Header Ads

  • Breaking News

    Dân phòng lạm quyền: vấn nạn chung khi có chút quyền!

    Mạng xã hội tại Việt Nam vào ngày 1/4 vừa qua lan truyền một đoạn video dài hơn một phút ghi cảnh hai thiếu niên bị bảo vệ tổ dân phố 12, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh liên tục đấm, đá, tát vào mặt. Sự việc diễn ra tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10.

    Dân phòng lạm quyền: vấn nạn chung khi có chút quyền!

    Theo tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam, phía trường Nguyễn Văn Tố cho biết, trong thời gian gần đây trường này liên tục bị mất những đồ như áo gió của học sinh, vợt cầu lông, thực phẩm... nên đã phân công bảo vệ trực đêm để canh phòng kẻ trộm. Đến tối ngày 31/3, bảo vệ đã phát hiện có người leo rào vào trường và bắt được 2 thiếu niên 14 tuổi.

    Trong đoạn video được đăng tải, có cảnh hai thiếu niên liên tiếp van xin nhưng người bảo vệ dân phố tên L.Q.H vẫn không ngưng tay đấm, đá, tát hai thiếu niên bị bắt do ăn trộm. Nhiều người có mặt tại chỗ không ngăn cản.

    Sau khi bị bạo hành, em N.P.H.T, nhập viện trong tình trạng đau đầu vùng thái dương phải, không ói, không co giật... Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương đầu do bạo hành. Bệnh viện đã xử lý giảm đau.

    Em thứ hai tên N.D.T.A, khi nhập viện chóng mặt, đau đầu, đau cổ nơi bị đánh... Bệnh viện cũng cho giảm đau sau khi chẩn đoán chấn thương đầu và cổ do bị bạo hành.

    Tôi nghĩ thật sự phải dẹp cái gọi là lực lượng dân phòng này vì nó là lực lượng chẳng ra kiểu gì và thật sự họ không được đào tạo cũng như không giáo dục, lấy những người không hiểu biết đưa người ta vào, có tí quyền là bắt đầu lộng quyền ngay. – TS. Nguyễn Quang A

    Trao đổi với RFA tối 5/4, Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội cho rằng trong vụ việc này, hai thiếu niên đã sai trong việc trộm cắp, nhưng phía lực lượng dân phòng lại càng sai hơn vì không tuân thủ pháp luật:

    “Ở đây người ta đã hành xử bất chấp pháp luật, như vậy không đúng quy định. Thứ hai là có người của nhà trường đứng đấy mà không ngăn cản để các hành vi đánh trẻ nguy hiểm, lên gối vào cằm trẻ như thế nếu xảy ra án mạng thương tích thì ai phải đền?

    Quan điểm của tôi vụ này là cần phải xử lý những người có liên quan và xử lý những người của nhà trường đứng đấy mà không ngăn cản.”

    Ủy ban Nhân dân phường 14, quận 10 đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với anh L.Q.H. Hiện Công an quận 10 đang tiếp tục phối hợp điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo pháp luật.

    Từ Sài Gòn, Chị Tú Anh, đang sinh sống tại Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét chuyện dân phòng lạm dụng quyền lực đã có từ lâu nay chứ không phải bây giờ mới có. Chị thắc mắc tại sao có công an rồi mà lại có thêm dân phòng. Theo nhận xét của chị, nhiều dân phòng hay làm ra vẻ và có thái độ còn hung hăng hơn cả công an. Chị nêu ví dụ cụ thể là những thanh niên dân phòng nơi xóm nhà chị. Chị Tú Anh cho biết đó là những thành phần bỏ học giữa chừng làm dân phòng, lối xưng hô của những dân phòng này rất xấc xược.


    Theo chị Tú Anh, không chỉ có vấn đề về thái độ, cách ứng xử, mà ngay cả công việc của dân phòng hiện nay cũng không rõ ràng, vượt quyền hạn, nhiệm vụ, như việc trước đây cho dân phòng lập bàn ngồi trước cổng trường Đại học Công nghiệp, tự tiện ra bắt xe sinh viên từ trường ra rồi viết giấy phạt. Theo chị, có thể nhiều sinh viên có sai phạm nhưng dân phòng không có chức năng đó, nếu muốn phạt thì cần phải có công an giao thông, dân phòng chỉ có thể hỗ trợ.

    Tình trạng lực lượng dân phòng tự tiện dừng phương tiện giao thông đang lưu thông để xử phạt không chỉ diễn ra ở khu vực chị Tú Anh sinh sống, mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước theo thông tin báo chí đăng tải năm 2012.

    Không chỉ vậy, nhiều vụ việc về tình trạng dân phòng ‘lạm quyền’ nghiêm trọng được nói đến như đánh người, bắt giữ người trái phép… Trong đó, có nhiều vụ khiến người bị đánh tử vong.

    Điển hình như vụ người bán hàng rong bị trật tự phường 25, quận Bình Thạnh bóp cổ, đánh đến ngất xỉu năm 2013.

    Nặng hơn, một người đàn ông 55 tuổi tên Nguyễn Thanh Phong bị một dân phòng phường 11, Vũng Tàu, đánh chết trong khi thi hành công vụ năm 2007.

    Ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, sáu dân phòng khối Vinh Quang, phường Hưng Bình đã đánh đập dã man ba em học sinh, khiến một em tử vong và hai em khác bị thương nặng.

    Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội nhận định:

    “Tôi nghĩ thật sự phải dẹp cái gọi là lực lượng dân phòng này vì nó là lực lượng chẳng ra kiểu gì và thật sự họ không được đào tạo cũng như không giáo dục, lấy những người không hiểu biết đưa người ta vào, có tí quyền là bắt đầu lộng quyền ngay.”

    Trước đây, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất Dự luật thành lập Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, theo đó, sáp nhập ba thành phần bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên nghiệp trở thành một lực lượng mới.

    Nguyên nhân được nói là do ba lực lượng quần chúng đang tồn tại này có cùng nhiệm vụ và đang trong tình trạng không thống nhất.

    Không riêng gì ở một lực lượng dân quân tự vệ mà ở các lực lượng khác có một chút quyền trong tay là họ lộng hành. Không bị giám sát, không bị xử lý, không bị lên mặt báo thì họ không sợ. - Thầy Đỗ Việt Khoa

    Theo Dự luật này, gần 750 ngàn người trong ba lực lượng vừa nêu sẽ do Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý và được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

    Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chính đề xuất vừa nêu cũng phần nào gây ra tình trạng lạm quyền cho lực lượng cơ sở hiện nay:

    “Việc ấy chắc chắn cũng là một hệ quả của những quy định pháp lý như vậy. Đi cùng việc cho họ sử dụng nhưng công cụ như vậy thì cũng phải đào tạo cho họ, huấn luyện cho họ biết rõ quyền của họ là gì.

    Một cách quan trọng bậc nhất là những vụ như thế là những vụ phải được bên Tư pháp tức tòa án, Viện Kiểm sát trừng trị một cách nghiêm minh, công khai để tất cả người trong lực lượng ấy thấy thế mà họ nhận mình.”

    Còn theo Thầy Đỗ Việt Khoa, tình trạng lạm quyền đang ngày càng tràn lan ở khắp mọi nơi:

    “Không riêng gì ở một lực lượng dân quân tự vệ mà ở các lực lượng khác có một chút quyền trong tay là họ lộng hành. Không bị giám sát, không bị xử lý, không bị lên mặt báo thì họ không sợ.

    Một đặc điểm nữa xuất phát từ chế độ hay sao, chuyên chính vô sản đẻ ra bạo lực, Mao Trạch Đông bảo rằng ‘quyền lực đến từ họng súng’. Các nước rất thích dùng bạo lực để trừng phạt nhau, người dân cũng thế, công an hay đánh dân thường trong đồn công an (khiến) nhiều người chết trong đồn, hay thầy cô thích bạo hành học sinh, những người có chức có quyền thì hay bạo lực, bạo hành, trù dập những người bên dưới, học sinh nữ hay bạo hành nhau, đánh nhau, quay clip tung lên mạng…”

    Do đó, Thầy Khoa cho rằng những trường hợp sử dụng quyền lực, sức mạnh sai quy định nhưng không bị giám sát, không bị xử lý và những người đứng đầu không làm gương cho việc chấm dứt bạo lực là điều không nên và sẽ cổ vũ bạo lực. Từ đó gây ra nhiều nguy hiểm và làm xói mòn đạo đức, truyền thống dân tộc.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào