Header Ads

  • Breaking News

    Chúng ta có thể chấm dứt khủng hoảng nước hay không?

     (Can We End The Water Crisis?)

    Martha Rojas Urrego – Bình Yên Đông lược dịch

    The Asean Post - 23 March 2021

    Một trẻ em người Yemen trở lại nhà sau khi lấy đầy nước trong thùng đựng xăng giữa lúc thiếu nước trầm trọng ở thủ đô Aden, phía nam Yemen ngày 30 tháng 4 năm 2020.

    [Ảnh: AFP]

    Mức tiêu thụ nước ngọt của nhân loại, từ lâu, đã vượt quá mức thay thế.  Ngày nay, các nhà nghiên cứu đang cảnh báo rằng nguồn tài nguyên cần thiết nầy đang cạn dần.  Nếu chúng ta muốn đảo ngược chiều hướng nầy, việc đầu tư vào các giải pháp tự nhiên là hy vọng tốt nhất của chúng ta.

    Không đầy 1% của tất cả nước trên Trái đất là nước ngọt có thể dùng được.  Hầu hết nằm trong đất ngập nước nội địa, gồm có sông ngòi, hồ, bưng biền, đất than bùn, và các tầng nước ngầm ở dưới đất.  Những vùng đất ngập nước nầy là nơi thu thập, lọc và trữ nước của thiên nhiên.  Bằng cách thu, lọc, và giữ nước mưa và nước lũ trước khi xả ra khi cần, chúng duy trì chu kỳ nước toàn cầu cho nguồn cung cấp liên tục.

    Trên khắp thế giới, việc kết hợp đầy đủ của đất ngập nước vào việc quy hoạch và quản lý nước trong mọi thành phần kinh tế sẽ mang lại nhiều lợi ích sâu rộng.  Nguồn cung cấp nước đầy đủ có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, giảm xung đột, và giảm căng thẳng môi trường.  Nhưng điều đó đòi hỏi đầu tư đáng kể để đáp ứng với nhu cầu tăng vọt.

    Mức tiêu thụ nước ngọt đã gia tăng gấp 6 lần trong 100 năm qua, và nhu cầu vẫn còn tăng, với nông nghiệp, kỹ nghệ, và năng lượng chiếm 90% của tổng số.  Ít nhất cần có thêm 55% nước vào năm 2060 để đáp ứng nhu cầu do tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa, và dân số toàn cầu gần 10 tỉ người.

    Hiện nay, số nước cho mỗi đầu người đã ít hơn 2 thập niên trước.  Kết quả là, trên 3 tỉ người đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, thường châm ngòi cho xung đột bạo lực.  Vào năm 2050, trên ½ dân số trên thế giới sẽ không có an ninh nước; trong các vùng khô khan, thay đổi khí hậu sẽ làm cho khan hiếm thêm tồi tệ.

    Thay đổi khí hậu chỉ là một đe dọa.  Dân số cũng làm cho khủng hoảng nước thêm tồi tệ.  Nước uống không an toàn là một thực tế chết người tiềm tàng cho người dân trên khắp thế giới.  Hầu như tất cả các nguồn nước ngọt nay bị ô nhiễm ở một mức độ nào đó; ngay cả tuyết trên đỉnh Núi Everest cũng không chừa.  Như thế, tại sao chúng ta không cứu và bảo vệ đất ngập nước?

    Tính đa năng của chúng đặc biệt thích hợp khi khủng hoảng nước được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum (WEF)) xếp vào 5 khủng hoảng hàng đầu trên toàn cầu về ảnh hưởng.  Khả năng sản xuất nước của chúng ở trên và dưới đất – trung hòa hạn hán, lũ lụt, và ảnh hưởng của tuyết tan – đặc biệt quan trọng.

    Thế nhưng, mặc dù chúng cung cấp hầu hết nước ngọt của chúng ta, gần 90% đất ngập nước đã biến mất từ cuộc Cách mạng Kỹ nghệ, và sự mất mát đang tăng tốc cùng với toàn cầu hóa.  Nhiều đất ngập nước còn lại đang lâm nguy cao độ.

    Đất ngập nước đặc biệt dễ tổn thương vì chúng thường được xem là đất hoang phải được biến thành đất canh tác hay phát triển, hay những vùng bệnh tật phải được cải tạo.  Khuynh hướng nầy làm nổi bật sự thiếu hiểu biết về vai trò quan trọng của đất ngập nước, là nền tảng của khủng hoảng nước trên thế giới.

