Số vaccine này sẽ được chia thành 300.000 liều, và cần được kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng.

    Tại cuộc họp báo vào ngày 27/2, ông Khairy Jamaluddin – Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia – cho biết lô vaccine Sinovac được chuyển đến với số lượng lớn để cơ quan quản lý có thể kiểm tra tính ổn định, qua đó bảo đảm rằng vaccine này an toàn.

    “Chúng tôi biết loại vaccine này được sử dụng ở những đâu trên thế giới, nhưng chúng tôi cũng có cơ quan quản lý riêng. Quan điểm của chính phủ Malaysia là sẽ khai triển dựa vào đánh giá của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia”, ông Khairy Jamaluddin nói.

    Bộ trưởng này nói chính phủ rất muốn vaccine được duyệt càng nhanh càng tốt, nhưng ông cũng khẳng định “không đi đường tắt” để thúc đẩy việc phê chuẩn.

    Pharmaniaga Bhd là đơn vị chịu trách nhiệm đóng gói và phân phối lô vaccine Sinovac ở Malaysia. Đơn vị cho biết quá trình thẩm định lô vaccine của Trung Quốc sẽ bắt đầu vào ngày 1/3, và dự kiến hoàn thành trong 12 ngày.

    Cho tới nay, Pfizer vẫn là nhà sản xuất duy nhất được chính phủ Malaysia chấp thuận để vaccine của hãng này được đưa vào sử dụng.

    Ả-rập Saudi bác bỏ báo cáo tình báo của Mỹ về vụ sát hại Khashoggi

    TƯ LIỆU - Thái tử Saudi Mohammed bin Salman tham dự một sự kiện tại đường đua Quốc vương Abdul Aziz ở Riyadh, Ả-rập Saudi, ngày 20 tháng 2, 021.

    Ả-rập Saudi nói họ bác bỏ hoàn toàn một thẩm định báo cáo tình báo của Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman đã chấp thuận vụ sát hạt nhà báo Jamal Khashoggi, gọi thẩm định này là “tiêu cực, sai lầm và không thể chấp nhận được.”

    Người cai trị trên thực tế của Ả-rập Saudi đã chấp thuận một vụ bắt giữ hoặc hạ sát người chuyên viết bài bình luận của báo The Washington Post vào năm 2018, báo cáo của Mỹ nói, trong khi Mỹ chế tài một số người liên quan nhưng không phải thái tử.

    “Chính phủ Vương quốc Ả-rập Saudi bác bỏ hoàn toàn đánh giá trong báo cáo liên quan đến lãnh đạo của Vương quốc, và lưu ý rằng báo cáo chứa những thông tin và kết luận không chính xác,” Bộ Ngoại giao Ả-rập Saudi nói trong một phát biểu do cơ quan thông tấn nhà nước SPA đăng tải.

    “Tội ác do một nhóm cá nhân gây ra đã vi phạm tất cả các quy định có liên quan... và lãnh đạo của vương quốc đã thực hiện các bước cần thiết để bảo đảm rằng thảm kịch như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa,” phát biểu của bộ ngoại giao cho biết thêm.

    Năm ngoái một tòa án Ả-rập Saudi đã bỏ tù tám người từ bảy đến 20 năm vì tội sát hại ông Khashoggi sau khi gia đình ông tha thứ cho những kẻ giết ông và cho phép bỏ qua án tử hình.

    Ông Khashoggi, một người chỉ trích thái tử, được nhìn thấy lần cuối tại lãnh sự quán Ả-rập Saudi ở Istanbul vào ngày 2 tháng 10 năm 2018, nơi ông đến để lấy tài liệu cho đám cưới sắp diễn ra của ông. Thi thể của ông đã bị phân thành mảnh rời và đưa ra khỏi tòa nhà và di hài của ông vẫn chưa được tìm thấy.

    Vụ sát hại đã gây phẫn nộ toàn cầu và làm hoen ố hình ảnh của Thái tử Mohammed có chủ trương cải cách, và làm căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ và nước đồng minh Ả-rập thân cận nhất.

    “Bộ Ngoại giao khẳng định rằng quan hệ đối tác giữa Vương quốc Ả-rập Saudi và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là một quan hệ đối tác vững mạnh và trường tồn,” phát biểu nói.

    Covid-19 Vaccine tiêm một mũi Johnson & Johnson được Mỹ chấp thuận

    Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine của Johnson & Johnson.

    Hoa Kỳ đã chính thức phê duyệt vaccine phòng ngừa virus corona của Johnson & Johnson. Đây là loại vaccine thứ ba được quốc gia này cấp phép.

    Vaccine này được cho là một giải pháp đỡ tốn kém hơn vaccine của Pfizer và Moderna, và có thể được bảo quản trong tủ lạnh thay vì chuyên chở bằng tủ đông.

    Các thử nghiệm cho thấy vaccine của Johnson & Johnson ngăn ngừa được những trường hợp nhiễm bệnh nghiêm trọng, và có hiệu quả tổng thể 66% khi tính cả các trường hợp bị nhiễm vừa phải.

    Mỹ là quốc gia đầu tiên phê chuẩn vaccine này do công ty Janssen của Bỉ sản xuất.

    Công ty Johnson & Johnson đồng ý cung cấp cho Mỹ 100 triệu liều vào cuối tháng Sáu. Vương quốc Anh, EU và Canada cũng đã đặt hàng, và 500 triệu liều cũng đã được đặt qua cơ chế Covax để cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn.

    Tình hình ở Mỹ ra sao?

    Khoảng 72,8 triệu người Mỹ đã được chủng ngừa và khoảng 1,3 triệu liều đang được tiêm trên toàn nước Mỹ mỗi ngày. Tổng thống Biden cam kết sẽ cho 100 triệu người chích ngừa trong 100 ngày đầu cầm quyền.

    Hơn 508.000 người ở Mỹ đã chết vì Covid, nhưng hiện các trường hợp bị nhiễm mới, nhập viện và tử vong đều có xu hướng giảm trong vài tuần qua.

    Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu vẫn tiếp tục cảnh báo rằng các đột biến của virus vẫn có thể đe dọa mức ngăn ngừa virus đã đạt được cho đến nay.

    ĐCSTQ cấm dứa Đài Loan, cư dân mạng quốc tế nói hãy bán cho chúng tôi

    Dứa Đài Loan đang vào mùa thu hoạch cao điểm. Tuy nhiên, Trung Quốc vào ngày 26/2 bất ngờ thông báo sẽ tạm ngừng nhập khẩu dứa Đài Loan từ này 1/3 với lý do mặt hàng này có các sinh vật gây hại, theo Epoch Times
    Phản ứng trước quyết định của phía Trung Quốc, Chen Jizhong, Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, chỉ trích động thái này hoàn toàn không đúng sự thật, sai trái và không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

    Thị trưởng Đài Nam Huang Weizhe cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng ông “không ngạc nhiên” trước quyết định chính trị này, đồng thời nhấn mạnh nếu Trung Quốc đại lục không mua thì ông bán dứa cho thế giới.

    Bộ Ngoại giao Đài Loan và Tổng thống Thái Anh Văn sau đó đã chia sẻ về dứa của Đài Loan trên Twitter.

    Đáp lại, dưới các bài đăng liên quan, cư dân mạng đã để lại lời nhắn: “Gửi đến Canada.” “Hãy bán cho Cộng hòa Séc. Dứa ở đây không ngon”. “Bán cho Canada hoặc Hàn Quốc; theo tôi là xuất khẩu sang các nước khác, tại sao lại không làm thế này?”. “Bán cho Nhật, họ sẽ trả giá gấp 3; bán cho Canada, tôi sẵn sàng trả gấp 4 lần. “Tôi hy vọng chúng tôi có thể mua chúng ở Đức.” “Bán chúng cho Đan Mạch!” “Bán chúng cho Ấn Độ.” “Tôi rất vui khi mua được một tá! Bạn có ship đi Pháp, hay mở cửa khẩu cho tôi đi Đài Loan? “Gửi cho tôi, tôi đang ở London.” “Đừng lo, hầu hết người Hồng Kông và người dân ở tất cả các nước tự do đều thích trái cây Đài Loan.”


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào