Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ Nhật 18 tháng 4 năm 2021

    Trung Quốc lên tiếng về tuyên bố chung Mỹ-Nhật

    Tổng thống Biden họp báo với Thủ tướng Suga vào 16/4 sau khi hội đàm với nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi ông nhậm chức.

    Vài giờ sau khi Nhật Bản và Hoa Kỳ nêu tên Đài Loan trong tuyên bố thượng đỉnh, Trung Quốc đã phản pháo lại bằng một thông cáo.

    Ngoài Đài Loan, tuyên bố chung Mỹ - Nhật nêu quan ngại của hai đồng minh đối với Hong Kong và các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

    "Những vấn đề này thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và không được phép can thiệp.

    “Chúng tôi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các bình luận có liên quan trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo," người phát ngôn tại Đại Sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

    Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương thuộc "công việc nội bộ của Trung Quốc," tuyên bố cho biết thêm.

    "Những bình luận này đã vượt xa phạm vi phát triển bình thường của quan hệ song phương", Đại sứ quán Trung Quốc cho biết thêm.

    "Kế hoạch của Hoa Kỳ và Nhật đi ngược lại xu hướng thời đại và ý chí của người dân trong khu vực. Mặc dù nó được thiết kế để làm suy yếu nước khác, nhưng cuối cùng nó sẽ chỉ làm tổn thương chính họ."

    Sau hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào thứ Sáu, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ra một tuyên bố đề cập đến Đài Loan, và nói rằng: "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bờ eo biển."

    Lần cuối cùng Nhật Bản và Hoa Kỳ đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố như vậy là vào năm 1969 sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Sato Eisaku và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon.

    Điều này xảy ra trước khi cả Nhật và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào những năm 1970.

    Tuyên bố chung lần này của hai ông Suga và Biden nói chia sẻ mối quan ngại của họ về các hoạt động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, bao gồm việc sử dụng các hình thức cưỡng bức kinh tế và các hình thức khác.

    "Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông," tuyên bố cho biết và đề cập đến quần đảo Senkaku nằm gần Đài Loan.

    Các đảo nhỏ, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu vào vùng biển gần đó.

    Tuyên bố cũng đề cập đến những tuyên bố ngày càng lấn lướt của Trung Quốc đối với lãnh thổ ở Biển Đông. "Chúng tôi nhắc lại sự phản đối của chúng tôi đối với các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định lợi ích chung mạnh mẽ của chúng tôi đối với một Biển Đông tự do và mở được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế."

    Lực lượng hải cảnh Trung Quốc luôn xuất hiện trong các khu vực có tranh chấp chủ quyền.

    Tuần qua Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã cử một phái đoàn không chính thức, bao gồm các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg tới Đài Bắc, như một dấu hiệu cho thấy cam kết của ông đối với hòn đảo này.

    Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi 25 máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đây là lần mới nhất trong một loạt các cuộc xâm nhập không phận Đài Loan của Trung Quốc.

    Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng công kích tuyên bố của Nhật-Mỹ trong một bài xã luận, nói rằng đã đến lúc hai nước phải hành xử một "cách có trách nhiệm".

    "Có vẻ như mục đích duy nhất của Hoa Kỳ và Nhật Bản để củng cố liên minh hàng có nhiều thập niên của họ dưới thời chính quyền mới của Mỹ là chuyển hướng nhằm chống lại Trung Quốc, một tín hiệu mà hai nước nên tránh gửi đi khi nó mang tâm lý thiên vị và ý thức hệ Chiến tranh Lạnh," báo này viết.

    "Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản nên hành xử theo cách xây dựng và có trách nhiệm hơn," báo này nói thêm. "Sự cấu kết bài Trung của họ sẽ chỉ tạo ra kết cục cùng mất mát, chẳng mang lại lợi ích gì cho lợi ích của riêng ai, chứ chưa nói đến đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực."

    Trong khi đó, Đài Loan hoan nghênh tuyên bố của Suga-Biden, trong đó Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ "lòng biết ơn chân thành" về việc "công nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực hai bên eo biển Đài Loan."

    "Đài Loan, nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi đảo thứ nhất, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và cũng có chung cảm nhận với các nước trong khu vực về các mối đe dọa và xâm lược bằng đường đất liền, hàng hải và hàng không", Bộ ngoại giao Đài Loan cho biết .

    Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng đã tweet: "Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của @POTUS & @sugawitter [Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật], trong đó họ nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại hai bên eo biển Đài Loan."

    Moscow điều tàu chiến đến Biển Đen trong bối cảnh Nga-Ukraine đang căng thẳng


    Vào ngày 17/4, Nga đã điều 2 tàu chiến và 15 tàu cỡ nhỏ đi qua eo biển Bosphorus để đến Biển Đen, trong bối cảnh mối quan hệ với Ukraine đang leo thang căng thẳng.

    Reuters đưa tin, hai tàu đổ bộ lớp Ropucha thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga đã đi qua eo biển Bosphorus để đến Biển Đen. Hai tàu chiến này có khả năng vận chuyển xe tăng, binh lính cho các cuộc tấn công ven biển.

    Ngoài ra, lực lượng hải quân Nga sẽ tiếp tục điều 2 tàu chiến đổ bộ từ Hạm đội Baltic đến Biển Đen trong thời gian tới. Hai tàu này dự kiến ​​cũng sẽ đi qua eo biển Bosphorus.

    Theo RIA, 15 tàu nhỏ hơn từ Hạm đội Caspian của Nga đã hoàn tất việc di chuyển đến Biển Đen để chuẩn bị cho các cuộc tập trận ở khu vực này.

    Thời gian qua Nga đã điều động quân và đưa khí tài quân sự áp sát biên giới Ukraine. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và phe ly khai thân Nga vẫn tiếp diễn.

    Mỹ- Nhật vừa kết thúc cuộc họp, Bắc Kinh cho máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan


    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, vào thứ Bảy (17/4), quân đội Trung Quốc đã điều một máy bay xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Động thái này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật có cuộc hội đàm tại Tòa Bạch Ốc, trong đó vấn đề Đài Loan là một chủ điểm thảo luận, theo Focus Taiwan.

    Chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc xuất kích trên không phận phía tây nam Đài Loan, giữa Đài Loan và quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát.

    Đáp lại, Đài Loan đã triển khai máy bay tuần tra và các hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi chiến đấu cơ của Trung Quốc.

    Cuộc xâm nhập của chiến đấu cơ J-16 Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ và Nhật Bản kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington và đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định một cách mạnh mẽ cam kết của họ đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

    Điều này đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Đại sứ quán Trung Quốc hôm thứ Bảy chỉ trích tuyên bố này là “có hại cho lợi ích của bên thứ ba, cũng như với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực”.

    Trong một diễn biến liên quan, Taiwan News đưa tin, Hiệp hội Giao lưu Nhật -Đài đã thượng cờ Nhật Bản tại văn phòng Đài Bắc vào thứ Bảy (17/4), bất chấp thái độ của Trung Quốc.

    Quan chức Nhật Bản Furuya Keiji giải thích trong một tweet rằng văn phòng đại diện của Nhật trước đây tránh thượng cờ tại Đài Loan vì lo ngại phản ứng của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay việc này nên được coi là một “chuyện đương nhiên”.

    Người dân Nhật muốn chính phủ cứng rắn hơn với tàu hải cảnh Trung Quốc


    Theo một cuộc khảo sát của Bộ Ngoại giao Nhật, Gần 70% số người ở Nhật Bản muốn chính phủ thực hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những trường hợp tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật tuyên bố có chủ quyền, nguồn tin từ trang JiJi Press cho hay.

    Bộ Ngoại giao Nhật tiến hành cuộc khảo sát trên qua điện thoại từ ngày 20-23/3, với khoảng 1.000 từ 18 tuổi trở lên đưa ra các câu trả lời có giá trị. Hãng tin Jiji Press ngày 15/4 công bố kết quả cuộc khảo sát trên.

    Khi được hỏi Nhật nên tập trung vào điều gì trong chính sách về Trung Quốc, 69,3% số người tham gia cuộc khảo sát, nhóm lớn nhất, bày tỏ mong muốn như trên.

    Tàu hải cảnh Trung Quốc thường vào vùng biển mà Nhật xem là lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kể từ khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng có hiệu lực từ ngày 1.2, Nhật luôn chia sẻ quan ngại của mình với Mỹ và nhiều nước khác về nguy cơ Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

    Cũng theo kết quả khảo sát, 50,3%, nhóm lớn thứ 2, muốn Nhật yêu cầu Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, tự do, dân chủ và pháp quyền. Trong khi đó, có 28,7%, nhóm lớn thứ 3, bày tỏ hy vọng có các cuộc trao đổi nhân lực và kinh tế lớn hơn giữa hai nước.

    Kết quả khảo sát cũng cho thấy 82,4% số người được hỏi nghĩ môi trường an ninh ở Đông Á ngày càng trở nên nghiêm trọng, so với con số 84,9% của cuộc khảo sát năm 2020. Điều này cho thấy nhiều người Nhật vẫn còn quan ngại về chương trình tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và những hành động mang tính bá quyền của Trung Quốc.

    Tướng cảnh sát Campuchia bị bắt vì mở tiệc giữa lệnh phong tỏa

    Tình hình đại dịch COVID-19 ở Campuchia đang leo thang khiến nước này buộc phải thực thi lệnh phong tỏa chặt chẽ. Mới đây, một Thiếu tướng thuộc lực lượng cảnh sát Campuchia đã bị bắt và có thể bị tước quân hàm, đuổi khỏi ngành vì mở tiệc giữa lệnh phong tỏa ở Phnom Penh, thông tin từ trang Khmertimeskh cho hay.

    Cảnh sát quận Meanchey, đông nam thủ đô Phnom Penh, đêm 16/4 nhận được tin báo của người dân về một bữa tiệc trái phép đang diễn ra, trong bối cảnh thủ đô Campuchia áp lệnh phong tỏa hai tuần, ngăn Covid-19.

    Thị trưởng Phnom Penh Khuong Sreng lập tức chỉ đạo cảnh sát quận tới nơi tổ chức bữa tiệc và bắt những người vi phạm. Khi đến hiện trường, họ phát hiện đám đông khoảng 30-40 người đang uống rượu, nhảy múa, hát hò và tung phấn rôm vào nhau.

    Đám đông khi phát hiện cảnh sát đã nhanh chóng tháo chạy, nhưng lực lượng chức năng đã bắt quả tang thiếu tướng Ong Chanthuok, phó tham mưu trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia, 45 tuổi, cùng 2 người trong đội ngũ của ông.

    Thủ tướng Hun Sen hôm qua cho biết đang soạn thư đề nghị Quốc vương tước quân hàm thiếu tướng Chanthuok và áp hình phạt kịch khung cho hành vi vi phạm lệnh phong tỏa. Ông Chanthuok cũng đối diện nguy cơ bị đuổi khỏi ngành.

    Trước làn sóng ca nhiễm mới COVID-19 liên tục gia tăng, Campuchia đã áp lệnh phong tỏa 14 ngày tại thủ đô Phnom Penh và thị xã Takhmao, từ ngày 15/4 đến ngày 28/4. Người dân trong thời gian này bị cấm tụ tập và rời khỏi nhà vì mục đích không thiết yếu.

    Quân đội Myanmar tuyên bố thả hơn 23.000 tù nhân


    Chính quyền quân sự Myanmar hôm qua tuyên bố đã thả hàng chục nghìn tù nhân, trong bối cảnh biểu tình vẫn tiếp tục lan rộng ở nước này sau đảo chính, nguồn tin từ trang Channel News Asia cho hay.

    Theo thông báo trên đài phát thanh và truyền hình nhà nước Myanmar hôm 17/4, Thống tướng Min Aung Hlaing, Tư lệnh quân đội Myanmar, đã tuyên bố ra lệnh ân xá và trả tự do cho 23.047 tù nhân nước này, trong đó có 137 người nước ngoài.

    Những người nước ngoài được ân xá sẽ bị trục xuất khỏi Myanmar.


    Việc thả tù nhân trước thời hạn là thông lệ trong các ngày lễ lớn tại Myanmar, tuy nhiên đây là lần thứ hai chính quyền quân sự Myanmar thực hiện điều này kể từ khi lật đổ chính phủ dân sự của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hồi tháng 2, dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước.

    Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 726 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar. Tổ chức này cho biết 2.728 người, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, đang bị quân đội giam giữ.

    Các nhóm đối lập quân đội Myanmar ngày 16/4 tuyên bố thành lập “chính phủ thống nhất quốc gia” với nòng cốt là các nghị sĩ bị lật đổ trong cuộc đảo chính, lãnh đạo phe biểu tình phản đối chính biến và các nhóm dân tộc thiểu số. Một trong những mục tiêu của “chính phủ thống nhất” là giành được.

    Israel không kích Gaza sau khi bị tấn công

    Israel hôm 17/4 đã thực hiện các cuộc không kích tại Dải Gaza, sau khi nước này gánh chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa được cho là đến từ vùng lãnh thổ thuộc Palestine.

    Tờ Al Jazeera đưa tin, các cuộc không kích nhắm tới những mục tiêu mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) mô tả là “mục tiêu khủng bố” do lực lượng Hamas kiểm soát.

    Một tuyên bố của IDF cho hay, các mục tiêu này bao gồm “cơ sở huấn luyện, trạm phóng tên lửa phòng không, nhà máy sản xuất bê tông và cơ sở hạ tầng đường hầm chống khủng bố”.

    Nhiều nhân chứng và các nguồn tin an ninh cho hay, những cuộc không kích của IDF đã đánh vào 2 “địa điểm huấn luyện” máy bay chiến đấu ở phía nam và một mục tiêu khác ở trung tâm Dải Gaza.

    Một phát ngôn viên của Hamas tuyên bố rằng, bất chấp những hành động của Israel, “Gaza vẫn sẽ chiến đấu và không thể bị phá vỡ”.

    Theo Al Jazeera, đây là động thái ăn miếng trả miếng lần thứ 2 liên tiếp của hai bên diễn ra trong tuần qua. Vào cuối ngày 15/4, nhiều tên lửa đã được bắn từ Gaza vào miền nam Israel.

    Tình trạng căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Israel và Hamas ở khu vực Dải Gaza, bất chấp việc hai bên đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn trong những năm gần đây. Phía Hamas đã có một số lần bắn tên lửa vào phần lãnh thổ Israel, và IDF sau đó đáp trả bằng các cuộc không kích.

    Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc đưa Washington DC thành tiểu bang


    Theo Ủy ban về Quy tắc của Hạ viện Mỹ, viện này sẽ bỏ phiếu về việc có nên đưa Washington, D.C. trở thành một tiểu bang vào thứ Ba, ngày 20/4, trang Epochtimes cho hay.

    Trước đó, Lãnh đạo phe Đa số Dân chủ tại Hạ viện là ông Steny Hoyer tuyên bố, Hạ viện sẽ cố gắng bỏ phiếu về dự luật vào ngày 19/4, tức là vào tuần tới.

    Dự luật này được đưa ra sau khi Ủy ban Giám sát Hạ viện, dưới sự chủ trì của Hạ nghị sĩ Dân chủ Carolyn Maloney (New York), đã bỏ phiếu để thúc đẩy Nghị quyết Hạ viện 51 vào đầu tuần này bằng một cuộc bỏ phiếu 25–19.

    Theo dự luật, thủ đô của Hoa Kỳ sẽ được thu nhỏ để chỉ bao gồm các khu vực: National Mall, đài kỷ niệm, Tòa Bạch Ốc, Đồi Capitol và các tòa nhà liên bang khác. Phần còn lại của D.C. sẽ trở thành tiểu bang thứ 51 được gọi là “Washington, Douglass Commonwealth”.

    Sau khi dự luật được thông qua tại Ủy ban Giám sát Hạ viện, Dân chủ Maloney nói: “Việc đưa D.C. thành tiểu bang là về bình đẳng, công bằng”. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa tuyên bố đó là một “cuộc giành giật quyền lực” của các thành viên đảng Dân chủ, những người đang cố gắng thay đổi để cán cân vĩnh viễn có lợi cho họ.

    Trong một tuyên bố, Dân biểu Cộng hòa Andy Biggs cho biết: “Đảng Dân chủ rất tham lam khi cố làm nghiêng vĩnh viễn cán cân quyền lực chính trị theo hướng có lợi cho họ, đến mức họ đã đưa ra cho chúng tôi một đề xuất buồn cười về việc thành lập tiểu bang D.C.”.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào