Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 20 tháng 3 năm 2021

    Võ Thái Hà tóm lược

    Đàm phán Mỹ – Trung: Gay gắt ngay từ đầu, quy tội nhau ‘cướp diễn đãn’, ‘diễn kịch’

    Cuộc đàm phán cấp cao Mỹ – Trung đầu tiên của chính quyền Biden đã bắt đầu một cách nảy lửa vào hôm thứ Năm (18/3), với việc cả hai bên đều phản đối gay gắt chính sách của nhau, cuộc họp mà Reuters mô tả là “một màn trình diễn hiếm hoi nhấn mạnh mức độ căng thẳng song phương”.

    “Chúng tôi sẽ … thảo luận về mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi đối với các hành động của Trung Quốc, bao gồm ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ, sự cưỡng bức kinh tế các đồng minh của chúng tôi”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với người đồng cấp Trung Quốc của mình trong khi “rào đón” một cách bất thường trước ống kính máy quay.

    Trước thềm cuộc họp ở Anchorage, Alaska, sau chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đã được đánh dấu bằng một loạt động thái của Washington cho thấy họ đang có lập trường cứng rắn và nói chuyện thẳng thắn với Bắc Kinh.

    Chính quyền ông Biden đã nói rõ rằng họ đang tìm kiếm một sự thay đổi trong hành vi từ Trung Quốc – quốc gia đã bày tỏ rằng họ hy vọng sẽ thiết lập lại mối quan hệ đã trở nên tồi tệ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

    Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã trả lời bằng một bài phát biểu dài 15 phút bằng tiếng Trung trong khi phía Hoa Kỳ chờ bản dịch, đả kích những gì ông nói là đấu tranh dân chủ của Hoa Kỳ, đối xử kém với người thiểu số, và chỉ trích các chính sách ngoại thương và thương mại của Mỹ.

    Ông Dương nói: “Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện quyền tài phán dài hạn và đàn áp các quốc gia khác”, và rằng: “Mỹ lạm dụng cái gọi là quan niệm về an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia tấn công Trung Quốc”.

    Suốt đoạn độc thoại của ông Dương, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Sullivan và các quan chức khác trong phái đoàn đã truyền tay nhau những giấy ghi chú. Cuối cùng, ông Blinken phải hội ý các nhà báo có mặt trong phòng để giúp ông đưa ra phản ứng.

    Điển hình là vài phút phát biểu khai mạc trước các nhà báo về cuộc họp cấp cao kéo dài hơn một giờ, hai phái đoàn đã tranh cãi về thời điểm giới truyền thông nên đi ra khỏi phòng họp.

    Sau đó, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc là “cướp diễn đàn” trong khi truyền thông Trung Quốc đổ lỗi cho các quan chức Hoa Kỳ là nói quá lâu và “không hiếu khách”.

    Cả hai bên đầu cáo buộc bên kia vi phạm nghi thức ngoại giao, với việc một quan chức Hoa Kỳ cho biết ban đầu cả hai đã nhất trí phát biểu mở đầu 2 phút cho mỗi trưởng phái đoàn.

    “Phái đoàn Trung Quốc… dường như đã đến với chủ đích cướp diễn đàn, tập trung vào diễn và đóng kịch trước công chúng hơn là thực chất”, vị quan chức này nói với các phóng viên tại khách sạn Anchorage nơi cuộc họp diễn ra, và bổ sung rằng “các bài thuyết trình ngoại giao cường điệu thường nhắm vào khán giả trong nước”.

    Nhiều cư dân mạng trên phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc nói rằng các quan chức Trung Quốc đang làm tốt ở Alaska và phía Hoa Kỳ đã không thể hiện sự chân thành.

    Một số người còn mô tả cuộc đàm phán Mỹ – Trung lần này như đại tiệc “Hồng Môn Yến”, một sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 2.000 năm, khi đó phe Hạng Vũ đã mời Lưu Bang đến dự tiệc toan ám sát ông ta.

    Tuy nhiên, hai bên đã triệu tập lại cho một cuộc họp khác vào tối thứ Năm, và một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói rằng phiên họp đầu tiên là “thực chất, nghiêm túc và thẳng thắn”, diễn ra tốt đẹp hơn hai giờ được phân bổ ban đầu.

    Động đất mạnh 7.2 độ rung chuyển miền bắc Nhật Bản: Sóng thần 1m xuất hiện

    Đài NHK (Nhật Bản) đưa tin đợt sóng thần đầu tiên cao đến 1m đã đánh vào đất liên không lâu sau trận động đất.

    Lãnh sự quán Mỹ tại Sapporo phát đi cảnh báo người dân trong vùng "tìm đến nơi cao hơn".

    Trận động đất mạnh 7.2 độ xảy ra vào khoảng 18h ở ngoài khơi bờ biển miền bắc Nhật Bản được xác định ở độ sâu 60km.

    Tại tỉnh Miyagi, chấn động được ghi nhận ở mức 5 trên tổng số 7 mức theo thang điểm shindo của Nhật.

    Những chấn động cũng được ghi nhận tại thủ đô Tokyo.

    Đài NHK đăng tải một video cho thấy địa chấn được cảm nhận tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi.

    Trận động đất ngày 20/3 xảy ra không lâu sau khi Nhật Bản đánh dấu 10 năm từ ngày xảy ra trận động đất chết người mạnh 9.0 độ vào 11/3/2011 - mà tỉnh Miyagi cũng bị ảnh hưởng.

    Sự kiện cách đây một thập kỷ đã kéo theo thảm họa khi một trận sóng thần thảm khốc xảy ra và nhà máy hạt nhân Fukushima bị rò rỉ phóng xạ.

    Hồi tháng trước, hàng chục người cũng bị thương trong một trận động đất mạnh khác.

    Nước Nhật có vị trí nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, với những hoạt động địa chấn mạnh xảy ra thường xuyên. Các quy định về xây dựng ở Nhật cũng yêu cầu các tòa nhà chống chịu được động đất.

    Hàng chục nhân viên Tòa Bạch Ốc đột ngột bị đình chỉ, yêu cầu từ chức

    Theo một báo cáo hôm thứ Năm (19/3), hàng chục nhân viên Tòa Bạch Ốc đã bị đình chỉ, yêu cầu từ chức hoặc buộc phải tham gia một chương trình làm việc từ xa vì một hành vi mà chính quyền ông Biden từng nói sẽ không dùng để loại bỏ họ. Và chính Phó Tổng thống Harris cũng đã thừa nhận mình từng có hành vi này.

    Tờ Daily Beast đưa tin rằng các nhân viên bị cho rời vị trí lần này là do đã sử dụng cần sa trong quá khứ, theo ba người biết thông tin về vấn đề này nói với điều kiện giấu tên.

    Những nhân viên từng sử dụng cần sa để giải trí ở một trong 14 tiểu bang nơi cần sa là hợp pháp cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách này. Cần sa vẫn là bất hợp pháp theo luật liên bang.

    Các nhân viên trẻ của Tòa Bạch Ốc đã tiết lộ việc sử dụng cần sa của họ trong một tài liệu chính thức mà họ được yêu cầu điền vào như một phần của quá trình kiểm tra lý lịch để làm việc tại đây. Các nhân viên cáo buộc rằng họ đã được các quan chức trong chính quyền của Biden đảm bảo rằng việc sử dụng cần sa để giải trí sẽ không phải là yếu tố làm mất tư cách công chức.

    Họ được cho là “hài lòng” rằng chính quyền Biden rất cởi mở về vấn đề sử dụng cần sa.

    Một cựu nhân viên khác nói thêm rằng “không có bất kỳ giải thích nào” trong các cuộc gọi do Giám đốc Quản lý và Điều hành Tòa Bạch Ốc Anne Filipic quản lý.

    NBC News đã đưa tin vào tháng 2 rằng việc sử dụng cần sa sẽ không trở thành yếu tố để loại bỏ những người nộp đơn vào các vị trí chủ chốt của Tòa Bạch Ốc. Một số ứng viên đã sử dụng cần sa trên cơ sở “hạn chế” có thể nhận được sự miễn trừ nếu các vị trí họ ứng tuyển không yêu cầu các tiêu chuẩn an ninh.

    Thật trùng hợp, một người trong Tòa Bạch Ốc đã sử dụng cần sa trong quá khứ là Phó Tổng thống Kamala Harris, theo Breitbart.

    Vào tháng 2/2019, bà Harris xuất hiện trong chương trình trò chuyện radio “The Breakfast Club” có trụ sở tại New York và nói về việc sử dụng cần sa.

    Người đồng dẫn chương trình Charlamagne Tha God hỏi Harris liệu bà có phản đối việc hợp pháp hóa cần sa hay không. “… Tôi vẫn hay nửa đùa nửa thật về điều này. Một nửa gia đình tôi đến từ Jamaica, bạn đang đùa tôi sao”, bà Harris đáp lại trong khi cười lớn.

    Donald Harris, cha của Kamala, đã bị xúc phạm bởi lời nhận xét của con gái về việc người Jamaica hút cần sa và tuyên bố: “Nói cho bản thân tôi và gia đình Jamaica trực tiếp của tôi, chúng tôi muốn tách mình ra khỏi hành vi này (câu nói của Harris về việc người Jamaica hay hút cần) một cách rõ ràng”.

    Charlamagne Tha God sau đó hỏi Kamala rằng bà đã bao giờ hút cần sa chưa, và bà trả lời: “Tôi có. Và tôi đã hít – Tôi đã hít”. “Đó là vào một thời điểm khá lâu trước đây. Nhưng, có.”

    Bà nói rằng đã sử dụng cần sa ở trường đại học. 

    Ông Biden nhờ Mexico hỗ trợ vấn đề biên giới

    Các quan chức Mexico đã tiết lộ với truyền thông Hoa Kỳ về cuộc điện đàm với ông Biden.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cho phép hàng nghìn người nhập cư vào đất nước này mà không cần xét nghiệm vi-rút, hàng trăm người trong số họ đã cho kết quả dương tính. Hiện tại, chính quyền của ông đang gặp rắc rối lớn ở biên giới Mexico, nơi hàng chục nghìn người nhập cư bất hợp pháp đang đổ vào, một vấn đề được cho là bắt nguồn từ các chính sách nới lỏng nhập cư và biên giới rộng mở của ông.

    Theo New York Times, ông Biden đã liên hệ với Mexico và được cho là đã bí mật yêu cầu họ hỗ trợ trong việc ngăn chặn làn sóng dân nhập cư. Đồng thời thông tin cũng cho biết ông sẽ có thể hỗ trợ họ vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

    Tờ báo đưa tin: “Dự đoán về sự gia tăng của người di cư và sự lo sợ lên tới mức cao nhất của các đặc vụ Mỹ ở biên giới trong hai thập kỷ qua, ông Biden đã hỏi Tổng thống Andrés Manuel López Obrador của Mexico trong một cuộc gọi video trong tháng này, rằng liệu có thể làm được nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề hay không, theo các quan chức Mexico và một người khác đã thông báo tóm tắt về cuộc trò chuyện”.

    “Hai tổng thống cũng thảo luận về khả năng Hoa Kỳ gửi cho Mexico một số nguồn cung vắc-xin dư thừa của mình, một quan chức cấp cao của Mexico cho biết. Mexico đã công khai yêu cầu chính quyền Biden gửi cho họ các liều vắc-xin AstraZeneca”, tờ báo trích dẫn.

    Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc, bà Jen Psaki đã tìm cách trấn an giới truyền thông rằng hai vụ việc không liên quan đến nhau.

    Nhưng nếu thông tin từ các quan chức Mexico là chính xác, nghĩa là ông Biden đang cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ của Mexico trong việc ngăn chặn công dân đi qua Mexico trên đường đến Hoa Kỳ. Điều này giúp liên tưởng tới một kế hoạch tương tự của cựu Tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden lúc đó đã phản bác nó. 

    Tuy nhiên giờ ông đang chứng mình một thực tế rằng, ông Trump đã đúng. Một trong những lý do chính giúp ông Trump thành công trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp là ông đã biến Mexico thành “bức tường thành” một cách hiệu quả bằng các chính sách hỗ trợ, hợp tác song phương có lợi cho đôi bên.

    Nga sẵn sàng cho hoàn cảnh xấu nhất về ‘Chiến tranh Lạnh’ với Mỹ

    Reuters đưa tin, điện Kremlin hôm thứ Sáu (19/3) cho biết Moscow luôn hy vọng điều tốt nhất nhưng cũng đã sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất khi được hỏi về khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga.

    Khi được hỏi về nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” mới giữa Mỹ-Nga hôm 19/3, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết: “Tất nhiên chúng tôi luôn hy vọng những điều tốt đẹp nhất, song cũng đã sẵn sàng cho những điều tồi tệ nhất ”.

    Ông Peskov nói thêm: “Về phía Nga, Tổng thống [Vladimir] Putin đã nêu rõ mong muốn là duy trì quan hệ… Nhưng tất nhiên, chúng tôi không thể làm ngơ trước những bình luận của ông Biden”.

    Phát ngôn viên của Điện Kremlin đề cập đến cuộc phỏng vấn của Tổng thống Mỹ với đài ABC hôm 17/3. Trong cuộc phỏng vấn này, khi phóng viên hỏi ông Joe Biden có coi người đồng cấp Vladimir Putin là “kẻ giết người” hay không, ông đã trả lời là “Tôi nghĩ như vậy”. Người đứng đầu Toà Bạch Ốc còn “dọa” Tổng thống Nga sẽ phải trả giá vì can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi tháng 11/2020.

    Đáp lại, TT Nga Putin hôm 18/3 trên sóng truyền hình Quốc gia cho biết: “Chúng ta luôn luôn nhận ra những nét riêng của chính mình nơi người khác, và nghĩ người khác cũng giống như con người thật của mình. Và do đó chúng ta hay đánh giá các hoạt động của một người, rồi phê bình họ”. Ngoài ra, ông Putin có ý nhắc tới tuổi tác của nhà lãnh đạo Mỹ (78 tuổi), Tổng thống Nga nói ông thành thực chúc ông Biden sức khỏe tốt.

    Sau lời phát biểu của Tổng thống Mỹ, Moscow đã triệu hồi đại sứ Nga ở Washington về nước để tham vấn. Ông Putin cũng đưa ra đề nghị trò chuyện trực tiếp với ông Biden trong thời gian tới. Song ông Biden từ chối trả lời báo giới về khả năng đối thoại với người đồng cấp tại Nga.

    Trong tuyên bố hôm 19/3, phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết ông Putin vẫn để ngỏ lời đề nghị đàm phán và sẵn sàng thu xếp thời gian sao cho thuận tiện với ông Biden. Song Điện Kremlin cũng cảnh báo lời đề nghị sẽ không tồn tại vô thời hạn.

    Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ công du Ấn Độ

    Hôm nay, 19/03/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tới New Delhi nhân chuyến công du Ấn Độ đầu tiên của một quan chức cao cấp trong chính quyền Biden để bàn về quan hệ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

    Trong nỗ lực xây dựng và thắt chặt một liên minh chống Trung Quốc trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, lãnh đạo bốn nước, dưới tên gọi Quad (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn), tuần trước đã có cuộc họp thượng đỉnh qua video, mở ra những hợp tác về an ninh hàng hải, an ninh mạng trước các thách thức đến từ Trung Quốc.

    Hôm qua, quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại được phơi bày trong cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao và an ninh 2 nước tại Alaska.

    Trong bối cảnh Ấn Độ đang muốn xích lại gần với Mỹ, sau những đụng độ, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ ý đồ bành trướng trong khu vực, chuyến công du Ấn Độ của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ sẽ là dịp thắt chặt thêm quan hệ quân sự song phương.

    Hai bên sẽ thảo luận về dự án Ấn Độ mua vũ khí của Mỹ. Một nguồn thao tin cho hay có thể một hợp đồng bán cho Ấn Độ 150 chiến đấu cơ sẽ được ký trong dịp này.

    Một vấn đề khá gai góc trong quan hệ quốc phòng có thể nảy sinh khi Ấn Độ có kế hoạch mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga S-400. Đây là điều Mỹ không thể chấp nhận ở một đối tác mua vũ khí của họ, giống như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ.

    Trước chuyến đi này, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa đã đề nghị bộ trưởng Lloyd Austin gây sức ép để New Delhi từ bỏ hợp đồng mua tên lửa của Nga.

    Tỷ phú Elon Musk phản ứng sau khi Trung Quốc cấm xe Telsa

    Reuters đưa tin, tỷ phú Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla, hôm thứ Bảy (20/3) nói rằng công ty của ông sẽ đóng cửa nếu ô tô Telsa được sử dụng để do thám. Đây là bình luận đầu tiên của ông Musk sau khi có tin tức quân đội Trung Quốc cấm cửa xe Tesla.

    “Có một động lực rất lớn để chúng tôi giữ bí mật đối với bất kỳ thông tin nào”, Musk nói trên một diễn đàn nổi tiếng của Trung Quốc trong một cuộc thảo luận trên Internet, “Nếu Tesla sử dụng ô tô để do thám ở Trung Quốc hoặc bất cứ nơi nào, chúng tôi sẽ đóng cửa”.

    Reuters trích dẫn các nguồn tin cho biết hôm thứ Sáu rằng quân đội Trung Quốc đã cấm ô tô Tesla đi vào các khu phức hợp của họ, với lý do lo ngại về an ninh đối với các camera được lắp đặt trên xe của hãng ô tô điện Mỹ.

    Lệnh cấm kể trên xuất hiện khi các nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ-Trung đang trong một cuộc họp ở Alaska, cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức.

    Ông Musk đã kêu gọi sự tin tưởng lẫn nhau nhiều hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bài phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, một cuộc họp quy tụ giới kinh doanh cấp cao được một quỹ thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tổ chức.

    Trung Quốc hiện là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới và cũng là thị trường quan trọng của xe điện.. Vào năm ngoái, Tesla đã bán được 147.445 xe tại Trung Quốc, chiếm 30% tổng số xe mà hãng này bán được trên toàn cầu.

    Musk cũng đã nhiều lần xuất hiện ở Trung Quốc, nơi vừa bán vừa sản xuất xe điện của Tesla. Vào năm 2019, Musk cũng đã thảo luận về sao Hỏa và trí tuệ nhân tạo với Jack Ma, đồng sáng lập của Alibaba.

    Quan chức Mexico công nhận chính sách ông Trump giúp họ quản lý làn sóng di cư

    Trong bối cảnh các cơ sở tạm trú cho trẻ vị thành niên nhập cư lậu bị quá tải, các quan chức Mexico công nhận rằng chính sách biên giới của cựu Tổng thống Donald Trump đã giúp họ quản lý dòng người di cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ và Mexico vào Hoa Kỳ.

    New York Times đưa tin hôm thứ Năm (18/3), việc chính quyền Biden kêu gọi hành động nhiều hơn nữa để chống lại vấn đề di cư đã đặt Mexico vào tình thế khó khăn. Khi còn tại vị, ông Trump đã củng cố quân sự hóa cho biên giới Mexico, giới chức Mexico cho rằng ở một số thời điểm, các chính sách cứng rắn của cựu tổng thống có thể giúp giảm tải cho họ bằng cách ngăn chặn dòng người di cư cố gắng thực hiện cuộc hành trình về nước Mỹ.

    Trong khi chính quyền Trump ban hành các chính sách ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, TT Biden đã đảo ngược hầu hết các lệnh hành pháp của người tiền nhiệm. Đổi lại, chính quyền mới đã tạo ra một cuộc khủng hoảng biên giới, mà theo cách gọi của Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki là một “thách thức nhân đạo”.

    Các chỉ thị của ông Biden bao gồm khôi phục chính sách DACA (cho phép những người đến nước Mỹ bất hợp pháp khi còn là trẻ em được hoãn trục xuất theo thời hạn 2 năm và có thể xin được giấy phép làm việc tại Mỹ), thêm số người nhập cư bất hợp pháp vào số liệu Tổng điều tra dân số Hoa Kỳ, dừng việc xây dựng bức tường biên giới phía nam và thậm chí thay thế từ “người nhập cư bất hợp pháp” (Alien) bằng “không phải công dân” (noncitizen) trong luật nhập cư của Hoa Kỳ.

    Vào đầu tháng 3, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết nhiều người đột nhiên háo hức thực hiện chuyến hành trình nguy hiểm, bất hợp pháp qua biên giới phía nam Hoa Kỳ vì họ coi Biden là “tổng thống di cư”. Các chính sách của ông dường như mở ra một “kỷ nguyên mới” chào đón những kẻ di cư bất hợp pháp.

    “Rất nhiều người cảm thấy rằng họ sẽ đến được Hoa Kỳ”, Tổng thống Mexico tuyên bố.

    Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc bác bỏ cáo buộc rằng các quan chức của chính quyền Biden đang thúc đẩy “chính sách mở cửa biên giới”.

    Hơn 100.000 người đã bị bắt tại biên giới Hoa Kỳ – Mexico vào tháng 2. Theo CBS News, cũng trong tháng này, gần 9.500 trẻ vị thành niên di cư không có người đi kèm đã bị bắt giữ ở biên giới Hoa Kỳ, tăng hơn 3.700 trẻ so với tháng 1/2021. 

    Tính đến đầu tuần này, hơn 3.200 trẻ em không có người lớn đi kèm đã bị chuyển tới các cơ sở tạm giữ Tuần tra Biên giới. Trong số đó, gần 1.400 em đã bị tạm giữ trong thời gian trung bình là 107 giờ. Theo pháp luật, các quan chức biên giới phải chuyển trẻ vị thành niên không có người đi kèm đến văn phòng tị nạn trong vòng 72 giờ. 

    Lo ngại an ninh, Litva chặn thiết bị quét hành lý Trung Quốc

    Tham vọng vươn lên thành siêu cường của Bắc Kinh đã vấp thêm một trở ngại khi Chính phủ Litva đã ngăn cản công ty con của Nuctech có trụ sở tại Trung Quốc cung cấp thiết bị quét hành lý cho ngành hàng không, vì lo ngại sản phẩm Made in China xâm hại an ninh quốc gia, Vision Times đưa tin.

    Sau khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, Mỹ và một số quốc gia khác đã trở nên hoài nghi về việc tiếp tục các hoạt động thương mại với Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời TT Trump đã cố gắng thuyết phục chính phủ một số quốc gia châu Âu tránh sử dụng các sản phẩm của Nuctech trong bối cảnh một số sân bay ở “Lục địa già” đang sử dụng hệ thống quét hành lý Trung Quốc.

    Đại sứ Hoa Kỳ tại Litva, ông Robert Gilchrist, đã phản ứng tích cực với động thái này của chính phủ quốc gia thuộc vùng Baltic. Ông Gilchrist nói: “Tôi chúc mừng chính phủ Litva đã thực hiện bước đi nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng quan trọng của Litva”.

    Công ty con của Nuctech có trụ sở tại Hà Lan đã phản ứng bằng cách nói rằng ý định của chính phủ Litva là không rõ ràng vì thiết bị quét của họ được thiết kế để sản xuất ở Ba Lan.

    Quyết định ngừng sử dụng thiết bị quét Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh thêm tức giận khi chính phủ Lithuania đã thông báo rằng họ sắp mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Litva, Vytaute Smaizyte, cho biết trong tương lai nước này sẽ không chú trọng nhiều đến nhóm 17 + 1, một liên minh của Trung Quốc và 17 quốc gia châu Âu được Bắc Kinh khởi xướng như một sáng kiến kinh tế. 

    Người phát ngôn Smaizyte cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, sáng kiến ​​kinh tế không mang li kết qu như mong đợi cho Lithuania, vì vy chúng tôi có kế hoch tp trung phát trin mi quan h kinh tế ca chúng tôi vi Trung Quc trên phương din song phương và trong khuôn kh hp tác gia EU và Trung Quốc”. 

    Gabrielius Landsbergis, Bộ trưởng Ngoại giao Liva, đã lặp lại điều này khi nói rằng liên minh cho Trung Quốc chủ trương đã được chứng minh là không có ích cho đất nước ông và nó cũng không hữu ích cho châu Âu. 

    Giống như các quốc gia Baltic khác, Litva luôn hoài nghi về các chính sách đối ngoại hiếu chiến của Trung Quốc.

    Khi quan hệ ngoại giao giữa Litva với Trung Quốc ngày càng lạnh nhạt, quốc gia vùng Baltic này lại đang có quan hệ ấm dần lên với Đài Loan. Litva đã ủng hộ Đài Loan trở thành quan sát viên của WHO mặc dù động thái này bị Bắc Kinh phản đối.

    Mỹ sẽ triển khai tên lửa hành trình Tomahawk Block-V ở Biển Đen

    Theo Avia.pro, Mỹ có kế hoạch triển khai các tàu hải quân mang tên lửa hành trình Tomahawk Block-V ở Biển Đen.

    Cụ thể, quân đội Mỹ có kế hoạch để các tàu chiến thường xuyên làm nhiệm vụ trong vùng biển của Biển Đen với trang bị tên lửa hành trình Tomahawk Block-V phiên bản mới nhất.

    Cũng theo các nguồn tin, việc tuần tra ở Biển Đen của các tàu chiến Mỹ sẽ được thực hiện liên tục, trong khi các tàu này có khả năng thường xuyên thay thế nhau để không vi phạm Công ước Montreux.

    Được biết, Mỹ buộc phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch trên vì theo Công ước Montreux năm 1936, tàu hải quân của các quốc gia không có chủ quyền ven biển đều phải thông báo trước 15 ngày với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch đi qua các eo biển Bosphorus và Dardanelles, khu vực kết nối Biển Đen và Địa Trung Hải.

    Cũng theo Công ước Montreux, tàu thuyền của những quốc gia không có chủ quyền ven biển không thể lưu lại Biển Đen quá 21 ngày.

    Trong môi trường tác chiến hiện đại, thời gian này đủ để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh thực hiện cả một chiến dịch tấn công phủ đầu một quốc gia.

    Điều này dẫn đến việc Nga đặt vấn đề cần phải xem xét lại Công ước Montreux và phải có những sửa đổi để phù hợp hơn cho an ninh khu vực, hay cụ thể là ngăn chặn sự xuất hiện của NATO tại vùng biển mà gần như Nga có sức ảnh hưởng tuyệt đối này.

    Truyền thông Nga đưa tin rằng các tàu trang bị tên lửa hành trình Tomahawk Block-V mới nhất trên biển sẽ được điều đến Đông Địa Trung Hải và Biển Đen để kiềm chế Nga trong giai đoạn đầu của các cuộc tuần tra và tới Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc.

    Tuy nhiên, các chuyên gia lại chú ý đến thực tế là trong trường hợp như vậy, phía Nga sẽ có quyền chống lại quân đội Mỹ, chẳng hạn như tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, lái máy bay chiến đấu, kích hoạt hoạt động của thiết bị tác chiến điện tử,…

    Trước đó, công ty Raytheon của Mỹ, một trong những doanh nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới thông báo: khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Chafee (DDG 90) phóng thành công tên lửa hành trình mới nhất, Tomahawk Block-V trong cuộc diễn tập.

    Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa Tomahawk Block-V, chuyển đổi sang phiên bản có năng lực tiên tiến hơn. Block V là phiên bản nâng cấp hiệu suất điều hướng và kết nối thông tin liên lạc mạnh mẽ và độ tin cậy cao.

    Tomahawk là một tên lửa hành trình dẫn đường bằng hệ thống GPS có độ chính xác cao, có thể bay vào vùng trời có hệ thống phòng không mạnh, thực hiện những cuộc tấn công chính xác vào những mục tiêu có giá trị kinh tế, quân sự cao, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thương vong, tổn thất dân sự. Tomahawk Block-V tiên tiến được nâng cấp khả năng dẫn đường điều khiển và hệ thống truyền thông liên lạc hai chiều.

    Không có nhận xét nào