Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Khoa Cấu trúc quyền lực “lõi” Cộng sản

    Quyền lực chính trị ở Việt Nam dựa trên căn bản một đảng cai trị, và sự chia chác quyền lực (và lợi) … trong phòng kín. Vì thế hay sinh ra những thuyết âm mưu phe này phe kia, ông này bà nọ, … Hơn nữa truyền thông của Đảng Cộng sản, xuyên suốt từ khi đảng này tồn tại đến giờ, bao phủ bởi những từ ngữ, ở nơi khác thì bình thường, nhưng ở các quốc gia Cộng sản thì trở nên bí hiểm: Đảng, Chính phủ, Nhà nước,… bên cạnh những từ bí hiểm thật sự: Ban Bí thư, Ban Tổ chức, Nội chính, Ban Kiểm tra,… càng làm cho sự hình dung của người bên ngoài, trong và ngoài nước càng trở nên mờ ảo.
    Có một cách quan sát cấu trúc quyền lực tại Việt Nam khá chính xác, đó là căn cứ theo trật tự các nhân vật được công bố.

    Với cách quan sát này tôi thấy có một cấu trúc tạm gọi là lõi quyền lực.

    Trong cùng của lõi này là Bộ Chính trị, rồi đến Ban Bí thư, và bên ngoài là Ủy ban Trung ương Đảng. Trong ba lớp này, hai lớp trong cùng có trật tự dọc, lớp bên ngoài thì không có trật tự dọc mà là trật tự ngang bằng nhau. Ba lớp này nói chung là lồng vào nhau, hai lớp bên trong lồng vào nhau nhưng không khít, chỉ có một số ủy viên Bộ Chính trị nằm trong Ban Bí thư mà thôi, nhưng toàn bộ các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư đều là ủy viên Trung ương, cái vỏ ngoài cùng.

    Hãy quan sát cách báo chí Việt Nam công bố danh sách ba lớp vỏ đó. Trật tự sẽ là người có quyền nhất được hài tên trước ở Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhưng đến danh sách Trung ương Đảng thì xếp theo vần chữ cái.

    Có lúc người ta quan sát danh sách đi đưa đám, hoặc trật tự vào lăng ông Hồ để định vị trí quyền lực, nhưng cách này dường như không chính xác nữa.

    Gần 200 nhân vật ủy viên Trung ương Đảng (đã loại ra nhóm lõi bên trong là Bộ Chính trị và Ban Bí thư), được xếp theo vần chữ cái, họ có quyền lực khá ngang nhau, hoặc là các viên chức đầu tỉnh (có khi đến cấp huyện), hoặc các Bộ của chính phủ.

    Với cấu trúc lõi quyền lực của một đảng trị cai trị duy nhất như vậy ta sẽ thấy là hai bộ phận rất có thực quyền ở các nền dân chủ lại chỉ là vỏ trang trí tại Việt Nam, đó là quốc hội và nội các chính phủ, trong đó chính phủ còn có chút quyền vì phải triển khai các chỉ thị, chính sách của ba lớp vỏ quyền lực đưa ra, còn quốc hội thì mang tính trang trí thuần túy.

    Do còn có chút quyền hành, cho nên các Bộ trưởng đều phải là ủy viên Trung ương Đảng, trong đó các Bộ quan trọng sẽ được các ủy viên Bộ Chính trị nắm. Trong danh sách nội các chính phủ vừa mới công bố hôm 8/4/2021, hai Bộ Quốc phòng và Công an do hai ủy viên Bộ Chính trị nắm là ông Tô Lâm, Bộ Công an và ông Phan Văn Giang, Bộ Quốc phòng. Nhìn vào đó ta có thể nói rằng ĐCS xem hai bộ này là rất quan trọng. Kế tiếp là Bộ Ngoại giao, có ông Phạm Bình Minh cựu Bộ trưởng, dù không trực tiếp nắm công việc hàng ngày tới đây, nhưng ông có vị trí Phó Thủ tướng và vẫn là ủy viên Bộ Chính trị. Ông Minh được xếp ở vị trí thứ bảy trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị, sau “tứ trụ” và hai vị “thuần đảng” là bà Trương Thị Mai và ông Võ Văn Thưởng.

    Dù sao Bộ Ngoại giao đã có quyền hơn một chút so với trước kia khi các nhân vật nắm đối ngoại của Trung ương Đảng (Lê Hoài Trung), Bộ trưởng Ngoại giao (Bùi Thanh Sơn) và sếp cũ của họ là ông Phạm Bình Minh đều có vẻ cùng nhóm với nhau.

    Với cấu trúc lõi quyền lực này sẽ có điều mà những người Cộng sản hay gọi là sự ổn định chính trị. Với cái đế là ủy ban Trung ương và chóp là Bộ Chính trị, ĐCS sẽ dễ dàng trấn áp những hoạt động đối nghịch, vì họ kiểm soát được toàn bộ xã hội, đúng với khái niệm toàn trị.

    Nhưng cấu trúc này sẽ có khuyết điểm là làm cho một số bộ phận của chính phủ không được quan tâm (không có ủy viên Bộ Chính trị nắm) dễ đi vào rối ren, kém hiệu quả, điển hình là hai Bộ Y tế và Giáo dục có rất nhiều vụ bê bối sẽ gây tai hại cho xã hội Việt Nam về lâu dài.

    Nhưng đôi khi trong các lĩnh vực được coi trọng như an ninh chẳng hạn, cấu trúc lõi này cũng có thể gây tai họa khủng khiếp, là vì các quyết định đơn tuyến theo lõi không đếm xỉa đến những bộ phận có liên quan vì bị coi là không quan trọng bằng. Hai ví dụ cụ thể vừa qua là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, và vụ đàn áp tại Đồng Tâm. Vụ Trịnh Xuân Thanh, ý kiến Bộ Ngoại giao bị bỏ qua, vụ Đồng Tâm, ý kiến của thành phố Hà Nội bị bỏ qua.

    Cấu trúc lõi lại đưa đến một sự phung phí quyền lực, tức là những người có quyền lực trong trật tự nhưng không có gì để làm, và như thế sẽ dễ dẫn đến điều mà người bình dân xứ Bắc gọi là rách việc. Trong 18 vị ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, chỉ có hai vị Bộ trưởng Quốc phòng và an ninh, cùng bốn vị tứ trụ, một ông Phó Thủ tướng, hai ông Bí thư Thành ủy là có những việc cụ thể để làm.

    Ấy là ta rộng rãi tính luôn ông Nguyễn Phú Trọng người đầu Đảng. Các vị còn lại không có việc gì cụ thể để mà làm, sẽ dẫm chân lên kẻ khác. Vấn đề là những ông thuần Đảng có quyền còn lại ở Bộ Chính trị không thể được bổ nhiệm để nắm những cơ quan quan trọng như y tế hay giáo dục.

    Cấu trúc lõi này rất khó được thay mới như các cấu trúc dân chủ từ bên dưới lên. Nói ổn định chính trị cũng được, mà nói là lì lợm không chịu thay đổi cũng được.

    Và một điều khá thú vị nếu ta so sánh cấu trúc quyền lực lõi này với các vòng gỗ của một cái cây. Các vòng bên trong là già hơn các vòng bên ngoài, khi các vòng đó chết thì cái cây cũng chết.

    http://viet-studies.

    Không có nhận xét nào