Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 1 tháng 4 năm 2021


    Võ Thái Hà tóm lược

    COVID là nguyên nhân gây tử vong thứ ba tại Mỹ trong 2020

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 31/3 loan báo COVID-19 là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba tại Mỹ trong năm 2020, và làm tăng tổng số tử vong tại Mỹ lên gần 16% so với năm trước.

    Trong cuộc họp báo của Toán Đáp ứng COVID-19 Tòa Bạch Ốc, bà Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, nói năm ngoái đại dịch chỉ đứng sau bệnh tim và ung thư, chiếm khoảng 378.000 ca tử vong, tức 11% tổng số người chết tại Mỹ.

    Cùng ngày, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho hay các nước châu Mỹ có thể chứng kiến một đợt tăng COVID tồi tệ nhất, hơn cả số gia tăng vào năm ngoái, với Brazil, Uruguay và Cuba đã bị tác hại nặng nề hơn.

    Giám đốc Carissa Etienne cho biết từ đầu năm tới nay, hơn 19,7 triệu ca COVID và 475.000 người chết có liên hệ đến virus corona được ghi nhận tại châu Mỹ.

    Vaccine đã được sử dụng-124 triệu người nhận được liều thứ nhất và 58 triệu người đã nhận được liều thứ hai, PAHO nói.

    Nhiều liều vaccine bắt đầu được chuyển giao qua chương trình liên minh vaccine COVAX. Tổng cộng 2,5 triệu liều đã tới trong 30 ngày qua và tất cả các nước trong vùng sẽ nhận được một số liều vaccine COVAX trong tuần tới, theo phó giám đốc PAHO Jarbas Barbosa.

    Hiện Brazil, Peru, Chile, và Paraguay báo cáo số tử vong liên hệ đến COVID cao nhất và làn sóng các ca mới đã làm các bệnh viện quá tải, PAHO nói.

    Có ít nhất ba “biến thể đáng quan ngại” của COVID được xác nhận tại 32 nước trong vùng, với biến thể Brazil đã có mặt tại Argentina, Chile, Uruguay, Colombia, Venezuela, Peru, Mỹ, Canada và Mexico.

    Ấn Độ tiêm vắc-xin không kịp tốc độ lây lan của covid-19

    Trong nỗ lực đẩy mạnh tiêm ngừa covid-19, từ hôm nay Ấn Độ sẽ cho phép người trên 45 tuổi được tiêm vắc-xin. Hiện nay chỉ những người trên 60 tuổi hoặc có nguy cơ cao mới được tiêm. Nhưng Ấn Độ đang phải chạy đua với thời gian. Số ca nhiễm đã tăng trong tháng qua và hiện có tới 60.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đây đã là 2/3 mức đỉnh của làn sóng đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 9; nếu giữ tốc độ này, họ sẽ sớm vượt Mỹ và Brazil để trở thành điểm nóng covid-19 lớn nhất thế giới.

    Để kiểm soát tình hình, các chuyên gia cho biết Ấn Độ cần phải tiêm chủng cho 10 triệu người mỗi ngày; con số hiện tại chỉ là 2 triệu. Họ không thể sản xuất đủ vắc-xin, trong khi cũng đã cam kết cung cấp thuốc cho các nước khác. Nhưng có một điều may mắn là Ấn Độ có tỷ lệ tử vong thấp khác thường do covid-19. Hơn nữa, mặc dù 63 triệu người được tiêm chủng cho đến nay chỉ chiếm 5% dân số Ấn Độ, nó bao gồm nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.

    Pháp phong tỏa lần ba

    Lần thứ ba kể từ đầu đại dịch, người Pháp đi vào phong tỏa. Trong một bài phát biểu vào ngày 31 tháng 3, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ thứ Bảy. Chúng sẽ hạn chế mọi di chuyển trong phạm vi 10 km tính từ nhà riêng. Còn trường học sẽ đóng cửa 3-4 tuần trong học kì xuân này.

    Lệnh giới nghiêm toàn quốc hiện tại tiếp tục được áp dụng và sẽ bắt buộc làm việc tại nhà nếu có thể. Ông Macron từng mong có thể tránh phong tỏa, và đã không phong tỏa hồi tháng 1 dù giới khoa học kêu gọi. Ông đặc biệt lập luận điều quan trọng là phải giữ trẻ em đến trường, mở cửa suốt cả năm học. Nhưng “le variant anglais” (biến thể Anh) đã làm đổ bể kế hoạch. Số ca nhiễm mới đang tăng vọt. Trong khi bệnh viện phải chịu nhiều áp lực. Bị tố là hành động chậm trễ, ông Macron hiện kỳ vọng tăng tốc chiến dịch tiêm chủng sẽ giúp đợt phong tỏa, cho dù bị ghét bỏ đến đâu, chỉ kéo dài trong vòng một tháng.

    New York cải cách hệ thống cảnh sát

    Sau vụ giết George Floyd hồi năm ngoái, thống đốc New York Andrew Cuomo đã ký một lệnh hành pháp yêu cầu mỗi cơ quan trong số hơn 500 cơ quan cảnh sát của bang phải đề ra một kế hoạch cải tổ nhằm “khôi phục mối quan hệ giữa cộng đồng và cảnh sát.” Hôm nay là hạn chót nộp các kế hoạch này. Sở cảnh sát thành phố New York cam kết sẽ ngừng tuần tra quá mức các khu dân cư da màu, và chuyển sang một phương pháp tiếp cận dựa trên y tế công hơn là nhấn mạnh trừng phạt đối với việc sử dụng quá liều ma túy.

    Không rõ ý nghĩa trong thực tế của các đề xuất đó là gì. Hứa thì luôn dễ hơn làm. NYPD là lực lượng cảnh sát lớn nhất nước Mỹ, với 36.000 sĩ quan và 19.000 nhân viên dân sự, và vốn từ lâu đã chậm thay đổi và không chịu bị giám sát — hai đặc điểm mà các lực lượng cảnh sát khác cũng có. Một điều cũng chưa rõ là liệu công chúng có duy trì áp lực đòi cải cách hay không, sau một năm chứng kiến số vụ giết người tăng mạnh nhất từ trước đến nay.

    Các nước lớn đang chạy đua vũ trang trên không gian

    Các nước đang có những động thái tiếp theo để đưa chiến tranh lên quỹ đạo. Quỹ Thế giới An toàn, một viện nghiên cứu của Mỹ, đã nhận định như vậy trong một báo cáo được công bố hôm nay. Báo cáo liệt kê các công nghệ mới như hệ thống phòng không Aegis của Mỹ và hệ thống phòng không S-500 sắp tới của Nga, với khả năng bắn hạ vệ tinh. Nga cũng đã triển khai các “vệ tinh phụ”, có thể được phóng từ vệ tinh chính và có tác dụng như những viên đạn.

    Trong khi đó Trung Quốc đang nâng cấp tên lửa chống vệ tinh của riêng mình, với một số có thể được bắn từ xe tải. Về phía Pháp, bất chấp tuyên bố của các quan chức nước này về việc trang bị súng máy phòng thủ cho các vệ tinh, vẫn không có kế hoạch nào như vậy được công khai. Nhưng Pháp, cũng như Ấn Độ, đã bắt đầu nghiên cứu tia laser để làm vô hiệu các cảm biến vệ tinh. Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng đã thử nghiệm các thiết bị tương tự. Ngoài ra ba nước này còn có thể làm nhiễu tín hiệu vệ tinh, một công nghệ mà Iran cũng đang nghiên cứu. Nga thậm chí thiết kế thiết bị gây nhiễu để sử dụng trên quỹ đạo. Trong tương lai, chiến tranh giữa các vì sao là hoàn toàn có thể.

    Scotland có đảng ủng hộ ly khai mới

    Alex Salmond hôm nay sẽ công bố các ứng viên cho Alba, đảng ly khai mới của ông. Ông Salmond, cựu lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland và cựu thủ hiến Scotland, từng bị xét xử vì tội tấn công tình dục vào năm ngoái và được tuyên trắng án. Sau đó, ông và người kế nhiệm Nicola Sturgeon có mâu thuẫn sâu sắc, khi tố cáo phe cánh của bà (không có nhiều bằng chứng) âm mưu bỏ tù ông. Tận dụng hệ thống bầu cử hai lá phiếu của Scotland, theo đó người Scotland bỏ phiếu cho nghị sĩ đại diện địa phương lẫn đại diện khu vực, ông Salmond nói Alba sẽ giúp tạo ra thế đa số trong Quốc hội Scotland để hướng tới độc lập.

    Ông đang khai thác sự chia rẽ trong phong trào dân tộc chủ nghĩa xoay quanh đường hướng tách khỏi Anh. Ông ủng hộ các chiến thuật cấp tiến hơn để đạt được độc lập, và sẽ hậu thuẫn biểu tình đường phố. Ông Salmond có thể sẽ nhận được ủng hộ từ phe ly khai chống EU, bảo thủ về mặt xã hội vốn bị bà Sturgeon xa lánh. Song cũng có khả năng ông sẽ gây hại cho phong trào đòi độc lập. Alba hoàn toàn có thể khiến liên minh dân tộc chủ nghĩa bị chia phiếu và không thắng được ghế nào.

    Ân xá Quốc tế lên tiếng việc Việt Nam bắt giam hai ứng cử viên độc lập

    Hôm 1/4, tổ chức Ân xá Quốc tế lên án việc Việt Nam đàn áp các ứng cử độc lập Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh và đồng thời kêu gọi Hà Nội cho phép tiếng nói phản biện trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp diễn ra vào ngày 23/5.

    “Nhà chức trách Việt Nam phải chấm dứt cuộc đàn áp này và cho phép mọi người ở Việt Nam tự do thực hiện các quyền con người của mình mà không sợ bị trả thù. Cuộc bầu cử ban lãnh đạo mới gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam lẽ ra phải báo trước sự cải thiện về tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam, nhưng những dấu hiệu cho thấy cho đến nay vẫn còn nhiều vi phạm và lạm dụng cũ tương tự,” bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói trong thông cáo.

    “Trong khi Việt Nam tìm cách ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì tại quốc nội nhà chức trách lại vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và rộng khắp,” bà Gil cho biết thêm.

    Trong khi Việt Nam tìm cách ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì tại quốc nội nhà chức trách lại vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và rộng khắp.

    Bà Emerlynne Gil thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế

    Vào ngày 27/3, chính quyền ở Hà Nội đã bắt giam ông Lê Trọng Hùng theo Điều 117, người đã nộp đơn xin làm ứng cử viên độc lập (hay “tự ứng cử”) cho kỳ bầu cử Quốc hội. Ông Lê Trọng Hùng là một nhà báo công dân và là thành viên của Chấn Hùng TV, một nhóm truyền thông phát trực tiếp trên Facebook về các vấn đề xã hội và chính trị.

    Vào ngày 10/3, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã bắt giam và buộc tội ông Trần Quốc Khánh theo Điều 117. Ông Khánh là người cũng đã bày tỏ ý định ra tranh cử với tư cách là một ứng cử viên độc lập.

    Trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước khi bị bắt, ông Lê Trọng Hùng nói rằng nếu được đắc cử, ông sẽ đưa Hiến pháp vào giảng dạy trong các trường học. Ngoài ra, ông còn có dự định xây dự án công dân hóa xã hội, phổ biến quyền của công dân như Hiến pháp quy định.

    Về việc bầu cử tự do, ông Hùng nói: “Chúng ta giống như một cái nền kinh tế thị trường thì chính trị tự do hoạt động giống như một cái nền kinh tế thị trường tự do, có nghĩa là chúng ta sẽ có quyền cạnh tranh nhau. Chúng ta có quyền cạnh tranh giống như các công ty sản xuất hàng hóa có quyền cạnh tranh nhau trong khuôn khổ pháp luật để giành được sự lựa chọn của khách hàng.”

    “Chính quyền phải đảm bảo rằng các ứng cử viên tranh cử - cùng với tất cả những người khác ở Việt Nam – phải được đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử. Đây là những nguyên tắc cơ bản của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tự nguyện phê chuẩn”, bà Gil nhấn mạnh.

    Vào tháng 2/2021, Việt Nam loan báo sẽ ra ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Theo văn kiện thành lập của Hội đồng Nhân quyền, Nghị quyết 60/251, các thành viên được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bầu tại Đại hội đồng và “khi bầu các thành viên của Hội đồng, các Quốc gia Thành viên phải tính đến sự đóng góp của các ứng cử viên vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.”

