Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 08 tháng 3 năm 2021

    Võ Thái Hà tóm lược

    Úc: SBS ngưng phát chương trình Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền

    Hôm thứ Sáu tuần qua (5.3.2021) Đài SBS thông báo sẽ ngừng phát sóng các bản tin của hai đài truyền hình Trung Quốc sau khi nhận thư khiếu nại của tổ chức bảo vệ nhân quyền Safeguard Defenders, và lời khiếu này này xuất phát từ thư than phiền của một ký giả Anh.

    Lý do là truyền hình Trung Quốc thường xuyên chiếu cảnh các tội phạm thú nhận tội lỗi trên truyền hình và theo cái nhìn của phương Tây thì việc này đã vi phạm đến nhân quyền. SBS đã tạm ngưng phát lại các chương trình của Đài truyền hình trung ương TQ (China Central Television: CCTV) và Hệ thống truyền hình toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network: (CGTN).

    SBS tuyên bố trong thông cáo báo chí: “Lo ngại sâu xa trước mức độ phức tạp của các hồ sơ liên quan, chúng tôi quyết định tạm ừng phát sóng các bản tin của hãng thông tấn nước ngoài CGTN và CCTV trong xem xét về các dịch vụ này”.

    Thư của Safeguard Defenders gửi cho SBS cáo buộc CCTV phát “lời thú tội khi bị ép cung” của khoảng 56 người năm 2013-2020. “Các chương trình phát sóng liên quan đến việc dẫn lại, dựng và phát sóng những lời thú tội giả dối khi bị ép cung của các tù nhân”.

    Phát ngôn viên của SBS cho biết đài truyền hình này sẽ dừng chiếu các chương trình của hai đài này Trung Quốc từ ngày 6.3.2021. Việc nay diễn ra sau khi Cục truyền thông của Anh (Ofcom) thu hồi giấy phép của CGTN vì sai phạm trong sở hữu giấy phép.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo, gọi việc SBS dừng chiếu chương trình của CGTN và CCTV là “cuộc đàn áp chính trị kinh điển”, đồng thời kêu gọi “các bên liên quan gạt thành kiến ý thức hệ sang một bên”. Thông cáo khẳng định CGTN “đề cao các nguyên tắc đưa tin công bằng, chính xác” và hăm dọa “Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền cùng lợi ích hợp pháp của truyền thông Trung Quốc”.

    Chiến tranh vaccine giữa Úc và Âu châu

    Ý đã ra lệnh cấm xuất vaccin sang Úc và Pháp đang lên tiếng đe dọa sẽ có hành động tương tự, tuy nhiên chính phủ Úc cho rằng sự việc đáng tiếc này sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch tiêm chủng như đã hoạch định.

    Theo Bộ Y tế Úc thì đến cuối tháng này Úc có thể tự sản xuất và cung cấp 50 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Dự kiến lô vaccine đầu tiên sản xuất ở trong nước sẽ được cung cấp cho người dân vào cuối tháng này.

    Tuần trước Ý đã ra quyết định cấm công ty dược phẩm AstraZeneca xuất cảng 250.000 liều vaccine từ một nhà máy của công ty này tại Ý sang Australia do tình hình dịch bệnh tại Australia không quá nghiêm trọng. Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Mario cho biết, quyết định của Ý không nhằm vào Australia mà được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang trầm trọng tại châu Âu và khu vực này đang thiếu vaccine trầm trọng.

    Trong khi chính phủ Úc đang cầu Ủy ban châu Âu xem xét giải quyết việc trên thì Pháp lên tiếng đe dọa tiếp, khi Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Veran tuyên bố Pháp cũng có thể có hành động tương tự là không cấp phép cho công ty dược phẩm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 sang Úc.

    Hiện tại chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Úc dường như đang diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Theo số liệu thống kê, trong tuần đầu, số người đi tiêm chỉ hơn 71,000 người, thấp hơn gần 9,000 người so với kế hoạch đề ra. Do dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nên nhiều người chưa cảm thấy thật sự cần thiết phải sớm đi tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tuy vậy nếu người dân vẫn tiếp tục lừng chừng không đi tiêm thì sẽ làm cho tỷ lệ tiêm chủng thấp và sẽ khiến cho Úc khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó kéo theo các hoạt động kinh tế chưa thể sớm quay trở lại như giai đoạn trước đại dịch./.

    Thị trường chứng khoán dịch chuyển sang các cổ phiếu có tính chu kỳ

    Giá cổ phiếu lên xuống thất thường trong những tuần gần đây khi nhà đầu tư bị kẹt giữa ăn mừng tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn và nỗi lo lạm phát. Chỉ số S&P 500 của các cổ phiếu hàng đầu của Mỹ đã hầu như không tăng trong năm 2021. Tuy nhiên khi nhìn kỹ hơn ta thấy một đặc điểm. Cổ phiếu công nghệ, vốn tăng đột biến trong năm ngoái, đã hạ nhiệt. Các nhà đầu tư hiện quan tâm nhiều hơn tới cổ phiếu của các công ty có thể hoạt động tốt nhất khi nền kinh tế nhanh chóng cải thiện.

    Điều này được thể hiện khi cổ phiếu “tăng trưởng” bị đánh bại bởi các cổ phiếu “giá trị” của danh sách S&P 500 trong năm nay. Bạn cũng có thể thấy đặc điểm tương tự khi so sánh với hoạt động của các thị trường quốc tế. Các chỉ số chứng khoán khu vực đồng euro tăng tốt hơn chỉ số S&P 500 trong năm nay, mặc dù nền kinh tế châu Âu vẫn còn yếu. Có thể là vì châu Âu có ít công ty công nghệ hơn Mỹ. Thay vào đó, thị trường chứng khoán đang nghiêng về các ngân hàng, công ty hàng hóa và các cổ phiếu “chu kỳ” khác. Sự rời bỏ cổ phiếu công nghệ sang cổ phiếu chu kỳ sẽ còn tiếp diễn.

    Học sinh Anh trở lại trường

    Hôm nay trường học ở Anh mở cửa lại cho học sinh không phải con em lao động chủ chốt lần đầu tiên kể từ ngày 4 tháng 1. Khi ấy, số ca nhiễm covid-19 tăng chóng mặt đã buộc chính phủ phải đóng cửa trường học, chỉ một ngày sau khi học sinh vừa kết thúc kỳ nghỉ Giáng sinh. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác: cứ ba người Anh thì có một người đã được tiêm vắc-xin, trong khi số ca mắc hàng ngày đang giảm mạnh.

    Tuy nhiên các quan chức vẫn lo lắng. Tác động của các trường học đối với chuỗi lây nhiễm là chưa rõ ràng, và không ai hoàn toàn chắc chắn liệu việc mở cửa trở lại có gây nên một đợt tăng ca nhiễm hay không. Để giảm thiểu rủi ro, giáo viên và học sinh sẽ phải xét nghiệm nhanh hai lần một tuần. Việc mở cửa trở lại sẽ không được mạch lạc, và có rất ít hạn chế khác được nới lỏng ngay trong hôm nay. Điều này sẽ cho phép chính phủ đảo ngược hướng đi nếu mọi chuyện trở nên không tốt đẹp. Dĩ nhiên họ cực kỳ hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.

    Phiên tòa xử Derek Chauvin bắt đầu chọn bồi thẩm đoàn

    Việc lựa chọn bồi thẩm đoàn bắt đầu từ hôm nay cho phiên tòa xét xử Derek Chauvin, một cựu cảnh sát bị buộc tội giết người và ngộ sát vì vai trò của anh ta trong cái chết của George Floyd hồi năm ngoái. Phiên tòa có thể kéo dài vài tuần. Để kết tội, các công tố viên sẽ cần phải chứng minh được Chauvin đã cư xử một cách cẩu thả và hành động của anh ta đã gây ra cái chết của Floyd. Các luật sư của Chauvin có thể sẽ tranh luận rằng ma túy và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mới là nguyên nhân.

    Cái chết của Floyd làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ, cũng như gợi lại cuộc tranh cãi bấy lâu nay về trách nhiệm giải trình của cảnh sát. Một số thành phố và tiểu bang đã thông qua các biện pháp cải cách cảnh sát, chẳng hạn như mở rộng việc dùng các nhân viên an ninh công cộng phi vũ trang và cải thiện giám sát lực lượng. Tuần trước, Hạ viện đã thông qua Đạo luật Công lý George Floyd về Cảnh sát, theo đó cấm các sĩ quan liên bang dùng thủ thuật đè cổ (neck restraint)— giống như hành động đã dẫn đến cái chết của Floyd — hay thắt cổ (chokehold), và xây dựng cơ sở dữ liệu hành vi sai trái của cảnh sát quốc gia. Đạo luật gần như không có cơ hội được Thượng viện thông qua.

    Các hãng bán lẻ Mỹ tăng lương cơ bản

    Các Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ đã từ bỏ nỗ lực gần đây của họ nhằm tăng lương tối thiểu toàn quốc lên 15 đô la một giờ. Dù sao thì một số n gười lao động cũng đang thấy những tấm séc cao hơn. Hôm nay, Lidl sẽ tăng mức lương tối thiểu tại mười siêu thị của hãng ở Long Island của New York từ 15 lên 16,50 đô la một giờ. Costco, nhà bán lẻ lớn thứ tư nước Mỹ, cũng tăng mức lương tối thiểu toàn quốc của họ lên 16 đô la một giờ. Walmart vẫn giữ mức lương tối thiểu 11 đô la nhưng tăng lương cho 425.000 nhân viên.

    Việc các công ty lớn tăng lương có thể thúc đẩy tăng tiền lương ở các thị trường lao động địa phương, dù với tác động nhỏ hơn mức lương tối thiểu do chính phủ bắt buộc. Các nhà kinh tế từ Đại học California, Berkeley và Đại học Brandeis nhận thấy rằng ở các khu vực mà Amazon duy trì hiện diện dày đặc, quyết định tăng lương cơ bản lên 15 đô la một giờ vào năm 2018 của họ đã giúp thúc đẩy tăng lương của các công ty khác. (Tác động tích cực này lớn hơn tác động tiêu cực của suy giảm việc làm.) Dù vậy tin này cũng chẳng mấy thoải mái đối với người lao động ở một số nơi và lĩnh vực khác.

    Quan chức chính quyền Biden tới biên giới Hoa Kỳ - Mexico

    Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas hôm 6/3 đã dẫn đầu đoàn quan chức của chính quyền Biden tới biên giới Hoa Kỳ - Mexico trong bối cảnh ngày càng có nhiều người vượt biên và trong khi các đảng viên Cộng hòa chỉ trích rằng một cuộc khủng hoảng di dân đang diễn ra.

    Tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ đã tìm cách đảo ngược các chính sách nhập cư bị coi là cứng nhắc của người tiền nhiệm Donald Trump, người mà cuộc bầu cử năm 2016 và nhiệm kỳ tổng thống 4 năm đã bị chi phối một phần bởi nỗ lực xây dựng bức tường biên giới và giảm số lượng di dân hợp pháp cũng như bất hợp pháp đến Hoa Kỳ.

    Ông Biden cũng đã đối mặt với những lời chỉ trích của các nhà hoạt động về di dân. Họ nói rằng các trẻ em di dân không có người lớn đi kèm và các gia đình đang bị giữ quá lâu trong các trung tâm tạm giam, thay vì được thả trong khi đơn xin tị nạn của họ được xem xét.

    Tòa Bạch Ốc tuần trước cho biết rằng ông Biden đã yêu cầu các thành viên cấp cao trong nội các của ông đến biên giới để xem xét rồi báo cáo lại về làn sóng trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm vượt biên.

    Vào thời điểm đó, Tòa Bạch Ốc đã từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về thời gian của chuyến thị sát, lấy lý do lo ngại về an ninh và quyền riêng tư.

    Ông Mayorkas và các quan chức khác, bao gồm cố vấn chính sách đối nội của Tổng thống Biden, bà Susan Rice, đã đến thăm cơ sở tuần tra biên giới và cơ sở tái định cư cho người tị nạn trong chuyến thị sát hôm 6/3, Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo ra ngày 7/3.

    Di dân tìm cách vượt biên vào Hoa Kỳ có thể là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

    Cựu Tổng thống Trump có thể sử dụng vấn đề đó để vận động các ủng hộ viên của mình phản đối ông Biden và đặt nền móng cho khả năng trở lại làm ứng cử viên tổng thống vào năm 2024 hoặc để thúc đẩy một người kế nhiệm khác thuộc Đảng Cộng hòa.

    “Lúc này đây, biên giới đang thất thủ. Di dân năm 2022 sẽ là một vấn đề lớn hơn so với năm 2016”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với chương trình “Sunday Morning Futures with Maria Bartiromo” của kênh Fox News. Ông Graham là đồng minh thân cận của ông Trump.

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lên tiếng về vụ tấn công rocket ở Iraq

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 7/3 cho biết Mỹ sẽ thực hiện những gì được coi là cần thiết để bảo vệ các lợi ích của mình, sau một cuộc tấn công bằng rocket xảy ra tuần trước nhắm vào căn cứ không quân Ain al-Sada của Iraq, nơi các lực lượng Mỹ, liên quân và Iraq đồn trú.

    Trả lời trên chương trình “This Week” của kênh ABC, ông Austin cho biết Hoa Kỳ đang thúc giục Iraq nhanh chóng điều tra vụ việc tại căn cứ nằm tại tỉnh Anbar ở miền tây và xác định thủ phạm.

    Các quan chức Mỹ cho biết vụ việc giống với một cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.

    “Chúng tôi sẽ tấn công, nếu đó là điều chúng tôi nghĩ cần phải làm, vào thời điểm và địa điểm do chính chúng tôi lựa chọn. Chúng tôi để nghị quyền được bảo vệ các binh sĩ của mình”, ông Austin nói.

    Khi được hỏi liệu Iran đã được chuyển thông điệp rằng hành động trả đũa của Mỹ sẽ không gây ra một sự leo thang, ông Austin nói rằng Iran hoàn toàn có khả năng đánh giá cuộc tấn công và các hoạt động của Mỹ.

    “Một lần nữa, điều họ nên rút ra từ việc này là chúng tôi sẽ bảo vệ quân đội của mình và phản ứng của chúng tôi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Nó sẽ thích hợp”, ông Austin nói. “Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ chọn làm những điều đúng đắn”.

    Không có báo cáo nào về thương tích của các binh sĩ Mỹ sau vụ tấn công nhưng một nhân viên hợp đồng dân sự Mỹ đã tử vong vì “cơn đau tim” trong khi trú ẩn để tránh rocket.

    Các quan chức Iraq cho biết 10 quả rocket đã rơi xuống căn cứ, nhưng Ngũ Giác Đài tỏ ra thận trọng hơn khi nói rằng có 10 "tác động" và cho biết các quả rocket dường như đã được bắn từ nhiều địa điểm ở phía đông căn cứ, nơi cũng đã bị nhắm mục tiêu hồi năm ngoái trong một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo trực tiếp từ Iran.

    Tháng trước, lực lượng Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở tại một điểm kiểm soát biên giới ở Syria do các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn bao gồm Kata’ib Hezbollah và Kata’ib Sayyid al-Shuhada.

    Lệnh cấm của Mỹ đang có tác dụng, ‘đường sống’ của Huawei bị thu hẹp

    Việc chính phủ Mỹ (chính quyền ông Trump) thúc đẩy lệnh cấm Huawei trên toàn cầu, đến giờ đã thực sự khiến Huawei mất thị phần lớn bên ngoài Trung Quốc và thua các đối thủ phương Tây.

    Tờ Wall Street Journal ngày 7/3 đưa tin, một công ty nghiên cứu trong ngành tuyên bố rằng Huawei đã thua các đối thủ phương Tây trên thị trường thiết bị không dây bên ngoài Trung Quốc vào năm ngoái, cho thấy chiến dịch của Mỹ nhằm kiềm chế Huawei đang bắt đầu có tác động.

    Theo dữ liệu từ Tập đoàn Dell’Oro, thị phần của Huawei trong doanh thu bán thiết bị không dây trên toàn thế giới (ngoại trừ Trung Quốc) đã giảm 2%, xuống khoảng 20% ​​vào năm 2020, tt hu so vi các đối thủ Ericsson và Nokia. Th phn ca hai công ty này đã tăng trong năm ngoái, Ericsson cng c v trí dn đầu ti các th trường ngoài Trung Quc, duy trì thị phần khoảng 35%, tăng 2%; trong khi thị phần của Nokia là khoảng 25%, tăng 1 %.

    Nhà phân tích Stefan Pongratz của Tập đoàn Dell’Oro nói với The Wall Street Journal: “Những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ đã kìm hãm sự phát triển của Huawei”.

    Đồng thời, theo báo cáo này, cả Ericsson và Nokia đều tăng thị phần vào năm ngoái, khiến Huawei rơi xuống vị trí thứ 5 trong danh sách các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.

    Chính quyền Tổng thống Trump tin rằng vì Huawei có mối quan hệ thân thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên Bắc Kinh có thể buộc Huawei phải giám sát hoặc làm gián đoạn hệ thống mạng. Huawei đã phủ nhận điều đó.

    Trước sức ép của Mỹ, nhiều đồng minh của Mỹ đã cấm hoặc hạn chế thiết bị Huawei tham gia xây dựng mạng 5G thế hệ tiếp theo với lý do an ninh quốc gia. Chính quyền ông Biden cũng tuyên bố rằng họ coi Huawei là một mối đe dọa an ninh và sẽ hợp tác với các đồng minh để bảo vệ các mạng viễn thông.

