Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 7 tháng 4 năm 2021

    ‘Đói nguyên liệu’ sau khi chặn than Úc, Trung Quốc quay sang mua than Mỹ
    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 7 tháng 4 năm 2021

    Theo SCMP, Trung Quốc đã chặn than Úc vào tháng 10/2020 và nhập khẩu đã giảm xuống con số 0 kể từ tháng 12/2020, nhưng Trung Quốc lại quay sang mua của Mỹ gần 300.000 tấn than cốc vào tháng 2/2021 do thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu đầu vào.

    Các nhà kinh tế cho biết, xuất khẩu than mỡ (coking coal) từ Hoa Kỳ đã lấp đầy khoảng trống được tạo ra ở Trung Quốc bởi một lệnh cấm không chính thức của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Úc trong 5 tháng qua.

    Trung Quốc đã chặn nhập khẩu than đá Úc vào tháng 10/2020 trong bối cảnh xung đột chính trị kéo dài một năm, vụ việc đã khiến nhiều tàu thuyền mắc kẹt ngoài khơi Trung Quốc, trước khi tăng nhập khẩu từ Mỹ, Nam Phi và Colombia. Trước đây, nguồn hàng này Trung Quốc chủ yếu dựa vào Indonesia, Nga, Mông Cổ và Úc.

    Trung Quốc đã đồng ý mua thêm các sản phẩm năng lượng trị giá 52,4 tỷ USD từ Mỹ trong vòng hai năm theo một phần trong thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một được ký kết vào tháng 1 năm ngoái.

    Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, trước lệnh cấm than Úc, Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ tổng số xuất khẩu than của Mỹ, nhưng tính đến tháng 2, Mỹ đã xuất được gần 300,000 tấn than luyện cốc được sử dụng trong sản xuất thép sang đại lực, tăng trưởng từ mức gần như bằng không vào tháng 10.

    Việc nhập khẩu than của Mỹ, trong khi lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm đối với Úc gây ra thì đồng thời hướng tới cam kết của Trung Quốc mua thêm các sản phẩm năng lượng trị giá 52,4 tỷ USD từ Mỹ trong vòng hai năm theo thỏa thuận như một phần của thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một đã được ký vào tháng 1 năm ngoái.

    Trung Quốc đã đáp ứng 80% cam kết mua sản phẩm năng lượng với Mỹ cho đến nay trong năm, theo một bản cập nhật của Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson vào hai tuần trước, mặc dù lượng mua đó chỉ đạt 39% mục tiêu trong năm đầu tiên của thỏa thuận vào năm 2020.

    Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ đạt mức xuất khẩu than như vậy sang Trung Quốc, mặc dù việc Trung Quốc mua than của Mỹ có xu hướng biến động hơn và không thường xuyên trong vài năm qua.

    Ngược lại, tổng lượng xuất khẩu than cốc và than nhiệt của Úc, vốn được sử dụng để sản xuất điện, đã giảm từ 2,5 triệu tấn trong tháng 10 xuống 0 vào tháng 12/2020.

    Trước lệnh cấm, Úc thường xuyên xuất khẩu trung bình từ 6 triệu tấn đến 7 triệu tấn than mỡ và than nhiệt sang Trung Quốc.

    Mỹ cân nhắc tham gia tẩy chay Thế vận hội Mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh

    Bleacherreport đưa tin, Mỹ đang cân nhắc tham gia cùng các đồng minh tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.

    Bà Ned Price, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Đây [cuộc tẩy chay chung] là điều mà chúng tôi chắc chắn muốn thảo luận”, và là “một cách tiếp cận phối hợp sẽ không chỉ vì lợi ích của chúng tôi mà còn vì lợi ích của các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.

    Thế vận hội Mùa Đông 2022 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 4/2 và kết thúc vào ngày 20/2.

    Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng cáo buộc chính quyền Trung Quốc phạm “tội ác diệt chủng và chống lại loài người” đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của nước này.

    Điều đó khiến nhiều người tự hỏi liệu Hoa Kỳ có xem xét tẩy chay Olympic vì các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc hay không.

    Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psakin nói với các phóng viên hồi tháng Hai: “Chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra và tất nhiên, chúng tôi sẽ tìm kiếm hướng dẫn từ Ủy ban Olympic Hoa Kỳ”.

    Trong một bài bình luận viết cho tờ New York Times hồi tháng 3, Thượng Nghị sĩ Mỹ Mitt Romney kêu gọi “tẩy chay về kinh tế và ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh”, bao gồm việc người hâm mộ Mỹ không đến tham gia sự kiện này.

    Trung Quốc ngang ngược, nói có quyền ở Trường Sa đã hàng nghìn năm


    Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/4 ngang ngược tuyên bố rằng đội tàu nước này được quyền trú ẩn tại bãi đá ngầm ở Trường Sa “trong hàng nghìn năm”.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiếp tục luận điệu cũ, khi bác bỏ cáo buộc của Philippines rằng đội tàu hàng trăm chiếc đang neo đậu tại bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là do dân quân biển vận hành. Thậm chí ông Triệu còn cáo buộc cách gọi “dân quân biển” này là có “ý đồ thù địch”.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục nói rằng đây là các ngư dân và ngang nhiên tuyên bố họ có quyền “đánh bắt và trú ẩn trong khu vực suốt hàng nghìn năm”.

    Tuyên bố được ông Triệu đưa ra trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ hôm 7/3, bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.

    Philippines công bố thông tin từ hôm 21/3, cáo buộc các tàu này thuộc lực lượng “dân quân biển” Trung Quốc và phản ứng mạnh mẽ với phía Bắc Kinh.

    Theo truyền thông trong nước, tại cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

    Trước đó trong ngày 24/3, trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016–2021 trước Quốc hội Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định:

    “Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”.

    Theo Dự án Đại sử ký Biển Đông, Việt Nam đã từng phải hoãn các hoạt động dầu khí hoặc phải đối mặt với các hoạt động quấy nhiễu và áp lực từ tàu khảo sát, hải cảnh và máy bay chiến đấu của Trung Quốc liên tục nhiều tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2020 tới nay, Trung Quốc đã có một bước tiến mới, khi Hải cảnh Trung Quốc luân phiên hiện diện gần như toàn thời gian ở Bãi Tư Chính, thường xuyên áp sát các lô dầu khí mà Việt Nam đang sản xuất ổn định từ nhiều năm nay. Đồng thời lực lượng Tàu dân quân biển Trung Quốc cũng liên tục neo đậu dài ngày tại Bãi Ba Đầu trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông.

    Khảo sát: 72% người Mỹ coi nhập cư bất hợp pháp là ‘mối đe dọa trực tiếp’ đối với Hoa Kỳ


    Một cuộc thăm dò của AP-NORC công bố hôm thứ Hai cho thấy, phần lớn người Mỹ trưởng thành tin rằng nhập cư bất hợp pháp là “mối đe dọa trực tiếp” đối với Hoa Kỳ .

    Breitbart đưa tin, kết quả cuộc thăm dò chỉ ra, 72% người Mỹ lo ngại về mối đe dọa trực tiếp mà nhập cư bất hợp pháp mang lại đối với Hoa Kỳ – bao gồm 45% “cực kỳ lo ngại” và 27% “lo ngại vừa phải”. Chỉ 26% người Mỹ cho biết họ không lo ngại về các mối đe dọa của nhập cư bất hợp pháp đối với nước Mỹ.

    Cuộc khảo sát cũng chỉ ra, khoảng 55% người Mỹ không tán thành cách Tổng thống Joe Biden xử lý vấn đề an ninh ở biên giới Mỹ – Mexico và vấn đề nhập cư. Trong đó, số đảng viên Cộng hòa phản đối cách làm của ông trong các vấn đề này là hơn 80%.

    Như Breitbart News đã đưa tin trước đó, TT Biden đã thực thi các sắc lệnh về “quốc gia tôn nghiêm”, theo đó các quan chức nhập cư liên bang không thể bắt và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp trừ khi họ bị kết tội nghiêm trọng, là khủng bố hoặc các thành viên băng đảng khét tiếng.

    Các sắc lệnh của ông Biden có khả năng ngăn chặn việc trục xuất 9/10 người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ mà lẽ ra nên bị trục xuất, bảo vệ các tội phạm nhập cư khỏi luật nhập cư liên bang.

    Cuộc thăm dò của AP-NORC được thực hiện từ ngày 25 đến ngày 29/3 khảo sát 1.166 người lớn. Biên độ sai số là +/- 3,6 điểm phần trăm.

    Lực lượng an ninh Myanmar giết bảy người biểu tình


    Truyền thông đưa tin, các binh sĩ Myanmar hôm 7/4 đã nổ súng vào những người biểu tình phản đối đảo chính, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và một số người bị thương.

    Trong khi đó, một nhà máy do người Trung Quốc làm chủ bị phóng hỏa ở trung tâm thương mại Yangon và các nhà hoạt động đã đốt cờ Trung Quốc.

    Chính quyền quân nhân Myanmar nói rằng phong trào bất tuân dân sự đang "hủy hoại" Myanmar.

    Theo một nhóm hoạt động, hơn 580 người đã thiệt mạng trong tình trạng hỗn loạn ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, vốn chấm dứt thời kỳ nắm quyền ngắn ngủi của chính quyền dân sự. Các cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc đã kéo dài kể từ đó, bất chấp việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương để dập tắt các cuộc phản đối.

    Lực lượng an ninh hôm 7/4 đã nổ súng vào những người biểu tình ở thị trấn Kale nằm ở tây bắc, khi họ yêu cầu khôi phục chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, một người dân nói với Reuters.

    Các cơ quan báo chí dẫn lời các nhân chứng cho biết đã có thương vong và những tiếng súng nổ liên tiếp. Các hãng tin Mizzima và Irrawaddy cho biết có 5 người thiệt mạng và một số người bị thương.

    Cư dân ở Kale cho biết ông ta có thông tin do các nhân chứng cung cấp, đó là những người đã chụp ảnh 5 thi thể. Reuters không thể độc lập xác minh con số thương vong.

    Hai người biểu tình khác đã bị giết chết ở thị trấn Bago gần Yangon, hãng tin Myanmar Now cho biết.

    Cùng ngày, một đám cháy đã bùng lên tại nhà máy may mặc JOC do người Trung Quốc làm chủ ở Yangon, các bản tin và Sở Cứu hỏa cho biết. Không có báo cáo về thương vong và không có chi tiết về mức độ thiệt hại.

    Tại một khu phố khác ở Yangon, các nhà hoạt động đã đốt cờ Trung Quốc, theo những bức ảnh đăng trên Facebook.

    Trung Quốc bị coi là ủng hộ chính quyền quân sự và tháng trước đã xảy ra các cuộc tấn công nhắm vào 32 nhà máy do người Trung Quốc đầu tư ở Yangon.

    Đài Loan tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng nếu Trung Quốc tấn công

    Ngoại trưởng Đài Loan hôm 7/4 nói rằng Đài Loan sẽ chiến đấu đến cùng nếu Trung Quốc tấn công, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ nhận thấy nguy cơ điều này có thể xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự, trong đó có các cuộc tập trận của nhóm tàu sân bay, gần đảo Đài Loan.

    Đài Loan lên tiếng nhiều lần về các hoạt động quân sự liên tiếp của Bắc Kinh trong những tháng gần đây, với việc không quân Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gần như hàng ngày. Hôm 5/4, Trung Quốc cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay đang tập trận gần hòn đảo.

    Ông Joseph Wu nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao: “Theo hiểu biết hạn chế của tôi về việc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang theo dõi diễn biến ở khu vực này, họ thấy rõ nguy cơ Trung Quốc có thể phát động một cuộc tấn công nhắm vào Đài Loan”.

    Ông nói thêm: “Chúng tôi chắc chắn sẵn sàng tự vệ và chúng tôi sẽ chiến đấu nếu cần. Và nếu chúng tôi cần tự vệ đến ngày cuối cùng, chúng tôi sẽ tự vệ đến ngày cuối cùng”.

    Hoa Kỳ, nước cung cấp vũ khí và là quốc gia hậu thuẫn quan trọng nhất của Đài Loan, đã thúc đẩy Đài Bắc hiện đại hóa quân đội để chống lại khả năng tấn công của Trung Quốc.

    Ông Wu cho biết Đài Loan quyết tâm cải thiện khả năng quân sự và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

    “Việc bảo vệ Đài Loan là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách để cải thiện khả năng phòng thủ của mình”.

    Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết sẽ tổ chức tám ngày tập trận trên máy tính trong tháng này, với giả định là một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan. Đây là giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận hàng năm lớn nhất của Đài Loan.

    Giai đoạn thứ hai, bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật, sẽ diễn ra vào tháng Bảy.

    Covid-19 : Thế giới có hơn 3 triệu người chết, dịch tái bùng phát mạnh ở nhiều nước

    Dịch Covid-19 đã khiến khoảng 3 triệu người chết trên thế giới tính đến ngày 06/04/2021, theo số liệu của Reuters. Chiến dịch tiêm chủng giúp một số nước giảm được đà lây nhiễm của virus corona, nhưng tại nhiều quốc gia, dịch tái bùng phát nghiêm trọng hơn trước.

    Brazil chiếm đến một phần từ số ca tử vong mới hàng ngày trên thế giới, đặc biệt là có đến gần 4.200 người chết trong vòng 24 giờ, một kỉ lục đáng buồn mới, theo số liệu ngày 06/04 của bộ Y Tế Brazil. Tại đa số các vùng, bệnh viện đã bị quá tải. Sao Paulo phải trưng dụng cả xe buýt đưa đón học sinh để chở người chết vì Covid-19.

    Số ca nhiễm mới trong một ngày cũng tăng kỉ lục tại Achentina và Ấn Độ, lần lượt là 20.870 và hơn 115.000 ca. Theo một số quan chức y tế, nguyên nhân có thể là do hai biến thể Anh và Nam Phi, cũng như tình trạng mệt mỏi của người dân vì các biện pháp hạn chế.

    Pháp ở mức đỉnh dịch như cách đây một năm

    Khu vực châu Âu, gồm 51 quốc gia, có gần 1,1 triệu ca tử vong vì Covid-19, chiếm gần 1/3 tổng số ca trên thế giới, trong đó 5 nước bị nặng nhất là Anh, Nga, Pháp, Ý và Đức. Số giường hồi sức cấp cứu tại Pháp đã hoàn toàn bị quá tải (5.626 bệnh nhân), chiếm 111,2% và đạt đến mức đỉnh điểm tương đương với gần đúng cách đây một năm (ngày 20/04/2020). Số ca tử vong tại Pháp từ đầu mùa dịch là 97.301, tăng thêm 409 ca trong vòng 24 giờ.

    Chiến dịch tiêm chủng tại Pháp được tăng tốc nhờ trung tâm tiêm chủng đặt tại sân vận động Stade de France (ngoại ô Paris) bắt đầu hoạt động từ ngày 06/04 với khả năng tiêm chủng 10.000 mũi mỗi tuần. Bẩy quân y viện trên khắp nước Pháp cũng tham gia chiến dịch tiêm chủng và có khả năng chích 50.000 mũi hàng tuần.

    Trên đài truyền hình LCI ngày 06/04, bộ trưởng đặc trách Công Nghiệp Pháp cho biết, khoảng 250 triệu liều vac-xin sẽ được sản xuất trên lãnh thổ Pháp từ nay đến cuối năm 2021. Kế hoạch nằm trong chiến lược sản xuất đại trà vac-xin của Pháp, cũng như của Liên Hiệp Châu Âu.

    Chiến dịch tiêm chủng tại Pháp nói riêng và tại Liên Hiệp Châu Âu nói chung có thể không bị tác động dù một quan chức của Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu khẳng định mối liên hệ giữa vac-xin AstraZeneca với vài chục ca tử vong vì đông máu sau khi tiêm vac-xin của hãng được Anh và Thụy Điển. Trong khi đó, ngày 06/04, Tổ Chức Y Tế Thế Giới vẫn thiên về cán cân lợi ích- rủi ro khi đánh giá « những lợi ích (của vac-xin AstraZeneca) rất quan trọng về mặt giảm tỉ lệ tử vong trong số những người được tiêm chủng ».

    Hiệp định hạt nhân Iran: Ngày họp lại đầu tiên đạt kết quả mang tính “xây dựng”

    Các quốc gia ký kết thảo thuận hạt nhân Iran năm 2015 đều đã đến họp tại Vienna, thủ đô nước Áo, vào ngày hôm qua, 06/04/2021, kể cả Hoa Kỳ, nước đã rút ra khỏi thỏa thuân vào năm 2018. Cuộc họp lại được coi là bước đầu ngoại giao nhằm cứu vãn hiệp định.

    Cho dù Mỹ và Iran không trực tiếp đàm phán với nhau, theo đánh giá của đại diện Liên Hiệp Châu Âu chủ trì cuộc tiếp xúc thì ngày họp đầu tiên này đã có kết quả mang tính “xây dựng”.

    Từ Vienna, thông tín viên RFI Isaure Hiace cho biết thêm chi tiết:

    Trong cùng một thành phố, nhưng không cùng trong một phòng. Tại Vienna, Hoa Kỳ và Iran không đàm phán trực tiếp với nhau mà thông qua trung gian các quốc gia khác đã ký kết thỏa thuận, đi đầu là các nước châu Âu.

    Hôm qua, đại diện những nước vẫn còn ở trong thỏa thuận là Nga, Trung Quốc, Iran, cũng như là Anh, Pháp, Đức đã ngồi lại với nhau, một mặt để bàn về việc bãi bỏ trừng phạt của Mỹ đã tái lập vào năm 2018, và mặt khác là xem xét việc Iran thực hiện những cam kết mà quốc gia đã bỏ dần từ năm 2019.

    Theo đại sứ Nga bên cạnh các tổ chức quốc tế ở Vienna, đây là một ngày họp “có kết quả”. Ông Mikhail Ulyanov đã giải thích rằng hai nhóm chuyên gia sẽ phải làm việc trên hai khía cạnh kể trên và sẽ phải xem những biện pháp cụ thể nào mà Washington và Teheran cần đưa ra để tái lập lại việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận.

    Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục tại thủ đô Áo trong những ngày tới đây. Ông Enrique Mora, phó tổng thư ký Cơ Quan Hoạt Động Đối Ngoại của Liên Hiệp Châu Âu, người đã chủ trì cuộc họp hôm qua nhân danh Liên Âu, sẽ gia tăng các cuộc tiếp xúc riêng với tất cả các bên tại Vienna, kể cả với Hoa Kỳ.

    Người biểu tình Myanmar đốt cờ Trung Quốc vì ủng hộ chính quyền quân sự

    Người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường vào ngày 6, phun sơn đỏ xuống các tuyến đường ở một số thành phố để phản đối cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền quân sự. Ngoài ra những lá cờ đỏ năm sao của ĐCSTQ cũng bị người dân đốt trên các đường phố để thể hiện sự bất mãn của họ đối với những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc cản trở các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với chính quyền quân sự Myanmar, theo Sound Of Hope.

    Cho đến nay, cuộc đàn áp bạo lực của chính quyền quân sự Myanmar, đã khiến khoảng 570 người chết và gần 3.500 người bị bắt, bao gồm cả diễn viên hài nổi tiếng Myanmar, Zarganar, cũng bị bắt vào ngày 6. Tuy nhiên, vụ trấn áp không khiến người dân Myanmar sợ hãi, nữ diễn viên Myat Noe Aye, người bị chính quyền quân sự Myanmar đưa vào danh sách truy nã, đã đăng một video lên Twitter vào ngày 6, nói rằng cô tự hào vì đã làm điều đúng cho đất nước.

    Theo báo cáo của Reuters, tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, người dân đã xịt sơn đỏ lên các bến xe buýt, vỉa hè và đường phố để phản đối sự trấn áp của lực lượng an ninh. Một trong những khẩu hiệu có ghi: “Đừng giết người vì tiền công rẻ như giá thức ăn cho chó”.

    Một cuộc biểu tình khác được tổ chức vào ngày 7/4 cũng kêu gọi đốt hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Nhiều người biểu tình Myanmar tức giận với chính quyền ĐCSTQ vì họ cho rằng ĐCSTQ đang ủng hộ việc đàn áp của chính quyền quân sự Myanmar.

    Một số nước phương Tây đã nhiều lần lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người tham gia cuộc đảo chính. Tuy nhiên, Trương Quân, đại diện thường trực của ĐCSTQ tại Liên hợp quốc, cho biết tại một cuộc họp kín của Liên hợp quốc rằng “các lệnh trừng phạt sẽ chỉ làm gia tăng thêm mâu thuẫn”.

    Một cư dân mạng Facebook với tên tài khoản “Pyae Sone Aung Aung” cho biết trong một bài đăng rằng, ĐCSTQ đang bảo vệ những tội ác giết người của chính quyền quân sự Myanmar tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cư dân này còn cảnh báo chế độ ĐCSTQ, “Đừng quên rằng bạn đang làm ăn ở Myanmar, chúng tôi nhắc bạn một lần nữa”.

    Niềm tin của người dân Mỹ vào Big Tech rớt xuống mức kỷ lục, đặc biệt là mạng xã hội


    Hãng tư vấn quan hệ công chúng quốc tế Edelman đã phát hành kết quả khảo sát toàn cầu hàng năm của họ mang tên ‘Trust Barometers.’ Niềm tin của người Mỹ vào lĩnh vực công nghệ đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, ở mức chỉ 57%. Cho dù là các hãng công nghệ hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ 5G, thực tế ảo VR hay Vạn vật Kết nối Internet of Things, mức độ tín nghiệm đối với tất cả các lĩnh vực này đã sụt giảm trên toàn cầu. Cuộc khảo sát có sự tham gia của 31.000 người đến từ 27 quốc gia.

    Ngoài Mỹ, niềm tin của công chúng vào công nghệ suy giảm ở 17 trong số 27 quốc gia được khảo sát , bao gồm Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Mexico và Brazil. Tại Mỹ, niềm tin vào lĩnh vực này đã giảm 9 điểm phần trăm so với năm ngoái. Khách hàng nhìn nhận ngành công nghệ kém tích cực hơn ngành bán lẻ, sản xuất và chăm sóc sức khỏe. Các mạng xã hội thậm chí còn tệ hại hơn. Họ xếp cuối cùng dưới tất cả các hạng mục khác ở mức 47%.

    Hãng tư vấn Edelman tổng kết kết quả khảo sát như sau:

    “Nếu không có một nguồn lãnh đạo đáng tin cậy, mọi người sẽ không biết lấy thông tin đáng tin cậy ở đâu hoặc từ ai. Bệnh dịch toàn cầu đã khiến lòng tin vào tất cả các nguồn tin tức rớt xuống mức thấp kỷ lục, trong đó mạng xã hội xuống 35 điểm phần trăm và các kênh truyền thông sở hữu như các fanpage trên Facebook hoặc Youtube rớt xuống mức 41 phần trăm, từ đó trở thành những nguồn ít được tin cậy nhất; các kênh truyền thông truyền thống (53%) chứng kiến ​​sự sụt giảm niềm tin lớn nhất ở mức 8 điểm phần trăm trên toàn cầu”.

    Điều thú vị là ngành công nghiệp công nghệ là lĩnh vực ‘đáng tin cậy nhất’ vào năm 2020. Cuộc khảo sát hiện tại đặt nó ở vị trí thứ chín. Theo Edelman, lý do lớn nhất dẫn đến sự suy giảm lòng tin của công chúng là do lo ngại về quyền riêng tư, sự thiên vị trong AI và thông tin sai lệch lớn trên các nền tảng ngày càng gia tăng. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng gần một nửa số người Mỹ sợ rằng tự động hóa và các công nghệ khác sẽ cướp mất công việc của họ.

    Việc đàn áp các kênh truyền thông cánh hữu trong và sau cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 và lệnh cấm của các mạng xã hội đối với sự tham gia của TT Trump có thể góp phần vào nhận thức tiêu cực về các hãng công nghệ lớn (hay còn gọi là Big Tech) ở Hoa Kỳ. Hãng Edelman gợi ý rằng Big Tech có thể triển khai các nguyên tắc sau để nâng cao lòng tin của công chúng: hệ thống hóa niềm tin thông qua ‘khả năng giải thích’ và ‘sự công bằng’; tăng cường sự thịnh vượng được chia sẻ thông qua các kỹ năng và công việc mới; đồng thời gia tăng tính đa dạng, hòa nhập và công bằng. Công ty đã yêu cầu các CEO công nghệ dẫn đầu về các vấn đề như tự động hóa, tăng cường kỹ năng và công nghệ AI.

    Một cuộc khảo sát khác được công bố vào đầu tháng 3 do SEO Clarity thực hiện cho thấy Google là công ty công nghệ đáng tin cậy nhất ở Hoa Kỳ, đánh bại Facebook và TikTok. Tuy nhiên, 69% số người tỏ ra lo lắng về việc Google đang thu thập dữ liệu cá nhân của họ. Khoảng 28% những người tham gia đã nói thẳng rằng Google không minh bạch khi liệt kê một quảng cáo.

    Chính quyền Biden và lĩnh vực công nghệ

    Cuộc khảo sát diễn ra khi Tổng thống Biden đề cử ứng viên tuổi gây tranh cãi Lina Khan vào Ủy ban Thương mại Liên bang. Khi còn là sinh viên tại Yale vào năm 2017, Khan đã viết bài báo có tựa đề ‘Nghịch lý chống độc quyền của Amazon’.

    Là một nhà chỉ trích gay gắt ngành công nghệ, Khan lập luận rằng các nền tảng có thể kiểm soát cơ sở hạ tầng thiết yếu mà các đối thủ cạnh tranh của họ phụ thuộc vào. Thực tế đó cho phép các nền tảng này có được lợi thế khai thác trước các đối thủ của họ. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp đã chỉ trích Khan là người theo chủ nghĩa lý tưởng.

    Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Utah Mike Lee cho hay:


    “Quan điểm của cô ấy về việc thực thi chống độc quyền cũng rất lạc hậu với cách tiếp cận thận trọng đối với luật pháp. Việc đề cử bà Khan là một tín hiệu cho thấy Tổng thống Biden có ý định đặt hệ tư tưởng và chính trị lên trước, ưu tiên chúng trước, còn việc chống độc quyền sẽ phải theo sau, điều này sẽ gây thất vọng nghiêm trọng vào một thời điểm cực kỳ then chốt khi chúng ta phải có một sự lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả tại các cơ quan thực thi pháp luật”.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào