Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc đe dọa vệ tinh quân sự và thương mại của Mỹ

    AstraZeneca, Covid-19 vẫn chiếm nhiều trang báo Paris ngày 09/04/2021 cùng với một chủ đề mới là thông báo của tổng thống Macron khai tử Trường Hành Chính Pháp Quốc Gia ENA, lò đào tạo ra các quan chức cao cấp của Nhà nước. Ở phần trang quốc tế, bạo động trong nhiều ngày liên tiếp tại Bắc Ai Len - thuộc Vương Quốc Anh, kế hoạch của tổng thống Mỹ muốn đánh thuế các đại tập đoàn đa quốc gia là chững chủ đề chính. Về châu Á, có khá nhiều bài báo thú vị trong ngày.
    Trung Quốc đe dọa vệ tinh quân sự và thương mại của Mỹ

    Le Figaro dành hai trang cho hồ sơ « Chiến tranh các vì sao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc » : Không gian đã trở thành mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa hai siêu cường của thế giới. « Bắc Kinh đe dọa thế thượng phong của Washington trong một cuộc chạy đua vũ trang mới ».

    Mỹ-Trung : Chiến tranh các vì sao phiên bản mới

    Hai chục năm trước, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Donald Rumsfeld nêu lên nguy cơ một « trận đánh Trân Châu Cảng trên không gian » : một trận tấn công bất ngờ làm tê liệt các vệ tinh của Hoa Kỳ. Khi đó kịch bản này được cho là thuộc về « khoa học giả tưởng ». Nhưng trong ba năm trở lại đây, Trung Quốc đã phóng tên lửa và vệ tinh lên không gian với nhịp độ dồn dập hơn « bất kỳ cuốc gia nào trên thế giới ». Bắc Kinh cũng đã phát triển một hệ thống phòng thủ không gian có khả năng « đe dọa vệ tinh quân sự và thương mại » mà Mỹ thì càng lúc càng lệ thuộc vào những công cụ đó.

    Ở trang trong Le Figaro nói rõ : từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phát triển các loại tên lửa chống vệ tinh. Lầu Năm Góc nghi ngờ Bắc Kinh đã làm chủ nhiều loại vũ khí lợi hại khác để có thể từ mặt đất vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ trên không gian của đối phương.

    Tác giả bài viết, Adrien Jaulmes giải thích : « Các chương trình tin học từ mặt đất điều khiển vệ tinh. Chỉ cần thâm nhập vào các hệ thống tin học đó là cũng đủ để tạm thời vô hiệu hóa hay phá hủy luôn những mục tiêu nhắm tới (…) Gần đây, giới phân tích đã nhận diện được một số địa điểm được đặt tại Tân Cương. Đó là những nơi Trung Quốc đã cho phát triển những hệ thống laser cực mạnh, có thể làm nhiễu sóng vệ tinh của Hoa Kỳ … »

    Le Figaro nói đến một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở ra tại « một môi trường mà hầu như không có bất kỳ một luật lệ quốc tế nào được quy định ». Cũng đừng quên rằng vế quân sự là một trong những mục tiêu ban đầu trong chiến lược chinh phục không gian mà ở đó ranh giới giữa hai lĩnh vực thuần túy về dân sự hay quân sự không bao giờ rạch ròi.

    Le Figaro kết luận : « Nguy cơ xung đột trên mặt đất lan rộng đến không gian (… ) là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra ».

    Nếu chưa thỏa mãn với bài báo về chiến tranh các vì sao Mỹ -Trung phiên bản mới, độc giả có thể đọc thêm bài viết thứ nhì cũng trên Le Figaro mang tựa đề « Trí thông minh nhân tạo, trọng tâm của cuộc chạy đua Mỹ- Trung ».

    Bắc Kinh biện minh cho chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

    Cũng về Trung Quốc và Tân Cương, Le Monde chú ý đến phim tài liệu được chiếu trên đài truyền hình Nhà nước CCTV với mục đích tuyên truyền cho các biện pháp đàn áp nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

    Thông tín viên của tờ báo từ Bắc Kinh, Simon Leplâtre, nêu lên một chi tiết : tập cuối trong số 4 phim tài liệu của Trung Quốc nói về Tân Cương mang nhan đề Chiến tranh trong bóng tối : những thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố tại Tân Cương đã được công chiếu tại Hoa lục hôm 02/04/2021 và cùng lúc phổ biến trên đài truyền hình CGTN nhắm đến khán giả Pháp. Vài ngày sau, chính quyền Tân Cương xác nhận hai cựu quan chức địa phương bị kết án tử hình, kèm theo lệnh được hoãn thi hành án trong hai năm.

    Bộ phim tuyên truyền này tìm cách chứng minh về « những mối liên hệ giữa một số lãnh đạo địa phương với các tổ chức khủng bố quốc tế », về ảnh hưởng của một số quan chức người Duy Ngô Nhĩ « hai mang ». Thông tín viên báo Le Monde tường thuật cặn kẽ chính sách tuyên truyền của Trung Quốc trong hồ sơ Tân Cương vào lúc mà quốc tế chỉ trích Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và ban hành các biện pháp trừng phạt. Truyền thông Trung Quốc đang « gia tăng nỗ lực biện minh cho chính sách của Bắc Kinh tại Tân Cương từ 2017 », tức là từ khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch đưa hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và một số sác tộc thiểu số khác theo đạo Hồi vào các trại « cải tạo ».

    Simon Leplâtre nhắc lại đã có không biết bao nhiêu nhân sĩ trí thức ở Tân Cương bị chính quyền chụp mũ « hai mang » trong hơn bốn năm qua. Sáng lập viên viện nghiên cứu về cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại châu Âu, bà Dilnur Reyhan giải thích với báo Le Monde : thái độ hiện nay của chính quyền Bắc Kinh không có gì là lạ tại một quốc gia Cộng Sản. « Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa 10 năm, tầng lớp trí thức là mục tiêu bị nhắm tới, bởi kiến thức và văn hóa là những gì đe dọa một chế độ toàn trị ».

    Thế rồi chính quyền trung ương cũng đã sử dụng tầng lớp có học ở Tân Cương để biện minh cho chính sách đô hộ và Hán hóa vùng tự trị này. Nhưng giờ đây, họ không cần phải che đậy bất cứ điều gì nữa nên đã mạnh dạn « viện lẽ này, lẽ nọ để tuyên những bản án tử hình mà không sợ phản ứng của công luận quốc tế. Điều đó chứng tỏ thái độ quá tự tin của chế độ ».

    Nhân quyền và cán cân thương mại

    Cũng liên quan đến Tân Cương, nhân quyền, nhà bình luận Alain Frachon của Le Monde nêu lên một thực tế phũ phàng : cái giá phải trả khi lên tiếng bảo vệ nhân quyền trên trường quốc tế.

    Nước Mỹ của tổng thống Biden lại gióng lên tiếng chuông nhân quyền, dân chủ. Đó là những giá trị mà nền ngoại giao Hoa Kỳ vốn rất tự hào nhưng đã bị xao nhãng dưới chính quyền Trump. Dù vậy, bài toán của Washington thêm nan giải khi mà « tổng trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và bạn hàng Trung Quốc lên tới 2 tỷ đô la mỗi ngày » và chỉ nội con số đó thôi cũng đủ để cả Bắc Kinh lẫn Washington không thể làm ngơ.

    Thêm vào đó, để đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc tại châu Á, Washington trông cậy vào những đồng minh thân thiết trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Nhưng có thể làm gì được khi Trung Quốc là đối tác thương mại trọng yếu của từ Nhật Bản đến Hàn Quốc hay Úc ? Alain Frachon nêu lên một loạt những giới hạn khác nữa của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây muốn áp đặt với Trung Quốc. Thế nhưng chớ vội quên rằng, châu Âu cũng như Hoa Kỳ là những thị trường lớn nhất tiêu thụ hàng của Trung Quốc : đó cũng là sức mạnh của khối Tây phương. Đấy là chưa kể đến sự lệ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ thế giới, mà điển hình là vào công nghệ bán dẫn. Do vậy gióng lên tiếng chuông bảo vệ những giá trị về dân chủ hay nhân quyền, theo tác giả bài viết chưa hẳn đã là « công dã tràng ».

    Việt Nam và lợi thế chống Covid-19

    Báo Le Figaro trong phần trang kinh tế dành một khung nhỏ nói về thành tích của Việt Nam trong việc chống dịch Covid-19. Đó là một trong những chìa khóa giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành « một nền kinh hiếm hoi có tỷ lệ tăng trưởng đáng nể nhất thế giới ».

