Header Ads

  • Breaking News

    Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 29 tháng 5 năm 2021

    Trung Hiếu tổng hợp

    Không loại trừ sự có mặt của các tàu hải giám ở Trường Sa sẽ liên quan đến việc khảo sát phục vụ cho hoạt động lắp đặt cấu trúc phi pháp trong tương lai.

    I. Biển Đông

    1. Chuyển động quân sự

    Ngày 28.5, HKMH USS Ronald Reagan đã đến khu vực đông nam Okinawa sau khi xuất hiện ở gần đảo Iwo Jima vào ngày 22.5.

    Truyền thông Mỹ trước đó đưa tin tàu này sẽ được triển khai đến Trung Đông để yểm trợ hoạt động rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan trong vài ngày tới.




    Trong khi đó, Tư lệnh Hạm đội 7 Bill Merz cho biết Mỹ sẽ đẩy mạnh triển khai tàu tác chiến cận bờ (LCS) đến khu vực Thái Bình Dương trong thời gian tới, theo USNI News. Hiện có hai tàu USS Tulsa (LCS 16) và USS Charleston (LCS 18) có mặt ở Tây Thái Bình Dương. Đến cuối năm nay sẽ có 4 tàu và đến cuối năm 2022 có thể có đến 8 tàu.

    Ông cũng cho biết ông khá ấn tượng với sự hiệu quả của tàu LCS ở Biển Đông.

    Ông Merz cho hay khi Hải quân phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 khiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ngưng hoạt động trong ba tháng vào mùa xuân năm ngoái, tàu USS Montgomery (LCS-8) và USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đã được triển khai.

    Ông Merz nói: “Gabby kiểm soát khá nhiều ở phía nam Biển Đông khi tàu Theodore Roosevelt bị tê liệt… vì COVID. “Con tàu cứ liên tục hiện diện ở đó, cản phá mọi hoạt động của Trung Quốc. Đó là một công việc khá ấn tượng”.

    Các quan chức quốc phòng quen thuộc với việc triển khai nói với USNI News rằng Hải quân Trung Quốc đặc biệt chú ý đến các tàu lớp Independence khi chúng hoạt động ở Biển Đông.

    Trong khi một tàu khu trục của Mỹ hoạt động trong khu vực thường thu hút một tàu chiến Trung Quốc bám đuổi, tàu Montgomery và Giffords đã thu hút ba tàu chiến Trung Quốc quan sát.

    Nhiều khả năng những hoạt động của Trung Quốc mà ông Merz nhắc đến chính là việc triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 8 xuống phía nam khu vực Trường Sa vào tháng 4.2020 gần khu vực hoạt động của một tàu khoan Malaysia, cũng như triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 4 vào trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) vào tháng 6, 7 năm ngoái.

    Khi đó, Hải quân Mỹ công bố những hình ảnh cho thấy tàu Montgomery và Gabrielle Giffords xuất hiện gần tàu khoan của Malaysia. Hình ảnh khác cũng cho thấy cảnh tàu Gabrielle Giffords áp sát tàu Hải Dương Địa Chất 4 trong EEZ Việt Nam.

    2. Trung Quốc phóng tàu Thiên Châu 2

    Theo kế hoạch tàu hàng Thiên Châu 2 sẽ được tên lửa Trường Chinh 7 phóng lên mô đun trạm vũ trụ Thiên Hòa của Trung Quốc vào khoảng 21 giờ ngày 29.5 (giờ Bắc Kinh).

    Tên lửa được phóng đi từ trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở Hải Nam. Một khu vực rộng lớn ở đông bắc quần đảo Trường Sa được xác định là khu vực mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống.




    3. Tàu Hải Giám 302 và 303

    Trong một diễn biến khá đáng chú ý, tín hiệu AIS cho thấy hai tàu Hải Giám 302 và 303 của Trung Quốc đang hướng xuống khu vực quần đảo Trường Sa vào sáng nay.




    Đây là 2 trong 3 chiếc tàu Hải Giám của Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc. Tuy chỉ là loại tàu cỡ nhỏ (dài 49 mét) so với các tàu hải cảnh, nhưng việc hai tàu này cùng xuống Trường Sa đánh dấu sự xuất hiện của lực lượng khác ở khu vực. Trực thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên, các tàu này thiên về hoạt động nghiên cứu và khảo sát hơn là thực thi pháp luật.

    Không loại trừ sự có mặt của chúng ở Trường Sa sẽ liên quan đến việc khảo sát phục vụ cho hoạt động lắp đặt cấu trúc phi pháp trong tương lai. Được biết cách đây vài tuần, tàu Hải Giám 301 cũng xuất hiện ở cụm Sinh Tồn.

    4. Philippines tiếp tục phản đối Trung Quốc

    Bất chấp cuộc tham vấn về Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines cách đây vài ngày, Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay tiếp tục đăng thông cáo phản đối sự hiện diện của các loại tàu Trung Quốc ở khu vực Thị Tứ.

    Diễn biến này gợi ý Bắc Kinh và Manila vẫn còn bất đồng liên quan đến sự xuất hiện của tàu Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ. Tuy nhiên, thông cáo không nhắc gì đến sự hiện diện của Trung Quốc ở những khu vực khác, chẳng hạn ở bãi cạn Scarborough hoặc cụm Sinh Tồn. Các khả năng có thể là Trung Quốc đã chấp nhận rút tàu hoặc hai bên đã thống nhất phương hướng xử lý ở những khu vực này.

    5. Căn cứ hải quân Ream của Campuchia

    Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) ngày 29.5 công bố những hình ảnh vệ tinh về hoạt động xây dựng căn cứ hải quân Ream ở Campuchia, cho thấy có hai tòa nhà được xây dựng gấp rút trong tháng 5.

     

    Thời gian qua có nhiều lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể tiếp cận căn cứ hải quân này của Campuchia và thông tin của AMTI được công bố chỉ vài ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Phnom Penh trong chuyến công du ở khu vực.

    Những lo ngại về sự liên quan giữa Trung Quốc và căn cứ Ream nhiều khả năng sẽ được nêu ra trong chuyến thăm của bà Sherman, theo AMTI.

    II. Mỹ - Trung

    1. Đề xuất ngân sách quốc phòng của Mỹ

    Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29.5 công bố đề xuất chi tiêu ở mức 715 tỷ USD cho tài khóa 2022, tăng thêm 10 tỷ USD so với tài khóa 2021.

    Đây là một phần trong gói chi tiêu quốc phòng chung 753 tỷ USD thuộc kế hoạch chi tiêu ngân sách 6.000 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden trình lên Quốc hội trong cùng ngày.

    Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch chi tiêu của Lầu Năm Góc là gói 5,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Trung Quốc.

    Con số này nhiều hơn 400 triệu USD so với yêu cầu từ Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    2. Nguồn gốc vi rút

    Trong một tiết lộ đáng chú ý liên quan đến nghi vấn về nguồn gốc vi rút gây Covid-19, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ David Asher nói với tờ Daily Caller rằng vợ của một nhà nghiên cứu làm việc ở Viện Vi rút học Vũ Hán đã qua đời vì căn bệnh giống với Covid-19 vào tháng 12.2019.

    Theo Asher, một cá nhân làm việc tại Viện Vi rút học Vũ Hán đã cung cấp thông tin về việc vợ của một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm qua đời.

    ...

    Theo Asher, có vẻ như khả năng các nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm Covid-19 cao hơn là bị cúm.

    “Có bao nhiêu người bình thường ở độ tuổi 30-40 bị cúm đến mức phải nhập viện? Theo tôi biết, các nhân viên phòng thí nghiệm gần như chắc chắn được tiêm phòng cúm.

    “Hơn nữa, liệu có bao nhiêu xác suất một số nhân viên - những người tình cờ là nhà nghiên cứu về việc tăng cường khả năng gây bệnh của COV RaTG13 và các COV liên quan, đều bị ốm cùng một lượt?”, ông Asher lưu ý, nhắc đến vi rút corona.

    Mỹ còn một số lượng lớn dữ liệu tình báo chưa qua thẩm định về nguồn gốc vi rút - The New York Times

    Hơn 200 dân biểu Cộng hòa yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mở cuộc điều tra về nguồn gốc vi rút - Daily Mail

    Tình báo Anh giúp Mỹ điều tra giả thuyết rò rỉ ở phòng thí nghiệm Vũ Hán - The Telegraph

    Trong bài viết độc quyền, tờ báo ở Anh còn tiết lộ các tạp chí khoa học danh tiếng, bao gồm cả Nature Medicine, đã từ chối xuất bản những công trình nêu ra nghi vấn vi rút bị rò rỉ vào tháng 4 năm ngoái. Theo tờ The Telegrahp, lý do mà các tạp chí này từ chối xuất bản không hề liên quan chất lượng của các nghiên cứu.

    Không có nhận xét nào