Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 10 tháng 5 năm 2021

    Covid-19 : Thái Lan lo ngại làn sóng dịch thứ ba
    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 10 tháng 5 năm 2021

    Một số nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Thái Lan, đang phải đối mặt với một làn sóng dịch mới, căng thẳng hơn những lần trước. Từ ngày 14/04/2021, Thái Lan ghi nhận trung bình vài nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Đợt dịch thứ ba được cho là phức tạp hơn do có biến thể Anh của virus corona. Dù số người nhiễm và chết vì Covid-19 không cao như ở châu Âu, nhưng người dân lo ngại Thái Lan không có phương tiện để đối phó.

    Thông tín viên Carol Isoux tường trình từ Bangkok :

    « Thêm hơn 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Thái Lan chưa bao giờ chứng kiến tốc độ lây nhiễm virus corona tăng mạnh như vậy, trong khi ngay từ đầu cuộc khủng hoảng dịch tễ, quốc gia Đông Nam Á này đã chọn phương pháp cách ly : đóng cửa biên giới, buộc tất cả những người nhập cảnh phải đi cách ly nghiêm ngặt …

    Vì tin vào thành công, chính phủ hiện nay lại không tập trung vào việc tiêm chủng. Thái Lan còn chưa có chương trình cụ thể, chỉ có khoảng vài chục nghìn người lựa chọn theo diện ưu tiên đã được tiêm.

    Kết quả là một làn gió lo ngại và bất bình đang thổi qua Thái Lan. Người dân được khuyến cáo tránh di chuyển giữa các vùng, các tụ điểm công cộng phải đóng cửa, trong đó có trường học - đây cũng là những cơ sở đầu tiên phải đóng cửa mỗi khi có nguy cơ dịch tái bùng phát, sự hỗ trợ trong gia đình giúp trông con cái không được coi là một vấn đề lớn.

    Các quán bar, nhà hàng và những tụ điểm giải trí về đêm, bị coi là chịu trách nhiệm về làn sóng thứ ba này, sẽ phải đóng cửa trong vòng ít nhất một tuần ».

    Trang web Toute la Thailande (của cộng đồng Pháp ngữ ở Thái Lan) trích phát biểu của chủ tịch Hiệp hội Thương Mại Thái Lan, ông Sanan Angubolkul, cho rằng nếu tình hình không được cải thiện trong 7 đến 10 ngày tới, chính phủ buộc phải đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt hơn, như từng áp dụng trong đợt dịch lần thứ nhất vào năm 2020. Những biện pháp này sẽ khiến Thái Lan thiệt hại từ 200 đến 300 trỉ bath hàng tháng và sẽ làm giảm mức tăng trưởng trong quý 2/2021.

    Trung Quốc và Indonesia mở đợt tập trận hải quân chung


    Chủ Nhật, 09/05/2021, Bắc Kinh loan báo hải quân Trung Quốc và Indonesia đã có các cuộc tập trận hải quân chung ngoài khơi Jakarta. Chương trình hợp tác quân sự này diễn ra sau việc Trung Quốc tuần rồi cử ba tầu chiến tới giúp tìm kiếm tầu ngầm Indonesia bị chìm hồi tháng 4/2021.

    Trang mạng South China Morning Post, dẫn lời một quan chức bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết, cuộc tập trận, được thực hiện hôm thứ Bảy 08/05/2021, là một phần trong chương trình huấn luyện hàng năm của hải quân Trung Quốc.

    Các tầu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Liễu Châu (Liuzhou) và Túc Thiên (Suqian) của Trung Quốc, cùng với các khu trục tên lửa KRI Harun và Halasan của Indonesia đã tiến hành các bài diễn tập thông tin liên lạc, hoạt động tìm kiếm cứu nạn và diễn tập đội hình.

    Theo phía Trung Quốc, cuộc tập trận này « sẽ giúp cải thiện khả năng phối hợp giữa các tầu chiến, nâng cao khả năng chuyên nghiệp trao đổi thông tin, tăng cường sự tin cậy, hợp tác lẫn nhau và cùng thể hiện các hành động thiết thực để bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực ».

    Cuộc tập trận này diễn ra một tuần sau khi Bắc Kinh gởi ba tầu cứu hộ, trong đó có một tầu lặn tự hành có khả năng xuống sâu hơn 10.000 mét để giúp trục vớt tầu ngầm Indonesia bị chìm hồi cuối tháng Tư làm thiệt mạng 53 thủy thủ.

    Nhật báo Hồng Kông lưu ý, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia công tác cứu hộ tầu ngầm quốc tế. Giới quan sát cho rằng hoạt động này sẽ giúp cho quân đội Trung Quốc có thêm những kinh nghiệm quý giá, dù rằng sự tham gia của Trung Quốc khiến Indonesia và phương Tây nghi ngờ ý định thật sự của Bắc Kinh.

    Jakarta tuy không có những tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc và Indonesia lại có những xung đột về quyền đánh bắt cá gần quần đảo Natuna ở Biển Đông. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố có quyền lịch sử đánh bắt lâu đời tại Natuna nhưng thuộc quyền quản lý của Jakarta.

    Bộ trưởng Thương mại: Mỹ ‘còn lâu nữa mới hồi phục’


    Nhiều người Mỹ vẫn chật vật trở lại làm việc sau đại dịch COVID-19 và con số việc làm thấp hơn dự kiến công bố hồi tuần trước đã cho thấy điều đó, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết hôm 9/5.

    “Tôi nghĩ chúng ta còn lâu mới phục hồi sau đại dịch”, bà Raimondo nói trên chương trình “Face the Nation” của kênh CBS.

    Bà nói thêm rằng “có rất nhiều người Mỹ vẫn đang gặp khó khăn” và hiện có 8 triệu việc làm ít hơn so với trước đại dịch.

    Tăng trưởng việc làm của Mỹ bất ngờ chậm lại vào tháng trước, và lý do có thể là vì tình trạng thiếu nhân công và nguyên liệu thô.

    “Chúng tôi đang có những bước đi táo bạo, nhưng còn một chặng đường dài phía trước và chúng tôi phải tìm cách giúp người Mỹ tìm việc làm”, bà Raimondo nói về những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden, một đảng viên Đảng Dân chủ, nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

    Bà nói thêm rằng phụ nữ là nhóm bị tác động nặng nề vì đại dịch vì nhiều người làm việc trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm các công việc dịch vụ đòi hỏi ít kỹ năng hơn. Thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng cũng ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ, và việc các trường học đóng cửa khiến cho sự lựa chọn việc làm của họ bị hạn chế hơn nữa.

    Bà Raimondo tuần trước cho biết rằng sự thiếu hụt chất bán dẫn cũng là một yếu tố trong báo cáo việc làm tháng Tư và hôm 9/5, bà nói rằng bà đang tập trung vào việc tìm cách sản xuất chúng ở Hoa Kỳ để tránh sự gián đoạn nguồn cung tương tự trong tương lai.

    Nữ Bộ trưởng Thương mại nói rằng gói việc làm của ông Biden đề xuất đầu tư 50 tỷ đôla vào chuỗi cung ứng để giúp đất nước ít bị tổn thương hơn.

    Modi họp trực tuyến với các lãnh đạo EU

    Hôm thứ Bảy, Narendra Modi đã xuất hiện online tại hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra ở Bồ Đào Nha. Ấn Độ và EU, tự phong cho mình là “hai nền dân chủ lớn nhất thế giới”, đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ tám năm trước. Hai gã khổng lồ cũng đang hợp lực để phản kháng lại vai trò đang lên của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu, và cùng nhau đối phó biến đổi khí hậu.

    Tuy nhiên, bóng ma covid-19 ở Ấn Độ làm lu mờ mọi thứ khác. Đợt lây lan kinh hoàng ở nước này tiếp tục xô đổ kỷ lục mới vào Chủ nhật, với 400.000 ca mới trong ngày thứ tư liên tiếp và gần 4.100 người chết. Và các số liệu thống kê hàng ngày như vậy không hề phản ánh đủ quy mô thực tế của cuộc khủng hoảng. Một điều nổi bật là ông Modi chẳng có nỗ lực rõ ràng nào của riêng ông. Đã nhiều ngày trôi qua mà ông không hề phát biểu. Bạn bè cũng như kẻ thù đều tự hỏi vì sao ông im lặng kỳ lạ.

    Trung Quốc đẩy mạnh năng lượng sạch

    Hôm nay, Tổng công ty Tam Hiệp Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước vận hành đập thủy điện lớn nhất thế giới tính theo công suất lắp đặt, sẽ bắt đầu bán cổ phần trong công ty con về năng lượng mặt trời và gió của họ. Số tiền thu được, có thể đạt 22,5 tỷ nhân dân tệ (3,5 tỷ USD), sẽ giúp tài trợ cho 7 dự án điện gió ngoài khơi mới khi công ty chuẩn bị niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

    Vụ chào bán công khai sẽ diễn ra sau một năm đột phá về năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Trong năm 2020, nước này lắp đặt các nguồn năng lượng xanh với công suất gấp gần hai lần so với năm 2019; và vào tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ có mức carbon bằng 0 từ năm 2060. Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như không thể tự cai nghiện nhiên liệu hóa thạch: lượng điện than của họ trong năm ngoái cao gấp ba lần so với phần còn lại của thế giới.

    Lễ kỷ niệm Ngày Jerusalem diễn ra trong căng thẳng

    Ngày Jerusalem luôn là một vấn đề căng thẳng. Israel kỷ niệm nó như một ngày đánh dấu thống nhất thành phố; trong khi người Palestine coi cuộc tuần hành hàng năm của người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc là một sự khiêu khích. Nhưng bầu không khí năm nay tồi tệ hơn bình thường, sau cuộc biểu tình cuối tuần qua khiến gần 300 người Palestine và hơn một chục cảnh sát bị thương. Khi ấy hàng chục nghìn tín đồ đã tề tựu về nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa vào thứ Bảy, đêm linh thiêng nhất của tháng Ramadan. Nhưng cảnh sát đã chặn các đoàn xe buýt chở người Hồi giáo trên đường đến, viện dẫn tình trạng bất ổn ở quận Sheikh Jarrah lân cận. Từ đó, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, ngay trước thềm phán quyết sắp tới của tòa án về việc các gia đình Palestine có thể bị đuổi đi để nhường chỗ cho người Do Thái định cư hay không.

    Xung đột có thể sớm lan sang các khu vực đang căng thẳng khác, chẳng hạn như Gaza. Cả thủ tướng Israel và tổng thống Palestine đều không có động thái dẫn dắt nào. Trong bối cảnh một cuộc biểu tình khác có thể diễn ra trong hôm nay, Jerusalem đang trên bờ vực hỗn loạn.

    Lãnh đạo Argentina chia nhau đi xin hoãn nợ

    Alberto Fernández, vị tổng thống đang gặp khó khăn của Argentina, công du châu Âu trong tuần này. Ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha để xin gia hạn thời gian trả các khoản nợ khổng lồ của Argentina. Dưới thời ông Fernández đang ngày càng mất lòng dân chúng, Argentina đang nợ Câu lạc bộ Paris, một nhóm các nhà cho vay chính phủ, 2,4 tỷ đô la, bên cạnh khoản nợ kỷ lục 45 tỷ đô la của IMF. Ông Fernández nói tình hình hiện tại – tức đại dịch – không thể giúp trả được nợ.

    Ông sẽ thỉnh cầu với công dân thánh thiện nhất của đất nước mình, Giáo hoàng Francis. Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Martín Guzmán, cũng sẽ đến thăm Vatican, nhằm vận động hành lang giám đốc IMF Kristalina Georgieva, trước khi cả hai cùng tham dự hội thảo với Giáo hoàng. Các chính trị gia đang lo lắng trước chỉ số lạm phát hàng tháng của Argentina, được công bố vào thứ Năm, theo đó sẽ cho thấy lạm phát đạt mức 50% trong năm nay. Con số đó gần gấp đôi mục tiêu của chính phủ, và là một cơn đau đầu nữa cho ông Fernández.

    Pfizer và Moderna dự tính doanh thu 2021 từ vaccine COVID là 26 tỷ USD và 19.2 tỷ USD


    Pfizer và Moderna, hai hãng dược sử dụng công nghệ m-RNA cho vắc-xin COVID-19, khả năng sẽ phá vỡ kỷ lục doanh thu cao nhất trong một năm của thuốc Lipitor của Pfizer dùng trong điều trị bệnh tim mạnh. Loại thuốc giảm chất béo gây xơ cứng động mạch này – hiện đã hết thời gian bảo hộ bằng sáng chế – đã từng mang lại doanh thu gần 13 tỷ USD cho Pfizer trong năm 2016.

    Pfizer đưa ra dự đoán doanh thu bán vắc-xin vào thời điểm chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ những nỗ lực do các nước như Ấn Độ và Nam Phi đề xướng nhằm làm cho vắc-xin COVID-19 có thể đến được các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua việc các hãng dược chủ quản từ bỏ bằng sáng chế với các vắc-xin này và tiến hành chuyển giao công nghệ.

    Đầu năm nay Pfizer ước tính doanh thu vắc-xin BNT162b2 ngừa COVID-19 của họ hợp tác sản xuất cùng BioNTech là 15 tỷ USD. Nhưng gần đây hãng dược này đã sửa lại dự báo và tăng ước tính doanh thu từ vắc-xin COVID-19 lên 26 tỷ USD trong tổng doanh thu dự kiến năm 2021 của công ty này là từ 70,5 tỷ USD đến 72,5 tỷ USD. Pfizer đưa ra dự báo doanh thu này là dựa trên ước tính họ sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1,6 tỷ liều vắc-xin BNT162b2 theo các hợp đồng đã ký kết cho đến tháng 4/2021. Trong quý I năm nay, vắc-xin COVID-19 đóng góp 3,5 tỷ USD doanh thu cho Pfizer.

    Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Pfizer, Tiến sĩ Albert Bourla nói trong thông báo về kết quả kinh doanh quý I rằng: “Chúng tôi đã đạt được những cột mốc về điều trị, pháp lý và thương mại quan trọng trong tất cả các danh mục sản phẩm của chúng tôi, đồng thời cũng tiếp tục tăng năng lực cung cấp các liều vắc-xin COVID-19 cực kỳ cấp thiết cho thế giới”.

    Pfizer hiện đã cam kết tổng cộng 600 triệu liệu vắc-xin BNT162b2 với Liên minh châu Âu và 300 triệu liều với Mỹ. Tính đến ngày 3/5, Pfizer đã vận chuyển được khoảng 430 triệu liều vắc-xin BNT162b2 tới 91 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hơn nữa, Pfizer và BioNTech đã tham gia vào một thỏa thuận với Israel để cung cấp hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 trong năm 2022 với tùy chọn mua thêm hàng triệu liều nữa.

    Pfizer cũng đã ký thỏa thuận với Canada để cung cấp 125 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong năm 2022 và 2023, với các tùy chọn mua thêm 60 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong năm 2024. Pfizer hiện tại đang đàm các hợp đồng tương tự với nhiều quốc gia khác.

    Trong khi đó, Moderna cho biết họ đã tăng mức dự đoán cung ứng lên khoảng từ 800 triệu đến 1 tỷ liều vắc-xin COVID-19 trong năm 2021 và đang tiến hành đầu tư để tăng cung ứng vắc-xin COVID-19 cho toàn cầu lên tới 3 tỷ liều vào năm 2022.

    Thu nhập ròng của Moderna trong ba tháng đầu của năm 2021 là 1,2 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập 124 triệu USD vào cùng kỳ năm 2020. Moderna hiện đã ký được các Thỏa thuận Bán Trước (APA) vắc-xin COVID-19, giao hàng trong năm 2021 với doanh số dự tính là 19,2 tỷ USD. Doanh thu này đã gồm các hợp đồng thực hiện trong quý I năm nay.

    Giám đốc điều hành Moderna, ông Stephane Bancel cho biết: “Đây là quý lợi nhuận đầu tiên trong lịch sử công ty chúng tôi sau 10 năm sáng tạo khoa học và đầu tư nhiều tỷ USD để biến nền tảng công nghệ mRNA của chúng tôi thành hiện thực”.

    Moderna hiện đã chuyển được 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho các đối tác và đang cố gắng sản xuất 1 tỷ liều trong năm nay. “Các đối tác mới của chúng tôi, như COVAX, đăng ký 466 triệu liều trong năm 2022, cộng với các cuộc thảo luận với các chính phủ tại châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh, khiến chúng tôi tin rằng tổng cộng các thỏa thuận bán trước của chúng tôi cho năm 2022 sẽ cao hơn các thỏa thuận tương tự trong năm 2021”, Moderna cho biết.

    Nhà thơ Myanmar tử vong sau khi bị giam giữ


    Nhà thơ Myanmar Khet Thi, người có tác phẩm phản đối chính quyền quân sự, đã chết trong trại giam và thi thể của ông được trả lại với nội tạng bị cắt bỏ, gia đình của ông cho biết hôm 9/5, theo Nikkei.

    Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận về cái chết của Khet Thi, người đã viết những câu thơ:

    “Họ bắn vào đầu,
    Cách mạng ở trong tim,
    Họ không biết điều đó”.

    Facebook của nhà thơ này cho biết, ông ra đi ở tuổi 45.

    Vợ của nhà thơ Khet Thi, cô Chaw Su, nói rằng hai vợ chồng cô đã bị lính vũ trang và cảnh sát đưa đi thẩm vấn hôm 8 tháng 5.

    Cô Su nói với BBC: “Tôi đã bị thẩm vấn. Anh ấy cũng vậy. Họ nói rằng anh ấy đang ở trung tâm thẩm vấn. Nhưng anh ấy không quay lại mà chỉ có thi thể của anh ấy”.

    Cô nói thêm: “Họ gọi cho tôi vào buổi sáng và bảo tôi gặp anh ấy tại bệnh viện ở Monywa. Tôi nghĩ chỉ là do gãy tay hay gì đó … Nhưng khi tôi đến đây, anh ấy đã ở nhà xác và nội tạng của anh ấy đã được lấy ra ngoài”.

    Nhắm thẳng ĐCSTQ? Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ sẽ chống lại ‘những kẻ phá hoại trật tự quốc tế’


    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 7/5, rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ phản công mạnh mẽ những kẻ phá hoại trật tự quốc tế.

    Mặc dù ông Blinken không đề cập đích danh ĐCSTQ trong bài phát biểu của mình, nhưng ông cũng chỉ ra rằng một số thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (ám chỉ Trung Quốc) coi thường trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cản trở trách nhiệm giải trình của những người vi phạm luật pháp quốc tế.

    Ông Blinken trước tiên điểm lại lịch sử thành lập Liên hợp quốc trong bài phát biểu của mình. Ông nói rằng sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, cộng đồng quốc tế nói chung tin rằng “chắc chắn sự cạnh tranh sẽ dẫn đến xung đột, và sự trỗi dậy của một quốc gia chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy tàn của các quốc gia khác”. Do đó, Hoa Kỳ và các đồng minh trong Chiến tranh thứ hai đã quyết định tìm một con đường khác và thành lập nhóm “Ngăn chặn xung đột, giảm bớt đau khổ cho con người, bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy đối thoại liên tục”, đồng thời theo đó thành lập Liên hợp quốc để “duy trì và cải thiện trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc tất cả cùng có lợi”.

    Ông tiếp tục nói rằng trong gần 80 năm qua, Hoa Kỳ và các đồng minh đã rất nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc này. Ông kêu gọi tất cả các nước cùng tuân theo. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ chống lại những hành vi phá hoại trật tự quốc tế, những hành vi giả vờ rằng những quy tắc mà tất cả chúng ta đồng ý là không tồn tại và những hành vi tùy ý vi phạm những trật tự này. Để hệ thống này có thể vận hành bình ổn, tất cả các quốc gia nên tuân theo nó và làm việc chăm chỉ để đạt được thành công”.

