Header Ads

  • Breaking News

    Mặc Lâm - Bụi chuối chúng ta mang theo


    (Hình minh họa: Lưu Khâm Hưng)

    Người Việt khi ra nước ngoài định cư dù bất cứ lý do gì cũng có một căn cước riêng. Có người chạy trốn chế độ Cộng sản, có người theo diện HO, cũng là một loại căn cước khác chứng nhận không chấp nhận chế độ đã bỏ tù người lính đối phương, có người được thân nhân bảo lãnh, có người theo chồng, vợ mới làm giấy tờ hay cũng không ít người sang các nước như Hàn, Đài, Nhật, Sing làm công nhân xuất khẩu và cũng có người thân còn trong nước nhưng chân đã bỏ ở bên ngoài là những du học sinh, không chắc sau khi học xong có trở về lại nơi mình đã ra đi hay không…

    Mỗi người một nỗi nhớ, một khái niệm về quê hương, thành phố nơi mình lớn lên để hướng về mỗi khi chạnh lòng hướng về quê cũ. “Chúng ta đi mang theo Việt Nam Cộng Hòa” dành cho thế hệ đầu tiên, những con thuyền bấp bênh trong bão tố. Rồi hàng loạt chuyến bay chở hàng trăm ngàn gia đình HO tới Mỹ vẫn còn tiếc nuối lá cờ mà hàng triệu người đã từng chào tôn kính.

    Nhưng một số lớn người ở nước ngoài khác lại không biết VNCH là gì hay lá cờ vàng tươi thắm ra sao để mà mang theo. Trong hành lý của họ chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo, một ít giấy tờ tùy thân hay một vài vật kỷ niệm riêng tư và một danh bạ diện thoại trong trí nhớ mang theo ra xứ người,

    Nhưng có một điều gần như ai cũng có ấn tượng trong đầu sau khi ổn định và bắt đầu ra chợ… Mọi thứ gần như một Việt Nam thu nhỏ nếu may mắn sống ở Little Saigon hay các chợ đông người Việt định cư, và hầu như ở chợ nào cũng có một món mà khi mới qua người Việt không thể ngờ tới: bắp chuối, hay hoa chuối nếu nói theo người miền Bắc.

    (Hình minh họa: Lưu Khâm Hưng)

    Những chiếc bắp chuối quen thuộc ấy ban đầu không làm cho người mới sang nhớ liền tới khoảng không gian quê nhà. Mới quá mà! Chân ướt chân ráo làm sao gợi lại ngay những hình ảnh thân yêu ấy. Rồi một thời gian sau, khi cần mua tới bắp chuối thì chúng ta mới nhận ra thế nào là quê hương và vị chan chát của hoa chuối lúc ấy mới thật sự đeo bám chúng ta trong ý nghĩ.

    Cái bắp chuối đơn sơ và mộc mạc đến đáng thương ấy nhắc chúng ta một thời từng ra sau nhà ngắm nhìn chúng khi còn nhỏ. Lớn lên một chút khi mẹ sai chạy ra vườn cắt cây chuối vừa già thì lại thấy nó. Rồi nhà có tiệc mẹ lại nhờ con chạy ra sau hè cắt một bắp chuối vào làm gỏi gà đãi khách….lớn lên, lập gia đình không ít lần thèm tô bún riêu hay tô bún bò đều phải nhớ tới bắp chuối…những lần như thế ăn sâu vào tim chúng ta, nó nằm đó không đòi phải nhớ nhưng mỗi khi thấy nó là tự khắc cuốn phim quê nhà quay lại và ấn chúng ta ngồi xuống chiếc ghế quê hương để mà suy tưởng…

    Bụi chuối sau nhà của mỗi người Việt Nam không những là biểu tượng sống mà còn là hình ảnh tiếp nối của nhiều thế hệ. Cây chuối nào già không ra buồng được nữa thì người ta chặt xuống nhưng ngay lập tức, những cây chuối con lặng lẽ trồi lên tiếp tục đời sống của chuối. Người Việt chúng ta ra nước ngoài sinh sống cũng sẽ có nhiều thế hệ nối tiếp, như bụi chuối, người già mất đi thì người trẻ lại lớn lên.

    Có một điều chắc chắn rằng khi chuối con trổ mã chúng sẽ nương vào quần thể chuối mà sống còn người Việt chúng ta khi con cái lớn lên cải gì đề chúng nó dựa vào?

    Câu hỏi này sẽ có rất nhiều cách trả lời nhưng tôi lại muốn cách của mình: hãy mang chuối vào đời sống thường nhật giúp con cái chúng ta mỗi ngày một ít, dấu ấn về hình ảnh quê nhà sẽ giúp chúng suy tường về nơi mà tổ tiên của chúng được sinh ra để từ đó những cây chuối non này sẽ nương theo câu chuyện mà chúng ta nhắc. Bụi chuối sẽ trở thành trí nhớ và khi ấy không cần ai nhắc nữa chúng sẽ có cái căn cước riêng “Chúng tôi đi mang theo bụi chuối sau hè”. (M.L)

    https://saigonnhonews.com/bui-chuoi-chung-ta-mang-theo-2/?fbclid=IwAR1K2MpqZOPebFY6ny3kau_G4Ws_K9Xkq7wQQxZKh1yCMC8AGA2NngXGydk

    Không có nhận xét nào