    Miến Điện : Quân đội kêu gọi một tháng ngưng bắn, Trung Quốc bác ý kiến trừng phạt

    Quân đội Miến Điện tối qua 31/03/2021 kêu gọi ngưng bắn một tháng đối với các lực lượng thiểu số nổi dậy ủng hộ người biểu tình. Trong khi đó tại Hội Đồng Bảo An hôm qua, Trung Quốc bác bỏ mọi ý định trừng phạt tập đoàn quân sự, tuy đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra nội chiến.

    Quân đội đã tổ chức những cuộc không kích vào các nhóm thiểu số vũ trang đã tấn công vào các vị trí đóng quân để ủng hộ phong trào biểu tình, đồng thời gởi bộ binh đến tăng cường. Tối qua phía quân đội loan báo sẽ ngưng các chiến dịch này trong vòng một tháng kể từ hôm nay, nếu các nhóm vũ trang không tấn công tiếp, đồng thời kêu gọi ngưng bắn.

    Hiện có ít nhất năm nhóm thiểu số đã tiến công vào các căn cứ quân sự, hoặc thông báo ý định này, khẳng định mục đích là để bảo vệ thường dân. Theo báo chí địa phương, có ít nhất 20 quân nhân tử thương và 4 xe quân sự bị phá hủy hôm qua trong cuộc đụng độ với Quân đội độc lập Kachin (KIA), nhóm vũ trang mạnh nhất, và 11 người thiệt mạng trong vụ không kích ở bang Karen hôm thứ Ba.

    NHK ghi nhận thông cáo của quân đội Miến Điện không nói đến việc ngưng đàn áp người biểu tình. Đã có hơn 530 người bị giết chết trên toàn quốc, nhưng phong trào phản kháng vẫn tiếp tục. Hôm qua tại Rangoon và nhiều nơi khác, người biểu tình chia thành những nhóm nhỏ thách thức quân đội, khoảng mấy chục ngàn công chức và người lao động vẫn đình công.

    Về phía nhà cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi hôm nay trình diện trước tòa án Naypyidaw bằng truyền hình trực tuyến. Nhóm luật sư trao đổi lần đầu tiên với bà qua video cho biết bà Suu Kyi có sức khỏe tốt dù đã bị giam giữ hai tháng qua. Vụ ra tòa hôm nay rất ngắn ngủi, chỉ về phương diện hành chính của thủ tục tư pháp. Nếu bị kết án, bà có nguy cơ lãnh án nhiều năm tù và không được tham chính.

    Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, Trung Quốc bác bỏ mọi đề nghị trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện của các nước, đặc biệt là Mỹ và Anh. Ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc trong cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An tuyên bố biện pháp trừng phạt « chỉ làm trầm trọng thêm tình hình ». Tuy nhiên đại diện Trung Quốc cũng đòi hỏi « quay lại với sự chuyển tiếp dân chủ » và kêu gọi tất cả các bên « kềm chế ». Trong khi trước đó bà Christine Schraner Burgener, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã cảnh báo « nguy cơ xảy ra nội chiến ở mức độ chưa từng thấy », có thể dẫn đến thảm cảnh « biển máu ».

    Cuộc khủng hoảng Miến Điện cũng gây lo lắng cho các nước trong khu vực. Singapore, Malaysia và Indonesia đang nghiên cứu về một sáng kiến ASEAN để chấm dứt bạo lực, trong đó có việc thúc đẩy một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt, giúp đối thoại với quân đội Miến Điện.

    Trung Quốc đang là tâm điểm của các hoạt động ngoại giao trong tuần này, với các cuộc thăm viếng của ngoại trưởng ba nước trên và ngoại trưởng Philippines, Hàn Quốc, trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn ở Miến Điện và căng thẳng Mỹ-Trung. Ngoại trưởng Vương Nghị khi tiếp đồng nhiệm Singapore Vivian Balakrishnan hôm qua đã hoan nghênh nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì nguyên tắc « không can thiệp » đồng thời đóng vai trò tích cực nhằm ổn định tình hình tại Miến Điện.

    LHQ tố cáo Bắc Triều Tiên tiến hành tin tặc kiếm tiền phát triển vũ khí hủy diệt

    Bắc Triều Tiên đã đánh cắp hơn 300 triệu đô la từ thị trường tiền ảo để tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong báo cáo được công bố ngày 31/03/2021, ủy ban theo dõi trừng phạt về Bắc Triều Tiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khẳng định Bình Nhưỡng vẫn luôn vi phạm các nghị quyết được thông qua năm 2020.

    Cụ thể tin tặc Bắc Triều Tiên đã đánh cắp 316,4 triệu đô la từ năm 2019 đến tháng 11/2020. Một cuộc điều tra khác đang được tiến hành về vụ đánh cắp 281 triệu đô la từ thị trường trao đổi tiền ảo vào tháng 09/2020.

    Theo báo cáo, được Yonhap trích dẫn, Tổng cục Trinh sát, một cơ quan tình báo trực thuộc quân đội Bắc Triều Tiên, được cho là đã tiến hành « những hoạt động mạng độc hại » nhắm vào những thể chế tài chính và thị trường tiền ảo. Vào tháng 08/2020, Hoa Kỳ đã phát hiện một nhóm tin tặc mới, có tên là « BeagleBoyz », thuộc cơ quan tình báo Bắc Triều Tiên. Nhóm này hoạt động từ năm 2014 và là thủ phạm vụ tấn công Ngân hàng Bangladesh năm 2016. 

    Ngoài tin tặc, Bắc Triều Tiên còn vi phạm lệnh cấm vận khi nhập khẩu gấp nhiều lần mức hạn ngạch cho phép 500.000 thùng dầu mỗi năm, qua các trao đổi bất hợp pháp ở ngoài khơi.

    Cuối cùng, nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc khẳng định Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sức mạnh vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo được Bắc Triều Tiên thể hiện qua nhiều lần thử tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, tên lửa hành trình hải đối địa (MSBS) và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ngoài ra, có rất nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã gắn được đầu đạn hạt nhân vào bất kỳ loại tên lửa nào.

    Trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục tỏ thái độ cứng rắn kể từ khi Mỹ có chính quyền mới, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon đã đến Washington ngày 31/03 để họp bàn với hai đồng nhiệm Mỹ và Nhật Bản về cách tiếp cận vấn đề Bắc Triều Tiên. Chính quyền của tổng thống Biden đang xem xét « giai đoạn cuối » chính sách về Bắc Triều Tiên.

    Ông Tedros bất ngờ ‘công kích’ chính quyền Trung Quốc

    Ngày 30/3, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố báo cáo cuộc điều tra về nguồn gốc virus Vũ Hán, nhân dịp này, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom, đã công khai chỉ trích Bắc Kinh khiến dư luận chú ý. Ông Tedros nói rằng nhóm điều tra của WHO đã bị cản trở trong việc lấy dữ liệu về nCoV, và khả năng loại virus này có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, theo NTDTV.

    Vào đầu năm 2020, khi đại dịch covid-19 bắt xuất hiện ở Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã cố tình che giấu nó. Ông Tedros khi đó đã trợ giúp Bắc Kinh che giấu và làm bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến sự bùng phát đại dịch toàn cầu. Sau một năm trôi qua, vào đầu tháng Hai nhóm điều tra của WHO cuối cùng đã được chính quyền Trung Quốc cho phép đến Vũ Hán để phối hợp với các chuyên gia Trung Quốc tiến hành điều tra nguồn gốc của dịch bệnh.

    Tuy nhiên, báo cáo của nhóm điều tra đã bị trì hoãn, mãi đến 30/3 mới được công bố chính thức. Vì người của chính quyền Trung Quốc cũng tham gia viết báo cáo nên độ tin cậy của báo cáo đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ.

    Báo cáo liệt kê bốn trường hợp dẫn đến nguy cơ lây lan virus Vũ Hán: Thứ nhất: lây truyền trực tiếp từ động vật sang người, thứ hai: lây truyền từ động vật sang người qua vật chủ trung gian, thứ ba: lây truyền qua các sản phẩm đông lạnh, và thứ tư: rò rỉ từ các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên báo cáo lưu ý rằng rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”.

    Nhưng trước đó, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, ông Robert Redfield, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 26/3, ông tin rằng nCoV đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

    Nhân dịp công bố báo cáo của WHO, Tổng thư ký WHO, ông Tedros, đã khiến mọi người bất ngờ khi công khai thông báo với các quốc gia thành viên của WHO rằng ông sẽ cho điều tra lại Viện virus Vũ Hán và chỉ trích Bắc Kinh đã không cung cấp thông tin đầy đủ dữ liệu cho các chuyên gia quốc tế.

    “Trong các cuộc thảo luận của tôi với nhóm [điều tra], họ nói rằng họ gặp khó khăn trong việc lấy dữ liệu thô từ phía Trung Quốc”, Ông Tedros nói. “Tôi hy vọng rằng việc nghiên cứu hợp tác trong tương lai có thể chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện hơn”.

    Ông Tedros cũng nói rằng nhóm điều tra của WHO đã không phân tích đầy đủ khả năng nCoV đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm khi mọi chuyện đều có thể xảy ra.

    “Cần có thêm dữ liệu nghiên cứu để đưa ra kết luận mạnh mẽ hơn”, ông Tedros nói.

    Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Chúng tôi chưa tìm ra nguồn gốc của virus” và sẽ cử một nhóm điều tra trở lại Trung Quốc để điều tra lại.

    Kể từ khi đại dịch bùng phát, WHO bị chỉ trích vì đã khuất phục trước Bắc Kinh, và Tedros cũng bị dư luận lên án vì đã công khai giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

    Vào 28/1 năm ngoái, ông Tedros đến Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình, giới truyền thông đã ghi lại được hình ảnh ông chạy đến bắt tay ông Tập trong trạng thái “khúm núm”. Trong cuộc hội đàm sau đó, ông Tedros còn ca ngợi hành động nhanh chóng và minh bạch của chính quyền Trung Quốc trước đại dịch.

    Sau sự việc đó, dư luận thế giới đã chế nhạo Tedros vì quá dễ dàng đầu hàng trước quyền lực của Bắc Kinh.

    Tuy nhiên, khi báo cáo điều tra về nguồn gốc virus Vũ Hán bị thế giới bên ngoài nghi ngờ, Tedros đã công khai gián tiếp ‘công kích’ Tập Cận Bình, khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Nhà bình luận Fa Guang nhận xét rằng màn trình diễn của Tedros thật đáng ngạc nhiên!.

    Tuy nhiên, một số nhà bình luận tin rằng đề nghị điều tra lại của Tedros thực sự đang giúp chính quyền Trung Quốc trì hoãn, cuối cùng sẽ giúp Bắc Kinh thoát tội.

    Sau khi báo cáo của WHO được công bố hôm 30/3, cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tweet rằng báo cáo này là một “chiến dịch thông tin sai lệch” giữa ĐCSTQ và WHO, và nói rằng đây là lý do tại sao chính quyền tổng thống Trump rút khỏi WHO.

    Ông Pompeo nói rằng Tedros và Tập Cận Bình đã cùng nhau che giấu sự lây truyền từ người sang người của virus Vũ Hán vào thời điểm quan trọng. Ông tin rằng Phòng thí nghiệm Vũ Hán là “nơi có khả năng cao nhất rò rỉ virus”, nhưng WHO đã âm mưu với ĐCSTQ để che giấu sự thật.

    Ông Blinken, Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm, cho biết trên chương trình “State of the Union” của CNN rằng Mỹ “thực sự lo lắng” về phương pháp và quy trình viết báo cáo của WHO, ĐCSTQ có thể “đã giúp viết báo cáo này”.

    Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo rằng ĐCSTQ đã không minh bạch và không cung cấp dữ liệu cơ bản. “Báo cáo này thiếu dữ liệu và thông tin chính, nó thể hiện một cách đơn phương và không đầy đủ”.

    14 quốc gia trong đó có Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 30/3, bày tỏ quan ngại về báo cáo của WHO. Chúng tôi hy vọng rằng một cuộc điều tra quốc tế nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch, khoa học và độc lập về nguồn gốc của virus sẽ được thực hiện trong tương lai.

    Quân Nga ồ ạt tiến tới biên giới Ukraine, Lực lượng Hoa Kỳ ở Châu Âu trong tình trạng báo động cao nhất

    Theo New York Times vào tối thứ Ba (30/3 theo giờ Mỹ), quân đội Nga đã tập trung tới biên giới với Ukraine, khiến Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ phải nâng mức đề phòng lên cao nhất về “cuộc khủng hoảng có thể xảy ra”.

    Hôm thứ Tư, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã nói chuyện với Thượng tướng Nga Valery Gerasimov về việc xây dựng lực lượng này.

    Bốn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng vào tuần trước trong một trận chiến kéo dài ở khu vực Donetsk đang tranh chấp chống lại phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Các lực lượng Nga được cho là đã tập hợp để tập trận gần biên giới và phát triển về quân số, gây ra nhiều lo ngại.

    Dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nước Nga dưới thời Vladimir Putin lần lượt chiếm lãnh thổ tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Gruzia và Ukraine. Khi Donald Trump làm tổng thống, Nga đã không mở rộng lãnh thổ. Hiện giờ, khi ông Biden mới nhậm chức, Nga dường như đang làm phép thử với ông.

    Cuộc chiến ở miền đông Ukraine, vốn đã ở mức thấp trong nhiều tháng, thu hút ít sự chú ý của quốc tế, đã leo thang mạnh trong những ngày gần đây, theo các tuyên bố hôm thứ Ba từ chính phủ Ukraine và Nga.

    Quân đội nước này cho biết, trong cuộc giao tranh đẫm máu nhất từ ​​trước đến nay trong năm nay, 4 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và một người khác bị thương nặng trong trận chiến chống lại phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở Vùng Donetsk, miền Đông Ukraine.

    Cái chết của các binh sĩ, cùng với sự tích cực của lực lượng Nga ở biên giới, đã thu hút sự chú ý của các quan chức cấp cao của Mỹ ở châu Âu và Washington. Trong tuần qua, Bộ chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ đã nâng mức cảnh giác lên “khủng hoảng có thể xảy ra” – mức cao nhất – để đối phó với việc triển khai thêm quân của Nga.

    Tuần này, Tướng Tod D. Wolters, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, đã nâng mức độ theo dõi của quân đội Mỹ lần thứ hai trong vài ngày sau khi quân đội Nga không rời khỏi khu vực biên giới của Ukraine. Các chiến lược gia Mỹ đã dự kiến ​​quân đội s ri khi khu vc, cách biên giới Ukraine khoảng 30 km, sau khi kết thúc cuộc tập trận vào ngày 23/3.

    Ước tính của Mỹ về số lượng quân Nga bổ sung đã được gửi đến biên giới đã khác nhau. Một quan chức cho biết có khoảng 4.000.

    Cũng trong ngày thứ Ba, Nga đã cảnh báo về một “cuộc nội chiến” có thể xảy ra ở Ukraine.

    Tài khoản Oga Lautman trích thông tin kèm lời dẫn: “Nga đang thực hiện các động thái quân sự gần đây và thông tin về Ukraine đã tăng lên đáng kể trong vài tuần qua. Trong khi đó, thư ký báo chí thân cận của Putin, Peskov bày tỏ lo ngại về mối đe dọa chiến tranh”.

    Video được cho là quay ở Crimea do Nga chiếm đóng được quay hôm thứ Ba:

    Cũng có một số đoạn video được cho là ghi hình các phương tiện quân sự của Nga được vận chuyển đến Crimea:

    Theo Ukraina Pravda, gần đây, dưới chiêu bài chuẩn bị cho các cuộc tập trận quân sự trong tương lai, Nga đang đưa quân đến biên giới với Ukraine – ở các vùng Bryansk và Voronezh của Liên bang Nga và Crimea bị chiếm đóng. Nguồn tin được cho là từ Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, Ruslan Khomchak trong bài phát biểu tại Verkhovna Rada hôm thứ Ba.

    Theo ông, tính đến ngày 30/3, có 28 tiểu đoàn chiến thuật của Nga dọc theo biên giới Nga-Ukraine và trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Donbass và Crimea.

    Bộ tư lệnh Ukraine cho rằng Nga sẽ sớm tập hợp “thêm tới 25 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn gần biên giới Ukraine và ở Crimea, cùng với các lực lượng và phương tiện được triển khai sẵn có gần biên giới Ukraine, gây ra mối đe dọa cho quốc gia này”.

    Ông Khomchak cũng cho biết, kể từ khi chiếm đóng Crimea năm 2014, Nga đã tăng cường hiện diện quân sự trên bán đảo này lên 32,7 nghìn quân.

    Đặc biệt, vào giữa tháng 3 năm 2021 tại dãy Krym “Opuk” quân đội Nga đã diễn tập đổ bộ đường không và hải quân với sự tham gia của 2 tiểu đoàn pháo binh và hải quân. Sau cuộc tập trận, các đơn vị quân đội vẫn túc trực trong khu vực bãi tập. 

    Giáo sư Georgia Tech bị buộc tội giúp người Trung Quốc vào Mỹ

    Một giáo sư của Viện Cộng nghệ Georgia (Georgia Tech) đã bị buộc tội âm mưu lừa đảo, thực hiện hành vi gian lận để giúp công dân Trung Quốc lấy được thị thực Hoa Kỳ với lý do giả mạo, theo Vision Times.

    Giáo sư Gee-Kung Chang và Jianjun Yu, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của ZTE Hoa Kỳ, đã đưa các nghiên cứu viên Trung Quốc vào Hoa Kỳ theo chương trình Thị thực J-1.

    Tài liệu truy tố nêu rõ giáo sư Gee-Kung Chang đã sử dụng chức vụ giáo sư để giúp một số người Trung Quốc giả mạo danh tính các học giả đến thăm dưới danh nghĩa các chương trình trao đổi học thuật để họ có được thị thực J-1. Theo các tài liệu xin thị thực có được từ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, những người nộp đơn này cho biết rằng họ sẽ đến Viện Công nghệ Georgia nơi Giáo sư Zhang đặt trụ sở để làm việc cho các dự án nghiên cứu và nhận thù lao.

    Những học giả này sau đó làm việc cho ZTE, công ty công nghệ Trung Quốc, thay vì làm việc cho Georgia Tech như chương trình J-1 quy định.  Và như vậy họ nhận lương của Georgia Tech trong khi lại làm việc cho một tập đoàn Trung Quốc.

    “Hoa Kỳ hoan nghênh các học giả và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng chúng tôi không thể cho phép bất cứ ai lợi dụng lòng nhân từ của chúng tôi. Đó là điều mà những bị cáo này đã bị buộc tội, và bây giờ họ sẽ bị xét xử”, Chris Hacker, Đặc vụ phụ trách FBI thành phố Atlanta, nói.

    “Những kế hoạch như thế này không chỉ đánh cắp cơ hội vô giá của những sinh viên [nước ngoài] chăm chỉ, hợp pháp mà còn cho phép những kẻ lừa đảo đến Hoa Kỳ và kiếm lợi từ những hành vi sai trái của chúng”, Đặc vụ Katrina W. Berger, người giám sát Điều tra An ninh Nội địa (HSI) hoạt động ở Georgia và Alabama cho biết. “Việc xác định, bắt giữ và truy tố những người vi phạm là rất quan trọng để bảo vệ tính toàn vẹn của chương trình thị thực của quốc gia chúng ta”.

    Theo một báo cáo của Breitbart từ tháng 8/2019, thị thực J-1 và các chương trình thị thực tương tự khác xảy ra vấn đề và bị phát hiện là đã bị thao túng trong nhiều trường hợp trước khi ông Chang và Yu bị bắt. Jessica Vaughan, giám đốc chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư, nói rằng “các ngành kiếm tiền từ con đường này như ong hút mật”.

    Theo chương trình J-1, những người lao động thời vụ có mức lương thấp và thuế suất thấp được đưa vào làm việc cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như McDonald’s, Holiday Inn, Food Lion, và Disney, cùng nhiều công ty khác. Điều này đã khiến chương trình này bị phanh phui vì những điều kiện bất lợi mà nó tạo ra cho người lao động. Bà Vaughan cũng nói rằng cơ quan chính phủ phụ trách chương trình thị thực J-1 “không quan tâm đến chúng, hoàn toàn bỏ bê trách nhiệm giám sát của mình trong quá nhiều năm, và chỉ thực hiện thay đổi khi mọi thứ xảy ra sai sót”. 

    Không có nhận xét nào