Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 02 tháng 3 năm 2021

    Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận kéo dài một tháng
    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 02 tháng 3 năm 2021

    Ngày 1/3/2021, Trung Quốc bắt đầu cuộc diễn tập kéo dài một tháng tại khu vực có bán kính khoảng 5km về phía tây bán đảo Lôi Châu nhằm xây dựng quân đội Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại trong bối cảnh Mỹ và các nước tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Thông báo phát đi bởi Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cảnh báo rằng các tàu khác không nên đi vào khu vực này trong tháng 3.

    Khu vực tập trận kéo dài 1 tháng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

    Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 1/3: “Chúng ta sẽ không để mất một tấc đất nào do tổ tiên để lại cho chúng ta”. “Chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định của Biển Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tạo ra căng thẳng và tăng cường hiện diện quân sự dưới danh nghĩa tự do hàng hải”.

    Ngoài cuộc tập trận gần khu vực bán đảo Lôi Châu, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, Bộ Tư lệnh 3 quân khu miền Bắc, miền Đông và miền Nam đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông trong những ngày vừa qua.

    Biển Đông: Căng thẳng leo thang khi diễn tập bắn đạn thật


    Đài Loan thông báo, họ sẽ tổ chức các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông vào ngày 9/3 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.

    Hãng tin Express của Anh dẫn tin Cục cảnh sát biển Đài Loan (CGA) cho biết, các cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ được tổ chức trên đảo Đông Sa (Pratar) do Đài Loan kiểm soát. CGA cũng đưa ra thông báo rằng, một cuộc diễn tập bắn đạn thật tương tự cũng đã được thực hiện vào thứ Hai (1/3).

    Thông báo cũng đưa ra cảnh báo đối với các tàu hải quân và máy bay, trước khi Đài Loan bắt đầu diễn tập vào lúc 8 giờ sáng.

    Cả hai đợt tập trận đều có vùng nguy hiểm dự kiến cách đảo 8 hải lý và độ cao tầm đạn là 12.000 feet.

    Các cuộc tập trận bắn đạn thật này là một phần trong các cuộc tập trận theo lịch trình của CGA cho quý 1 năm 2021.

    Trong những tháng gần đây, máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm phạm không phận gần quần đảo Đông Sa gần như hàng ngày. Đã có sự gia tăng hoạt động lớn tại khu vực phía tây nam của Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

    Tình hình ở Myanmar ngày càng căng thẳng

    Đó là ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính. Hôm Chủ nhật, binh sĩ Myanmar đã nã đạn vào đám đông biểu tình trên khắp đất nước, khiến 18 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình suốt kể từ ngày 1 tháng 2, thời điểm quân đội lật đổ chính quyền dân sự và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước. Chính quyền quân sự, với cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng của bà [Suu Kyi] chiến thắng có gian lận, đã hủy bỏ kết quả và buộc tội bà Suu Kyi bốn tội danh, trong đó có sai phạm trong nhập khẩu máy bộ đàm.

    Vốn nổi tiếng đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong quá khứ, lần này quân đội phản ứng trước các cuộc biểu tình với sự kiềm chế tương đối, khi chỉ dùng vòi rồng và đạn cao su. Nhưng khi hàng nghìn công nhân đình công, khiến nền kinh tế đi vào bế tắc, chính quyền đang ngày càng mất kiên nhẫn. Lực lượng an ninh đang cố gắng tránh dùng vũ lực gây chết người. Tuy nhiên, dù có đổ máu, người biểu tình vẫn không hề có dấu hiệu lùi bước.

    Tòa Tối cao Mỹ xem xét vụ kiện về quy trình bầu cử ở Arizona


    Hôm nay, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét các quy tắc có thể khiến một số người dân Arizona khó bỏ phiếu hơn. Trọng tâm là điều 2 của Đạo luật Quyền Bầu cử (VRA), theo đó cấm các hoạt động bỏ phiếu dẫn đến “sự từ chối hoặc thu hẹp quyền của bất kỳ công dân nào… được bỏ phiếu, vì lý do chủng tộc hay màu da”. Các đảng viên Dân chủ nói các quy tắc cấm thu thập phiếu bầu và không tính các lá phiếu được nộp sai ở đơn vị bầu cử ở Arizona là “[các] công cụ mang tính phân biệt chủng tộc nhằm đàn áp các phiếu bầu thiểu số”.

    Đảng Cộng hòa phủ nhận. Họ cho rằng điều 2 không cho phép các vụ kiện chỉ dựa trên lý do phân biệt đối xử. Các quy tắc bỏ phiếu được đề cập có thể không quá nghiêm trọng như những người phản đối nói. Ngay cả chính quyền Biden cũng không có vấn đề gì với các quy tắc này. Nhưng nếu vụ kiện Brnovich v Ủy ban Quốc gia Dân chủ làm suy yếu điều 2 — tám năm sau khi tòa án loại bỏ một công cụ chính sách phân biệt đối xử khác trong VRA — thì điều đó có thể mở đường cho một loạt các hạn chế bỏ phiếu nghiêm trọng đang gấp rút được các bang thông qua sau cuộc bầu cử năm 2020.

    Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch nhân quyền

    Những năm gần đây Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước ủng hộ nhiệt tình cho nhân quyền. Kể từ năm 2016, sau cuộc đảo chính thất bại, hàng chục nghìn quan chức, giáo viên và nhà hoạt động người Kurd đã bị cảnh sát vây bắt, thường với những cáo buộc kỳ lạ. Với Joe Biden ở Nhà Trắng, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách cải thiện danh tiếng của mình. Hôm nay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ công bố một “kế hoạch hành động nhân quyền” mới.

    Chẳng ai mong đợi gì. Những lời hứa cải cách dân chủ đã đến và đi trong vài năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ các phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, bao gồm cả phán quyết yêu cầu trả tự do cho Osman Kavala, một doanh nhân kiêm nhà từ thiện, và Selahattin Demirtas, một chính trị gia cao cấp người Kurd. Chừng nào hai tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của đất nước vẫn còn ngồi sau song sắt, kế hoạch nhân quyền của ông Erdogan sẽ chẳng có giá trị bằng tờ giấy nơi nó được viết lên.

    Giám đốc FBI điều trần trước Quốc hội Mỹ


    Christopher Wray, giám đốc FBI, hôm nay sẽ lần đầu tiên ra điều trần trước Quốc hội kể từ vụ bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1. Các ủy ban Hạ viện và Thượng viện đã tổ chức các cuộc điều trần về thiếu sót an ninh xung quanh vụ tấn công; vào ngày 23 tháng 2, họ đã nghe điều trần từ các cựu quan chức an ninh hàng đầu của mỗi viện.

    An ninh vẫn được thắt chặt xung quanh Điện Capitol, và tuần trước Yogananda Pittman, quyền Cảnh sát trưởng Điện Capitol, cảnh báo Quốc hội rằng mối đe dọa từ những kẻ khủng bố trong nước vẫn còn cao. Chính quyền Biden đã hứa tăng cường chú ý vào mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan trong nước. Bộ Tư pháp cũng công bố các khoản tài trợ đáng kể nhằm giúp các chính quyền bang và địa phương chống lại chủ nghĩa cực đoan trong nước, mặc dù các nhà lập pháp vẫn còn chia rẽ về trọng tâm của vấn đề. Đảng Cộng hòa muốn chú ý nhiều hơn đến mối đe dọa từ Antifa, tức các nhà hoạt động chống phát xít, và những người khác mà họ coi là cánh tả cực đoan, trong khi Đảng Dân chủ muốn tập trung vào những kẻ đã tấn công Điện Capitol.

    Tình hình lạm phát ở Đức và châu Âu

    Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào số liệu công bố hôm nay về lạm phát ở khu vực đồng euro. Các số liệu của tháng trước khiến những người Đức vốn không ưa lạm phát rất lo lắng. Vào tháng 1, lạm phát giá tiêu dùng trong khối đã đạt mức cao nhất trong 11 tháng là 0,9%, tăng so với mức -0,3% của tháng 12. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố xuất hiện một lần, chẳng hạn như chi phí năng lượng tăng 3,8%, thay vì phục hồi của nhu cầu cơ bản, vì nhiều cửa hàng, nhà hàng và địa điểm giải trí của khối vẫn đóng cửa vì covid-19.

    Giá tiêu dùng tăng đặc biệt mạnh ở Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, nơi mà một đợt giảm thuế bán hàng tạm thời đã được xóa bỏ vào ngày 31 tháng 12. Mức tăng hôm nay khả năng cao là khiêm tốn. Bài thử thực sự sẽ là khi nền kinh tế mở cửa trở lại trong bối cảnh giá cả trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi giãn cách xã hội, chẳng hạn như khách sạn và các kỳ nghỉ trọn gói, có khả năng tăng cao vì nhu cầu dồn nén.

    Việt Nam tái đề cử ứng viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế

    Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc tại New York và Genève đã gửi công hàm đến Liên hợp quốc và các quốc gia, thông báo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tiếp tục ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023–2027, chính thức khởi động chiến dịch vận động tái tranh cử của thành viên Việt Nam vào cơ quan pháp lý quan trọng của Liên hợp quốc.

    Năm 2016, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế.

    Thời báo Hoàn Cầu nói xây dựng đập ở thượng nguồn MeKong giúp giảm bớt khô hạn cho hạ lưu

    Mỹ mới đây đã nêu lên những lo ngại về mực nước sông MeKong đang giảm” sau khi Ủy ban sông Mekong (MRC) bày tỏ lo ngại rằng mực nước sông đã xuống “mức báo động” nguyên nhân là do việc kiểm soát nước ở các đập thượng nguồn của Trung Quốc. Tuy nhiên tờ Hoàn cầu thời báo ngay lập tức phản ứng và nói rằng việc xây dựng đã giúp giảm bớt khô hạn cho hạ lưu.

    Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã nêu lên “những lo ngại về mực nước sông MeKong đang giảm”, trong một dòng tweet vào ngày 23 tháng 2, theo Global Times.

    Lo ngại của quan chức chính quyền Biden được đưa ra sau khi MRC vào giữa tháng 2 bày tỏ lo ngại rằng mực nước sông đã xuống “mức báo động” do việc kiểm soát nước ở các đập thượng nguồn của Trung Quốc. MRC cho biết mực nước thấp hơn gây nguy hiểm cho sinh kế của người dân vùng hạ lưu trong đó có Việt Nam.

    Tuy nhiên, Hoàn Cầu thời báo hôm 1/3 nói rằng, tuyên bố này đã không phản ánh đầy đủ các sự kiện và kết luận khoa học và đã bỏ qua những đóng góp của các dự án thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn.

    Tờ báo này nói rằng dữ liệu trong 2 tháng qua, tại trạm Jinghong, một trong những trạm thủy điện chính trên sông Lancang, nửa trên của sông Mekong, đã xả nhiều nước hơn tốc độ dòng chảy tự nhiên trung bình của sông được ghi nhận.

    Tờ Hoàn cầu thời báo còn cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các con đập ở thượng nguồn sông MeKong giúp giảm bớt tình trạng khô hạn ở hạ lưu.

    Vương quốc Anh cải cách bầu cử vì những lo ngại từ tuyển cử Mỹ 2020?


    Vision Times đưa tin, nhằm ngăn chặn gian lận phiếu bầu, Chính phủ Anh có kế hoạch sử dụng ID cử tri bắt buộc đối với các cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2023. Đây được xem là một trong những cải cách bầu cử quan trọng nhất của đất nước này trong những năm gần đây.

    Nếu được thông qua, cử tri sẽ được yêu cầu xuất trình một số loại giấy tờ tùy thân tại điểm bỏ phiếu, chẳng hạn như hộ chiếu, thẻ thư viện hoặc giấy phép lái xe.

    “Chúng tôi sẽ giới thiệu các biện pháp mới, như một phần trong cam kết tuyên ngôn của Chính phủ, nhằm ngăn chặn khả năng gian lận cử tri trong hệ thống bầu cử của chúng ta. Điều này sẽ tăng cường hơn nữa tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử ở Vương quốc Anh và sẽ bao gồm việc kiểm tra ID tại điểm bỏ phiếu và các quy tắc ngăn chặn việc lạm dụng phiếu bầu qua bưu điện và ủy nhiệm”, một phát ngôn viên của văn phòng nội các cho biết trong một tuyên bố.

    Hiện tại, các cử tri tiềm năng chỉ phải cung cấp tên và địa chỉ của họ tại trung tâm bỏ phiếu trước khi họ có thể bỏ phiếu. Với cải cách mới, các bộ trưởng hy vọng rằng công chúng sẽ có niềm tin tốt hơn vào quá trình bỏ phiếu và kết quả bầu cử.

    Việc sử dụng thẻ thư viện như một hình thức nhận dạng hợp lệ là để bảo vệ quyền biểu quyết của các tầng lớp có thu nhập thấp hơn. Các giấy tờ tùy thân khác như hộ chiếu hoặc giấy phép lái xe yêu cầu một khoản phí nhỏ. Các yêu cầu về ID bầu cử sẽ được đưa vào Dự luật về tính liêm chính của bầu cử do chính phủ đề xuất, dự kiến ​​sẽ được đưa ra quốc hội trong những tháng tới.

    Các thành viên của Đảng Lao động đã chỉ trích luật được đề xuất, gọi nó là phân biệt chủng tộc và cáo buộc yêu cầu đàn áp cử tri. Cat Smith, Bộ trưởng Đảng Lao động đối lập, tuyên bố rằng yêu cầu về ID cử tri sẽ khiến người da đen khó bỏ phiếu hơn.

    Các tổ chức như Liberty Human Rights cũng tuyên bố rằng việc ủy ​​quyền nhận dạng sẽ ngăn cản nhiều người, bao gồm cả người tàn tật, người chuyển giới và người da màu, có quyền bầu cử. Nó đã gọi động thái này là một “mối đe dọa đối với nền dân chủ” và yêu cầu đề xuất này được gác lại.

    Nhà bình luận chính trị Calvin Robinson chỉ trích đề xuất rằng người da đen có thể bị loại khỏi quyền bầu cử vì luật bắt buộc phải có ID cử tri. Ông nói rằng đó là hành động mang tính bảo trợ và xúc phạm vì nó cho thấy rằng những người từ cộng đồng da đen bằng cách nào đó không có khả năng nhận được giấy tờ tùy thân cần thiết.

    Trở lại năm 2019, chính phủ đã tiến hành thí điểm ID cử tri ở Anh. Chỉ 1 phần trăm số cử tri được phát hiện là không có bất kỳ giấy tờ tùy thân thích hợp nào. Nếu mọi người không có giấy tờ tùy thân, đề xuất cho phép họ nhận được ID miễn phí từ hội đồng địa phương trước Ngày bầu cử.

    Bước đi ‘ngược chiều’ của Đảng Dân chủ Mỹ


    Trong khi chính phủ Anh đang tăng cường các yêu cầu về ID cử tri cho các cuộc bầu cử, thì chính quyền Biden lại đi theo hướng ngược lại. Đảng Dân chủ đã đưa ra một dự luật có tên là “Đạo luật vì Nhân dân” ở cả Hạ viện và Thượng viện.

    Nếu được thông qua, luật sẽ yêu cầu mọi người được phép bỏ phiếu ngay cả khi không có giấy tờ tùy thân miễn là họ đưa ra lời tuyên thệ khẳng định rằng họ là người mà họ tuyên bố. Đảng Dân chủ ủng hộ dự luật nói rằng nó sẽ giúp việc bỏ phiếu dễ dàng hơn, xóa bỏ các rào cản trong việc bỏ phiếu và đảm bảo dân chủ tốt hơn.

    Hans von Spakovsky, người quản lý Sáng kiến ​​Cải cách Luật Bầu cử của Quỹ Di sản, cảnh báo rằng dự luật được đề xuất là tin xấu đối với các bang yêu cầu tuân thủ ID cử tri.

    “Nếu bạn là một tiểu bang như Alabama hoặc Texas có luật ID cử tri, bạn cũng có thể quên nó bởi vì luật liên bang này sẽ ghi đè lên tất cả các luật ID cử tri của tiểu bang, vì vậy chúng hiện không thể thi hành… Điều đó khiến các tiểu bang gần như không thể so sánh danh sách đăng ký cử tri trên toàn tiểu bang của họ với danh sách của các tiểu bang khác để cố gắng tìm những người đã đăng ký và bỏ phiếu ở nhiều tiểu bang. Họ làm cho điều đó càng khó càng tốt”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Breitbart.

    Tòa án Cam Bốt kết án nhà đối lập Sam Rainsy 25 năm tù

    Theo hãng tin Pháp AFP, nhà đối lập Sam Rainsy vừa bị một tòa án ở Cam Bốt kết án 25 năm tù vì tội mưu đồ lật đổ chính quyền. Ông Sam Rainsy sống lưu vong tại Pháp từ năm 2015.

    Trả lời AFP, người phát ngôn của tòa án ở Phnom Penh, Y Rin, cho biết nhà đối lập bị kết án tù hôm qua, 01/02/2021, vì âm mưu « tấn công » chính quyền Cam Bốt hồi năm 2019, tuy nhiên không đưa ra chi tiết cụ thể. Theo phát ngôn viên tòa án Cam Bốt, ông Sam Rainsy cũng bị tước quyền bầu cử và ứng cử. Trang mạng thân chính quyền Fresh News giải thích là việc kết án ông Sam Rainsy gắn liền với dự định của nhà đối lập trở về nước năm 2019.

    Phản ứng về bản án nói trên, nhà đối lập Sam Rainsy nhận định trên Twitter : « Thủ tướng Hun Sen sợ hãi trước mọi nguy cơ nảy sinh từ việc tôi quay trở lại chính quyền Cam Bốt... Ông Hun Sen cũng lo sợ trước viễn cảnh sẽ có các cuộc bầu cử tự do và công bằng, điều không tránh khỏi sẽ là ngày tàn đối với chế độ độc đoán của ông ta ». Thủ tướng Hun Sen, cầm quyền tại Cam Bốt từ 36 năm nay, từng khẳng định kế hoạch dự định trở về nước của nhà đối lập hồi 2019 đồng nghĩa với « mưu toan đảo chính ».

    Ông Sam Rainsy là người đồng sáng lập đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, vốn là đảng đối lập chính tại Cam Bốt. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội 2013, 150 nhà đối lập, đa số thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, đã giành được một thắng lợi ngoạn mục. Tuy nhiên, chính quyền Hun Sen đã ra lệnh giải tán đảng này ít năm sau đó. Sau cuộc bầu cử Quốc Hội 2018, bị giới quan sát lên án là bất minh, với việc đảng cầm quyền của ông Hun Sen giành toàn bộ ghế tại Quốc Hội, chính quyền Phnom Penh liên tục bắt bớ và đưa ra tòa hầu hết gương mặt đối lập.

    Theo AFP, cho đến nay, đã có 8 nhà đối lập, trong đó có vợ của ông Sam Rainsy, bị chính quyền Cam Bốt kết án từ 20 đến 22 năm tù. Nhà đối lập Kem Sokha, đồng sáng lập đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, hiện đang bị truy tố vì tội « phản bội », với cáo buộc âm mưu lật đổ. Phiên tòa xét xử ông đã nhiều lần bị dời lại kể từ tháng 3/2020.

    Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp ngày 17/04/2019 cho thấy một trong những hầm chứa tên lửa ngầm đang được xây dựng tại một khu luấn luyện về tên lửa ở miền trung bắc Trung Quốc. AP - Satellite image ©2021 Maxar Technologies

    Trang mạng thông tin Militarytimes.com ngày 01/03/2021 dẫn lời một chuyên gia Mỹ cho rằng Bắc Kinh dường như đang tăng cường khả năng phóng tên lửa hạt nhân đời mới từ các hầm ngầm, cho phép cải thiện khả năng phản ứng kịp thời với bất kỳ một cuộc tấn công hạt nhân.

    Ông Hans Kristensen, một nhà phân tích thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chuyên theo dõi về năng lực hạt nhân Mỹ, Nga và Trung Quốc, cho biết các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy dường như Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng 11 hầm ngầm từ cuối năm 2020 tại một bãi thử tên lửa rộng lớn gần Jilantai, miền trung bắc Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã cho xây 5 hầm ngầm tại khu vực đó.

    Mười sáu hầm ngầm do ông Kristensen xác định sẽ bổ sung cho hệ thống 18-20 hầm mà Trung Quốc hiện đang sử dụng cho tên lửa liên lục địa (ICBM) đời cũ DF-5. Tuy nhiên, trên trang blog của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ông Kristensen cũng nêu rõ « ngay cả khi Trung Quốc có tăng gấp đôi hay gấp ba số lượng ICBM, đó cũng chỉ là một phần nhỏ so với số lượng Mỹ và Nga hiện đang nắm giữ. Không quân Hoa Kỳ vượt xa các đối thủ với 450 kho chứa, trong đó có đến 400 hầm ngầm. Nga có khoảng 130 hầm đang hoạt động.»

    Cũng theo ông Kristensen, những hầm chứa mới được phát hiện rất có thể là dùng để cất giấu ICBM DF-41, thế hệ tên lửa liên lục địa mới của Trung Quốc có thể bắn tới vùng Alaska và phần lớn lục địa Mỹ và được chế tạo bằng nhiên liệu rắn, cho phép người điều khiển chuẩn bị nhanh hơn để phóng tên lửa so với DF-5.

    Hiện Lầu Năm Góc từ chối bình luận về những phân tích của chuyên gia Kristensen. Nhưng trong một báo cáo thường niên được công bố hồi mùa hè năm 2020 về các diễn biến quân sự của Trung Quốc, bộ Quốc Phòng Mỹ từng khẳng định « chính sách hạt nhân của Trung Quốc là ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có thể sống sót được sau một cuộc tấn công đầu tiên và có đủ sức mạnh đáp trả để gây ra thiệt hại đáng kể cho kẻ thù. »

    Bộ Quốc Phòng Mỹ sẽ báo cáo về các hành động khiêu khích của Trung Quốc


    Ngày 01/03/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd J. Austin, giao nhiệm vụ cho Lực lượng Đặc nhiệm về Trung Quốc có 4 tháng để ra báo cáo về những « hành động khiêu khích của Trung Quốc », để có thể vạch ra những hành động cụ thể nhằm thích ứng, đối phó với các « thách thức từ Trung Quốc ».

    Trang mạng thông tin Defenseworld.net cho biết, tham gia cuộc họp ngày hôm qua có các đại diện bộ Quốc Phòng, bộ Tham mưu liên quân, các lực lượng quân sự, ban chỉ huy tác chiến và cơ quan tình báo Mỹ.

    TT Biden nói cứng về Crimea; Nga phản pháo gắt: Chẳng cần ai công nhận, vì làm gì có chuyện sáp nhập


    "Không có chuyện sáp nhập, nên không cần phải công nhận điều đó", người phát ngôn Điện Kremlin phản bác tuyên bố của Tổng thống Mỹ Biden về Crimea.

    Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 1/3 vừa qua đã có phản ứng mạnh mẽ trước một tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

    Cụ thể, trước đó, trong tuyên bố "nhân ngày kỷ niệm Nga xâm lược Ukraine trái phép", Tổng thống Biden đã khẳng định rằng Mỹ "sẽ không bao giờ công nhận" việc Nga "sáp nhập" Crimea.

    Tuyên bố của ông Biden cho biết: "7 năm trước, Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế - những quy tắc về mối quan hệ giữa các quốc gia hiện đại với nhau - và đã vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia láng giềng Ukraine khi xâm lược Crimea".


    "Ngày nay, Mỹ vẫn tiếp tục sát cánh cùng Ukraine và các đồng minh, đối tác giống như từ khi cuộc xung đột này bắt đầu. Vào ngày kỷ niệm buồn này, chúng tôi xin tái khẳng định một sự thật giản đơn: Crimea là của Ukraine.

    Mỹ đã, đang và không bao giờ công nhận hành vi sáp nhập bán đảo có chủ đích của Nga, và chúng tôi sẽ luôn ủng hộ Ukraine chống lại những hành động gây hấn của Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm bắt Nga chịu trách nhiệm về những hành vi lộng hành, gây hấn ở Ukraine. [...] Mỹ vẫn tin tưởng vào lời hứa của Ukraine, và chúng tôi ủng hộ tất cả những người phấn đấu vì một tương lai hòa bình, dân chủ và thịnh vượng tại quốc gia này", ông Biden nhấn mạnh.

    Đáp trả tuyên bố của vị Tổng thống Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin đã phản pháo rằng việc Crimea trở về với Nga không phải là "sáp nhập", mà là "tái gia nhập" thông qua một quy trình hợp pháp.

    "Bạn biết đấy, quả thực việc công nhận Crimea sáp nhập vào Nga là điều bất khả thi. Không ai nói gì về việc đó, vì thực tế là làm gì có chuyện sáp nhập. Crimea tái gia nhập Liên bang Nga, và điều đó đã diễn ra với việc tuân thủ chặt chẽ tất cả các quy tắc và quy định của luật pháp quốc tế", ông Peskov nói với báo giới khi được hỏi rằng liệu Nga đã sẵn sàng hợp tác với Washington sau tuyên bố trên của Tổng thống Biden hay chưa.

    "Không có chuyện sáp nhập, nên không cần phải công nhận điều đó. Mọi người chỉ cần thừa nhận rằng Crimea đã tái gia nhập Nga, và Crimea từ lâu đã là một vùng thuộc nhà nước Liên bang Nga, tạ ơn Chúa", người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.

    Cũng theo ông Peskov, trong những lần liên lạc gần đây với Nga, ông Biden không nhắc đến vấn đề Crimea.

    Năm 1954, dưới thời cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, bán đảo Crimea đã được chuyển giao cho Ukraine. Tuy nhiên, năm 2014, Nga tuyên bố bán đảo này đã trở lại với mình sau một cuộc trưng cầu dân ý hợp tình, hợp lý.

    Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây vẫn cực lực phản đối việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và không công nhận điều này./.


    Võ Thái Hà tóm lược


    Không có nhận xét nào