Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 17 tháng 3 năm 2021

     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Trước làn sóng di dân lớn nhất từ 20 năm qua, Biden khuyên đừng đến Mỹ

    Hoa Kỳ đang phải đối mặt với luồng di dân đông đảo nhất trong lịch sử tại biên giới phía nam, bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ hôm qua 16/03/2021 đã nhìn nhận như trên. Hồi tháng Hai, hơn 100.000 người nhập cư bất hợp pháp đã bị chận lại ở biên giới. Các trại tạm cư tại Mêhicô đã bị quá tải với số lượng vị thành niên không có người thân đi kèm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài ABC hôm qua, tổng thống Biden đã kêu gọi di dân không nên đến Mỹ.

    Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :

     « Đang có thêm rất nhiều người đổ xô đến biên giới tây nam, số lượng đông đảo mà chúng ta chưa từng thấy kể từ 20 năm qua » - bộ trưởng An ninh Nội địa cho biết. Và ông Alejandro Mayorkas trong thông cáo đã nhìn nhận là tình hình rất khó khăn, phải làm việc không ngơi nghỉ để đối phó.

    Việc di dân ồ ạt kéo đến biên giới Mỹ được phe Cộng Hòa khai thác, họ tố cáo Joe Biden đã gây ra tình trạng này khi hứa hẹn một sự tiếp đón hào hiệp hơn so với người tiền nhiệm. Tối hôm qua, tổng thống Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi với những người muốn nhập cư vào Mỹ.

    Ông tuyên bố : « Tôi có thể nói rõ với các bạn là đừng đến. Chúng tôi đang trong tiến trình triển khai công việc. Đừng rời khỏi thành phố hay cộng đồng của bạn ».

    Joe Biden khẳng định những di dân nào vượt qua biên giới bất hợp pháp sẽ bị gởi trả về nước. Cuộc khủng hoảng nhập cư này có nguy cơ làm phức tạp thêm công việc của các dân biểu Dân Chủ đang muốn trình một dự luật càng sớm càng tốt để giúp 11 triệu người nhập cư lậu được vào quốc tịch Mỹ. »

    Mỹ trục xuất 33 người gốc Việt, các nhóm vận động ‘thất vọng’ và ‘tức giận’

    Các nhà hoạt động và các nhóm vận động tỏ ra giận dữ và thất vọng trước việc 33 người Việt Nam vừa bị trục xuất khỏi nước Mỹ, nói rằng việc trục xuất người dân giữa cơn đại dịch là một việc làm “vô lương tâm” và vi phạm thỏa thuận năm 2008 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

    “Việc trục xuất người nhập cư và người tị nạn Việt Nam về một đất nước mà họ không còn biết đến từ thủa bé là một cuộc tấn công bạo lực chống lại người châu Á, không chỉ đối với cá nhân họ, mà còn đối với gia đình họ và cộng đồng người Việt Nam và người nhập cư trên khắp đất nước”, hơn 25 tổ chức vận động dân sự tại Mỹ nói trong một thông cáo báo chí gửi ra trước khi nhóm người Việt bị trục xuất.

    Tin cho hay có 33 người Việt nằm trong số những người bị trục xuất khỏi Mỹ vào ngày 15/3. Trong số này có 2 trường hợp được các nhóm vận động đề cập đến là Hieu Huynh, 49 tuổi, một người tị nạn đến Mỹ năm 1980 cùng với gia đình sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và Tien Pham, cũng là một người tị nạn Việt Nam đã định cư ở San Jose, bang California, sau nhiều năm ở trại tị nạn.

    Bà Nancy Dung Nguyen, giám đốc điều hành của nhóm VietLEAD hôm 16/3 xác nhận với tờ The American Independent qua email rằng “Đêm qua, chuyến bay # N234AX cất cánh từ Fort Worth, Texas, trục xuất 33 thành viên trong cộng đồng Việt Nam bao gồm Hieu Huynh, Tien Pham và 31 người tị nạn và di dân khác. Chuyến bay hiện đang trên đường về Việt Nam”.

    Truyền thông Mỹ nói rằng các nhóm vận động cho cộng đồng Đông Nam Á và những người nhập cư đã tỏ ra rất “thất vọng” và “tức giận” trước thông tin này.

    “Chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng và rất đau buồn. Chúng tôi ghê tởm trước hành động này của Nhà Trắng”, The American Independent dẫn lời bà Nancy Dung Nguyen nói và đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden.

    Theo hãng tin AP, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất lệnh hoãn trục xuất 100 ngày ngay sau khi lên nhậm chức. Nhưng vào cuối tháng 2, một thẩm phán liên bang đã ra lệnh cấm vô thời hạn việc chính quyền thực thi lệnh tạm dừng. Sau phán quyết này, 15 người đã bị trục xuất đến Jamaica và hàng trăm người đến Trung Mỹ.

    “Thật vô lương tâm khi DHS và ICE tiếp tục trục xuất người Mỹ gốc Đông Nam Á và các cộng đồng người tị nạn và nhập cư khác trong đại dịch này. Những cá nhân này đã hoàn thành án tù của họ, và giống như mọi người Mỹ khác, họ xứng đáng có cơ hội thứ hai được sống tại Hoa Kỳ”, The American Independent dẫn lời bà Quyen Dinh, giám đốc điều hành của Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á, nói qua email.

    Các nhóm vận động cho rằng việc trục xuất nhóm người Việt là trực tiếp vi phạm một thỏa thuận song phương được ký kết vào năm 2008 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong đó nói rằng tất cả những người nhập cư Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 sẽ được bảo vệ khỏi việc trục xuất, bất kể tình trạng giấy tờ hay tiền án có thể có của họ.

    Trong thông cáo báo chí, các tổ chức vận động kêu gọi chính quyền Biden hãy “làm tốt hơn cho các cộng đồng châu Á so với người tiền nhiệm của ông, chấm dứt bạo lực chống lại người châu Á vô nghĩa này”.

    Ngoài các nhóm vận động, hôm 14/3, dân biểu Alan Lowenthal cũng gửi một lá thư cho Tổng thống Biden, kêu gọi ông “can thiệp ngay lập tức” để dừng chuyến bay chở 33 người nhập cư về Việt Nam.

    Chích ngừa COVID-19: California kêu gọi dân ‘đừng khai gian’ 

    Giới chức California đang kêu gọi người dân không gian lận và đừng chen vào để được chích vaccine COVID-19 trước trong khi có những người gốc Việt ở đây đã lợi dụng quy định lỏng lẻo để khai gian và được chích, theo tìm hiểu của VOA.

    Bắt đầu từ ngày 15/3, sẽ có thêm hàng triệu người dân ở California - bao gồm cả những người có bệnh nền và khuyết tật – có thể đủ điều kiện để tiêm ngừa virus corona, theo tờ Los Angeles Times trong bối cảnh nguồn cung vaccine vẫn chưa đủ để chích cho tất cả những người muốn chích.

    ‘Dựa trên lòng tin’

    Hướng dẫn của bang về chích ngừa cho nhóm những người có nguy cơ về cơ bản tin tưởng người dân sẽ khai thật về tình trạng của họ để xét điều kiện được chích, nhưng một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng các quy tắc dễ dãi này sẽ bị một số người lợi dụng để nói dối mình có bệnh nền.

    Có người đã giả mạo giấy tờ và đã sử dụng mã truy cập dành cho các nhóm rủi ro cao, theo Los Angeles Times.

    Nhiều người ở California lâu nay vận động cho một quy trình chích ngừa không có những rào cản không cần thiết, đặc biệt là đối với những người khó khăn trong đi lại hoặc đầu óc đã bị lẫn. Kết quả là quy định chích ngừa cho phép tự chứng thực, giúp những người trong nhóm rủi ro cao không còn phải bối rối để chứng minh là họ đủ điều kiện.

    Theo hướng dẫn này, mọi người không phải tiết lộ tình trạng bệnh của họ, chỉ cần cho biết là họ đủ điều kiện được chích, Tiến sĩ Paul Simon, giám đốc khoa học của Sở Y tế Hạt Los Angeles, được tờ Los Angeles Times dẫn lời nói.

    “Chúng tôi chắc chắn hy vọng mọi người sẽ không tìm cách lợi dụng tình hình và sẽ trung thực khi trình bày về các căn bệnh mãn tính thỏa đáng nghiêm trọng và/hoặc khuyết tật nghiêm trọng,” ông nói thêm.

    “Chúng tôi không cho rằng nhân viên tuyến đầu của chúng tôi có thể sàng lọc để xác định ai đủ hoặc ai không đủ điều kiện được chích,” ông Simon nói với Los Angeles Times. “Chúng tôi kêu gọi mọi người không nên lợi dụng điều đó”.

    Nguồn cung có hạn

    Việc có thêm hàng triệu người dân California vào danh sách đủ điều kiện được chích sẽ tạo thêm gánh nặng về nguồn cung vaccine vốn đã tăng đều nhưng không đáng kể. California đang dành 40% nguồn vaccine cho các cộng đồng chưa được chích bao nhiêu và 10% cho giáo viên. Và vẫn còn nhiều người từ 65 tuổi trở lên đang chờ đợi tới lượt chích.

    Hôm 15/3, bang California cũng mở rộng đối tượng chích cho những người sống hoặc làm việc trong các khu dân cư tập trung có nguy cơ cao, chẳng hạn như nơi tạm trú dành cho người vô gia cư, các cơ sở giam giữ tù nhân cũng như người làm trong lĩnh vực giao thông công cộng và sân bay. Ở Hạt Los Angeles, toàn bộ người vô gia cư sẽ thuộc diện được chích.

    Những người từ 16 đến 64 tuổi có thể đủ điều kiện được chích nếu họ được coi là có nguy cơ cao bị COVID-19 nặng.

    Nhóm nguy cơ cao bao gồm 10 loại: bệnh ung thư; bệnh thận mãn tính từ Giai đoạn 4 trở lên; bệnh phổi mãn tính; hội chứng Down; hệ thống miễn dịch bị tổn hại do cấy ghép nội tạng; thai kỳ; bệnh hồng cầu hình liềm; các bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành (không bao gồm cao huyết áp); béo phì nặng; và đái tháo đường type 2.

    Ước tính số người trong nhóm này vào khoảng 4,4 triệu người và với các nhóm đủ điều kiện khác tổng cộng có khoảng 13 triệu người, tức là gần một nửa dân số California hiện đủ điều kiện để được chích.

    Trong bài diễn văn trước quốc dân hôm 11/3, Tổng thống Joe Biden bày tỏ tin tưởng rằng mọi người lớn ở Mỹ đều sẽ được tiêm vaccine Covid-19 cho đến hết tháng 5 dựa trên dự báo về nguồn cung ứng vaccine.

    Nhiều cách gian dối

    Trao đổi với VOA, bà Nguyễn Minh Hà, một cư dân thuộc Hạt Riverside vốn là nhà tư vấn tâm lý, cho biết do bà bị hen suyễn kinh niên nên bà ‘rất mong được sớm chích ngừa Covid-19’.

    Mặc dù khu vực bà ở đang triển khai chích ngừa cho những người có bệnh nền, nhưng sau khi lên mạng kiểm tra thì bà thấy những người bị hen suyễn cần phải lệ thuộc về máy cung cấp oxygen thì mới được chích, trong khi bà không nằm trong diện này nên không đăng ký.

    “Nhưng mà người ta (trên mạng) có nói là không cần trình giấy bác sỹ gì hết nhưng tôi cũng muốn khai cho đúng thôi,” bà Hà nói với VOA.

    Bà lưu ý việc không đòi hỏi giấy tờ xác minh này có thể dẫn đến việc ‘khai gian để được chích’. “Có nhiều người bệnh nhẹ nhưng khai bệnh nặng để được chích,” bà cho biết.

    Theo lời bà thì bạn bè và người quen của bà cũng ‘mách nước’ cho bà nhiều cách thức để được chích và bản thân bà cũng chứng kiến ‘những người không đủ điều kiện cũng được chích’.

    “Có bạn học của con gái tôi mới 16 tuổi được ba làm trong cơ sở y tế đem thuốc về nhà chích,” bà cho biết. “Nhiều người Việt dù không chăm sóc cho cha mẹ già cũng khai gian là họ đang nuôi bệnh cho người già để được chích.”

    Ngoài ra, một cách làm gian dối để đăng kí chích nữa là ‘khai khống tuổi’. Đến ngày đi chích, họ ‘đeo khẩu trang, đeo kính vô’ và khi đến chỗ chích vì đông quá nên ‘người ta chỉ nhìn vào giấy tờ xem đúng người không chứ không kiểm tra tuổi tác luôn’, cũng theo lời bà.

    Một cách khác mà bà Hà cho biết bà nghe rất nhiều người Việt kháo nhau là khai gian là ‘nhân viên y tế’, ‘nhân viên trong các lĩnh vực thiết yếu’ để được chích sớm.

    “Có một số nơi chích ngừa không kiểm tra hay xác minh gì hết nên có người làm việc trong đó nói ra cho người quen rồi từ đó lan truyền ra nhiều người rằng đến chỗ đó cứ khai là nhân viên y tế hay nhân viên thiết yếu thì sẽ được chích. Nhiều người đã đến chích trót lọt,” bà cho biết.

    ‘Thiếu tự trọng’

    Theo lời bà thì những người khai gian để được chích như vậy ‘không cảm thấy tội lỗi vì họ đã làm sai, vì nếu biết nghĩ như vậy thì họ sẽ không làm’.

    Khi được hỏi tại sao không khai gian để được chích sớm, bà Hà nói: “Nếu mình làm như vậy thì mình không có lòng tự trọng, mình nhận cái mà mình không đáng được nhận. Làm như vậy thì những người đàng hoàng khác sẽ bị đẩy xuống chờ đợi lâu hơn nữa.”

    Bà Hà cũng biện hộ cho cách làm ‘dựa trên lòng tin’ và ‘không cần xác minh’ của chính quyền là ‘không có gì sai’. “Đáng trách là những người lợi dụng điều đó để gian lận,” bà lên án và cho biết những người gian lận có người da trắng, người Philippines và người gốc Việt.

    Theo lời bà thì một số điểm chích ngừa đã ‘ý thức được tình trạng này’ nên họ có biện pháp kiểm tra gắt gao. “Có một số người đến chích bị cho về,” bà nói.

    Bà nói bà sẵn sàng chờ đến lượt, cho dù bà và con gái bà thuộc nhóm được chích cuối cùng, nhưng vì những người gian lận ‘đẩy mình xuống chờ đợi lâu như vậy thì mình thấy rất bực tức’.

    Quan chức của Biden phải thừa nhận dân nhập cư lậu đang ở mức cao nhất trong 20 năm

    Hôm thứ Ba (16/3), Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết nước Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng nhập cư lậu lớn nhất tại khu vực biên giới chung với Mexico trong vòng hai thập kỷ qua, US. News đưa tin.

    Bộ trưởng Mayorkas cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với khó khăn khi số lượng người di cư tới khu vực biên giới Tây Nam nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 20 năm qua”.

    Nghèo đói, bạo lực và tham nhũng ở Mexico và các quốc gia Tam giác phía Bắc gồm Guatemala, El Salvador và Honduras là những nguyên nhân chính khiến người dân các nước này tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở Mỹ trong nhiều năm qua. 

    Ông Mayorkas cho biết, dòng người nhập cư cố gắng vượt biên giới từ Trung Mỹ và Mexico đã tăng lên đều đặn kể từ tháng 4/2020. Phần lớn những người bị bắt giữ ở biên giới phía Tây Nam là những người trưởng thành độc thân đến từ Mexico và Tam giác phía Bắc. Những người này và các gia đình sẽ bị trục xuất về Mexico, tuy nhiên những trẻ em không có người lớn đi kèm sẽ không bị trục xuất.

    Gần đây, sự gia tăng đột biến số lượng trẻ em nhập cư bất hợp pháp đã gây ra tình trạng quá tải ở các trạm Tuần tra Biên giới. Vào Chủ nhật (14/3), có hơn 4.200 trẻ em hiện bị các quan chức Tuần tra Biên giới tạm giữ.

    Các lực lượng biên phòng Mỹ đã tiến hành hơn 100.000 vụ bắt giữ hoặc trục xuất người nhập cư ở biên giới với Mexico trong tháng 2 vừa qua, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng biên giới năm 2019.

    Theo số liệu của hãng tin NBC News, tính tới ngày 14/3, trung bình mỗi ngày, Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã bắt giữ 565 trẻ em nhập cư không có người lớn đi kèm, tăng từ mức trung bình 313 trẻ em/ngày vào tháng trước. Vào cuối tuần trước, có khoảng 3.000 trẻ em bị đội Tuần tra Biên giới tạm giữ và 1.400 trẻ em trong số đó bị giam giữ quá giới hạn theo luật pháp là 72 giờ.

    Trong nhiều năm qua, tình trạng nhập cư trái phép là vấn đề nan giải tại Mỹ. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, nhiều chính sách nghiêm khắc đã được thực hiện nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.

    Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên tiếp quản Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược một số chính sách nhập cư cứng rắn của người tiền nhiệm. Trong đó có việc ngừng xây dựng một bức tường biên giới và đề xuất dự luật giúp gần 11 triệu người sống bất hợp pháp tại Mỹ được cấp quốc tịch.

    Biểu tình Myanmar: 193 người chết, nhiều cảnh sát vượt biên sang Ấn Độ

    Tính đến thứ Ba (16/3), tổng số người chết liên quan đến các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar đã lên tới 193 người, theo Irrawaddy.

    Vào chiều thứ Ba (16/3), hàng trăm người đã biểu tình chống chính quyền quân sự ở Thị trấn Kawlin, vùng Sagaing. Lực lượng an ninh đã bắn vào người biểu tình khi họ vây quanh một người đàn ông bị cáo buộc cung cấp thông tin cho chính quyền quân sự.

    Trong vụ xả súng, một người biểu tình bị bắn chết, một người khác bị thương và 3 người biểu tình bị bắt.

    Vào buổi tối, cảnh sát và binh lính đã sử dụng đạn thật và lựu đạn gây choáng để trấn áp những người biểu tình tập trung trước đồn cảnh sát của thị trấn, yêu cầu thả tự do cho 3 người bị giam giữ, theo người dân và các bản tin truyền thông vùng Sagaing.

    Trong khi nổ súng, có thêm hai người biểu tình bị thương.

    Vào sáng thứ Ba, một người đàn ông đi bộ được cho là đã bị lực lượng an ninh bắn chết vì dỡ bỏ rào chắn ở Thị trấn Nam Dagon của Yangon.

    Một nhân chứng nói với The Irrawaddy rằng người đàn ông này đã cố tình bị bắn chết khi đang đi dọc lề đường, mặc dù trên thực tế, không có cuộc biểu tình nào gần khu vực này.

    Hôm thứ Hai (15/3), tại một số thành phố lớn bao gồm Mandalay, Bogo, Aunglan, Yangon… 23 người biểu tình đã bị lực lượng kiểm soát bạo động và quân nhân giết chết.

    Vào ngày Chủ nhật (14/3), lực lượng an ninh của chính quyền quân sự đã giết chết ít nhất 73 người biểu tình. Đây là ngày đẫm máu nhất của đất nước Đông Nam Á kể từ khi xảy ra chính biến ngày 1/2.

    Hãng tin Reuters ngày 16/3 dẫn tin từ cảnh sát Ấn Độ cho biết, hơn 400 người từ Myanmar, trong đó nhiều người là cảnh sát, đã vượt biên sang Ấn Độ kể từ cuối tháng 2/2021, trong bối cảnh lực lượng an ninh Myanmar ngày càng mạnh tay với người biểu tình.

    Những cảnh sát Myanmar vượt biên cho biết họ bỏ trốn vì sợ bị ngược đãi sau khi từ chối nghe theo mệnh lệnh bắn người biểu tình của quân đội Myanmar.

    Một cảnh sát giấu tên ở bang Mizoram, Ấn Độ tiết lộ với Reuters “có khoảng 116 người đã vượt biên hôm thứ Sáu (12/3)”. Trong số những người này có cảnh sát, nhân viên cứu hỏa… Một số người chỉ mang theo quần áo đựng trong những chiếc túi nilon trắng khi họ vượt biên.

    Ủy ban Nghiệp vụ Thị trường Mở Liên bang của Mỹ họp

    Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khả năng cao sẽ không đưa ra những thay đổi chính sách lớn vào cuối cuộc họp chính sách tiền tệ hôm nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ chú tâm theo dõi khi những nhân vật thiết lập lãi suất này đưa vào dự báo kinh tế của họ các tác động của gói kích thích 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden. Kể từ lần cuối Fed đưa ra dự báo hồi tháng 12, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 0,7 điểm phần trăm vì nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất cao cùng lạm phát.

    Những con số của các nhà hoạch định chính sách sẽ cho thấy liệu họ đồng ý tới đâu với thị trường. Ngân hàng trung ương cũng có thể chọn tăng nhẹ lãi suất mà họ trả cho các ngân hàng trên số dư tiền mặt của họ, nhằm chống lại một đợt giảm lãi suất qua đêm vượt quá phạm vi mục tiêu 0-0,25%; hiện lãi suất liên bang (federal funds rate) ở mức 0,07%. Lượng tiền mặt dồi dào trong hệ thống ngân hàng, xuất phát từ việc Fed liên tục mua tài sản hàng tháng, đã đẩy lãi suất xuống.

    Bầu cử quốc hội ở Hà Lan

    Hà Lan thường đóng vai trò người báo trước xu hướng chính trị của châu Âu, vì các đảng mới có thể đắc cử quốc hội rất dễ dàng. Người ta dự đoán ít nhất 15 đảng sẽ trúng cử vào hôm nay. Hầu như ai cũng cho rằng phe tự do trung hữu sẽ giành chiến thắng và lãnh đạo của họ, Thủ tướng Mark Rutte, sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Đảng Vì Tự do, đứng đầu bởi Geert Wilders, một người theo chủ nghĩa dân túy chống Hồi giáo, có thể về nhì.

    Câu hỏi chính là ai sẽ đứng ở vị trí thứ ba: đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu hay đảng D66 tiến bộ hiện đang lên nhanh trong các cuộc thăm dò. Cả hai đảng đều có khả năng ở lại chính phủ liên minh, và nhiều phiếu bầu hơn đồng nghĩa nhiều ảnh hưởng hơn. Có một đảng mới là Volt ủng hộ EU mà các cuộc thăm dò dự đoán có thể thắng ít nhất một ghế. Cuối cùng, các đảng cánh tả sẽ rất may mắn nếu thắng được một phần ba số phiếu — đặc biệt trong bối cảnh ông Rutte gần đây đã trung dung hơn.

    Mỹ bán đấu giá phổ tần để phục vụ tham vọng 5G

    Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ đang khao khát có được phổ tần không dây để họ có thể xây dựng mạng 5G. Và Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), một cơ quan quản lý, đang cung cấp nó. Hồi tháng 12 và tháng 1 – sau 97 vòng đấu thầu – FCC đã đấu giá các giấy phép phổ tần trị giá 81 tỷ đô la mà sẽ chủ yếu được dùng cho 5G. Sẽ còn nhiều hơn nữa.

    Hôm nay cơ quan này bỏ phiếu xem có nên tổ chức đấu giá một phổ tần khác vào tháng 10 hay không. Điều này sẽ mang lại rất nhiều tiền. Tập đoàn viễn thông Verizon đã chi gần 52 tỷ đô la trong phiên đấu giá gần đây nhất, gấp gần ba lần thu nhập ròng của họ trong năm 2020. Dù vậy cái giá đắt này là món hời cho người mua. Phổ tần FCC đang bán mang lại cho các nhà cung cấp dịch vụ không dây cơ hội tốt nhất để cung cấp cho người tiêu dùng tốc độ cực nhanh như những nhà truyền bá 5G đã hứa hẹn. Trong khi đó, các dịch vụ “5G” hiện tại của họ chỉ là các kết nối nhanh hơn một chút được xây dựng trên phổ tần có sẵn.

    Cựu tổng thống Pháp Sarkozy lại hầu tòa

    Chỉ hơn hai tuần sau khi bị kết tội tham nhũng và buôn bán ảnh hưởng, hôm nay Nicolas Sarkozy quay lại tòa. Lần này, cựu tổng thống Pháp bị cáo buộc vượt quá mức giới hạn chi tiêu trong cuộc tái tranh cử bất thành hồi năm 2012. Được gọi là “Bygmalion” – theo tên công ty tổ chức sự kiện đứng sau chiến dịch của ông – vụ án này tập trung vào các cáo buộc cho thấy hóa đơn giả đã được gửi đến đảng của ông, nhằm lách các quy tắc giới hạn chi tiêu của ứng viên ở mức 22,5 triệu euro (26,7 triệu đô la).

    Không như các đồng phạm, ông Sarkozy không bị buộc tội biết về các hóa đơn giả. Nhưng ông bị buộc tội tiếp tục chi tiêu vào thời điểm mà rõ ràng ông đã vượt định mức. Các nhà điều tra nói tổng chi phí của chiến dịch của ông là 42,8 triệu euro. Ông Sarkozy phủ nhận mọi cáo buộc. Ông đã kháng cáo lại bản án của mình trong vụ án hai tuần trước. Còn phiên tòa thứ hai của ông, nếu không bị trì hoãn bởi covid-19, sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng 4.

    Miến Điện : Một nhóm nhà sư kêu gọi quân đội ngừng tàn sát người biểu tình

    Tăng đoàn Maha Nayaka Miến Điện (Tăng đoàn được Nhà nước công nhận - Mahana) phá vỡ im lặng và lên tiếng kêu gọi tập đoàn quân sự chấm dứt bạo lực nhắm vào người biểu tình. Theo nhiều cơ quan truyền thông Miến Điện ngày 17/03/2021, hội Phật Giáo lớn nhất cũng lên án « một thiểu số có vũ trang » tra tấn và sát hại những người dân vô tội từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02.

    Tăng đoàn Maha Nayaka dự kiến ra bản công bố cuối cùng vào ngày 18/03 sau khi tham vấn với bộ Tôn Giáo, theo một nhà sư tham gia cuộc họp của Mahana cung cấp cho trang thông tin Myanmar Now.

    Reuters chưa liên lạc được với Tăng đoàn Maha Nayaka để đề nghị bình luận. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh, lập trường mới này có thể đánh dấu sự chấm dứt giữa chính quyền và một nhóm Phật Giáo vẫn hợp tác chặt chẽ với chính phủ.

    Trên thực địa, cảnh sát vẫn tiếp tục trấn áp dữ dội người biểu tình. Theo trang The Irrawaddy, đã có 193 người thiệt mạng tính đến ngày 16/03, trong số nạn nhân những ngày gần đây có một thiếu nữ 16 tuổi bị cảnh sát bắn chết hôm 15/03 ngay trong nhà ở làng Chaunggyi, ở vùng Mandalay.

    Tình hình vẫn căng thẳng tại một khu công nghiệp ở ngoại ô Rangoon, nơi cảnh sát được huy động để trấn áp người biểu tình. Theo AFP, khói vẫn bốc lên mù mịt vào ngày 17/03. Trong đêm trước đó, cảnh sát đã đốt nhiều khu dân cư, theo một cơ quan truyền thông địa phương. Người dân không dám ra đường vì cảnh sát nổ súng, bắt giam nhiều người. Trên cả nước vẫn có nhiều cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi, theo hình ảnh được đăng trên mạng xã hội, dù Internet di động bị cắt hoàn toàn.

    Tập đoàn quân sự tiếp tục nhắm vào thành viên của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi. Ngày 16/03, quân đội đã ra lệnh bắt « Bác sĩ Sa Sa » vì tội « phản bội ». Ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên bên cạnh Liên Hiệp Quốc của Ủy ban Đại Diện Quốc Hội (CRPH), gồm nhiều thành viên của đảng LND, được coi là « Quốc Hội ngầm » điều phối và khuyến khích biểu tình.

    TT Thái Anh Văn: Quyết không thuận theo ĐCSTQ, nếu không Đài Loan sẽ thành Hồng Kông thứ hai

    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố hôm 16/3 rằng Đài Loan hiện đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu Đài Loan thuận theo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giống như Quốc Dân Đảng, Đài Loan sẽ trở thành Hồng Kông thứ hai. 

    Theo Liberty Times, đây là điều Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói tại Hội nghị Tọa đàm về công tác đảng của Đảng Dân tiến ở Đài Bắc. Bà nói thêm rằng ĐCSTQ đã sắp đánh đổ niềm tin của người dân Đài Loan, tuy nhiên trong hoàn cảnh khó khăn mới có thể thành tựu một nền dân chủ kiên cường. “Nếu Đài Loan hiện tại có thể trụ vững trước áp lực của ĐCSTQ, thì bây giờ chính là là lúc người dân Đài Loan kiên cường và tự tin nhất”, Bà Thái nói.

    Bà Thái Anh Văn cũng nhắc nhở Đảng Dân tiến rằng chính trị dân chủ cần phải xem trọng đạo lý, nhưng cũng phải chú ý đến dư luận, mỗi cuộc trưng cầu dân ý chính là để xác minh mức độ chấp nhận và niềm tin của người dân đối với chủ trương ​​và các chính sách ca đảng cm quyn, nếu nhn thy ý kiến người dân có s thay đổi, thì Đảng Dân tiến cn phải hết sức chú ý.

    Bà nói rằng chúng ta có thể thấy rằng những gì chúng ta nghĩ là đúng 100% vào thời điểm đó, nhưng bây giờ lại không nhất định có hơn một nửa sự ủng hộ. Chúng ta phải đối mặt với tình huống này và khiến cho xã hội biết được rằng sự kiên trì của chúng ta là đúng.

    Bà cũng cho biết, rất nhiều người cho rằng bà sẽ không còn cơ hội tái đắc cử vào năm 2024. Về vấn đề này, bà xem nhiệm kỳ hiện tại của bà cũng chính là nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống kế tiếp, bà cần giúp đỡ vị tổng thống kế tiếp có được một nền tảng tốt để có thể tiếp nhiệm một cách thuận lợi.

    Không có nhận xét nào