Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 09 tháng 3 năm 2021


    Võ Thái Hà tóm lược

    Apple đang rút khỏi Trung Quốc, iPhone 12 sẽ được sản xuất tại Ấn Độ

    Apple dự định chuyển từ 7% đến 10% công suất sản xuất tại Trung Quốc cho Ấn Độ, theo Epoch Times, có tin rằng iPhone 12 sẽ được Hon Hai Technology sản xuất tại nhà máy ở Tamil Nadu Ấn Độ, nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn này.

    New Talk, hôm 8/3, cho hay mặc dù thế giới kỳ vọng rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm bớt căng thẳng sau khi ông Biden nhậm chức, nhưng xu hướng các ông lớn công nghệ giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vẫn đang diễn ra. 

    Vào tháng 1 vừa qua tạp chí Nikkei Asian Review đã tiết lộ rằng, iPhone và iPad của Apple sẽ đẩy nhanh việc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Việt Nam và mở rộng sản xuất iPhone ở Ấn Độ. Tập đoàn còn có kế hoạch sản xuất điện thoại di động 5G đầu tiên và iPhone 12 ở Ấn Độ.

    Vào tháng 12 năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Hon Hai Group, nhà máy gia công chính của Apple, sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm iPhone 12 tại Ấn Độ và dự kiến ​​s ra mt trong vòng hai tháng.

    Trong những năm gần đây, chi phí lao động ở Trung Quốc ngày một tăng lên, hơn nữa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục và dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng sử dụng các biện pháp thương mại để buộc các nước khác phải cúi đầu trước họ. Đó là những lý do khiến các công ty quốc tế lớn đã chuyển một số hoặc tất cả tài sản của họ ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là các công ty từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Dương Thiệu Trị, cựu giáo sư tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Quý Châu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 năm ngoái rằng, các doanh nhân nước ngoài rút khỏi Trung Quốc là để phân tán rủi ro kinh doanh. Đây là nhận thức cơ bản về đầu tư, “Hơn nữa, quan hệ Trung-Mỹ hiện tại thực sự đang ở trong tình trạng tương đối căng thẳng, và bản thân ĐCSTQ đang vi phạm hiến pháp của chính nó. Ví dụ như hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng”, ông Dương nói.

    Trung Quốc cảnh báo Mỹ đừng ‘đùa với lửa’, phải loại bỏ thành tựu của chính quyền ông Trump

    Trung Quốc đã vạch ra một giới hạn vô hình trong quan hệ của họ với Hoa Kỳ.

    Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố rằng Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương và Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc do người Trung Quốc quản lý, và rằng không có chỗ cho sự thỏa hiệp về vấn đề Hồng Kông và Đài Loan mặc dù các vấn đề khác đang được thảo luận và hợp tác, theo SCMP.

    Trong một cuộc họp báo vào hôm Chủ nhật (7/3), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nêu ra những mối quan tâm cốt lõi của Bắc Kinh đối với sự phát triển của quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington về các vấn đề khác nhau, bao gồm kiểm soát đại dịch, phục hồi kinh tế và biến đổi khí hậu.

    Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cáo buộc rằng: “Mỹ luôn can thiệp vào công việc của các quốc gia khác với lý do nhân quyền và dân chủ. Và nó đang tạo ra rất nhiều rắc rối, và nó là nguồn gốc của sự hỗn loạn trên thế giới”, ông Vương nói bên lề Đại hội Nhân dân Toàn quốc.

    Ông Vương tuyên bố: “Chừng nào Mỹ không nhận thức được điều đó, thế giới sẽ không bình yên”. Ông Vương cũng mô tả Đài Loan là một “lằn ranh đỏ” không nên vượt qua, nói rằng Tòa Bạch Ốc nên từ bỏ mối quan hệ của chính quyền Trump với Đài Loan.

    Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc không có chỗ để thỏa hiệp về vấn đề Đài Loan, và cũng không có chỗ cho sự nhượng bộ”.

    Đồng thời ông kêu gọi rằng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền mới của Hoa Kỳ nhận thức đầy đủ về mức độ nhạy cảm của vấn đề Đài Loan… và thay đổi hoàn toàn các hoạt động nguy hiểm của chính phủ trước đó là ‘vượt qua ranh giới và chơi với lửa’”.

    Ông nói rằng Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương và Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc do người Trung Quốc quản lý.

    Giá xăng dầu ở Mỹ tăng chóng mặt từ chính sách mới của TT Biden

    Tầng lớp lao động và trung lưu đang phải chịu tổn tại lớn nhất từ giá xăng dầu tăng cao do chính sách ‘năng lượng xanh’ của TT Biden.

    Bí quyết cho sự thành công của nền kinh tế và sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Trump là biến nước Mỹ trở thành một quốc gia độc lập về năng lượng. Tổng thống Trump đã nói trong chiến dịch tái tranh cử rằng các chính sách kinh tế xanh mới (Green New Deal) của Joe Biden sẽ làm giảm sản lượng năng lượng trong nước từ đó tăng giá nhiên liệu. Những dấu hiệu ban đầu trong gần hai tháng đầu nhiệm kỳ của vị tân Tổng thống cho thấy ông Trump đã đúng.

    Sự kết hợp giữa giá năng lượng thấp và lãi tỷ lệ suất trước đại dịch, bên cạnh tỷ lệ năng suất cao về bản chất của nền công nghiệp Mỹ đã hấp dẫn các doanh nghiệp và khuyến khích việc mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch và tình trạng đóng cửa kinh tế kéo dài, Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu rút lại các chính sách hướng tới mục đích độc lập năng lượng vào ngày đầu tiên của chính quyền của ông.

    Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News hôm thứ Năm, cựu chủ tịch của tập đoàn dầu khí Shell Oil John Hofmeister cho biết giá năng lượng có thể tiếp tục giá tăng từ mức trung bình quốc gia hiện tại là 2,75 USD/gallon. Con số mới ghi nhận mức tăng $0,33 mỗi gallon so với mức giá vào cùng tháng năm ngoái. Một phần lý do đằng sau sự tăng giá là các nhà máy lọc dầu đã ngừng hoạt động một thời gian. Tuy nhiên, các kế hoạch triển khai chính sách năng lượng xanh của Tổng thống Biden và các sắc lệnh hành pháp ban đầu liên quan đến hợp đồng thuê thăm dò và khai thác mỏ đã tạo ra một làn sóng chấn động đối với ngành công nghiệp. Theo lời ông Hofmeister:

    Nhưng có điều gì đó khác tinh tế hơn đang diễn ra. Điều đó là, chính là ngành công nghiệp này, các nhà sản xuất, đang thực hành chính sách kỷ luật vốn rất nghiêm túc và họ sẽ không quay trở lại để sản xuất thêm dầu. Và họ cũng đang bị chính quyền siết chặt.

    Vì vậy, lệnh cấm cho thuê – lệnh cấm đối với các hợp đồng thuê [đất công để khai thác dầu khí] mới từ chính quyền Biden – sẽ tạo ra một tâm lý “sản lượng tương lai sẽ khan hiếm” trong toàn ngành, và chính tâm lý đó đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh.

    Mỹ xem xét đổ thêm tiền cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

    Đô đốc Philip Davidson hầu như chỉ huy mọi binh sĩ Mỹ ở giữa dãy Himalaya và Hawaii. Hồi tuần trước, ông cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ vượt xa họ trong vòng 5 năm. Hôm nay, ông sẽ ra trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện để xin cấp hàng chục tỷ đô la cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương  như một phần của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mới.

    Ông muốn có 4,7 tỷ đô la trong năm 2021 và 2022 – nhiều hơn cả ngân sách quốc phòng của một cường quốc khu vực quy mô trung bình như Philippines – và thêm 22,7 tỷ đô la nữa cho giai đoạn 2023 đến 2027. Một trong những mục đích là phòng vệ Guam tốt hơn trước nguy cơ tên lửa. Một mục đích nữa là nâng cấp các cơ sở trên khắp châu Á, để các lực lượng Mỹ có thể phân tán nếu các căn cứ chính của họ ở Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc bị tấn công. Đô đốc Davidson cũng muốn có 3,3 tỷ đô la cho một loạt tên lửa mới gần bờ biển Trung Quốc. Rõ ràng các đối tác của Mỹ không hào hứng đón chúng lắm.

    Tình hình Senegal ngày càng căng thẳng

    Kể từ tuần trước, biểu tình trên diện rộng đã nhấn chìm Senegal. Nguyên nhân là vụ bắt giữ Ousmane Sonko, một nhân vật đối lập hàng đầu, vì tội gây rối trật tự công cộng. Ông bị bắt trên đường đến tòa án cho vụ kiện về một cáo buộc hiếp dâm. Những người biểu tình cho rằng Tổng thống Macky Sall đang dùng hệ thống luật pháp để chống lại các thủ lĩnh phe đối lập; hai nhân vật tương tự cũng đã bị bỏ tù trong nhiệm kỳ của ông. Ông Sall phủ nhận các cáo buộc.

    Người biểu tình cũng tức giận vì thiếu việc làm và lệnh giới nghiêm covid-19. Cơ quan quản lý truyền thông hiện đã đình chỉ hai kênh truyền hình tư nhân vì đưa tin về các cuộc biểu tình. Và các ứng dụng mạng xã hội cũng bị hạn chế. Các thanh niên giận dữ đã tấn công các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp liên kết với Pháp, nước từng chiếm Senegal làm thuộc địa. Tới nay ít nhất tám người đã thiệt mạng. Trước đó vào hôm Chủ nhật, tổng thanh tra chính phủ, Alioune Badara Cissé, đã nói Senegal đang “trên bờ vực tận thế”. Có lẽ vì lý do này mà hôm nay ông Sonko được tại ngoại và quân đội được triển khai xuống đường. Tuy nhiên, biểu tình vẫn sẽ tiếp tục.

    Bất ổn ở Paraguay do cách chính phủ xử lý covid-19

    Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benítez hôm thứ Bảy đã yêu cầu toàn bộ nội các của ông từ chức để dập tắt các cuộc biểu tình phản đối cách chính phủ xử lý đại dịch. Đất nước 7 triệu dân này hiện chỉ mới có 4.000 liều vắc xin covid-19. Gia đình của các bệnh nhân Covid-19 đã lên mạng xã hội để tố cáo tình trạng thiếu thuốc, khiến họ phải mua với giá cao ở các hiệu thuốc tư nhân; một số loại thuốc thì được dán nhãn chỉ dùng cho bệnh viện công, song lại được mua bán trên thị trường chợ đen.

    Các cuộc biểu tình nóng lên từ thứ Sáu sau khi cảnh sát bắn đạn hơi cay và đạn cao su. Một người thiệt mạng và 20 người bị thương. Ngay hôm sau, tổng thống ra thông báo ông có kế hoạch thay bốn bộ trưởng, bao gồm cả bộ trưởng y tế đã từ chức hôm thứ Sáu. Nhưng không rõ liệu điều này có làm hài lòng người biểu tình, những người đang yêu cầu cả tổng thống và phó tổng thống cũng phải từ chức. Một trong những khẩu hiệu của họ là #QueSeVayanTodos: “Tất cả hãy xuống đường”.

    Ngày 8 tháng 3 và vấn đề bạo hành phụ nữ 

    Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 là nhằm làm nổi bật những bất bình đẳng mà phụ nữ trên khắp thế giới phải đối mặt. Một trong những điều tồi tệ nhất là bạo lực gây ra bởi đàn ông, vốn tồi tệ hơn hẳn ở một số nước. Phụ nữ ở những nơi nghèo khó có nguy cơ bị bạo hành cao nhất, vì tình cảnh khó khăn có nhiều khả năng khiến đàn ông mất kiểm soát và xã hội dung tha cho sự lạm dụng hơn. Chẳng hạn, phụ nữ châu Phi có nguy cơ bị bạn đời hoặc gia đình giết hại cao hơn gấp bốn lần so với phụ nữ châu Âu.

    Ở các nước Afghanistan và Cộng hòa Dân chủ Congo, hơn 1/3 phụ nữ cho biết bị chồng hành hung trong năm ngoái. Tuy nhiên những con số như vậy có lẽ không nói lên toàn bộ câu chuyện: một nghiên cứu cho thấy khi được bảo đảm giấu tên, phụ nữ ở Rwanda tiết lộ mức độ lạm dụng nhiều gấp đôi so với khi được hỏi trực tiếp. Song phụ nữ khắp thế giới đang vận động với sự mạnh dạn ngày càng cao cho các luật chặt chẽ hơn, và chống lại các thái độ phân biệt giới tính.

    Kinh tế thế giới phục hồi nhanh

    Nhiều nhà dự báo đã quá bi quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới sau làn sóng dịch đầu tiên. Hồi tháng 6, OECD ra dự đoán kinh tế toàn cầu giảm 7,6% trong năm 2020 nếu có một làn sóng virus thứ hai; đến tháng 12, họ giảm dự báo xuống còn 4,2%. Và dự báo kinh tế hiện tại của họ, được công bố hôm nay, có thể sẽ lạc quan hơn.

    Nhiều chỉ số kinh doanh gần đây đã thể hiện tốt, trong khi ở Mỹ, nơi dữ liệu việc làm của tháng 2 tốt vượt xa kỳ vọng, Quốc hội đang trên đà thông qua gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden. Mặc dù châu Âu thiếu kích thích tài khóa ở quy mô tương đương và đang phải vật lộn với các biến thể mới của virus, lĩnh vực sản xuất của họ cũng đang hoạt động tốt. Nền kinh tế lớn nhiều khả năng nhất không tham gia vào đà tăng trưởng nhanh trên toàn cầu là Trung Quốc, vì nước này không chịu quá nhiều thiệt hại trong đại dịch và đang hạn chế tung ra kích thích.

    Quỹ Khí hậu Xanh hỗ trợ VN 86,3 triệu USD, thúc đẩy đầu tư vào tiết kiệm năng lượng

    Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) thông qua Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam công bố gói tài trợ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trị giá 11,3 triệu USD để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.

     Ngân hàng Thế giới Việt Nam công bố như vừa nêu hôm 8 tháng 3 và được truyền thông trong, và ngoài nước loan đi cùng ngày. Trong 11,3 triệu USD nêu trên, 8,3 triệu sẽ được dùng để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để tăng cường khuôn khổ chính sách và quy định nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy thị trường sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam.

    Ngoài ra, Quỹ Khí hậu Xanh còn cung cấp khoản bảo lãnh trị giá 75 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro để cung cấp bảo lãnh tín dụng cho ngân hàng thương mại trong nước quản lý rủi ro khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.

    Giám đốc Ngân Hàng thế Giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, nhận định rằng nguồn tài chính công cho các dự án năng lượng còn hạn chế ở Việt Nam, vì vậy, khoản viện trợ và khoản bảo lãnh không hoàn lại sẽ huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho các dự án đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng. Bằng cách giảm thiểu rủi ro cho vay, Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ huy động nguồn tài chính trị giá khoảng 250 triệu USD. 

    Cũng tin liên quan đến năng lượng,  theo báo chí Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương vẫn chú trọng quá nhiều vào nhiệt điện than. Theo VOV, cơ cấu phát triển nguồn nhiệt điện than vẫn chiếm 41% cho đến năm 2030, giảm còn 31% đến năm 2045. Trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo chưa được tận dụng, khai thác đúng mức.

    Thái Lan ra mắt chương trình cách ly trên du thuyền cho khách du lịch

    Du khách đến Thái Lan hiện có thể trải nghiệm cách ly bắt buộc trong hai tuần trên du thuyền.

    Chính phủ nước này hy vọng rằng sáng kiến mới sẽ mang lại 1,8 tỷ baht (58 triệu đôla) doanh thu cho các du thuyền.

    Động thái này nhằm vực dậy ngành du lịch đang gặp khó khăn của Thái Lan, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, khiến rất nhiều người bị đẩy đến bờ vực đói khổ.

    Trước đó, vào tháng Giêng, Thái Lan đã công bố kế hoạch cho phép du khách được phép cách ly trong một sân gôn.

    Dù là quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch, nhưng Thái Lan đã cấm họ nhập cảnh hồi tháng Ba năm ngoái để hạn chế sự lây lan của virus corona.

    Chương trình cách ly trên du thuyền, được công bố hôm thứ Hai, sẽ cho phép du khách mà có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona ở trên du thuyền hoặc tàu du lịch nhỏ tại Phuket.

    Đại dịch khiến số khách du lịch đến các điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan giảm mạnh từ 40.000-50.000 một ngày xuống chỉ còn vài trăm.

    Cơ quan Quảng bá Kinh tế Kỹ thuật số (Depa) của chính phủ Thái Lan công bố chương trình cách ly trên du thuyền hôm thứ Hai.

    Chương trình thử nghiệm

    Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu nhận đơn cho các du thuyền khởi động chương trình cách ly thử nghiệm. Dự kiến sẽ có khoảng 100 du thuyền tham gia sau khi chương trình bắt đầu hoạt động.

    Khách du lịch được yêu cầu mang thiết bị đeo tay thông minh, để theo dõi các dấu hiệu quan trọng, gồm nhiệt độ và huyết áp, cũng như theo dõi vị trí của người đeo thông qua GPS.

    Thiết bị này có thể truyền thông tin ngay cả trên biển, trong bán kính 10 km, chính phủ Thái Lan nói.

    Cấm du khách nước ngoài từ tháng 3 năm ngoái, Thái Lan đã dần mở cửa biên giới lại kể từ tháng 10.

    Tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Thái Lan nói sẽ đề xuất kế hoạch cho người nước ngoài được cách ly tại các khu du lịch nổi tiếng, gồm các khu nghỉ mát tại bãi biển.

    Kế hoạch cách ly tại các khu nghỉ mát và khách sạn dự kiến bắt đầu vào tháng 4 hoặc tháng 5 tại Phuket, Krabi và Chiang Mai.

    Nhật chọn ‘nữ tướng’ Quỹ Nomura vào hội đồng ngân hàng trung ương

    Reuters đưa tin, chính phủ Nhật vào hôm thứ Ba (9/3) đã chọn Junko Nakagawa, nữ giám đốc điều hành đầu tiên của Quỹ đầu tư Nomura Asset Management, gia nhập hội đồng 9 thành viên của ngân hàng trung ương.

    Nữ chuyên gia ngành ngân hàng 55 tuổi sẽ thay thế thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Nhật Bản Takako Masai.

    Mặc dù ít người biết đến quan điểm của bà Nakagawa về chính sách tiền tệ, nhưng bà đã tham gia vào các nỗ lực thúc đẩy các quỹ giao dịch hối đoái (ETP) ở Nhật Bản.

     “Bà ấy đến từ bên mua (buy-side), điều này cho thấy bà ấy có thể đã được chọn vì kiến thức của mình về các chủ đề hợp thời như đầu tư ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị)”, Toru Suehiro, nhà kinh tế cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết.

    Đề cử cần có sự chấp thuận của cả hai viện của Quốc hội để có hiệu lực. Bà Nakagawa sẽ đảm nhận vị trí này sau khi ông Masai mãn nhiệm kỳ vào ngày 29/6.

    Bà Nakagawa đã thăng hạng trong ngành tài chính vốn do nam giới thống trị ở Nhật Bản để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Nomura Asset Management vào năm 2019, với kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và kế toán.

    Bà cũng là một thành viên của ban điều hành về kế toán doanh nghiệp của Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) Nhật Bản kể từ năm 2015.

    Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei vào năm ngoái, bà Nakagawa tự mô tả mình là một người biết lắng nghe, sẵn sàng làm việc với các đồng nghiệp có các quan điểm khác với quan điểm của mình.

    Không có nhận xét nào