Header Ads

  • Breaking News

    Lê Văn Ngọc - Xuyên tạc lịch sử và tha hoá giáo dục

     


    Nhân đọc bài “Về việc dạy học lịch sử nhà Nguyễn dưới thời chính quyền Saigon ở miền Nam Việt Nam”.

                                    Khi tôi tò mò đọc một tập tham luận về “Lịch sử nhà Nguyễn – một cách tiếp cận mới” của nhà xuất bản “Đại học Sư phạm” để xem những nhận định mới của các nhà giáo dục cùng các sử gia VC nhìn nhận lịch sử và dạy sử như thế nào cho các học sinh và sinh viên ngày nay ở trong nước.

                    Phải kể lối làm việc tập thể của Việt Cộng trong nước, khiến có tác phẩm đồ sộ về hình thức. Ở Vệt Nam Cộng Hoà trước, cũng như nhiều nước thế giới Tự do, không thiếu những tập hợp các bài viết về một chủ đề của nhiều tác giả, nhưng nó khác của Cộng Sản ở chỗ mỗi tác giả là một góc nhìn và nhận định riêng, chứ không thống nhất tư tưởng chỉ đạo như của Cộng sản. Điển hình là tác phẩm “Lịch sử nhà Nguyễn, một cách tiếp cận mới” mà chúng tôi đề cập ở đây. Ở tác phẩm này đúng là được viết theo tư tưởng chủ đạo: “Với tinh thần trách nhiệm trong việc góp phần đào tạo thế hệ trẻ, với trình độ tư tưởng, khoa học, nghiệp vụ của những nhà sử học và giáo dục lịch sử một vấn đề khó, phức tạp như vấn đề thời Nguyễn sẽ được giải quyết dần trên cơ sở chủ nghĩa Mac Lênin, tư tưởng Hổ Chí Minh, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà Nước” (1).

                    Tính chất xuyên suốt về lập trường Cộng Sản này tạo nên sức mạnh cho Đảng, nhưng lại thui chột tư tưởng của người dân. Việc ví von cán bộ văn hoá Cộng Sản là những cái lưỡi gỗ chưa thể nói lên hết tính chất vong thân của lớp người làm văn hoá Cộng Sản.

                    Và họ đã táo tợn phê bình đả kích giáo dục của miền Nam – VNCH. Riêng biệt là lịch sử, trong bài tham luận có tựa đề: “Về việc dạy học lịch sử nhà Nguyễn dưới thời chính quyền Saigon ở Miền Nam Việt Nam” của một ông có học hàm Thạc sĩ tên là Nguyễn Thành Phương.(*)

                    Hiển nhiên là ở ngoại quốc mà viết bài phản bác về việc truyền đạt lịch sử sai lầm cho những thế hệ trẻ, mới xem ra dường như là vô ích, đôi khi còn phí phạm thời gian, vì chắc chắn rằng họ không đọc để nhận ra những sai lầm cố ý và võ đoán (nói một cách thô lỗ thì là “hãm hiếp lịch sử”).

                    Tuy nhiên viết để những người cùng một tần số, những người đã học và đã dạy trong những mái trường Trung học và Đại học của Việt Nam Cộng Hoà thấy rõ sự phá hoại văn hoá của Cộng Sản đối với những người Việt truyền thống như thế nào, để may ra những thế hệ sau có dịp đối chiếu mà xây dựng một nền văn hoá đích thực cho dân tộc Việt Nam ở mai hậu.

                    Có lẽ, những người chủ biên quyển sách trên cũng rất hãnh diện khi tập hợp toàn là bài của các giáo sư dạy sử trong nước với các học vị toàn là Tiến sĩ, Giáo sư, mà bét nhất cũng là Thạc sĩ. Những nhà khoa bảng này chắc hẳn đều do các trường Xã hội chủ nghĩa trong nước đào tạo. Ngày trước những người như Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Huệ Chi, còn có cơ bản Tây học, nghĩa là văn hoá tư sản. Xác định cơ bản học vấn của tác giả, ta mới thấy được tính chất “nói mò” và mục tiêu đả kích, ngụy trang dưới một bài tham luận gọi là có tính chất “bác học”.

                    Toàn bài tham luận dựa trên một định đề: Chính quyền VNCH dùng sử học để biện minh cho việc duy trì chính quyền và chống Cộng. Chủ đích bôi nhọ VNCH là đường lối chung của ban Tuyên Giáo CS. Chống lưng cho mọi hành vi chính trị của Đảng. Sự độc quyền văn hoá của Đảng thể hiện ở hai mặt: tích cực và tiêu cực. Ở mặt tích cực là bịa đặt những sự kiện chính trị, lịch sử và văn hoá để cho đối phương bị xuất hiện trước lịch sử như một khuôn mẫu và nguyên nhân xấu xa nhất, khiến cho sự nguyền rủa của Đảng lôi kéo nhân dân về phe là hợp lý và phải đạo. Việc khép tội mà không cho nạn nhân được phản bác hay chứng minh sự trong sạch, vô tội của mình trước pháp luật và dư luận, là mục đích của ban tuyên giáo chỉ muốn nô lệ hoá tinh thần của người dân, hòng dễ sai khiến.

                                    Tác giả là Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương đã mở đầu bài tham luận với một định đề gian lận, sai lầm mà không cho độc giả được hoài nghi: “Giai cấp thống trị từ thời Cổ Đại, khi sử học ra đời, đã dùng sử học để củng cố quyền lực của mình đối với nhân dân, theo nguyên lý phương pháp luận ấy, chúng ta nhận thấy: Chính quyền Saigon ngay sau khi được Đế Quốc Mỹ dựng lên và bảo vệ bằng súng đạn và đô-la của Oasinhtơn đã sử dụng lịch sử như một công cụ để củng cố Ngụy quyền và tiến hành “chống Cộng””.

                    Những kiến thức về sử và chính trị được nhồi nhét vào đầu những trí thức Cộng sản đã gần như một thứ “kinh điển” để chỉ có tin tưởng và lập lại cho lớp sau. Vì không có thảo luận nên thật sự quan niệm về đấu tranh giai cấp là sai lầm trong lịch sử VN. Nếu nhìn kỹ, xã hội Việt Nam trong lịch sử không có giai cấp cụ thể được tổ chức như Marx quan niệm để đấu tranh giành chính quyền mà làm cách mạng vô sản. Những cuộc nổi loạn trong lịch sử của ta, tuy có nông dân can dự, nhưng chỉ là những tranh chấp của những người có tham vọng phú quý. Những khẩu hiệu”cứu dân”, “công bằng xã hội”, “lấy của người giàu cho kẻ nghèo” chỉ nhằm để mê hoặc quần chúng, lôi kéo họ làm lực lượng lót đường cho mình. Tương quan giữa người dân và các tướng quân không có quyền lợi giai cấp. Thực trạng được là Vua, thua là giặc, là bản chất của những cuộc loạn lạc trong lịch sử VN. Tây Sơn khi diệt được Chúa Nguyễn ở miền Nam thì ba anh em chia nhau làm Vua của nước Việt. Đến khi Vua Gia Long thống nhất sơn hà thì “giặc Tây hay Ngụy Tây” bị tận diệt. Dân chúng vẫn được chiêu an để làm con dân Hoàng triều nhà Nguyễn.

                    Điều khẳng định rẻ tiền của N.T.P. rằng chế độ VNCH dùng sử học để biện minh cho việc duy trì chế độ và chống Cộng là hoàn toàn bịa đặt và không có cơ sở: “Các sử gia miền Nam thời kỳ Ngô Đình Diệm đã “chứng minh” rằng: trong lịch sử của dân tộc VN đã nhiều lần bị chia cắt. Nếu chỉ kể trong 100 năm độc lập dưới chế độ Phong Kiến dân tộc, thì VN đã 3 (ba) lần bị chia cắt lớn: Thời kỳ 12 sứ quân; thời Nam Bắc triều và thời Trịnh Nguyễn phân tranh; nêu điều này các nhà sử học và giáo dục lịch sử ở miền Nam thời chính quyền Mỹ Ngụy muốn khẳng định rằng, việc “chia cắt” đất nước là điều không có gì mới lạ, và lúc bấy giờ việc Mỹ chia cắt VN, biến vỹ tuyến 17 từ giới tuyến quân sự tạm thời thành “biên giới của Hoa Kỳ ‘’ kéo dài đến đây để chống lại “miền Bắc Cộng Sản” và cả thế giới Cộng Sản, là điều không có gì đáng ngạc nhiên”.

                    Phải! không có gì đáng ngạc nhiên khi vào thời kỳ ấy, miền Bắc luôn luôn nói rằng cuộc chiến tranh ở miền Nam “hoàn toàn” do mặt trận Giải phóng nổi lên chống phá chính quyền. Điều đáng ngạc nhiên là với một kiến thức sử học nông cạn và khả năng tư duy về lịch sử kém cỏi đến vậy mà dám viết tham luận để dạy dỗ những người ở miền Nam, xuất thân từ nền giáo dục VNCH.

                    Nói đến sự ngu dốt sơ đẳng về lịch sử chia cắt đất nước – Hãy cứ bỏ qua ý hướng tuyên truyền của Tuyên giáo Cộng Sản- ta thấy ông “thạc sĩ” Nguyễn này không hề đọc lịch sử (ít ra là lịch sử thời nhà Lê) và biết làm tính cộng, tính trừ. Nó cũng “bác học” như ông Võ Nguyên Giáp đòi đánh Mỹ “một triệu năm”.

                    Căn cứ theo quyển “Sử lược” của Trần Trọng Kim, thì hai cuộc Nam Bắc phân tranh và Trịnh Nguyễn phân tranh được diễn ra từ năm 1528 đến năm 1802, (con toán trừ sơ đẳng là 274 năm, nói tròn là 250 năm, vì đã có một thời thống nhất ngắn ngủi là nhà Tây Sơn.)

                    Từ cuộc loạn Sứ Quân xảy ra vào những năm: “Thập Nhị Sứ Quân (945-967)… Những sứ Quân ấy cứ đánh lẫn nhau, làm cho dân gian khổ sở. Sau nhờ có ông Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đem quân đi đánh, mới dẹp xong các loạn Sứ Quân, đem giang sơn lại làm một mối, và lập nên cơ nghiệp nhà Đinh vậy” (2). Hai sự kiện “loạn Sứ Quân” và “Nam Bắc phân tranh” cách nhau gần một nghìn năm mà ông “Thạc sĩ” Nguyễn dám viết: “Nếu chỉ kể 100 năm độc lập dưới chế độ Phong kiến dân tộc, thì VN đã ba (3) lần bị chia cắt”.

                    Ba sự kiện chia cắt đất nước trong lịch sử Việt Nam cũng mang tính chất khác nhau. Ở thời loạn Sứ Quân, không có vấn đề chia cắt, mà là cát cứ: mỗi ông Sứ Quân chiếm một vùng rồi đánh diệt lẫn nhau, để mong mở mang lãnh thổ của mình. Ông Đinh Bộ Lĩnh cũng gặp may khi đánh diệt được các ông Sứ Quân khác, chứ chưa chắc đã có lòng yêu nước, thương dân gì mà mưu cầu đem lại hoà bình thống nhất cho đất nước.

                    Cuộc tạm phân Nam Bắc triều giữa nhà Mạc và nhà Hậu Lê chỉ nên coi là một “tạm ước” bất thành văn để ngưng chiến chờ cơ hội, mà cả hai bên đều củng cố lực lượng để xé thỏa ước khi đã đủ sức mạnh, đưa đến việc nhà Mạc diệt vong cho nhà Lê Trung Hưng.

                    Cuộc chia cắt đúng nghĩa chính là “Trịnh Nguyễn phân tranh”, nên có tên là “Đàng Ngoài”, “Đàng Trong”. Như vậy chiến sự ở 3 cuộc gọi là “chia cắt” rất khác nhau. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê xong, lên ngôi cai trị toàn cõi Việt Nam thời ấy, kể cả những khu đất như châu Ô, châu Ri đã xáp nhập vào nước Việt. Rồi những người trung thần của nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim, đi tìm con cháu nhà Lê, lập nên làm Vua, rồi đem quân đánh Mạc Đăng Dung để lập lại nước cho vua Lê. Lúc ấy, kể từ Thanh Hoá vào Nam là quân nhà Hậu Lê gọi là Nam Triều; Từ Sơn Nam ra Bắc thuộc về họ Mạc gọi là Bắc Triều. Hai bên rình cơ hội để tiêu diệt nhau. Và cơ hội đã về nhà Lê, nên Trịnh Kiểm thu phục được Bắc Hà, đuổi họ Mạc lên Lạng Sơn, dựng lại nước cho nhà Lê gọi là nhà Hậu Lê. Như thế việc chia cắt không hề có sự thoả thuận của hai bên, mà chỉ là do tình hình chiến sự mà tạm ngưng chiến để chờ cơ hội.

                    Còn “Trịnh Nguyễn phân tranh” có thời gian rất dài kể từ năm 1600 đến khi vua Gia Long thống nhất 1802 là 202 năm, lấy sông Gianh làm biên giới hai nước Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đàng Ngoài thì họ Trịnh luôn lấy danh nghĩa Vua Lê để đánh phạt họ Nguyễn ở Đàng Trong.

                    Như vậy, không thể có một thứ tư duy coi việc chia cắt là một hiện tượng lịch sử được lập lại theo chu kỳ lịch sử. Cái ý tưởng kỳ quái về chu kỳ lịch sử này hoàn toàn là do mấy “sử gia” Cộng Sản ấn định. Người ta có thể nói rằng “lịch sử lập lại”, nhưng đó là đại để và luôn luôn có những yếu tố thời đại khác nhau nơi những hiện tượng lịch sử xem ra như là “lập lại”. Lịch sử thuộc khoa học nhân văn, không thể xác định quy luật và chu kỳ gì gì được. Cho nên nói: “Các sử gia miền Nam quan niệm lịch sử được lập lại theo chu kỳ lịch sử” là điều bịa đặt.

                    Miền Nam quan niệm sử học là một khoa học nhân văn. Việc tiếp cận với lịch sử nếu có liên can đến giáo dục là muốn hiểu biết công nghiệp cũng như lịch sử của tổ tiên trong công việc dựng nước và giữ nước. Việc giáo dục lịch sử là để truyền đạt những công nghiệp của tổ tiên cùng những bài học lịch sử như là một kinh nghiệm cho con cháu hun đúc tinh thần yêu nước cùng vẹn nghĩa đồng bào. Giáo dục lịch sử ở Miền Nam lúc ấy đã trình bày cho người dân xuyên qua các người đi học, kẻ thù truyền kiếp là người Tầu phương Bắc và sau này là Thực dân Pháp đã cướp nước ta vào thời nhà Nguyễn để khai thác thuộc địa. Học đường VNCH thời ấy không dạy lịch sử hiện đại. Quyển sách mà nhiều nhà dạy sử VN dựa vào để dạy là quyển “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim (được Trung tâm Học liệu tái bản tại Saigon thập niên 60) cũng dừng lại ở năm Nhâm Dần (1902) Cụ Trần đã có ý kiến về giai đoạn hiện đại của sử VN như sau: “Sách VNSL này chép đến đây hãy tạm ngừng, để sau có tài liệu đầy đủ và các việc biến đổi ở nước VN này được rõ rệt hơn, sẽ làm tiếp thêm”. (Cụ Trần chú thích thêm): “Trước kia tôi đã dự bị viết một quyển sử nối theo sách này, Tôi đã thu nhặt được rất nhiều tài liệu. Chẳng may đến cuối năm Bính Tuất (1946) có cuộc chiến tranh ở Hanoi, nhà tôi bị đốt cháy, sách vở mất sạch, thành ra đành bỏ quyển sử ấy, không làm được nữa.”

                    Quan niệm về sử của cụ Trần Trọng Kim được các nhà dạy sử của VNCH trân trọng vì đã nêu lên được chương trình giáo dục nhân bản của VNCH: “Có một điều thiết tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ bại đi, và bắt chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân cách đặc biệt của dân tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu quả mỹ mãn.”(3).

                    Một bộ sử khác của sử gia quân đội Phạm văn Sơn, tuy đồ sộ, nhưng cũng chỉ như khai triển bộ sử của Trần Trọng Kim, dù rằng có một số ý kiến phê bình, nhận định tiến bộ hơn.

                    Nói tóm lại, chính quyền VNCH không muốn, và không hề dùng sử học như một võ khí tuyên truyền hay biện minh cho những chính sách trị nước của mình. Lại còn chủ trương tách rời chính trị khỏi học đường được thi hành rất nghiêm túc, do đấy đã sinh ra tình trạng yếu kém về chính trị, mà phần lớn sinh viên và học sinh sống trong chế độ tự do, ngày đêm quân đội và công chức phải chống trả sự phá hoại, đánh phá của Cộng Sản, không biết rõ Cộng Sản là gì, nên vẫn có phản ứng tiêu cực với chính quyền chống Cộng. Sở dĩ Cộng Sản gài được những học sinh, sinh viên của chúng vào nằm vùng trong học giới VNCH vì chính hàng ngũ sinh viên học sinh của VNCH không hiểu biết gì về chính trị và chủ trương đánh phá, cướp chính quyền của Cộng Sản.

                    Thủ đoạn rất “khôn ngoan” nhưng đê hèn của tuyên giáo Cộng Sản là lừa đảo và bịa đặt. Nói dối thật sự chưa nặng ký bằng bịa đặt lịch sử để vu oan cho đối phương (VNCH) cũng như tự phong thần cho mình mà không cần biết đến sự thật, công bằng và hợp lý.

                    Ông “Thạc sĩ” Việt Cộng Nguyễn Thành Phương viết: “Cái “luận lý logic” về lịch sử này nhằm chạy tội cho Mỹ Ngụy, những thủ phạm chính của việc chia cắt đất nước. Nguy hiểm hơn, cái “luận điệu lịch sử” để “biện minh cho hiện tại” như trên được không ít tờ báo, tập san lịch sử, sách giáo khoa lịch sử của miền Nam thời kỳ Mỹ Ngụy sử dụng gây cho người đọc, học sinh nhận thức rằng: “đất nước chia cắt rồi cũng được thống nhất và sự thống nhất ấy bao giờ cũng thực hiện từ Nam ra Bắc””.

                    Chỉ một đoạn ngắn này thôi, ta đã thấy sự nguy hiểm, vô liêm xỉ của những tên gọi là “sử gia” Cộng Sản khi nói về việc dạy sử cho học sinh, sinh viên ở miền Nam VNCH (Ở Đại Học Văn Khoa, chỉ có những sinh viên nào chọn học Cử nhân Sử Địa mới học sử).

                    Tất cả mọi văn kiện, thông tin về diễn tiến của “Hội nghị Genève” vẫn còn lưu trữ, ngoại trừ ở các văn khố Việt Cộng, và sau này những bản lưu trữ của văn khố VNCH đã bị VC tiêu hủy, hay đào sâu chôn chặt sau 1975 khi cưỡng chiếm miền Nam. Sở dĩ VC phải hủy diệt và cấm nhân dân tiếp xúc với chính trị, trừ việc mê tín vào chủ nghĩa Cộng Sản. May mắn cho những người lớn tuổi ở Miền Nam là hãy còn giữ được những kiến thức cùng thông tin xác thực của thời VNCH, nên dễ dàng nhận rõ sự bịa đặt xuyên tạc, vu cáo, lừa đảo lịch sử của bọn tuyên giáo Việt Cộng ngày nay.

                    Nói đến việc vu cáo cho Chính phủ Việt Nam lúc đó do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chấp chính đã cùng với Mỹ chia cắt VN ở Hội nghị Genève, có hai vấn đề để thảo luận: Một là, sự thật rằng thế lực nào chủ trương và quyết định chia cắt VN? Hai là lý do tên “Thạc sĩ” Nguyễn đã đưa ra thông tin sai lạc để củng cố lập luận sai trái về việc dạy sử ở VNCH.

                    Trước hết, nếu theo lý luận của Việt Cộng, việc chia cắt đất nước là do phía VN cùng Mỹ chủ trương và quyết định để biến VN thành tiền đồn chống Cộng, thì tại sao cả Mỹ và Việt Nam đều không ký vào Hiệp định Genève? Cho nên theo Hiệp định, sau 2 năm sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đáo hạn, miền Nam lúc ấy đã thành Việt Nam Cộng Hoà với Tổng Thống là Ngô Đình Diệm lấy lý do không ký vì không tán thành Hiệp định Genève chia đôi đất nước, nên không liên can đến việc Tổng tuyển cử ấy.

                    Không đứng trên phương diện học thuật để phê bình bài tham luận quá yếu kém, không đủ trình độ để được xếp vào Đại Học. Vì thế, những tài liệu được dùng hoàn toàn không kiểm chứng. Điều này dễ hiểu, vì các giới nghiên cứu văn hoá ở chế độ Cộng Sản, ngay cả khoa học cũng không được sử dụng tài liệu của các nước tư bản mà họ gọi là phản động. Nếu có tài liệu có lợi cho Việt Cộng cũng không được tự do dùng, mà phải do Tuyên giáo duyệt trước. Nói một cách khác thì dù có đến cả ngàn bài tham luận với nhiều tác giả khác nhau, cũng chỉ thống nhất một lập trường, một nguồn tài liệu gốc đã được sàng lọc sạch sẽ, kỹ lưỡng sao cho có lợi cho Đảng.

                    Cho nên có thể rất “thơ ngây”, ông “Thạc sĩ” Nguyễn coi bài tham luận của mình là đúng lịch sử, như lời “Bác Hồ” kính yêu của ông đã dạy: biến những điều tốt của kẻ thù (dù kẻ thù đây là đồng bào với họ) thành xấu; điều xấu thành tệ. Chủ trương hạ cấp, gian xảo này tưởng rằng chỉ có ở thời chiến, thế mà nay hoà bình đã lập lại hơn 40 năm (căn cứ vào sách xuất bản năm 2010), vẫn còn tôn thờ chủ trương vô lại ấy.

                    Sự thực thì phe chủ trương chia cắt chính là Việt Minh lúc ấy đang ở trong khối Cộng với hai đàn anh lớn là Trung Cộng và Liên Xô nuôi và chống lưng. Quyết định chia cắt được cả hai bên tham chiến là Pháp và Việt Minh thảo luận trên cương lĩnh phân chia diện địa để tìm một sự ngưng bắn. Pháp đã cưỡng ép Việt Nam bằng lòng với giải pháp chia cắt, nhưng phe Vịt Nam lúc ấy đã được Mỹ giúp đỡ ông Ngô Đình Diệm nên không muốn chia cắt. Cuối cùng thì “cò kè bớt một thêm hai”, thoả thuận chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 đã được Pháp và Việt Minh ký, mà không cần được sự đồng ý của Việt Nam. Phái đoàn VN do Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ đã không ký vào bản Hiệp định Genève cũng như Mỹ. Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn sử của học giả Nguyễn Thuyên trong quyển “Việt Nam, điêu tàn, bất hạnh” đã căn cứ vào nhiều nguồn tài liệu của Tây phương nói rất kỹ về chủ trương chia cắt đất nước này của Hồ Chí Minh với sự chống lưng của phe Cộng:

                    “Có sử gia lại nói: chính Cộng Sản VN muốn ký hiệp ước vì sợ đằng sau nước Pháp còn có Mỹ, phải ngưng chiến để không cho Mỹ có lý do can thiệp vào VN. Ông William J. Duiker trong cuốn “The Communist Road to Power in Vietnam” kể rằng: “Hồ Chí Minh đã mất công thuyết phục cánh chủ chiến trong Đảng Cộng Sản, trong phiên họp Trung Ương đảng vào tháng 7 năm 1954” (Hiệp Định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954). Hồ Chí Minh nói rằng: những người trong Trung Ương Đảng muốn tiếp tục chiến tranh không nhìn thấy mối nguy là quân Mỹ có thể sẽ nhẩy vào VN giúp Chính phủ Quốc Gia của Bảo Đại thay chỗ của Pháp”. Lúc đó sẽ gặp nhiều khó khăn”.

                    Ông Duiker cũng cho là vì lo ngại Mỹ sẽ nhúng tay trực tiếp nên Hồ Chí Minh đã lựa chọn giải pháp chia đôi VN, thay vì giải pháp ngưng bắn tại chỗ, mỗi bên giữ phần đất mình đang kiểm soát.

                    Như vậy thì việc ký Hiệp định Genève một phần là do Hồ Chí Minh lo sợ nếu tiếp tục chiến tranh thì Mỹ sẽ can thiệp, mà sức lực Việt Minh lúc đó đang yếu; một phần khác cũng vì chủ trương ôn hoà của Nga Xô khiến cho Hồ Chí Minh lo ngại nếu không theo thì sẽ không còn được Nga và Trung Quốc viện trợ như trước nữa”. (4)

                    Lại một tài liệu khác (nhưng chắc sau năm 1979) khi đã van lạy được làm hoà với Trung Quốc, mà ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói: “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu”, đã bị cho xếp vào chỗ rất kín đáo để tránh làm phật lòng quan thầy Trung quốc) là cuốn “Bạch thư” mà Hà Nội đã công bố để tố giác Trung Quốc phản bội đồng chí Việt Nam. Trong quyển sách này có đoạn VN tố giác Trung Quốc đã ép VN DCCH chấp nhận việc chia cắt VN để muốn xoa dịu Tây phương mà yên lòng xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở Trung Hoa, sau khi đã bị thiệt hại nặng trong chiến tranh Triều Tiên, mà theo con số đáng tin cậy là đã thiệt hơn một triệu quân với chiến thuật biển người.

                    Như vậy có thể khẳng định một điều rằng: “Thạc sĩ” Nguyễn chưa đủ tầm, hay không được phép tiếp cận với những tài liệu của “đối phương”, nên nói theo lối bình dân là “nhắm mắt nói mò”. Giáo dục của VNCH nhằm mục đích “nhân bản, khai phóng và dân tộc”, nên sử học không được dùng để tuyên truyền. Cũng như VNCH có bộ Thông Tin mà không có bộ Tuyên truyền. Tinh thần khoa học là nhằm sự thực, dù lịch sử chẳng thể nào có sự thực toàn vẹn, nhưng người ta vẫn cố gắng đối chiếu với các bộ môn khác như Xã Hội học, Dân tộc Học, kể cả các khoa học thực nghiệm để hy vọng tiếp cận càng gần sự thật lịch sử. Sự thật yếu kém về quân sự cuối triều Nguyễn đưa đến sự thua trận, mất đất được tìm hiểu thẳng thắn, không che đậy nói dối, khác hẳn với lối viết sử của Cộng Sản từ Liên Xô, qua Trung Cộng đến Việt Cộng.

                    Trước ưu điểm tôn trọng sự thật lịch sử này, sử gia Việt Cộng không dám bài bác vì sợ độc giả liên hệ thấy rõ tính chất phản sử của cái gọi là “duy vật sử quan” của Việt Cộng dùng trong việc nghiên cứu bôi bác lịch sử đối phương, nên phải viết những giòng gượng gạo: “Một cách khách quan, chúng ta thừa nhận rằng (thằng vô học đòi thừa nhận công trình của một vị tiến sĩ có thực học) một số nhà sử học, giáo dục lịch sử thời chính quyền Saigon (từ 1954 đến 1975) dần dần cũng nêu được một số sự thật lịch sử trong việc đánh giá các vua đầu triều Nguyễn, song vì không thể thoát được những quan điểm sử học dưới áp lực của một chính quyền tay sai Mỹ, quyết liệt chống Cộng, nên chưa thể đánh giá chính xác về buổi đầu nhà Nguyễn, về vai trò của nhân dân trong việc mở mang và xây dựng miền Nam và đất nước nói chung, chưa thể phân tích được những nguyên nhân và trách nhiệm của các vua nhà Nguyễn trong việc làm mất nước”.

                    Khi phải xác nhận “một cách khách quan”, tức là nếu chủ quan thì các nhà sử học ở miền Nam đều là “không biết gì, hoặc là bọn phản động”. Đã công nhận người ta “cũng nêu được một số sự thật lịch sử” ắt hẳn là hơn cái thứ sử theo “duy vật sử quan” cố bẻ cong các sự thật lịch sử theo nhãn quan của những người Cộng Sản. Những sự thật lịch sử đã được ghi lại trong những văn kiện cũng vẫn chưa  hoàn toàn được tin cậy là sự thật. Các nhà sử học ở miền Nam tôn trọng quy tắc khoa học khi thẩm định những sự kiện lịch sử, mà không hề dùng thiên kiến chính trị. Chính những “sử gia” của Việt Cộng ngày nay cũng đã căn cứ hoàn toàn vào những văn kiện chính thức của Triều đình nhà Nguyễn khi viết về các hoạt động của Triều đình. Như trong một bài biên khảo cũng đăng trong tập “Lịch sử nhà Nguyễn… ‘ có nhan đề: “Tổ chức quan xưởng của triều Nguyễn”, tác giả là TS Nguyễn văn Đăng (ghi chú là trường Đại học Khoa học Huế) đã hoàn toàn căn cứ vào “Đại Nam Thực lục”, “Đại Nam hội điển sự lệ”.

                    Nói rằng các sử gia miền Nam đã nêu được một số sự thật, là một thực thể mà bọn Tuyên giáo không thể phủ nhận được, vì nó đối lập với cái gọi là sử của phe Cộng, mang rất nhiều yếu tố bịa đặt, xuyên tạc. Sự nô lệ vào “duy vật sử quan” đã làm các sử gia Việt Cộng kể từ đỉnh cao là Đào Duy Anh đã tạo nên một lập trường ngụy trá để tấn công vào văn hoá, nói riêng là VNCH, nói chung là Dân chủ Tự do. Cũng là khiêu vũ của trai gái, mà ở VNCH thì chúng chửi là “đồi trụy”, mà ở Liên Xô, Trung Quốc cũng như miền Bắc VN DCCH thì là “giải trí cộng đồng”; Hát “Trường Sơn đông nhớ Trường sơn Tây” thì là tình đồng chí lành mạnh, đề cao Cách mạng;Còn ở Miền Nam người lính chiến ở tiền tuyến nhớ người yêu ở hậu phương; “Mai xa lắc trên đồn biên giới. Còn một chút gì để nhớ để quên” thì gọi là văn hoá Ngụy, phản động, cấm phổ biến.

                    Lập trường cốt tủy và khiên cưỡng của các sử gia Cộng sản là vấn đề “vai trò chủ động của nhân dân”. Các sử gia Cộng Sản ôm lấy và tôn thờ nó như một lá bùa linh nghiệm trong tất cả những nhận định lịch sử, để một cách tự kể công và tung hô chỉ có người Cộng Sản mới có nhân dân và thành công trong sứ mạng lịch sử. Cho nên họ đã dùng một cách phản diện là: “Nhược điểm thứ ba là lòng tin tưởng và sự ủng hộ của nhân dân không được khai thác tích cực và rộng rãi, chỉ miền nào có nghĩa binh hoạt động thì mới được nhân dân giúp đỡ, cho nên cuộc kháng chiến không thể chuyển thành một cuộc chiến tranh nhân dân”.(5)

                    Yếu tố nhân dân ấy luôn luôn được tôn thờ và trở thành cốt tủy cho những sử gia Cộng sản mà không cần chứng minh thảo luận. Các sử gia ngày nay của Việt Cộng đều có học vị cao như ông “Thạc sĩ” Nguyễn, vẫn chỉ là những con vẹt nhắc lại những biên khảo về sử của thầy Đào Duy Anh cũ, vốn có học vị kém hơn các ông nhiều. Ông đã đề cao yếu tố nhân dân: “Các vua nhà Nguyễn không có khả năng và không muốn tập hợp, dựa vào quân dân để chống lại ngoại xâm như các triều đại Phong kiến Lý, Trần, Lê, thời Quang Trung, đề cao những mặt tích cực của các vua nhà Nguyễn mà không làm rõ vai trò của nhân dân.” Nói như vậy, thì khi vua Gia Long diệt Tây Sơn thì lớp nhân dân do Quang Trung tập hợp và là lý do chiến thắng ngoại xâm ấy ở đâu mà không địch lại vua Gia Long? Hơn nữa, cũng theo tác giả “Thạc sĩ” thời Trần nhờ nhân dân mà thắng quân Mông Cổ, thế mà chì sau ít lâu lại thua quân Chiêm Thành, để cho “rợ Chiêm” Chế Bồng Nga ba lần vào Thăng Long như chỗ không người. Nhân dân nghe tin giặc Chiêm đến là lo bồng bế cùng Vua chạy trốn?

                    Như thế, cái ý niệm “nhân dân làm nên lịch sử” của Cộng sản có ý hướng mị dân, xuất phát từ Liên Xô, củng cố ở Trung Quốc để mị dân của tầng lớp lãnh đạo, muốn sở hữu sức mạnh và tính mệnh của dân cho mục đích củng cố chính quyền của họ.Nó khác với chủ trương “thân dân” của nhà nước Phong kiến xưa như sư Viên Thông đời Lý đã khuyên Vua Lý Thần Tông: “Thiên hạ cũng như một đồ vật, để nó vào nơi yên thì yên, vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà Vua, nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ, ngóng như Trời Trăng: Ấy là đặt thiên hạ vào nơi yên đó. Lại trị và loạn ở tại trăm quan, được người thì trị, mà không được người thì loạn.”(6)

                    Lại còn nói: “Dân là nước, nước có thể nâng thuyền mà cũng có thể lật thuyền”, có nghĩa tích cực là phải biết rõ sức mạnh và khả năng của dân mà trị an đất nước. Không làm gì có việc đấu tranh giai cấp trong lịch sử VN. Kể cả nước lớn như Trung Hoa thời gọi là Phong kiến. Những phong trào mà các sử gia Việt cộng gán cho là “khởi nghĩa nông dân” thật sự không có ý hướng cách mạng, hay đấu tranh giai cấp, mà chỉ là những phản ứng của người dân sống trong hoàn cảnh đói khổ, khi triều đình hoặc quan lại gọi là vô đức. Ức hiếp dân bằng sưu cao thuế nặng, hình phạt tàn độc.

                    Mỵ dân bằng sự thần thánh hoá “nhân dân”chính là có ý hướng lợi dụng sự ngây thơ và trình độ trí thức của đại đa số quần chúng cho âm mưu thống trị của nhà cầm quyền Cộng sản. Đem lập trường nhân dân này ra để nhận xét lịch sử kháng Pháp của ta và cho rằng vì không vận động được nhân dân nên thất bại. Nhưng thật sự, nhân dân ở mọi thời, đều chỉ là những người cần được chỉ huy. Cho nên chỉ đơn cử một nhận định về cuộc kháng chiến của Đề Thám mà Đào Duy Anh đã viết: “Sau một chục năm kinh dinh nuôi sức, khi Đề Thám hoạt động trở lại thì phong trào kháng chiến của nhân dân đã thất bại từ lâu, mà trong nước đã nổi lên một phong trào mới. Có thể xem là sau cuộc thất bại của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh và sau cuộc giảng hoà lần thứ hai của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, thì cục kháng chiến của nhân dân đã cáo chung”.(7)

                    Sách sử ở Miền Nam (VNCH) dạy học sinh những bài học lịch sử của cuộc chống Pháp xâm lăng để nêu cao tinh thần yêu nước của toàn dân, mà tiếp nối những hy sinh đấu tranh của tiền nhân mà cứu nước. Ở thời VNCH những bài học lịch sử yêu nước đã được chuyển sang tinh thần đấu tranh xây dựng đất nước thời bình, đưa đất nước và dân tộc lên địa vị cao trên thế giới. Đó là điều mà sử gia Trần Trọng Kim đã gửi gấm: “Từ xưa, chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị lực để sinh tồn và tiến hoá, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn khởi lên được”(8).

                    Các nhà sử học, giáo dục trong chế độ VNCH hoàn toàn tự do trong những suy tư về văn hoá của mình. Không làm gì có sự chỉ đạo giáo dục trong học đường từ Đại học xuống đến Trung, Tiểu học. Ngay cả trường hợp VNCH đã đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, nhưng đó là ở mặt chính trị. Trong văn hoá cũng vẫn có người được tự do nghiên cứu sách vở về Cộng sản. Tôi nhớ không lầm: ở những năm đầu thập niên 1960, giáo sư Nguyễn văn Kiết đã từng đem quyển sách “Siêu hình học” của Nguyễn Đình Thi ra dạy cho sinh viên ở năm Dự Bị Văn khoa. Sau này ông đã đi theo “Mặt Trận Giải Phóng”. Như vậy, lập luận: “Dù có cố gắng đến đâu các nhà sử học, giáo dục trong chế độ ấy (VNCH) không thể thoát khỏi quan điểm chính trị đang thống trị ‘’ là vô căn cứ và có tính chất chụp mũ. Có khi nào các nhà tuyên giáo Cộng sản nói chung và ông “Thạc sĩ” Nguyễn nói riêng giải thích vì sao một số cán bộ văn hoá, giáo dục Cộng sản vẫn nằm vùng hành nghề và viết những bài có luận điệu chống đối chính quyền và ca tụng Cộng sản; hay các ông huênh hoang nói rằng đó là mưu trí đánh lừa được chính quyền và giới trí thức miền Nam. Điển hình như “nhà văn kiêm nhà giáo trường tư” Vũ Hạnh đã ở Saigon từ 1955, đi dạy trường tư Trung Học, viết báo đăng ở Tạp chí Bách Khoa với luận điệu ca tụng “văn hoá Cộng sản”.

                    Để nộp bài cho Trung Ương, ông “Thạc sĩ” đã viết được một câu rất công thức, đúng lập trường của Tuyên Giáo: “Khi điểm lại vấn đề dạy học lịch sử nhà Nguyễn thời chính quyền Saigon, chúng tôi muốn nhấn mạnh: “Sự thật lịch sử có sức mạnh to lớn không thể xuyên tạc, bác bỏ, lợi dụng cho mục tiêu phản động và nó có sức thu hút mọi người yêu nước tiến bộ.”

                    Cái “hay” của các cán bộ giáo dục Việt cộng là nói mà không bao giờ ngẫm đến mình (nói theo lối VC thì là “liên hệ”) và nhất là không cho ai được góp ý hay phản bác. Việc bịa đặt và xuyên tạc lịch sử thì Cộng sản là “Vua”. Mới đây, một ông thầy Chùa quốc doanh đã bảo vê tình “hữu nghị Việt Hoa – vừa là đồng chí vừa là anh em” bằng phát ngôn rất thu hút người yêu nước tiến bộ: “Theo lịch sử từ thời Lạc Long Quân thì Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Thời nhà Lý, Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tống là “hỗn”. Có khi nào Cộng sản tôn trọng sự thật về cuộc đấu tố Cải cách ruộng đất “long trời lở đất” xảy ra ở miền Bắc Việt Nam năm 1956. Họ đã tẩy não, phá bỏ tất cả tinh thần văn hoá cổ truyền của người Việt bằng cách bắt con tố cha, vợ tố chồng v.v.. Cứ hỏi thử ông “Thạc sĩ” Nguyễn có hiểu được và xúc động với bài thơ của người cha bị con gái đấu tố:

                                                                    Được nghe bà kể khổ,

                                                                    Con thấy đời con thực là đáng chết!

                                                                    Con đi bóc lột để nuôi bà.

                                                                    Con bây giờ không dám nhận là cha,

                                                                    Dù bà là do con đẻ ra.

                                                                    Con, thành phần địa chủ thối tha.

                                                                    Trước nhân dân, trước Đảng, trước bà,

                                                                    Xin thành khẩn cúi đầu chịu tội.

                                                                    Đó là lời một cụ đồ ở ngoại thành Hànội,

                                                                    Trước đấu trường giăng giối với con.

                    Và sử gia “phản động” ở miền Nam đã tôn trọng sự thật này, để viết: “Còn có lời giăng giối nào thấm thía cay chua đến như thế không? Một ông đồ, biểu tượng cho đạo đức xã hội Việt Nam, mà phải làm một cái việc vô luân: phải xưng “con” với con mình. Đó là cái thảm cảnh mà người dân miền Bắc đã trải qua trong “Cải cách ruộng đất”.

                    Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là một chứng nhân sống, trong dịp đến Úc Châu năm 2006 cho biết như vậy”.(9)

                    Khi nào các nhà sử học, giáo dục sử của Cộng sản, chỉ cần viết được một phần mười sự thật của “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc (VNDCCH), thì hãy lên mặt dạy các sử gia và người dạy sử của VNCH.

     Lê Văn Ngọc

    Chú thích;

    1/ Lịch sử nhà Nguyễn… trg 8

    (*) Đại học An Giang

    2/ Trần Trọng Kim – Việt Nam sử lược trg 86

    3/ nt trg 574

    4/ Nguyễn Thuyên – Việt Nam điêu tàn bất hạnh trg 199

    5/Đào Duy Anh – Lịch sử Việt Nam – trg 521

    6/ Nguyễn Đổng Chi – Việt Nam cổ văn học sử -trg 119

    7/ Đào Duy Anh – Lịch sử Việt Nam – trg 520

    8/ Trần Trọng Kim – VNSL trg 574

    9/ Nguyễn Thuyên – Việt Nam điêu tàn bất hạnh – trg 220

    https://vietluan.com.au/45191/xuyen-tac-lich-su-va-tha-hoa-giao-duc

    Không có nhận xét nào