Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam : Vấn nạn ‘chảy máu chất xám’ tiếp diễn: lỗi từ đâu?

    Sinh viên Việt Nam tham dự một hội chợ giáo dục đại học Pháp tại Hà Nội hôm 9/10/2016. AFP 

    Việt Nam : Vấn nạn ‘chảy máu chất xám’ tiếp diễn: lỗi từ đâu?

    Phát triển nguồn nhân lực luôn là vấn đề được Đảng Cộng sản Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong hàng chục năm qua, đặc biệt được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào hồi tháng 1 vừa qua.

    Cụ thể trong Nghị quyết nêu rõ, một trong ba đột phá chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

    Báo mạng Lao Động khi trao đổi về việc này với đại biểu Bùi Văn Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình vào ngày 4/3 vừa qua đã trích ý kiến ông Phương cho rằng, việc thu hút, trọng dụng nhân tài từ xưa đã được các thế hệ đi trước làm và gọi hiền tài là “nguyên khí quốc gia”.

    Tuy nhiên, theo các nhà quan sát nhận định, việc trọng dụng người tài tại Việt Nam trong thực tế hiện nay vẫn đang còn nhiều khó khăn.

    Trao đổi với RFA tối 8/3, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, từng trong chương trình đào tạo Thạc sĩ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam nhận định rằng chính sách tuyển mộ người đứng ra gánh vác công việc Nhà nước dựa theo thực lực, học vấn, hiểu biết đến nay có những thất bại rõ ràng.

    “Bất kể cán bộ cơ cấu và sát nạp những vị trí theo cơ chế học không chuyên, có nghĩa là phải được sự tín nhiệm của đảng và phải là đảng viên. Còn những người có học lực, học vấn, hiểu biết, có thể có công trạng nữa cũng không thấy được duyệt đến nơi đến chốn và vẫn ở ngoài lề.”

    Vẫn theo GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng, một trong những lý do hạn chế người tài cho đất nước là tình trạng chảy máu chất xám đang xảy ra và ngày càng trầm trọng:

    “Lý do vì họ biết rõ là các cơ sở đại học chưa có những chính sách cởi mở, chưa chuẩn bị cho họ những vị trí mà họ có thể cán đán được cái hướng sự nghiệp của họ.

    Họ không thấy vui và về cũng không phát triển được năng lực của họ, nhất là không khí ở đại học chưa được cởi mở lắm. Vấn đề bổ nhiệm, phe phái tùy thuộc vào đảng ủy, đảng bộ.

    Có một thời gian có mở cửa bằng cách là bầu hiệu trưởng thì từ mấy chục năm nay chẳng những không có chuyện bầu hiệu trưởng xảy ra nữa mà bổ nhiệm bằng giới quan quyền. Mà giới quan quyền theo chính sách thân hữu, nếu không muốn nói là thân tộc.

    Như vậy đâu phải là môi trường thu hút những người có tài, những người mong muốn phát triển.”

    Vào tháng 9/2020, trong một phim tài liệu nói về 20 năm chương trình đường lên đỉnh Olympia tổ chức tại Việt Nam, thống kê cho biết chỉ 3/18 Quán quân chương trình sau khi nhận được học bổng du học đã quay về nước.

    Cũng trong phim tài liệu này, nhiều quán quân đưa ra nguyên nhân vì sao họ chọn tiếp tục công tác ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp, như lời Phan Đăng Nhật Minh, Quán quân Olympia năm thứ 17: “Mình thấy rằng không nhất thiết phải về nước thì mới trực tiếp đóng góp được. Ngành học của mình ở Việt Nam rất khó kiếm việc và nghiên cứu nên mình muốn ưu tiên nơi nào phát triển hơn. Ở đây, điều mình thích nhất là giáo dục cởi mở, giáo sư và học viên nói chuyện như hai người bạn, không có rào cản. Đó là điều mình mong mỏi nếu có dịp trở về.”

    Chị Mai Anh, một Tiến sĩ (Ph.D) đang làm nghiên cứu cho một trường đại học tại Victoria, Úc đưa ra nguyên nhân vì sao chị tiếp tục ở lại Úc sau khi học xong:

    “Khi học ra mà mình đi về nếu nói đóng góp đất nước thì về biết đóng góp gì? Có nghĩa là bởi vì mình ra chân ướt chân ráo mà về Việt Nam làm thì kinh nghiệm cũng chỉ là lấy từ Việt Nam. Đồng ý là mình có học những kiến thức mới ở nước ngoài nhưng thực sự về lâu về dài nếu mình làm một khoảng thời gian thì nó cũng sẽ là một kinh nghiệm học từ Việt Nam.”

    Chị Mai Anh cho biết sau khi có bằng Thạc sĩ tại Úc, chị đã quay lại Việt Nam làm trong một năm và thực tế chứng minh như những gì chị nói nên chị quyết định trở lại Úc học cao lên và ở lại đây làm việc:

    “Nếu mình học xong, có thể nghiên cứu làm việc ở môi trường khác, có những cái technology (công nghệ) khác, environment (môi trường) khác, những con người khác, những lối sống và làm việc khác thì khi đó sẽ làm phong phú kinh nghiệm của mình và bản thân mình cũng có suy nghĩ độc lập từ những điều mình làm ở môi trường khác, môi trường mới.

    Khi đó, nếu thật sự mình muốn đóng góp thì khoảng 10-20 năm nữa khi vững rồi thì mình sẽ đem những cái đó về làm. Lúc đó đúng nghĩa là mình đã hiểu tường tận những gì khác, những gì mới ở đất nước khác mà mình nắm vững, là của mình thì mình đem về làm lại.

    Khi đó về không phải là quá muộn mà mình sẽ đem những cái mới về chứ không phải chỉ đem sách vở về thôi.”

    Còn theo anh Dũng Phan, Thạc sĩ Khoa học Máy tính hiện đang sống tại California, Hoa Kỳ cho hay nếu nói đi nước ngoài về Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn là không chính xác vì thực tế cho thấy cơ hội việc làm còn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ xã hội.

    Thêm vào đó, tính cạnh tranh so với sinh viên học trường quốc tế trong nước, có thời gian thực tập, trải nghiệm, được thư giới thiệu từ trường nên du học sinh nước ngoài về thì chỉ được cái tiếng mà thôi.

    Vậy nên anh Dũng cho rằng nếu về Việt Nam mà không có quen biết ai thì điểm bắt đầu cho những sinh viên mới du học về có thể sẽ thua ở Hoa Kỳ.

    Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra vào cuối năm học 2019-2020, có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.

    Trong đó, các nước có nhiều du học sinh Việt Nam là Úc 30.000, Mỹ 29.000, Canada 21.000, Anh 12.000, Trung Quốc 11.000…

    Riêng tại Hoa Kỳ trong năm học 2019-2020, theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế được công bố trước đây, có 23.777 sinh viên Việt Nam hiện đang theo học ở bậc đại học

    Cụ thể, 69,8% học đại học, 15,3% sau đại học, 11,4% tham gia vào chương trình thực tập không bắt buộc, và 3,5% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.

    Hiện tại chưa có con số thống kê cụ thể những sinh viên du học không trở về nước nhưng tình trạng này vẫn luôn được nhiều quan tâm.

    GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng nhận định:

    “Đất nước mình có nhiều nhân tài, Việt Nam vốn năng động nhưng chính sách chọn lựa nhân tài còn quá giáo điều và không tập trung ở người dân mà chỉ cơ cấu những người trong đảng.”

    Theo GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng, để có thể thật sự thu hút được người tài, những người lãnh đạo đất nước cần phải thực hiện được những cải cách, thay đổi tư duy để phù hợp với quyền lợi dân tộc để phát triển đất nước.

    https://www.rfa.org

    Không có nhận xét nào