Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 11 tháng 5 năm 2021

    Số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đạt mức kỷ lục, WHO cảnh báo về biến thể mới

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 11 tháng 5 năm 2021

    Hôm 11/5, cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt, với trung bình số ca mắc mới trong bảy ngày ở mức cao kỷ lục và các cơ quan y tế quốc tế cảnh báo biến thể của virus này gây ra mối lo ngại toàn cầu, theo Reuters.

    Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ tăng 329.942 người, trong khi số ca tử vong do căn bệnh này tăng 3.876 ca. Tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ hiện là 22,99 triệu, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 249.992 người.

    Theo một thống kê của Reuters, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về số ca tử vong trung bình hàng ngày, chiếm 1/3 số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới.

    Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày ở mức cao kỷ lục là 390.995 người.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể COVID-19 lần đầu tiên được xác định ở nước này vào năm ngoái đang được xếp vào loại biến thể gây lo ngại toàn cầu, với một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể này dễ lây lan hơn.

    Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, phát biểu trong một cuộc họp tại Geneva hôm 10/5 rằng: “Chúng tôi phân loại đây là một biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu.”

    Các quốc gia trên toàn cầu đã gửi bình oxy và các thiết bị y tế khác để hỗ trợ cuộc khủng hoảng của Ấn Độ, nhưng nhiều bệnh viện trên toàn quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị này.

    Người dân Ấn Độ bôi phân bò lên cơ thể để phòng chữa bệnh.

    Ngoài sự căng thẳng đối với các cơ sở y tế, chính phủ Ấn Độ còn phải yêu cầu các bác sĩ chú ý đến các dấu hiệu của bệnh mucormycosis hay còn gọi là bệnh “nấm đen” ở bệnh nhân COVID-19, khi các bệnh viện báo cáo sự gia tăng các trường hợp nhiễm trùng hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.

    Các bác sĩ nước này phải cảnh báo việc sử dụng phân bò để trị bệnh “nấm đen” này vì người dân tin rằng nó sẽ ngăn chặn được COVID-19. Giới ý tế nói rằng không có bằng chứng khoa học về hiệu quả của việc dùng phân bò và nó có nguy cơ làm lây lan các bệnh khác.

    Nhật, Pháp, Mỹ tập trận hải lục không quân quy mô lớn


     Mỹ bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn ở phía tây nam nước này. Cuộc diễn tập kết hợp các lực lượng hải, lục, không quân của các đồng minh diễn ra trong bối cảnh mối lo về những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong vùng.

    Cuộc tập trận mang tên gọi tắt ARC21 kéo dài một tuần trên đảo Kyushu, một đảo lớn trong quần đảo Nhật Bản ở phía tây nam thuộc vùng biển Hoa Đông. Ngoài quân đội Pháp, lần đầu tham gia, Úc cũng đưa một chiến hạm tới tham dự trong phần diễn tập trên biển.

    Theo các nguồn tin quân sự mà AFP có được, từ hôm nay đến thứ Năm 13/05 diễn ra phần chuẩn bị hậu cần tại căn cứ Ainoura. Các bài tập tác chiến trên biển bắt đầu từ thứ Sáu 14/05 ở phía tây đảo Kyushu. Phần phối hợp tác chiến không quân và lục quân dự trù từ thứ Bảy đến Chủ nhật trong khu huấn luyện Kirishima.

    Về lực lượng tham gia tập trận có 1 tàu ngầm và 6 chiến hạm Nhật, một tàu chiến Mỹ và hai tàu của Pháp và một của Úc, theo một chỉ huy cao cấp Hải Quân Pháp. Không Quân Nhật tham gia với các máy bay tuần tra biển, trực thăng đổ bộ và chiến đấu cơ F-2, bên cạnh các chiến đấu cơ F-16 của Không Lục Hoa Kỳ. Lực lượng bộ binh có khoảng trên 300 quân Nhật và 60 quân Pháp.

    Nội dung các bài diễn tập khá rộng bao gồm từ tác chiến trên biển, chống tàu ngầm, đổ bộ trên đất liền đến chiến đấu trên địa hình đô thị.

    Giới quan sát ghi nhận, cuộc diễn tập quy mô mớn lần này được tổ chức trong bối cảnh Tokyo đang cố gắng tăng cường quan hệ quốc phòng với các đối tác ngoài đồng minh truyền thống Hoa Kỳ để ngăn chặn đà bành trướng và các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt trong vùng biển Hoa Đông có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

    Trong một thông cáo ra hôm nay, Hải Quân Nhật nhấn mạnh mục đích của cuộc tập trận lần này là nhằm « nâng cao khả năng bảo vệ các đảo » của Nhật Bản.

    Nhật Bản đã tham gia vào Bộ Tứ - QUAD với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc để đối phó với Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái bình Dương. Pháp là nước có nhiều lợi ích chiến lược trong vùng, thời gian gần đây đã xích gần lại với các đối tác trên. Anh cũng ngỏ ý muốn mở rộng sự hiện diện trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bên cạnh các đồng minh.

    Indonesia đổi tên một phần Biển Đông ngay trước khi tập trận cùng Trung Quốc

    Ngay trước khi tập trận cùng Trung Quốc một ngày, Indonesia đã đổi tên vùng phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông thành Biển Bắc Natuna vào thứ Sáu (ngày 7/5), như một hành động phản kháng mới nhất của các quốc gia Đông Nam Á đối với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực hàng hải, trang Oman Observer cho hay.

    Các nhà phân tích coi đây là sự khẳng định chủ quyền của Indonesia, khi một phần của vùng biển đổi tên được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo ranh giới biển gây tranh cãi, được gọi là ‘đường chín đoạn’, bao gồm hầu hết vùng biển giàu tài nguyên.

    Một số quốc gia Đông Nam Á tranh chấp yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và đang cạnh tranh với Trung Quốc để khai thác nguồn hydrocacbon và đánh bắt phong phú của Biển Đông. Trung Quốc đã nâng cao phản đối bằng cách triển khai các tài sản quân sự trên các đảo nhân tạo được xây dựng trên các bãi cạn và đá ngầm ở những vùng biển có tranh chấp.

    Indonesia khẳng định họ là một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông nhưng đã xung đột với Trung Quốc về quyền đánh bắt xung quanh quần đảo Natuna, bắt giữ ngư dân Trung Quốc và mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực này trong 18 tháng qua.

    Tiết lộ bản đồ chính thức mới, Thứ trưởng phụ trách vấn đề chủ quyền hàng hải của Bộ Hàng hải Indonesia, Arif Havas Oegroseno, lưu ý rằng phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của nó là nơi hoạt động dầu khí.

    Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn cập nhật về việc chúng tôi đã đặt một cái tên mới phù hợp với thông lệ: Biển Bắc Natuna”.

    Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết ông không biết gì về chi tiết của vấn đề, nhưng cho biết tên gọi Biển Đông đã được quốc tế công nhận rộng rãi và giới hạn địa lý rõ ràng.

    Ông này nói trong một cuộc họp bào hàng ngày: “Cái gọi là đổi tên của một số quốc gia là hoàn toàn vô nghĩa. Chúng tôi hy vọng quốc gia liên quan có thể thỏa hiệp được với Trung Quốc và duy trì tình hình tốt đẹp hiện tại ở miền Nam. Khu vực Biển Trung Quốc, vốn không hề dễ dàng”.

    Andi Arsana, một chuyên gia về Luật Biển từ Đại học Gadjah Mada của Indonesia, cho biết việc đổi tên không mang tính pháp lý mà chỉ là một tuyên bố chính trị và ngoại giao.

    Ông nói: “Đây sẽ được coi là một bước tiến lớn của Indonesia để tuyên bố chủ quyền của mình. Nó sẽ gửi một thông điệp rõ ràng, cho cả người dân Indonesia và nói về mặt ngoại giao”.

    Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, cho biết hành động của Indonesia kéo theo sự phản kháng mới đối với các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc của các quốc gia Đông Nam Á khác. “Điều này sẽ được chú ý ở Bắc Kinh,” ông nói.

    Úc sắp công bố dự thảo ngân sách, tăng mạnh chi tiêu


    Bộ trưởng tài chính Úc, Josh Frydenberg, hôm nay sẽ cảm thấy rất hài lòng khi ông công bố dự thảo ngân sách. Ít ai nghĩ nền kinh tế sẽ có phong độ tốt như vậy. So với nhiều nước, Úc hiện đã vượt qua đại dịch. GDP chỉ giảm 2,4% trong năm ngoái, bằng một nửa mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến. Cả việc đóng cửa với du khách và chấm dứt chương trình trợ cấp tiền lương khổng lồ đều không thể ngăn đà phục hồi của nước này.

    Nhưng bầu cử đang đến gần, vì vậy các chính khách vẫn muốn chi tiêu. Ông Frydenberg dự kiến sẽ vung ra 10 tỷ đô la Úc (7,9 tỷ đô la Mỹ) cho một hệ thống chăm sóc người cao tuổi đầy tai tiếng, với các báo cáo về tình trạng suy dinh dưỡng và lạm dụng. Ông cũng sẽ đính kèm những món quà cho phụ nữ để được họ ủng hộ, sau khi phụ nữ dao động bởi các cáo buộc lạm dụng tình dục trong Đảng Tự do của ông. Dù vậy các ứng viên đảng ông vẫn có cơ hội tốt. Một phần là do may mắn — giá quặng sắt, mà Úc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, đang cao kỷ lục.

    Philippines lệ thuộc vắc-xin Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng Biển Đông

    193.000 liều vắc-xin Pfizer đến Philippines vào hôm qua là một cuộc cứu trợ đáng hoan nghênh. Sau khi đã lệ thuộc vào Trung Quốc để có 5 triệu trên 7,76 triệu liều vắc-xin đã phân phối cho đến nay, chính phủ Philippines sẽ hài lòng vì bớt phụ thuộc vào gã khổng lồ trong khu vực.

    Các chính trị gia Philippines đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc lấn chiếm các vùng biển trên Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Trong những năm gần đây tổng thống Rodrigo Duterte đã đồng ý không lên tiếng, miễn là Trung Quốc ngưng bành trướng. Nhưng khi Trung Quốc lấn chiếm trở lại trong năm nay, ông Duterte đã cho phép các thuộc cấp của mình phản đối dữ dội, giữa lúc nước này đang phụ thuộc vào vắc-xin Trung Quốc.

    Mối quan hệ gay gắt khiến việc dựa vào vắc-xin Trung Quốc trở nên rủi ro. Philippines có 110 triệu dân, vì thế trừ khi họ mua được nhiều liều hơn từ các nước khác, họ vẫn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Có lẽ các cấp dưới của ông Duterte sẽ phải tiếp tục im lặng.

    Nhiều bang Mỹ cho phép mang súng không phép


    Kể từ ngày 5 tháng 5, cư dân Utah từ 21 tuổi trở lên có thể mang theo một khẩu súng ngắn giấu kín đến nơi công cộng mà không cần xin giấy phép. Đây là bang mới nhất luật hoá “mang súng không phép.” Bốn tiểu bang khác cũng đã thông qua luật tương tự. Và 5 bang khác đang xem xét các dự luật tương tự, bao gồm Texas, nơi một dự luật vừa được Thượng viện bang thông qua sát nút vào tuần trước có khả năng sớm trở thành luật.

    Tới cuối năm nay, một phần ba người Mỹ có thể đang sống ở các bang cho phép mang súng không phép. Phe ủng hộ nói có nhiều “người tốt có súng” sẽ giúp ngăn chặn “kẻ xấu có súng”. Trong khi phe phản đối, bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật (cảnh sát), lo ngại — nếu không được huấn luyện, kiểm tra lý lịch và cấp phép — việc mang súng không phép sẽ gây mất an toàn công cộng. Hiện doanh số bán súng đang ở mức cao nhất mọi thời đại ở Mỹ, trong khi tội phạm bạo lực gia tăng và các vụ xả súng hàng loạt diễn ra phổ biến. Nhưng với việc liên bang bất lực, các bang đang áp dụng luật cho riêng mình.

    Thiết quân luật gây lo ngại ở Congo


    Khi Felix Tshisekedi, tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, nghe thấy điều mà ông gọi là “tiếng kêu đau khổ” ở các tỉnh miền đông Bắc Kivu và Ituri vốn bị tàn phá bởi chiến tranh, phản ứng gây tranh cãi của ông là áp đặt chế độ kiểm soát quân sự trong một tháng, bắt đầu từ thứ Năm tuần trước.

    Ông Tshisekedi đã giao cho hai cựu phiến quân có quá khứ đẫm máu mỗi người một tỉnh để cai quản. Trung tướng Constant Ndima, người sẽ điều hành Bắc Kivu, đặc biệt khét tiếng. Hồi năm 2002 và 2003, ông đã lãnh đạo một lực lượng dân quân trong một chiến dịch được gọi là “Xóa sạch”. Những người lính của ông bị cáo buộc giết, hãm hiếp, cắt xẻo và ăn thịt các thành viên của hai bộ tộc đối địch. Ông Ndima chưa bao giờ bình luận về các cáo buộc.

    Quân đội bất hảo của Congo, vốn đã tiếp nhận hàng nghìn cựu phiến quân, thường là nguyên nhân gây ra thảm họa cho đất nước hơn là giúp giải quyết chúng. Hơn 5 triệu người Congo phải di dời trong nước, phần lớn là do bạo lực. Thiết quân luật, vốn trao quyền cho binh lính trong việc hạn chế di chuyển của người dân và truy tố dân thường, sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng đau khổ của họ.

    Cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh kêu gọi tấn công bằng hỏa tiễn vào Úc nếu nước này hỗ trợ Đài Loan


    Hoàn Cầu thời báo, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã kêu gọi Bắc Kinh lên kế hoạch tấn công tên lửa nhằm vào Australia nếu quân đội nước này hỗ trợ Đài Loan, The Epochtimes cho hay.

    Thông điệp này – xuất hiện trong một bài báo do Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến đưa ra hôm 7/5, sau khi Chính phủ Trung Quốc “đình chỉ vô thời hạn” các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao với Australia.

    Ông Hồ Tích Tiến viết: “Cho rằng diều hâu Úc tiếp tục cường điệu hoặc ám chỉ rằng Úc sẽ hỗ trợ quân đội Mỹ và tham gia chiến tranh khi xung đột quân sự nổ ra ở eo biển Đài Loan, và các phương tiện truyền thông của Úc đã tích cực quảng bá tình cảm này. Tôi đề nghị Trung Quốc lên kế hoạch áp đặt trừng phạt trả đũa đối với Australia, một khi nước này can thiệp quân sự vào tình hình hai eo biển.”

    Ông nói thêm: “Kế hoạch nên bao gồm các cuộc tấn công tầm xa vào các cơ sở quân sự, và các cơ sở quan trọng có liên quan trên đất Úc, nếu nước này thực sự gửi quân đến các khu vực ngoài khơi của Trung Quốc và chiến đấu chống lại Quân đội Giải phóng Nhân dân.

    Hồ Tích Tiến còn cho rằng: “Trung Quốc có khả năng sản xuất mạnh mẽ, bao gồm sản xuất thêm các tên lửa tầm xa với đầu đạn thông thường nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Australia khi tình hình trở nên căng thẳng”.

    Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu được đưa ra sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đình chỉ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc-Australia, động thái được xem là trả đũa khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường được ký giữa bang Victoria và phía Trung Quốc.

    Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc hủy bỏ Đối thoại Kinh tế Chiến lược sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Australia, đặc biệt là khi các cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng và người đồng cấp Trung Quốc đã bị đóng băng kể từ tháng 4/2020.

    Hơn nữa, các nhà xuất khẩu Úc đang bận rộn rút lui khỏi thị trường Trung Quốc để tránh tiếp xúc với các hành động ép buộc kinh tế từ Bắc Kinh.

    Tháng trước, Giám đốc Sở Nội vụ Úc Mike Pezzullo cảnh báo nước này phải mạnh mẽ và chuẩn bị, nói rằng “tiếng trống chiến tranh” đang gióng lên trong khu vực.

    Joseph Siracusa, trợ giảng về lịch sử ngoại giao quốc tế tại Đại học Curtin, gọi Thời báo Hoàn cầu là “mối đe dọa bạo lực thể chất” đối với Úc, và cho biết chính phủ liên bang cần yêu cầu một lời xin lỗi hoặc có khả năng đuổi đại sứ Trung Quốc.

    Ông Siracusa nói với The Epoch Times: “Điều này không phải do ai đó viết trong tháp ngà, hay tòa nhà kính lớn nào đó ở Bắc Kinh. Nó được viết bởi một người nào đó trên mặt đất, và sau đó họ chuyển bản thảo cho họ, và sau đó được chấp thuận, ”, ông Siracusa lưu ý rằng Thời báo Hoàn cầu không phải là một tờ báo chỉ có những biên tập viên gian dối, mà là đại diện của lãnh đạo ĐCSTQ.

    Theo ông Siracusa, Chính phủ Úc nên yêu cầu hoặc gọi đại sứ Trung Quốc đến văn phòng ngoại trưởng để giải thích. Sau đó, yêu cầu ông ta từ chối nó. Và nếu ông ta không làm vậy, hãy cho ông ta 48 giờ để rời khỏi đất nước.

    Ông nói: “Chúng ta sẽ không đóng cửa Đại sứ quán, những gì chúng ta sẽ làm là chúng ta sẽ tống cổ đại sứ TQ ra khỏi đất nước. Tôi nghĩ ông ấy là người đã dàn dựng chiến dịch căm thù chống lại Australia. Không nghi ngờ gì trong tâm trí tôi”.

    Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye là người đi đầu trong chính sách ngoại giao “chiến binh sói” của Bắc Kinh chống lại Australia, và đưa ra những lời đe dọa trả đũa ban đầu vào năm ngoái để đáp lại lời kêu gọi của chính phủ về một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.

    Chống Donald Trump, sự nghiệp bà Liz Cheney đang vào hồi kết


    Trên trang nhất 20 Minutes đăng ảnh cựu tổng thống Donald Trump đang vung hai nắm đấm với dòng tựa « Nốc-ao ở đảng Cộng Hòa ». Ông Trump áp đặt luật lệ của mình trong đảng, với mục tiêu quay lại Nhà Trắng. Tuy vẫn không được sử dụng Facebook và Twitter, nhưng ảnh hưởng của Donald Trump không hề sút giảm nơi đảng Cộng Hòa. Ông đang vận động để hạ bệ Liz Cheney, người đang giữ vị trí thứ ba trong đảng và từng bỏ phiếu truất phế ông.

    Sự nghiệp con gái cựu phó tổng thống Dick Cheney sắp đến hồi kết, trong cuộc bỏ phiếu của nhóm Cộng Hòa nhằm hất bà Liz Cheney ra khỏi vị trí hiện nay ở Hạ Viện tuần này. Donald Trump tung ra những thông cáo báo chí « chết người » như « Liz Cheney là một kẻ ngốc hung hăng, chẳng có gì để làm trong hệ thống đảng Cộng Hòa ». Cựu tổng thống kêu gọi bầu cho đại diện New York, Elise Stefanik, một người trung thành với ông Trump.

    Các dân biểu Cộng Hòa không có sự chọn lựa : Donald Trump vẫn là nhân vật được cử tri yêu mến nhất, nên những ai không ủng hộ ông coi như chống lại ông. Các thủ lãnh Cộng Hòa ở Hạ Viện, Kevin McKathy (nhân vật số 1) và Steve Scalise (số 2) khẳng định Liz Cheney không còn được người nào trong nhóm ủng hộ. Bà không chịu hạ vũ khí, nhưng hầu như chỉ còn có thượng nghị sĩ Mitt Romney – bản thân ông này cũng bị cử tri Cộng Hòa ở bang Utah phản đối – hoan nghênh « sự can đảm » của bà.

    FBI cáo buộc tin tặc từ Nga tấn công hệ thống ống dẫn dầu, Joe Biden tỏ thái độ thận trọng

    Đại sứ Nga tại Mỹ hôm nay, 11/05/2021, bác bỏ cáo buộc cho rằng Matxcơva có liên can trong vụ tấn công tin học làm tê liệt một số đường ống dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ. Trên mạng Facebook, chính quyền Matxcơva cho đấy là « những lời bịa đặt vô căn cứ từ một số nhà báo ».

    Về phần mình, tổng thống Mỹ Joe Biden, phát biểu trước giới báo chí, một mặt khẳng định, việc phục hồi hoạt động của mạng lưới ống dẫn của Colonial Pipeline là một ưu tiên. Mặt khác, ông tỏ ra thận trọng : Tuy quy trách nhiệm cho một nhóm tội phạm ở Nga, nhưng không trực tiếp các buộc điện Kremlin là tác giả của vụ tấn công tin học này.

    Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :


    "Joe Biden tuyên bố : « Các cơ quan liên bang đã nhanh chóng hành động nhằm giảm thiểu tác động đối với việc cung ứng nhiên liệu ». Tuy chưa đến mức bị khan hiếm, nhưng tổng thống Mỹ đã ra lệnh dỡ bỏ những hạn chế thường được áp dụng nghiêm ngặt đối với việc lưu thông các xe bồn chở nhiên liệu.

    Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khẳng định là các tin tặc đã hành động từ lãnh thổ Nga, nhưng Joe Biden, trong tháng tới phải gặp Vladimir Putin, tỏ ra cẩn trọng về việc cáo buộc chính quyền Nga.

    Ông nói : « Cho tới hiện tại chưa có thông tin nào từ các cơ quan tình báo nói rằng Nga có can dự, ngay cả khi có bằng chứng là tin tặc đã hành động từ Nga. Các cơ quan tình báo có trách nhiệm xử lý vấn đề này ».

    Hệ thống ống dẫn bị tê liệt do tin tặc tấn công, bình thường mỗi ngày vận chuyển hơn 2,5 triệu thùng xăng, dầu diesel và xăng máy bay, đến các trạm bán xăng dầu và các sân bay của 17 bang. Tập đoàn Colonial Pipeline cho biết muốn mở lại hoạt động của hệ thống ống dẫn này từ đây đến cuối tuần".

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào