Header Ads

  • Breaking News

    Trần Trung Chính - Những bật mí liên quan đển VNCH sụp đổ

    Mùa Quốc Hận 26 tháng 4 năm 2021

    Hàng năm mỗi độ tháng tư về, người Việt Hải Ngoại lại nhớ đến những đau buồn, những uất hận và luôn nhớ đến những nhục nhằn mà con dân Việt đã phải cam chịu. Suốt 46 năm qua, hầu như những tâm sự, những chứng kiến  mất mát, những  tham dự bi hùng của các quân nhân các cấp của tất cả các quân binh chủng…đã được trình bày.

    Tuy nhiên những nhân vật trọng yếu đã từng nắm giữ những vị trí tối thượng của VNCH khi ra đến hải ngoại thì không ai hé lộ bất cứ điều khoản nào,  dù chỉ là biện minh hay bào chữa cho chính mình. Những nhân vật then chốt như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Đại Tướng Dương Văn Minh, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu…hầu hết đã qua đời một cách lặng lẽ mà không hề có hồi ký hay ghi chép một biến cố trọng đại của lịch sử Việt Nam đương đại.

    Ghi chú: hiện nay chỉ có Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (1926) sống tại San Diego và Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình (1930) sống tại San José, khổ nỗi 2 ông tướng này cũng không nói, không viết nhật ký cũng như không viết hồi ký… cho nên những “bật mí” mà người viết nêu ra trong bài viết này đa số do luận suy theo các diễn biến lịch sử có thật đã xảy ra. Người viết không sử dụng các tài liệu của bên phía VC dù tác giả những tài liệu này là các “danh nhân” của bên thắng cuộc, đơn giản vì người viết không tin vào những “sự kiện” mà họ nêu ra,  cũng như biết chắc chắn sự diễn giải của phe thắng cuộc toàn là “phịa sử”.

    Bật Mí là cặp chữ nói lái của Bí Mật, đồng thời cũng có nghĩa “hé mở” những bí mật, vì hé mở chứ không phải mở rộng toác ra, nên độc giả tự suy diễn các biến cố lịch sử này, chớ người viết không thể có tài liệu bằng văn bản hay vi film để đối chứng.

    Bật mí thứ nhất: quân đội Pháp do tướng Leclerc cầm đầu theo chân quân đội Anh – Ấn vào Sàigòn năm 1945 có thực sự là chiếm lại thuộc địa Đông Dương như Việt Minh thường rêu rao? Cuối thế chiến thứ II, các lãnh tụ các đại cường họp nhau tại Cairo, Teheran và Yalta để phân chia thế giới là Roosevelt (Hoa Kỳ), Stalin (Liên Sô), Churchill (Anh Quốc), Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc). Nước Pháp chính phủ Vichy thân Đức nên không được coi là Đồng Minh, Tướng Charles de Gaulle cầm đầu phong trào Pháp Tự Do không được xem là đại diện của nước Pháp vì không có lãnh thổ. Hội nghị ở Postdam quy định quân đội Anh giải giới quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 xuống phía Nam, quân đội Trung Hoa Quốc Gia sẽ giải giới quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra.

    Tình báo Anh- Pháp biết chắc Hồ chí Minh là cán bộ Cộng Sản (có hồ sơ lưu trữ) và quân đội Anh- Ấn sẽ rút về nước sau khi hoàn tất việc giải giới, nên chính phủ Anh lo ngại Hồ chí Minh sẽ tung cán bộ Cộng Sản sang  các thuộc địa của Anh, do đó chính phủ Anh đồng ý cho quân đội Pháp vào Sàigòn (trước là Thủ Tướng Churchill của Đảng Bảo Thủ, sau đó là Thủ Tướng Atlee của Đảng Lao Động): cuộc đối đầu chắc chắn sẽ xảy ra khiến Hồ chí Minh không thể tung cán bộ Cộng Sản qua Thái Lan và Malaysia được.

    Bật mí thứ hai: các chính trị gia Việt Nam thời 1945 không biết một chút gì về tình hình thế giới, Hoa Kỳ do Tổng Thống Truman đặt mục tiêu chính là ngăn chận  “xích hóa toàn cầu” của Liên Sô (do Stalin lãnh đạo). Chứng cớ là từ năm 1947, chính phủ Hoa Kỳ và tình báo của Hoa Kỳ đã đánh bại Đảng Cộng Sản Hy Lạp và Đảng Cộng Sản Thổ Nhĩ Kỳ. Ba ngày trước khi đại diện Nhật ký văn kiện đầu hàng trên chiến hạm Missouri, Liên Sô tuyên chiến với Nhật Bản với 2 mục tiêu: giải giới một triệu quân Quan Đông của Nhật đóng tại Mãn Châu đồng thời tịch thu vũ khí đạn dược và lương thực của đạo quân này để chuyển giao cho Mao Trạch Động. Ngay sau khi tuyên chiến, quân đội Liên Sô ồ ạt tiến vào Triều Tiên và chỉ ngưng lại tại vĩ tuyến 38 khi quân đội Mỹ từ phía nam đi lên phía Bắc. Giải giới xong quân đội Mỹ trao quyền cho chính phủ Lý Thừa Vãn và chỉ lưu lại một số đơn vị tượng trưng. Trong khi đó, Kim Nhật Thành tuyển mộ binh lính được  Liên Sô huấn luyện, tổ chức và trang bị vũ khí thành các đại đơn vị. Năm 1949, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan, và Mao Trạch Đông kiểm soát hoàn toàn lục địa Trung Hoa.

    Bật mí thứ ba: năm 1950 Kim Nhật Thành thừa cơ chính phủ Lý Thừa Vãn còn non yếu (không có quân đội Mỹ hiện diện tại Nam Hàn) nên xua quân xâm chiếm Nam Hàn. Chính phủ Nam Hàn phải bỏ chạy, chỉ còn 10 km là ra tới biển để vượt biển sang Nhật tỵ nạn. Điều mà Kim Nhật Thành không thể ngờ là Đại Tướng Mac Arthur từ Nhật Bản đã đem Hải, Lục, Không  Quân đổ bộ Inchon đánh tan 130,000 quân Bắc Hàn, bắt giữ hơn 70,000 tù binh và quân đội Mỹ đã rượt đuổi  quân Bắc Hàn tới tận sông Áp Lục (ranh giới thiên nhiên giữa Trung Hoa và Triều Tiên). Kim Nhật Thành không hề biết rằng Đại Tướng Mac Arthur không phải là Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ mà Tướng Mac Arthur là Toàn Quyền tại Nhật Bản và Triều Tiên (xin xem phương cách hành xử của Tướng Mac Arthur tại Nhật Bản).

    Rồi Mao Trạch Đông buộc phải đem 01 triệu chí nguyện quân do Nguyên Soái Bành Đức Hoài sang Triều Tiên cứu viện. Tướng Mac Arthur bị Tổng Thống Truman cách chức vì Tổng Thống Truman không muốn Hoa Kỳ sa lầy trong cuộc chiến với Trung Hoa, khiến Hoa Kỳ sẽ bị mất Tây Âu vào tay Liên Sô. Cuộc chiến tranh phải ngưng lại tại vĩ tuyến 38 là phù hợp với thực tế hồi 1945 khi quân đội Hoa Kỳ bắt tay với quân đội Liên Sô như hôi nghị Postdam quy định.

    Thỏa ước đình chiến được ký tại Bàn Môn Điếm giữa 3 tư lệnh chiến trường của Hoa Kỳ – Trung Cộng và Bắc Hàn vì Trung Cộng và Bắc Hàn chưa phải là quốc gia (không có quốc gia nào công nhận và cũng không phải là hội viên của Liên Hiệp Quốc).

    Bật mí thứ tư:  trong trận chiến Triều Tiên, chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Hội Đồng Bảo An họp khẩn cấp để đem quân đội Liên Hiệp Quốc đến Triều Tiên nhằm ngăn chận quân xâm lược Trung Cộng và Bắc Hàn. Ngoại Trưởng Molotov ra lệnh cho Đại Sứ Liên Sô tại Hội Đồng Bảo An vắng mặt vì Liên Sô không thể bênh vực cho 2 thực thể Trung Cộng và Bắc Hàn là 2 thực thể chưa được công nhận là 2 quốc gia và cũng chưa phải là hội viên của LHQ. Quân số của các quốc gia tham chiến  là 280,000 người, Hoa Kỳ chiếm 250,000 người nên Tướng Mac Arthur kiêm nhiệm luôn Tư Lệnh quân Liên Hiệp Quốc. Nước Pháp dù đang bị kẹt khi quân Việt Minh tấn công vùng biên giới Hoa Việt cũng gửi 2 tiểu đoàn Lê Dương đi Triều Tiên, điều đó chứng tỏ rằng nước Pháp tham chiến cùng Hoa Kỳ tại chiến trường Triều Tiên là để ngăn chận sự xâm lăng của Cộng Sản.

    Bật mí thứ năm : Khi Thống Tướng De Lattre De Tassigni đi Hoa Kỳ cầu viện với Tổng Thống Eisenhower, những thực tế đã được bàn thảo giữa 2 vị tướng nhưng không thấy ghi lại trong văn bản chính thức:

    5.1 Nước Pháp không có khả năng chiến thắng quân cộng sản Việt Minh, thí dụ: người Pháp thiếu lính nên phải lấy lính từ các thuộc địa như Maroc, Algerie, Tunisie, Trung Phi, Sénégal..Nước Pháp cũng không có đủ vũ khí quân trang quân dụng…Khả năng kinh tế hạn hẹp nên không đủ sức chi trả cho trận chiến kéo dài tại Đông Dương.

    5.2 Nước Pháp và quân đội Pháp hiển nhiên là phải rút lui khỏi Đông Dương vì không đủ khả năng và ý chí.

    5.3 Chiến lược chung của Hoa Kỳ và Pháp là ngăn chặn be bờ quân cộng sản Trung Cộng và Việt Minh nên thay vì quân đội Pháp đơn phương rút lui, Hoa Kỳ sẽ viện trợ quân trang, quân dụng, nhiên liệu vũ khí  đạn dược…cho quân đội Pháp với mục đích Hoa Kỳ mượn tay quân đội Pháp đánh tan tác quân Việt Minh nhằm sau khi ngưng chiến, quân đội Việt Minh không đủ sức chiếm toàn thế nước Việt Nam.

    5.4 Sau khi Thống Tướng De Lattre De Tassigni trở lại Đông Dương (thời gian ngắn sau đó ông phải trở về Pháp trị bệnh ung thư rồi chết bên Pháp), Hoa Kỳ đã cử Đại Tá Landsdale sang Việt Nam: ông này chỉ tiếp xúc với các chính trị gia miền Nam và các chỉ huy quân sự của các lực lượng giáo phái trong khi không có tiếp xúc với các thủ lãnh các đảng phái chính trị tại miền Trung và miền Bắc. Như vậy, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ ủng hộ và yểm trợ cho lực lượng chính trị và quân sự tại miền Nam. Điều đó cũng phù hợp với thực tế mà hội nghị Postdam đã qui định hồi tháng 5/1945: Trung Cộng thay thế Trung Hoa Dân Quốc cai quản vùng đất từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, Hoa Kỳ thay thế Anh Quốc cai quản vùng đất từ vĩ tuyến 16 trở về phía Nam.

    5.5 Về mặt biểu kiến, khi căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ,binh đội Pháp tử trận khoảng 8,000 người, tướng De Castries bị bắt làm tù binh, rồi nước Pháp phải ký Hiệp Định Geneve 1954 và rút toàn bộ các lực lượng vũ trang ra khỏi Đông Dương, nhưng nước Pháp chưa thua hoàn toàn vì Hoa Kỳ viện trợ cho nước Pháp qua kế hoạch Marshall tái thiết Âu Châu, chả thế mà 6 năm sau (1960) nước Pháp phục hồi kinh tế nhanh chóng và trở thành một trong Tứ Cường của thế giới (Hoa Kỳ, Liên Sô, Anh ,Pháp). Việt Cộng đáng lẽ chiếm được toàn thể nước Việt Nam nhưng Hiệp Định Genève quy định VNDCCH chỉ có lãnh địa từ vĩ tuyến 17 trở về phía Bắc mà thôi.

    Bật mí thứ sáu: tình hình chiến sự năm 1964 và 1965 tuy sôi động nhưng chưa quá nguy hiểm để Hoa Kỳ phải đem ½ số quân  vào Việt Nam (Hoa Kỳ có khoảng 01 triệu quân, mà Tổng Thống Johnson đem qua Việt Nam tới 550,000 người). Tại sao? Quân đội Indonesia bị Cộng Sản xâm nhập rất nhiều, chính Trung Cộng mưu toan đảo chánh cướp chính quyền tại Indosesia, Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam để dự phòng nếu quân Cộng Sản giành được chính quyền ở Indonesia. Tuy nhiên, tình báo Hoa Kỳ đã giúp Tướng Suharto đảo ngược tình thế, kết quả: toàn thể các sĩ quan đảng viên Đảng Cộng Sản Indonesia tham dự đảo chánh bị binh sĩ của Tướng Suharto xử bắn ngay tại chỗ rồi sau đó tất cả các đảng viên Đảng Cộng Sản Indonesia  từ Tổng Bí Thư Aidit xuống tới đảng bộ xã ấp đều bị giết hàng loạt hơn ½ triệu người bị giết trong tuần lễ đầu tiên).

    Bật mí thứ bảy: giải quyết xong tình hình chính trị tại Indonesia mà không cần phải xuất quân, chính phủ Hoa Kỳ phải tìm cách rút quân về nước. Tình báo Hoa Kỳ dàn dựng kịch bản Tết Mậu Thân 1968 rồi cho phóng viên cánh tả thổi phồng lên kêu gào phản chiến để có lý do chính đáng rút quân về nước. Chính phủ và tình báo của VNCH có biết kịch bản Tết Mậu Thân 1968 không? Có, ít nhất Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và Tướng Nguyễn Ngọc Loan là biết rõ, chứng cớ số 1: Tổng Thống Thiệu lánh mặt trong ngày mùng Một Tết lấy cớ là về Mỹ Tho thăm gia đình bên vợ. Chứng cớ số 2 :  trước giờ đặc công VC tấn công Tòa Đại Sứ Mỹ trên đường Thống Nhất, đích thân Tướng Nguyễn Ngọc Loan ra lệnh cho trung đội CSDC canh gác bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ rút lui về Ty Cảnh Sát quận nhất (cách Tòa Đại Sứ khoảng 200 mét). Thiếu Tá Nguyễn Hữu Hải – Khối CSĐB hỏi tướng Loan tại sao?

    Tướng Nguyễn Ngọc Loan cho biết: “Bọn họ đang đóng kịch với nhau, lính mình ở đó chết oan mạng không có ích lợi gì mà còn có thể bị khiển trách vì đặc công VC xâm nhập vào Tòa Đại Sứ không được”. Sau năm 1993, tôi có gặp Trung Tá Nguyễn Hữu Hải ở Anaheim được biết thêm : tất cả các đặc công VC xâm nhập Tòa Đại Sứ Mỹ đều bị bắn hạ chết tại khuôn viên và trong building của Tòa Đại Sứ, ngoại trừ tên cầm đầu còn sống sót, nhưng người Mỹ đem tên này đi mất biệt, Cảnh Sát của ta không biết gì hơn.

    Chứng cớ số 3: năm 1967, dưới thời chính phủ của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ, Luật sư Đinh Trịnh Chính  – Ủy Viên Thông Tin được lệnh tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Bình đại diện của MTGP để mưu tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến. Cuộc tiếp xúc thất bại vì BV chỉ muốn nói chuyện “tay đôi” với Hoa Kỳ. Sau khi bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống, Luật Sư Đinh Trịnh Chính được bổ nhiệm làm Đại Sứ VNCH tại Bangkok (Chú thích của người viết : gia đình họ Đinh có 3 anh em theo thứ tự là Kỹ sư Canh Nông Đinh Phụng, Đinh Khang và Luật sư Đinh Trịnh Chính. Sau Hiệp Định Geneve 1954, ông Đinh Khang ở lại Hà Nội và lập gia đình với Phan Thị Châu Sa có bí danh là Nguyễn Thị Bình).

    Bật mí thứ tám: bọn VC thổi phồng các thành tích của các điệp viên nhị trùng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Huỳnh Văn Trọng, Mười Hương, Lê Hữu Thúy… Ngay cả các nhà biên khảo của Hoa Kỳ cũng trách móc các giới chức cao cấp của VNCH đã để cho các điệp viên Cộng Sản len lỏi vào hàng ngũ lãnh đạo để nghe ngóng và dò la các tin TỐI MẬT bất lợi cho VNCH.

    Tất cả đều không để ý đến một chi tiết quan trọng: tất cả những VC xâm nhập chỉ tiếp cận trong KHỐI PHẢN GIÁN, tuyệt nhiên không hề thấy KHỐI TÌNH BÁO bị xâm nhập: thời đệ nhất cộng hòa, bác sĩ Trần Kim Tuyến phụ trách tình báo quốc gia, sau 1963 Trung Tá Lê Văn Nhiều, rồi Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, tiếp theo là Trung Tướng Linh Quang Viên, sau chót là Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình. Không có bất cứ tài liệu nào liên quan đến sự hoạt động của ngành TÌNH BÁO được tiết lộ, ngay cả những hành tung của các cấp chỉ huy các ngành TÌNH BÁO vừa nêu, VC cũng không được biết. Suy ra những gì mà VC rêu rao thu được thắng lợi từ các điệp viên nhị trùng của họ chính là những điều mà tình báo Hoa Kỳ và tình báo VNCH muốn gửi cho cấp lãnh đạo của VC được biết.

    Bật mí thứ chín: giới lãnh đạo của VC huênh hoang là chiến thắng “đế quốc Mỹ” nhưng không để ý là HK “phỉnh quá thâm” nên thời gian sau này biết được thì lại không dám thừa nhận. Thí dụ HK khen tướng Giáp không học trường võ bị nào hết, năm 1944 chỉ huy một trung đội mà tới năm 1968 chỉ huy một số quân đứng hạng ba trên thế giới… VNCH tổn thất khoảng 300,00 nhân mạng (căn cứ trên báo cáo của Nha Quân Phí khi trả tiền tử tuất cho gia đình quân nhân tử trận, VNCH có khoảng 500,000 thương phế binh (căn cứ theo báo cáo của Bộ Cựu Chiến Binh), phía Việt Cộng tổn thất nhân mạng lên tới 800,000 vì không thấy có thương phế binh. Sau 1975, tuy không chính thức đưa ra con số cụ thể, nhưng mọi người đều biết BV tổn thất 3 triệu tinh binh, như vậy 800,000 là tổn thất do trực tiếp giao chiến, số sai biệt 2.2 triệu là bị giết bởi máy bay B-52. Dẫn chứng, thân nhân của các binh sĩ BV không thể tìm ra hài cốt vì khi trúng bom thân xác tan ra thành tro bụi đâu còn xương cốt để mà tìm.

    Hoa Kỳ không bao giờ công bố số tổn thất của quân BV vì lý do nhân đạo : tiêu diệt 3 triệu tinh binh của BV trên tống số 25 triệu dân (125 dân số) không phải là hay ho gì cho cả 2 bên lâm chiến.

    Bật mí thứ mười: những tin tức được cố ý tiết lộ như kế hoạch lui quân của Đại Tướng Cao Văn Viên qua “điệp viên” Ba Minh, những tin tức HK sẽ bỏ rơi VNCH hay những tin tức HK cắt viện trợ cho VNCH…qua thu thập và lý giải của Phạm Xuân Ẩn tức là cố ý khuyến khích BV (qua Lê Duẩn và Lê Đức Thọ) mau mau đem đại quân (14 sư đoàn/16 sư đoàn) vào Sài Gòn cướp chính quyền, bắt Đại Tướng Dương Văn Minh đầu hàng để Hoa Kỳ viện cớ BV vi phạm Hiệp Định Paris 1973 nên Hoa Kỳ không viện trợ 3 tỷ dollars tái thiết.

    Năm 1976, khi còn đang trong trại tù Cộng Sản, tôi đọc báo trên tờ Nhân Dân cho hay, khi thống nhất đất nước, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có 45 triệu dân và GOP = Tổng Sản Lượng Quốc Gia được 4 tỷ dollars. Trong khi đó Hoa Kỳ vào năm 1976 có 2,000 tỷ dollars GOP, gia đình Morgan 170 tỷ, gia đình Rockefeller 127 tỷ, những con số này chứng tỏ rằng cả nước Việt Nam cũng không bằng số lẻ của gia đình đứng hạng nhì của Hoa Kỳ.

    Tuy nhiên , chúng ta là những con người bị thua thiệt nên bên cạnh sự mất mát chúng ta còn có cảm giác đau đớn. Điều an ủi cho người viết là  chúng ta còn có cơ hội thổ lộ tâm tình của chúng ta  với những người tri kỷ tri âm, mỗi năm đến tháng tư chúng ta lại có dịp thổ lộ với những người tâm đầu ý hợp. Chớ còn với bọn VC chúng có nỗi khổ không nói ra được mới là khổ thực sự nhất là chính bọn chúng không tin vào “đỉnh cao trí tuệ” như chúng mà bị bọn “tư bản dãy chết” xí gạt./.

    Trần Trung Chính

    https://baotgm.net/nhung-bat-mi-lien-quan-den-vnch-sup-do/

    Không có nhận xét nào