Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 31 tháng 3 năm 2021

     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Nhà ngoại giao Trung Quốc công khai xúc phạm Thủ tướng Canada

    Lý Dương, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Rio de Janeiro (Brazil), mới đây đã công khai xúc phạm Thủ tướng Canada Justin Trudeau, gọi ông là “chó chạy theo sau Mỹ” và cáo buộc ông phá hoại quan hệ đối ngoại hữu nghị giữa Bắc Kinh và Ottawa.

    Ông Lý Dương viết lên Twitter hôm 28/3: “Cậu bé, thành tựu lớn nhất của cậu là đã phá hỏng mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Canada, và biến Canada thành một con chó chạy theo sau Mỹ”.

    Thuật ngữ “chó chạy theo sau” có từ thời Mao Trạch Đông, thường được sử dụng trong các tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để chỉ các quốc gia phụ thuộc, theo sau nịnh bợ bên mạnh hơn. ĐCSTQ dùng cụm từ này nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc chống lại các nền dân chủ phương Tây.

    Ông Charles Burton, cựu quan chức ngoại giao Canada tại Bắc Kinh, nói với tờ National Post: rằng: “Đó là những lời lẽ khiêu chiến và thiếu chính xác”. Ông Burton nhấn mạnh rằng nhà ngoại giao Trung Quốc không nói rõ Thủ tướng Trudeau đã hủy hoại quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Canada như thế nào.

    The Guardian dẫn bình luận từ ông David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, những phát ngôn ngoại giao của Trung Quốc thường được kiểm soát chặt chẽ, do đó, thông điệp mà Lý Dương đưa ra đánh đấu động thái phá rào hiếm hoi và “đáng lo ngại” về những tuyên bố công khai do quan chức chính phủ thực hiện.

    “Có vẻ như ai đó đã ra quyết định rằng các nhà ngoại giao có thể tự do hành động, hoặc là không thể kiềm chế được những nhà ngoại giao này. Nếu là trường hợp đầu tiên, mọi việc đã trở nên rắc rối, nếu là trường hợp thứ hai, thì thật đáng lo ngại”.

    Toà Bạch Ốc: Báo cáo nguồn gốc COVID-19 của WHO ‘thiếu minh bạch’

    Thư ký báo chí Toà Bạch Ốc Jen Psaki hôm 30/3 (giờ Mỹ) lên tiếng hoài nghi về một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc của virus cúm Vũ Hán, còn gọi là COVID-19, nói rằng WHO đã ‘không minh bạch’ trong việc công bố thông tin, Fox News cho hay.

    Tuyên bố của bà Psaki được đưa ra cùng ngày WHO công bố bản báo cáo kết quả cuộc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 do WHO tiến hành tại Trung Quốc hồi tháng 1. Theo bà Psaki, bản báo cáo thiếu thông tin quan trọng và chỉ cung cấp “bức tranh một phần, không đầy đủ” về nguồn gốc của virus.

    Bà Psaki nói rằng người dân Mỹ, cộng đồng toàn cầu, chuyên gia y tế, bác sĩ, tất cả những ai đang cứu mạng người, những gia đình đã mất người thân, tất cả đều xứng đáng biết thông tin minh bạch hơn. Bà Psaki kêu gọi Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu và câu trả lời cho cộng đồng toàn cầu.

    Báo cáo được WHO đưa ra với sự hợp tác của Trung Quốc hôm 30/3, nói rằng lý thuyết virus có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra” và cho biết sự lây truyền từ động vật sang người là “rất có thể”.

    Trong cuộc họp báo cùng ngày với các quốc gia thành viên của WHO về báo cáo nguồn gốc COVID-19, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Mặc dù nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng rò rỉ trong phòng thí nghiệm là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất nhưng vấn đề này cũng cần phải điều tra thêm”.

    Người đứng đầu WHO cũng bày tỏ quan ngại nhóm chuyên gia quốc tế gặp khó khăn trong việc truy cập dữ liệu thô [từ phía Trung Quốc] trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ông Tedros nói: “Tôi mong đợi thêm nhiều nghiên cứu hợp tác trong tương lai bao gồm việc chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện hơn”.

    Đầu năm nay, một nhóm chuyên gia y tế quốc tế và Trung Quốc do WHO dẫn đầu đã dành 4 tuần ở thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch đầu tiên ở Trung Quốc, để khảo sát nguồn gốc của virus nhưng họ không có đủ khả năng để tiến hành một cuộc điều tra độc lập trong chuyến đi của họ do gặp phải nhiều trở ngại từ phía chính quyền Trung Quốc. 

    TT Palau thăm Đài Loan, Trung Quốc điều 10 máy bay áp sát hòn đảo

    Vào ngày 29/3, Tiêm kích và trinh sát cơ Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận diện phòng không Đài Loan trong lúc Tổng thống Palau đang có chuyến thăm hòn đảo này, theo Reuters.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 10 máy bay quân sự Trung Quốc, gồm 4 tiêm kích hạng nặng J-16, 4 chiến đấu cơ hạng nhẹ J-10, một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và một phi cơ săn ngầm Y-8, đã tiến vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam hòn đảo vào ngày 29/3.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan đã khai triển tiêm kích để giám sát nhóm máy bay quân sự và phát cảnh báo qua điện đàm.

    Vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc diễn ra chỉ 30 phút sau khi Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. và đại sứ Mỹ tại Palau John Hennessey-Niland xuất hiện trước báo giới ở thành phố Đài Bắc.

    Palau là một trong 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

    Tổng thống Biden sắp đề xuất một dự luật cơ sở hạ tầng lớn

    Sau khi tung ra gói kích thích covid-19 trị giá tới 1,9 nghìn tỷ đô la, Tổng thống Joe Biden đang muốn tiếp tục. Trong một bài phát biểu quan trọng ở Pittsburgh hôm nay, ông sẽ phác thảo luật đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ mà ông mong đợi Quốc hội thông qua trong những tháng tới. Trị giá ước tính của luật này — với các khoản chi về chống biến đổi khí hậu bên cạnh chi tiêu cơ sở hạ tầng thông thường cho cầu đường— là 3 nghìn tỷ đô la.

    Không như dự luật kích thích, luật này sẽ không hoàn toàn dựa vào thậm chi ngân sách. Thay vào đó nó đi kèm nhiều đợt tăng thuế, bao gồm đề xuất tăng thuế suất lợi nhuận doanh nghiệp và thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với lợi nhuận tạo ra ở nước ngoài. Các nghị sĩ Cộng hòa có thể phản đối, nhưng tiếng nói của họ không quá quan trọng — các đồng minh của tổng thống tại Thượng viện đang chuẩn bị để tiếp tục dùng một cơ chế thủ tục cho phép họ thông qua luật mà không cần bất kỳ phiếu nào của phe đối lập. Cũng như trước đây, tham vọng của ông Biden phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự nhất trí của các nghị sĩ Dân chủ.

    Brexit gây nhiều trở ngại ban đầu cho thương mại Anh-EU

    Giới phân tích thương mại sẽ xem xét kỹ lưỡng bản cập nhật công bố hôm nay của Văn phòng Thống kê Quốc gia về cán cân thanh toán của Anh trong quý cuối năm 2020. Song thực sự họ quan tâm nhiều hơn đến những gì xảy ra sau ngày 31 tháng 12. Các nhà phân tích muốn đánh giá những tác động kinh tế tức thời của Brexit, song đó không phải một việc dễ dàng. Dữ liệu thương mại trong tháng 1 cho thấy xuất khẩu sang EU giảm 40,7% so với tháng 12.

    Điều này phần lớn là do sụt giảm kho hàng dự trữ trước khi diễn ra Brexit và những khó khăn do đại dịch gây ra cho thương mại, nhưng chắc chắn cũng một phần vì các trở ngại thương mại mới. Nhiều vấn đề đặc biệt đã xảy ra trong các ngành như thịt và cá, mà hiện phải trải qua kiểm tra vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Các nhà xuất khẩu nói hệ thống có sẵn được thiết kế để xử lý các thùng thịt cừu New Zealand đông lạnh không thể giải quyết được các lô hàng nhỏ cần xử lý nhanh như cá hồi tươi. Brexit sẽ tiếp tục gây ra nhiều trở ngại.

    Lạm phát của eurozone dự đoán tăng

    Các nhà đầu tư châu Âu sẽ lo lắng về ước tính lạm phát cao của khu vực đồng euro trong tháng 3, theo đó dự kiến ở mức cao nhất trong hơn một năm. Thị trường lo ngại lạm phát cao vì nó sẽ làm tăng lợi tức trái phiếu và tăng lãi suất, từ đó có thể gây bất ổn cho thị trường tiền tệ và tài sản. Tuy nhiên, vì chủ yếu gây ra bởi giá năng lượng cao hơn, gián đoạn trong chuỗi cung ứng, và nhu cầu dồn nén được giải tỏa hậu covid-19, lạm phát được cho chỉ mang tính tạm thời.

    Ảnh hưởng của giá dầu tăng và các nút nghẽn cổ chai trong chuỗi cung ứng sẽ sớm qua đi, nhưng không hoàn toàn. Đà phục hồi của châu Âu sẽ chậm và yếu hơn so với dự đoán do chiến dịch tiêm chủng covid-19 của châu lục này vẫn chậm trễ, đi sau Mỹ và Anh. Và họ còn đang phải chiến đấu với làn sóng dịch thứ ba đặc biệt nghiêm trọng có thể dẫn đến gia hạn các biện pháp phong tỏa để ngăn virus cho đến đầu mùa hè. Giá cả sẽ không giảm sớm.

    Tổng thống Biden chọn loạt thẩm phán liên bang

    Hôm qua, ông Biden công bố các lựa chọn đầu tiên của ông cho chức vụ thẩm phán liên bang. Trong số mười một người được đề cử, có chín người là phụ nữ và chín người da màu. Ketanji Brown Jackson, một phụ nữ da đen đã làm thẩm phán tòa án quận từ năm 2013, được chọn vào tòa phúc thẩm Khu vực DC nhiều ảnh hưởng, lấp vào chiếc ghế của Merrick Garland sau khi ông này được chọn làm bộ trưởng tư pháp. Ngoài ra bà cũng được nhiều người xem là ứng viên hàng đầu nếu Tòa án Tối cao trống một ghế.

    Candace Jackson-Akiwumi, một phụ nữ Mỹ gốc Phi khác, được chọn cho tòa phúc thẩm Chicago. Danh sách của ông Biden bao gồm nhiều nhân vật có khả năng đi vào lịch sử. Nếu được xác nhận, lần đầu tiên nước Mỹ sẽ có một phụ nữ Mỹ gốc Á ngồi vào tòa án quận DC và một người Hồi giáo ở tòa liên bang. Nhưng ông Biden khó có thể cạnh tranh được với người tiền nhiệm trên phương diện bổ nhiệm thẩm phán. Trong vòng 4 năm làm tổng thống, Donald Trump đã bổ nhiệm 234 thẩm phán.

    LHQ đề nghị được thị sát Tân Cương không hạn chế

    Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết LHQ đang đàm phán với Bắc Kinh về chuyến thăm “không hạn chế” đến Tân Cương để xem người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đang được đối xử như thế nào, Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Chủ nhật.

    Ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các nhóm Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại ở khu vực tây bắc, theo các nhóm nhân quyền của Mỹ và Australia, họ cáo buộc chính quyền Trung Quốc cưỡng bức phụ nữ triệt sản và cưỡng bức lao động.

    Trung Quốc đã nhiều lần bị chỉ trích về cách họ đối xử với nhóm này.

    Ông Guterres nói với đài truyền hình CBC của Canada: “Một cuộc đàm phán nghiêm túc đang diễn ra giữa Văn phòng Ủy ban Nhân quyền (LHQ) và chính quyền Trung Quốc”.

    “Tôi hy vọng rằng họ sẽ sớm đạt được một thỏa thuận” cho phép một chuyến thăm “mà không có hạn chế”, ông nói thêm.

    Ông Guterres cho biết Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định với ông “rằng họ muốn sứ mệnh đó được thực hiện.”

    Hôm thứ Bảy, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai người Mỹ, một người Canada và một cơ quan vận động nhân quyền đã chỉ trích cách đối xử của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ, mà các quan chức Mỹ cho rằng cấu thành tội ác diệt chủng.

    Ông Guterres cho biết ông cũng đang “lo lắng” theo dõi số phận của hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, những người đang bị giam giữ ở Trung Quốc với tội danh gián điệp.

    Việc giam giữ họ, mà Ottawa đã tố cáo là “tùy tiện”, được nhiều người ở phương Tây coi là sự trả đũa cho việc bắt giữ và tiếp tục giam giữ bà Meng Wanzhou ở Canada, một giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei.

    “Lập trường của chúng tôi đã rất rõ ràng,” ông Guterres nói với CBC: “trong tất cả các tình huống như thế này, phải có quy trình phù hợp và tôn trọng đầy đủ các quyền con người của những người có liên quan.”

    Nguồn: AFP

    Myanmar: Bà Suu Kyi 'trông khỏe mạnh'; Mỹ rút nhân viên không thiết yếu

    Một trong những luật sư của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo bị phế truất ở Myanmar, cho biết bà trông khỏe mạnh khi gặp mặt qua đường truyền video hôm thứ Tư 31/3.

    Trong cùng ngày, Mỹ ra lệnh cho các nhân viên không thiết yếu tại đại sứ quán Mỹ rời khỏi Myanmar sau nhiều tuần bạo lực diễn ra vì cuộc đảo chính ngày 1/2.

    Bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel, đã bị giam giữ kể từ khi quân đội nắm chính quyền. Bà muốn gặp trực tiếp các luật sư và không đồng ý bàn bạc về nhiều vấn đề qua video với sự có mặt của cảnh sát, luật sư Min Min Soe nói với Reuters.

    "Mẹ Suu Kyi trông khỏe mạnh, nước da của bà đẹp”, Min Min Soe nói.

    Luật sư này cho biết cuộc họp qua video chỉ bàn về vụ kiện chống lại bà sau cuộc đảo chính.

    Bà Suu Kyi, 75 tuổi, bị bắt cùng ngày quân đội tiếm quyền. Bà đối mặt với các cáo buộc bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp sáu bộ đàm cầm tay và vi phạm các thủ tục phòng chống virus corona.

    Quân đội cũng cáo buộc bà phạm tội hối lộ trong hai cuộc họp báo gần đây.

    Các luật sư của bà nói rằng các cáo buộc đã bị phóng đại, riêng cáo buộc về tội hối lộ bị các luật sư gọi là một trò hề.

    Cuộc họp tiếp theo về vụ việc của bà sẽ diễn ra hôm Năm 1/4.

    Quân đội tiếm quyền và nói rằng cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó, đảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi, là cuộc bầu cử có gian lận. Nhưng ủy ban về bầu cử cho rằng cuộc bỏ phiếu đã diễn ra công bằng.

    Việc tái thiết lập chế độ quân sự sau một thập kỷ với những bước đi hướng tới dân chủ đã gây ra sự chống đối không ngừng.

    Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 521 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

    Giao tranh cũng bùng phát giữa quân đội và các dân tộc thiểu số nổi dậy ở các vùng biên cương. Những người đi di tản để tránh tình trạng hỗn loạn hiện đang cố tìm nơi an toàn ở các nước láng giềng.

    Hàng ngàn người biểu tình lại xuống đường hôm 31/3 ở các vùng khác nhau của Myanmar.

    Hoa Kỳ hôm 30/3 ra lệnh cho các nhân viên không cấp thiết thuộc chính phủ Hoa Kỳ và người thân của họ rời khỏi Myanmar do lo ngại về tình trạng bất ổn dân sự.

    Các nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính và tình trạng bạo lực, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi. Một số nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế.

    Miến Điện : Nguy cơ nội chiến và hướng đến công bằng sắc tộc ?

    Khoảng hai mươi lực lượng nổi dậy vũ trang của cộng đồng thiểu số Miến Điện bắt đầu ủng hộ phong trào « bất phục tùng dân sự » chống cuộc đảo chính. Những tộc người này luôn xung đột với chính quyền trung ương, do quân đội kiểm soát, từ khi Miến Điện độc lập vào năm 1948 để đòi tự chủ hơn và hưởng một phần tài nguyên dồi dào hoặc nguồn thu từ buôn bán ma túy.

    Liệu sự ổn định tạm thời nhờ thỏa thuận ngừng bắn từ vài năm nay có nguy cơ tan vỡ và đẩy Miến Điện đến nguy cơ nội chiến ?

    Nguy cơ « nội chiến » ?

    Từ bắc xuống nam, trụ sở cảnh sát lại trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng nổi dậy vũ trang như cách đây nhiều năm. Lực lượng Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tấn công một đồn cảnh sát ở bang Kachin (cực bắc Miến Điện, giáp Trung Quốc) ngày 31/03. Trước đó một hôm, một đồn cảnh sát khác ở vùng Bago (phía đông nam) cũng bị trúng rocket khiến 5 cảnh sát bị thương. Chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng có nghi ngờ hướng về lực lượng Liên minh Quốc gia Karen (KNU) vì vào cuối tuần trước, lực lượng này tấn công một căn cứ quân sự ở bang Kayin (giáp Thái Lan) sát với vùng Bago.

    Ba lực lượng nổi dậy khác, trong đó có lực lượng Quân đội Arakan (AA) hùng hậu, cũng đe dọa « hợp tác với người biểu tình và trả đũa » nếu tập đoàn quân sự « tiếp tục giết thường dân ».

    Đoàn kết dân tộc chống tập đoàn quân sự

    Cuộc đảo chính và hành động tàn bạo của tập đoàn quân sự đang đẩy những tộc người Miến Điện xích lại gần nhau, đoàn kết hơn. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với quá khứ khi người Bamar (chiếm đa số) luôn tự nhận là dân tộc thượng đẳng. « Hơn 1.000 nạn nhân chính trị », trong đó có « rất nhiều thủ lĩnh phong trào bất phục tùng dân sự » đang được lực lượng Liên minh Quốc gia Karen bảo vệ, theo phát ngôn viên của KNU được trích trong phóng sự ngày 30/03 của báo Libération. Vài nghìn người khác, chủ yếu là thành viên của « Quốc Hội ngầm » CRPH, giờ trở thành người tị nạn trong nước, đang ẩn náu tại nhà của người dân tộc Shan và Kachin ở miền bắc Miến Điện.

    Saw Jay, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Miến Điện bảo vệ người Karen, nhận định với phóng viên của Libération, « việc người Bamar (dân tộc chiếm đa số) nằm dưới sự bảo vệ quân sự của các tộc người thiểu số làm thay đổi cán cân quyền lực truyền thống ở đất nước chúng tôi (Miến Điện). Kể từ giờ, một phần lớn cuộc đấu tranh chống tập đoàn quân sự dựa vào người thiểu số. Họ thường bị lãng quên nhưng giờ trở thành trung tâm bàn cờ chính trị ».

    Những biểu ngữ « xin lỗi người anh em Rohingya », nạn nhân của tình trạng thanh lọc sắc tộc từ năm 2017 và bị làm ngơ dưới chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, cũng được giương cao trong các cuộc biểu tình chống đảo chính. Bác sĩ Sasa, người được bổ nhiệm làm đại diện của CRPH ở nước ngoài, hứa trả lại « công lý cho người Rohingya ». Nhiều người Bamar như tỉnh ngộ : « Người Rohingya bị trấn áp » không hoàn toàn là chính sách tuyên truyền của phương Tây. Nếu quân đội sẵn sàng bắn từ phía sau lưng người biểu tình, giết cả phụ nữ, trẻ em dưới 5 tuổi, thì họ có thể làm mọi chuyện ở những vùng hẻo lánh.

    Hướng đến một nền dân chủ công bằng hơn cho mọi sắc tộc ?

    Phong trào phản kháng không còn dừng lại ở xã hội dân sự. Trước một tập đoàn quân sự không tỏ ý nhân nhượng, coi thường trừng phạt quốc tế vì chỉ tập trung vào quyền lực, người biểu tình « đành phải kêu gọi các lực lượng vũ trang (của các sắc tộc thiểu số) trợ giúp ». Theo nhận định với AFP của bà Debbie Stothard, thuộc Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH), sự đoàn kết giữa các sắc tộc khác nhau để chống lại tập đoàn quân đội có « nguy cơ trở thành một cuộc nội chiến toàn diện ».

    Đối với Thant Myint-U, nhà văn kiêm sử gia người Mỹ về Miến Điện, một kiểu cách mạng đang được hình thành. Chấm dứt chế độ của tập đoàn quân sự sẽ chỉ là bước đầu. Miến Điện cần một chương trình thay đổi tiến bộ hơn, vượt qua mọi chia rẽ sắc tộc để hướng đến một xã hội công bằng, tự do hơn cho mọi tộc người. Về phía những tộc người thiểu số, sát cánh với phong trào chống Tatmadaw có thể là cơ hội để họ được đối xử công bằng hơn và được công nhận là một phần của nhà nước liên bang.

    Chó cưng Major của Tổng thống Biden lại cắn người ở Nhà Trắng

    Đây là vụ cắn người thứ hai liên quan đến Major tại Nhà Trắng

    Đệ nhất khuyển Major lại cắn người lần nữa, sau khi trở về Nhà Trắng từ Delaware.

    Chú chó đã được đưa đi huấn luyện ở Delaware do gây ra sự cố trước đó trong tháng này.

    Người phát ngôn của Đệ nhất phu nhân Jill Biden nói một cá nhân đã được nhân viên y tế kiểm tra trước khi trở lại làm việc "như một biện pháp phòng xa".

    Major nhỏ tuổi hơn trong hai chú chó chăn cừu giống Đức của ông Biden và là chú chó cứu hộ đầu tiên của Nhà Trắng.

    "Nó là một chú chó ngoan," Tổng thống Joe Biden nói.

    Michael LaRosa, phát ngôn viên của bà Biden, thông tin về vụ việc hôm thứ Hai: "Major vẫn đang tập quen với môi trường mới xung quanh mình và cậu đã cắn một người nào đó trong lúc đi dạo."

    CNN đưa tin, một nhân viên của Dịch vụ công viên toàn quốc đã bị cắn ở Bãi cỏ Nam và phải nghỉ làm để điều trị. Dịch vụ công viên toàn quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.

    Cả Major và Champ (13 tuổi) của Biden, đã được chuyển đến ngôi nhà của gia đình ông ở Wilmington, Delaware, sau vụ cắn người đầu tiên vào ngày 8/3.

    Tổng thống Biden nhận nuôi Major vào năm 2018

    Các nguồn tin giấu tên nói với CNN là vào thời điểm đó, Major đã nhảy cẫng lên, sủa và lao vào nhân viên Nhà Trắng và nhân viên an ninh.

    Tổng thống Biden nói Major đang điều chỉnh thích nghi với quá nhiều người mới xung quanh.

    "Bạn rẽ lối và chợt gặp hai người mới mà bạn không hề biết và họ đang di chuyển, thế là chú chó phải chạy lên bảo vệ," ông nói với chương trình Good Morning America.

    Bidens đã nhận nuôi Major, hiện ba tuổi, là một chú chó từ Hiệp hội Nhân đạo Delaware vào năm 2018.

    Champ trước đây do ông Biden tặng cho phu nhân Jill vào năm 2008 khi ông trúng cử Phó tổng thống Mỹ.

    14 quốc gia quan ngại về báo cáo nguồn gốc COVID-19 của WHO

    Ngày 30/3, 14 quốc gia bao gồm Mỹ và Anh ra tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại” về một báo cáo mới về nguồn gốc của virus cúm Vũ Hán (còn gọi COVID-19) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    Tuyên bố chung của các quốc gia được đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Điều quan trọng không kém là chúng tôi phải nói lên mối quan tâm chung của chúng tôi rằng nghiên cứu của chuyên gia quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã bị trì hoãn đáng kể và thiếu quyền truy cập vào dữ liệu và mẫu gốc hoàn chỉnh”.

    Các quốc gia tham gia vào tuyên bố chung gồm: Anh, Mỹ, Úc, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Litva, Na Uy, Hàn Quốc và Slovenia.

    Một trong những điều tra viên của phái đoàn WHO cho biết, chính quyền Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu thô về các trường hợp COVID-19 giai đoạn đầu bùng phát, có thể làm phức tạp những nỗ lực tìm hiểu cách thức bắt đầu đại dịch toàn cầu.

    Tuyên bố chung của các quốc gia kêu gọi WHO và các quốc gia thành viên cam kết minh bạch về việc tiếp cận, minh bạch và kịp thời.

    “Điều quan trọng là các chuyên gia độc lập phải có quyền tiếp cận đầy đủ vào tất cả dữ liệu thích hợp về con người, động vật và môi trường, nghiên cứu và nhân sự liên quan đến giai đoạn đầu của đợt bùng phát”, tuyên bố cho biết.

    Theo các quốc gia, việc thiết lập các hướng dẫn điều tra như vậy sẽ giúp các quốc gia phát hiện, chuẩn bị và ứng phó với các đợt bùng phát trong tương lai.

    WHO hôm 30/3 đã công bố báo cáo dài 120 trang sau khi một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến thăm thành phố Vũ Hán của Trung Quốc trong thời gian 4 tuần (từ ngày 14/1 – 10/2/2021).

    Trong cuộc họp báo với các quốc gia thành viên của WHO về báo cáo nguồn gốc COVID-19 ngày 30/3, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Mặc dù nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng rò rỉ trong phòng thí nghiệm là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất nhưng vấn đề này phải điều tra thêm”.

    Người đứng đầu WHO cũng bày tỏ quan ngại nhóm chuyên gia quốc tế gặp khó khăn trong việc truy cập dữ liệu thô từ phía Trung Quốc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

    Theo Fox News, đáp lại những tuyên bố trên, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác: “Khi nào các chuyên gia của WHO sẽ được mời đến Hoa Kỳ để thăm dò nguồn gốc xuất xứ?”. Các quan chức Trung Quốc từng cáo buộc Mỹ là nơi phát tán virus corona chủng mới.

    Thống đốc Florida thề sẽ dùng quyền hành pháp để chặn hộ chiếu vắc-xin của ông Biden

    Thống đốc tiểu bang Florida, ông Ron DeSantis thuộc Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ đã khẳng định sẽ từ chối việc thực hiện hộ chiếu vắc-xin và hứa sẽ sử dụng quyền hành pháp của mình để ngăn nó trở thành một yêu cầu ở tiểu bang của ông.

    Các bình luận của thống đốc nhằm đáp lại các báo cáo vào thứ Hai (29/3), thông báo rằng khu vực tư nhân đang làm việc với Chính quyền Biden để thực hiện cái gọi là hộ chiếu vắc-xin, về cơ bản sẽ thu thập thông tin cá nhân về người đó và xác định xem người đó đã được tiêm vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) hay chưa.

    “Chúng tôi không ủng hộ điều đó. Tôi nghĩ rằng mọi người có một số quyền tự do nhất định và tự do cá nhân để đưa ra quyết định cho chính họ”, ông DeSantis nói. “Việc chính phủ hoặc khu vực tư nhân áp đặt lên bạn yêu cầu bạn phải chứng minh đã có vắc-xin để có thể tham gia vào xã hội bình thường là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

    Ông DeSantis kêu gọi cơ quan lập pháp hành động để bảo vệ các cử tri của mình, đồng thời cho biết ông sẽ sử dụng quyền hành pháp khẩn cấp của mình nếu nó xảy ra.

    Ông cũng nói mình đang làm mọi thứ có thể để cung cấp vắc-xin cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh, nhưng điều đó sẽ không bao giờ là bắt buộc ở tiểu bang của ông.

    Theo The Post Millennial, ông DeSantis nói: “Tôi chỉ muốn nói rõ ở Florida, chúng tôi không làm bất kỳ hộ chiếu vắc-xin nào. Tất cả những chuyên gia đều nói rằng đó là một ý tưởng tồi. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tồi và vì vậy điều đó sẽ không xảy ra. Mọi người nên tiêm phòng, nếu họ muốn, rõ ràng chúng tôi sẽ cung cấp điều đó, nhưng nhà nước sẽ không yêu cầu bạn xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng trong bất kỳ trường hợp nào, và tôi nghĩ các công ty tư nhân cũng không nên làm điều đó”.

    Một chuyên gia bảo mật thông tin cá nhân bày tỏ lo ngại về phương thức toàn cầu mới này để giám sát con người. Một người chỉ có thể đi du lịch khi nhập các dữ liệu mang tính cá nhân, quốc gia mà họ đến thăm cũng sẽ có quyền truy cập vào tất cả thông tin cá nhân của họ và cuối cùng sẽ có một cơ sở dữ liệu lớn được chia sẻ giữa các chính phủ trên thế giới.

    Do sự phức tạp của luồng dữ liệu trong không gian mạng giữa quốc gia này và quốc gia khác, cuối cùng nó có thể sẽ được tìm thấy bằng một cách đơn giản như Google và bất kỳ ai cũng có thể truy cập chúng bằng cách trả tiền.

    Bằng cách áp dụng một bộ lọc đơn giản, các chính phủ sẽ có thể biết ai đã được tiêm chủng và ai chưa được tiêm chủng và dựa trên cơ sở này, họ sẽ có thể thực hiện một số kiểu phân biệt đối xử bằng cách ủng hộ một nhóm và gây bất lợi cho nhóm khác khi đưa ra quyết định.

    Không có nhận xét nào