Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Quang Tô: Phan Bội Châu Với Bài Học Cách Mạng Dân Tộc


    (Bài nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Quang Tô tại Viện Đại Học Vạn Hạnh
    nhân dịp kỷ niệm ngày húy nhật thứ 33 của Phan Sào Nam, 29-10-1973)

    Suốt lịch sử cách mệnh dân tộc Việt Nam hiện đại từ Phan Ðình Phùng cho tới Nguyễn Thái Học, núi xương sông máu, hai Cụ Phan nhất là Phan Bội Châu thực tiêu biểu cho cái ý chí quật cường bền bỉ, dẻo dai của dân tộc Việt Nam.

    Sinh bất năng trừ thiên hạ hoạn / Tử bất năng tiết ý trung cừu / Trường hận mang mang, Lam thủy Hồng sơn thiên cổ tại / Tiền hồ thử ý cục phương chung / Hậu hồ thử vũ đài sơ khởi / Bức nhân đốt đốt, Âu phong Á vũ bất phương lai. (Phan Bội Châu)

    Tạm dịch:

    Sống không trừ nỗi lo thiên hạ / Chết chửa nguôi trong ý oán cừu / Lòng giận mang mang gửi lại non sông muôn thủa / Màn hý kịch trước đà buông xuống / Ðài đấu tranh sau vội mở lên / Giục người đan đắn gió Âu mưa Á ngập trời.

    Ðây là tiếng nói giờ phút cuối cùng của Cụ Phan Bội Châu ngày 29-10-1940.

    Ðấy là cái hồn của Quốc học, cái học thành người không phải chỉ có trí thức chuyên môn mà còn cả một triết lý về sự sống như Cụ Phan đã sống một đời hy sinh tính mạng cho nòi giống, cho tổ quốc mà Cụ thương yêu. Cụ đã đem cái tinh thần ấy ứng dụng vào các học Quốc học thích hợp cho Việt Nam ngày nay như Cụ đã mở đầu bộ sách “Khổng học đăng”: “Học cũ vẫn không phải trần hủ, mà học mới vẫn không phải phù hoa. Nếu học cho đến tinh thần thời ví như làm nhà: học cũ là nền tảng, mà học mới tức là tài liệu; hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm một toàn nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà; và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết bản sách này là muốn điều hòa học cũ với học mới; hai bên tương thành cùng nhau, mà quyết không tương phản.

    Tác giả nói học cũ là nói chân triết lý của Á châu từ thửa xưa, nói học mới là nói khoa học, khoa học tối tân thiệt có ích lợi với nhân sinh của thế giới bây giờ”. (Khổng học đăng)

    Chúng ta ngày nay muốn xây dựng lại ngôi nhà Việt Nam cho bền vững, cho hoa mỹ tốt đẹp không thể không trung thành ứng dụng bài học thực nghiệm sống động Cụ Phan đã toát yếu trên đây mà thế giới đang mong mỏi: “Chân triết lý của Á châu từ thủa xưa với khoa học tối tân của thế giới ngày nay!”

    Tức là Ðạo học với Khoa học!

    Ðây là ý nghĩa kỷ niệm nhà Ðại chí sĩ, Ðại cách mệnh dân tộc Việt Nam hiện đại: PHAN SÀO NAM [trích lời ngỏ của nguyệt san Tư Tưởng số 8-1973, chủ đề kỷ niệm Phan Bội Châu]

    Trong tâm thức mỗi người Việt Nam chúng ta, Sào Nam Phan Bội Châu tồn tại như một tiết tháo hiện thân, một tinh thần đấu tranh tích cực nhập thế, đồng thời do đó là biểu tượng cho một niềm kiêu hãnh của dân tộc về nỗ lực đối đầu để tồn tại với sự xâm lược Tây phương hồi hạ bán thế kỷ thứ 19. Có lẽ vì vậy, lòng kính ngưỡng của đồng bào Việt Nam đối với nhà chí sĩ sông Lam núi Hồng cũng là một hiện tượng hiển nhiên tất yếu trong khuôn khổ đời sống vừa lý trí vừa tình cảm, và thường xuyên ở trạng thái yên nghỉ, không thắc mắc hỏi tra…

    Ngay cả với hạng người mà đời sống “vinh quang” của họ gắn liền với sự tồn vong suy thịnh của đế quốc cũ cũng như mới, hình ảnh đầy hào quang của Phan Sào Nam thường khi vẫn hiện ra chói sáng trong tâm hồn họ như một thức tỉnh, có khi là một trách mắng, mà cho dầu họ kinh sợ và “viễn chi”, vẫn phải kính ngưỡng, kèm theo một tình tự hổ thẹn, hổ thẹn về sự cũng làm người Việt Nam!

    Hẳn nhiên ai cũng rõ tất cả những sự kiện đó chính là do từ cuộc đời, mà cũng chính là bản ngã cách mệnh Phan Sào Nam, một trong những chiến sĩ vừa không nhiều trong đám con yêu của đất Mẹ, vừa có những sắc thái đặc biệt về hệ tư tưởng đấu tranh mà hôm nay chúng tôi được may mắn tới đây để trình hầu quí vị và anh chị em sinh viên.

    Xưa kia, Tử Cống, một cao đệ của Khổng Tử khi nhận định về vị tôn sư của mình có nói: “Càng trông càng thấy cao; ông còn nói: khen chê Ngài cũng chẳng thấm vào đâu, vì nếu khen, cũng chỉ đắp thêm một sọt đất vào hòn núi đã cao, mà có chê cũng chẳng khác nào đào bới mất đi một sọt!” Chúng tôi thiển nghĩ rằng trên bình diện kháng Pháp của dân tộc Việt Nam, vấn đề khen chê Phan Sào Nam có lẽ cũng là trường hợp tương tự. Vả chăng nơi đây quả tình chúng tôi cũng không dám có tham vọng đặt vấn đề như vậy. Câu chuyện mà chúng tôi sắp trình hầu quí vị và các bạn hôm nay sự thật chỉ muốn rút ra phần nào từ cuộc đời đấu tranh của Người một bài học thiết thực mà chúng tôi nghĩ như vậy cũng đã quá nhiều cho mọi chúng ta: bài học cách mệnh dân tộc khả dĩ ứng dụng vào cuộc đấu tranh để trường tồn.

    Theo dõi quá trình rèn luyện trí thức, cũng như quá trình hoạt động cách mệnh và sáng tác thi văn của Phan, chúng ta đều thấy trong giai đoạn đầu từ lúc khai tâm đến năm 34 tuổi thành công trên đường cử nghiệp, Phan vẫn đi theo con đường mòn của những nho gia tiền bối: học chữ Hán để đi thi. Tuy vậy, không còn nép mình trong khuôn khổ tri thức Trình, Chu, Phan đã âm thầm tìm đọc các tác phẩm của các danh sĩ đương thời như Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ… ly khai với nếp sống miệt mài thổi sáo lời thơ giọng phú, Phan đã chuyển hướng cảm nghĩ của mình thành những lời kêu gọi thức tỉnh đồng bào về nhiệm vụ diệt thù cứu nước. Nghiền ngẫm ngày đêm, các trang sách Thiên Hạ Đại Thế Luận, Trung Đông Chiến Kỷ, Phổ Pháp Chiến Kỷ, Phan đã tìm ở đó những kiến thức cần thiết cho đường tiến thủ của mình. Nhất là sau ngày thất bại trong tổ chức Đội Sĩ Tử Cần Vương (1885), Phan càng gia tâm nghiên cứu sách lược của người xưa qua các binh thư: Tôn Tử Thập Tam Thiên, Võ Hầu tâm thư, Hổ Trướng Xu Cơ của Đào Duy Từ và các loại sách của danh nhân khác. Trong hoài vọng mở rộng kiến văn, Phan cũng tìm đọc các tác phẩm của các tư tưởng gia tiền phong Trung quốc trong cuộc vận động Tân Văn hóa, và cách mệnh Tân hợi như Khang Hữu Vi (1858-1927) và Lương Khải Siêu (1873-1929).

    Cho đến khi ra hải ngoại, có dịp tiếp xúc với các danh sĩ, chí sĩ Trung Quốc và Nhật Bản, trong một bối cảnh mà các mối tương quan quốc tế ngày càng mở rộng và chặt chẽ hơn, Phan càng hấp thụ được thêm nhiều các tư tưởng tiến bộ. Đặc biệt trận Nhật thắng Nga năm 1904-1905 càng như là những bằng chứng hùng hồn vừa có tính cách bảo đảm, vừa khích lệ Phan và các thân sĩ đương thời về sự cần thiết chuyển hướng tư tưởng: từ khuôn khổ một nền giáo dục từ chương hư văn sang một nền giáo dục thực nghiệm, từ một ý thức hệ cố chấp nhân tuần sang một tinh thần khai phóng tiến hóa, từ một tư tưởng quốc gia chật hẹp cực đoan sang một tư tưởng quốc tế cần thiết cho sự sinh tồn của quốc gia dù muốn dù không đang nằm trong tương quan xã hội mới. Phải chăng cũng trong khuôn khổ quan niệm đó mà cho đến khi bị Long Tế Quang bắt bỏ tù, kiểm điểm lại đoạn đường đã qua, hồi tưởng lại nền học vấn mà mình đã hấp thụ buổi ban đầu tại quê nhà, Phan đã thành thực nhìn nhận với nhiều hối tiếc: “Than ôi! đến giữa thế kỷ 19, gió Mỹ mưa Âu đã làm ồn ào vũ trụ, vậy mà ngó lại nước mình vẫn còn đang ở trong cơn mộng ngủ say… Ngay đến hạng người trồi đầu khét tiếng như tôi mà cũng như ếch nằm đáy giếng, kiến ở trong hang, có hiểu biết chuyện đời là gì đâu”.(1)

    Cho đến năm 1923, lúc bấy giờ còn ở Hàng Châu, Phan lại chấp nhận để tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng do Phan tổ chức sắp sửa ra đời, thành “Á phi nhược tiểu bị áp bức dân tộc, Á đông bộ, Việt Nam phân bộ, ta càng thấy rõ khúc quanh đặc biệt quan trọng của tư tưởng Phan từ tinh thần bản vị quốc gia sang tinh thần liên đới quốc tế. Cuối cùng Phan đã quan niệm đến, và viết cả một cuốn sách bàn về chủ nghĩa xã hội, với nhan đề là “Chủ nghĩa xã hội Phan Bội Châu”(2).

     


    Pho tượng Phan Bội Châu của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn dựng tại bờ sông Hương năm 2012. Hình: Internet

    Nhìn chung, quá trình hình thành và tiến hóa về tri thức của Phan, ta có thể ghi nhận được những yếu tính đặc biệt như sau:

    a) Là một hệ thống tri thức Nho học. Và đó là một việc dĩ nhiên đối với một vị giải nguyên Nho học. Tuy vậy, xét về Dụng, và ở thế Động, hệ thống tri thức Nho học đó qua con người Phan không còng giữ nguyên yếu tính (essence) tĩnh tại và hướng nội, trên cơ sở một tinh thần đạo đức, tuy thật lý tưởng mà không khỏi có tính chất chiết tỏa. Phan không thừa nhận tính chất tĩnh tại và chiết tỏa đó. Với Phan, điều quan yếu đối với một tri thức là Dụng chứ không phải Thể. Và chiết tỏa cố nhiên không được tán thành, mà tĩnh tại và hướng nội cũng chỉ được chấp nhận trong khuôn khổ tri hành hợp nhất, và được coi như là sự suy tư cần thiết để hành động, chứ không phải chỉ là một tri thức thuần lý.

    b) Trên nền tảng tri thức nho gia đó, Phan lại tự trang bị cho mình thêm những tri thức mới được tâm đắc qua nỗ lực tiếp xúc với văn hóa Tây phương, khác nào những ánh sáng soi tỏ thêm cho vốn liếng nho học cơ hữu của mình. Nhờ đó, qua công trình lập công (làm cách mệnh) đến lập ngôn (soạn sách), Phan đã chứng tỏ cho hậu thế cái nhân sinh quan “tự cường bất tức” và khai phóng của mình.

    c) Có lẽ cũng nhờ những ánh sáng đó, về phương diện tinh thần ái quốc, có thể nói trong hàng ngũ chí sĩ cách mệnh Việt Nam, Phan là một trong số ít người có cái tinh thần tích cực ngoan cường và cái nhìn thấu đáo minh chiết. Qua sự phân tích tỷ số thành phần tham gia cách mệnh trong cuộc tiếp xúc giữa Phan và Lương Khải Siêu(3) dù chúng ta không thể hoàn toàn tin vào các số liệu do Phan ước lượng về thành phần nhân dân tham gia đại cuộc kháng Pháp, ta thấy ở Phan một tinh thần “phân tích” khoa học thể hiện rõ rệt một khuynh hướng thực tiễn, ít thấy ở hàng ngũ nho gia vốn có khuynh hướng nhìn sự vật chỉ thuần qua trực giác và tổng hợp, nhiều khi trừu tượng.

    Với một hệ thống tri thức như vậy, Phan là một con người hành động tích cực, và luôn luôn với tinh thần khai phóng thích nghi. Ðiều này, ông Nguyễn Thượng Huyền, một người có dịp sống cạnh Phan ở Hàng châu (khoảng 1923-1924) đã viết như sau: “không câu nệ lễ phép lặt vặt, cũng không làm bộ giả đạo đức. Thậm chí chuyện đàn bà con gái Cụ cũng thường nói một cách tự nhiên. Nhưng khi bàn về chính trị hay là vấn đề quốc gia thì thái độ Cụ rất nghiêm. Về chính trị và cách mệnh, Cụ chủ trương chỉ cần đạt tới mục đích, không cần chọn lựa thủ đoạn…”(4)

    Ðúng như vậy, với nho gia, làm chính trị thì phải “vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi (5). (Luận ngữ – Vi chính)”. Vậy mà với Phan, qua thực nghiệm đấu tranh, Phan đã thẳng thắn nói: “các chính trị học thuyết ở đời gần đây, trừ bốn chự phú quốc cường binh ra ngoài, e không gì là thủ đoạn… Ðã nói chính trị tất phải bỏ nhân nghĩa ra ngoài, mà nhân nghĩa chỉ là câu nói suông của nhà học giả. Nào là nhân đạo chủ nghĩa, nào là công lý triết học, nào là bác ái, bình đẳng, tự do, chẳng bao giờ nhét vào trong khuôn chính trị được. Bởi vì đã nói nhân tất phải bác ái, đã nói nghĩa tất phải cho bình đẳng tự do; nếu cứ nhân nghĩa như thế hoài thì những nhà xâm lược thực dân làm thế nào mà múa tay lên mặt được. Vậy cho nên nhân nghĩa với chính trị phải rõ hai đường”(6)

    Qua đoạn văn trên, Phan chỉ phát biểu một nhận thức thực tiễn, chứ không phải chủ trương của riêng mình. Nhưng qua sự phát biểu nhận thức này, Phan đã chịu nhìn nhận một thực tại mà không lên án, coi đó như một thực tại hiển nhiên trong đời sống chính trị. Nhìn nhận hiện tượng đã không lên án mà còn giải thích cả cái sở dĩ nhiên lẫn cái sở đương nhiên, chính là một thái độ chấp nhận, tuy không tự phát. Ðối chiếu đời hoạt động của Phan, sự phát biểu trên đây về chính trị càng có ý nghĩa là một tri thức mà sự tâm đắc đã phải trải qua kinh nghiệm sống đắt giá bằng chính cuộc đời hoạt động tranh đấu của mình.

    Trình bày một Phan Bội Châu như vậy, chúng tôi chỉ muốn tuần tự đối chiếu và kiểm nghiệm về sự ứng dụng một hệ ý thức xuyên qua cuộc đời tranh đấu cách mệnh của Phan.

    Thật vậy, ngược dòng lịch sử cách mệnh Việt Nam, ta thấy:

    – Từ 1862 đến 1895, năm Phan Ðình Phùng mất, là giai đoạn Cần Vương.

    – Từ năm 1895 đến 1904, năm Phan Sào Nam xuất dương, là giai đoạn Văn Thân. Ý niệm Cần vương tuy còn, đã dần dần phai nhạt. Việc đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể sang Nhật trong phong trào Ðông du là do nhu cầu chiến thuật vận động cách mệnh hơn là mục tiêu cách mệnh.

    Ðối chiếu với đời hoạt động của Phan Sào Nam:

    – 1885, thất thủ kinh đô: Phan 18 tuổi
    – 1888, vua Hàm Nghi bị bắt: Phan 24 tuổi
    – 1895, Phan Ðình Phùng mất: Phan 28 tuổi
    – 1904, mở màn phong trào Ðông du, và Phan xuất dương lần đầu: Phan 37 tuổi.

    Như vậy, dấn thân vào đường cách mệnh với Sĩ Tử Cần Vương đội từ lúc 17 tuổi, Phan Sào Nam đã hoạt động tại quốc nội 20 năm rồi mới ra nước ngoài. Thời kỳ này cũng chính là thời kỳ mà cách mệnh Việt Nam đang hoàn toàn nằm trong khuôn khổ nội địa quốc gia, với đặc tính thuần võ trang bạo động. Trong khi thế ngoan cường liên tục, phong trào này chưa tắt hẳn, phong trào kế tiếp đã hình thành. Có khi sự thất bại của phong trào trước lại là nguyên động lực của phong trào sau khởi mạnh hơn, và có qui mô hơn, vì đã được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm gân óc, và xương máu thiết thân của lớp người đi trước vừa ngã gục.

    Cứ thế, cho đến khi nhận thấy các phong trào tranh đấu bạo động tại quốc nội ngày càng gặp khó khăn, thì một mặt trận thứ hai đã được các anh hùng chiến sĩ tuyền phong phát khởi tại hải ngoại. Và chính mặt trận thứ hai này, kể từ năm 1930 cho đến khi chung cuộc vào năm 1945, đã là nguyên động lực hướng đạo cho cuộc cách mệnh giải phóng dân tộc đến thành công vẻ vang.

    Tuy nhiên, nói tới mặt trận thứ hai (hải ngoại, ta cũng không thể không nhận rõ khúc ngoặt quan trọng đánh dấu sự chuyển biến mặt trận này thành hai thời kỳ, mà cái mốc thời gian lại chính là năm 1923, năm mà Phan Sào Nam căn cứ vào trào lưu cách mệnh thế giới đã chấp thuận để cho tổ chức Quốc dân đảng do Phan thành lập đi theo và gia nhập vào THẾ GIỚI BỊ ÁP BỨC DÂN TỘC LIÊN HIỆP HỘI và biến thành một Phân bộ của tổ chức này.

    Như vậy, ngoại trừ việc thành lập Ðội Sĩ Tử Cần Vương năm 17 tuổi, đời cách mệnh của Phan gắn liền với mặt trận đấu tranh hải ngoại ngay từ đầu 1905 cho tới năm 1925, tức là trong khoảng trên 20 năm.

    Ðiều đáng ghi nhận hơn là ở chỗ, nếu nói cuộc đời gắn liền với cách mệnh, thì sự gắn liền của Phan lại là một sự gắn liền chủ động. Nói cách khác, cách mệnh hải ngoại của Việt Nam trong giai đoạn này, vai trò chủ động các phong trào chính là Phan. Sự phát khởi và quá trình diễn tiến của các phong trào chính, nổi bật nhất là Ðông Du 1904-1908, và Quang Phục 1912-1923, nhất là cuộc võ trang kháng Pháp, chính do Phan chủ trương vào cuối Ðệ nhất thế chiến đã xác nhận điều đó.

    Hơn nữa, với Phan không có sự phân chia ranh giới giữa mặt trận quốc nội và mặt trận hải ngoại, về thời gian cũng như về không gian. Trái lại cả hai mặt trận đều được tiến hành song song, đồng thời trong cùng một phong trào, và trong cái thế hỗ tương yểm trợ:

    – Ðông Du được phát động mạnh mẽ với sự ủng hộ của chính phủ Nhật ở hải ngoại, thì ở quốc nội công cuộc vận động du học sinh và cuộc vận động tài chánh cũng được tiến hành rầm rộ khắp Trung, Nam, Bắc với sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi từng lớp đồng bào…

    – Quang Phục hình thành và phát triển với sự yểm trợ của chính phủ cách mệnh Trung Quốc ở hải ngoại, với sự thành lập Quang Phục quân thì ở quốc nội, uy danh tổ chức cũng lừng vang qua các trận tấn công của quân cách mệnh vào các căn cứ hành chánh và quân sự của Pháp và ngụy quyền tại nhiều tỉnh vùng biên giới Hoa Việt.

    Rõ ràng với Phan, vận động hải ngoại chỉ là phương thế đấu tranh cách mệnh khi tại cứ địa quốc nội không có, hoặc thiếu điều kiện thuận lợi. Và với Phan, xuất dương không có nghĩa là thoát ly khỏi cứ địa; vì bất cứ phong trào nào ta cũng thấy sự hiện diện của Phan ở cả hai mặt trận quốc nội và hải ngoại, hoặc bằng thân xác, hoặc bằng tài liệu do chính Phan sáng tác ra và được mang về phổ biến trong nước. Có khi lại bằng kế hoạch hành động như vụ “Hà Thành đầu độc” năm 1908, hoặc như vụ thanh toán Tuần phủ Thái bình Nguyễn Duy Hàn năm 1913 trong khuôn khổ hoạt động của Việt Nam Quang Phục.(7)

    Và đường lối cách mạng này đã được Phan theo đuổi cho tới ngày bị bắt, kết thúc giai đoạn vận động cách mệnh bằng phong trào, bằng tổ chức riêng lẻ của từng lớp Văn thân, chuẩn bị mở màn cho thời kỳ vận động cách mạng bằng đảng phái.

    Trong khuôn khổ nhận thức đó, chúng ta càng có lý do vững chắc để nói rằng, với vị trí của Phan trong cuộc cách mệnh dân tộc, cuộc đời hoạt động tuy thực sự không đưa lại kết quả trực tiếp nào, nhưng thay vì làm suy giảm vị trí tinh thần, lại có giá trị như là những trận bão táp phong ba làm cho vai trò trụ đá giữa dòng của người trở thành bất tử.

    Hiền triết Ðông Phương xưa có nói:

    Không phải là bậc thánh nhân như Nghiêu, Thuấn, thì làm sao mọi việc có thể hoàn toàn thiện hảo được (Nhân Phi Nghiêu, Thuấn, Yên năng mỗi sự tận thiện – Mạnh kha, Sách Mạnh tử). Cùng tán đồng nguyên lý nhân sinh tương đối đó, một nhà lãnh tụ cách mạng Trung hoa hiện đại cũng phát biểu: Con người ở đời, trừ những kẻ không chịu và không dám làm gì cả mới không có cái sai; còn những người dám nghĩ dám làm thì không ai tránh được sai lầm. Người làm nhiều sai nhiều, kẻ làm ít sai ít.

    Sào Nam Phan Bội Châu là một con người, dù là con người cách mạng chân chính, suốt đời không phản lại lý tưởng, tất nhiên cũng nằm trong thông lệ nhân sinh tương đối đó. Tuy nhiên, nếu như nhà lãnh tụ Trung Hoa bảo rằng “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít”, thì qua chứng liệu lịch sử, Phan đã là rất nhiều – làm suốt cuộc đời – mà cả đương thời lẫn hậu thế, có lẽ chưa một ai dám bảo rằng Phan đã “sai rất nhiều” được.

    Ðiểm nổi bậc nhất của cuộc đời Phan là ở chỗ đó, mà bài học lịch sử Phan đã để lại với giá trị ưu việt nhất cho hậu thế chúng ta cũng là ở chỗ đó.

    Là người chúng ta học được những gì ở Phan về một nhân sinh quan toàn diện? Là công dân đất Việt đã, đang và mãi mãi phải chiến đấu tự tồn chúng ta học được những gì ở Phan về mặt chiến đấu quan thiết thực và hữu hiệu?

    Phan Bội Châu là một nhân vật dồi dào tinh thần tự chủ, không bị động chịu ảnh hưởng của bối cảnh bất lợi.

    Thật vậy, Phan đã xuất hiện trong bối cảnh mà thực dân Pháp đã hoàn toàn kiện toàn nền thống trị trên đất nước Việt Nam. Các nhà khoa bảng, thân sĩ tỉnh nhà như Tiến sĩ Ðinh Văn Chất, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Hoàng Giáp Nguyễn Văn Chính, Hoàng Giáp Nguyễn Ðức Túy… đã kế tiếp hiến mình cho tổ quốc trong phong trào Cần Vương. Nhất là đại cuộc kháng chiến chống Pháp do Phan Ðình Phùng chủ trương ở Nghệ Tĩnh, cũng đã tới thời tàn tạ. Ngọn lửa cách mạng bao lâu ngùn ngụt dâng cao khắp Trung, Nam, Bắc giờ đã lần lượt tàn lụi.

    Ngoài một số chí sĩ cương quyết tiếp tục con đường cách mạng, giữ vững lập trường bất cộng đái thiên với cừu nhân, một số khác cáo quan từ chức lui về vui cảnh điền viên; số đông còn lại, lợi dụng chữ “tùy thời”, tiếp tục vùi đầu đua chen vào vòng danh lợi, thờ phụng kẻ thù. Vậy mà Phan, một bạch diện thư sinh mới 18 tuổi đầu, đã dám tự đứng lên tổ chức Sĩ tử Cần Vương đội, nối chí Phan Ðình Phùng tiếp tục sự nghiệp đáng Tây cứu nước. Dù thất bại, sự kiện đó đã chứng minh Phan là một nhân vật chẳng những không chịu nép mình vào trong khuôn khổ thế tục dung thường, mà còn có căn bản tư tưởng tích cực cách mạng từ thuở thiếu tráng.

    Cho tới đoạn chót của cuộc đời sau bao cuộc thăng trầm trên đường hoạt động, Phan giữ vững trọng tinh thần tự chủ, không bị động trước mọi lôi cuốn của bối cảnh: Năm 1925, Phan bị bắt về nước giam lỏng. Lúc bấy giờ cách mạng Việt Nam đang lâm thoái trào thảm bại. Nhất là một số đồng chí của Phan trước đây tại hải ngoại đã ra làm quan với Pháp.

    Trong một bối cảnh lịch sử từ nội tình đến ngoại thế bi đát như vậy, nếu Phan không phải là nhân vật kiên trinh trung dũng phi thường, tự đặt mình ra ngoài và lên trên những ảnh hưởng của thế tục, thời danh, thì khi được Thực dân Pháp và Nam triều tìm đủ mọi mánh khóe để ép Phan nhận một trong ba chức vụ: Thượng thư Bộ học, Cố vấn tối cao chính phủ Nam triều, Nghị trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, chắc Phan khó tránh khỏi sa ngã.

    Xét cho cùng, sở dĩ Phan có được tinh thần tự chủ cao độ không bị ngoại cảnh bất lợi chi phối như vậy, căn bản là ở tinh thần chí sĩ và trượng phu quân tử vốn cũng rất phong phú và mãnh liệt trong tâm hồn.

    Kể ra ở thời đại chúng ta hai tiếng Chí sĩ vẫn thường rất hay bị lạm dụng. Bởi vậy ở đây chúng tôi xin được phép xác định lại danh xưng đó. Sách Thuyết Uyển viết: Chí sĩ là kẻ sĩ có chí hướng nhất định, chỉ một chí hướng thôi, và suốt đời chỉ phụng sự cho chí hướng đó, cho tới già không quên, tới chết không biến đổi: Sĩ hà sự? Viết thượng chí; sở thượng nhứt chí, chí lão bất vong, chí tử bất biến, viết chí sĩ. Hiểu như vậy, và trở lại trường hợp Phan Sào Nam, chúng ta không còn e ngại khẳng định Phan đúng là một Chí sĩ. Mặt khác, cũng qua con người chí sĩ bất biến đó, Phan quả còn là một trượng phu quân tử Ðông phương với tất cả 3 yếu tính sáng chói: phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất vậy. Nhứt là ở Phan chúng ta lại thấy được cái tinh thần Tứ Vô (1 – Vô ý: không có ý riêng theo cá nhân chủ quan mình; 2 – vô tất: không vì ý riêng mà chủ quan tin chắc ở kết quả; 3 – vô cố: không cố chấp, không chịu nhận đổi thay khi cần; 4 – vô ngã: không có, không ví cái Ta chủ quan của mình) cao cả của một vị chân Nho. Trên bình diện Tri thức, Tứ Vô là một chuỗi dài ý tưởng có liên quan hệ nhân quả với nhau: Do ý riêng nên chủ quan tin chắc, tin chắc nên cố chấp không chịu đổi thay, không chị đổi thay ý riêng nên kết cục là chỉ vì riêng mình và cho mình, chứ không phải vì chân lý, công ích. Nói chung tinh thần Tứ Vô chính là tinh thần đả phá cá nhân chủ quan và cố chấp vậy.

    Ðối chiếu với đời hoạt động cũng như với phương lược đấu tranh cách mệnh, Phan quả đã áp dụng được khá trọn vẹn tinh thần Tứ Vô đó trong việc lập thân xử thế, chẳng những không cố chấp, mà trong lãnh vực đấu tranh cách mạng Phan cũng lại thực hành đúng tinh thần chuyển biến đó.

    Trước hết Phan định nối chí Phan Ðình Phùng theo đường lối Cần Vương kháng chiến chống Pháp.

    Khi thấy Nhật bản Duy tân thành công lừng lẫy, Phan hướng cách mạng Việt Nam theo Tam dân chủ nghĩa, làm cơ sở hoạt động cho Việt Nam Quang Phục hội, do Phan đứng tổ chức.

    Trong đại chiến thứ nhất, chứng kiến sức bành trướng xâm lược của Nhật bản, cọng thêm kinh nghiệm qua lần Ðông du thất bại, Phan đã không ngần ngại dứt bỏ tư tưởng đồng chủng đồng văn, lên tiếng gọi Pháp Việt đề huề để chống lại Nhật bản mà dã tâm thực dân đã rõ. Sau đại chiến thứ nhức, cách mệnh Việt Nam lâm thoái trào. Phan đang ở Trung hoa cũng được chứng kiến những bước thăng trầm của chủ nghĩa Tam Dân. Trong hoàn cảnh đó Phan đã không ngần ngại chấp nhận để cho tổ chức cách mệnh của mình đi theo một đường lối đấu tranh trong khuôn khổ tinh thần liên đới quốc tế.

    Nhận định về tính chất chuyển biến trong đường hướng cách mạng của Phan, đã có một số người viết rằng:

    “Thấy nước yếu, mất quyền độc lập, và dân ngu bị áp bức bóc lột thảm thương, Cụ nóng nảy bồn chồn rồi ai mách bảo chủ nghĩa nào cũng theo, miễn là cứu được nước. Thế là Cụ không có chủ nghĩa vững vàng để lãnh đạo quần chúng, cho nên sự nghiệp suốt đời không thành tựu được” hoặc:

    “Về chính trị và cách mạng, Cụ Phan chủ trương chỉ cần đạt tới mục đích, không cần chọn lựa thủ đoạn. Vì vậy khi Cụ quân chủ, khi Cụ dân chủ, khi Cụ bạo động, khi Cụ bất đề kháng (như trong cuốn Du Cửu niên Lai Sở trì Chi Chủ nghĩa), khi Cụ muốn Pháp Việt đề huề, khi Cụ thích Chủ nghĩa Mác, khi Cụ bắt chước Tam Dân chủ nghĩ của Tôn Dật Tiên. Có thể nói rằng Cụ không có chủ nghĩa nhất định” (Nguyễn Thượng Huyền “100 năm sinh nhật Phan Bội Châu”, nhà xuất bản Trình Bày, Saigon 1967.

    Dĩ nhiên chúng tôi không thể đồng ý với người đã cho Phan thất bại là vì không có chủ nghĩa vững chắc. Và điều này tưởng đã có thực tại đương thời về cách mạng Việt Nam giải thích. Hơn nữa theo thiển kiến chúng tôi, sự chuyển biến trong tư tưởng của Phan không phải là vì “vô định kiến” hay là vì một tinh thần hoàn toàn bị động vì ngoại cảnh. Trái lại, như chúng tôi đã trình bày, Phan vốn là con người khai phóng, không bao giờ chịu nép mình trong những tri thức và ước lệ cố định. Ðã thế, trên bình diện chính trị tranh đấu cách mạng, nung nấu bởi nhu cầu diệt thù cứu nước thì sự chuyển biến thích thời đấu tranh tưởng là lẽ tất nhiên. Hơn nữa, còn chứng tỏ ở Phan một tinh thần thực tiễn “hoàn cảnh khách quan đề ra phương hướng và kế hoạch đấu tranh”. Mà xét cho cùng, nếu tính chất chuyển biến đó thể hiện một tinh thần khai phóng thì đi sâu hơn, ta vẫn thấy động cơ xuất phát vẫn là tinh thần tích cực, cái tích cực của một đứa con chí hiếu đối với bà mẹ đang lâm trọng bịnh: trong việc chữa hễ thấy phương thuốc nào không hiệu nghiệm là vội đi tìm thứ khác ngay:

    Ðọc lịch sử nước nhà, ngay từ nhữn ngày đầu gót chân xâm lược của đế quốc Tây phương đặt lên đất nước này, chúng ta không thể không tự hào về sự thể hiện tình tự ái quốc của một số không ít con dân đất Việt.

    Một Nguyễn Ðình Chiểu dứt khoát trong tinh thần chiến đấu “thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh hơn là còn mà chịu chữ đầy Tây, ở với mai di rất khổ”, chỉ vì không thể quên được “tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta”. (Nhuyễn Ðình Chiểu: Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc).

    Một Thủ Khoa Huân quắc mắt trước gươm đao của giặc:

    Nổi xung mát vía quân hồ lỗ
    Quyết thác không hàng rạng núi sông
    (trích thơ tuyệt mạng của Thủ Khoa Huân trước phút ông lâm hình)

    Một Nguyễn Cao nghiến răng phơi gan trải mật:

    Thệ tâm thiên địa phi trường bạch
    Khiết xỉ giang sơn thổ thiệt hồng
    (trích bài thơ của Nguyễn Gia Chấn, cháu 4 đời của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, ai điếu chí sĩ Nguyễn Cao sau ông tự tuẫn – Theo Lãng Nhân, giai thoại làng Nho, nxb Nam chi tùng thư, Saigon 1960).

    Một Phan Ðình Phùng với câu nói bi hùng bất hủ: “Tôi có một ngôi mộ rất to là tổ quốc Việt Nam mà chưa trùng tu lại được. Tôi có những người anh em rất thân là đồngbào Việt Nam mà chưa cứu vớt được” (Lời Phan Ðình Phùng nói với nghĩa quân Cần Vương khi nhận được thơ dụ hàng của Hoàng Cao Khải, trong đó Họ Hoàng giả vờ phàn nàn mồ mả tổ tiên Phan bị hư hao; anh em bị liên lụy… (Ðào Trinh Nhất, Phan Ðình PHù, nhà xb Tân Việt Saigon 1957)…. Và còn biết bao nhiêu những trường hợp tương tự, làm sao kể hết.

    Tuy nhiên với Phan Sào Nam, trước khi bàn tới cái tinh thần tích cực ngoan cường đó, chúng tôi muốn xin lưu ý quí vị về những tiếng khóc, những dòng nước mắt tầm tã mà chính Ẩm băng thất chủ nhân Lương Khải Siêu đã phải khuyên “xin khách ráo lệ…” Khi ông kể lại cuộc tiếp xúc lần đầu với Phan tại Hoành tân (Nhật bản). Cũng một tiếng khóc đó, Phan đã cho ra đời Lưu cầu huyết lệ tân thư, Hải ngoại huyết thư; ngay đến Việt Nam Vong Quốc Sử Phan cũng vừa lau nước mắt vừa chép.

    Trong cuộc đời bôn ba hải ngoại, quả thật đã có khi Phan khóc. Và điều này qua Ngục Trung Thư Phan cũng đã nói ra. Nhưng xét cho cùng đó chỉ là tiếng khóc bi hùng của một nhân vật đang ở trong cái thế “thân hệ bang gia”, sống ưu tư cho nhà cho nước hơn là cho bản thân mình. Nói cách khác, tiếng khóc của Phan lúc nầy là của một con người tự cảm thấy lực bất tòng tâm trước cơn nguy nan của đất Mẹ, nhứt là khi cảm thấy niềm tin:

    Vắt gan lấy máu làm canh
    Với cao đã có trời xanh thấu tình
    Mũi tên dồn hết tinh thành
    Vàng kia đá nọ tan tành như chơi.
    (Lược trích Hải ngoại huyết thư, “Lịch can huyết dĩ điều canh, đế thiên khả giám; chú tinh thành ư nhứt tiển kim thạch năng khai”. Nguyễn Quang Tộ dịch Việt văn.

    Khó đem lại một kết quả mong chờ!

    Dù thế mặc lòng, Phan vẫn giữ vẹn niềm tin son sắt và càng đặt trọn niềm tin vào tình tự dân tộ mà Phan quan niệm như là động lực chiến thắng cuối cùng. Với những Ái chủng ca, Ái quốc ca… Phan đã không bỏ sót một ai trong mọi thành phần dân tộc, kể cả những người lầm đường lạc lối theo giặc:

    Việc dẫu nặng chia mang cũng nổi
    Xúm tay vào kéo lại non sông;
    Làm cho sáng tỏ tổ tông,
    Tôi xin kể hết cách dùng như sau:
    Nào là kẻ phú hào trong nước,
    Nào là người quan tước thế gia
    Nào ai sĩ tịch trẻ già Nào là lính tập, nào là gia nô
    Nào là những kẻ côn đồ nghịch tử
    Nào những người nhu nữ anh si,
    Bếp bồi thông ký chi chi…
    Cựu gia tử đệ nào thì những ai?
    Ấy kể bậc số người trong nước
    Còn người đi du học mọi nơi
    Người trong cho đến kẻ ngoài
    Chữ tâm cốt phải ai ai cũng đồng.
    (Toà soạn tự ý bỏ 3 dòng)

    Tìm hiểu nguyên do, một phần nào do sự sai lầm nội bộ của chúng ta, nhưng phần quan trọng vẫn là do âm mưu chia rẽ, một sách lược gian manh truyền kiếp vô cùng thâm độc của bọn đế quốc thực dân, chẳng những dùng trong mọi cuộc xâm lược thuộc địa, mà còn nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc thuộc quốc để dễ thống trị. Nhận rõ mối nguy hại đó, ngay từ đầu Phan đã không ngớt kêu gọi:

    Chữ rằng đồng loại tương thân
    Giáo dân cùng với lương dân khác gì

    Vỗ về kêu gọi đủ mọi thành phần dân tộc, Phan cũng lên án mọi thái độ cố tình cừu thù chia rẽ:

    Ðừng cậy thế, chờ khoe tài
    Bỏ điều riêng nhỏ, tính bài lợi chung
    Chớ giành khi chớ khoe công
    Dứt tình ghen ghét, bỏ lòng xai nghi

    Cuối cùng, Phan phác họa một chương trình hành động chung trong tinh thần hiệp hòa dân tộc, đoàn kết chiến đấu, về chính trị:

    Cốt trong nước người ta một bụng
    Nghìn muôn người cùng giống một người
    Phòng khi sưu thuế đến nơi
    Bảo nhau không đóng nó đòi được chăng!
    Gọi đến lính không thằng nào chịu
    Bắt một người ta kéo muôn người
    Bấy giờ có lẽ giết ai,
    Hẳn thôi nó cũng chịu lui giống mình
    (Thái bạch, Thi văn quốc cấm, nhà xb Khai trí, Saigon)

    Cũng như về võ trang:

    … Người Việt Nam chúng ta đông 50 triệu, nếu thật lòng đồng tâm hiệp lực góp sức chung tay, kẻ nhen lửa người gát củi, cùng tiến bước, đấu tranh với quân Pháp, thì vạn người Việt cũng trị được 100 tên giặc, ngàn người Việt cũng trị được 10 tên giặc, và 100 người Việt cũng trị được một tên. Bốn năm ngàn tên giặc, chỉ 4, 5 vạn người Việt chúng ta là có thể trị xong” (VNVQS, sđd, trang 75).

    Trên nền tảng tình tự hiệp hòa dân tộc đó, thái độ của Phan càng dứt khoát hơn đối với thực dân, sau ngày về ở Bến Ngự. Chúng tôi xin mời qúi vị theo dõi đoạn văn sau đây:

    “Hằng ngày lúc mát trời, Cụ Phan lụng thụng trong bộ quần áo nâu, tay chống gậy dạo qua dạo lại ngoài sân la quát: Cỏ Tây đây, nhổ cho tận gốc! Tứ c thì mấy cậu bé con trong nhà xúm lại bới móc “cỏ Tây”, thứ cỏ Cụ tự đặt tên, chứ thật là “cỏ Cú”. Chẳng qua trong lòng chất chứa mối căm thù thực dân không cầm nổi, đến phát ra như thế, và cũng để nhắc nhở cho bọn bén con biết đâu là thù cần diệt tận gốc” (Theo Anh Minh, Cụ Sào Nam 15 năm bị giam lỏng ở Huế, xuất bản Anh Minh, Huế 1956).

    Thật là mối thù bất cộng đái thiên không nguôi, chỉ vì trong lòng Phan lúc này đã thực sự dứt khoát:

    Vàng khè trắng toát khác đôi bên

    nên dù cho:

    Sông núi lỡ làng màu lịch sử vẫn giữ trọn tấm lòng son sắt, tìm ý sống trong cảnh:

    Ba chén xong rồi ai ấy bạn
    Một pho kinh Phật, một cây đèn
    ngày đêm chỉ ước mong:
    Bao giờ duyên mới thay duyên cũ
    Cùng nhau ra sức tát bể Ðông

    Ác hại thay, cái “duyên mới” mà Phan Sài Nam mộng ước mãi cho tới bây giờ đã trên 30 năm, vẫn chưa được.

    Phan Bội Châu là một chiến sĩ cách mệnh hoàn toàn thất bại trong hoài bão đánh đuổi đế quốc thực dân, giành lại độc lập cho đất nước. Ðiều đó thật hiển nhiên.

    Ðể giải đáp nguyên nhân thất bại của mình, vào những ngày chót của cuộc đời, Phan đã tự kiểm thảo là “hữu chí vô tài”, và xin đồng bào tha lỗi “tội thậm khất thứ” (trích nguyên văn câu Phan tự đề vào di ảnh của mình trước ngày lìa đời: “Cứu quốc tồn chủng hữu chí vô tài, kim cánh dữ quốc dân trường từ, tội thậm khất thứ”)

    Phan có chí, vô tài? Phan có tội?

    Lịch sử Việt Nam, và chính cả cuộc đời Phan là một bản nhận định lớn lao. Ở đây một lần nữa, chúng tôi chỉ muốn nhắc lại, theo quan điểm của chúng tôi, là không những chỉ sự thành công của Phan về danh tiết, mà cả sự thất bại về kết quả của Phan về đấu tranh cách mệnh cũng vẫn là một bài học rất thiết thực và có giá trị rất cao quí đối với hậu thế chúng ta. Nói rõ hơn, từ trong thất bại của Phan, ta có thể rút ra thêm những gì về kinh nghiệm đấu tranh để tự tồn.

    Trước hết là tương quan lợi quyền giữa các đế quốc với nhau, dù là Nhật, Pháp hay bất cứ một đế quốc nào. Trong khuôn khổ tham vọng xâm lược thuộc địa, giành giựt hoặc chia xẻ thị trường, họ có thể mâu thuẫn nhau, gây chiến lẫn nhau nhưng không bao giờ vì thế mà thành thực đứng về phía tiểu nhược quốc trong đấu tranh tự vệ hoặc giải phóng chống lại một đế quốc. Vấn đề “đồng chủng đồng văn” sự thực chỉ là ảo vọng đối với các nhà cách mệnh Việt Nam khi đặt niềm tin vào Nhật bản sau ngày Duy Tân và đang bước vào địa vị đế quốc, lần lược xâm chiếm hoặc dự phần chia xẻ quyền lợi về các tiểu nhược quốc. Ðó là bài học về phong trào Ðông du. Cũng do từ bài học thiết thân này, trong Quang Phục hội (1912) khi đề cập đến vấn đề ngoại viện trong một bức thư gởi cho ông Hồ Hán Dân một nhân sĩ cách mệnh Trung Hoa, Ðô đốc Quảng đông, Phan đã tỏ ra nghi ngờ tất cả khi viết: “Anh gia, Ý gia, Mỹ gia, Ðức gia? Hồi thị Ðông Á tắc Nhật bản tham tàn hùng ư tê chủy”. Chúng tôi tạm dịch: Trông cậy vào Anh chăng, Ý chăng, Mỹ chăng, Ðức chăng? Nhìn về vùng Á Ðông thì Nhật bản đã rõ là quá tham tàn hơn lang sói!

    Thứ hai, là tương quan lợi quyền giữa quân phiệt bản địa với đế quốc ngoại lai. yếu tính của quân phiệt là độc tài, là phản cách mệnh. Ðể củng cố uy quyền độc tài và quyền lợi phe nhóm, bọn quân phiệt sẵn sàng liên kết với đế quốc ngoại lai trong âm mưu chống lại các lực lượng cách mệnh có khuynh hướng chống quân phiệt và đế quốc, bất cứ lực lượng cách mệnh đó ở trong nước hay tại một nước khác. Ngược lại bọn đế quốc thực dân cũng khai thác mọi cơ hội, liên lạc với quân phiệt để phá hoại cơ sở cách mệnh của thuộc quốc tại quốc gia mà nhóm quân phiệt đó đang giữ chính quyền. Ðó là trường hợp ngộ nạn của cách mệnh Việt Nam và cá nhân Phan trước sự liên kết giữa nhóm quân phiệt Long Tế Quang ở Trung Hoa và thực dân Pháp ở Ðông dương.

    Thứ ba là yếu tính của đế quốc là ngoan cố. Trong mọi cuộc tranh chấp, bao giờ đế quốc cũng ỷ vào sức mạnh vật chất; và cho đến phút cuối cùng vẫn tự tin vào sự chiến thắng bằng sức mạnh vật chất đó. Bởi vậy, đối với đế quốc mọi thái độ thương thuyết hoà dịu khi mình chưa có sức mạnh vật chất trội hơn hẳn đều chỉ là vô ích. Càng không thể kêu gọi ở họ một cảm tình thân thiết hay một lẽ phải nào khi sức mạnh vật chất của mình còn non yếu hơn. Sự lầm lẫn và thất bại của Phan trong chủ trương Pháp Việt đề huề chính là một chứng liệu.

    Sau hết, qua các nhận định trên, bài học bất tử mà Phan muốn dành cho chúng ta là:

    Xưa nay độc lập tự do
    Phải giành mà lấy ai cho không mình
    (Phan Sào Nam, Ái đoàn ca)

    Mà muốn vậy thì chỉ có một con đường hữu hiệu duy nhất là đấu tranh trong tinh thần hòa hiệp dân tộc.

    Một nhân vật mà đời hoạt động thành công cũng như thất bại vẫn để lại cho hậu thế một bài học quý báu như vậy, tưởng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc chúng ta không phải là nhiều. Và từ ý nghĩ này, chúng tôi xin mượn để làm kết luận, câu đối sau đây của cụ Hoàng Giáp Nguyễn Ðức Lý, người phủ Hưng nguyên tỉnh Nghệ An làm điếu Phan khi Phan từ trần:

    “Vì nước vì dân, lòng đến lúc già càng thấy sắt
    “Toàn danh toàn tiết, tượng sau khi chết đáng nên đồng”

    NGUYỄN QUANG TÔ

    (1) Ngục Trung Thư (bản dịch của Đào Trinh Nhất) Tân Việt, Saigon 1950.
    (2) Nhà xuất bản Sinh minh, Vinh (Nghệ An) ấn hành năm 1946, tác phẩm này Phan viết vào khoảng năm 1937 tại Bến Ngự, Huế.
    (3) Xin xem thêm ở “Việt Nam vong quốc sử”, nguyên tác chữ Hán của Phan, Nguyễn Quang Tô dịch, nhà xb Tao đàn Saigon 1969.
    (4) Nguyễn Thượng Huyền, tạp chí Bách khoa, Saigon, số 73 ngày 15-1-1960
    (5) Làm chính trị mà dùng đạo đức thì cũng như ngôi sao Bắc đẩu tuy ở một chỗ đó, mà các ngôi sao khác đều theo chầu về (ý nói qui phụ vào)
    (6) Phan Bội Châu, Khổng Học Ðăng, nhà xuất bản Anh Minh, Huế 1957
    (7) Nhận xét này hoàn toàn trái ngược và mâu thuẫn với lời tuyên bố của cụ Phan trước Hội đồng đề hình ngày 23-111925. Chúng tôi đăng nguyên văn và dành quyền phê phán cho độc giả.

    (Trích nguyệt san Tư Tưởng năm thứ VI, số 8 – tháng 11-12 năm 1973.
    Chủ đề: Phan Bội Châu, của Viện Ðại Học Vạn Hạnh)

    Nguyễn Quang Tô: Phan Bội Châu Với Bài Học Cách Mạng Dân Tộc – Uyên Nguyên (uyennguyen.net)

    Không có nhận xét nào