Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 13 tháng 4 năm 2021

    Kỷ lục mới : 25 chiến đấu cơ Trung Quốc sách nhiễu Đài Loan

    Hôm qua 12/04/2021 có đến 25 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một con số kỷ lục, một ngày sau khi Mỹ lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh. AFP dẫn nguồn từ chính quyền Đài Bắc cho biết như trên.

    Sự hiện diện đông đảo của các máy bay quân sự Trung Quốc trong đó có 18 phi cơ tiêm kích, đã buộc không quân Đài Loan cho các phi cơ cất cánh và ra lệnh cho phía Trung Quốc ra khỏi ADIZ. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp trong tháng này, phi cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan, với số lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay.

    Chuyên gia Antoine Bondaz nhận xét trên Twitter, hồi tháng Giêng đã có đến 81 lượt phi cơ Trung Quốc xâm nhập, nhưng đó là trong suốt cả tháng, còn hôm qua có đến 25 chiến đấu cơ cùng bay vào thị uy. Trang web của bộ Quốc Phòng Đài Loan nêu chi tiết : 2 chiếc Y-8 (Thiểm Tây), 1 chiếc KJ-500 (Không Cảnh), 4 chiếc tiêm kích J-10 (Mãnh Long), 14 chiếc tiêm kích J-16 (Thẩm Dương), 4 oanh tạc cơ H-6K (Tây An).

    Động thái này diễn ra sau khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm Chủ nhật 11/04 tố cáo « các hành động ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh đối với Đài Loan ». Ông nói thêm « sẽ là sai lầm nghiêm trọng đối với những ai mưu toan dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng ». Trong ngày 13/04/2021, Đài Loan cũng là một đề tài quan trọng trong cuộc đối thoại của ngoại trưởng ba nước Pháp, Ấn Độ và Úc.

    Nhà nghiên cứu Cleo Paskal chuyên về Ấn Độ-Thái Bình Dương của Viện Chatham House trụ sở tại Luân Đôn nhận định :

    « Lúc nào thì Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan ? Theo như cách mà họ đang tiến hành, thì Bắc Kinh sẽ cố tình gây ra căng thẳng tại nhiều địa điểm khác nhau. Chẳng hạn nếu Nga tiến vào Ukraina, nếu khủng hoảng tăng lên ở Miến Điện, nếu các vấn đề khác xảy ra với Iran, Bắc Triều Tiên, và Washington, Paris và Luân Đôn phải quan tâm đến tất cả những xung đột khác, thì sẽ có khoảng hở để tung ra cuộc tấn công tin học vào Đài Loan. Thế nên tôi không nhìn thấy được lối thoát cho tình hình căng thẳng này.

    Bắc Kinh sẽ khuấy động lên nhiều xung đột ở một chừng mực nào đó, Matxcơva cũng vậy. Và rốt cuộc, Trung Quốc sẽ đạt được điều mình muốn, có nghĩa là chiếm lấy Đài Loan. Nhưng đồng thời, họ cũng cố gắng tung ra đồng tiền ảo của mình để phá hoại đồng đô la Mỹ. Đó là hai mục đích chính của Bắc Kinh hiện nay. »

    Hôm qua kênh truyền hình quân đội Trung Quốc CCTV-7 đăng một video cho thấy Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, nói rằng để trả đũa « sự khiêu khích của Hải quân Mỹ ». Trước đó Hải quân Hoa Kỳ đăng ảnh khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Mustin đi qua phía cửa sông Dương Tử trong khi chiếc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang hướng về phía Đài Loan. Những hình ảnh hiếm hoi được phía Mỹ đăng lên cho thấy thuyền trưởng USS Mustin, Robert Briggs và thuyền phó Richard Slye đang quan sát chiếc Liêu Ninh.

    Căng thẳng Ukraina: Khối G7 và liên minh NATO kêu gọi Nga « xuống thang »


    Ngừng « các hành động khiêu khích », chấm dứt tăng quân tại vùng biên giới với Ukraina, đó là thông điệp mà các nước phương Tây gửi đến Nga trong 24 giờ qua.

    Hôm nay, 13/04/2021, khối NATO kêu gọi Nga « ngừng tăng cường binh lực » tại vùng biên giới với Ukraina, ngừng ủng hộ các lực lượng ly khai vùng Donbass, miền đông Ulraina. Trong một cuộc trả lời báo giới hôm nay cùng với ngoại trưởng Ukraina, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định : « Việc tăng cường lực lượng ở quy mô đáng kể của Nga là không thể biện minh, không thể giải thích được và rất đáng lo ngại. Nước Nga cần chấm dứt việc tăng cường quân đội trong lãnh thổ Ukraina và xung quanh Ukraina, chấm dứt ngay lập tức mọi hành động leo thang ».

    Về phần mình, ngoại trưởng Ukraina, ông Dmytro Kuleba, nhấn mạnh đến nguy cơ Nga có những quyết định bất ngờ, như đã từng xảy ra vào năm 2014, khi đưa quân vào bán đảo Crimée, và hậu thuẫn lực lượng thân Nga ở Donbass, trong lúc đa số các nước phương Tây chưa biết xoay xở ra sao. Lãnh đạo ngoại giao Ukraina báo động : « Với nước Nga, không gì có thể loại trừ ».

    Trước đó, hôm qua, 12/04, ngoại trưởng các nước G7 và lãnh đạo ngoại giao Liên Âu đã ra tuyên bố chung kêu gọi Nga « xuống thang ». Ngoại trưởng các nước G7 lưu ý : « các hoạt động chuyển quân trên quy mô lớn này, được tiến hành không báo trước, là một mối đe dọa và yếu tố gây bất ổn định ». Khối G7 kêu gọi Nga « minh bạch » về các hoạt động quân sự này như đã cam kết với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). G7 tái khẳng định « sự ủng hộ không gì lay chuyển đối với nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina », đồng thời ca ngợi thái độ « kiềm chế » của Kiev trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

    Nga cáo buộc phương Tây biến Ukraina thành « thùng thuốc súng »

    Về phần mình, điện Kremlin cáo buộc Hoa Kỳ và NATO đang « gia tăng hỗ trợ Kiev về quân sự », biến Ukraina thành « thùng thuốc súng ». Trong cuộc trả lời báo chí Nga hôm nay, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergueï Riabkov khẳng định Matxcơva sẵn sàng can thiệp để bảo vệ kiều dân Nga tại Ukraina.

    Theo AFP, chính quyền Nga đã phát hàng trăm nghìn hộ chiếu Nga cho dân cư vùng Donbass (Ukraina), tuy nhiên bác bỏ mọi hậu thuẫn về chính trị và quân sự đối với lực lượng ly khai. Chính quyền Nga cũng yêu cầu Mỹ không đưa tầu chiến vào sát bán đảo Crimée và bờ biển nước Nga ở vùng Hắc Hải. Theo chính quyền Kiev, riêng tại vùng Donbass, có khoảng 2.000 cố vấn và quân nhân Nga, đảm nhiệm trò huấn luyện quân sự.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du châu Âu ba ngày, từ hôm nay đến thứ Năm 15/04, để thảo luận với các đồng minh NATO về nhiều hồ sơ nóng. Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba hôm nay gặp lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ, cùng tổng thư ký khối NATO, tại trụ sở của khối tại Bruxelles. Ngày mai, tổng thư ký NATO có kế hoạch làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin.

    Số ca nhiễm covid-19 tăng đột biến trở lại ở Thái Lan


    Hôm nay đường phố Thái Lan đáng lẽ phải ngập trong những màn té nước để đánh dấu năm mới Songkran. Thay vào đó, số ca nhiễm covid-19 tăng đột biến đã khiến chính phủ phải hủy lễ hội năm thứ hai liên tiếp. Khoảng 40 trong số 77 tỉnh của Thái Lan đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch và hạn chế đi lại. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, chính phủ khó có thể áp dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn.

    Cho đến gần đây Thái Lan vẫn làm rất tốt trong cuộc chiến với virus. Tính từ đầu đại dịch, cả nước chỉ ghi nhận 33.000 ca nhiễm và 97 ca tử vong. Họ thậm chí còn có kế hoạch đón khách du lịch trở lại từ cuối năm nay. Song mọi sự thay đổi khi biến thể Anh lây lan chóng mặt, trong khi chỉ mới có 0,3% người Thái được tiêm chủng. Liệu hoàng gia có thể xoay chuyển tình hình? Nhà vua chính là chủ sở hữu của hãng dược có độc quyền sản xuất vắc-xin AstraZeneca ở nước này. Nhưng phải đến tháng 6 mới có những lọ thuốc đầu tiên.

    Israel gia tăng căng thẳng với Iran

    Đầu tiên là một vụ nổ bí ẩn. Sau đó là sự cố mất điện. Giờ đây, cơ sở hạt nhân Natanz có thể sẽ phải ngừng hoạt động trong nhiều tháng tới. Lẽ dĩ nhiên ai cũng nghĩ các sự kiện hôm Chủ nhật nghe như một tiểu thuyết gián điệp. Chúng có thể chính là một phần trong chiến dịch của Israel nhắm vào chương trình hạt nhân Iran. Trước đó chưa đầy một tuần, Israel đã tấn công một tàu do thám của Iran ở Biển Đỏ. Những cuộc tấn công như vậy không mới, nhưng tần suất ngày càng nhiều của chúng và việc các nguồn tin cấp cao của Israel sẵn sàng mớm tin ẩn danh cho các phương tiện truyền thông cho thấy Binyamin Netanyahu đang lo lắng.

    Thủ tướng Israel không khỏi bất an trước những nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Joe Biden, cũng như trước áp lực ngày càng tăng ở quê nhà. Phiên tòa xét xử tội hối lộ và gian lận của ông vẫn đang tiếp tục; và sau kết quả bầu cử đáng thất vọng ba tuần trước, cho đến nay ông vẫn không thể tập hợp được một liên minh cầm quyền. Có lẽ ông hy vọng căng thẳng gia tăng với Iran sẽ thuyết phục được các đồng minh chính trị ngoan cố tham gia vào chính phủ mới của ông.

    Hôm nay công bố CPI tháng 3 của Mỹ

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ được công bố hôm nay có thể sẽ đánh dấu khởi đầu một đợt tăng lạm phát tạm thời. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát hàng năm sẽ tăng từ 1,7% lên 2,5%, vì giá cả đã bị giảm trong năm ngoái bởi đại dịch. Cục Dự trữ Liên bang thì dự đoán dựa trên một công cụ họ thường dùng, khác với CPI, rằng lạm phát cao hơn sẽ tồn tại trong một vài tháng, sau đó giảm dần.

    Dù thế nào, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ luôn muốn lạm phát vượt mục tiêu 2% của họ. Đây là một phần trong vùng “mục tiêu lạm phát trung bình” mới của họ, theo đó kêu gọi Fed bù đắp cho lạm phát thấp trong quá khứ. Nhưng không rõ họ muốn đi xa tới đâu. Lạm phát giảm vì đại dịch chủ yếu là trong mùa xuân năm 2020, trong khi chính sách này chỉ mới được thiết lập từ mùa thu. Khi lạm phát tiến gần đến mức phải thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed sẽ phải nói rõ cụ thể hơn về mục tiêu của họ.

    Cuộc đua vào ghế thủ tướng Đức nóng lên

    Cuộc đua kế nhiệm Angela Merkel làm thủ tướng Đức đã bất ngờ nóng lên. Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo trung hữu CDU của bà Merkel và đảng chị em của họ ở Bavaria, Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo CSU, phải cùng chọn ra một ứng viên để dẫn dắt họ vào cuộc tổng tuyển cử tháng 9 này. Hai nhà lãnh đạo đảng đều có tham vọng, và đều đã giành được sự ủng hộ của các ủy ban điều hành của đảng mình.

    Armin Laschet, chủ tịch CDU, là ứng viên dẫn trước vì là nhà lãnh đạo của đảng lớn hơn. Nhưng Markus Söder, đối tác CSU của ông, lại là một người giao tiếp tốt hơn và vượt xa đối thủ trong các cuộc thăm dò toàn quốc. Mặc dù hứa chỉ tranh cử nếu CDU yêu cầu, ông Söder đã từ chối thoái lui, mà thay vào đó còn thúc giục thảo luận giữa các bên. CDU/CSU gần đây thể hiện kém trong các cuộc thăm dò dư luận khi Đức phải vật lộn với làn sóng covid-19 thứ ba. Đây không phải thời điểm tốt cho một cuộc tranh cãi nội bộ.

    Xuất hiện một loại thuốc giúp đẩy nhanh hồi phục sau covid-19

    Một thử nghiệm lâm sàng ở Anh cho thấy budesonide, một loại steroid được dùng rộng rãi cho bệnh hen suyễn, có thể tăng tốc độ hồi phục hậu covid-19 và làm giảm tỷ lệ nhập viện. Thử nghiệm được tiến hành trên 1.800 người từ 65 tuổi và những người từ 50 tuổi có các bệnh nền đang được điều trị tại nhà. 751 người được kê đơn một ống hít budesonide có kích thước bằng lòng bàn tay. Nghiên cứu cho thấy 32% những người trong nhóm dùng budesonide hồi phục trong vòng 14 ngày, so với 22% của nhóm còn lại.

    Tính trung bình, thuốc làm giảm thời gian hồi phục tới ba ngày. Sau 28 ngày, dữ liệu sơ bộ cho thấy 8,5% những người sử dụng budesonide phải nhập viện, so với 10,3% của nhóm còn lại (mặc dù khác biệt là quá nhỏ, và không có ý nghĩa thống kê). Loại thuốc steroid này lại còn rẻ, được bán rộng rãi trên toàn cầu và một ống thuốc chỉ tốn 14 bảng Anh (19 đô la). Những người đang điều trị covid-19 tại nhà có thể dễ thở hơn một chút.

    Philippines triệu đại sứ Trung Quốc về vụ tàu thuyền ở vùng biển tranh chấp


    Philippines hôm 13/4 cho biết đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để truyền đạt “sự không hài lòng tối đa” của quốc gia Đông Nam Á này về sự hiện diện tiếp diễn của các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp xung quanh một rạn san hô ở Biển Đông.

    Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Đại sứ Trung Quốc Huang Xilian đã được triệu tập hôm 12/4 và nói rằng Trung Quốc nên ngay lập tức rút tất cả các tàu của họ ra khỏi Whitsun (Đá Ba Đầu) đang tranh chấp và các khu vực lãnh hải khác của Philippines.

    Tháng trước, Philippines mô tả sự hiện diện “tràn ngập và gây đe dọa” của khoảng 220 tàu thuyền được cho là do dân quân Trung Quốc điều khiển bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm (322 km) của mình, trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác lên tiếng lo ngại về ý định của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh chỉ trích.

    Bộ Ngoại giao cho biết, hôm 12/4, Bộ này đã nhắc nhở ông Huang rằng Philippines đã thắng trong vụ kiện về chủ quyền mang tính bước ngoặt vào năm 2016 trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

    Đại sứ quán của Trung Quốc tại Manila không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

    Các quan chức ngoại giao Trung Quốc từng cho biết rằng các tàu đó đang trú ẩn, tránh sóng to và không được điều khiển bởi lực lượng dân quân. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng các tuyên bố đó là "những lời nói dối trắng trợn".

    Lần cuối cùng một đại sứ Trung Quốc bị Manila triệu tập là vào năm 2019 sau khi một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu Philippines.

    Nga cảnh báo tàu chiến Mỹ phải tránh xa Crimea

    Nga hôm 13/4 nói rằng các tàu chiến Mỹ phải tránh xa Crimea và gọi việc triển khai các chiến hạm này tới Biển Đen là một hành động khiêu khích nhằm thử thách thần kinh của Nga.

    Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và hai tàu chiến của Mỹ trong tuần này sẽ đến Biển Đen trong bối cảnh chiến sự leo thang ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng chính phủ đã chiến đấu với các binh sĩ được Nga hậu thuẫn trong một cuộc xung đột mà Kyev nói đã làm 14.000 người thiệt mạng.

    Việc triển khai diễn ra khi phương Tây lên tiếng cảnh báo về việc điều quân quy mô lớn và không giải thích nổi của các lực lượng Nga gần biên giới phía đông của Ukraine và ở Crimea. Nga nói rằng nước này luân chuẩn quân khi thấy cần thiết, trong đó có mục đích phòng thủ.

    Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 13/4 đã được các hãng thông tấn Nga dẫn lời, lên tiếng cảnh báo các tàu chiến của Mỹ ở Biển Đen phải giữ khoảng cách, đồng thời cho rằng nguy cơ xảy ra các sự cố không xác định là rất cao.

    “Các tàu Mỹ hoàn toàn không có lý do gì tiến gần bờ biển của chúng ta, đây hoàn toàn là một hành động khiêu khích. Khiêu khích theo nghĩa đen của từ này: họ đang thử thách sức mạnh của chúng ta, thần kinh của chúng ta. Họ sẽ không thành công”, ông Ryabkov được trích lời nói.

    “Chúng tôi cảnh báo Hoa Kỳ rằng sẽ tốt hơn nếu họ tránh xa Crimea và bờ Biển Đen của chúng ta. Nó sẽ tốt cho chính họ”.

    Ngũ Giác Đài đã từ chối thảo luận về việc triển khai các tàu, chỉ nói rằng quân đội Mỹ thường xuyên đưa các tàu đến khu vực.

    Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea và nó có các cơ sở tên lửa và radar được Reuters cho là đầy sức mạnh trên bán đảo này.

    Campuchia tiêm vaccine tốt nhưng lây nhiễm cũng tăng trong cư dân TQ

    Một khu vực có đầu tư của người Trung Quốc ở thành phố Sihanoukville, Campuchia - ảnh tư liệu

    Campuchia đã tiêm được 1/16 dân số, đạt con số tiêm vaccine chống Covid cho một triệu dân.

    Theo lời quốc vụ khanh, phát ngôn viên Bộ trưởng Y tế Vương quốc Campuchia, bà Or Vandine thì tính đến ngày 12/04/2021, số người được tiêm chủng đạt 1 triệu.

    Tuy thế, con số tử vong vì Covid ở vương quốc Đông Nam Á cũng tăng, và số người lây nhiễm không giảm từ tháng 3.

    Trang The Phom Penh Post 12/04 trích tin từ Bộ Y tế ghi nhận ca tử vong thứ 30 ở Campuchia, và 277 ca lây nhiễm có liên quan đến vụ việc ở một cộng đồng dân cư hồi tháng 2.

    Trong số 277 ca có một người Việt Nam và chín người là công dân Trung Quốc.

    Phnom Penh ghi nhận số ca lây Covid cao nhất (204), sau là Svay Rieng (43), Kandal (23), và các địa phương khác có 1-3 ca.

    Tuy thế, sau khi ổ dịch bị phát hiện hôm 20/02, đến nay có 60 người đã bình phục, theo tờ báo Campuchia trích nguồn chính phủ.

    Các số kiệu chính thức nói đến 12/04, Campuchia ghi nhận 4.515 ca Covid-19.

    Sang ngày 13/04, tờ Khmer Times nói con số tử vong nay lên 33.

    Covid với người Việt và người Trung Quốc ở Campuchia

    Nước láng giềng Việt Nam bày tỏ lo ngại về các ca lây nhiễm Covid ở Campuchia và về hiện tượng nhập cảnh của người Việt về Việt Nam.

    Cũng hôm 12/04, quan chức TP HCM lên tiếng cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập 'từ nước bạn'.

    "Gần đây khu vực biên giới của tỉnh Long An có nhiều thanh niên Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi đi sang Campuchia tìm việc thông qua các đường dây đưa người nhập - xuất cảnh trái phép. Một số người Việt cũng đang tìm cách rời Campuchia do dịch bệnh nước này đang căng thẳng," theo báo Tuổi Trẻ.

    Một số trang Facebook tiếng Việt ở Campuchia nêu ý kiến nói các khu vực đông lao động Trung Quốc "là nơi có dịch" và người Việt làm ăn với họ "có nguy cơ rủi ro cao".

    Theo tờ South China Morning Post ra ở Hong Kong hôm 21/02/2021 thì vụ 33 công dân TQ tại Campuchia bị dương tính vào thời điểm "sau khi xuất cảnh" thu hút sự chú ý của dư luận vào bệnh dịch trong cộng đồng TQ.

    Đại sứ quán TQ sau đó ra thông cáo yêu cầu công dân của họ tuân thủ mọi quy định chống dịch của Campuchia nhưng tờ báo Hong Kong thì vấn đề là việc đi, về thăm quê của người Trung Quốc là một vấn đề chính quyền Campuchia cần kiểm soát.

    Trang Global Times của TQ viết hôm 26/02 rằng "hành vi bất cẩn, đáng lên án" của một số công dân TQ có thể khiến cộng đồng của họ "bị phân biệt đối xử" tại Campuchia.

    Theo tờ báo thì trong 304 ca lây nhiễm phát hiện được trong vụ việc ngày 20/02 thì tới 210 là người Trung Quốc. Con số này khác với con số báo Campuchia nêu ra gần đây.

    Đảo chính Myanmar: Những người bị bắn chết kể từ khi biểu tình nổ ra

    Hơn 700 người đã bị lực lượng an ninh giết chết kể từ khi quân đội Myanmar nắm chính quyền trong cuộc đảo chính ngày 1/2, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (Miến Điện). BBC trò chuyện với người thân của ba nạn nhân.

    Khi bạo lực sau đảo chính ở Myanmar tiếp tục gia tăng, số nạn nhân cũng tăng lên.

    Một số người thiệt mạng từng tham gia các cuộc biểu tình chống đảo chính, trong khi những người khác - gồm cả trẻ em - chỉ đơn giản đang ở trong nhà khi các em bị giết.

    Ba gia đình chia sẻ câu chuyện của họ với BBC.

    Thiếu niên hát ủng hộ dân chủ trên TikTok

    Pan Ei Phyu, mười bốn tuổi, là một người nhiệt thành hỗ trợ phong trào đòi dân chủ và đã làm một số video TikTok trong đó cô hát các bài hát ủng hộ dân chủ.

    Lo sợ cho sự an toàn của con gái, mẹ cô là bà Thida San đã không cho cô tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố.

    Nhưng điều đó không đủ để cứu cô bé.

    Pan Ei Phyu bị bắn trong nhà khi cô muốn mở cửa giúp những người biểu tình chạy trốn cuộc đàn áp của quân đội ngày 27/3. Đó cũng là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu - ít nhất 114 người, trong đó có 11 trẻ em, đã thiệt mạng.

    "Con bé bất ngờ ngã xuống và tôi nghĩ rằng nó trượt chân. Nhưng sau đó tôi thấy máu trên lưng con và nhận ra rằng nó đã bị bắn", Thida San nói với BBC, bật khóc.

    Trong tiếng Myanmar, "pan" có nghĩa là hoa, "ei" có nghĩa là mềm, và "phyu" có nghĩa là màu trắng.

    "Con gái tôi khi mới sinh ra đã là một đứa trẻ xinh đẹp, giống như một bông hoa nhỏ mềm mại. Đó là lý do tôi đặt tên cho nó."

    Bà kể lại việc con gái đã giúp việc nhà như thế nào, và khi lớn lên, cô bé mơ ước mở một trại trẻ mồ côi như thế nào.

    "Tôi cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống nếu không có con. Tôi muốn chết thay cho nó".

    Cái chết của Pan Ei Phyu cũng ảnh hưởng sâu sắc đến người em trai 10 tuổi của cô, Mg Sai Sai. Cậu bé đã không thể chợp mắt đêm chị gái qua đời. Thay vào đó, cậu xem đi xem lại các video TikTok của chị gái, bà Thida San nói.

    Cả gia đình đã chuyển nhà vì bà Thida San lo lắng điều tồi tệ sẽ xảy ra với họ một lần nữa.

    "Cuộc sống của chúng tôi không còn an toàn nữa."

    Ông Biden khuyên người biểu tình vụ người da đen bị bắn chết


    Tổng thống Joe Biden hôm thứ Hai (12/4) đã kêu gọi “hòa bình và bình tĩnh” khi người biểu tình phản đối việc một sĩ quan cảnh sát ở ngoại ô Minneapolis, tiểu bang Minnesota, bắn chết một thanh niên da đen 20 tuổi, theo USA Today.

    Ông Biden đã gọi cái chết của thanh niên da đen Daunte Wright vào Chủ nhật là “một điều thực sự bi thảm” và nói rằng ông đã xem lại đoạn phim về cảnh viên cảnh sát đã bắn phát súng chí mạng.

    Tổng thống Mỹ nói với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc: “Câu hỏi đặt ra là đó có phải là một vụ tai nạn không? Điều đó vẫn phải được xác định bằng một cuộc điều tra toàn diện”.

    Cảnh sát trưởng Tim Gannon, phụ trách khu vực Brooklyn, vùng ngoại ô Minneapolis, nơi Daunte Wright bị bắn trong khi dừng giao thông, hôm 12/4 cho biết, ông tin nhân viên của mình có ý định sử dụng súng bắn điện chứ không phải súng ngắn đối với người thanh niên da đen.

    Đoạn phim quay lại vụ việc cho thấy ba cảnh sát vây quanh một chiếc ô tô đang dừng. Khi một sĩ quan cố gắng còng tay Wright, thì thanh niên da đen này phản ứng lại. Cảnh sát bị cáo buộc bắn chết người đã hét lên nhiều lần “Súng điện” trước khi bắn vào Wright đang có biểu hiện chống cự.

    Tại một cuộc họp báo, ông Gannon mô tả vụ nổ súng là “một tai nạn” và viên cảnh sát đã phạm sai lầm

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào