Header Ads

  • Breaking News

    Một số nhân sự chủ chốt của Chính phủ Hà Nội mới

    Cùng với việc bầu thông qua lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội, tại kỳ họp thứ 11 đang diễn ra ở Hà Nội, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành công tác tương tự đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ. Tuy chưa bỏ phiếu thông qua nhưng một danh sách với đầy đủ thông tin về nhân sự mới của Chính phủ đã được chia sẻ trong những tuần gần đây. Phóng viên RFA có cuộc phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, liên quan chủ đề những nhân sự đang được bàn đến này.

    Một số nhân sự chủ chốt của Chính phủ Hà Nội mới

    RFA: Danh sách nhân sự không chính thức mà ông hiện có cho hay ông Phạm Minh Chính, tới đây, sẽ trở thành Thủ tướng mới của Việt Nam. Theo ông, với kinh nghiệm làm việc đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ ngoại giao, luật pháp cho đến an ninh và phát triển kinh tế-xã hội, liệu ông Chính có thể trở thành một Thủ tướng thành công hay không và đâu là những ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông ấy?

    GS Thayer: Đúng, sự nghiệp của ông Phạm Minh Chính rất đa dạng. Trong 12 năm đầu tiên, tính từ năm 1984, ông đã trải qua nhiều vị trí trên cương vị là một nhà nghiên cứu ở Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an hiện nay) và một nhà ngoại giao ở Romania (1989).

    Từ năm 1996, ông ấy đã làm việc tại Bộ Công An trên nhiều vị trí trước khi trở thành Thứ trưởng bộ này vào năm 2010. Sau đó ông đã có được những kinh nghiệm ở cấp tỉnh trong thời gian 4 năm giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Sự nghiệp của ông đã thực sự có bước ngoặt vào năm 2015 khi ông được đưa trở về Hà Nội và giữ vị trí Phó rồi sau đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng thời là thành viên của Ban bí thư.

    Ông Chính không có kinh nghiệm ở những vị trí cấp cao của chính phủ và vẫn cần phải xem liệu những kinh nghiệm công tác đa dạng có giúp ông ấy trở thành một thủ tướng hiệu quả hay không. Có một điều rõ ràng là ông Chính có được sự ủng hộ của đông đảo các thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông sẽ phải trông cậy vào năng lực và chuyên môn của các Phó thủ tướng trong lĩnh vực điều hành chính phủ cũng như các chính sách kinh tế ở cấp trung ương.

    Những ưu tiên trước mắt của ông Chính đã được quyết định. Đó là việc chống dịch bệnh COVID-19 và khởi động quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Những kế hoạch phát triển của Chính phủ cho 5 và 10 năm tới đã được Đại hội Đảng lần thứ 13 thông qua.


    RFA: Người ta đồn rằng Thượng tướng Phan Văn Giang hiện là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và trong những tháng gần đây, ông Giang đã đảm nhiệm không ít hoạt động của Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Ngô Xuân Lịch. Trong khi cả Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đại tướng Lương Cường – một người trước đây được xem là một ứng cử viên thay thế ông Lịch - đều có nền tảng là Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị thì ông Giang lại đi lên từ binh nghiệp. Theo ông, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, liệu việc Việt Nam chọn người có kinh nghiệm binh nghiệp cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng có ẩn ý gì không?

    GS Thayer: Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Đại tướng Lương Cường đã để cho mọi người biết rằng ông không muốn tranh giành vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Điều này đã tạo điều kiện cho Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng thay thế Đại tướng, Bộ trưởng sắp mãn nhiệm Ngô Xuân Lịch và đưa Việt Nam trở về với truyền thống rằng vị tướng lĩnh cao cấp nhất của lực lượng vũ trang sẽ là bộ trưởng quốc phòng. Năm 2016, tại Đại hội Đảng lần thứ 12, truyền thống này đã bị phá vỡ khi tướng Lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị được chọn trở thành bộ trưởng quốc phòng.

    Trong sự nghiệp của mình, ông Giang đã từng là phó Sư đoàn trưởng và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 và Tổng tư lệnh Quân khu 1. Việc thăng tiến của ông Giang không liên quan trực tiếp với sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng những kinh nghiệm cũng có nghĩa là ông ấy rất thông thạo và hiểu biết về những mối đe dọa quân sự của Trung Quốc trên biên giới đất liền và biển. Nhiệm vụ chính của ông ấy sẽ là quản lý việc tiếp tục hiện đại hóa của ba lực lượng: lục quân, hải quân và phòng không-không quân.


    RFA: Ông Bùi Thanh Sơn, người được cho là tân Bộ trưởng Ngoại giao, dường như ít được biết đến ở Việt Nam. Ông có nghĩ rằng ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nếu ông Sơn được bầu làm bộ trưởng?

    GS Thayer: Ông Sơn là một nhà ngoại giao thực thụ và hoàn hảo vì đã có hơn 3 thập kỷ làm việc tại Bộ Ngoại giao. Ông có 13 năm làm việc trên các cương vị khác nhau tại Viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học Viện Ngoại giao Việt Nam) và ông đã từng học Thạc sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia tại New York vào năm 1993.

    Năm 2000, ông được bổ nhiệm làm Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore. Trở về Việt Nam vào giữa năm 2003, ông Sơn được thăng chức và trở thành Trợ lý Bộ trưởng, rồi sau đó là Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại từ năm 2008-2009.

    Tiếp đó, ông Sơn đã có gần 4 năm thu lượm những kinh nghiệm thực tế trên cương vị trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện với Liên minh Châu Âu (2008-2012). Ông Sơn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng vào năm 2009 và Thứ trưởng thường trực vào năm 2015. Năm 2016, ông được bầu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

    Theo tôi, Bộ Ngoại giao sẽ hoạt động tốt dưới sự lãnh đạo của ông Sơn. Thêm vào đó, ông Phạm Bình Minh, cấp trên trước kia của ông Sơn, vẫn tiếp tục có ảnh hưởng với tư cách là Phó Thủ tướng thường trực.

    RFA: Ông nói rằng có hai sự ngạc nhiên trong danh sách thành viên Chính phủ, đó là việc có tên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong danh sách này. Ông nghĩ gì về khả năng hai vị này có thể được bầu làm người đứng đầu của hai bộ này trong bối cảnh có sự phản đối của người dân?

    GS Thayer: Tên của Ông Phùng Xuân Nhạ được lưu hành trước khi Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra quyết định cuối cùng về các thành viên của Chính phủ mới vào ngày 8-9/3 vừa qua. Việc không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội lần thứ 13 khiến cho ông Nhạ nhiều khả năng sẽ bị bỏ qua khi việc bầu chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo được tiến hành.

    Ông Nguyễn Thanh Nghị thì không liên quan đến các vụ bê bối ở tỉnh Kiên Giang, nơi ông từng là Bí thư đảng ủy. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điều động ông về Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Nghị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội lần thứ 13, xếp thứ 71 trong số 180 ủy viên chính thức.


    RFA: Người ta cũng đồn đoán rằng, bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ sẽ được bầu làm Bộ trưởng Bộ này và trở thành lãnh đạo nữ thứ 2 giữ vị trí cấp bộ trưởng trong Chính phủ mới (cùng với bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Ông có có rằng, ở một chừng mực nào đó, sự thăng tiến nhanh chóng của bà Trà, là một nỗ lực thúc đẩy sự cân bằng giới trong cơ cấu lãnh đạo của Việt Nam và đâu là vị trí cao nhất mà bà Trà có thể đảm nhiệm?

    GS Thayer: Tôi cho rằng nhiều khả năng sự thăng tiến của bà Phạm Thị Thanh Trà là nhờ năng lực của bà chứ không phải là do nỗ lực thúc đẩy cân bằng giới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể thấy, trong tổng số 180 ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương chỉ có 19 nữ và bà Trà đứng ở vị trí số 96.

    Bà Trà sinh tháng 1/1964 và sẽ ở tuổi 62 khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 diễn ra vào năm 2026. [Nếu mọi sự tiến triển thuận lợi] tương lai sự nghiệp của bà có thể bao gồm việc đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ thêm một nhiệm kỳ nữa hoặc có thể được thăng chức thành Phó Thủ tướng.

    Không có nhận xét nào