Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Giang - Anh tăng đầu đạn hạt nhân lên 260 và đóng tàu ngầm thế hệ mới

    Một phần quan trọng của chiến lược xoay chuyển trọng tâm an ninh và quốc phòng chính phủ Anh vừa công bố trong tháng 3/2021 là tăng số đầu đạn nguyên tử lên 260.

    Nguồn hình ảnh, PA

    Chụp lại hình ảnh,

    HMS Vanguard, tàu ngầm nguyên tử của Anh, vào quân cảng Devonport, Plymouth

    Trước đó, Anh từng có kế hoạch giảm số đầu đạn nguyên tử xuống còn 180 vào giữa thập niên này, nhưng nay thì không giảm mà nới hạn định lên 260, dù trên thực tế thì chưa chế tạo thêm.

    Giới chức Anh giải thích là để có một vị thế toàn cầu mới, Anh chuyển hướng về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, và rời EU nên cần tăng cường vũ trang độc lập.

    Trong ba mũi nhọn quân sự thì vũ khí nguyên tử đóng vai trò trọng tâm, chiến lược, bên cạnh chiến tranh không gian và chiến tranh mạng.

    Đây là dịp tìm hiểu hiện Anh 'đang có trong tay' vũ khí nguyên tử loại gì, và cách vận hành ra sao.

    Quan trọng hơn, học thuyết về vũ khí nguyên tử của Anh là gì, và áp dụng vào thực tế như thế nào?

    Không ủng hộ Hiệp ước chống vũ khí hạt nhân

    Anh là một trong những quốc gia đầu tiên nghiên cứu và sở hữu công nghệ nguyên tử dùng trong quân sự.

    Hai nhà khoa học di dân, Otto Frisch và Fritz Peierls đã vẽ ra bản thiết kế đầu tiên, trình bày cơ sở lý thuyết cho chế tạo bom nguyên tử ở Anh những năm đầu của thập niên 1940.

    Sau đó, Anh tham gia vào Dự án Manhattan của Hoa Kỳ chế tạo ra bom nguyên tử mà hai trái đã được Mỹ ném xuống Nhật Bản để chấm dứt Thế Chiến tại châu Á năm 1945.

    Năm 1953, Anh chế tạo thành công bom plutonium, gọi là 'Sông Danube Xanh' (Blue Danube) vào giao cho Không quân Hoàng gia (RAF).

    Anh Quốc ủng hộ Hiệp ước không phổ biến vũ khí nguyên tử (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT), nhưng không phản đối việc cấm loại vũ khí này.

    Năm 2017, Anh Quốc chính thức tuyên bố không ủng hộ, không ký và không phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử (Treaty on the Prohibition of Nuclear Weapons - TPNW ), và xác nhận sẽ không chịu sự ràng buộc của văn bản quốc tế này.

    Trang web của chính phủ Anh cho rằng "TPNW tạo ra rủi ro cho cơ chế và nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và không tăng thêm an ninh cho Anh".

    Học thuyết quân sự về vũ khí nguyên tử của Anh gồm ba phần:

    Một là gìn giữ hoà bình (to preserve peace); tạm hiểu là giữ nguyên trạng an ninh toàn cầu như sau Thế Chiến 2;

    Hai là ngăn ngừa áp chế (to prevent coercion): Anh sẽ không chịu để một thực thể khác cưỡng bức;

    Ba là răn đe, ngăn chặn gây hấn trước khi xảy ra (to deter aggression): mọi kẻ thù muốn đánh Anh sẽ phải hiểu đó là hành vi "lợi bất cập hại" vì sẽ bị trả đũa bằng hoả tiễn nguyên tử.

    Anh Quốc nói rõ sức mạnh của vũ khí nguyên tử để răn đe chứ không tấn công trước, nhưng sẵn sàng tự vệ, và bảo vệ mục tiêu chung của Nato.

     


    Nguồn hình ảnh, Russian Defence Ministry

    Chụp lại hình ảnh,

    Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M của Nga trong một lần bắn thử từ ống phóng mặt đất ở trung tâm Plesetsk

    Tư duy này có từ Thế Chiến 2, khi Adolf Hitler ném bom London và các đô thị Anh, đồng thời dùng tàu ngầm bao vây đảo Anh, buộc Anh phải chống trả.

    Sau khi đẩy lui các đợt không chiến của Luftwaffe trong chiến dịch 'Battle of Britain', Winston Churchill quyết định "đem chiến tranh sang đất Đức", bằng các đợt oanh tạc khủng khiếp của RAF vào lãnh thổ Đức Quốc xã, kể cả dội bom xăng xuống Hamburg, Dresden...giết chết cả hàng vạn thường dân.

    Các bạn có thể xem thêm bài về góc độ luân lý của ném bom rải thảm trong Thế Chiến 2 trong bài 'Chiến tranh và vấn đề ném bom mục tiêu dân sự, văn hóa'.

    Nhưng đó là thời đã xa, còn sang Chiến tranh Lạnh, hai phe Tư bản và XHCH canh chừng nhau, và Anh có phi cơ Vulcan sẵn sàng đem bom hạt nhân ném vào Liên Xô nếu bị tấn công.

    Cho tới gần đây, cả trăm trái bom nguyên tử của Không quân Hoa Kỳ vẫn có mặt ở Anh để sẵn sàng thả vào đất đối thủ....ở đâu đó, tạo ô hạt nhân cho Liên minh nguyên tử Nato (nuclear alliance).

    Nói thế để thấy học thuyết quốc phòng của Anh là không để ai đánh mình, nhưng khi bị tấn công thì sẵn sàng đáp trả khủng khiếp.

    Một tàu ngầm luôn lênh đênh ngoài biển

    Về mặt thực tế, học thuyết của Anh thể hiện ở năng lực duy trì khả năng "răn đe hạt nhân thường trực trên biển", tức CASD, viết tắt của "Continuous at sea deterrent".

    Khác với một số nước có bệ phóng tên lửa hạt nhân trên đất liền, Anh chỉ để hỏa tiễn nguyên tử trên tàu ngầm.

    Công tác này thuộc về bốn tàu ngầm mang hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử: HMS Vanguard, HMS Victorious, HMS Vigilant và HMS Vengeance.

    Một trong bốn chiếc luôn tuần tra ngoài khơi và có hải hành không định trước.

    Ngoài thuyền trưởng, các thủy thủ trên chiếc tàu dài 150 mét chở đầu đạn nguyên tử không bao giờ được biết trước họ sẽ đi về đâu.

    Tầm xa của tàu là không giới hạn vì động cơ nguyên tử cho phép đi biển vài chục năm không cần tiếp liệu.

    Thủ tướng Anh đương chức là người duy nhất có quyền ra lệnh cho thuyền trưởng phát hỏa bắn đi tên lửa hạt nhân.

     


    Chụp lại hình ảnh,

    Số liệu về kho đầu đạn nguyên tử của từng nước. Theo ước tính, Anh đang có 195 nhưng đã tự nới hạn định để tăng lên 260 trong tương lai gần

    Chỉ sau khi nhận lệnh 30 phút, tên lửa Trident có thể được bắn ra từ đại dương, với tầm bắn 4000-7000 dặm.

    Mỗi hỏa tiễn đạn đạo Trident II D5 có thể chở 12 đầu đạn nguyên tử (nuclear warhead) mà sau khi tác xạ sẽ bay lên không gian, bung ra thành các khối (vehicle) riêng rẽ, bay độc lập trở về Trái Đất (independent re-entry) đến các mục tiêu khác nhau với độ chính xác tính theo bán kính bằng mét.

    Nhưng các thỏa thuận hạn chế vũ khí nguyên tử hiện chỉ cho phép một hỏa tiễn mang 3 đầu đạn. Trên thực tế thì có hỏa tiễn chỉ mang một đầu đạn, sức nổ 100 Kiloton, theo phúc trình của Quốc hội Anh.

    Theo quy định, mỗi tàu ngầm lớp Vanguard nay có thể đem theo tối đa là 40 đầu đạn nguyên tử, thuộc loại do Anh sản xuất ở Aldermaston, Berkshire.

    Một ước tính của Nato thời Chiến tranh Lạnh cho hay nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, số hỏa tiễn Trident từ một tàu ngầm của Mỹ hoặc Anh nếu bắn hết có thể xóa sổ Moscow và nhiều đô thị khác của Liên Xô, giết chết 4 triệu người ngay tức khắc và làm hàng triệu khác chết sau đó.

    Những người phản đối vũ khí nguyên tử nêu ra viễn cảnh khủng khiếp là số hỏa tiễn trên một chiếc Vanguard của Anh có thể hủy diệt chừng 20 triệu người, và thậm chí khiến Trái Đất thay đổi khí hậu.

    Họ kêu gọi chấm dứt "trò chơi nguy hiểm" cho cả nhân loại.

    Anh Quốc 'ngày càng độc lập' nhưng hợp tác chặt với Hoa Kỳ

    Chiến tranh Lạnh kết thúc đã làm dịu đi nguy cơ chiến tranh hạt nhân tại châu Âu nhưng loại vũ khí hủy diệt này vẫn còn đó.

    Trong tình thế mới, Anh ra khỏi EU để lại châu Âu chỉ còn có Pháp là cường quốc duy nhất sở hữu vũ khí nguyên tử.

    Khác Anh, Pháp có cả hỏa tiễn nguyên tử bắn từ tàu ngầm và tiêm kích Rafaele chở tên lửa nhỏ, "hữu dụng" cho tấn công nguyên tử chiến thuật.

    Trên thực tế, trong nhiều năm Anh Quốc là nơi Hoa Kỳ đóng đội bay có sẵn 100 bom nguyên tử để ngăn ngừa Liên Xô và sau là Nga.

    Phải đến khoảng 2005, Hoa Kỳ quyết định rút đội bay này khỏi căn cứ RAF Lakenheath, cách London trên 100 km về phía Đông Bắc.

    Trước đó, Không quân Hoa Kỳ rút các phi cơ mang bom nguyên tử khỏi Đức và Hy Lạp, chấm dứt thời kỳ mà Mỹ để 480 bom hạt nhân ở châu Âu.

    Anh Quốc luôn tự hào về truyền thống hải quân.

    Tàu buồm Vanguard đầu tiên hạ thủy năm 1586 ở quân cảng Woolwich trên sông Thames có 31 thần công và đã lập công đánh tan hải quân Tây Ban Nha.

    Sau này có thêm cá chiến hạm khác mang tên Vanguard, trong các cuộc chiến của Anh.

    Vanguard nay là tên của thế hệ tàu ngầm sắp được thay bằng lớp Dreadnought từ giữa thập niên 2030.

    Hiện Anh vẫn mua hỏa tiễn Trident của Lockheed Martin và chỉ sửa chi tiết kỹ thuật cho phù hợp với bệ phóng, tàu và đầu đạn do Anh tự chế.

    Mấy năm qua, hai nước bàn về việc hiện đại hóa hỏa tiễn nguyên tử trong dự án hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử W93 mà Hoa Kỳ sẽ chi nhiều tỷ USD.

     


    Nguồn hình ảnh, PA

    Chụp lại hình ảnh,

    HMS Vanguard thế hệ cũ là một chiến hạm hoạt động trong Thế Chiến I

    Kể cả khi tiếp tục mua hỏa tiễn Mỹ, Anh vẫn phải chi phí rất cao cho việc đóng bốn tàu ngầm thế hệ với (trên 200 tỷ bảng), cộng thêm tiền đầu đạn 14 tỷ trong 15 năm.

    Phe đối lập nói việc "đội vốn" cho các dự án khổng lồ này là đương nhiên.

    Theo BBC Newsnight (02/03/2021), ở Anh từng có lo ngại rằng Đảng Dân chủ Mỹ và chính quyền Biden đặt câu hỏi về dự án W93.

    Nhưng nay thì có vẻ như kế hoạch này sẽ tiếp tục.

    Hợp tác với Mỹ về mặt kỹ thuật còn có ý nghĩa chính trị, vì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chia sẻ với Anh các dự kiến an ninh về những đối thủ, kẻ thù tiềm tàng.

    Ra khỏi EU, Anh huống hướng về Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật) ở vùng châu Á và vì thế, phát triển hải quân biển xa bỗng trở nên quan trọng.

    Chiến lược an ninh mới nói Anh sẽ làm nhiều hơn trước thách thức mang tính hệ thống 'systemic challenge' từ Trung Quốc.

    Cùng lúc, Anh muốn giữ vai trò bảo vệ an ninh châu Âu nhưng chỉ trong khuôn khổ Nato, đồng thời sát cánh với Hoa Kỳ trong nỗ lực duy trì vị thế đại cường nguyên tử.

    https://www.bbc.com/vietnamese/world-56433508

    Không có nhận xét nào