    Theo dự phóng của cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn, GDP của Việt Nam tăng 10 % trong năm 2020 và trong 5 năm sắp tới tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm sẽ được giữ ở mức 7 %. Gareth Leather trực thuộc cơ quan này quả quyết : « Dịch Covid-19 không để lại tì vết » cho Việt Nam. Julien Marcilly, kinh tế trưởng cơ quan bảo hiểm ngoại thương của Pháp COFACE nêu lên một lợi thế khác của Việt Nam trong cuộc đại dịch lần này, đó là Việt Nam ít lệ thuộc vào ngành du lịch hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực (như Thái Lan chẳng hạn). Tương tự như Hàn Quốc hay Đài Loan, Việt Nam có thể trông cậy vào ngành công nghiệp điện tử và cũng giống như Bangladesh hay Cam Bốt ngành dệt may cũng là điểm mạnh của Việt Nam.

    Dù vậy cơ quan tư vấn của Anh Capital Economics cảnh báo « về lâu dài Việt Nam có thể thiệt thòi trước những chuyển biến của nền công nghiệp toàn cầu. Công nghệ robot và máy in ba chiều 3D mà càng phát triển tại các nền kinh tế tân tiến, thì những lợi thế của Việt Nam sẽ càng bị thu hẹp ».

    AstraZeneca và Covid-19

    Trở lại với hồ sơ y tế : vào lúc vac-xin chống Covid-19 của tập đoàn dược phẩm Anh và Thụy Điển, AstraZeneca bị hoài nghi có hiệu ứng phụ làm đông máu, trang nhất báo La Croix trích lời ủy viên châu Âu Thierry Breton đặc trách về khâu sản xuất thuốc tiêm chủng, khẳng định « cái lợi của AstraZeneca đã được chứng minh ». Ở trang trong, ông bồi thêm « không có lý do gì để không dùng vac-xin này ».

    Báo kinh tế Les Echos lưu ý độc giả : 2/3 người Pháp đánh giá thấp chính sách của Liên Hiệp Châu Âu đối phó với đại dịch. Theo thăm dò do hãng Elabe thực hiện, đa số người được hỏi đã có cái nhìn « khắt khe » về chính sách y tế của châu Âu trong cuộc khủng hoảng lần này. Lý do chính là sự chậm trễ trong chiến dịch chích ngừa chống virus corona. 69 % những người được hỏi thậm chí quan niệm rằng Liên Âu đã « thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ các công dân » trên Lục Địa Già. Những người được hỏi cho rằng đã « sai lầm » khi trao cho Ủy Ban Châu Âu công tác đặt mua vac-xin rồi phân phối các liều thuốc cho các thành viên.

    Không chỉ có Bruxelles bị công luận Pháp chỉ trích : vẫn theo thăm dò này có đến 68 % những người được hỏi cho rằng chính quyền của tổng thống Macron và thủ tướng Castex cũng đã kém cỏi trong việc đối phó với đại dịch.

    Trong khi đó, La Croix mời nhà sử học Patrick Boucheron, giáo sư trường Collège de France « giải mã kinh nghiệm chúng ta vừa trải qua » kể từ đợt phong tỏa hồi mùa xuân năm ngoái. Theo ông thì không ai có thể định nghĩa được thời gian mà chỉ có thể mô tả lại được kinh nghiệm của họ đối với thời gian mà thôi. Ta chỉ có thể biết là các biện pháp phong tỏa đã ngăn cản các cuộc hội ngộ, ngăn cản mọi người đi du lịch và làm đời sống của con người thêm nghèo nàn.

    Nhìn rộng ra hơn, virus corona và các đợt phong tỏa liên tiếp đã thay đổi bộ mặt của thành phố như thế nào ? Giáo sư Boucheron ghi nhận những người giao hàng càng lúc càng đông trên đường phố, những bất bình đẳng về sắc tộc màu da, về giai cấp trong xã hội càng rõ nét, từ đó khát vọng đòi hỏi công bằng cũng đã lớn dần. Bên cạnh đó tình huống hiện tại không có chỗ để con người bộc lộ những cảm xúc từ nỗi sợ hãi đến cơn phẫn nộ và dưới nhãn quan của một nhà sử học, Patrick Bouchon e rằng, những cảm xúc bị kìm nén và chôn vùi ấy, đến một lúc nào đõ cũng sẽ bùng lên. Khi nào và dưới hình thức nào thì không ai biết. Tuy nhiên những điều không nói nên lời, những vết hằn đại dịch để lại có thể là cũng rất tai hại.

    https://www.rfi.fr

    Không có nhận xét nào