Nước Đại Việt thời hưng thịnh Nếu phương bắc có Hán, Đường, Tống, Nguyên thì Đại Việt có Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời hùng cứ từng bên, không tranh giành nhau: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có”
|
|||||||
Người Việt ngày nay là con cháu của dân tộc Việt sống ở Bắc Bộ Việt Nam (VN) và Nam Trung Quốc (TQ) trên hai nghìn năm trước. Người Việt ở Nam TQ bị đồng hóa và thành người Hoa. Nhờ gìn giữ được văn hóa và có tinh thần dân tộc cao, người Việt Bắc Bộ dành được độc lập sau 1000 năm bị Trung Quốc đô hộ. Gìn giữ được văn hóa trong 1000 năm bị đô hộ là thành công lớn nhất của giai đoạn này. Giai đoạn từ khi dành độc lập từ TQ đến khi bị Pháp thống trị là thời huy hoàng nhất trong lịch sử và có thể gọi là thời “Đại Việt”. Gìn giữ được độc lập, luôn tự bảo vệ được chính mình, và tạo được một uy thế khiến những nước lân bang lớn nhỏ phải nể sợ là những đặc thù của nước Việt. Những người Việt tiền phong chinh phục Chiêm Thành, khai đất hoang ở Nam Bộ, mở rộng bờ cõi từ Lạng Sơn đến Cà Mau, và truyền bá văn hóa Việt trên những vùng đất mới. Có thể ví VN từ là một con mèo bé bị nhốt trong chuồng 1000 năm, thành một con hổ to tung hoành Đông Nam Á. Người Việt ngủ say trong huy hoàng trong một thế giới bé lạc hậu, không biết đến những tiến bộ vượt bực và nguy cơ mới từ thế giới bên ngoài nên khi bị Pháp xâm lược và VN lại một lần nữa thành một con mèo bé bị nhốt thêm 100 năm. Giai đoạn từ thời Pháp thuộc đến lúc Liên Xô sụp đổ có thể gọi là thời “Phương Tây áp đảo” (Western domination). Ba nước Phương Tây ảnh hưởng nhiều nhất lên VN là Pháp, Hoa Kỳ và Liên Xô vốn là những nước mạnh gấp nhiều lần TQ xưa kia về kinh tế, quân sự, khoa học, chính trị và tôn giáo. Vào những năm cuối của chế độ Liên Xô và sau một thế kỷ chinh chiến, VN có đầy chiến thắng quân sự, nhưng trả giá rất đắt với hàng triệu người bỏ mình trong nhiều cuộc chiến, và kiệt quệ về kinh tế. Sự áp dụng chủ nghĩa Mác-Lê trên toàn lãnh thổ làm đời sống vật chất và tinh thần quá khó khăn buộc cả triệu người bỏ nước ra đi. Những yếu tố như tài năng, cố gắng, kiên trì, khôn khéo và hy sinh trong chiến tranh không được chính quyền tận dụng vào thời bình. Kết quả là VN bị tụt hậu xa so với thế giới và so với cả những nước trong khu vực Đông Á mà người Việt ở miền Nam VN thường xem là không bằng tầm cỡ mình một vài thập niên trước. Sự sụp đổ của Liên Xô cho người Việt một cơ hội mới để tự chủ lấy mình và phải đối đầu với một thế giới rộng lớn với nguy cơ nghìn năm TQ vẫn còn đó và một Phương Tây hùng mạnh nhưng hoàn toàn khác về ý thức hệ. Trong thời cơ mới, người Việt vẫn khao khát vươn lên để tạo dựng một nước Đại Việt mới và kinh tế là chìa khóa chính để giải quyết nhiều vấn đề bao gồm cải thiện môi trường, cải thiện hệ thống giao thông, thiết lập công bằng xã hội và an ninh quốc phòng. Bài này trình bày một chiến lược để có mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững từ đó nâng cao vị trí của VN trong vùng Đông Á, biến VN thành một con hổ to mới của Á châu bên cạnh Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông. I. Thế nào là một Đại Việt mới Dữ kiện trong bài “Việt Nam Thành Công Ra Sao?” cho thấy thứ hạng về kinh tế của VN là 80/100, môi trường là 91/100, nhân quyền là 74/100. Nội an, công bằng xã hội và ngoại an còn nhiều bất ổn cần phải giải quyết. Những chi tiết này cho thấy chắc chắn Việt Nam ngày nay không ở tầm cỡ Đại Việt ngày xưa. Người Việt khát khao khôi phục huy hoàng của thời Đại Việt trong một thế giới rộng hơn nhưng bành trướng lãnh thổ không còn hợp thời. Đại Việt mới phải có một nền kinh tế mạnh ít nhất bằng Nam Hàn (nước ở hạng tôp 25/100 về kinh tế trên thế giới) với môi trường, nội an, ngoại an, công bằng xã hội cũng ở tầm cỡ cao để bảo đảm VN đủ mạnh, có thể tự bảo vệ mình trong lâu dài. Cũng theo bài trước “Việt Nam Thành Công Ra Sao?”, VN cần 150 năm để bắt kịp Nam Hàn (nếu hai nước cùng giữ mức độ tăng trưởng GDP và dân số hiện thời), một thời gian quá dài mà người Việt không thể chấp nhận. Nếu muốn bắt kịp trong 50 năm, tăng trưởng GDP hàng năm phải đạt ít nhất 12%, và chỉ có Singapore làm được điều này nhờ có mức hữu hiệu chính quyền thật cao. VN cần phải nâng cấp nền tảng và minh bạch chính quyền lên tầm cỡ Singapore từ đó chính quyền tạo được một môi trường lành mạnh cho sự phát triển kinh tế cao, bền vững để tiến đến một Đại Việt mới. Trong những năm qua, VN đã và đang thay đổi rất nhiểu để được vào WTO và có một vài thành công đáng kể như có phát triển GDP cao thứ nhì ở Á châu. Nếu cố gắng hơn nữa và có một chính sách kinh tế rõ rệt lâu dài, giấc mơ Đại Việt có thể nằm trong tầm tay người Việt trong 50 năm. II. Những dữ kiện quan trọng Trong Bảng 1, tác giả thu thập dữ kiện và so sánh thành công hiện thời của chính quyền VN với một số nước trong sự quản lý nền kinh tế. Những dữ kiện này được chuyển qua chỉ số 100 để dễ so sánh. Hạng 1 là cao nhất và hạng 100 là kém nhất trên thế giới.
Dữ kiện từ Bảng 1 đưa đến một số nhận định sau: + Hai nước giàu nhất, Hoa Kỳ và Nhật, có rất nhiều chỉ số cao từ nền tảng chính quyền đến khả năng con người. + VN và Philippines là hai nước nghèo nhất trong mười nước và có rất nhiều chỉ số ở trình độ rất thấp. + Singapore từ một nước nghèo như VN và đã bắt kịp thế giới thật nhanh nhờ có nhiều chỉ số thật cao. Nhờ vào chính quyền hữu hiệu và một môi trường kinh tế lành mạnh, GDP đầu người tăng vọt từ $619 đô la vào 1967 (GDP của VN trong 2006) lên $17,552 (GDP của Nam Hàn trong 2006 hay của VN trong giấc mơ Đại Việt) sau 26 năm hay 1993. III. Những thuật ngữ cần biết Để hiểu rõ chiến lược nâng cao kinh tế lên tầm cỡ Nam Hàn trong 50 năm, người đọc cần làm quen với những thuật ngữ sau: Nền tảng chính quyền là nền móng của nền kinh tế. Khi nền tảng vũng chắc, nền kinh tế sẽ phát triển ở mức độ cao. Những yếu tố chính của nền tảng là: + Hệ thống nhân sự nhà nước hữu hiệu là một hệ thống tuyển, dụng, tưởng thưởng nhân sự dựa vào tài năng, và đồng lương phải tương ứng với trách nhiệm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. + Chính quyền pháp trị là một chính quyền có luật pháp rõ ràng, hành luật nghiêm túc, đối xử với mọi người dân như nhau và thường gồm có 3 nhánh độc lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. + Chính quyền gần với người dân là một chính quyền có cấu trúc hàng dọc như chính quyền Hoa Kỳ với 3 bậc: trung ương (liên bang) lo việc đại sự, tỉnh (tiểu bang) lo việc vùng, và quận/huyện/xã lo việc địa phương. Ở mỗi bậc, chính quyền hiểu rõ người dân cần gì, được người dân giám sát và có quyền thu thuế để chi tiêu ở cấp bậc. + Hệ thống thuế hữu hiệu là một hệ thống thuế minh bạch, dễ hiểu, dễ quản lý, được người dân tin và thu được thật nhiều thuế từ người giàu hay nguời có thu nhập cao. Nền tảng chính quyền của VN có nhiều vấn đề như hệ thống nhân sự nhà nước dựa quá nhiều vào tuổi đảng, luật pháp chồng chéo và không rõ rệt, tòa án và quốc hội không có độc lập, đại đa số quyền tập trung vào Bộ Chính Trị của ĐCS, nạn “trên bảo dưới không nghe”, cơ chế “xin, cho” (dân không được giám sát chính quyền), thất thu thuế, v.v… Tự do kinh tế là quyền tham gia vào mọi hoạt động kinh tế mà luật không cấm. Ở những nước có tự do kinh tế kém, người dân bị cấm làm tất cả mọi hoạt động kinh tế ngoại trừ được nhà nước cho phép, đất nước phát triển thấp hơn tiềm năng và thường bị tụt hậu. Thứ hạng tự do kinh tế là 88 sau khi vào WTO và là 90 trước khi vào WTO. Trong 20 năm đổi mới (1986-2006), VN lên được 10 hạng. Với vận tốc thay đổi trước WTO, người dân phải đợi thêm 174 năm để được tự do kinh tế bằng Singapore. Khi tự do kinh tế tăng, kinh tế cũng phát triển, và tỷ lệ tương quan giữa hai chỉ số này là 89%. Do đó tự do kinh tế là một động cơ cho phát triển kinh tế. Hạ tầng cơ sở gồm có hệ thống điện nước, giao thông, viễn thông, y tế, giáo dục, xử lý những chất phế thải độc hại, xây đô thị mới, kiến trúc lại đô thị cũ, v.v. Khi hạ tầng cơ sở tăng, kinh tế cũng phát triển và tỷ lệ tương quan giữa hạ tầng cơ sở và kinh tế là 91%. Như vậy, hạ tầng cơ sở cũng là một động cơ cho phát triển kinh tế. Khả năng cao của con người gồm có tốt nghiệp đại học có chất lượng (higher education), khả năng kỹ thuật cao (technological knowledge), đầu óc kinh doanh (managerial and business knowledge), sáng tạo (innovation), biết nhận diện và nắm bắt cơ hội mới, gần, xa, biết cách thành lập và lãnh đạo tổ chức, biết tính toán và chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, v.v. Nói cách khác, khi khả năng con người tăng, kinh tế cũng phát triển và tỷ lệ tương quan giữa hai chỉ số này là 94%. Do đó khả năng con người cao là một động cơ lớn nhất cho phát triển kinh tế. Chính quyền minh bạch là một chính quyền hành luật đúng đắn và người dân biết rõ chính quyền làm gì. Theo các tỷ lệ tương quan trong Bảng 1, sự minh bạch của chính quyền có tác động lớn lên hạ tầng cơ sở, tự do kinh tế và khả năng con người cao. Khi mức minh bạch cao, chính quyền xây được hạ tầng cơ sở tốt và tỷ lệ tương quan giữa hai chỉ số này là 95%. Tương tự, mối tương quan giữa minh bạch và tự do kinh tế là 91%, và giữa minh bạch và khả năng con người cao là 92%. Sau đây là một vài ví dụ cho thấy những tác hại của chính quyền minh bạch kém của VN: + Chính quyền TQ minh bạch hơn chính quyền VN nên họ xây được hạ tầng cơ sở vững mạnh hơn và nền kinh tế của họ cũng tiến mạnh hơn VN. Điều này cho thấy minh bạch kém sẽ đưa đến hạ tầng cơ sở tồi tệ. + VN thu hút rất ít đầu tư từ VK vì kém minh bạch. Ví dụ luật cho phép VK mua nhà ở VN nhưng trong thực tế chỉ có khoảng 100 người mua được nhà trong 5 năm qua vì nhiều khó khăn hành chính. Kết quả là không mấy VK đầu tư ở VN. Như vậy minh bạch kém làm giảm tự do kinh tế. + VN cần rất nhiều trường đào tạo chuyên viên giỏi tay nghề với trình độ tiếng Anh cao, nhưng luật lệ chẳng nói rõ là ai sẽ được phép mở trường, xin ở đâu, mất bao lâu và mất bao nhiêu tiền. Kết quả là người có khả năng mở trường thì không được mở. Như vậy minh bạch kém làm giảm cơ hội tạo con người có khả năng cao. Bạn của Phương Tây (Bắc Mỹ và Tây Âu) – Tất cả những nước có nền kinh tế cao ở Châu Á là bạn thân thiết hay đồng minh của Phương Tây như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Hai/ba mươi năm trước, khi VN và TQ có nhiều xung đột với Hoa Kỳ, hai nước rất nghèo. Sau này, nhờ hòa hoãn với Hoa Kỳ, kinh tế hai nước khá hơn nhiều. VN đang chỉ làm quen với Phương Tây chứ chưa được làm bạn/đồng minh. V. Chiến lược Để trở thành một nước giàu trong tốp 25 hạng của thế giới như Nam Hàn trong 50 năm, VN phải học theo Singapore để có tăng trưởng kinh tế trên 12% mỗi năm (hay duy trì mức phát triển 6-8% hàng năm hơn thế giới) và cần đầu tư nghìn tỷ đô la từ mọi nguồn. VN cần có một chíến lược kinh tế rõ rệt hay cần làm những “đại việc” như sau: Minh bạch hóa chính quyền là chuyện đầu tiên phải làm và nên bắt đầu ngay với việc thực hiện đồng nhất ở mọi cấp chính quyền những cam kết với WTO. Đây là một công việc đòi hỏi rất ít đầu tư tài chính nhưng rất nhiều kỷ luật mà mọi cấp chính quyền cần phải tuân theo. Khi mức độ minh bạch tăng, hạ tầng cơ sở sẽ được cải thiện (ví dụ sau khi diệt hết được những con sâu PMU18), và tự do kinh tế cũng sẽ tăng (ví dụ khi viên chức chính quyền không còn quấy nhiễu nhà đầu tư hay doanh nghiệp). Những cải cách này bao gồm hệ thống tuyển, dụng và tưởng thưởng dựa vào tài năng, trừng phạt tội phạm tham nhũng nghiêm minh, tư nhân hóa khu vực kinh tế quốc doanh và người dân có quyền kiểm soát chính quyền, v.v… (xin đọc “Việt Nam Nên Chống Tham Nhũng Như Thế Nào?” của tác giả). Thu hút đầu tư để tận dụng nguồn nhân lực thừa là chuyện cần làm ngay. Chính sách đánh tư sản của thời 75-86 tiêu diệt một đại đa số những nhà đầu tư trong nước. Thêm vào đó, lãnh đạo với tư duy xã hội chủ nghĩa nặng nề và hệ thống giáo dục bao cấp trước thời gia nhập WTO, đưa đến một xã hội không đào tạo đủ những nhà lãnh đạo/đầu tư để tạo công ăn việc làm cho người dân. Kết quả là VN có quá nhiều người không có việc làm. Sự thành công trong sự thu hút đầu tư tùy thuộc rất lớn vào sự minh bạch của chính quyền trong việc thi hành những cam kết với WTO và việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi nhà đầu tư thành công trong kinh doanh ở VN. Cải cách cần rất ít vốn đầu tư – Ba lãnh vực cần rất ít tài chánh nhưng rất nhiều thay đổi tư duy là: khả năng con người cao, làm bạn với Phương Tây và nhờ Việt Kiều (VK) làm cầu nối với Phương Tây. Nâng cấp khả năng con người đòi hỏi nhiều cải cách trong môi trường giáo dục và phương pháp giảng dạy như áp dụng mô hình đại học tổng hợp, tự trị đại học, nhiều trường cao đẳng dạy nghề, địa phương hóa quản lý giáo dục, kiểm định chất lượng, chương trình học linh động phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của từng cá nhân, v.v. (xin đọc “Cải Cách Môi Trường Giáo Dục” và “Nên Học Nền Giáo Dục Mỹ Những Điểm Nào” của tác giả).
VN là một nước xã hội chủ nghĩa có nhân quyền rất thấp và thường gặp nhiều khó khăn về kinh tế khi giao tiếp với Phương Tây. Ví dụ, VN vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường và công ty quốc doanh gặp nhiều khó khăn khi buôn bán với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Để làm bạn với Phương Tây, VN cần nâng cao chính quyền pháp trị, minh bạch, nhân quyền và tự do chính trị. VN sẽ được rất nhiều lợi ích khi hàng chục vạn trí thức VK giúp móc nối VN với những tập đoàn kinh tế lớn họ đang phục vụ ở Phương Tây. Để thu hút những đối tượng VK trên, chính quyền cần nâng cao minh bạch, tự do kinh tế và niềm tin của VK vào khả năng của chính quyền bảo vệ quyền lợi của VK ở VN. Thêm vào đó, phải cho đại đa số VK cảm nhận được đất nước VN là của mọi người Việt, chứ không phải là đất nước riêng của một đảng phái chính trị nào. Chuyển Hướng Nền Kinh Tế - VN cần chuyển hướng nền kinh tế như sau: + VN tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài càng nhiều càng tốt, nhưng cần chuyển dần từ kỹ nghệ gia công thấp đến công nghệ cao và kỹ nghệ trí thức để tăng trưởng kinh tế ở cấp bậc cao. + Phát triển kỹ nghệ trí thức cho miền Bắc và Trung, hai miền đông dân với đất đai cằn cỗi và con người hiếu học. Kỹ nghệ trí thức (nắm bởi Phương Tây), cần người hiếu học và không cần đất, là một giải pháp kinh tế hợp lý nhất cho hai miền này. VN cần làm bạn của Phương Tây để thu hút những đầu tư này. + Tạo được một môi trường giáo dục, đầu tư và hành chính lành mạnh để người Việt có thể tạo và làm chủ nhiều tổ chức kinh tế lớn ở tầm cỡ thế giới như Sam Sung và Hyundai trong 50 năm tới, và những tổ chức này sẽ nâng cao vị trí của VN lên tầm cỡ Đại Việt. Nâng cao/nới rộng nền tảng chính quyền là một việc làm lâu dài. Những cải cách này gồm có hệ thống nhân sự nhà nước dựa chính vào tài năng, chính quyền với quyền hạn rõ rệt giữa ba nhánh, chính quyền gần dân, 100% niềm tin vào kinh tế thị trường, và hệ thống thuế hữu hiệu. Khi đạt được một nền tảng chính quyền cao như Singapore, VN sẽ có đủ tài năng xây dựng hạ tầng cơ sở vững mạnh và đẩy mạnh tự do kinh tế lên tầm cỡ Singapore. Những thay đổi này sẽ tạo được một môi trường lành mạnh cho sự phát triển những tập đoàn kinh tế ở tầm cỡ quốc tế và từ đó tiến đến Đại Việt. VI. Lời Kết Người Việt ở mọi nơi khát khao phục hồi huy hoàng của thời Đại Việt. Vì vị trí quá thấp của VN trên thế giới trong những thập niên qua, Đại Việt chỉ là một giấc mơ âm ỉ trong lòng người Việt. Giấc mơ này nằm trong tầm tay người Việt và chỉ có thể thành sự thật khi chính quyền có đủ can đảm thay đổi thật nhiều hay làm được nhiều “đại việc” để người dân có thể phát huy toàn diện và cống hiến hết mình cho đất nước. Thế chính quyền Việt Nam có đủ can đảm thực thi nhiều “đại việc” để biến giấc mơ Đại Việt thành sự thật trong năm thập niên tới chưa? Tài Liệu Tham Khảo (có thể truy cập từ Internet) 1. 2006 Index of Economic Freedom, Herritage Foundation and The Wall Street Journal 2. 2007 Index of Economic Freedom, Herritage Foundation and The Wall Street Journal 3. Global Competitive Index: Identifying Key Elements of Sustainable Growth, 2006-2007 Ranking, World Economic Forum 4. GNI Per Capita 2005, Atlas Method, World Development Indicators Database, World Bank, 1-07 2006. 5. Statistics Singapore, http://www.singstat.gov.sg/keystats/hist/gdp.html 6. Trần Văn Hiển, “Cải Cách Môi Trường Giáo Dục”, BBC Vietnamese, 17-9, 2006 7. Trần Văn Hiển, “Nên Học Nền Giáo Dục Mỹ Những Điểm Nào”, BBC Vietnamese, 30-11, 2006 8. Trần Văn Hiển, “Việt Nam Nên Chống Tham Nhũng Như Thế Nào?” BBC Vietnamese, 2006 9. Trần Văn Hiển, “Việt Nam Thành Công Ra Sao?” BBC Vietnamese, 24-4, 2007. |
https://www.bbc.com/vietnamese/forum/story/2007/06/070615_vietnam_dream
Không có nhận xét nào