Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 14 tháng 4 năm 2021

    TNS California tố cáo nhóm tin tặc do chính phủ Việt Nam điều hành phá trang mạng

    Hôm 13/4, Thượng nghị sĩ California Thomas J. Umberg tố cáo các cuộc tấn công trực tuyến của Học viện Phòng chống Phản động mà ông cho là do nhà nước Cộng sản Việt Nam điều hành nhằm vào các trang mạng xã hội của ông sau khi ông đệ trình một nghị quyết tưởng nhớ Tháng Tư Đen tại Thượng viện bang California.

    Thông cáo của văn phòng Thượng Nghị sĩ Umberg viết: “Các tài khoản Facebook, Twitter và Instagram của ông đều đã bị tấn công chèn nội dung (spam) bằng những lời nói dối do Chính phủ Cộng sản Việt Nam thực hiện qua vỏ bọc của Học viện Phòng chống Phản động.”

    Các tài khoản Facebook, Twitter và Instagram của ông đều đã bị tấn công chèn nội dung (spam) bằng những lời nói dối do Chính phủ Cộng sản Việt Nam thực hiện qua vỏ bọc của Học viện Phòng chống Phản động.

    Thông cáo báo chí của Văn phòng TNS Thomas Umberg.

    Hồi đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Umberg đã trình bày Nghị quyết SCR 2 ở Thượng viện Bang California để tuyên bố tháng 4 là Tháng Tưởng niệm Tháng Tư Đen. “Tháng Tư Đen” là từ dùng để chỉ lễ kỷ niệm 30/4/1975 ngày chính quyền Sài Gòn thất thủ. Nghị quyết đặc biệt vinh danh những người đã hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam; bao gồm các cựu chiến binh Hoa Kỳ, miền Nam Việt Nam, đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến, và những người tị nạn đến Hoa Kỳ để tìm kiếm tự do.
    .

    Ngay sau đó, Văn phòng của ông đồng thời đưa ra một thông cáo báo chí và tuyên bố trên mạng xã hội lưu ý rằng, “Tháng Tư Đen là thời điểm để thực hiện các hành động nhằm mang lại nền dân chủ cho Việt Nam, không chỉ để tưởng nhớ những người đã ra đi trong chiến tranh, mà còn cho cuộc sống của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh lịch sử vì tự do và nhân quyền.”

    "Đêm qua, Học viện Phòng chống Phản động đã cố tình thay đổi những tuyên bố của ông, rồi sửa lại một cách sai sự thật rằng một Thượng nghị sĩ Mỹ đang yêu cầu Việt Nam ngừng tổ chức sự kiện Tháng Tư Đen trong nỗ lực mang lại sự hòa hợp dân tộc. Sau đó, nhóm này đã hướng dẫn các thành viên của mình “truyền bá thông tin” và gửi thư rác nói cho rằng ông ủng hộ những người cộng sản."

    “Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn và nói dối trắng trợn về chủ trương của Thượng Nghị sĩ,” thông cáo của Thượng Nghị sĩ viết.

    Thượng Nghị sĩ Umberg nói: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị nhắm mục tiêu bởi các lực lượng chống dân chủ, và tôi chắc chắn đó sẽ không phải là lần cuối cùng.”

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, và cả Học viện Phòng chống Phản động, để tìm hiểu về phản hồi của các cơ quan này về cáo buộc của Thượng Nghị sĩ Umberg, nhưng chưa được phản hồi.

    Sói chiến’ Trung Quốc tức giận vì Mỹ nới lỏng hạn chế trao đổi với Đài Loan


    Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố nước này sẽ nới lỏng các hạn chế trao đổi giữa với Đài Loan, động thái này khiến Bắc Kinh phát hoả. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Triệu Lập Kiên cảnh báo rằng Mỹ không nên “đùa với lửa” về vấn đề Đài Loan, tờ Epoch Times cho hay.

    Thứ Sáu tuần trước (ngày 9/4), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố một hướng dẫn mới về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, Bộ này thông báo rằng: “Những hướng dẫn mới này giúp nới lỏng các mối liên hệ giữa Mỹ và Đài Loan và phù hợp với các mối quan hệ không chính thức của chúng tôi, đồng thời sẽ cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ các quan chức Đài Loan một cách tự do hơn”.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba (13/4) rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra “Tuyên bố nghiêm khắc” với Mỹ về hướng dẫn này và yêu cầu Mỹ chớ nên “đùa với lửa” về vấn đề Đài Loan, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ ngay lập tức chấm dứt bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan để không gây ra thiệt hại cho quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

    Reuters đưa tin, quyết định của Hoa Kỳ được đưa ra trong bối cảnh ĐCSTQ đang tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm cả việc cử máy bay quân sự đến quấy rối Đài Loan dồn dập. Ngày 12/4, ĐCSTQ đã điều 25 máy bay quân sự vào Vùng Nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan, bao gồm cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Đây có thể coi là cuộc xâm nhập lớn nhất cho đến nay.

    Đài Loan được coi là một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của ĐCSTQ, và ĐCSTQ chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực.

    Ngày 9/1, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ loại bỏ các hạn chế đối với việc tiếp xúc của các quan chức Mỹ với những người đồng cấp của họ ở Đài Loan. Ông Pompeo cho biết trong vài thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế nội bộ đối với các nhà ngoại giao, quân nhân và các quan chức khác tiếp xúc với Đài Loan nhằm xoa dịu ĐCSTQ. Tuy nhiên, ông cho hay, việc này sẽ không xảy ra nữa.

    Động thái này của Hoa Kỳ khiến ĐCSTQ tức giận. “Thời báo Hoàn cầu” – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, vào thời điểm đó đã nói rằng ông Pompeo đang đào hố và chôn mìn trong quan hệ Trung-Mỹ về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trả lời: “ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những việc họ làm, đừng tin vào những tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ. Chính sách ngoại giao theo kiểu bắt nạt của ĐCSTQ là vô căn cứ và rất nguy hiểm”.

    Liên Hợp Quốc lo Myanmar thành ‘Syria thứ 2’


    Trang Straits Times đưa tin, trong tuyên bố hôm thứ Ba (ngày 13/4), Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet bày tỏ lo ngại Myanmar có thể sẽ tiến tới một cuộc xung đột kiểu Syria toàn diện sau một cuộc đàn áp kéo dài hai tháng mà một nhóm giám sát địa phương cho biết đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người.

    Cảnh báo về những tội ác chống lại loài người có thể xảy ra, bà Michelle Bachelet hôm thứ Ba kêu gọi các nước hành động ngay lập tức để thúc đẩy quân đội Myanmar ngừng “chiến dịch đàn áp và tàn sát người dân của mình”.

    Kinh tế Myanmar hiện đang trong tình cảnh tê liệt kể từ sau khi quân đội giành chính quyền từ tay nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2 và phong trào biểu tình cũng như đình công lan rộng.

    Bà Bachelet nói trong một tuyên bố: “Tôi sợ rằng tình hình ở Myanmar đang tiến tới một cuộc xung đột toàn diện”. Bà cho biết 3.080 người đã bị bắt và có 23 người đã bị xử tử hình trong các phiên tòa bí mật cho tới nay.

    Bà Bachelet cho rằng tình hình Myanmar hiện tại có những điểm làm liên tưởng tới những gì từng xảy ra ở Syria hồi năm 2011. Sau một thập niên chiến tranh liên miên, 400.000 người ở quốc gia Trung Đông đã thiệt mạng, trong khi 6 triệu người buộc phải di tản.

    Trong những tuần gần đây, một số nhóm phiến quân dân tộc thiểu số của Myanmar ở một số vùng lãnh thổ biên giới vô pháp luật đã tăng cường các cuộc tấn công vào quân đội và cảnh sát, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột dân sự rộng lớn hơn.

    Quân đội đã trả đũa bằng các cuộc không kích mà Lực lượng Kiểm lâm Miến Điện Tự do – một nhóm viện trợ Cơ đốc làm việc trong khu vực – cho biết đã khiến hơn 24.000 dân thường ở tiểu bang Karen phải di tản vào hôm thứ Bảy.

    Quốc hội Mỹ thảo luận dự luật đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ

    Nếu bạn muốn sáng kiến của mình được ​​các tầng lớp chính trị Mỹ ủng hộ, hãy nhắc đến Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng trong ngành công nghệ. Sẽ có nhiều thảo luận về nguy cơ “các đối thủ toàn cầu” (Trung Quốc) giành “ưu thế công nghệ” của Mỹ tại phiên điều trần của Ủy ban Thương mại Thượng viện hôm nay về “Đạo luật Biên giới Vô tận” nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển do chính phủ tài trợ.

    Dự luật này, được lưỡng đảng ủng hộ trong Quốc hội khóa trước, kêu gọi tăng ngân sách đáng kể cho Quỹ Khoa học Quốc gia (tổ chức này sẽ được đổi tên thành Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia). Nó sẽ có một “Ban Giám đốc Công nghệ” mới hỗ trợ nghiên cứu các lĩnh vực như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. Các thượng nghị sĩ chắc chắn sẽ đề cập nhiều tới Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Biden có đính kèm đề xuất 50 tỷ đô la cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong dự luật cơ sở hạ tầng của ông. Đây không chỉ là một vấn đề ý thức hệ. Nó thực sự quan trọng.

    Grab niêm yết tại Mỹ

    Grab, một tập đoàn gọi xe Đông Nam Á, hôm nay thông báo niêm yết công ty bằng thương vụ sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay với một công ty công cụ sáp nhập. Thỏa thuận này định giá tập đoàn có trụ sở tại Singapore, vốn cung cấp một loạt các dịch vụ từ gọi xe đến giao đồ ăn và các dịch vụ tài chính, vào khoảng 40 tỷ đô la. Việc sáp nhập với công ty công cụ sáp nhập của Altimeter Capital, hay SPAC, sẽ giúp huy động tới 4,5 tỷ đô la cho Grab.

    Hãng đầu tư T. Rowe Price và nhà quản lý tài sản BlackRock sẽ tham gia cùng với một số nhà đầu tư khác. Đứng sau Grab là SoftBank, một công ty Nhật Bản khổng lồ. Kể từ khi được thành lập vào năm 2012, Grab đã bành trướng khắp các thị trường trong khu vực. Và thương vụ này sẽ khiến họ trở thành một trong những kỳ lân công nghệ có giá trị nhất ở Đông Nam Á, nơi một số tập đoàn đang cạnh tranh giành thị phần trong một loạt các dịch vụ kỹ thuật số.

    Nga điều quân ồ ạt đến biên giới với Ukraine


    Căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang trong nhiều tuần qua sau khi ngừng bắn thất bại ở vùng Donbas miền đông Ukraine, trong khi Nga triển khai quân ồ ạt đến khu vực gần đó. Hôm qua Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thừa nhận Nga đã điều hai quân đoàn và ba đơn vị nhảy dù đến biên giới phía tây để “huấn luyện chiến đấu”. Đồng thời các tàu đổ bộ của Nga cũng đã di chuyển từ Biển Caspi đến Biển Đen.

    Ukraine tuyên bố có 40.000 quân Nga ở biên giới phía đông và 40.000 quân khác ở Crimea. Tod Wolters, tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, nói cuộc triển khai quân lần này “tương tự quy mô và phạm vi” của cuộc xâm lược trước đây của Nga. Dù vậy chiến tranh có thể không phải mục tiêu cuối cùng của Nga. Các động thái này có thể chỉ là để ép tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra nhượng bộ đối với Donbas — chẳng hạn như quyền tự quyết lớn hơn cho phe ly khai thân Nga — và cũng để thử xem Mỹ và châu Âu sẽ hỗ trợ Ukraine đến đâu.

    Nhà đầu tư hào hứng khi Coinbase lên sàn

    Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi thành lập năm 2012. Nhưng cuộc lên sàn của nó hôm nay có lẽ sẽ là một thành công tuyệt đối. Định giá ban đầu của nó có thể lên tới 100 tỷ đô la. Con số này thậm chí vượt cả Facebook, vốn được định giá 104 tỷ đô la khi niêm yết hồi năm 2012. Kết quả sơ bộ quý đầu năm, được công bố vào ngày 6 tháng 4, hẳn đã khiến nhà đầu tư phấn khích.

    Coinbase kỳ vọng lợi nhuận 730 triệu đến 800 triệu đô la trên doanh thu khoảng 1,8 tỷ đô la, tăng lần lượt từ mức 179 triệu đô la và 585 triệu đô la của ba tháng cuối năm 2020. So với nhiều kỳ lân đói tiền, công ty này thật sự có lãi và đã đủ trưởng thành. Trong quý trước, người dùng đã giao dịch khoảng 335 tỷ đô la trên nền tảng này. Đồng thời sàn cũng nắm giữ 223 tỷ đô la trong các tài khoản của họ – hơn một phần mười giá trị của tất cả các loại tiền điện tử. Nếu công ty duy trì quỹ đạo hiện tại, họ có thể sẽ thống trị mảng tiền điện tử.

    59% cử tri da đen không đồng tình với lập luận của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ


    Một cuộc khảo sát của Rasmussen Reports công bố kết quả hôm thứ Ba (ngày 13/4) cho thấy đa số cử tri nói chung, và đa số cử tri da đen nói riêng, không nhìn nhận rằng Luật nhận dạng cử tri là phân biệt đối xử, Breitbart cho hay.

    Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 11-12/4, và đã đặt câu hỏi với khoảng 1.000 người tham gia rằng: “Các luật yêu cầu nhận dạng có ảnh tại các cuộc bỏ phiếu có phân biệt đối xử với một số cử tri không?”.

    Trái với lập luận được lặp đi lặp lại của Đảng Dân chủ và cánh tả ở Hoa Kỳ, kết quả là 62% số người được hỏi trả lời “không”, 29% nói có, và 9 phần trăm cho biết họ vẫn không chắc chắn. Đáng chú ý là, 59% cử tri da đen đồng ý rằng việc yêu cầu giấy tờ tùy thân có ảnh tại các cuộc bỏ phiếu là không phân biệt đối xử.

    Ông Biden và nhiều chính trị gia Dân chủ trong chính quyền của ông cho rằng, các biện pháp để bảo đảm tính toàn vẹn của cuộc bầu cử như yêu cầu nhận diện cử tri đối với bỏ phiếu vắng mặt, đảm bảo an ninh thùng phiếu, và thời gian bỏ phiếu sớm bắt buộc, …là các hình thức đàn áp cử tri. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer thậm chí còn cho rằng những nỗ lực để bảo đảm tính liêm chính “một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ hiện đại ở Mỹ”.

    Canada cảnh báo người dân không du lịch đến Trung Quốc

    Trong lời khuyên mới nhất cho các cư dân định du lịch tới Trung Quốc, chính phủ Canada cảnh báo rằng những người có quan hệ gia đình hoặc sắc tộc với Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc có thể đối mặt với “nguy cơ bị giam giữ tùy tiện”, trang VOA Chinese cho hay.

    Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada đã cập nhật lời khuyên du lịch đến Trung Quốc trên trang web chính thức của họ vào Chủ nhật (11 tháng 4). Đề xuất nêu rõ chính quyền Trung Quốc đang ngày càng giam giữ người dân tộc thiểu số và người Hồi giáo ở Tân Cương mà không có “thủ tục hợp pháp”, trong đó gồm cả các thành viên gia đình Trung Quốc của một số công dân Canada.

    Lời khuyên cho biết: “Nếu bạn có quan hệ gia đình hoặc sắc tộc với Khu tự trị Tân Cương, bạn có thể có nguy cơ bị giam giữ tùy tiện”.

    Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada cũng đề cập rằng công việc của các nhà báo nước ngoài và các nhân viên truyền thông khác ở Trung Quốc đang gặp phải những hạn chế đáng kể. Bộ này khuyên rằng: “Mọi người nên đặc biệt cảnh giác nếu bạn đang nghiên cứu hoặc báo cáo các vấn đề quan trọng của chính phủ, nhạy cảm và liên quan ở Tân Cương, Tây Tạng, v.v. . ”.

    Một số tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ trong các trại tạm giam ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Theo cáo buộc, những người bị giam giữ đã bị tra tấn, cưỡng bức triệt sản, lạm dụng tình dục, tuyên truyền chính trị, lao động cưỡng bức và các vi phạm nhân quyền khác trong trại.

    Vào cuối tháng 3, Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với lý do liên quan đến vấn đề Tân Cương. Trung Quốc đã phản đối các lệnh trừng phạt của Canada và nói đó là “dựa trên những lời nói dối và thông tin sai lệch”. Sau đó, Trung Quốc cũng đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Canada.

    Báo Mỹ: Biden áp dụng chiến lược của Trump để xử lý vấn đề nhập cư

    Tờ Headline USA hôm 13/4 viết rằng, tuyệt vọng trước cuộc khủng hoảng biên giới ngày càng tồi tệ, Tổng thống Biden dường như đã áp dụng một trong những chiến lược của cựu tổng thống Donald Trump để giải quyết vấn đề. Cụ thể, chính quyền Biden đã đàm phán với Mexico, Honduras và Guatemala để những nước này giúp ngăn cản người di cư đang rầm rộ kéo về biên giới Mỹ.

    Trong tuần này, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã tiết lộ chiến thuật đối phó với làn sóng di cư tương tự thời chính quyền tiền nhiệm. Bà Psaki nói: “Mục tiêu là làm cho hành trình trở nên khó khăn hơn và khiến việc vượt biên trở nên khó khăn hơn”.

    Bà nói thêm: “Chúng tôi đã làm việc với họ [Mexico, Honduras và Guatemala] để tăng cường thực thi pháp luật ở biên giới nhằm ngăn chặn việc di cư, đó là một hành trình nguy hiểm, nơi nhiều người mất mạng”.

    Nữ thư ký báo chí cho biết, Mexico sẽ duy trì 10.000 quân ở biên giới với Mỹ. Guatemala cũng sẽ khai triển 1.500 sĩ quan quân đội và cảnh sát ở biên giới với Honduras, thông qua 12 trạm kiểm soát đóng dọc các tuyến đường di cư. Honduras đã đồng ý tăng lực lượng cảnh sát kiểm soát người di cư lên 7.000 sĩ quan.

    Việc đàm phán với 3 nước đề cập ở trên chính là công cụ hữu hiệu giúp chính quyền Trump kiểm soát tốt cuộc khủng hoảng biên giới năm 2019. Khi Biden bước chân vào Tòa Bạch Ốc, ông đã bãi bỏ hầu hết các chính sách của chính quyền tiền nhiệm, bao gồm cả chính sách “Ở lại Mexico”. Tuy nhiên, khi không tìm ra cách giải quyết vấn đề người di cư, có vẻ như chính quyền Biden đang áp dụng những biện pháp của chính quyền Trump, vốn đã được chứng minh hiệu quả trong thực tế.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào