Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Góp ý về đề án đô thị kiểu Liên Xô và kiểu Sydney

    Trên báo Quảng Nam, ông Bí thư thành ủy Tam Kỳ bàn về định hướng cho tương lai của thành phố Tam Kỳ.(1) Theo ông Trần Nam Hưng, thành phố Tam Kỳ nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia và ở trung độ của cả nước; có địa hình và cảnh quan thiên nhiên phong phú với cả sông - núi - biển - hồ. Theo bài nầy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã xác định mục tiêu “phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030”.

    Theo bài nầy, để thực hiện mục tiêu này, trước mắt, cần tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh khớp nối các tuyến giao thông, thoát nước trong khu vực nội thị, giải quyết tốt vệ sinh môi trường, trật tự mỹ quan, văn minh đô thị...(1) Phải tính toán đầu tư ngay từ bây giờ các công trình hạ tầng đồng bộ, kết nối, là động lực cho phát triển của đô thị loại I theo hướng có bản sắc và đặc thù riêng (sinh thái, “thủ phủ xanh”…), không quá chú trọng về quy mô, mật độ dân số, đặt trọng tâm là chất lượng cuộc sống của người dân. Thành phố đang tập trung cùng các sở, ngành ở tỉnh xây dựng Đề án hình thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2030, lấy hạt nhân là đô thị tỉnh lỵ phát triển mở rộng về phía nam và phía tây, và trình Tỉnh ủy xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề.

    Theo tôi hiểu, đề án có vẻ bắt đầu với Nghị quyết từ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết nầy chỉ đạo và định hướng tương lai của thành phố. Bộ máy hành chính thảo đề án, đề án được duyệt xét bởi Tỉnh ủy, rồi thì triển khai. Trong cách làm nầy, vai trò chỉ đạo của đảng là rất lớn, và cơ cấu ra lệnh và điều khiển là từ Tỉnh ủy. Cách làm nầy là cách thiết kế các đề án ở Liên Xô ngày xưa. Tôi tạm gọi cách làm nầy là cách làm đề án theo kiểu Liên Xô.

    Trong cách làm đề án kiểu Liên Xô nầy, ý kiến của dân Tam Kỳ về thành phố của họ là như thế nào? Các thành phần nào tham gia vào việc hoạch định kế hoạch của thành phố? Họ cân nhắc những gì, theo tiêu chí nào? Ai là người nhận các mặt lợi bởi kế hoạch? Ai là người mất mát? Ai là người đàng sau vụ viết kịch bản cho thành phố đổi mới? Ai cung cấp các dịch vụ căn bản cho kế hoạch? Những hiệu ứng đặc biệt nào trong kế hoạch sẽ xảy ra? Những gì trên hoạch định ban đầu đã được chỉnh sửa? Ai sẽ đóng góp cho thành phố đổi mới? Thành phố có khả năng minh bạch các câu trả lời cho những câu hỏi này không? 

    Trong quy hoạch thành phố, các kế hoạch to từ lãnh đạo thường chú trọng đến những gì mà lãnh đạo cho là có thể làm được. Nhưng điều chúng ta muốn xây dựng cho tương lai phải từ trí tưởng tượng phong phú và không bị ràng buộc bởi thực tế hiện tại. Kế hoạch cho tương lai phải vượt khỏi những gì có thể làm được hôm nay thì mới thật sự đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Các kế hoạch to mà lãnh đạo hiện nay vẽ ra có thể  mang lại cho lãnh đạo và tùy tùng cảm giác tự tin vào cách hoạch định hiện tại và làm giảm khả năng đối phó với những điều cần thiết cho tương lai nhưng cần thật cẩn trọng mới nhìn thấy được.

    Vấn đề quan trọng trong quy hoạch thành phố là làm cho mọi người trả lời những câu hỏi mà họ không tự đặt ra.(2) Đây là thách thức lớn nhất trong quy hoạch. Lấy ví dụ ở Sydney, việc quy hoạch thành phố nầy đã cung cấp một cách mới để đưa ra những câu hỏi và trả lời trong cách thức dân chủ. Ban điều hành quy hoạch thành phố đã tổ chức các cuộc họp công khai, triển lãm, và các trao đổi để khiến mọi người đóng góp ý kiến theo cách kích thích trí tưởng tượng của họ. Những câu hỏi như '' Bạn muốn thành phố của mình trông như thế nào sau 20 năm nữa? '' buộc mọi người phải suy nghĩ theo những thuật ngữ trừu tượng.

    Trong quá trình này, ý kiến của cá nhân được chuyển thành ý kiến tổng hợp. Ý kiến tổng hợp thường vượt qua những nội dung của các câu hỏi kích thích ban đầu. Thông qua cách cuộc thăm dò ý dân sâu rộng này, quy hoạch thảo ra một tương lai bao gồm nguồn tưởng tượng của rất nhiều cư dân. Những phát thảo này đã được chỉnh sửa thành một bức tranh lớn, đối chiếu với cá nhân với độ chính xác và hướng đi hoàn toàn trái ngược với những ý tưởng mơ hồ và những ý kiến thay đổi ban đầu của họ.   

    Trong việc lập kế hoạch cho một Sidney trong tương lai, chính quyền thành phố đã lắng nghe các chuyên gia và lắng nghe tiếng nói của cư dân thành phố. Ví dụ, một vấn đề gây nhiều tranh cãi là liệu chính quyền thành phố có nên ưu tiên mật độ dân số cao trong các dự án phát triển để giảm tác động đến môi trường hay lắng nghe cộng đồng, những người thích mật độ thấp hơn. Quy trình chiến lược của Sydney hoạt động như một công cụ để điều hướng xung quanh các vấn đề khó giải quyết này.

    Một mặt, chính quyền thành phố tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược được mô tả là đúng theo khoa học phát triển đô thị, được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế, được tư vấn định hướng và do đó, là một công cụ hợp pháp để quản lý những xung đột quyền lợi từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cách dùng các biểu đồ quy trình, thiết kế hội thảo, vòng phản hồi, và báo cáo tiến độ mang lại sự kỹ lưỡng và chặt chẽ cho cuộc tranh luận về tương lai. Việc lập kế hoạch đã đóng khung quá trình này như một cơ chế kỹ trị và minh bạch để tạo ra câu trả lời đúng đắn cho những thách thức trong việc hoạch định tương lai. Theo nghĩa này, quy hoạch tạo điều kiện để hóa giải các cuộc tranh luận gay gắt về tương lai của thành phố.

    Trong suốt quá trình chiến lược, chính quyền thành phố Sydney lập luận về sự cần thiết phải ứng phó với một loạt vấn đề mới, bao gồm sự nóng lên toàn cầu, giá dầu tăng, và sự cạnh tranh toàn cầu giữa các thành phố. Khi xác định nhóm thách thức mới này, thành phố đã đề xuất một cách tiếp cận chiến lược để giải quyết vấn đề mà sẽ bỏ qua các ranh giới quyền lực đã được thiết lập, đặc biệt là ranh giới không gian. Để lên kế hoạch, thành phố tự đặt mình ra ngoài thực thể lãnh thổ. Xem sự cạnh tranh toàn cầu giữa các thành phố là một thách thức, chính quyền thành phố quan niệm Sydney là không gian tạo ra giá trị kinh tế nằm trong không gian thương hiệu toàn cầu. Khi làm như vậy, các vấn đề đặt ra trong hoạch định không tuân theo địa chính trị của thành phố cũng như từ kinh nghiệm của cư dân trong thành phố. Thay vào đó, cuộc tranh luận về tương lai được cấu trúc thông qua mối quan tâm về nền kinh tế và mức độ cạnh tranh về mọi mặt giữa các thành phố trên địa bàn rộng để giữ vững nền kinh tế và thu nhập của cư dân thành phố. Các vấn đề khác như hòa nhập xã hội, phát triển văn hóa hoặc tính bền vững phải được trình bày bằng ngôn ngữ kinh tế để thuyết phục sự quan tâm của mọi người.

    Sự cân nhắc về kinh tế và không gian đã cố tình bỏ qua các biên giới lãnh thổ. Sự thay đổi cách suy nghĩ nầy có nhiều hậu quả. Nhân danh sự cạnh tranh toàn cầu đang hoành hành trong không gian rộng của các thương hiệu thành phố, những can thiệp vào cấu trúc đô thị có thể được hợp pháp hóa mà khó có thể biện minh được nếu không phải vì sự mở rộng không gian đi ra ngoài vòng định hình thành phố. Ví dụ, đề cập đến sự cạnh tranh được hiển thị trong bảng xếp hạng các thành phố toàn cầu cho phép chính quyền Sydney chọn khu vực và mục tiêu để định hướng phát triển thành phố. Sydney có nên tập trung vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tuyên bố là trụ sở chính của khu vực cho ngành tài chính? Sydney có nên đặt mục tiêu trở thành một thủ đô trong phong cách sống toàn cầu? Trong mọi trường hợp, quy hoạch nhân rộng tính hợp pháp mà chính quyền thành phố phải điều động. Bằng cách mở rộng ranh giới của mình ra ngoài những gì đã được hợp pháp hóa một cách dân chủ, chính quyền thành phố cũng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ra ngoài thành phố, lãnh thổ và người dân của thành phố.

    Trường hợp lập kế hoạch của Sydney minh họa hiệu ứng quyền lực tự hoàn thiện của nó. Chiến lược của chính quyền thành phố nói về cả tương lai mong muốn và quá trình dẫn đến tương lai đó. Quy hoạch định hình một tương lai trong đó những xung đột của cuộc sống nơi đây và bây giờ được giải quyết trong tầm nhìn về một tương lai bền vững, môi trường xanh và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Khi làm như vậy, quy hoạch là một cơ chế ban hành ra tương lai trong hiện tại. Thông qua các bản vẽ, hình ảnh, câu chuyện và con số, tương lai đã được hiện hữu nhờ quá trình lập kế hoạch. Việc tạo dựng tương lai trong hiện tại là hiệu quả, bởi vì bức tranh lớn tạo ra lý do cho hành động trong hiện tại nhưng hướng đến tương lai.

    Rõ ràng là có rất nhiều điểm khác biệt giữa cách quy hoạch kiểu Liên Xô mà Tỉnh ủy Quảng Nam đang áp đặt lên cư dân Tam Kỳ và cách quy hoạch kiểu Sydney. Cách quy hoạch kiểu Sydney đặt căn bản trên dân, lấy ý kiến của dân làm trọng tâm để định hướng tương lai, và định hướng tương lai theo cách thức khoa học. Cách quy hoạch kiểu Liên Xô mà đảng ở Quảng Nam đang làm là đã lỗi thời. Trong việc góp ý để lựa chọn cách làm việc hướng đến tương lai, tôi mong dân Tam Kỳ từ bỏ cách quy hoạch thành phố kiểu Liên Xô và thực hiện quyền quyết định và hoạch định tương lai của thành phố nơi họ cư ngụ. Tôi cũng mong Tam Kỳ sẽ trở thành một thành phố đẹp và đáng sống như Sidney.

    Nguồn:

    Số 1. Phủ lỵ xưa - tỉnh lỵ nay và định hướng cho tương lai. http://baoquangnam.vn/chinh-tri/phu-ly-xua-tinh-ly-nay-va-dinh-huong-cho-tuong-lai-109241.html

    Số 2. Kornberger M. Disciplining the future: On studying the politics of strategy. Scandinavian journal of management. 2013 Mar 1;29(1):104-7.


    Không có nhận xét nào