    Ông Stefan Pongratz, một nhà phân tích tại Dell’Oro cho biết các quốc gia đã ban hành hoặc đang xem xét thực hiện các lệnh cấm hoặc hạn chế đối với Huawei (bao gồm Úc, Vương quốc Anh và một số quốc gia châu Âu khác) đang chiếm hơn 60% thị trường thiết bị không dây toàn cầu. Ông cho biết trong những năm gần đây, hơn 25 nhà cung cấp viễn thông châu Âu đã chuyển từ Huawei sang một nhà cung cấp khác.

    Báo cáo cho biết sau khi Vương quốc Anh cấm thiết bị 5G của Huawei, tập đoàn BT Group PLC của Vương quốc Anh tuyên bố rằng họ sẽ thay thế thiết bị của Huawei. Quá trình này ước tính tiêu tốn khoảng 700 triệu đô-la Mỹ. BT đã ký hợp đồng với Nokia, biến Nokia trở thành nhà cung cấp cơ sở hạ tầng lớn nhất cho tập đoàn này.

    WHO không công bố báo cáo tạm thời cuộc điều tra nguồn gốc Covid

    Tạp chí Phố Wall đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định không công bố báo cáo tạm thời cuộc điều tra gần đây về nguồn gốc nCoV ở Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra khi tổ chức này phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhà khoa học trên thế giới, những người yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện hơn.

    Căng thẳng chính trị giữa Washington và Bắc Kinh cũng đóng một vai trò trong quyết định này. Một báo cáo đầy đủ sẽ được công bố trong những tuần tới. 

    Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời Peter Ben Embarek, người đứng đầu nhóm điều tra [của WHO] ở Trung Quốc cho biết: “Để làm rõ, trước hết không bao giờ có kế hoạch cho một báo cáo tạm thời. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra một báo cáo tóm tắt ”nhưng“ tổng giám đốc [Tedros Adhanom Ghebreyesus] sẽ nhận được báo cáo đó từ nhóm trong tương lai gần và chúng tôi sẽ thảo luận về các đề xuất”. 

    Gần đây, một nhóm 26 nhà khoa học quốc tế trong các lĩnh vực động vật học, virus học, di truyền học và lý sinh học đã viết một bức thư ngỏ yêu cầu chính phủ Trung Quốc cung cấp quyền tự do điều tra cho một nhóm điều tra mới của WHO để tìm hiểu nguồn gốc của COVID-19 cũng như cho phép truy cập dữ liệu về các trường hợp nhiễm virus Vũ Hán từ đầu năm 2020. 

    Bức thư cũng đề cập lại chuyện, nhóm chuyên gia của WHO tiến hành cuộc điều tra vào tháng 2 nhưng đã bị ngăn cản tiếp cận các bằng chứng quan trọng. Bắc Kinh từ chối bàn giao dữ liệu cần thiết và các thành viên trong nhóm này đã được cung cấp báo cáo do các nhà khoa học được chính phủ Trung Quốc phê duyệt, nhằm loại trừ khả năng có một cuộc điều tra thực sự.

    Bức thư chỉ ra rằng báo cáo cuối cùng từ nghiên cứu chung có thể sẽ là một thỏa hiệp được đại diện của Trung Quốc và 17 đại diện quốc tế nhất trí. Các đại diện Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh dẫn đến một “thỏa hiệp”. 

    Bức thư cũng yêu cầu một nhóm mới được phép tiếp cận các chợ chính ở Vũ Hán, các phòng thí nghiệm của Trung Quốc có, các địa điểm lấy mẫu mầm bệnh quan trọng như mỏ Mojiang, v.v.

    Theo các chuyên gia, sự kết thúc được nhiều người mong đợi đối với đại dịch Covid có thể không đến sớm như mong muốn. Chris Murray, một chuyên gia của Đại học Washington, bày tỏ hy vọng rằng vắc xin cuối cùng sẽ giúp thế giới đạt được khả năng miễn dịch và giảm sự lây lan của virus. Tuy nhiên, gần đây, một thử nghiệm vắc-xin được thực hiện ở Nam Phi cho thấy khả năng biến thể của virus Vũ Hán có thể vô hiệu hóa vắc xin. Ông Murray cảnh báo rằng nếu một biến thể Nam Phi hoặc chủng tương tự lây lan nhanh chóng, số ca lây nhiễm và tử vong do virus trong mùa đông có thể gấp 4 lần so với bệnh cúm.


    Không có nhận xét nào