Header Ads

  • Breaking News

    Điệp Mỹ Linh – Chiều trên sông Nile


    Ðể nhớ Nguyễn AnhTuấn

    Tùy bút

    Nhìn cây phượng sum sê, lá xanh biếc và cuối mỗi cành là một chùm hoa đỏ rực, tôi không liên tưởng đến những ngày tháng đáng yêu của tuổi học trò mà tôi lại ngậm ngùi nhớ đến em tôi – Nguyễn Anh Tuấn.

    Tôi không nhớ Tuấn học từ ai và từ bao giờ mà Tuấn lại có ngón đàn Tây-Ban-Cầm rất tuyệt vời – không thua gì tiếng Tây-Ban-Cầm của John Mayer – và nét vẽ rất lạ.

    Giữa lúc tôi đang nghĩ về Tuấn thì Sammy –  hướng dẫn viên của công ty du lịch Globus – đến cạnh, yêu cầu tôi trở lại với nhóm du khách để Sammy thông báo những điều cần thiết và trao chìa khóa phòng.

    Khi nhận chìa khóa phòng và điền mấy mẫu giấy thỏa thuận về những chuyến đi “excursions”, tôi hỏi:

    - Sammy! Cho tôi một đặc ân, được không?

    Sammy gật đầu. Vừa chỉ về hướng cây phượng tôi vừa tiếp:

    - Sammy cho tôi căn phòng chỗ có cây hoa đỏ đó, được không?

    - Vậy mà tôi cứ ngại bà sẽ bảo tôi đưa bà đi xem kho tàng của vua Tutankhamon ngay bây giờ.

    Cả nhóm du khách cùng cười ồ lên.

    Sau khi vào phòng, nhìn qua cửa kính, tôi mới nhận biết được nỗi buồn chợt đến trong lòng tôi là do cây phượng này gợi lại trong tôi hình ảnh cây phượng già trước ngôi nhà xưa của Ba Má tôi.

    Dưới gốc phượng già của Ba Má tôi, không nhớ vào dịp nào, Ba Má và mấy chị em tôi chụp chung một tấm hình, phóng lớn, treo ngay phòng khách. Trong ảnh, mấy chị em tôi đứng sắp hàng từ lớn xuống nhỏ; Ba Má tôi đứng sau hai em gái nhỏ nhất – Mai-Trâm và Trúc-Uyên. Mấy mươi năm qua tôi gần như quên bẳng tấm ảnh đó; nhưng cách nay không lâu, Tuấn gửi sang tặng tôi. Thấy tấm ảnh tôi không dám nhìn lâu, vì nhiều người trong tấm ảnh ấy không còn nữa! Phía sau tấm ảnh Tuấn viết: “Trả lại chị những ngày vui xưa”.

    Những ngày vui xưa của chị em tôi là những buổi trưa trốn ngủ trưa, lén leo lên cây phượng, hái trái, giả Les Trois Musquetaires, chơi trò đánh kiếm.

    Từ khi trở thành nữ sinh đệ tam B4, tôi cứ hãnh diện ngầm, vì cho rằng tôi không còn là con nít nữa. Nhưng kể từ khi vào đời, và ngay cả giờ phút trong căn phòng sang trọng của khách sạn Oberoi Mena House Garden cổ kính này, tôi cũng chỉ tha thiết ước mong được trở thành con nít một lần nữa thôi!

    Lòng tôi ôm niềm ước mơ không tưởng để đợi giấc ngủ đến; nhưng tiếng hòa nhạc nơi hồ bơi làm tôi không ngủ được. Một lúc sau, hòa lẫn với âm thanh của trống và các nhạc cụ quen thuộc khác, tôi nhận ra âm thanh của đàn rababas – loại nhạc cụ có hình dáng và âm thanh tương tự như đàn cò của mình. Giọng hát nao nao buồn, bằng thứ ngôn ngữ rất lạ, không thể nào tôi hiểu được. Sau vài bài ca rất đặc thù của xứ Ngàn Lẽ Một Ðêm, bất ngờ tiếng trống lớn hơn và dồn dập hơn, rồi ban nhạc chuyển sang Rock trong những tràng pháo tay reo hò.

    Tôi thật sự ngạc nhiên, không ngờ họ Rock cũng đến nơi đến chốn, không thua gì ca sĩ Việt-Nam hát nhạc Mỹ. Tôi tò mò, ngồi dậy, vén màn cửa sổ vừa nhìn vừa nghe. Bỗng dưng sự nhộn nhịp bên hồ bơi hơi lắng xuống khi một thanh niên ôm Guitar đến gần micro. Anh ấy dạo phân đoạn đầu. Tôi nhận ra tiết điệu của tình khúc Please Don’t Go. Rồi anh hát:

    “I love you. Yeah, Babe.

    I love you so.

    I want you to know that

    I’m going to miss your love...”.

    Chính lúc này tôi mới hiểu, âm  thanh của dòng nhạc có mãnh lực đưa hồn tôi trở về ngày tháng xa xưa để sống với những gì đã qua và đã mất .

    Vì hồn tôi mãi lang thang tìm về những gì đã qua và đã mất cho nên nhạc khúc Please Don’t Go dứt hồi nào tôi không hay. Chàng ca sĩ tài tử bên hồ bơi chuyển sang: “Yesterday, all my troubles seemed so far away...” Tôi vui mừng reo lên nho nhỏ “Ô, Yesterday” rồi tôi ngồi lên thành cửa sổ, lắng nghe.

    Theo tiếng đàn và giọng hát của anh ấy, tôi tưởng như tôi thấy lại Tuấn trong sân trường đại học Khoa-Học vào thời gian Saigon sôi sục, đầu thập niên 70. Trong khi sinh viên có khả năng văn nghệ khác thường đàn và hát nhạc Trịnh-Công-Sơn để bộc lộ tư tưởng của họ thì Tuấn chỉ Come Back To Sorrento, Yesterday, Only You, v. v…

    Ðể xua đuổi kỷ niệm buồn, tôi mở cửa, ra lang cang, ngồi vào chiếc ghế mây. Tiếng nhạc và quan khách bên hồ bơi đã “biến đi” tự lúc nào. Cái nóng hừng hực của buổi chiều không còn nữa. Nhìn quanh, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy – dưới ánh trăng – ba kim tự tháp Cheops, Khafre và Khufu hiện rõ trong tầm mắt tôi. Thấy một trong những kỳ quang của thế giới, tôi chợt nhớ đến phim Cleopatra do Liz Taylor và Richard Burton thủ vai chính. Trong phim này kim tự tháp trông tráng lệ và nguy nga cho đến nỗi tôi say mê, tôi mơ ước. Giờ đây, được thấy tận mắt, sự say mê, niềm mơ ước trong tôi còn lớn hơn bội phần.

    Hôm sau, sau khi viếng Sphinx và rạp hát giữa trời, Sammy đưa chúng tôi đến kim tự tháp Cheops.

    Qua đoạn đường ngắn khá vất vả vì phải “lum khum” “chui” vào lòng kim tự tháp Cheops, tôi chỉ thấy đá và đá. Ðá chồng lên nhau. Ðá tựa vào nhau. Ðá gắn bó nhau từ mấy ngàn năm qua. Cuối cùng là một khoảng không gian hơi rộng, tôi thấy một hố nhỏ trống hổng – cũng được đục trong đá – giống như hình thể quan tài! Sự nôn nao, rộn ràng trong tôi không còn nữa. Nhưng tôi lại hy vọng hai kim tự tháp Khafre và Khufu sẽ thỏa mãn sự tò mò của tôi. Tôi hỏi Sammy:

    - Hai kim tự tháp kia có gì khác hơn tháp Cheops này không, Sammy?

    - Không. Một hãng phim ở Hollywood đang chế tạo một người máy rất nhỏ, để đưa người máy đó vào bên trong kim tự tháp quay phim. Những gì các bạn thấy lúc nãy chưa hẳn là bên trong.

    Ngoài ba kim tự tháp lớn, tôi còn thấy vài kim tự tháp nhỏ. Sammy giải thích đó là tháp của các hoàng tử và công chúa. Mọi người đều lộ vẻ thất vọng, không ai muốn “chui” vào bất cứ kim tự tháp nào nữa cả.

    Niềm thất vọng này càng sâu đậm hơn khi chiếc buýt đưa chúng tôi chạy đọc theo con đường dơ bẩn của không biết bao nhiêu đồ án được xây cất dỡ dang. Tôi tò mò hỏi, Sammy cầm micro giải thích cho cả nhóm cùng nghe:

    - Luật của nước tôi, nếu ngôi nhà chưa hoàn tất thì chủ ngôi nhà đó chưa phải đóng thuế cho chính phủ; vì vậy, hầu hết nhà ở đây, có khi đã qua mấy thế hệ sinh sống trong đó và họ có tiền xây thêm một, hai, ba tầng lầu nữa nhưng họ vẫn cứ để vật dụng phế thải trơ ra đó, chứng tỏ là nhà xây chưa xong, để khỏi bị đóng thuế.

    Một du khách khác hỏi Sammy về tình trạng du lịch ở Ai-cập ngay sau biến cố 9-11 tại Hoa-Kỳ. Sammy buồn bả lắc đầu:

    - Tê liệt! Tê liệt hoàn toàn! Hai ngôi đền mà chúng ta sắp viếng thăm trong khoảng 30 phút tới đây chịu ảnh hưởng nặng nhất. Mọi cổng và lối đi dẫn vào đền đều khóa chặt. Tường và sân đầy rong rêu. Ngôi đền mà hơn năm mươi du khách bị sát hại cách nay mấy năm cũng cùng chung số phận. Không khí ảm đạm/chết chóc bao quanh những ngôi đền cho đến khi chính phủ vận dụng mọi nỗ lực trong việc kiểm soát an ninh để chinh phục sự tin tưởng của du khách.

    Câu cuối của Sammy khiến tôi nhận ra vai trò của một thanh niên mang súng lục, ăn mặc lịch sự, ngồi ghế bên phải của Sammy.

    Trên đường đến những nơi dệt thảm tôi thấy cây chà là (date-palms) oằn trái. Trái gần chín, màu vàng. Trái chín màu đỏ thẫm. Nhiều nơi cây chà là được trồng dưới hố sâu, trong lòng đá.

    Xe chạy ngang một khu vực mà lối kiến trúc trông rất kỳ dị. Sammy giải thích qua micro:

    - Ðây là thành phố của người chết (The city of the deaths). Ðó là mộ của những người giàu. Gia đình họ thuê người từ dưới quê lên giữ mộ, giá rẽ hơn thuê người thành phố. Một cách kín đáo, người giữ mộ lén đem từng người trong gia đình từ dưới quê lên sống trong nhà mồ. Lâu dần họ tìm cách hợp thức hóa bằng hóa đơn điện/nước, rồi họ được sống tại đó.

    Tôi chợt nhớ đến gia đình tôi. Sau khi Ba và các em trai của tôi bị cộng sản Việt Nam nhốt tù và tài sản “được” nhà nước quản lý, Má tôi và các em gái của tôi phải “tình nguyện” đi kinh tế mới. Ðời sống tại kinh tế mới cơ cực quá, chịu không nỗi, Má tôi phải lén đưa các em gái tôi chui rúc nhiều nơi, kể cả nghĩa trang, để mong tìm đường trở về thành phố; nhưng lần nào cũng bị công an khu vực bắt, “lùa” về lại kinh tế mới! Mai-Trâm và Trúc-Uyên không chịu được sự tủi nhục/sự đói khát/ sự cơ cực, đành xin thuốc giết chuột của người láng giềng, cùng kết liễu cuộc sống!

    Khi nào chợt nhớ đến sự sa sút thảm hại của gia đình, tôi cũng không còn cảm thấy thích thú gì trong cuộc đời này nữa! Vì thế, suốt thời gian viếng thăm các ngôi đền và bảo tàn viện, tôi ngồi lại trong xe.

    Người tài xế mở radio, đài nào tôi không biết, nhưng xướng ngôn bằng tiếng Anh và rồi một giọng nữ đơn ca. Tôi không nhớ tên ca sĩ mà tôi lại nhớ đó là ca khúc Unbreak My Heart. Tôi hỏi ông tài xế:

    - Ở đây nhiều người nghe nhạc Mỹ không?

    - Nhiều lắm. Ða số là người trẻ. Không những họ nghe mà họ còn đàn và hát nhạc Mỹ nữa kìa.

    - Thảo nào tối hôm qua tôi nghe ban nhạc chơi nhạc Mỹ tại pool party, nơi hồ bơi.

    - Ðó không phải là pool party mà là đám cưới nhà giàu.

    Nhìn quanh, tôi ngạc nhiên, kể từ sau khi rời phi trường quốc tế Cairo, tôi chưa hề thấy một hành khất nào cả. Nhưng, sau khi rời khách sạn Elephantine Island Resort tại Aswan để du ngoạn bằng felucca đến đảo Kitchener Island, tôi thấy vài  em bé trai, mỗi cậu một chiếc thuyền nhỏ -- thuyền được ghép lại bằng ba tấm kim loại, sơn màu lòe loẹt -- vừa chèo theo felucca của du khách, vừa hát bài Clementine để xin tiền. Loại thuyền nhỏ này tôi cũng thấy dân cư dọc theo bờ sông xử dụng để đi câu, đi gỡ lưới hoặc làm phương tiện di chuyển dọc bờ sông Nile.

    Dọc hai bờ sông Nile, tôi thấy những mái nhà lụp xụp ẩn mình dưới bóng cây chà là. Phía sau những vùng dân cư không đông đúc đó là một vùng đá thấp và cát, hoàn toàn không có cây cỏ. Vùng đá thấp và cát này kéo rộng ra một đoạn khá xa thì “đụng” phải hai bờ đá cao. Trên hai bờ đá cao đó là triệu triệu đường nứt nẻ chứ không thấy được dấu vết của sự sống.

    Trong giải sa mạc rực nắng và thiếu mưa, chúng tôi leo hết bậc cấp này đến phiến đá nọ để tìm xem đền đài và những ngôi mộ cổ. Ðến bất cứ đâu tôi cũng thấy những hình tượng được tạc bằng đá và những nét vẽ rất lạ được khắc vào đá. Tôi không thể vào sâu trong mộ vì diện tích bên trong rất hẹp, ít dưỡng khí trong khi bên ngoài trời nóng như thiêu/như đốt.

    Khi chiếc du thuyền nhỏ đến Edfu, tôi thấy người dân địa phương dùng loại xe được đóng bằng gỗ, không mui, do ngựa hoặc lừa kéo. Xe lừa được phụ nữ dùng để chở rau cải, hàng hóa. Tôi cũng thấy tận mắt những con lạc đà da khô như vỏ cây nhưng mắt thì hắt hiu buồn. Tôi chưa hề thấy sinh vật nào có ánh mắt buồn da diết và dáng vẻ khắc khổ/chịu đựng như lạc đà!

    Không hiểu tại sao dáng vẻ khắc khổ và chịu đựng của lạc đà lại khiến tôi nhớ đến Tuấn. Trong lần tôi trở về quê sau hơn hai mươi năm xa cách, tôi không nhận ra Tuấn. Tuấn chỉ hơn 40, nhưng thân người khô đét và khuôn mặt cằn cỗi trông Tuấn như ông già 70! Bao nhiêu bất hạnh và tủi nhục được Tuấn dấu kín trong đôi mắt hắt hiu. Tôi im lặng, cố nén vào lòng niềm thương cảm! Khi Tuấn búng tàn thuốc ra cửa xe, thấy ngón tay trỏ của Tuấn bị mất một đốt, tôi hỏi. Tuấn im lặng, nhìn ra xa...

    Không bao giờ tôi ngờ được rằng tôi đã hỏi Tuấn một câu hệt như câu mà Má tôi đã hỏi Tuấn vào năm 1976, khi Tuấn thì thầm cho Má tôi biết rằng Tuấn sẽ vượt biên bằng đường bộ. Má tôi thoáng giật mình, nhưng vội trấn tỉnh ngay. Má tôi lần trong thắt lưng lấy tất cả vốn liếng của mấy mẹ con – khoảng hơn 50 đồng – dúi vào tay Tuấn. Tuấn nắm tay Má tôi, để trọn số tiền đó vào lại trong tay Má tôi. Sự va chạm này khiến Má tôi nhận ra sự biến dạng nơi ngón tay trỏ của Tuấn. Má tôi kinh ngạc, hỏi. Giọng Tuấn buồn buồn:

    -Những người vượt biên đường bộ, nhỡ bị bắt họ thường bị ghép vào tội theo thế lực thù nghịch để chống lại nhà nước. Vì vậy, con chặt bỏ lóng tay trỏ để, nhỡ bị bắt, họ biết con không có khả năng xử dụng súng, họ sẽ không ghép con vào tội chống phá “cách mạng”, thì tội của con sẽ nhẹ và con sẽ không ở tù lâu.

    Ước tính của Tuấn là như vậy. Nhưng khi bị bắt tại Nât-Luông, họ nhốt Tuấn vào nhà tù ở núi Sam, bốn năm!

    Suốt bốn năm tù, không biết bao nhiêu lần Tuấn hối tiếc vì nhớ lại buổi chiều cuối cùng, tháng Tư-1975, tôi gặp Tuấn tại nhà Thọ -- người bạn thân của Tuấn, cùng học tại đại học Khoa-Học. Tôi bảo Tuấn về nhà tôi, nhỡ có gì thì đi trốn pháo kích với gia đình tôi. Tuấn có vẻ suy nghĩ. Thọ khuyên tôi đừng đi đâu cả. Tôi thuyết phục Tuấn. Tuấn hơi xiêu lòng thì Thọ lại  lên tiếng:

    -Chị về trước đi. Em chở nó theo chị ngay.

    Tôi nhìn Tuấn, chờ đợi. Tuấn lập lại ý của Thọ. Tôi tin lời Tuấn. Nhưng khuya đó, lúc gia đình tôi rời nhà, vẫn không thấy Tuấn về, tôi khóc!

    Ngày đó tôi khóc vì thương Tuấn. Ở trong tù, mỗi khi ban quản giáo bắt Tuấn đàn, tập cho cả trại cùng hát, Tuấn khóc thầm; vì sự bất khiển dụng của ngón tay trỏ nơi bàn tay phải khiến Tuấn vụng về khi búng giây đàn; và cũng vì Tuấn nhớ lại cảm giác rờn rợn khi thằng bạn dùng cái rựa, bảo Tuấn kê ngón tay trỏ lên thanh gỗ, nhắm mắt lại để nó chặt. Một tiếng “phụm” khô khan, đốt ngón tay lăn trên đất, máu tươi tuôn ròng ròng...

    Vừa nhớ đến đây, tiếng Sammy cắt đứt dòng ý tưởng của tôi:

    - Ai cần mua nước chai thì mua bây giờ; vì về đến tàu là tàu nhổ neo đi Luxor ngay.

    Ðến Luxor, cũng dưới ánh nắng và sức nóng như trong lò hầm than, Sammy thu xếp cho du khách đi thăm thành phố bằng xe ngựa. Ba du khách ngồi chung một xe.

    Tiếng “lóc cóc” do móng ngựa chạm vào mặt đường như khơi giậy trong lòng tôi dòng âm thanh xưa, trên những chuyến xe ngựa từ Nha-Trang đi Thành/đi Cầu-Ðá hoặc Tháp-Bà/Hòn-Chồng. Ôi, những chuyến xe ngựa của tuổi thơ!

    Mọi người vui cười rời xe ngựa, đi vào xem chợ Trời, tôi vẫn ngồi yên, không rời xe; vì tôi hoang tưởng, nghĩ rằng/mơ ước rằng chuyến xe ngựa này là chuyến “xe ngựa tuổi thơ” của tôi!

    Lúc mọi người trở lại, Sammy bảo tất cả du khách chuyển sang xe buýt.

    Chiếc buýt chạy khá xa nhưng tôi vẫn quay lui để nhìn lại một lần cuối chiếc “xe ngựa tuổi thơ” của tôi.

    Trong ý nghĩ của tôi, những chuyến “xe ngựa tuổi thơ” trên những con đường xưa có sự sống – ít ra là trong hồn tôi – còn quanh khu vực giành cho du khách thăm viếng, tôi chỉ thấy, ngoài nhóm công an mặc sắc phục, còn tất cả là đá. Núi đá, phiến đá, ghềnh đá, tượng đá, hốc đá, viên đá và đá vụn chứ tôi không thấy được bất cứ một sinh vật hay thực vật nào khác.

    Khi ngồi trốn nắng nơi hốc đá ở Queen Hatshepsut’s monumental rock temple, tôi chợt nghĩ, các em tôi chết trẻ, tôi không biết mồ mả như thế nào; thế mà suốt mấy ngày qua tôi lại lặn lội đi tìm xem mộ của những người đã chết từ bao nhiêu ngàn năm trước! Ý nghĩ này làm lòng tôi buồn đến héo hon!

    Trở lại tàu, tôi lên thẳng sân thượng, tìm nơi khuất lấp, ngồi một mình. Nhìn những áng mây đỏ rực cuối trời xa, tôi lại nhớ Tuấn. Tôi nhớ đến lần Tuấn báo cho tôi biết, khi nhận vẽ bảng hiệu cho công ty xuất cảng cá tôm sang Hoa-Kỳ, bất ngờ Tuấn gặp lại Thọ – giám đốc công ty này. Thọ cần một người có khả năng Anh ngữ để giao dịch, mua và kiểm soát thực phẩm cho cá tôm ăn. Thế là Tuấn không phải lang thang vẽ bảng hiệu để kiếm sống nữa. Tôi mừng cho Tuấn và cũng mừng cho tình bạn giữa Tuấn và Thọ.

    Cách nay mấy tuần – trong khi nhờ Phổ chở về nhà bằng Honda – Tuấn điện thoại cho tôi. Sau vài câu thăm hỏi, Tuấn dặn:

    -Chị Hai! Chị nhớ đừng mua cá tôm nhập cảng từ Việt-Nam, nha!

    -Tại sao?

    - Họ lấy gà vịt bị bệnh dịch đem về chế biến ra thực phẩm cho cá tôm ăn.

     

    -Ủa, báo chí Việt-Nam đăng tải là chính quyền Việt-Nam đã ra lệnh thiêu hủy tất cả gia cầm nghi ngờ có mầm bệnh rồi mà.

    -Tụi nó đốt lấy lệ, để báo chí chụp hình cho bà con tin thôi, rồi tụi nó lấp hờ tại đó. Ðến tối, cũng chính tụi nó trở lại, đào lên, đem về, lựa con nào kha khá bán cho nhà hàng; con nào tệ, bán cho mấy công ty xuất cảng tôm càng, cá tra để được chế biến thành thức ăn nuôi tôm cá.

    -Thôi, đừng nói nữa! Nguy hiểm!

    -Nếu chị không phải là chị ruột của em thì em nói làm gì!

    - Cảm ơn. Tuấn cẩn thận!

    -Chị đừng lo cho em. Chị biết “sếp” công an khu vực này lài ai không?

    -Ai vậy?

    -Thằng Lực, con của bà Ba Giàu chứ ai! Chị nhớ bà Ba Giàu không?

    Bà Ba Giàu, trước năm 1975, giúp việc nhà cho Má tôi. Ông Ba Giàu làm nghề đạp xích lô. Hằng tháng, đến ngày Má tôi phát lương cho bà Ba Giàu, ông Ba Giàu chở thằng Lực trên xích-lô, đến nhà tôi nhận tiền. Tối đó thế nào ông Ba Giàu cũng “nhậu” mấy “xị” đế, rồi “xỉn”, thằng Lực phải chạy bộ qua nhà Ba Má tôi, gọi bà Ba Giàu về cạo gió cho Ba nó. Tôi thầm phục Lực là người có tình, vẫn còn nghĩ đến các em tôi như người thân. Tôi không hiểu làm thế nào Lực “ngon lành” như vậy, nhưng tôi hơi yên lòng; vì các em tôi ở kinh tế mới, quen biết một người có “chút thế lực(!)” cũng đỡ.

    Tôi chỉ yên lòng được vài hôm thì Lộc – vợ của Tuấn – gọi sang, báo cho biết Tuấn bị công an khu vực gọi đến trụ sở “làm việc” rồi bị tống giam mà không viện dẫn lý do. Tôi chợt nhớ đến Lực, vội bảo Lộc liên lạc với Lực. Lộc nức nỡ:

    -Dạ rồi. Anh Lực nói do “trên” chỉ thị thì ảnh thi hành chứ ảnh không biết tội danh. Nhưng anh Lực hứa là ảnh sẽ cố giúp nếu em có điều kiện...

    Tôi hiểu và gửi ngay về cho Lộc một số tiền kha khá để lo cho Tuấn.

     

    Tuấn hiền lành, lại điển trai hơn Thọ, và có tý văn nghệ nên được nhiều người quý mến. Thọ không mặc cảm về những điều đó; nhưng Thọ lại khó chịu và cảm thấy bất an khi sếp lớn của Thọ nhiều lần ngõ lời khen ngợi Tuấn. Thọ ngại Thọ sẽ mất chức về tay Tuấn. Thọ tìm nhiều cơ hội đề nghị sếp lớn cho Tuấn nghỉ việc, nhưng sếp lớn bảo ông ta cần những người như Tuấn. Sau khi Phổ lập lại cho Thọ nghe cuộc điện đàm giữa Tuấn và người chị ở Mỹ thì Thọ có lý do và cơ hội “loại” Tuấn ra khỏi công ty. Thọ kín đáo báo cáo công an và ghi tên Phổ là nhân chứng. Tuấn vào tù mà Tuấn không hề nghi ngờ Thọ.

    Lực gặp riêng Thọ để “thương lượng”. Sau khi Lực cho Thọ biết chính “chị Hai thằng Tuấn” nhờ Lực can thiệp, Thọ cười, thỏa thuận nhận số tiền do Lực trao rồi hai người chở nhau đi ăn uống no say.

    Lúc bắt tay từ giã Lực, giọng Thọ nhừa nhựa vì rượu:

    -Cứ thả thằng Tuấn đi, tao có cách khác ngoạn mục hơn nhiều.

    Sau khi Tuấn được thả, Thọ đến tận nhà thăm và rủ Tuấn đi ăn mừng. Tuấn vui vẻ nhận lời, không nghi ngờ gì cả…

    Những chi tiết kể trên về sau Lộc mới cho tôi hay. Còn khi tôi đang kiểm soát lại lần cuối những thứ lặt vặt để sáng hôm sau ra phi trường, khởi hành chuyến du lịch này thì tôi nhận được điện thoại từ Việt-Nam. Lộc cho biết Tuấn được thả buổi trưa thì chiều Thọ ghé thăm rồi chở Tuấn đi ăn mừng. Tối Thọ đưa Tuấn về. Tuấn say khướt, đại tiện, tiểu tiện ngay trên chiếu. Cơ thể của Tuấn tím dần và Tuấn không nói được! Đem Tuấn đến bệnh xá, y tá bắt mạch, bảo Tuấn bị trúng độc nặng lắm, không cứu được!

    Nghe Lộc vừa khóc vừa kể về Tuấn, tôi lạnh toát người, đứng trơ, không khóc được – và cũng không thể đình hoản chuyến du lịch này để ở nhà khóc em!

    Hôm đó tôi không khóc được. Nhưng, giây phút trên sân thượng của chiếc du thuyền nhỏ neo bên bờ sông Nile, tôi âm thầm lấy khăn giấy thấm nhanh những giọt nước mắt muộn màng!

    Nhìn về hướng mặt trời lặn, tôi không biết chính xác mặt trời có lặn về phía quê tôi hay không; nhưng tôi biết, trên giải đất đầy oan khiêng và khổ nạn đó, Tuấn không phải là người đầu tiên và Tuấn cũng chẳng phải là người cuối cùng phải chết vì  tính dễ tin, lòng thành thật và sự thẳng thắn của mình!

    Nhìn ra xa, trong ánh hoàng hôn, dòng nước trong mát của sông Nile vẫn lặng lờ xuôi ra biển, nhưng hồn tôi lại vượt không gian tìm về chốn xưa; nơi đó, cũng như trong lòng tôi, tiếng hát của Tuấn lúc nào cũng chơi vơi, lạc lõng, buồn buồn!

    Tôi thương nhớ Tuấn như thương nhớ gốc phượng già trước ngôi nhà xưa của Ba Má tôi; như thương nhớ một phần đời thơ ấu của tôi; như thương nhớ tiếng đàn Accordéon của tôi; như thương nhớ những buổi tối hai chị em cùng hát nghêu ngao trên sân thượng nhà tôi. “Yesterday, all my troubles seemed so far away. Now it looks as though they’re here to stay....”. (1)

    Troubles are here to stay mà Tuấn thì đã far away, đã vút cao – cao hơn tất cả những nghịch lý/những hèn mọn/những đau thương/những uất hờn và thù hận trong cuộc sống này! “...Oh, yesterday came suddenly...”. (2)

    ĐIỆP MỸ LINH

    https://www.diepmylinh.com/

    1 và 2 .-Yesterday, The Beatle.  

     

    Không có nhận xét nào