    Để bảo đảm nguồn nước an toàn, chắc chắn và thích hợp, chúng ta phải chú trọng đến mối liên hệ giữa sự lệ thuộc vào nước của con người và cái chúng ta làm với đất ngập nước.

    Vâng, có những lựa chọn khác để gia tăng nguồn cung cấp nước của chúng ta, nhưng không có lựa chọn nào lý tưởng.  Khử mặn nước biển tạo nên nhiều vấn đề hơn là giải quyết.  Cấy mưa sanh ra nhiều câu hỏi rắc rối.  Và việc xây cất ồ ạt các nhà máy hứng nước đòi hỏi đầu tư lớn lao và thường gây xáo trộn kinh tế và cuộc sống địa phương.

    Hơn nữa, không như đất ngập nước, những sự lựa chọn nầy không thể cùng lúc cung cấp thực phẩm, thuốc, lợi tức cho 1 trong 7 người, và nơi cư trú cho vô số chủng loại, hay giảm nhẹ thay đổi khí hậu.

    Với ½ tổng sản lượng (GDP) toàn cầu lệ thuộc vào dịch vụ hệ sinh thái, cứu đất ngập nước sẽ là ưu tiên hàng đầu trong việc phục hồi xanh từ khủng hoảng Covid-19.  Sự tái sinh đất ngập nước cỗ ở Chennai, Ấn Độ để ngăn ngừa “ngày cuối cùng” khác – như trong năm 2019 – khi thành phố hết nước – cung cấp phác họa cho các nơi khác.

    Quan trọng hơn, chúng ta phải nghĩ lại và xem xét toàn bộ nông nghiệp, cho đến nay là bộ phận tiêu thụ nước nhiều nhất, để được thêm “hoa màu cho mỗi giọt nước.”  Những khuyến khích để sản xuất thâm canh bất chấp đất ngập nước, ô nhiễm nước, và đa dạng sinh học phải được ngưng một cách nhanh chóng.  Sáng kiến Quản lý Đất Môi trường mới của Anh là một thí dụ của chương trình thưởng cho nông dân đã chú trọng đến quản lý nước và bảo tồn đất ngập nước như trụ cột của việc quản lý đất đai của họ.

    Những kế hoạch tương tự có thể áp dụng cho toàn cầu.  Kỹ nghệ cũng phải xung phong như một đối tác tương ứng trong việc bảo tồn và sử dụng có hiệu quả.  Bảo vệ hệ sinh thái và một môi trường thu hút doanh nghiệp từng được xem là không tương thích.  Ngày nay, sự sống còn của doanh nghiệp tùy thuộc vào môi trường tự nhiên lành mạnh.

    Công nhận điều nầy, Danone và các công ty khác đã cam kết để quản lý nước và bảo vệ lưu vực, trong khi nhiều công ty tham gia vào việc tài trợ nước đa phương toàn cầu để dùng việc quản lý đất ngập nước để đáp ứng các nhu cầu của việc đô thị hóa nhanh chóng.  Nhờ loại tài trợ nầy, sông Tana ở Nairobi đã sản xuất thêm 27 triệu lít nước mỗi ngày trong chỉ 3 năm.

    Không cần phải thuyết phục các quốc gia căng thẳng nước như Nam Phi nữa.  Trên ½ người dân của nước nầy và 2/3 kinh tế được hỗ trợ bởi một nhóm nhỏ đất ngập nước.  Các nhà hoạch định chánh sách ở đó biết rằng bảo vệ đất ngập nước và sự vẹn toàn của nó trong việc quản lý nước là trọng tâm để bảo đảm nguồn cung cấp mà việc phát triển kinh tế dựa vào.

    Đất ngập nước là các giải pháp tốt nhất của hành tinh đối với vấn đề nguồn nước ngọt hiện có.  Chúng ta có thể có đủ trên Trái đất mà không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài.  Tất cả chúng ta phải làm là bảo vệ các giải pháp tự nhiên chúng ta có và sử dụng chúng một cách khôn ngoan.

    https://mekong-cuulong.blogspot.com/2021/04/chung-ta-co-cham-dut-khung-hoang-nuoc.html

    Không có nhận xét nào