    Do đó, ông yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc “thực hiện các cam kết của họ, đặc biệt là các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý, bao gồm các hiệp ước, công ước, Hiến chương Liên hợp quốc, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, luật nhân quyền quốc tế và nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác”.

    Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ kêu gọi các nước tuân thủ trật tự quốc tế này, không phải vì hy vọng trấn áp các nước khác, mà vì nguyên tắc này sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới. Ông nói: “Hãy để tôi nói rõ rằng Hoa Kỳ không có ý định duy trì các trật tự quốc tế dựa trên quy tắc này để đàn áp các quốc gia khác. Trật tự quốc tế mà chúng tôi đã soạn thảo giúp thiết lập và bảo vệ đã sự bình ổn trước những đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là bảo vệ, duy trì và phục hồi trật tự này”.

    Ông tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền và bác bỏ quan điểm cho rằng các vấn đề nhân quyền là công việc nội bộ và là giá trị riêng của mỗi quốc gia. Ông nói: “Nhân quyền và các giá trị phổ quát phải được đặt ở vị trí cốt lõi của trật tự quốc tế. Một số quốc gia cho rằng những gì chính phủ làm ở đất nước của họ là công việc nội bộ của họ và các vấn đề nhân quyền là phụ thuộc vào các giá trị quốc gia.

    Tuy nhiên, “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” đã tuyên bố “bản chất phổ quát” của vấn đề nhân quyền ngay từ đầu, bởi vì tất cả các nước chúng ta đều thừa nhận rằng một số quyền lực là quyền mà mọi người ở bất cứ nơi nào cũng có quyền được hưởng. Nhấn mạnh chủ quyền của quốc gia riêng của một quốc gia không có nghĩa là trao cho một quốc gia quyền bắt làm nô lệ, tra tấn, biến mất, tẩy rửa chủng tộc cho người dân của mình hoặc vi phạm nhân quyền của người khác theo một cách nào đó”.

    Về vấn đề lãnh thổ, ông Blinken nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Ông nói: “Khi một quốc gia cố gắng xác định lại biên giới của một quốc gia khác, hoặc cố gắng sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, hoặc yêu cầu quyền ra lệnh hoặc ép buộc một quốc gia khác đưa ra lựa chọn hoặc quyết định, thì quốc gia đó là không tuân thủ nguyên tắc.

    Khi một quốc gia sử dụng thông tin sai lệch hoặc vũ khí hóa tham nhũng để tấn công một quốc gia khác, phá hoại hệ thống dân chủ và tự do, công bằng của các quốc gia khác hoặc tấn công các nhà báo và những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài, thì chính là không tôn trọng nguyên tắc. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh quốc tế mà Hiến chương Liên hợp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải duy trì”.

    Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Khi các quốc gia thành viên của LHQ, đặc biệt là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ coi thường các quy tắc này và cản trở trách nhiệm giải trình của những người vi phạm luật pháp quốc tế, điều này sẽ gửi đi một thông điệp rằng các quốc gia khác cũng có thể phá vỡ các quy tắc này mà không bị trừng phạt”.

    Các nhà phân tích của tờ Bloomberg tin rằng mặc dù bài phát biểu của Blinken không đề cập đến ĐCSTQ, nhưng tất cả các vấn đề của ĐCSTQ đều được chỉ ra trong từng câu. Mặc dù cuộc họp Hội đồng Bảo an này do Bộ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị chủ trì với tư cách là đại diện chủ tịch luân phiên, tuy nhiên bài phát biểu của ông Blinken đã được đọc ngay sau khi Vương Nghị “thúc giục” Liên Hợp Quốc “tìm kiếm bình đẳng – công lý và không bắt nạt cũng như đoạt quyền bá chủ”.

    Các ngoại trưởng G7 trong thông cáo chung cuối cùng cũng lên án ĐCSTQ đã không thực hiện các cam kết quốc tế bao gồm Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật pháp cơ bản, vi phạm nhân quyền của người dân, của Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và tùy tiện đe dọa các nước khác về mặt kinh tế.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào