Header Ads

  • Breaking News

    Y Chan - Túm tùm tụp về bầu cử: Bạn luôn có lựa chọn, kể cả khi không được chọn lựa

    Bạn có biết vào kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong tổng số đại biểu được bầu, có đến 43% là ứng cử viên tự do không thuộc đảng phái nào? Đúng 70 năm sau, vào kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 năm 2016, số đại biểu không phải đảng viên chỉ còn chiếm 4,2%.
    Y Chan - Túm tùm tụp về bầu cử: Bạn luôn có lựa chọn, kể cả khi không được chọn lựa

    Con số này, ngoài tác dụng phản ánh bức tranh quyền lực tuyệt đối mà một đảng đang nắm giữ ở Việt Nam, còn thể hiện mức độ quan tâm của người dân đối với chuyện bầu cử của đất nước: từ 10 phần ngày trước tụt còn chưa được một phần ngày nay.

    Đó là một nghịch lý tréo ngoe, nếu nhớ lại việc cách đây vài tháng, hàng triệu người Việt Nam đã thức đêm thức hôm, sôi sục theo dõi, hăng say bình luận, thậm chí là mạt sát đấu đá lẫn nhau chỉ vì một cuộc bầu cử ở tận bên Mỹ – một cuộc bầu cử mà họ không hề có quyền gì quyết định.

    Tất nhiên, đó là nghịch lý dễ hiểu. Dù là bầu cử ở nơi khác, nhưng họ có quyền thoải mái bàn luận. Trong khi chuyện bầu cử ở nước mình, đến một câu nói vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội cũng có thể ngay lập tức bị chính quyền tóm gáy xử lý. Còn những ai có ý định tự ứng cử mà không qua hệ thống của chính quyền, nguy cơ bị bắt giam vì các tội danh “chống chính quyền” luôn treo lơ lửng. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hai người tự ứng cử, ông Trần Quốc Khánh và ông Lê Trọng Hùng, bị bắt giữ với lý do trên.

    Nghịch lý lớn nhất nằm ngay trong bản chất của thể chế: độc đảng thì bầu cử có ý nghĩa gì?

    Rốt cuộc thì “bầu cử là sự lựa chọn”. Từ tương đương của tiếng Anh “election” cũng có nghĩa gốc từ chữ Latin “eligere” với nghĩa chọn lựa. Mà chỉ có một thì chọn với lựa cái gì?

    Câu trả lời là, bạn luôn luôn có sự lựa chọn.



    Các gương mặt tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa này. Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh nền: Quochoi.vn. Ảnh nhân vật: nhiều nguồn.

    ***

    Lựa chọn đầu tiên là hiểu những gì đang diễn ra.

    Bạn có biết theo Điều 78 Luật Bầu cử 2015 hiện hành, nếu không có hơn một nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu, kết quả bầu cử sẽ bị hủy bỏ?

    Trước khi bạn nghĩ tới chuyện có thể tẩy chay để khiến cuộc bầu cử trở nên vô hiệu, Điều 80 của luật này đã có quy định về tình huống tổ chức bầu cử lại, khi đó mọi kết quả sẽ được công nhận bất kể có bao nhiêu cử tri tham gia.

    Bạn có biết Việt Nam cũng có quy định về vận động tranh cử? Điều 63 của Luật Bầu cử đưa ra các nguyên tắc cho việc vận động là “dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật…”.

    Trước khi bạn kịp tưởng tượng về những cuộc gặp gỡ đối thoại công khai sôi nổi giữa ứng cử viên với cử tri, các Điều 64, 65, 66, 67 tiếp theo dội ngay gáo nước lạnh cho sự háo hức đó. Chỉ có hai hình thức vận động, và đều phải theo sự sắp xếp chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan chính quyền.

    Hay bạn có biết trong trường hợp nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử, người nào già hơn sẽ được tính là thắng cử?

    Hoặc bạn có biết theo luật hiện hành, tòa án ở Việt Nam không có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện về người ứng cử, về việc kiểm phiếu, về danh sách người ứng cử, hay về kết quả bầu cử?

    Nếu giống như người viết, trước đây vẫn nghĩ rằng tìm hiểu những chuyện này không có ý nghĩa gì, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết đến sự tồn tại của những điều luật trên.

    Và nếu giống đa số mọi người xung quanh, bạn cần một cuốn cẩm nang ABC để giải đáp mọi thắc mắc của mình về chuyện bầu cử.

    Quyển sách “ABC về bầu cử” của tác giả Lã Khánh Tùng là một lựa chọn đáng để bạn bắt đầu.

    Cuốn cẩm nang nhỏ này có tổng cộng 111 câu hỏi đáp với mọi thứ bạn cần biết về bầu cử.

    Phần đầu của quyển sách đi từ những câu hỏi giản dị nhất về định nghĩa, vai trò, chức năng và ý nghĩa của bầu cử. Nó giới thiệu về các hệ thống bầu cử khác nhau trên thế giới, về luật pháp quốc tế, về vai trò của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy bầu cử tự do, công bằng.

    Sau khi có bức tranh tổng hợp về bầu cử trên thế giới, phần tiếp theo của sách giải đáp các thắc mắc chi tiết về hệ thống tổ chức bầu cử của Việt Nam, một hệ thống mà tác giả trong nhiều trường hợp cũng phải nhận xét là “khá phức tạp”.

    Nửa còn lại của quyển sách là phần phụ lục, trong đó ngoài các văn bản luật của Việt Nam còn giới thiệu các văn bản quốc tế như “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948” (một số ý kiến đề nghị cách dịch chính xác hơn là “Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát”), “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966”, “Tuyên ngôn về tiêu chí bầu cử tự do và công bằng 1994”…

    Việc giới thiệu các văn bản quốc tế này có ý nghĩa gì?

    Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người – một việc có lẽ bạn đã biết. Điều bạn có thể chưa biết là nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ báo cáo định kỳ đến các cơ quan Liên Hiệp Quốc về việc thực hiện quyền bầu cử ở Việt Nam (câu hỏi số 40 trong sách).

    Điều này có nghĩa là chính quyền Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những cam kết (và báo cáo) của họ với cộng đồng quốc tế.

    Đảm bảo quyền bầu cử và tự do ứng cử của công dân là một trong những trách nhiệm đó.

    ***

    Có những người nghĩ rằng tìm hiểu về các điều luật này là một chuyện lãng phí thời gian.

    Trong khi đó, rất nhiều người Việt Nam theo dõi các cuộc đấu tranh dân chủ của người Hong Kong, đặc biệt là người Myanmar những ngày qua, thường chất vấn “khi nào người Việt Nam mới làm được vậy?”.

    Không ai biết được câu trả lời, và người viết cũng không chắc đó là câu hỏi đúng. Nhưng mọi cuộc đấu tranh luôn bắt đầu bằng tri thức: biết mình đang ở trong tình trạng ra sao, phải chống lại thứ gì, vì sao phải làm vậy, làm thế để được gì, cần làm như thế nào…

    Nhiều năm qua, cứ mỗi kỳ bầu cử đến, không ít ý kiến kêu gọi cần phải tẩy chay bầu cử.

    Cần phải nói rõ, bầu cử là quyền, không phải nghĩa vụ. Nó là một lựa chọn. Tẩy chay – không bầu cử – cũng là một lựa chọn. Nó hoàn toàn hợp pháp, không ai có quyền ép buộc người khác làm điều ngược lại.

    Tuy nhiên, giống như mọi phong trào đấu tranh, tẩy chay chỉ có ý nghĩa và tác dụng nếu thu hút được số đông.

    Làm sao để thu hút thuyết phục người khác nếu như chính bạn cũng không hiểu về thứ mình đang tẩy chay?

    Và khi ai đó chất vấn ngược lại, rằng bạn đang phản đối vấn đề gì trong hệ thống này, nếu không trả lời được, liệu bạn có chắc đang làm theo lựa chọn của chính mình hay cũng chỉ đơn giản nghe theo sự sắp đặt của kẻ khác?

    Hiểu về bầu cử vì vậy là việc cần thiết cho tất cả mọi người, kể cả khi bạn không thấy có lý do gì để bầu hay không có ai để cử.


    Bạn có thể tải sách “ABC về bầu cử” của tác giả Lã Khánh Tùng tại đây.

    https://www.luatkhoa

    Không có nhận xét nào