Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Minh Quang – Vài nhận xét về bài viết " bênh vực tội ác Thủy điện Vân Nam cũng là một tội ác".

    Đập Xiaowan (Tiểu Loan) trên sông Lancang (Mekong) ở Trung Hoa. [Ảnh: Flickr]

    Phần giới thiệu

    Vào ngày 4 tháng 4 năm 2021, trang Bauxite Việt Nam đăng tải một bài viết của tác giả Nguyễn Tuấn Khoa với tựa đề “Bênh vực tội ác thủy điện Vân Nam cũng là một tội ác” cùng với một bài khác với tựa đề “Khóc một dòng sông” mà tác giả đăng tải trên Facebook của mình vào ngày 2 tháng 4 năm 2020 [1].

    Trong hai bài viết nầy, tác giả Nguyễn Tuấn Khoa đã dựa vào kết quả nghiên cứu của Eyes on Earth và phân tích của Stimson Center và những tác giả quen thuộc như nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh để khẳng định rằng “… chính Trung Cộng là một trong các thủ phạm gây ra hạn mặn cho ĐBSCL (Đồng bằng sông Cửu Long)” và rằng “Trung Cộng khó mà tranh cãi nỗi những bằng chứng thuyết phục nầy!”  Cuối cùng, tác giả Nguyễn Tuấn Khoa “kết án” những ai đã “… nói đại và nói bậy để bênh vực cho tội ác của thủy điện ở đầu nguồn Mekong trên đất Trung Hoa.  Bênh vực tội ác cũng là một tội ác!”

    Thủy điện có phải là một tội ác?  Những bằng chứng của Eyes on Earth (EoE) và Stimson Center (Stimson) có thuyết phục hay không?  Các đập thủy điện Vân Nam có phải là thủ phạm chánh gây hạn mặn cho ĐBSCL hay không?  Bài viết nầy sẽ trả lời những câu hỏi trên.

    Thủy điện là một tội ác?

    Thủy điện là một hình thức sản xuất điện bằng sức mạnh của nước để phục vụ cho phúc lợi của con người.  Thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo, không tiêu thụ nước, mức sản xuất và giá cả ổn định, làm giảm lượng phóng thích khí nhà kiếng và cải thiện phẩm chất của không khí.  Tuy nhiên, thủy điện cũng có một số khuyết điểm như ảnh hưởng môi trường, tùy thuộc vào thủy học, làm xáo trộn nơi cư trú của đời sống hoang dã và thay đổi phẩm chất của nước [2].  Những khuyết điểm nầy không phải là những tội ác và có thể sửa đổi nếu thủy điện được phát triển thận trọng.

    Thứ nhì, thủy điện là một hình thức phát triển kinh tế bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên của quốc gia.  Về mặt nầy, một quốc gia có toàn quyền khai thác các tài nguyên trong lãnh thổ của mình.  Đối với các nguồn tài nguyên xuyên biên giới, chẳng hạn như sông Mekong, cách tốt nhất là đánh giá ảnh hưởng xuyên biên giới rồi áp dụng những biện pháp thích hợp để giảm nhẹ hay loại trừ các ảnh hưởng nầy.

    Nghiên cứu của EoE

    Ngày 10 tháng 4 năm 2020, EoE công bố một phúc trình kỹ thuật [3] để ước tính chỉ số độ ướt của mặt đất trong thượng lưu vực Mekong rồi dùng chỉ số nầy để ước tính “dòng chảy tự nhiên” của sông Lancang (không bị chuỗi đập Lancang ngăn chận) và so sánh với dòng chảy quan sát được ở trạm Chiang Saen, Thái Lan.  Nghiên cứu của EoE kết luận:

    Dòng chảy từ sông Lancang xuống hạ lưu Mekong bắt đầu tách rời khỏi tình trạng “tự nhiên” trong năm 2012 – lúc đập Nuozhadu (Nọa Trát Độ) bắt đầu hoạt động.

    Sự thay đổi trong chế độ dòng chảy ở hạ lưu Mekong có thể được phân biệt làm 2 phần:

    Dòng chảy giảm trong mùa mưa và tăng trong mùa khô (vì chuỗi 11 hồ chứa Lancang trữ dòng chảy trong mùa mưa để xả trong mùa khô) mà các tác giả cho là do việc điều hành thông thường của các đập thủy điện.

    Dấu hiệu bất thường hơn của sự dao động mực nước trong mùa mưa lẫn mùa khô (1992-1995, 2002, 2009, 2010 và 2015), mà các tác giả cho là do việc khởi động các turbines ở các đập Manwan (Mạn Loan), Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn), Jinghong (Cảnh Hồng) và Xiaowan (Tiểu Loan), theo thứ tự.

    Trong năm 2019, lưu vực Lancang có lượng mưa trên trung bình và, vì thế, “việc thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu Mekong trong mùa mưa 2019 phần lớn do ảnh hưởng của việc hạn chế dòng chảy từ thượng lưu Mekong vào lúc đó.”

    Việc xả nước bất nhất trong một số năm được suy đoán như một hành động biểu diễn của các nhà điều hành đập để gây ấn tượng với giới tinh hoa Trung Hoa về sức mạnh của các cơ sở thủy điện.

    “Hợp tác giữa Trung Hoa và các quốc gia Mekong ở hạ lưu để kích thích chu kỳ dòng chảy tự nhiên của Mekong có thể cải thiện tình trạng dòng chảy thấp như quan sát ở hạ lưu trong mùa hè 2019.”

    “Nếu chỉ số độ ướt được dùng để kích thích dòng chảy tự nhiên, tất cả các cộng đồng dọc theo lưu vực Mekong có thể có lợi trong việc duy trì sự toàn vẹn của sông Mekong”.

    Nghiên cứu của EoE, sử dụng phương pháp mói lạ chưa được khoa học chứng minh, có những hạn chế đáng kể như sau [4]:

    Phúc trình của EoE chưa được duyệt xét nhóm (pier-review) như thông lệ và chỉ có một vài dẫn chứng trong thập niên 2000’s chứ không có dẫn chứng trong thập niên mới nhất.

    Có một số nghiên cứu trong những năm gần đây đề cập đến cùng chủ đề nhưng không được nói đến.

    Không có phân tích để so sánh các kết quả mới nhất với kiến thức hiện có.

    Có một số câu hỏi quan trọng mà không được trả lời:

    Mô hình hồi quy (regression model) đơn giản có đủ để mô tả tiến trình thủy học của Mekong.

    Mô hình được mô phỏng từng tháng, trong khi hầu hết nghiên cứu thủy học cho ảnh hưởng của thủy điện trên Mekong cần được mô phỏng hàng ngày.

    Có vấn đề với dữ kiện của hồ chứa, chẳng hạn như có sự lẫn lộn giữa dung tích tổng cộng và dung tích hoạt động.

    Nghiên cứu dựa trên dữ kiện lịch sử trong 5 năm.  Thời khoảng nầy ngắn và không đủ để cho thấy đầy đủ sự biến đổi lâu dài của chế độ dòng chảy Mekong.

    Kết quả mô phỏng cho trạm Chiang Saen, nhưng một số kết luận nói đến tình trạng dòng chảy ở xa hơn về phía hạ lưu.  Lưu lượng ở xa về phía hạ lưu có thể được đóng góp bởi nhiều phụ lưu quan trọng làm lu mờ ảnh hưởng của thượng lưu vực Mekong.

    Phân tích của Stimson

    Ngày 13 tháng 4 năm 2020, Stimson công bố trên website của mình một phân tích có tựa đề “New Evidence – How China Turnes Off the Tap on the Mekong River” [5].  Phân tích nầy dựa vào nghiên cứu của EoE để kết luận:

    Tần suất gia tăng của hạn hán ở hạ lưu vực Mekong đi sát với việc hạn chế nước của Trung Hoa trong mùa khô.

    Trong 6 tháng trong năm 2019, các đập của Trung Hoa đã giữ lại nhiều nước đến nỗi ngăn chận hoàn toàn mực nước dâng lên ở Chiang Saen.

    Lượng mưa và tuyết tan ở Trung Hoa đủ để giữ cho mực nước trong hầu hết các quốc gia ở hạ lưu Mekong trên trung bình từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020 nếu các đập của Trung Hoa không hạn chế nước.

    Nghiên cứu EoE kết luận rằng các đập Lancang của Trung Hoa đã giữ lại nước trong các hồ chứa nhiều hơn xả xuống hạ lưu trong 3 thập niên qua.

    “Không chia một giọt”: Chánh quyền Trung Hoa xem nước như một món hàng hóa có chủ quyền không nên chia sẻ với các quốc gia ở hạ lưu, mà không sử dụng trước hay bắt các quốc gia ở hạ lưu phải trả tiền.

    Giới tinh hoa thủy điện của Trung Hoa tích trữ nước: Giới tinh hoa của Trung Hoa dùng chuỗi đập Lancang để tích trữ nước nếu các dự án được yêu cầu sản xuất điện.

    Trữ nước để đối phó với thay đổi khí hậu: mức băng tan ở Himalayas cho thấy Trung Hoa đang sử dụng chuỗi hồ chứa Lancang để thu thập nước chảy tràn và trữ lại nhiều năm để sản xuất điện trong tương lai, hay để chuyển sang hệ thống Yangtze.

    Đoàn kết giả tạo với các láng giềng ở hạ lưu:  Chánh phủ Trung Hoa thường mô tả là Trung Hoa và các quốc gia hạ lưu Mekong cùng chịu khổ và phải vượt qua khó khăn để xả nước xuống hạ lưu, nhưng nghiên cứu của EoE cho thấy trong tháng 3 năm 2016, Trung Hoa không bị hạn hán như các quốc gia ở hạ lưu mà còn giữ lại nước.

    Nghiên cứu EoE lột trần tình trạng kiểm soát dòng nước của chuỗi đập Lancang và tạo cơ hội cho các quốc gia ở hạ lưu và MRC (Ủy hội Sông Mekong) can thiệp với Trung Hoa để cải thiện tập thể việc quản lý chuỗi đập Lancang.

    Liên quan đến hạn hán năm 2019, trong khi MRC và LMC (Hợp tác Lancang-Mekong) cộng tác để xác định nguyên nhân gốc rễ của hạn hán 2019… “nghiên cứu của EoE cung cấp bằng chứng rõ ràng để nghi ngờ về vai trò của các đập ở thượng lưu Mekong của Trung Hoa.”

    Về mặt kỹ thuật, phân tích của Stimson đã đưa ra một số kết luận mà không được nghiên cứu của EoE chứng minh hay dựa trên các nghiên cứu khác, thí dụ như kết luận No. 2.

    Về mặt địa chánh trị, phân tích của Stimson đã đưa ra một số kết luận rất mạnh mẽ về vai trò và động lực của Trung Hoa trong đợt hạn hán 2019, nhưng một lần nữa, nghiên cứu EoE không có đủ dữ kiện để biện minh cho các kết luận nầy. [4]

    Ý kiến của Ủy hội Sông Mekong (MRC) về nghiên cứu của EoE

    Cũng trong tháng 4 năm 2020, MRC đã công bố một phúc trình để nêu ý kiến vắn tắt về nghiên cứu của EoE [6].  Các ý kiến được tóm tắt như sau:

    Việc phát triển đập trên thượng lưu Mekong đưa đến việc thay đổi dòng chảy theo mùa, gia tăng trong mùa khô và giảm trong mùa mưa.  Cả 2 hiện tượng được quan sát ở hạ lưu vực, với ảnh hưởng trên chế độ dòng chảy giảm dần khi đi xa xuống hạ lưu.

    Nghiên cứu của EoE không cứu xét đầy đủ tính phức tạp của mưa và nước chảy tràn; do đó, không phản ánh tình trạng thủy học thật sự trong lưu vực.  Các kết luận được dựa trên dòng chảy được tính toán mà không phân tích lưu lượng đo đạc lâu dài ở Chiang Saen.

    Vì các phương pháp được các tác giả sử dụng dựa trên kinh nghiệm và được điều chỉnh cho thời kỳ từ 1997-2001, các tiến trình vật lý và thủy học thay đổi phức tạp ấn định nước chảy tràn của lưu vực không thể được đại diện trong các phương trình hồi quy.

    Tin tức không đầy đủ về hạ tầng cơ sở trong lưu vực sông Mekong và cách thức điều hành những hạ tầng cơ sở nầy là một thách thức để tiên đoán ảnh hưởng ngắn hạn.

    Nếu các quốc gia thành viên và Trung Hoa chia sẻ thêm tin tức với MRC, nhất là dữ kiện và tin tức vể việc sử dụng nước và điều hành hạ tầng cơ sở, Ủy hội sẽ ở trong tư thế tốt hơn để hỗ trợ việc quản lý và hoạch định thủy lợi theo mùa, và có thể sửa chữa hiểu lầm của quần chúng và truyền thông.

    Quan trọng hơn, Ủy hội kết luận rằng kết quả nghiên cứu của EoE không phù hợp với dự kiện do MRC đo đạc tại chỗ.  Ủy hội cũng kết luận rằng: “… không đúng để nói rằng tình trạng thiếu nước ở hạ lưu Mekong trong năm 2019 và 2020 phần lớn do ảnh hưởng của các đập ở Trung Hoa…  Phân tích sơ khởi của chúng tôi, dùng dữ kiện mưa lịch sử (2008-2019) và dòng chảy quan sát, cho thấy rằng hạn hán năm 2019 trong lưu vực phần lớn do ít mưa trong mùa mưa đến trễ và chấm dứt sớm và hiện tượng El Nino khiến cho nhiệt độ và độ bốc thoát cao hơn bất thường.”

    Nghiên cứu của Đại học Tsinghua (Thanh Hoa)

    Đến tháng 7 năm 2020, Trung Hoa công bố một nghiên cứu của Trung tâm Nước Xuyên biên giới Quốc tế và An ninh-Sinh thái (Centre for International Transboundary Water and Eco-Security) thuộc Đại học Tsinghua (Thanh Hoa) và Khoa Thủy lực của Viện Nghiên cứu Thủy điện và Thủy lợi Trung Hoa (China Institute of Water Resources and Hydropower Research) nhằm (1) điều tra về tần suất hạn hán và các đặc tính không thời gian, (2) xác định tỉ lệ nước chảy tràn tự nhiên dọc theo dòng chánh sông Mekong, và (3) điều tra ảnh hưởng của việc điều tiết chuỗi hồ chứa Lancang đối với lưu lượng trong dòng chánh sông Mekong [7].

    Nghiên cứu kết luận rằng hạ lưu vực Mekong có tần suất hạn hán cao, và thường xảy ra trong mùa khô hơn mùa mưa.  Hạn hán 2019 là trận hạn hán nghiêm trọng nhất trong thế kỷ qua.  Vùng nặng nhất là hạ lưu Lancang đến phía bắc hạ lưu (Nong Khai).

     

    Chỉ số cho thấy năm 2019 là năm hạn hán nặng nề nhất trong lưu vực Lancang-Mekong trong 119 năm qua. [Nguồn: Tsinghua University and China Institute of Water Resources and Hydropower Research]

    Về tỉ lệ nước chảy tràn tự nhiên, phần thượng lưu vực Lan cang đóng góp khoảng 64,4% lưu lượng hàng năm của sông Mekong ở Chiang Saen.  Tỉ lệ nầy giảm đáng kể khi đi xuống hạ lưu, với 39,5% ở Nong Khai, 24,9% ở Nakhon Phanom, và 14,3% ở Stung Treng.  Điều nầy ngược lại với những gì ông Phạm Phong Long nói – “tỷ lệ góp nước của TQ tại trạm Kratie [gần Stung Treng] là 80% và trạm Vientiane [gần Nong Khai] là 40%” - theo tác giả Nguyễn Tuấn Khoa.

    Về ảnh hưởng của việc điều tiết các hồ chứa đối với lưu lượng của dòng chánh, nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng không đáng kể ở trạm Chiang Saen từ năm 2001 đến 2009.  Nhưng từ khi đập Xiaowan (Tiểu Loan) bắt đầu hoạt động từ năm 2010, lưu lượng của Mekong ở Chiang Saen cao hơn trong mùa khô và thấp hơn trong mùa mưa.

    Các đập thủy điện ở Vân Nam gây hạn mặn cho ĐBSCL?

    Theo tác giả Nguyễn Tuấn Khoa, các đập thủy điện Vân Nam đã gây ra hạn mặn ở ĐBSCL vì những phân tích của EoE và Stimson “… xuất sắc xác định được những điều mà Trung Cộng cho đến nay vẫn che giấu và… khó tranh cãi nỗi những bằng chứng thuyết phục nầy!”  Nhưng những nhận xét của các tổ chức chuyên môn quốc tế, được trình bày trên đây, cho thấy nghiên cứu của EoE và phân tích của Stimson không có cơ sở khoa học vững chắc; trái lại, các tổ chức nầy đã đưa ra các bằng chứng khoa học cho thấy ảnh hưởng của việc điều tiết ở thượng lưu vực có ảnh hưởng giảm dần khi đi về hạ lưu, tình trạng thiếu nước trong năm 2019 là do hạn hán nặng nề nhất kể từ năm 1900, và các đập thủy điện Vân Nam làm tăng lưu lượng của dòng chánh trong mùa khô.

    Rõ ràng hơn, ảnh hưởng của việc điều tiết của các đập thủy điện Vân Nam không được nhận thấy ở ĐBSCL.  Theo một phân tích tình hình thủy học của sông Mekong trong mùa khô 2016 khi Trung Hoa xả thêm 1.000 m3/sec từ đập Jinghong để cứu hạn ở hạ lưu Mekong, thì “dựa trên dữ kiện thủy học (lưu lượng và mực nước) đăng tải trên website của Ủy hội sông Mekong (được cập nhật vào ngày Thứ Hai mỗi tuần), số nước do Trung Hoa xả thêm từ đập Cảnh Hồng và do Lào xả thêm từ đập Theun-Hinboun dường như không về đến hai trạm Tân Châu và Châu Đốc, của ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) [8].

    Phần kết luận

    Đây không phải là lần đầu tiên mà những người cho rằng các đập thủy điện Vân Nam có ảnh hưởng không đáng kể đối với ĐBSCL bị lên án.  Nhưng lần nầy, bản án nặng nề hơn vì “nói đại và nói bậy để bênh vực cho tội ác của thủy điện ở đầu nguồn Mekong trên đất Trung Hoa” thay vì “là một biện minh che chắn cho những việc làm sai trái của Bắc Kinh trên dòng Mekong trong suốt hơn ba thập niên qua” [9].  Cơ sở cho bản án là kết quả nghiên cứu của EoE, phân tích của Stimson và các tác giả Ngô Thế Vinh và Phạm Phan Long.

    Nhưng việc khai thác thủy điện, cũng giống như việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên khác, không phải là một tội ác mà là điều cần thiết để phát triển quốc gia.  Những nhận xét của các tổ chức chuyên môn quốc tế, kể cả Ủy hội Sông Mekong, cho thấy nghiên cứu của EoE và phân tích của Stimson không có tính thuyết phục và có tính chánh trị.  Các tổ chức nầy kết luận rằng tình trạng thiếu nước ở hạ lưu trong năm 2019 là do hạn hán nặng nề nhất trong 119 năm qua và ảnh hưởng của việc điều hành các đập thủy điện Vân Nam không được nhận thấy ở cửa ngõ của ĐBSCL; đó đó, các đập thủy điện Vân Nam không phải là thủ phạm chánh gây hạn mặn cho ĐBSCL.

    Qua các nhận xét của các tổ chức chuyên môn quốc tế có danh tiếng và việc phân tích thủy học của dòng chánh Mekong trong mùa khô 2016, chúng ta có thể thấy ai đã nói đại và ai đã nói bậy!

    Sơ lược về tác giả

    Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

    Tài liệu tham khảo

    [1]          Nguyen Tuan Khoa. 4 tháng 4 năm 2021. “Bênh vực tộc ác thủy điện Vân Nam cũng là một tội ác.”  Bauxite Việt Nam. https://boxitvn.blogspot.com/2021/04/benh-vuc-toi-ac-thuy-ien-van-nam-cung.html

    [2]          Allison Jensen. September 18, 2018.  “Examining the Pros and Cons of Hydropower.”  Manufacturing Net.  https://www.manufacturing.net/chemical-processing/article/13245967/examining-the-pros-and-cons-of-hydropower

    [3]          Alan Basist and Claude Williams. April 10, 2020. Monitoring the quantity of water flowing through the upper Mekong basin under natural (unimpeded) conditions. LMI Sustainable Infrastructure Partnership, Bangkok April 2020. https://www.pactworld.org/Monitoring%20the%20quantity%20of%20water%20flowing%20through%20the%20Upper%20Mekong%20basin%20under%20natural%20%28unimpeded%29%20conditions

    [4]          Tarek Ketelsen, John Sawdon and Timo Rasaenen.  19 April 2020. “Monitoring the Quantity of water flowing through the Upper Mekong Basin under natural (unimpeded) conditions – Rapid Review.”  AMPERES.  https://onedrive.live.com/?authkey=%21AGOd8Qb3xSyPaFw&cid=692043E535D0F3B2&id=692043E535D0F3B2%21572&parId=692043E535D0F3B2%21573&o=OneUp

    [5]          Brian Eyler and Courtney Weatherby.  April 13, 2020. “New Evidence – Hoa China Turned Off the Tap on the Mekong River.”  Stimson. https://www.stimson.org/2020/new-evidence-how-china-turned-off-the-mekong-tap/

    [6]          Mekong River Commission. April 2020. Understanding the Mekong Rivers’s hydrological conditions: A brief commentary note on the “Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions” study by Alan Basist and Claude Williams (2020). Mekong River Commission.

                    https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Understanding-Mekong-River-hydrological-conditions_2020.pdf

    [7]          Fuqiang Tian, Hui Liu, Shiyu Hou, Kunbiao Li, Hui Lu, Guangheng Ni, Xiangpeng Mu, and Baiyinbaoligao.  July 2020. Drought Characteristics of Lancang-Mekong River Basin and the Impacts of Reservoir Regulation.  Centre for International Transboundary Water and Eco-Security, Tsinghua University and Department of Hydraulics, China Institute of Water Resources and Hydropower Research.  http://www.lmcwater.org.cn/authoritative_opinion/study/202009/P020200904567203081679.pdf

    [8]          Nguyễn Minh Quang. Ngày 2 tháng 5 năm 2016.  “Tình hình thủy học của sông Mekong – Từ ngày 14 tháng 3 đến ngày 2 tháng 5 năm 2016.”  Mekong-Cửu Long.  https://mekong-cuulong.blogspot.com/2016/05/tinh-hinh-thuy-hoc-cua-song-mekong-tu.html

    [9]          Ngô Thế Vinh. 23 tháng 3 năm 2020.  “Vũ khí giải cứu Mekong: Chất xám và tiếng nói.”  Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/vu-khi-giai-cuu-mekong-chat-xam-va-tieng-noi/

     

    Không có nhận xét nào